Đi đến nội dung

Thời kỳ suy đồi đạo đức nghiêm trọng

Thời kỳ suy đồi đạo đức nghiêm trọng

Thời kỳ suy đồi đạo đức nghiêm trọng

Bạn nghĩ tình trạng đạo đức bắt đầu suy đồi một cách nghiêm trọng từ khi nào? Trong thời bạn hay có lẽ là thời của người thân hoặc bạn bè lớn tuổi hơn? Một số người nói rằng Thế Chiến I, nổ ra năm 1914, đã đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ suy đồi đạo đức chưa từng thấy. Sử gia Robert Wohl viết như sau trong cuốn sách nói về thế hệ năm 1914 (The Generation of 1914): “Những người đã sống qua cuộc chiến không thể không tin rằng một thế giới đã khép lại và một thế giới khác bắt đầu vào tháng 8 năm 1914”.

Sử gia Norman Cantor nói: “Khắp nơi, tiêu chuẩn về cách hành xử giữa người với người, là điều vốn đã xuống dốc, nay bị phá vỡ hoàn toàn. Nếu các chính trị gia và các vị tướng còn đối xử với hàng triệu người dưới quyền họ giống như con vật bị lôi đến lò giết mổ, thì làm sao các tiêu chuẩn tôn giáo hay luân lý có thể ngăn cản người ta đối xử với nhau như thú dữ?... Cuộc tàn sát trong Thế Chiến I [1914-1918] đã hoàn toàn làm mất đi giá trị mạng sống của con người”.

Trong cuốn sách sơ lược về lịch sử (The Outline of History), sử gia người Anh là ông H. G. Wells viết rằng sau khi người ta chấp nhận thuyết tiến hóa, “sự suy đồi đạo đức thật sự đã xảy ra”. Tại sao? Một số người nghĩ rằng con người chỉ là dạng động vật cấp cao. Ông Wells, người ủng hộ thuyết tiến hóa, đã viết vào năm 1920: “Người ta khẳng định con người là động vật sống theo bầy đàn như chó săn Ấn Độ,... nên họ cho rằng những kẻ mạnh trong ‘bầy đàn’ có quyền ức hiếp và đàn áp người khác”.

Thực tế, như lời ông Cantor viết, Thế Chiến I đã làm con người hoàn toàn mất đi ý thức đạo đức. Ông giải thích: “Mọi thứ của thế hệ trước, như quan điểm về chính trị, cách ăn mặc và tiêu chuẩn về tính dục đã bị phớt lờ”. Các giáo hội làm ô uế sự dạy dỗ của đạo Đấng Ki-tô qua việc ủng hộ thuyết tiến hóa và xúi giục các bên tham chiến, nên đã góp phần lớn vào tình trạng suy đồi đạo đức. Chuẩn Tướng của Anh là ông Frank Crozier viết: “Các giáo hội Ki-tô giáo có tài trong việc kích động gây đổ máu và đã là quân bài trong tay chúng tôi”.

Tiêu chuẩn đạo đức không còn

Trong thập niên sau Thế Chiến I (thập niên 1920), được gọi là “thập niên ầm ĩ”, những tiêu chuẩn cũ và giới hạn đạo đức bị phớt lờ và thay bằng lối sống dễ dãi. Sử gia Frederick Lewis Allen nhận xét: “Khoảng thời gian mười năm sau cuộc chiến ấy được biết đến là thập niên sống chẳng theo chuẩn mực nào... Lúc đó, trật tự của thế giới cũ gồm những giá trị tạo nên một đời sống tốt đẹp và ý nghĩa không còn nữa và khó tìm được những giá trị khác thay thế”.

Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế toàn cầu vào thập niên 1930 khiến nhiều người tỉnh ngộ vì rơi vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, đến cuối thập niên đó đã xảy ra cuộc chiến tàn khốc hơn: Thế Chiến II. Chẳng bao lâu sau, các nước chế tạo những vũ khí hủy diệt đáng sợ. Tuy điều đó giúp vực dậy nền kinh tế nhưng lại khiến cả thế giới chìm trong nỗi đau khổ và kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng. Đến cuối thế chiến, hàng trăm thành phố chỉ còn là những đống đổ nát. Hai thành phố ở Nhật Bản trở thành bình địa, dù mỗi thành phố chỉ hứng chịu một quả bom nguyên tử! Hàng triệu người chết thảm thương trong các trại tập trung. Nhìn chung, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Trong suốt giai đoạn khốc liệt của Thế Chiến II, thay vì giữ theo các phép tắc truyền thống lâu đời, người ta lại hành động theo tiêu chuẩn riêng của họ. Cuốn sách nói về các giá trị thay đổi từ năm 1939 đến năm 1945 (Love, Sex and War​—Changing Values, 1939-​45) nhận xét: “Dường như những giới hạn về tình dục được nới lỏng trong cuộc chiến này, và tư tưởng không gò bó trên chiến trường đã ảnh hưởng đến tận quê nhà... Tinh thần vội vã và máu lửa của thời chiến đã dần làm mất đi các tiêu chuẩn đạo đức, và mạng sống của nhiều người ở quê nhà dường như bị xem là rẻ mạt và ngắn ngủi như trên chiến trường”.

Vì tính mạng luôn bị đe dọa nên người ta khao khát có những mối quan hệ lãng mạn, dù chỉ là mối tình thoáng qua. Một bà nội trợ ở Anh đã bào chữa như sau cho lối sống tình dục buông thả trong những năm ấy: “Chúng tôi đâu có làm điều trái luân lý vì đó là thời chiến mà”. Một người lính Mỹ thừa nhận: “Theo tiêu chuẩn của nhiều người, chúng tôi làm điều trái luân lý, nhưng chúng tôi còn trẻ và có thể chết ngay ngày mai”.

Nhiều người sống sót qua cuộc chiến bị ám ảnh bởi những điều khủng khiếp mà họ chứng kiến. Cho đến nay, đối với một số người, kể cả những người lúc đó còn nhỏ, những hình ảnh kinh hoàng bất chợt xuất hiện khiến họ cảm thấy như chiến tranh đang diễn ra lần nữa. Nhiều người mất đi niềm tin và ý thức đạo đức. Khi cho rằng không ai có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều đúng và điều sai, người ta bắt đầu xem mọi việc chỉ là tương đối.

Chuẩn mực xã hội mới

Sau Thế Chiến II, những nghiên cứu về hành vi tình dục của con người được phổ biến. Trong đó, một nghiên cứu được thực hiện ở Hoa Kỳ vào thập niên 1940 là Báo cáo Kinsey, gồm hơn 800 trang. Kết quả là nhiều người bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn về tình dục, một chủ đề mà trước đây thường bị xem là điều cấm kỵ. Báo cáo đó thống kê những người có hành vi đồng tính và những hành vi tình dục trái tự nhiên khác. Dù những thống kê đó sau này được xem là phóng đại nhưng nghiên cứu ấy cho thấy đạo đức đã suy đồi nghiêm trọng sau thế chiến.

Trong một thời gian, người ta làm ra vẻ giữ phép tắc đạo đức. Chẳng hạn, radio, phim ảnh và truyền hình không được đề cập đến nội dung vô luân. Nhưng điều đó không kéo dài lâu. Ông William Bennett, nguyên bộ trưởng bộ giáo dục Hoa Kỳ, giải thích: “Tuy nhiên, đến thập niên 1960, Hoa Kỳ bắt đầu một cú trượt dốc không phanh đến mức gọi là phá hoại nền văn minh”. Và điều này cũng được thấy trong nhiều nước khác. Tại sao đạo đức lại xuống dốc nhanh đến thế vào thập niên 1960?

Trong thập niên ấy, phong trào giải phóng phụ nữ xảy ra gần như đồng thời với cuộc cách mạng tình dục kèm theo tư tưởng mà họ cho là đạo đức mới. Ngoài ra, bắt đầu có những loại thuốc tránh thai hiệu quả. Khi có thể quan hệ tình dục mà không sợ bị mang thai, “tình yêu tự do” hay “quan hệ tình dục mà không hề có sự ràng buộc giữa đôi bên” trở nên phổ biến.

Cũng vào thời điểm đó, báo chí, phim ảnh và truyền hình đã nới lỏng các tiêu chuẩn đạo đức. Sau này, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ là ông Zbigniew Brzezinski đã nói về những tiêu chuẩn đạo đức trên truyền hình: “Rõ ràng, họ ủng hộ việc thỏa mãn dục vọng, bình thường hóa hành vi bạo lực và tàn ác man rợ, [cũng như] khuyến khích quan hệ tình dục buông thả”.

Đến thập niên 1970, đầu băng video được nhiều người ưa thích. Giờ đây, ngay tại nhà riêng, người ta có thể xem những hình ảnh vô luân mà họ không bao giờ dám xem tại rạp chiếu phim công cộng. Gần đây hơn, qua Internet, tài liệu khiêu dâm bẩn thỉu nhất đã có ở hầu như mọi nơi trên thế giới và bất cứ ai có máy vi tính đều có thể xem.

Hậu quả thật đáng sợ! Mới đây, một quản giáo nhà tù tại Hoa Kỳ cho biết: “Mười năm trước, khi mấy đứa trẻ bị bắt vào tù, tôi có thể khuyên bảo chúng để biết phải trái. Nhưng tụi trẻ thời nay thì chẳng hiểu tôi đang nói gì”.

Tìm sự hướng dẫn nơi đâu?

Chúng ta không thể hướng đến các giáo hội để tìm sự hướng dẫn về đạo đức. Thay vì giữ các nguyên tắc công chính của Chúa Giê-su và các môn đồ thời thế kỷ thứ nhất, họ trở thành một phần của thế giới gian ác. Một tác giả nhận xét: “Trong mỗi cuộc chiến, ai mà chẳng nói Đức Chúa Trời ủng hộ phe mình”. Về việc giữ theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời, nhiều năm trước một chức sắc tôn giáo ở thành phố New York nói: “Giáo hội là tổ chức duy nhất trên thế giới có tiêu chuẩn đầu vào thấp hơn điều kiện lên xe buýt”.

Rõ ràng, tình trạng suy đồi đạo đức nghiêm trọng trên thế giới cho thấy cần phải có giải pháp cấp bách. Nhưng giải pháp đó là gì? Cần những thay đổi nào? Ai có thể thực hiện, và thực hiện như thế nào?

[Câu nổi bật]

“Cuộc tàn sát trong Thế Chiến I [1914-1918] đã hoàn toàn làm mất đi giá trị mạng sống của con người”

[Khung]

ĐẠO LÝ HAY LÝ TƯỞNG?

Trước đây, đạo lý là điều rất rõ ràng. Người ta chỉ có thể là người trung thực, trung thành, trong sạch và đứng đắn, hoặc ngược lại. Hiện nay, từ “đạo lý” đã bị thay thế bằng từ “lý tưởng”. Nhưng điều này gây ra vấn đề. Trong cuốn sách nói về sự suy thoái đạo đức trong xã hội (The De-Moralization of Society), sử gia Gertrude Himmelfarb nhận xét: “Một người không thể cho rằng đạo lý giống như lý tưởng... rằng mỗi người có quyền chọn đạo lý cho riêng mình”.

Bà nói rằng lý tưởng “có thể là niềm tin, quan điểm, thái độ, cảm xúc, thói quen, tục lệ, lựa chọn, định kiến, thậm chí cá tính khác thường, tức là bất cứ điều gì mà một cá nhân, nhóm người hoặc xã hội xem là lý tưởng vào bất kỳ lúc nào và vì bất kỳ lý do gì”. Trong xã hội tự do ngày nay, người ta cảm thấy họ có quyền chọn lý tưởng cho riêng mình, giống như cách họ mua đồ ở siêu thị. Nếu thế thì còn đâu đạo lý và đạo đức thật?

[Hình]

Giải trí đồi bại ngày càng dễ tiếp cận