Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao cần hy vọng?

Tại sao cần hy vọng?

Tại sao cần hy vọng?

Giả sử Daniel, em trai qua đời vì ung thư được đề cập ở đầu bài trước, tiếp tục giữ vững hy vọng thì sao? Em sẽ chiến thắng căn bệnh không? Em sẽ sống đến nay không? Ngay cả những người xem trọng giá trị của hy vọng nhất cũng chưa chắc dám khẳng định như thế. Vậy, điều quan trọng cần nhớ là: Không nên phóng đại giá trị của hy vọng. Đó không phải là thuốc chữa bách bệnh.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình CBS News, bác sĩ Nathan Cherney cảnh báo về việc quá đề cao hy vọng khi đối xử với người bệnh nặng. Ông nói: “Có những trường hợp người chồng trách mắng vợ là không chịu cố gắng suy nghĩ tích cực hơn”. Ông cho biết thêm: “Quan điểm ấy khiến người ta suy nghĩ thiếu thực tế về việc kiểm soát bệnh, như thể nói rằng một người bị bệnh nặng hơn là do người đó không nỗ lực đủ để kiểm soát khối u của mình, và điều này thật bất công”.

Sự thật là những người mắc bệnh hiểm nghèo đang trong cuộc chiến đầy mệt mỏi. Bấy nhiêu đó đã là gánh nặng lớn đối với họ rồi, nên chắc chắn người thân không muốn khiến họ có thêm cảm giác tội lỗi. Vậy thì có nên kết luận là hy vọng chẳng giúp ích gì không?

Chắc chắn là không. Chính bác sĩ được phỏng vấn ở trên chuyên về ngành chăm sóc giảm nhẹ, là phương pháp không tập trung vào việc trực tiếp chữa bệnh hoặc kéo dài sự sống mà giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn trong suốt thời gian chống chọi với bệnh tật. Các bác sĩ trong ngành này tin chắc nơi những phương pháp giúp bệnh nhân lạc quan hơn, ngay cả khi bị bệnh rất nặng. Có những bằng chứng cho thấy hy vọng có thể làm được điều đó, và nhiều điều khác nữa.

Giá trị của hy vọng

Bác sĩ W. Gifford-Jones, người chuyên viết bài về y khoa, công nhận: “Hy vọng là liệu pháp rất hữu hiệu”. Ông xem xét nhiều cuộc nghiên cứu đánh giá lợi ích của việc hỗ trợ về tinh thần cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Dường như phương pháp hỗ trợ này giúp người ta giữ cái nhìn tích cực và lạc quan hơn. Một cuộc nghiên cứu vào năm 1989 cho thấy những bệnh nhân được hỗ trợ về tinh thần thì sống lâu hơn, dù những nghiên cứu gần đây không khẳng định như thế. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu xác nhận rằng những bệnh nhân được hỗ trợ về tinh thần thì ít trầm cảm và đau đớn hơn các bệnh nhân khác.

Hãy xem một nghiên cứu khác tập trung vào tác động của lạc quan và bi quan đối với bệnh mạch vành. Các nhà nghiên cứu đánh giá kỹ một nhóm gồm hơn 1.300 người nam dựa trên cái nhìn lạc quan hay bi quan của họ về cuộc sống. Sau mười năm, 12% trong số ấy đã mắc một loại bệnh về mạch vành, và số người bi quan nhiều gần gấp đôi số người lạc quan. Bà Laura Kubzansky, giáo sư nghiên cứu về sức khỏe và hành vi xã hội tại Trường Sức khỏe Cộng đồng (Harvard School of Public Health), nhận xét: “Hầu hết các bằng chứng trước đây cho thấy ‘suy nghĩ tích cực’ có lợi cho sức khỏe là không có cơ sở, nhưng cuộc nghiên cứu này đưa ra một số bằng chứng vững chắc đầu tiên khẳng định điều đó trong trường hợp bệnh tim mạch”.

Một số nghiên cứu cho thấy những người bi quan về sức khỏe của mình thì sau phẫu thuật có tình trạng xấu hơn những người lạc quan. Cái nhìn lạc quan cũng được xem là có liên quan đến tuổi thọ. Một nghiên cứu xem xét cái nhìn tích cực và tiêu cực về tuổi tác ảnh hưởng thế nào đến người lớn tuổi. Sau khi thấy những thông điệp tích cực, chẳng hạn như càng lớn tuổi thì càng khôn ngoan và kinh nghiệm, người lớn tuổi cảm thấy khỏe và có sức sống hơn. Thật vậy, sự cải thiện đó tương đương với kết quả của chương trình tập thể dục trong 12 tuần!

Tại sao hy vọng, lạc quan và cái nhìn tích cực dường như có lợi cho sức khỏe? Có lẽ các nhà khoa học và bác sĩ vẫn chưa hiểu hết về cơ thể và trí óc của con người để đưa ra câu trả lời chắc chắn. Dù vậy, những chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này có thể nêu lên nhận xét có cơ sở. Chẳng hạn, một giáo sư khoa thần kinh nói rằng: “Chúng ta cảm thấy dễ chịu khi có niềm vui và hy vọng. Trạng thái ấy hiếm khi gây ra căng thẳng, mà giúp cơ thể phát triển tốt. Đó là một điều nữa mà chúng ta có thể làm để giữ sức khỏe”.

Phát hiện ấy có thể là bước đột phá đối với một số bác sĩ, nhà tâm lý học và nhà khoa học nhưng không phải là điều mới lạ đối với những người học Kinh Thánh. Cách đây gần 3.000 năm, một vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn đã viết như sau dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời: “Tấm lòng vui mừng là phương thuốc hay, tinh thần suy sụp làm sức hao mòn” (Châm ngôn 17:22). Hãy lưu ý đến quan điểm thăng bằng trong câu này. Câu này không nói lòng vui mừng là thuốc chữa bách bệnh nhưng chỉ đơn giản nói “là phương thuốc hay”.

Vậy hợp lý để nói: “Nếu hy vọng là một loại thuốc theo nghĩa đen thì mọi bác sĩ đều sẽ kê toa”. Ngoài lợi ích về mặt sức khỏe, hy vọng còn mang lại những lợi ích khác nữa.

Lạc quan, bi quan và đời sống của bạn

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người lạc quan nhận được nhiều lợi ích. Họ thường thành công hơn trong việc học hành, công việc và ngay cả trong khi thi đấu thể thao. Chẳng hạn, một nghiên cứu được thực hiện trên một đội điền kinh nữ. Huấn luyện viên đưa ra nhận xét dựa trên khả năng chạy của họ. Đồng thời, những nữ vận động viên ấy được phỏng vấn và đánh giá dựa trên tinh thần họ có. Kết quả là đánh giá dựa trên tinh thần chính xác hơn nhận xét của huấn luyện viên. Tại sao tinh thần lạc quan có tác động lớn đến thế?

Hãy xem khám phá thú vị của các cuộc nghiên cứu về điều ngược lại, đó là bi quan. Vào thập niên 1960, các thử nghiệm đã cho thấy một điều bất ngờ về hành vi của con vật mà các nhà nghiên cứu gọi là “bất lực tập nhiễm”. Họ thấy rằng con người cũng có thể bị hội chứng này. Chẳng hạn, một nhóm người được cho nghe âm thanh khó chịu và được bảo là có thể tắt tiếng đó bằng cách bấm một dãy nút. Họ đã tắt được tiếng đó.

Một nhóm người thứ hai cũng được bảo làm như thế, nhưng âm thanh đó vẫn không tắt dù họ đã bấm dãy nút ấy. Nhiều người trong nhóm thứ hai bắt đầu cảm thấy bất lực. Trong những lần thử nghiệm sau đó, họ không muốn làm gì cả. Họ cho là dù mình cố bấm thì cũng chẳng có tác dụng. Tuy nhiên, trong nhóm thứ hai này, những người lạc quan không để cho mình rơi vào tình trạng bất lực ấy.

Tiến sĩ Martin Seligman đã tham gia tổ chức một số cuộc thử nghiệm ban đầu, và được thúc đẩy để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu về lạc quan và bi quan. Ông nghiên cứu lối suy nghĩ của những người thường cảm thấy bất lực. Ông kết luận rằng suy nghĩ bi quan khiến người ta không còn cố gắng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, hoặc thậm chí bị tê liệt, không làm gì cả. Ông Seligman tóm tắt như sau về lối suy nghĩ bi quan và hậu quả của nó: “Sau 25 năm nghiên cứu, tôi tin chắc là nếu cứ suy nghĩ như người bi quan rằng những chuyện không hay là do lỗi của mình, không bao giờ chấm dứt và sẽ ảnh hưởng đến mọi điều mình làm, thì chúng ta sẽ gặp nhiều chuyện không hay nữa, là điều ít có nguy cơ xảy ra nếu mình nghĩ theo cách khác”.

Một lần nữa, những kết luận như thế có thể là mới đối với một số người ngày nay nhưng không xa lạ đối với những người học Kinh Thánh. Hãy lưu ý đến câu châm ngôn này: “Đến ngày khốn khổ mà con nản lòng thì sức lực con ắt sẽ ít ỏi” (Châm ngôn 24:10). Thật vậy, Kinh Thánh cho biết rõ rằng sự nản lòng, cùng với những suy nghĩ tiêu cực đi kèm, sẽ khiến một người không còn sức để hành động. Nhưng bạn có thể làm gì để kháng cự suy nghĩ bi quan, đồng thời giúp cuộc sống của mình lạc quan và có hy vọng hơn?

[Hình]

Hy vọng có thể giúp ích rất nhiều