Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao nên cai thuốc lá?

Tại sao nên cai thuốc lá?

Tại sao nên cai thuốc lá?

AI MUỐN sống lâu và hạnh phúc thì không nên hút thuốc. Cứ hai người hút thuốc lâu năm thì cuối cùng một người sẽ chết vì thuốc lá. Tổng giám đốc của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nói: “Điếu thuốc lá là... một sản phẩm được chế tạo khéo léo; nó tiết ra một lượng nicotin vừa đủ để giữ người hút nghiện suốt đời trước khi giết người đó”.

Vậy thì một lý do để cai là hút thuốc lá nguy hiểm cho sức khỏe và mạng sống. Việc hút thuốc có liên quan đến hơn 25 chứng bệnh đe dọa mạng sống. Thí dụ, nó là yếu tố lớn gây ra bệnh đau tim, nghẽn mạch máu não, viêm phế quản kinh niên, khí thũng và nhiều loại ung thư, nhất là ung thư phổi.

Đành rằng một người có thể hút thuốc nhiều năm trước khi mắc phải một trong các bệnh này, nhưng trong khi đó, người khác cũng không thích ở gần người hút. Tuy quảng cáo mô tả người hút thuốc là sành điệu và khỏe mạnh, nhưng thực tại thì lại khác. Hút thuốc làm miệng hôi hám, răng và các ngón tay bị ố nâu vàng, góp phần gây bệnh liệt dương ở đàn ông. Nó gây cho người hút chứng ho và thở hổn hển. Mặt người hút thuốc cũng dễ bị nhăn trước tuổi, và có những vấn đề khác về da.

Hút thuốc ảnh hưởng thế nào đến người khác

Kinh Thánh nói: “Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình”. (Ma-thi-ơ 22:39) Tình yêu thương người lân cận—và những người trong gia đình là người lân cận gần bạn nhất—là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy bạn bỏ thuốc.

Hút thuốc làm hại người khác. Cho đến những lúc gần đây, người hút thuốc có thể hút thuốc hầu như ở bất cứ nơi nào mà không ai phản đối. Nhưng thái độ người ta đang thay đổi vì có nhiều người hơn hiểu biết về các mối nguy hiểm gây ra do việc hít thở khói thuốc lá của người khác. Thí dụ, nếu một người không hút thuốc nhưng có người hôn phối hút, thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi của người đó tăng 30 phần trăm, so với trường hợp người đó có người hôn phối không hút. So với những trẻ em sống trong gia đình không ai hút thuốc, thì những trẻ sống với cha mẹ hút thuốc dễ mắc chứng viêm phổi hay viêm phế quản hơn trong hai năm đầu đời sống.

Những phụ nữ hút thuốc trong khi mang thai gây nguy hiểm cho thai nhi. Chất nicotin, cacbon monoxit và các chất hóa học nguy hiểm khác trong khói thuốc lá xâm nhập vào máu và truyền thẳng vào đứa trẻ trong bụng mẹ. Hậu quả là việc sẩy thai, sinh thai chết, và mức tử vong nơi trẻ sơ sinh có tỷ lệ cao hơn bình thường. Ngoài ra, khi người mẹ hút thuốc trong thời kỳ thai nghén thì hội chứng trẻ con chết bất ngờ cao gấp ba lần.

Trả giá cao

Một lý do khác để cai là việc hút thuốc tốn kém. Một cuộc nghiên cứu thực hiện bởi Ngân Hàng Thế Giới ước tính rằng cần khoảng 200 tỷ đô la mỗi năm để trả phí tổn y tế do việc hút thuốc trực tiếp gây ra. Dĩ nhiên, con số đó không nói lên sự khổ sở và đau đớn mà những người mắc bệnh do thuốc lá gây ra phải chịu.

Cái giá trực tiếp của thuốc lá mà cá nhân người hút phải trả rất dễ tính toán. Nếu bạn hút thuốc, thì hãy nhân 365 ngày với số tiền mua thuốc lá mỗi ngày. Con số đó sẽ cho thấy bạn tốn bao nhiêu tiền trong một năm. Nhân con số đó với mười, thì bạn sẽ thấy mình sẽ tiêu bao nhiêu tiền nếu hút thuốc thêm mười năm nữa. Kết quả có thể làm bạn ngạc nhiên. Hãy nghĩ bạn có thể làm bao nhiêu điều khác với số tiền nhiều như thế.

Đổi thuốc có an toàn hơn không?

Ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo loại thuốc có lượng nicotin và nhựa thấp—giới thiệu như loại thuốc nhẹ—xem đó như một cách để giảm các mối nguy cơ về sức khỏe do việc hút thuốc gây ra. Tuy nhiên, những người đổi sang loại thuốc lá có lượng nicotin và nhựa thấp vẫn thèm khát liều lượng nicotin tương đương như trước. Thế là những người đổi loại thuốc thường hút bù bằng cách hút nhiều điếu hơn, hít hơi thuốc sâu hơn và thường hơn, hoặc hút đến hết điếu thuốc . Các lợi ích sức khỏe cũng không được bao nhiêu so với lợi ích của việc cai thuốc hoàn toàn, ngay cả cho những người không tìm cách hút bù.

Còn việc hút ống tẩu và xì gà thì sao? Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá từ lâu đã quảng cáo dọc tẩu và xì gà như đồ dùng của giới sang trọng, nhưng khói thuốc tẩu và xì gà cũng làm chết người như khói thuốc lá. Cho dù không hít khói thuốc tẩu hay xì gà, nguy cơ mắc bệnh ung thư môi, miệng và lưỡi vẫn cao hơn.

Thuốc lá không khói có an toàn không? Loại thuốc này có hai dạng khác nhau: thuốc hít và thuốc nhai. Thuốc hít là loại thuốc bột, thường bán trong túi hay hộp kim loại. Thường thường người dùng thuốc đặt nó bên trong môi dưới hay trong má. Thuốc nhai được bán dưới dạng sợi dài, thường đựng trong bao. Tên thuốc cho thấy rằng thuốc này để nhai chứ không ngậm mút. Cả thuốc hít lẫn thuốc nhai làm miệng hôi hám, khiến răng bị ố, gây ung thư miệng và họng, gây chứng nghiện nicotin và các vết lở trắng trong miệng có thể đưa đến ung thư, làm lợi co lại và xương chung quanh răng sút đi. Rõ ràng, thay thế thuốc hút bằng thuốc nhai hoặc mút không phải là điều khôn ngoan.

Các lợi ích của việc cai thuốc

Giả thử bạn là người hút thuốc lâu năm. Điều gì xảy ra khi bạn bỏ thuốc? Trong vòng 20 phút sau khi hút điếu cuối cùng, huyết áp của bạn sẽ trở lại mức bình thường. Sau một tuần cơ thể bạn không còn chất nicotin nữa. Sau một tháng, bạn sẽ bớt ho, nghẹt mũi, mệt mỏi và thở hổn hển. Sau năm năm nguy cơ chết vì ung thư phổi sụt xuống khoảng 50 phần trăm. Sau 15 năm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành tim sẽ giảm xuống như người chưa bao giờ hút thuốc.

Bạn ăn thấy ngon hơn. Miệng, cơ thể và quần áo bạn sẽ hết mùi hôi hám. Bạn sẽ không tốn công và cũng không tốn tiền mua thuốc lá. Bạn sẽ mãn nguyện với kết quả đã đạt. Nếu có con, thì nhờ gương đó con cái bạn không dễ trở nên người hút thuốc. Rất có thể bạn sẽ sống lâu hơn. Hơn nữa, bạn sẽ hành động hòa hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi lẽ Kinh Thánh nói: “Hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt”. (2 Cô-rinh-tô 7:1) Đừng nghĩ rằng trong trường hợp của bạn việc cai thuốc là quá muộn; bạn bỏ thuốc càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Tại sao khó cai thuốc đến thế

Bỏ thuốc là điều khó làm—ngay cả đối với những người có động cơ thúc đẩy mạnh. Nguyên nhân chính là vì chất nicotin trong thuốc lá là một thứ thuốc có sức gây nghiện rất mạnh. WHO nói: “Trong cuộc xếp hạng tính gây nghiện của các thứ thuốc ảnh hưởng đến trí óc và hành vi con người, chất nicotin được xác định là có sức gây nghiện cao hơn cả hê-rô-in và côcain”. Khác với hê-rô-in và côcain, chất nicotin không sinh ra dấu hiệu say thuốc kịch liệt, vì vậy không dễ lường được đúng mức ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên vì nó gây ra cảm giác hơi đê mê, nên đa số người tiếp tục hút để hưởng đi hưởng lại cảm giác này. Chất nicotin quả thật có biến đổi cảm xúc của bạn; nó có xoa dịu sự lo âu. Tuy thuốc lá xoa dịu sự căng thẳng, nhưng chính sự thèm khát chất nicotin lại gây ra phần nào sự căng thẳng đó.

Cai thuốc lá cũng khó, bởi vì hút thuốc là một hành vi theo thói quen. Ngoài việc nghiện chất nicotin, những người hút thuốc đã có thói quen thường được lặp đi lặp lại, châm lửa và bập điếu thuốc. Một số người nói: ‘Hút thuốc để tay không cảm thấy thừa thãi’. ‘Hút thuốc để giết thời giờ’.

Yếu tố thứ ba khiến khó cai là vì thuốc lá ăn sâu vào đời sống hàng ngày. Ngành công nghiệp thuốc lá chi tiêu gần sáu tỷ đô la mỗi năm vào việc quảng cáo. Những tranh ảnh cổ động mô tả những người hút thuốc là thông minh, khỏe mạnh, năng động và sành điệu. Người ta thường thấy hình họ cưỡi ngựa, bơi lội, chơi quần vợt, hay tham gia vào hoạt động hấp dẫn khác. Phim ảnh và các chương trình truyền hình chiếu cảnh người ta hút thuốc—và những người này không luôn luôn đóng vai kẻ hung ác. Thuốc lá bày bán hợp pháp và sẵn có hầu như khắp nơi. Đa số chúng ta thường thấy người hút thuốc gần bên cạnh. Ta không thể thoát khỏi những ảnh hưởng này.

Buồn thay, không có viên thuốc nào một người có thể uống để khử trừ sự ham muốn hút thuốc, như viên aspirin có thể chữa cơn nhức đầu. Cai thuốc là việc khó khăn; muốn thành công thì một người phải có động cơ. Giống như việc giảm cân, bỏ thuốc đòi hỏi ý chí sắt đá lâu dài. Thành công hay không tùy thuộc nơi người hút thuốc.

[Khung nơi trang 5]

Nghiện sớm

Một cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy rằng 1 trong 4 người trẻ hút thử thuốc lá, cuối cùng bị nghiện. Tỷ lệ này tương đương với mức độ nghiện nơi những người thử dùng côcain và hê-rô-in. Dù rằng 70 phần trăm những thiếu niên hút thuốc hối tiếc mình đã bắt đầu hút, nhưng ít người có thể bỏ thuốc.

[Khung nơi trang 5]

Trong khói thuốc lá có gì?

Khói thuốc chứa chất nhựa, gồm hơn 4.000 hóa chất. Trong số các hóa chất này, người ta biết có 43 chất gây ung thư. Trong số này là xyanua, benzen, rượu methylic, và axetylen (một loại nhiên liệu dùng để đốt đuốc). Khói thuốc cũng chứa nitơ oxit và cacbon monoxit, cả hai đều là hơi độc. Thành phần hoạt hóa chính trong khói thuốc là nicotin, một chất thuốc gây nghiện cao độ.

[Khung nơi trang 6]

Giúp người thân yêu cai thuốc lá

Nếu bạn không hút thuốc nhưng biết thuốc lá nguy hiểm, thì rất có thể bạn cảm thấy nản lòng khi bạn bè và các người thân yêu tiếp tục hút. Bạn có thể làm gì để giúp họ? Mè nheo, năn nỉ, bắt ép và chế nhạo ít khi thành công. Lên mặt quở trách cũng không đắc sách. Những phương kế này có thể gây tổn thương về tình cảm, nên thay vì bỏ thuốc, người hút lại có thể lấy thuốc ra hút để xoa dịu nỗi đau. Vì vậy, hãy cố hiểu: việc cai thuốc khó khăn như thế nào, và đối với một số người việc cai thuốc khó hơn nhiều so với những người khác.

Bạn không thể ép người khác cai thuốc lá. Người hút phải có nghị lực và niềm tin chắc là mình phải cai. Bạn cần tìm ra những cách yêu thương để khuyến khích và ủng hộ ước muốn cai thuốc.

Bạn có thể làm điều đó như thế nào? Vào lúc thuận tiện, bạn có thể bày tỏ tình yêu thương và nói rằng bạn lo lắng về thói quen hút thuốc của người đó. Hãy giải thích rằng bạn sẽ luôn bên cạnh để ủng hộ bất cứ quyết định nào nhằm cai thuốc. Dĩ nhiên, nếu dùng phương pháp này quá nhiều lần, nó sẽ mất đi ý nghĩa và hiệu lực.

Bạn có thể làm gì nếu người thân yêu quyết định cai thuốc? Hãy nhớ rằng người đó có thể có những triệu chứng rút thuốc, gồm có những lúc cáu kỉnh và buồn nản. Nhức đầu và khó ngủ cũng có thể là vấn đề. Hãy nhắc người thân yêu của bạn rằng các triệu chứng này chỉ tạm thời và đó là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thích ứng với trạng thái thăng bằng mới và lành mạnh. Hãy tươi cười và lạc quan. Cho thấy bạn vui mừng vì người thân yêu bỏ thuốc. Trong suốt giai đoạn có triệu chứng rút thuốc, hãy giúp người thân yêu tránh những tình huống căng thẳng có thể đưa đến việc tái phạm.

Nếu có sự tái phạm thì sao? Cố đừng phản ứng quá mức. Hãy có lòng trắc ẩn. Xem tình cảnh như một bài học kinh nghiệm cho cả hai người, điều này làm cho sự cố gắng lần sau rất có thể thành công hơn.

[Hình nơi trang 7]

Ngành công nghiệp thuốc lá chi gần sáu tỷ đô la mỗi năm vào việc quảng cáo