Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có lý do để hy vọng không?

Có lý do để hy vọng không?

Có lý do để hy vọng không?

“Một trở ngại trong các cuộc hôn nhân nhiều gian nan là việc khăng khăng cho rằng tình trạng của họ là vô vọng. Niềm tin này khiến tình thế không thể thay đổi vì đã hủy hoại mọi mong muốn thử nghiệm có tính cách xây dựng”.—BÁC SĨ AARON T. BECK.

HÃY tưởng tượng bạn bị đau đớn và đi bác sĩ để khám bệnh. Tất nhiên bạn lo lắng. Xét cho cùng, sức khỏe bạn​—⁠thậm chí mạng sống bạn​—⁠có thể đang lâm nguy. Nhưng giả sử sau khi khám bệnh, bác sĩ báo tin mừng là bệnh trạng của bạn tuy đáng lo ngại nhưng có thể chữa được. Thật vậy, bác sĩ cho biết nếu chịu khó ăn kiêng và tập thể dục, bạn có thể bình phục hoàn toàn. Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy hết sức nhẹ nhõm và sẵn sàng nghe lời bác sĩ!

Hãy so sánh thí dụ này với đề tài đang bàn luận. Hôn nhân có gây đau khổ cho bạn không? Dĩ nhiên, cuộc hôn nhân nào cũng có vấn đề và sự bất đồng. Bởi vậy việc vợ chồng đôi lúc gặp khó khăn không có nghĩa là hôn nhân bạn thiếu tình yêu. Nhưng nếu tình trạng đau khổ cứ kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm thì sao? Nếu thế, bạn có lý do chính đáng để quan tâm, vì đây là vấn đề đáng lo ngại. Quả thật, phẩm chất hôn nhân có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của đời sống bạn​—⁠và của con cái bạn. Thí dụ, người ta tin rằng sự đau khổ trong hôn nhân có thể là yếu tố chính của một số vấn đề như chứng trầm cảm, năng suất lao động thấp, và con cái học hành kém. Nhưng không phải chỉ có thế. Tín đồ Đấng Christ nhận thức rằng mối quan hệ của họ với người hôn phối có thể ảnh hưởng đến chính quan hệ của họ với Đức Chúa Trời.​—⁠1 Phi-e-rơ 3:7.

Khi có vấn đề giữa bạn và người hôn phối, điều này không có nghĩa là tình trạng vô vọng. Đối diện với thực trạng của hôn nhân​—⁠có nghĩa là sẽ gặp khó khăn​—⁠có thể giúp vợ chồng nhận định đúng đắn vấn đề của mình và tìm giải pháp. Một người chồng tên Isaac nói: “Tôi đã không biết rằng thông thường trong hôn nhân vợ chồng có lúc vui, lúc buồn. Tôi cứ ngỡ chúng tôi có điều gì đó không ổn!”

Dù đã trở nên lạnh nhạt, hôn nhân bạn có thể được cứu vãn. Đành rằng những xáo trộn trong quan hệ vợ chồng có thể gây tổn thương nặng nề, nhất là khi đã kéo dài nhiều năm, nhưng vẫn có lý do vững chắc để hy vọng. Thiện chí giải quyết là nhân tố cốt yếu. Ngay cả khi giữa đôi bên có vấn đề nghiêm trọng trong đời sống, tình trạng vẫn có thể cải thiện, nếu cả hai xem đó là điều quan trọng. *

Vậy hãy tự hỏi: ‘Tôi có thật mong muốn một mối quan hệ thỏa mãn không?’ Bạn và người hôn phối có sẵn sàng gắng sức cải thiện hôn nhân không? Bác sĩ Beck, được nêu trên, nói: “Tôi thường ngạc nhiên khi thấy mối quan hệ xem chừng không mấy tốt đẹp lại có thể được cải thiện khi vợ chồng cùng chung sức sửa đổi các sai sót và củng cố các mặt mạnh trong hôn nhân”. Nhưng nếu người hôn phối ngần ngừ không muốn hợp tác thì sao? Hoặc nếu người đó tỏ vẻ không thấy vấn đề thì sao? Chẳng phải hoài công khi đơn phương cải thiện hôn nhân sao? Chắc chắn không! Bác sĩ Beck nói: “Nếu bạn có vài thay đổi, thì điều này tự nó có thể khiến người hôn phối thay đổi ​—⁠việc này rất thường xảy ra”.

Đừng vội kết luận là điều này không thể xảy ra trong trường hợp bạn. Lối suy nghĩ chủ bại này tự nó có thể là mối đe dọa lớn nhất cho hôn nhân bạn! Một trong hai người cần phải chủ động đi bước trước. Có thể là bạn không? Một khi có đà rồi, người hôn phối bạn có thể thấy lợi ích của việc cùng chung sức xây dựng hôn nhân hạnh phúc hơn.

Vậy bạn có thể làm gì​—⁠trên phương diện cá nhân hoặc vợ chồng​—⁠để cứu vãn hôn nhân mình? Kinh Thánh là sự trợ giúp hiệu nghiệm trong việc giải đáp thắc mắc này. Chúng ta hãy cùng xem xét.

[Chú thích]

^ đ. 6 Phải thừa nhận là trong một số trường hợp đặc biệt, vợ chồng có thể có lý do chính đáng để ly thân. (1 Cô-rinh-tô 7:10, 11) Ngoài ra, Kinh Thánh cho phép ly dị vì lý do ngoại tình. (Ma-thi-ơ 19:9) Có nên ly dị người hôn phối không chung thủy hay không là quyết định cá nhân, và người khác không nên ép người hôn phối vô tội phải quyết định cách này hay cách kia.​—⁠Xin xem sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, trang 158-161, do Hội Tháp Canh xuất bản.