Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vũ trường—Nơi nên lui tới?

Vũ trường—Nơi nên lui tới?

Giới trẻ thắc mắc...

Vũ trường—Nơi nên lui tới?

“Chơi hết mình, đó là mục đích của tôi khi đến vũ trường”.—Shawn.

“Thật tình mà nói, đi nhảy vui lắm, sướng hết biết! Bọn này quậy suốt đêm”.—Ernest.

VŨ TRƯỜNG là tụ điểm ngày càng lôi cuốn giới trẻ trong những năm gần đây. Nhiều người trẻ muốn tìm thú vui thường xuyên lui tới những nơi như thế.

Ai ai cũng có nhu cầu giải trí. Kinh Thánh nói “có kỳ cười” và “có kỳ nhảy-múa”. (Truyền-đạo 3:4) Tuy nhiên, sàn nhảy có phải là nơi giải trí lành mạnh không? Nên chăng phải suy nghĩ nghiêm túc trước khi đặt chân vào vũ trường?

Những cuộc “chơi-bời”

Tuy Kinh Thánh không lên án những cuộc vui chơi có chừng mực, nhưng có cảnh báo về việc “chơi-bời”. (1 Phi-e-rơ 4:3; Ga-la-ti 5:19-21) Vào thời Kinh Thánh, những cuộc chơi bời thường dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát. Nhà tiên tri Ê-sai đã viết: “Khốn thay cho kẻ dậy sớm đặng tìm-kiếm rượu, chầy đến ban đêm, phát nóng vì rượu! Trong tiệc yến họ có những đàn cầm, đàn sắt, trống cơm, ống sáo và rượu nữa, nhưng chẳng thiết đến công-việc Đức Giê-hô-va”.—Ê-sai 5:11, 12.

Những cuộc chơi bời vào thời Kinh Thánh thường có “rượu” và âm nhạc loạn cuồng. Những cuộc vui chơi này bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài đến tối mịt. Cũng hãy lưu ý đến thái độ của những người ăn chơi—họ xem như không có Đức Chúa Trời! Vậy, không ngạc nhiên gì khi Đức Chúa Trời lên án những cuộc chơi bời như thế. Còn thời nay, Ngài nghĩ gì về những cuộc vui chơi tại vũ trường?

Hãy xem xét những sự kiện. Vài vũ trường có kiểu nhảy “crowd surfing” và điệu nhảy điên cuồng “moshing”. Theo một nguồn tham khảo, “moshing” là điệu nhảy “đã phát triển trong giữa thập niên 80, tại những câu lạc bộ thời hậu punk ở Hoa Kỳ. Nó đến từ điệu ‘slam-dancing’, trong đó những người nhảy lao vào nhau”. Điệu nhảy “moshing” gồm những động tác nhảy lên nhảy xuống, đầu lắc mạnh cách điên cuồng, húc đầu và đâm sầm vào nhau. Thường xảy ra trường hợp gãy tay, chân và rách da, cũng có khi làm tổn thương xương sống và đầu. Thậm chí có trường hợp tử vong. Trong điệu nhảy “crowd surfing”, một người được đám đông nhấc bổng lên qua khỏi đầu và chuyền từ tay người này sang tay người khác. Nhiều người rớt xuống và bị thương. Không hiếm trường hợp các cô gái bị sờ mó.

Chắc chắn Đức Chúa Trời không chấp nhận những hành động này. Suy cho cùng, Lời Ngài ra lệnh cho tín đồ Đấng Christ phải “chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục thế-gian, phải sống ở đời nầy theo tiết-độ”.—Tít 2:12.

Âm nhạc và ma túy

Cũng hãy suy xét đến loại nhạc tại đa số các vũ trường. Một số nơi chuyên về thể loại “hard rock” hoặc “heavy metal”, là loại nhạc có nhịp điệu nhanh và mạnh, ca từ tục tĩu. Nhiều nơi khác thì chuyên về thể loại rap hoặc hip-hop, cũng là loại nhạc thường xoay quanh chủ đề tình dục, bạo lực và nổi loạn. Âm nhạc và môi trường thiếu lành mạnh như vậy lẽ nào lại không ảnh hưởng đến bạn? Nhà tư vấn về hộp đêm, David Hollingworth nói: “Âm nhạc tác động rất mạnh đến tâm lý người nghe. Khi nhiều người tụ tập lại, âm nhạc dễ kích động, dẫn đến những hành vi hung bạo”. Không lạ gì khi làn sóng bạo lực tràn ngập tại các vũ trường trong nhiều thành phố ở Hoa Kỳ. Nhiều người nhận thấy đây là hậu quả tất nhiên của một nền âm nhạc cổ vũ hành vi khiếm nhã và thô bạo. *

Trong những năm gần đây, ma túy đã xâm nhập vào vũ trường. Một nhà nghiên cứu cho biết “ma túy đã góp phần tạo nên sức thu hút giới trẻ đến các sàn nhảy, vì ở đó ‘mặt hàng này’ dễ mua, dễ dùng và đa dạng”. Thật thế, nhiều loại ma túy được gọi là “dance drugs”, loại ma túy cho khiêu vũ. Một số người trẻ thường lui tới những nơi ấy còn sử dụng nhiều chất ma túy cùng một lúc. Trong số đó, được sử dụng phối hợp thường nhất là ketamine (dân trong giới còn gọi là “special K”) có thể gây chứng loạn tâm thần, hoang tưởng, ngạt thở và chứng thoái hóa nơ-ron thần kinh. Chất methamphetamine có thể làm mất trí nhớ, dễ bị kích động, tăng tính bạo lực, gây tổn hại cho tim mạch, và thoái hóa nơ-ron thần kinh. Ma túy dạng amphetamine đặc biệt được giới trẻ yêu chuộng là ecstasy. Loại ma túy này làm cho tâm thần rối loạn, lo âu, tăng nhịp tim, huyết áp và làm thân thể nóng hừng hực. Thậm chí một số người đã chết vì dùng ecstasy.

Việc dùng ma túy là trái với mệnh lệnh của Kinh Thánh: “Hãy tẩy sạch mọi điều ô uế của thể xác và tâm hồn”. (2 Cô-rinh-tô 7:1, Bản Diễn Ý) Có khôn ngoan chăng khi bạn đặt chân đến một nơi mà ma túy ngự trị?

Bạn bè xấu

Bạn hãy nhớ lời cảnh báo thường được nhắc nhở: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Như những kẻ ăn chơi vào thời Kinh Thánh, ngày nay phần đông những người trẻ thường lui tới vũ trường dường như cũng không màng đến việc làm vui lòng Đức Chúa Trời. Thật đúng như lời mô tả, họ là những người “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:4) Bạn có thật sự muốn kết bạn với những người như thế không?

Một số bạn có thể lý luận rằng đến vũ trường với anh chị tín đồ Đấng Christ trẻ khác thì sẽ hạn chế được mối nguy hiểm. Tuy nhiên, những tín đồ Đấng Christ nào thật sự “làm gương cho các tín-đồ” qua hạnh kiểm hẳn sẽ không muốn đến những nơi như thế. (1 Ti-mô-thê 4:12) Ngay cả nếu chỉ vui chơi với những tín đồ trong nhóm thôi, âm nhạc và bầu không khí ở vũ trường vẫn không lành mạnh. Họ có thể lâm vào tình trạng bối rối hoặc khó xử nếu người ngoài nhóm mời họ ra sàn nhảy. Vài bạn trẻ thậm chí còn bị liên lụy vào một cuộc ấu đả! Kinh Thánh nói thật đúng: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.—Châm-ngôn 13:20.

Những điệu vũ khêu gợi

Ngoài ra, cũng phải nói đến điệu vũ. Điệu “freak dancing” trở nên thịnh hành, nhất là trong giới thiếu niên ở Hoa Kỳ. Điệu vũ này dựa trên nền nhạc hip-hop với lời ca mô tả cách trắng trợn về tình dục. Hơn thế nữa, cách nhảy bắt chước những cảnh ân ái. Vì vậy, kiểu uốn éo thân thể của điệu vũ này được mô tả là ‘quan hệ mà vẫn mặc quần áo’.

Liệu người tín đồ trẻ có nên nhảy điệu vũ này không? Chắc chắn không, nếu như anh hay chị ấy muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời, Đấng đã ra lệnh cho chúng ta: “Hãy tránh sự dâm-dục”. (1 Cô-rinh-tô 6:18) Một số bạn có thể lý luận: ‘Nếu ai cũng làm thì đâu có gì là xấu’. Tuy nhiên, đa số không phải lúc nào cũng đúng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2) Hãy can đảm cưỡng lại áp lực của bạn bè và duy trì một lương tâm tốt đối với Đức Chúa Trời!—1 Phi-e-rơ 4:3, 4.

Hãy quyết định

Khiêu vũ không phải là xấu. Kinh Thánh cho chúng ta biết sau khi đưa hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem, Vua Đa-vít vui mừng đến nỗi ông “nhảy múa hết sức”. (2 Sa-mu-ên 6:14) Trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, bữa tiệc mừng sự trở về của người con hoang đàng có “tiếng đàn ca nhảy múa”.—Lu-ca 15:25.

Cũng thế, tại địa phương bạn, một vài điệu nhảy có thể được anh em cùng đức tin chấp nhận. Dù vậy, điều quan trọng là vẫn phải thăng bằng và sáng suốt. Nghe nhạc và khiêu vũ tại những buổi họp mặt anh em cùng đức tin, nơi có sự trông nom và giám sát đúng đắn thì an toàn hơn là ở vũ trường và câu lạc bộ nhạc trẻ. Tại các buổi họp mặt của tín đồ Đấng Christ được kiểm soát tốt, người trẻ không chỉ chơi riêng với nhau, nhưng chung vui cách lành mạnh với những tín đồ thuộc mọi lứa tuổi.

Dù một số nhà hàng ở địa phương bạn có âm nhạc và điệu nhảy có thể chấp nhận được, nhưng trước khi nhận lời mời đến những nơi này, bạn nên tự hỏi: Nơi này có tiếng như thế nào? Có phải là nơi chỉ dành cho giới trẻ không? Nếu thế, liệu bầu không khí ở đó có lành mạnh không? Loại nhạc nào sẽ được chơi? Người ta thường nhảy những điệu nào ở đó? Cha mẹ tôi nghĩ sao về việc tôi đến đó? Tự đặt những câu hỏi như thế sẽ giúp bạn tránh được những điều tai hại.

Em Shawn được nêu lên ở đầu bài tóm tắt lại vấn đề cách chí lý. Trước khi trở thành tín đồ Đấng Christ, em thường lui tới vũ trường. Em nhớ lại: “Trong các hộp đêm, đầy dẫy những hành vi buông tuồng. Âm nhạc thường đồi bại, điệu vũ hết sức vô luân, và đa số những người lui tới đó đều có một mục đích—tìm bạn tình để qua đêm”. Sau khi học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, em Shawn đã ngừng lui tới sàn nhảy. Dựa trên kinh nghiệm đau buồn, em cho biết quan điểm của mình: “Vũ trường không phải là nơi dành cho tín đồ Đấng Christ”.

[Chú thích]

^ đ. 13 Xem bài “Why Music Affects Us” (Tại sao âm nhạc tác động đến chúng ta?) trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 8-10-1999.

[Hình nơi trang 18]

Một số bạn trẻ lâm vào tình trạng khó xử ở vũ trường