Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tham vọng có gì sai không?

Tham vọng có gì sai không?

Quan điểm của Kinh Thánh

Tham vọng có gì sai không?

“THẬT RA danh vọng, giàu sang và quyền hành có gì sai không?” Câu hỏi này xuất hiện dưới đề mục “Vấn đề về đạo đức” trong bản báo cáo của một hiệp hội tôn giáo. Trong bản báo cáo có nhắc lại lời Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi”.—Sáng-thế Ký 12:2.

Mặc dù nói là “không nên theo đuổi tham vọng riêng mà gây phương hại cho người khác”, bản báo cáo trích dẫn lời của một ra-bi nổi tiếng vào thế kỷ thứ nhất: “Nếu tôi không lo cho bản thân mình thì ai sẽ lo đây?”, rồi ông kết luận: “Nếu chúng ta không nhận ra được tiềm năng của chính mình thì sẽ không ai nhận ra được”. Như vậy, tham vọng có phải là vấn đề đối với những người muốn phụng sự Đức Chúa Trời không? Việc phát huy hết tiềm năng của chúng ta bao gồm điều gì? Tham vọng có gì sai không? Kinh Thánh có quan điểm nào?

Áp-ra-ham có tham vọng không?

Ông Áp-ra-ham được Kinh Thánh mô tả là người có đức tin xuất sắc. (Hê-bơ-rơ 11:8, 17) Khi hứa sẽ làm cho ông nổi danh và trở thành một dân lớn, Đức Chúa Trời không hề khuyến khích Áp-ra-ham nuôi tham vọng. Đức Chúa Trời đang nói đến ý định của Ngài là ban phước cho loài người qua Áp-ra-ham, một ý định quan trọng hơn tham vọng của con người rất nhiều.—Ga-la-ti 3:14.

Để theo đuổi sự tin kính đối với Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham đã từ bỏ một đời sống dường như tiện nghi và giàu có ở U-rơ. (Sáng-thế Ký 11:31) Sau đó, để duy trì hòa khí, Áp-ra-ham đã sẵn lòng từ bỏ quyền hành khi nhường cho Lót chọn phần đất tốt nhất để ở. (Sáng-thế Ký 13:8, 9) Không nơi nào trong Kinh Thánh miêu tả Áp-ra-ham là một người có tham vọng. Trái lại, chính đức tin, sự vâng lời và lòng khiêm nhường của ông đã khiến ông được Đức Chúa Trời quý mến như một người “bạn” thật.—Ê-sai 41:8.

Một quan điểm khác về địa vị, danh vọng và quyền hành

Tham vọng được định nghĩa là một “sự ham muốn địa vị, danh vọng và quyền hành mãnh liệt”. Thời xưa, Vua Sa-lô-môn đã có địa vị, danh vọng, quyền hành cùng với rất nhiều của cải. (Truyền-đạo 2:3-9) Dù vậy, điều đáng chú ý là ông không hề có sự ham muốn mãnh liệt khi chưa có những điều đó. Khi Sa-lô-môn được thừa kế ngôi vua, Đức Chúa Trời cho phép ông xin bất cứ điều gì ông ao ước. Sa-lô-môn khiêm nhường xin tấm lòng khôn sáng và khả năng phân biệt phải trái cần thiết để cai trị dân của Đức Chúa Trời. (1 Các Vua 3:5-9) Sau này, khi miêu tả về sự giàu có và quyền hành rộng lớn của mình, Sa-lô-môn tuyên bố: “Mọi điều đó là sự hư-không và theo luồng gió thổi”.—Truyền-đạo 2:11.

Vua Sa-lô-môn có nói gì về việc con người phát huy hết tiềm năng của mình không? Có, về một phương diện nào đó. Sau khi xem xét kinh nghiệm của chính mình trong đời sống, ông kết luận: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”. (Truyền-đạo 12:13) Việc con người phát huy tiềm năng của mình không phải qua việc đạt được địa vị, sự giàu sang, danh vọng hoặc quyền hành, nhưng qua việc thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời.

Tính khiêm nhường dẫn đến sự vinh hiển

Không có gì là sai khi hài lòng về bản thân mình một cách vừa phải. Kinh Thánh cũng dạy chúng ta yêu người lân cận như yêu chính mình vậy. (Ma-thi-ơ 22:39) Ngoài ra, muốn tiện nghi và hạnh phúc là lẽ tự nhiên. Nhưng Kinh Thánh cũng khuyến khích siêng năng trong công việc và khiêm nhường. (Châm-ngôn 15:33; Truyền-đạo 3:13; Mi-chê 6:8) Những người lương thiện, đáng tin cậy và siêng năng làm việc thường được chú ý, tìm được việc làm tốt và được kính trọng. Làm theo đường lối này chắc chắn tốt hơn là tranh giành địa vị hoặc lợi dụng người khác để trục lợi.

Chúa Giê-su lưu ý những người nghe ngài phải thận trọng, tránh lựa cho mình chỗ ngồi vinh dự trong tiệc cưới. Ngài khuyên họ lựa chỗ tầm thường nhất và để cho chủ tiệc tùy ý xếp lại chỗ cho mình. Chúa Giê-su nêu rõ nguyên tắc: “Ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.—Lu-ca 14:7-11.

Tín đồ thật của Đấng Christ tránh tham vọng

Kinh Thánh cho thấy rằng con người bất toàn hay ganh đua và kiêu ngạo. (Mác 7:21, 22) Có lần sứ đồ Giăng đã tỏ ra tham vọng. Ông ham muốn địa vị mãnh liệt đến độ ông cùng với anh mình đã mạnh dạn xin Chúa Giê-su một chỗ cao trọng trong Nước Trời. (Mác 10:37) Nhưng sau đó, ông đã thay đổi thái độ. Trong lá thư thứ ba, Giăng đã khiển trách cách nghiêm khắc Đi-ô-trép, người mà ông nói “ưng đứng đầu”. (3 Giăng 9, 10) Tín đồ Đấng Christ ngày nay khắc ghi vào lòng lời của Chúa Giê-su và tự hạ mình xuống, đồng thời noi gương sứ đồ lão thành Giăng, người đã học tránh khuynh hướng nuôi tham vọng.

Ngoài ra, trong thực tế, phải nói rằng tài năng, khả năng, những việc tốt và công khó của một người, tự chúng không bảo đảm là người đó sẽ được công nhận. Có khi người khác nhận ra, có khi không. (Châm-ngôn 22:29; Truyền-đạo 10:7) Đôi lúc người kém khả năng lại được đặt vào địa vị cấp trên, còn người có khả năng hơn lại bị lãng quên. Trong thế gian bất toàn này, những người có địa vị và quyền hành không nhất thiết là những người có năng lực nhất.

Đối với tín đồ thật của Đấng Christ, tham vọng không là vấn đề về đạo đức. Lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện giúp họ tránh tham vọng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng cố gắng làm hết sức mình vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và để mọi sự trong tay Ngài. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Tín đồ Đấng Christ cố gắng phát huy hết tiềm năng của mình qua việc kính sợ Đức Chúa Trời và tuân giữ các điều răn Ngài.

[Hình nơi trang 12, 13]

Đức Chúa Trời có khuyến khích Áp-ra-ham nuôi tham vọng không?