Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Công thức để có hạnh phúc thật

Công thức để có hạnh phúc thật

Công thức để có hạnh phúc thật

MỘT công thức nấu ăn hấp dẫn phối hợp với tài khéo của người đầu bếp giỏi làm ra một bữa cơm ngon! Theo cách nào đó, điều này tương tự với việc tìm kiếm hạnh phúc. Chỉ một nhân tố thôi không thể tạo nên hạnh phúc. Hạnh phúc gồm nhiều nhân tố trong đời sống phối hợp với nhau. Đó là việc làm, sự vui chơi, thời gian dành cho gia đình và bạn bè, những hoạt động thuộc lĩnh vực tinh thần. Ngoài ra, hạnh phúc cũng gồm những nhân tố tinh tế hơn như thái độ, ước muốn và mục tiêu trong đời sống.

Mừng thay, chúng ta không phải tự tìm kiếm phương thức để có hạnh phúc thật. Tại sao không? Vì Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta một cuốn sách hướng dẫn tuyệt vời, Kinh Thánh. Hiện nay, Kinh Thánh toàn phần hoặc chỉ một phần có trong 2.377 ngôn ngữ và phương ngữ—được xuất bản nhiều hơn bất cứ quyển sách nào trên thế giới!

Với số lượng phát hành đáng kinh ngạc, Kinh Thánh phản ánh mối quan tâm của Thượng Đế đối với hạnh phúc và lợi ích tinh thần của mọi người. (Công-vụ 10:34, 35; 17:26, 27) Thượng Đế nói: “Ta là... Đấng dạy cho ngươi được ích”. Nếu để ý đến những điều răn của Ngài, Ngài hứa sự bình an và yên ổn của chúng ta sẽ “như sông”.—Ê-sai 48:17, 18.

Lời hứa ấy khiến chúng ta nhớ đến lời của Chúa Giê-su được trích trong bài trước: “Phúc cho ai biết tâm linh mình nghèo khổ”. (Ma-thi-ơ 5:3, BDY) Tâm linh được đề cập ở đây không phải là lòng mộ đạo hời hợt. Đúng hơn, ý thức về nhu cầu này phải ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta. Nó phản ánh qua việc sẵn sàng lắng nghe và muốn được Thượng Đế dạy dỗ vì biết Ngài hiểu chúng ta còn rõ hơn chúng ta hiểu chính mình. Ông Errol, một người học hỏi Kinh Thánh hơn 50 năm, nói: “Hơn bất cứ bằng chứng nào, điều thuyết phục tôi tin Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời là khi bạn áp dụng những dạy dỗ trong đó, bạn thấy kết quả”. Chẳng hạn, hãy xem xét lời khuyên tuyệt vời của Kinh Thánh về những vấn đề như theo đuổi sự giàu có và lạc thú ở đời.

Hướng dẫn khôn ngoan về vấn đề tiền bạc

Chúa Giê-su phán: “Sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”. (Lu-ca 12:15) Thật vậy, trước mắt Đức Chúa Trời, chân giá trị của bạn không tùy thuộc tài khoản lớn tại ngân hàng. Thật ra, việc theo đuổi sự giàu có thường làm tăng nỗi lo âu, bào mòn niềm vui của cuộc sống và đánh cắp thì giờ lý ra dành để theo đuổi những điều quan trọng hơn.—Mác 10:25; 1 Ti-mô-thê 6:10.

Theo ông Richard Ryan, giáo sư tâm lý tại Hoa Kỳ, càng nỗ lực tìm sự thỏa nguyện trong của cải vật chất, người ta càng khó tìm thấy điều ấy. Vua Sa-lô-môn, người viết một phần Kinh Thánh, diễn đạt điều ấy như sau: “Người tham tiền của chẳng bao giờ thỏa mãn”. (Truyền-đạo 5:10, BDY) Tình trạng này có thể so sánh với sự ngứa ngáy khi bạn bị muỗi đốt—càng gãi, càng ngứa, cho đến khi vết thương sưng tấy lên.

Kinh Thánh khuyến khích chúng ta chăm chỉ làm việc và hưởng thành quả lao động của mình. (Truyền-đạo 3:12, 13) Khi làm thế, chúng ta vun đắp lòng tự trọng—một thành phần quan trọng mang lại hạnh phúc. Chúng ta cũng có thể hưởng một số thú vui lành mạnh trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc hưởng một số thú vui mà tiền bạc mang lại khác với việc chú tâm theo đuổi sự giàu sang.

Đặt những thú vui đúng vị trí của nó

Có quan điểm sống hướng về tâm linh giúp chúng ta hưởng lợi ích nhiều nhất từ những thú tiêu khiển, sự giải trí, và các thú vui khác ở đời. Chúa Giê-su tham dự những dịp vui vẻ có thức ăn và rượu. (Lu-ca 5:29; Giăng 2:1-10) Tuy nhiên, chắc chắn đó không là nguồn vui chính yếu của ngài trong đời sống. Đúng hơn, ngài tìm thấy niềm vui lớn nhất nơi những điều thuộc tâm linh, bao hàm việc giúp người khác học biết về Thượng Đế và ý định của Thượng Đế đối với nhân loại.—Giăng 4:34.

Vua Sa-lô-môn đã thử nghiệm nhiều lạc thú ở đời để xem chúng có dẫn đến hạnh phúc không. Ông nói: “Ta hãy vui sướng, tận hưởng khoái lạc!” Vị vua giàu có này đã không ngần ngại tận hưởng sự khoái lạc. Ông lao vào những lạc thú ở đời! Tuy nhiên, sau đó ông cảm thấy thế nào? Ông viết: “Nhưng lạc thú cũng là hư ảo”.—Truyền-đạo 2:1, BDY.

Những người tìm lạc thú thường cảm thấy trống rỗng và không mãn nguyện. Thật ra, khi so sánh việc theo đuổi lạc thú với những công việc thật sự có ý nghĩa, sinh hoạt tinh thần và sự gắn bó với gia đình, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng lạc thú ảnh hưởng không đáng kể đến hạnh phúc của những đối tượng mà họ nghiên cứu.

Hãy rộng rãi và biết ơn

Thay vì chỉ nghĩ đến mình, người hạnh phúc có khuynh hướng rộng rãi và quan tâm đến người khác. Chúa Giê-su phán: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Ngoài việc giúp đỡ về mặt vật chất, chúng ta có thể cho người khác thì giờ và năng lực của mình, những thứ này có lẽ còn quý giá hơn, đặc biệt là đối với gia đình. Để giữ hôn nhân bền vững và hạnh phúc, vợ chồng cần dành thời gian ở bên nhau. Cha mẹ cũng cần dành nhiều thời gian để trò chuyện, tỏ tình trìu mến và dạy dỗ con cái. Khi những người trong gia đình đối đãi với nhau như thế, họ phát huy hết tiềm năng của mình và gia đình trở thành tổ ấm hạnh phúc.

Mặt khác, khi người ta tặng bạn vật gì, dù đó là thì giờ và năng lực hoặc điều gì khác, bạn có tỏ ra “biết ơn” không? (Cô-lô-se 3:15) Sống theo hai từ ấy có thể ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ của chúng ta với người xung quanh và góp phần đáng kể vào niềm vui của chính mình. Khi một người biểu lộ lòng biết ơn chân thành với bạn, chẳng phải bạn cảm thấy lòng mình ấm áp sao?

Biểu lộ lòng biết ơn cũng giúp chúng ta ý thức về những điều tốt lành mình đang được hưởng. Trong một cuộc nghiên cứu được kiểm soát cẩn thận, một nhà tâm lý học thuộc Đại Học California ở Riverside, Hoa Kỳ, đã yêu cầu các đối tượng tham gia cuộc nghiên cứu lập “sổ tay ân tình”, ghi lại những điều xảy ra hằng ngày mà họ biết ơn khi nhận được. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên khi sáu tuần lễ sau, những đối tượng này cảm thấy mãn nguyện hơn với đời sống.

Chúng ta rút ra bài học nào? Dù hoàn cảnh của bạn thế nào đi nữa, hãy ‘học biết ơn về cái ta có’. Thật ra, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta làm điều này khi nói: “Hãy vui-mừng mãi mãi,... phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16, 18) Để làm điều này, dĩ nhiên chúng ta cần cố gắng hết sức để nhớ lại những điều tốt lành đã qua. Sao không đặt mục tiêu ấy cho bạn ngay bây giờ?

Yêu thương và hy vọng—Điều thiết yếu cho hạnh phúc

Thật đúng khi nói rằng từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời, con người cần tình yêu thương. Không có tình yêu thương, người ta trở nên héo hon. Nhưng chính xác thế nào là yêu thương? Mặc dù ngày nay từ này được sử dụng quá thông thường, Kinh Thánh miêu tả rất súc tích về tình yêu thương: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ; tình yêu-thương chẳng ghen-tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công-bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự, tin mọi sự, trông-cậy mọi sự, nín-chịu mọi sự”.—1 Cô-rinh-tô 13:4-8.

Tình yêu thương bất vị kỷ thay! Vì tình yêu thương “chẳng kiếm tư-lợi”, người có lòng yêu thương đặt hạnh phúc người khác lên trên hạnh phúc chính mình. Đáng buồn thay, tình yêu thương thể ấy ngày càng hiếm. Thật vậy, trong lời tiên tri quan trọng về sự kết liễu của hệ thống này, Chúa Giê-su cho biết “lòng yêu-mến của phần nhiều người sẽ nguội lần”.—Ma-thi-ơ 24:3, 12; 2 Ti-mô-thê 3:1-5.

Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không tồn tại mãi, vì đó là điều sỉ nhục đối với Đấng Tạo Hóa—hiện thân của tình yêu thương! (1 Giăng 4:8) Chẳng bao lâu nữa, Thượng Đế sẽ loại khỏi trái đất tất cả những người có lòng thù hận hoặc bị sự tham lam chi phối. Ngài sẽ chỉ giữ mạng sống cho những ai nỗ lực vun trồng tình yêu thương như được miêu tả ở trên. Cuối cùng, nhân loại khắp đất sẽ hưởng hòa bình và hạnh phúc. Lời Kinh Thánh hứa chắc chắn sẽ thành tựu: “Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa. Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:10, 11.

Hãy tưởng tượng mỗi ngày tràn đầy sự “khoái-lạc”! Chẳng lạ gì khi Kinh Thánh nói: “Hãy vui-mừng trong sự trông-cậy”! (Rô-ma 12:12) Bạn có thích học biết thêm về hy vọng tuyệt diệu mà Thượng Đế dự định cho nhân loại biết vâng lời không? Vậy, xin đọc bài tiếp theo.

[Câu nổi bật nơi trang 7]

“Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35

[Khung/​Hình nơi trang 5]

Những câu chuyện về sự thành đạt—Sự thật như thế nào?

Thỉnh thoảng chúng ta được nghe giai thoại về sự thành đạt của những người xuất thân bần hàn nhưng đã phấn đấu vượt qua nghịch cảnh để trở nên giàu có. Bàn về hạnh phúc, tờ San Francisco Chronicle giải thích như sau: “Những câu chuyện ấy đôi khi được nêu lên để chứng minh rằng bất chấp tuổi thơ bất hạnh, nhiều người đã gắng sức đương đầu với khó khăn và đã thành công. Theo cuộc nghiên cứu, vấn đề của lối giải thích này là ở chỗ những người ấy có thể cuối cùng không mấy hạnh phúc. Họ chỉ trở thành người giàu có mà thôi”.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Hạnh phúc tăng cường sức khỏe

Tâm trạng hạnh phúc là một phương thuốc hay. Theo tạp chí Time: “Hạnh phúc hoặc những gì liên quan đến trạng thái tinh thần như niềm hy vọng, thái độ lạc quan và sự thỏa lòng làm giảm nguy cơ hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh tim mạch, bệnh phổi, đái tháo đường, cao huyết áp, cảm lạnh và nhiễm trùng về đường hô hấp”. Ngoài ra, theo một cuộc nghiên cứu của Hà Lan về bệnh nhân cao tuổi, sau một thời kỳ theo dõi hơn chín năm, người ta nhận thấy những người có tính vui vẻ, tinh thần tích cực thì nguy cơ tử vong giảm với tỷ lệ đáng kinh ngạc là 50 phần trăm!

Trạng thái tinh thần ảnh hưởng thế nào đến cơ thể, điều đó vẫn chưa giải thích được. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu cho thấy người tích cực, lạc quan có lượng nội tiết tố cortisol thấp. Chất này gây căng thẳng và kìm hãm hệ miễn dịch.

[Hình nơi trang 4, 5]

Nấu theo một công thức hấp dẫn có thể tạo một bữa ăn ngon. Cũng vậy, làm theo sự hướng dẫn của Thượng Đế có thể mang lại hạnh phúc