Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lắng nghe lời cảnh báo chuyện sẽ đổi khác

Lắng nghe lời cảnh báo chuyện sẽ đổi khác

Lắng nghe lời cảnh báo chuyện sẽ đổi khác

THỨ TƯ, ngày 24-8-2005 là một ngày nóng nực và oi ả như lệ thường ở thành phố New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Anh Alan cùng gia đình lên đường đi chơi vài ngày ở Beaumont, bang Texas, cách New Orleans hơn 300 kilômét về phía tây. Họ chỉ mang đủ quần áo cho năm ngày nghỉ mát. Anh Alan giải thích: “Lúc cơn bão Katrina đang hình thành ở miền đông Florida, chúng tôi không hay biết gì về nó. Tuy nhiên, đến tối Thứ Sáu thì rõ ràng là có một cơn bão cấp 4 hoặc cấp 5 sắp đổ bộ vào New Orleans”.

Vào Chủ Nhật, ngày 28 tháng 8, người ta khẳng định bão Katrina thuộc cấp bão rất mạnh. Thị trưởng New Orleans ra lệnh cho người dân phải sơ tán khỏi thành phố. Và rồi hàng ngàn chiếc xe dần dần đổ về phía bắc và phía tây, khiến giao thông bị tắc nghẽn. Hàng ngàn người không có xe phải chạy đến các nơi lánh nạn hoặc đến sân vận động lớn Superdome. Một số người thì không chịu chạy sơ tán mà kiên quyết ở lại.

‘Lần sau, tôi sẽ là người chạy trước tiên!’

Anh Joe, một Nhân Chứng Giê-hô-va, thuộc số những người muốn ở lại vì tin chắc mình có thể ở nhà mà không hề hấn gì. Anh nghĩ rằng những trận bão trước đó không để lại nhiều thiệt hại như các nhà chức trách dự đoán. Anh cho biết: “Tôi nghĩ mình có thể sống sót. Nhưng sau đó tôi đổi ý ngay! Vì gió thổi rất mạnh và mưa tuôn xối xả. Trong chớp mắt, ngôi nhà của tôi đã bay trụi mái. Nước bắt đầu dâng nhanh kinh khủng—trong ba tiếng lên đến ba mét! Nước dâng nhanh đến nỗi tôi phải chạy lên lầu. Tôi thật sự hoảng sợ khi nghe tiếng gió hú và vách tường tưởng như sắp sập. Trần nhà bắt đầu sập xuống. Giờ thì tôi phải tìm cách thoát thân.

Tôi thầm nghĩ có lẽ mình phải nhảy xuống dòng nước chảy xiết, nhưng bên ngoài sóng rất lớn. Gió thổi mạnh tạo thành những con sóng trắng xóa trên các con đường gần đó. Tôi biết rằng nếu nhảy xuống là chết chắc ”.

Nhưng rồi một chiếc thuyền đến cứu và đưa anh Joe tới một chiếc cầu. Xác chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước và đâu đâu cũng thấy phân. Anh ngủ qua đêm trên cốp một chiếc xe hơi. Sau đó, anh được máy bay trực thăng và xe buýt đưa tới Trung Tâm Hành Chính New Orleans. Anh kể: “Mọi người ở đó đối xử với tôi rất tốt. Có lúc tôi gần như quẫn trí, ý tưởng duy nhất ám ảnh tôi là: ‘Làm sao có nước uống đây ? ’ ”

Ngẫm lại, anh thấy rõ là mình có thể tránh được thảm cảnh này và thừa nhận: “Tôi đã thấm thía bài học này. Nếu lần sau nghe lệnh ‘Sơ tán’, tôi sẽ là người chạy trước tiên! ”

Lờ đi lời cảnh báo, phải lánh nạn trên cây

Hai thành phố Biloxi và Gulfport, nằm dọc bờ biển bang Mississippi, bị thiệt hại nặng nề về cả vật chất lẫn nhân mạng. Theo số ra ngày 31- 8-2005 của tạp chí The New York Times, ông Vincent Creel, một nhà chức trách của Biloxi, cho biết: “Nhiều người lờ đi lệnh sơ tán vì cho rằng họ, hoặc nhà cửa, đã trải qua trận bão Camille [năm 1969]”. Camille được xem là mạnh hơn bão Katrina, nhưng như ông Creel cho biết, Katrina ‘tạo thành một bức tường nước liên tục ập đến, không gì ngăn nổi, chẳng khác nào ngọn sóng thần’.

Một người dân khác cũng lờ đi lời cảnh báo là bà Inell, người sống gần trọn đời mình ở Biloxi. Bà nói: “Chúng tôi từng trải qua nhiều cơn bão trong bao năm qua. Vì thế tôi không quá lo về bão Katrina”. Sau khi tập trung mọi người gồm mẹ chồng 88 tuổi, con trai, con gái và con rể, cùng với hai con chó và ba con mèo, họ quyết định không sơ tán mà ở lại ngôi nhà kiên cố của mình. Rồi cơn bão ập đến Biloxi vào khoảng 10 giờ sáng ngày 29 tháng 8. Bà Inell nhớ lại: “Tôi thấy một trong những phòng ngủ ở nhà sau bị dột, và sau đó nước bắt đầu tràn vào từ mọi phía. Chúng tôi quyết định lên gác mái cho an toàn. Nhưng nước vẫn tiếp tục dâng cao. Chúng tôi phải ra khỏi gác vì sợ sẽ bị mắc kẹt. Nhưng đi đâu bây giờ ?

Con trai tôi phải cắt tấm cửa lưới để chúng tôi có thể chui ra ngoài và bơi lên mặt nước. Để khỏi bị chìm, chúng tôi phải bám vào rìa mái nhà. Ba chúng tôi bám rìa bên phải, con gái tôi ở rìa bên trái. Tôi nhìn thấy có một cây lớn gần đó. Tôi cùng mẹ chồng và con trai bơi đến, rồi bám chặt vào cây. Sau đó tôi nghe tiếng con gái kêu cứu: ‘Mẹ ơi! Mẹ ơi! ’ Con rể tôi là người sau cùng ra khỏi gác mái nên đã bơi đến cứu con gái tôi. Chúng leo lên một chiếc thuyền đang trôi đến gần ngôi nhà. Các con hối tôi leo lên thuyền, nhưng tôi không dám liều nhảy xuống dòng nước xoáy. Tôi cảm thấy ở trên cây an toàn hơn, và nhất định không đi đâu hết.

Từ trên cao, tôi có thể nhìn thấy nước tuôn xuống đường và ngập khắp ngôi nhà chúng tôi. Tôi bắt đầu ngẫm nghĩ về tình trạng của mình, và cảm thấy thật dại dột khi không chịu nghe lời cảnh báo và đi sơ tán.

Rồi nước bắt đầu rút, và tất cả chúng tôi tập trung đông đủ trên thuyền! Một xe cứu hỏa chạy đến đưa chúng tôi vào bệnh viện. Thật mừng biết bao vì chúng tôi vẫn còn sống!”

Phương án sơ tán của Nhân Chứng Giê-hô-va

Cơn bão Katrina tàn phá khắp vùng ven Vịnh, khiến hàng ngàn ngôi nhà từ Louisiana đến Alabama về hướng đông, đều bị phá hủy. Tuy nhiên, đối với người dân vùng này của Hoa Kỳ, giông bão không có gì mới lạ. Vì vậy, từ những năm gần đây, Nhân Chứng Giê-hô-va đã lập sẵn phương án sơ tán. Thường đến tháng 6 hàng năm, trước khi vào mùa bão, 21 hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trong vùng New Orleans tập dượt lại phương án sơ tán khẩn cấp. Nhờ thế, đa phần Nhân Chứng ở địa phương đều biết cách đối phó khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra. Trong trận bão Katrina, phương án của họ đạt được thành quả nào?

Ngay khi giới chức trách thành phố thông báo phải sơ tán, trưởng lão của mỗi hội thánh liên lạc ngay với các anh chị đồng đạo và khuyến khích họ nên ra khỏi thành phố. Nhiều người đã tự sắp xếp để cùng đi với gia đình hoặc bạn bè. Người già và đau yếu thì được cung cấp phương tiện di chuyển và hỗ trợ đặc biệt. Anh John, thành viên ủy ban cứu trợ của Nhân Chứng, cho biết: “Tôi tin chắc là nhờ làm theo phương án này, chúng tôi đã tránh được nhiều thiệt hại về nhân mạng”. Thật thế, phần lớn Nhân Chứng Giê-hô-va đều kịp ra khỏi thành phố trước khi cơn bão ập đến. Để cứu trợ kịp thời những vùng gặp nạn, trụ sở chi nhánh Nhân Chứng Giê-hô-va tại Hoa Kỳ đã lập các ủy ban cứu trợ khẩn cấp.

Tìm kiếm các Nhân Chứng ở Astrodome

Khoảng 16.000 người đi lánh nạn, đa phần là dân cư vùng Louisiana, được cung cấp lương thực, nước uống và nơi trú ngụ trong sân vận động Astrodome ở thành phố Houston, bang Texas. Ủy ban cứu trợ của Nhân Chứng ở Houston hay rằng trong số người đông đảo này có một số Nhân Chứng. Nhưng làm sao tìm được những Nhân Chứng ấy?

Sáng sớm Thứ Sáu, ngày 2 tháng 9, một nhóm trưởng lão đã đến Astrodome để tìm kiếm những anh em đi sơ tán. Họ sững sờ trước cảnh hàng ngàn người đàn ông, phụ nữ, thiếu niên và trẻ em tràn khắp sân vận động rộng lớn này. Khắp sân bóng là hàng ngàn cái giường xếp, và những người lánh nạn đang kiên nhẫn chờ được giải quyết vấn đề. Người ta xếp hàng dài chờ được chữa trị, nhân viên y tế thì tất tả đưa các nạn nhân lên xe cứu thương.

Anh Samuel, một trong các trưởng lão đến tìm anh em đồng đạo, thốt lên: “Tôi có cảm giác như mình đang ở giữa trại tị nạn”. Làm sao tìm thấy vài Nhân Chứng trong đoàn người đông đúc như thế? Các trưởng lão bắt đầu rảo bước lui tới giữa các lối đi, trên tay cầm tấm bảng lớn ghi hàng chữ mời những người là Nhân Chứng đến gặp họ. Sau ba tiếng tìm kiếm không kết quả, họ nhận ra phải có phương pháp thực tiễn hơn. Họ nhờ Hội Chữ Thập Đỏ thông báo trên hệ thống phát thanh của sân vận động: “Tất cả những ai là Nhân Chứng Giê-hô-va, xin vui lòng đến lối vào phía đông ở tầng trệt”.

Cuối cùng, các Nhân Chứng bắt đầu từ từ tập trung lại, với nét mặt mang nụ cười rạng rỡ. Anh Samuel kể: “Họ trào nước mắt vì quá đỗi vui mừng. Họ ôm chầm và nắm chặt tay chúng tôi vì sợ bị lạc trong số người đông đảo ấy”. Trong hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy, có 24 Nhân Chứng được tìm thấy và đưa đến trung tâm cứu trợ của Nhân Chứng.

Đa số họ đều không mang theo gì, ngoại trừ bộ quần áo trên người lấm lem bùn đất. Có một chị Nhân Chứng cầm theo một chiếc hộp, cỡ hộp đựng giày, bên trong đựng một số giấy tờ quan trọng—đó là tất cả những gì chị có thể giữ lại sau cơn bão khủng khiếp.

Ở Astrodome, khi nhận ra các trưởng lão đến thăm là những người truyền giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va, nhiều người đã đến gặp để xin Kinh Thánh và ấn phẩm. Họ đặt hơn 220 cuốn Kinh Thánh. Các Nhân Chứng cũng mời nhận số Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-7-2005, loạt bài đầu tiên có tựa đề rất thích hợp là “Natural Disasters—Are They Getting Worse?” (Tai ương—Ngày càng nguy hiểm hơn chăng?)

Một số trở về nhà

Trong số những người sống sót qua cơn bão, có một người là phóng viên từng trải và cũng là tổng giám đốc một đài truyền hình ở New Orleans. Vì nghề nghiệp, ông từng chứng kiến nhiều cảnh đổ nát. Tuy nhiên, khi trở về căn hộ ở địa hạt Jefferson, Louisiana, để kiếm vài thứ, ông kể: “Tôi thật kinh hoàng. Tất cả đều tan hoang. Khi xem truyền hình, chúng tôi thấy nước lụt vì đê vỡ và nước từ những con kênh tràn vào. Nhưng những ngọn gió cực mạnh cũng gây thiệt hại nặng nề. Chung cư của chúng tôi bị phá hủy hoàn toàn. Mọi thứ đều mốc meo, mục nát và hôi thối. Cái mùi đó thật không thể tả nổi. Nó rất kinh khủng, thật kinh khủng! Nhưng dù sao chúng tôi cũng sống sót”.

Anh Alan, người được đề cập nơi đầu bài, cũng trở về nhà ở Metairie, vùng ngoại ô phía tây New Orleans. Cơn bão đã tàn phá dữ dội. Anh nói: “Cảnh tượng thật thê thảm và kinh hoàng, giống như vừa có quả bom nguyên tử thả xuống thành phố. Nghe và xem tin tức trên báo đài là một chuyện, nhưng khi trực tiếp đi hoặc lái xe vào khu xóm của mình và tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn khắp nơi lại là chuyện khác. Thật khó mà tưởng tượng nổi!

Như mùi hôi chẳng hạn — giống như mùi thịt thối, mùi của xác chết. Nhiều cửa tiệm hoàn toàn bị phá hủy hoặc ngập nước. Mọi góc đường đều có cảnh sát và lính canh, cứ như cảnh trong vùng chiến tranh”.

Những nỗ lực cứu trợ

Các nhà chức trách của thành phố, tiểu bang và liên bang đã lên phương án cứu trợ. Cơ quan cứu trợ chính của liên bang là Federal Emergency Management Agency (Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang), gọi tắt là FEMA. Các tổ chức khác cũng nhập cuộc giúp đỡ hàng ngàn nạn nhân. Một lượng khổng lồ lương thực, quần áo và nước uống được vận chuyển đến những vùng bão lụt. Cơ quan FEMA phải sớm phát ngân phiếu và trợ giúp về tài chính để người bị nạn có thể xoay xở trong vài ngày hoặc vài tuần đầu. Lúc này thì Nhân Chứng Giê-hô-va ra sao?

Đánh giá thiệt hại và sửa chữa

Ngay khi cơn bão ập đến, các Nhân Chứng lập những đội đánh giá thiệt hại để sau này đi đến vùng gặp nạn, thống kê số lượng nhà của Nhân Chứng và Phòng Nước Trời bị hư hại và phá hủy. Họ giải quyết lượng công việc này như thế nào? Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York, đã chấp thuận thành lập những ủy ban cứu trợ dưới sự điều hành của Ủy Ban Chi Nhánh Hoa Kỳ. Còn các Ủy Ban Xây Cất Vùng từ nhiều nơi trong nước đã được mời đến để bắt tay vào công việc xây cất. * Tới nay họ đã hoàn tất đến mức nào?

Đến ngày 17-2-2006, nhóm ở Long Beach, Mississippi, báo cáo là trong số 632 ngôi nhà của Nhân Chứng bị hư hại của vùng, 531 căn đã được sửa chữa xong, còn lại 101 căn đang cần được tu sửa. Các Nhân Chứng cũng giúp đỡ những người hàng xóm không cùng đạo. Mái của 17 Phòng Nước Trời bị hư hại nặng, và đến giữa tháng 2, có 16 phòng đã được lợp mái lại. Thế còn ủy ban ở Baton Rouge, Louisiana, thì sao?

Nhóm này phụ trách công việc ở Louisiana, vùng bị thiệt hại nặng nhất sau cơn bão Katrina. Trong số 2.700 căn nhà cần sửa chữa của Nhân Chứng, đến giữa tháng 2 thì họ đã hoàn tất 1.119 căn. Vì vậy ủy ban này còn rất nhiều việc phải làm. Một lần nữa, những người hàng xóm và những gia đình rơi vào cảnh nguy khốn cũng được giúp đỡ. Tính đến tháng 2, thì 25 trong số 50 Phòng Nước Trời bị hư hại nặng đã được tu sửa xong. Còn nhóm ở Houston, bang Texas, phải sửa chữa 871 căn nhà bị hư hại trong trận bão Rita hồi tháng 9. Ngày 20 tháng 2, họ đã hoàn thành 830 căn.

Bài học sau cơn bão Katrina

Hàng ngàn người mắc nạn trong trận bão Katrina đã rút ra một bài học đáng suy nghĩ: Thái độ biết lắng nghe lời cảnh báo là điều hệ trọng. Quả vậy, nhiều người sẽ đồng tình với cảm nghĩ của anh Joe, người nói câu được trích ở đầu bài: “Nếu lần sau nghe lệnh ‘Sơ tán’, tôi sẽ là người chạy trước tiên! ”

Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn đang cứu trợ các nạn nhân ở vùng Vịnh. (Ga-la-ti 6:10) Tuy nhiên, công việc của họ không chỉ là cứu trợ nhân đạo. Đúng hơn, công việc chính của Nhân Chứng Giê-hô-va—đang được thực hiện trong 235 quốc gia và lãnh thổ trên khắp thế giới — là loan truyền về một thông điệp cảnh báo, quan trọng hơn cả lời cảnh báo về cơn bão. Kinh Thánh báo trước rằng Đức Chúa Trời sắp kết liễu thế gian không tin kính ngày nay, tẩy sạch trái đất và phục hồi nó theo như ý định ban đầu của Ngài. Nếu bạn muốn biết những điều Kinh Thánh dạy về thời kỳ phán xét này, hãy liên lạc với Nhân Chứng Giê-hô-va trong vùng của bạn, hoặc viết thư về một trong những địa chỉ thích hợp nơi trang 5 của tạp chí này.—Mác 13:10; 2 Ti-mô-thê 3:1- 5; Khải-huyền 14:6, 7; 16:14 -16.

[Chú thích]

^ đ. 32 Ủy Ban Xây Cất Vùng là những nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va tình nguyện, có nhiều kinh nghiệm về xây cất và sửa chữa Phòng Nước Trời. Ở Hoa Kỳ có khoảng 100 nhóm, và cũng có nhiều nhóm khác trên khắp thế giới.

[Hình nơi trang 14, 15]

Hình mắt bão Katrina qua vệ tinh

[Nguồn tư liệu]

NOAA

[Hình nơi trang 15]

Ngập lụt ở New Orleans

[Nguồn tư liệu]

AP Photo/David J. Phillip

[Các hình nơi trang 15]

Cơn bão Katrina đã phá hủy nhiều tòa nhà và cướp đi nhiều sinh mạng

[Nguồn tư liệu]

AP Photo/Ben Sklar

[Hình nơi trang 16, 17]

Sân vận động Astrodome ở Houston, bang Texas, đã chứa khoảng 16.000 người lánh nạn

[Các hình nơi trang 17]

Các trưởng lão tìm kiếm những Nhân Chứng sơ tán

[Các hình nơi trang 18]

Các Nhân Chứng rất biết ơn sau khi nhà họ được sửa chữa

[Hình nơi trang 18]

Những người tình nguyện sửa chữa một mái nhà bị hư hại nặng

[Hình nơi trang 18]

Những người tình nguyện đang cung cấp thức ăn

[Hình nơi trang 19]

Anh Alan