Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dạy Kristi yêu mến Đức Chúa Trời

Dạy Kristi yêu mến Đức Chúa Trời

Dạy Kristi yêu mến Đức Chúa Trời

CHÁU Kristi của chúng tôi sinh năm 1977. Không lâu sau, bác sĩ báo một tin làm chúng tôi sững sờ: Thính giác của Kristi rất yếu và cháu bị liệt não nhẹ từ lúc mới sinh. Lúc đó, chúng tôi không hình dung được đời sống mình sẽ bị xáo trộn đến mức nào.

Vài tháng sau, tôi cùng chồng là Gary bắt đầu tham dự các khóa đặc biệt ở Melbourne (Úc) để học cách đối phó với bệnh trạng của con. Chúng tôi cũng đến Phòng Nghiên Cứu Thính Giác Quốc Gia ở Melbourne. Tại đó, người ta gắn cho Kristi mười tháng tuổi một máy trợ thính tí hon. Kristi rất ghét cái máy này. Vì máy có nhiều dây nhợ nên mỗi khi chúng tôi gắn ống nghe vào tai cháu thì cháu lại giật ra ngay! Kristi cũng phải đeo một cái đai để giữ mấy cục pin khá nặng.

Vì bị liệt não nhẹ, nên Kristi khó biết đi. Do vậy, hàng tuần cháu phải tập với chuyên viên vật lý trị liệu. Nhưng khi lên ba, Kristi bắt đầu tự đi một mình dù bị té rất nhiều lần. Cháu tiếp tục tập vật lý trị liệu cho đến khi lên năm. Thời gian này, chúng tôi dọn đến thành phố Benalla gần đó, nơi Gary có cơ sở làm ăn.

Việc dạy dỗ Kristi

Một giáo viên dạy học sinh khiếm thính lưu ý chúng tôi đến phương pháp dạy dỗ đặc biệt cần cho Kristi. Vậy là chúng tôi phải chuyển chỗ ở đến thành phố Bendigo, ở đó có một trường học dành cho học sinh khiếm thính. Vì tôi đang mang thai cháu thứ hai nên chúng tôi hoãn lại việc dọn nhà cho đến khi Kristi lên bốn và em trai cháu là Scott được năm tháng. Tại một bệnh viện ở Bendigo, Kristi bắt đầu được học cách phát âm và nói vào mỗi tuần, và việc điều trị này kéo dài đến mười năm. Tôi và Gary cũng bắt đầu học ngôn ngữ ra dấu.

Điều chúng tôi lo nhất là việc dạy lẽ thật cho Kristi. Vì đều là Nhân Chứng Giê-hô-va, Gary và tôi cương quyết nuôi dạy con theo sự ‘sửa-phạt khuyên-bảo của Đức Giê-hô-va’. (Ê-phê-sô 6:4) Nhưng làm sao được? Hiệu trưởng trường của Kristi nói với chúng tôi: “Dạy Kristi khái niệm về Đức Chúa Trời là điều khó nhất. Ông bà không thấy được Đức Chúa Trời thì làm sao miêu tả cho cháu được?” Thật là một thử thách vô cùng lớn lao đối với chúng tôi! Chúng tôi sớm nhận ra rằng công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, sự tìm tòi và lòng kiên nhẫn.

Lúc đầu, chúng tôi dùng tranh ảnh, hình vẽ minh họa và cố nói sao cho thật đơn giản. Chúng tôi đưa cháu đi nhóm họp và rao giảng dù cháu không mấy hiểu những việc này. Khi Kristi thạo ngôn ngữ ra dấu, một thế giới mới mở ra trước mắt cháu! Tuy vậy, vẫn còn nhiều từ ngữ và khái niệm trong Kinh Thánh khó mà giải thích cho Kristi. Một trong những quyển sách mà cháu thích nhất là Sách kể chuyện Kinh-thánh, * được đặc biệt biên soạn cho trẻ em. Những hình ảnh đầy màu sắc cùng với những hình chúng tôi vẽ minh họa thật sự là vô giá. Với thời gian, trong lòng Kristi nẩy nở tình yêu thương Đức Chúa Trời.

Hiệu trưởng trường của Kristi tử tế giới thiệu cho chúng tôi một số Nhân Chứng khác cũng đang nuôi dạy con cái bị khiếm thính. Một bước tiến lớn có được từ khi chúng tôi biết rằng người khiếm thính có thể rao giảng cho người bình thường. Một cách là đưa cho chủ nhà xem một thẻ nhỏ có in sẵn thông điệp Kinh Thánh. Vậy thì khi Kristi đủ điều kiện đi rao giảng, cháu có thể dễ dàng chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với người khác! Năm 14 tuổi, Kristi trở thành người công bố chưa báp têm. Đến năm 1994, cháu báp têm khi được 17 tuổi.

Tuy nhiên, Kristi vẫn cần sự kết hợp lành mạnh, nhưng khó cho cháu kết bạn với những Nhân Chứng bình thường khác. Do đó, vợ chồng tôi bắt đầu mở lớp dạy ngôn ngữ ra dấu cho các anh chị trong hội thánh muốn giúp đỡ những người khiếm thính. Một số người tham dự những lớp này sau đó tìm được việc làm là thông dịch cho người khiếm thính. Nhưng quan trọng hơn nữa, nhiều anh chị học ngôn ngữ ra dấu rất thích trò chuyện với Kristi. Bây giờ Kristi có thể hiểu chương trình các buổi họp và hội nghị nhiều hơn. Đến nay cháu tích cực tham gia những sinh hoạt này. Kristi rất biết ơn sự quan tâm đầy yêu thương mà anh chị em dành cho cháu.

Ngày nọ, Kristi cho chúng tôi biết là cháu muốn làm tiên phong đều đều, tức người truyền giáo trọn thời gian. Chồng tôi giúp cháu có được bằng lái xe và một số điều cần thiết khác, rồi Kristi được bổ nhiệm làm tiên phong đều đều vào năm 1995. Năm 2000, cháu cũng kiếm được việc dạy học bán thời gian cho trẻ khiếm thính tại một trường tiểu học.

Hiện nay, Kristi, vợ chồng tôi và cả cháu Scott đều vui mừng phụng sự trong công việc tiên phong đều đều. Chúng tôi hạnh phúc biết bao khi có thể dành thời gian dạy người khác về Giê-hô-va Đức Chúa Trời!

‘Điều lòng chúng tôi ao ước’

Tình trạng khiếm thính của Kristi là một thử thách lâu dài đối với gia đình tôi. Có lúc Kristi đi rao giảng nhưng không có người dịch lại cho cháu, và cháu cũng không có ai để chia sẻ quan điểm và cảm nghĩ của mình. Cháu tâm sự: “Con có cảm giác mình sống trong một đất nước mà mọi người lại nói thứ tiếng khác”. Dù vậy, tất cả chúng tôi đã học được cách sống chung với căn bệnh của cháu.

Lời của Thi-thiên 37:4 an ủi chúng tôi: “Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao-ước”. Kristi ấp ủ hy vọng nghe được tiếng nhạc, âm thanh của thiên nhiên và nói chuyện với người thân. Tôi mong chờ tới ngày Kristi có thể nghe được giọng nói của tôi. Chúng tôi tin chắc rằng những điều lòng chúng tôi ao ước sớm thành hiện thực như lời Kinh Thánh hứa.—Ê-sai 35:5.—Bài đóng góp.

[Chú thích]

^ đ. 8 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 28]

Kristi lúc 14 tháng, cùng với “Sách kể chuyện Kinh-thánh”

[Hình nơi trang 29]

Kristi dùng thẻ nhỏ để rao giảng tin mừng

[Hình nơi trang 29]

Scott, Kristi, Gary, và Heather Forbes ngày nay