Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhà sạch—Mỗi người đều góp phần

Nhà sạch—Mỗi người đều góp phần

Nhà sạch—Mỗi người đều góp phần

Do biên tập viên Tỉnh Thức! ở Mexico

ĐƯỢC sống trong môi trường sạch sẽ, không ô nhiễm thật thích thú làm sao! Tuy nhiên, lượng rác thải trong các thành phố ngày càng tăng khiến cho việc giữ môi trường sạch sẽ và ngăn nắp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Chính quyền địa phương cố gắng giữ cho phố xá sạch sẽ bằng cách sắp đặt hệ thống đổ rác, dù vậy, ở một số nơi, rác thải chất thành đống khiến quang cảnh khó coi và đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Rác thải chồng chất có thể là nguyên nhân làm tăng số lượng chuột, gián, và những loài vật gây bệnh khác. Bạn có thể làm gì trước tình trạng này hay không? Có, hãy giữ cho nhà cửa và chung quanh nhà bạn sạch sẽ và ngăn nắp.

Thái độ đúng

Một số người cho rằng hễ nghèo thì tất nhiên nhà cửa hoặc khu xóm phải dơ bẩn. Tuy nhiên, không nhất thiết như vậy. Đành rằng vật chất thiếu thốn làm cho việc giữ môi trường sạch trở nên khó hơn, nhưng như câu ngạn ngữ Tây Ban Nha nói: “Sạch sẽ và nghèo nàn không thù nghịch nhau”. Mặt khác, một người có đủ điều kiện vật chất chưa hẳn sẽ giữ cho nhà cửa sạch sẽ.

Giữ nhà cửa sạch sẽ, trong cũng như ngoài, tùy thuộc vào thái độ dẫn đến hành động. Thật vậy, việc giữ nhà cửa sạch sẽ tùy thuộc phần lớn vào thái độ của cả gia đình. Vì lý do này, mỗi người chúng ta nên xem xét mình có thể làm gì để góp phần vào việc giữ cho nhà cửa và khu xóm sạch sẽ.

Một chương trình dọn dẹp

Dường như công việc nội trợ của người mẹ không bao giờ hết. Ngoài việc nấu ăn và chuẩn bị cho con cái đi học, bà còn phải giữ nhà cửa và chung quanh nhà được sạch sẽ. Bạn có để ý thấy người mẹ thường là người phải nhặt quần áo dơ hoặc các đồ vật mà con cái bày ra trong phòng không? Một chương trình dọn dẹp cụ thể mà mọi người trong gia đình cùng tham gia có thể giúp làm nhẹ gánh của người mẹ.

Một số người vợ ấn định nơi nào cần lau chùi mỗi ngày, nơi nào thì một tuần một lần, nơi nào một tháng một lần. Cũng có một số việc có thể xếp lịch để làm mỗi năm một lần. Thí dụ, trong nhà Bê-tên, cơ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va ở mỗi quốc gia, phòng chứa đồ được dọn dẹp kỹ lưỡng mỗi năm một lần. Trong dịp này, đồ đạc không dùng đến được bỏ đi và phòng chứa đồ được sắp xếp lại cho ngăn nắp. Cũng có chương trình lau chùi tường thường xuyên.

Có những nơi trong nhà cần giữ sạch sẽ vì ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, như phòng tắm chẳng hạn. Mặc dù việc lau dọn sơ qua phải được thực hiện mỗi ngày, nhưng việc làm sạch sẽ kỹ lưỡng có lẽ mỗi tuần một lần, sẽ ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Một số người nghĩ rằng các vết bẩn bám vào bồn cầu tiêu không tránh được và không thể tẩy đi được. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà có bồn cầu rất sạch và bóng nhoáng. Chỉ cần năng lau chùi và dùng đúng thuốc tẩy rửa thích hợp.

Nhà bếp cũng cần được lau chùi kỹ. Mặc dù mỗi ngày bạn rửa bát đĩa, lau chùi lò và bàn bếp, nhưng thỉnh thoảng—có lẽ ít nhất mỗi tháng một lần—cần lau chùi kỹ lưỡng hơn, như đằng sau thiết bị trong nhà bếp và bên dưới bồn rửa chén. Thường xuyên lau chùi chạn hay tủ bếp sẽ giữ cho gián và những côn trùng gây hại khác không đến làm ổ.

Gia đình hợp tác

Một số bậc cha mẹ quy định cho con cái và tập cho chúng biết dọn giường, bỏ quần áo dơ vào đúng chỗ, và sắp đồ đạc riêng cho ngăn nắp trước khi rời phòng để đi học mỗi buổi sáng. Một nguyên tắc hữu ích cho mọi người là: “Vật nào chỗ nấy và chỗ nào vật nấy”.

Ngoài ra, một vài người trong gia đình có thể được giao làm một công việc nhất định hoặc dọn dẹp một phần trong nhà. Thí dụ, người cha có phụ trách việc giữ cho nhà xe ngăn nắp và dọn dẹp kỹ lưỡng ít nhất mỗi năm một lần không? Có người con nào có thể giúp cha trong công việc này không? Ai phụ trách việc nhổ cỏ dại hoặc cắt cỏ trong sân? Bao lâu cần làm một lần để giữ bên ngoài nhà trông dễ coi? Nhà có gác mái hoặc phòng giặt ủi cần kiểm tra để dọn dẹp những đồ đạc không sử dụng nữa và giữ cho những nơi ấy gọn ghẽ không? Nếu có, ai sẽ làm? Một số cha mẹ giao cho con cái thay nhau làm những việc này.

Do đó, hãy lập ra một chương trình thích hợp để bảo trì nhà cửa của bạn. Dù bạn tự dọn dẹp lấy hoặc với gia đình, hoặc cần thuê người nào đó để dọn, điều cần thiết là lên chương trình rõ ràng. Một bà mẹ giữ nhà thật ngăn nắp cho biết cách cả gia đình hợp tác giữ cho nhà sạch sẽ: “Tôi và ba cô con gái chia nhau công việc nhà. Norma Adriana dọn phòng khách, hai phòng ngủ, sân trong và sân trước nhà. Ana Joaquina phụ trách nhà bếp. Tôi lo giặt quần áo và những việc khác, còn María del Carmen rửa chén”.

Bên ngoài tươm tất

Bên ngoài nhà thì sao? Dù sống trong một biệt thự hay một căn phòng khiêm tốn, bạn cần có một chương trình bảo trì và dọn dẹp bên ngoài nhà. Chẳng hạn, có thể cổng hàng rào có một bản lề bị lỏng. Hẳn bạn biết nếu cứ để vậy cho đến khi cửa rơi ra thì trông thật mất thẩm mỹ. Cũng vậy, rác thải chất đống ở lối ra vào hoặc trên lề đường trông thật khó coi. Ngoài ra, lon, dụng cụ và các món đồ khác đôi khi vứt vung vãi bên ngoài nhà, lâu ngày có thể trở thành nơi cho loài vật gây hại đến tụ tập.

Một số gia đình đã quyết định một lần mỗi ngày hay mỗi tuần, tùy theo nhu cầu, sẽ quét dọn và làm sạch sẽ chung quanh nhà, gồm lối đi và ngay cả lề đường trước nhà. Đành rằng tại một số nơi, chính phủ có sắp đặt rất tốt để giữ cho khu phố sạch sẽ, nhưng tại một số nơi khác lại không có chương trình nào cả. Chắc chắn khu xóm sẽ trông dễ coi hơn và sức khỏe chúng ta sẽ tốt hơn, nếu tất cả mọi người đều góp phần vào việc giữ sạch sẽ.

Một số gia đình không những có chương trình làm sạch sẽ bao gồm những việc trên mà còn viết ra giấy và dán vào nơi mà mọi người trong gia đình dễ thấy để làm theo. Cách này có thể đem lại kết quả rất tốt. Dĩ nhiên, bài này không liệt kê hết mọi chi tiết mà các bạn cần biết về việc làm sạch sẽ. Chẳng hạn, bạn cần xem xét loại thuốc tẩy rửa nào là thích hợp nhất tại địa phương và loại dụng cụ nào bạn có thể mua phù hợp với khả năng tài chánh của mình.

Những đề nghị ngắn gọn trên chắc chắn sẽ làm cho cả gia đình ý thức sự cần thiết trong việc bảo trì nhà cửa và môi trường chung quanh. Hãy nhớ là việc giữ nhà cửa và chung quanh nhà sạch sẽ không tùy thuộc vào khả năng tài chánh nhưng vào thái độ của bạn.

[Khung nơi trang 20, 21]

Chương trình dọn dẹp thực tế

Điền thêm vào chỗ trống trong chương trình điểm nào bạn thấy cần

Ghi chú quan trọng: Pha trộn các thuốc tẩy rửa có thể cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là pha trộn thuốc tẩy Javel với chất amoniac

✔ Hàng ngày

Phòng ngủ: Dọn giường và xếp đồ đạc ngăn nắp

Nhà bếp: Rửa chén và bồn. Giữ bàn bếp và bàn ăn cho sạch và gọn gàn. Quét hoặc lau sàn nhà nếu cần

Phòng tắm: Lau chùi bồn rửa mặt và bồn cầu. Xếp đồ đạc ngăn nắp

Phòng khách và các phòng khác: Xếp đồ đạc ngăn nắp. Lau chùi sơ bàn ghế. Quét, lau hoặc hút bụi sàn nhà nếu cần

Cả căn nhà: Dọn rác

✔ Hàng tuần

Phòng ngủ: Thay khăn trải giường. Quét, lau hoặc hút bụi sàn nhà nếu cần. Quét bụi bàn ghế

Nhà bếp: Lau chùi lò, bề mặt các thiết bị trong bếp, các phần thuộc bồn rửa chén. Lau sàn

Phòng tắm: Lau chùi tường buồng tắm hoặc bồn tắm, và bồn rửa mặt. Dùng thuốc sát trùng để lau bồn cầu, tủ và bề mặt các vật khác. Thay khăn tắm. Quét hoặc lau sàn

✔ Hàng tháng

Phòng tắm: Lau kỹ tất cả các bức tường

Cả căn nhà: Lau chùi khung cửa. Hút bụi hoặc lau kỹ những bàn ghế bọc vải hoặc da

Vườn, sân, nhà xe: Quét và lau chùi nếu cần. Tránh để rác hay những đồ vật không sử dụng nữa chồng chất

✔ Mỗi sáu tháng

Phòng ngủ: Giặt bộ phủ giường theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Nhà bếp: Dọn trống và lau chùi kỹ tủ lạnh

Phòng tắm: Dọn trống và lau chùi tủ và kệ. Bỏ đi những thứ không dùng nữa hoặc đã quá hạn sử dụng

Cả căn nhà: Lau chùi các loại đèn và quạt. Lau cửa. Lau cửa lưới, kiếng và khung cửa sổ

✔ Hàng năm

Phòng ngủ: Dọn trống và lau chùi kỹ các tủ. Bỏ đi những thứ không dùng nữa. Giặt chăn mền. Hút bụi hoặc phủi các nệm giường kỹ lưỡng. Giặt gối theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Nhà bếp: Dọn trống và lau chùi kỹ các kệ, tủ và ngăn kéo. Bỏ đi những thứ không dùng nữa. Dời các thiết bị để lau chùi sàn nhà bên dưới

Cả căn nhà: Lau tất cả các bức tường. Làm sạch sẽ những bàn ghế bọc vải hoặc da và giặt màn cửa theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Nhà xe hoặc kho chứa đồ: Quét kỹ lưỡng. Sắp xếp lại hoặc bỏ đi những thứ không dùng nữa

[Các hình nơi trang 22]

“Vật nào chỗ nấy và chỗ nào vật nấy”

[Các hình nơi trang 22]

Nên bỏ đi những đồ vật mà bạn không còn dùng đến