Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào Kinh Thánh tồn tại cho đến ngày nay?

Làm thế nào Kinh Thánh tồn tại cho đến ngày nay?

Làm thế nào Kinh Thánh tồn tại cho đến ngày nay?

Sự kiện Kinh Thánh còn nguyên vẹn cho đến thời nay quả là một phép lạ. Sách này được hoàn tất cách đây hơn 1.900 năm. Sách được ghi lại trên vật liệu có thể bị hư hỏng (giấy cói và giấy da), và ngôn ngữ nguyên thủy của sách ít có người nào sử dụng ngày nay. Thêm vào đó, những người có quyền lực, từ hoàng đế cho đến các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã tìm mọi cách để tiêu hủy Kinh Thánh.

Công trình xuất sắc này đã tồn tại qua sự thử thách của thời gian như thế nào để trở thành cuốn sách nổi tiếng nhất của nhân loại? Hãy xem chỉ hai yếu tố.

Nhiều bản sao chép giúp bảo tồn văn bản

Là những người coi giữ các sách đầu tiên của Kinh Thánh, người Y-sơ-ra-ên cẩn thận gìn giữ những bản gốc và sao chép lại nhiều bản. Chẳng hạn, các vua Y-sơ-ra-ên được lệnh phải “chiếu theo luật-pháp nầy mà những thầy tế-lễ về dòng Lê-vi giữ, chép một bổn cho mình”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18.

Nhiều người Y-sơ-ra-ên thích đọc Kinh Thánh, vì họ nhận thức đó là Lời Đức Chúa Trời. Do đó, việc sao chép những lời này được thực hiện hết sức cẩn thận bởi những người lành nghề. E-xơ-ra là một thầy sao chép có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, ông được gọi là “một văn-sĩ thạo luật-pháp của Môi-se, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã truyền cho” (E-xơ-ra 7:6). Vào khoảng thời gian từ thế kỷ thứ sáu đến thứ mười CN, có nhóm người Masorete sao chép phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, hay “Cựu Ước”. Họ thậm chí đếm từng chữ trong văn bản để tránh sai sót. Cách sao chép kỹ lưỡng và tỉ mỉ như thế giúp bảo đảm tính chính xác của văn bản lẫn sự tồn tại của Kinh Thánh bất chấp mọi nỗ lực liên tục của kẻ thù nhằm tiêu hủy nó.

Chẳng hạn, vào năm 168 TCN, vua Sy-ri là Antiochus IV tìm cách tiêu hủy tất cả bản sao phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ mà ông có thể tìm thấy trong khắp vùng Pha-lê-tin. Một sách sử Do Thái cho biết: “Khi tìm được bất cứ cuộn sách luật pháp nào, họ đều xé nát và thiêu hủy”. Sách Bách khoa từ điển Do Thái viết: “Những binh sĩ được giao nhiệm vụ này đã thi hành mệnh lệnh một cách rất khắt khe. . . Ai sở hữu một thánh thư. . . sẽ bị xử tử”. Thế nhưng, những bản sao Kinh Thánh vẫn tồn tại trong cộng đồng người Do Thái ở Pha-lê-tin cũng như ở những nơi khác.

Ít lâu sau khi những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, hay “Tân Ước”, hoàn tất công việc ghi chép, số bản sao các lá thư, lời tiên tri được soi dẫn và những lời tường thuật lịch sử của họ đã gia tăng nhanh chóng. Chẳng hạn, sứ đồ Giăng viết Phúc âm của ông tại Ê-phê-sô hoặc gần đó. Thế mà, một mảnh bản sao của sách Phúc âm này được phát hiện ở Ai Cập, cách đó hàng trăm cây số. Theo các chuyên gia, mảnh này là một phần của bản sao đã được chép lại chưa đầy 50 năm sau khi Giăng hoàn tất sách Phúc âm của ông. Sự phát hiện này cho thấy tín đồ Đấng Christ ở những nơi xa xôi lúc ấy đã có những bản sao của phần Kinh Thánh mới được soi dẫn.

Sự phổ biến rộng rãi của Lời Đức Chúa Trời cũng góp phần giúp Kinh Thánh tồn tại nhiều thế kỷ sau thời Chúa Giê-su. Chẳng hạn, vào ngày 23 tháng 2 năm 303 CN khi trời vừa tảng sáng, người ta nói rằng Hoàng đế La Mã Diocletian đứng xem binh lính của ông phá đổ cửa một nhà thờ và đốt cháy các bản sao Kinh Thánh. Ông ta nghĩ mình có thể loại trừ đạo Đấng Christ bằng cách tiêu hủy các thánh thư đó. Ngày hôm sau, ông ra lệnh thiêu đốt tất cả bản sao Kinh Thánh trong khắp Đế quốc La Mã. Tuy nhiên, một số bản sao đã tồn tại và được sao chép lại. Thật vậy, nhiều phần của hai bản sao Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp (có lẽ hoàn tất không lâu sau sự chống đối của Diocletian) đã tồn tại đến ngày nay. Một bản ở Rô-ma, bản kia ở thư viện Anh tại Luân Đôn.

Mặc dù chưa tìm thấy những bản gốc của Kinh Thánh, có hàng ngàn bản chép tay trọn bộ hay một phần của sách này đã tồn tại đến ngày nay. Một số bản này rất cổ xưa. Khi được sao chép, nội dung của nguyên bản có đổi không? Học giả W. H. Green nói về phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ: “Có thể nói chắc chắn là không sách cổ xưa nào khác được truyền lại một cách chính xác như vậy”. Một chuyên gia nổi tiếng về các bản Kinh Thánh chép tay là Sir Frederic Kenyon, viết về phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp: “Vậy khoảng thời gian giữa năm hoàn tất nguyên bản và bằng chứng xưa nhất vẫn còn tồn tại, là rất ngắn, có thể xem như không đáng kể. Giờ đây không còn lý do gì để nghi ngờ Kinh Thánh, về cơ bản, được lưu truyền đến thời chúng ta như đã được viết ra. Có thể nói rằng cả tính chất xác thựctính toàn vẹn nói chung của các sách Tân Ước cuối cùng đã được xác minh”. Ông cũng nói: “Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn là về cơ bản, tính toàn vẹn của Kinh Thánh đã được bảo tồn. . . Không thể nói như thế về bất cứ cuốn sách cổ nào khác trên thế giới”.

Dịch Kinh Thánh

Yếu tố thứ hai khiến cho Kinh Thánh trở thành cuốn sách nổi tiếng nhất của loài người, đó là sách này được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Sự kiện này phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời là dân thuộc mọi nước, mọi thứ tiếng được biết và thờ phượng Ngài bằng “tâm-thần và lẽ thật”.—Giăng 4:23, 24; Mi-chê 4:2.

Bản dịch đầu tiên của Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ mà người ta biết đến là bản Septuagint tiếng Hy Lạp. Bản này được dịch cho người Do Thái nói tiếng Hy Lạp sống ngoài vùng Pha-lê-tin và được hoàn tất khoảng hai thế kỷ trước khi Chúa Giê-su thực hiện sứ mạng rao giảng trên đất. Trọn bộ Kinh Thánh, kể cả phần tiếng Hy Lạp, được dịch sang nhiều thứ tiếng chỉ trong vòng vài thế kỷ sau khi Kinh Thánh được hoàn tất. Nhưng sau đó, các vua và thậm chí giới tu sĩ, những người lẽ ra phải cố gắng hết sức hầu dân chúng có Kinh Thánh để đọc, đã làm ngược lại. Giới tu sĩ tìm mọi cách để giữ giáo dân trong tình trạng tối tăm, không hiểu Lời Đức Chúa Trời bằng cách không cho phép dịch Lời ấy ra các ngôn ngữ thông dụng.

Bất chấp lệnh của Giáo hội và chính quyền, những người can đảm đã liều mình dịch Kinh Thánh sang ngôn ngữ của người dân. Chẳng hạn, vào năm 1530, một người Anh tên là William Tyndale, từng theo học ở Đại học Oxford, xuất bản một ấn bản Ngũ Thư, tức năm sách đầu của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Dù bị chống đối dữ dội, ông trở thành người đầu tiên dịch trực tiếp Kinh Thánh từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Anh. Ông Tyndale cũng là dịch giả người Anh đầu tiên dùng danh Đức Giê-hô-va. Học giả Kinh Thánh người Tây Ban Nha là Casiodoro de Reina luôn đương đầu với nguy cơ bị những kẻ bắt bớ người Công Giáo sát hại khi ông nỗ lực thực hiện một trong những bản dịch Kinh Thánh đầu tiên sang tiếng Tây Ban Nha. Ông đã sang Anh, Đức, Pháp, Hà Lan và Thụy Sĩ để cố gắng hoàn tất bản dịch của mình. a

Ngày nay, Kinh Thánh tiếp tục được dịch sang nhiều thứ tiếng khác, và hàng triệu bản được ấn hành. Sự kiện Kinh Thánh đã tồn tại để trở thành cuốn sách nổi tiếng nhất của loài người chứng thực lời được soi dẫn của sứ đồ Phi-e-rơ: “Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Chúa còn lại đời đời”.—1 Phi-e-rơ 1:24, 25.

[Chú thích]

a Bản dịch của Reina được xuất bản năm 1569 và được Cipriano de Valera sửa lại vào năm 1602.

[Khung/​Hình nơi trang 14]

TÔI NÊN ĐỌC BẢN DỊCH NÀO?

Nhiều ngôn ngữ có rất nhiều bản dịch Kinh Thánh. Một số bản dùng ngôn ngữ cổ xưa, khó hiểu. Những bản khác được dịch thoát ý, mang tính diễn giải nhằm mục đích dễ đọc thay vì chính xác. Còn một số khác thì theo lối dịch sát, gần như từng chữ.

Bản tiếng Anh của New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, được một ủy ban ẩn danh dịch từ nguyên ngữ. Bản này đã được dùng làm cơ sở để dịch sang 60 thứ tiếng khác. Tuy nhiên, những người dịch của các thứ tiếng đó thường xuyên đối chiếu với văn bản trong nguyên ngữ. Bản Thế Giới Mới dịch sát nguyên văn khi cách dịch đó không làm lu mờ ý nghĩa. Những người này cố gắng dịch Kinh Thánh sao cho độc giả ngày nay dễ hiểu như độc giả vào thời Kinh Thánh có thể hiểu nguyên bản.

Một số nhà ngôn ngữ học đã nghiên cứu các bản dịch Kinh Thánh hiện đại, trong đó có Bản dịch Thế Giới Mới, để tìm những thí dụ về tính thiếu chính xác và ý kiến thiên lệch trong cách dịch. Một học giả đó là Jason David BeDuhn, phó giáo sư của khoa nghiên cứu về tôn giáo tại Đại học Northern Arizona, Hoa Kỳ. Vào năm 2003, ông xuất bản một bài nghiên cứu dài 200 trang về chín “bản Kinh Thánh phổ biến nhất trong tiếng Anh”. b Bài nghiên cứu này xem xét một số đoạn Kinh Thánh thường gây tranh luận, vì đó là phần mà “thiên kiến thường ảnh hưởng cách dịch”. Về mỗi đoạn, ông đối chiếu bản Hy Lạp với cách dịch của mỗi bản tiếng Anh, và ông tìm những điểm cho thấy người dịch do thiên kiến đã cố làm thay đổi ý nghĩa. Ông đánh giá ra sao?

Ông BeDuhn nói công chúng và nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng những điểm khác biệt trong Bản dịch Thế Giới Mới (NW) là do thiên kiến tôn giáo của người dịch. Tuy nhiên, ông nói: “Phần lớn những khác biệt là do bản NW chính xác hơn, được dịch một cách cẩn thận theo nguyên văn”. Mặc dù không đồng ý với cách dịch một số đoạn của Bản dịch Thế Giới Mới, ông BeDuhn nói bản này “chứng tỏ là chính xác nhất trong các bản được so sánh”. Ông gọi đó là bản dịch “xuất sắc”.

Tiến sĩ Benjamin Kedar, một học giả tiếng Hê-bơ-rơ ở Israel, đưa ra lời bình luận tương tự về Bản dịch Thế Giới Mới. Năm 1989, ông nói: “Bản dịch này phản ánh nỗ lực trung thực để hiểu nguyên văn một cách chính xác nhất. . . Tôi chưa bao giờ thấy trong Bản dịch Thế Giới Mới bất cứ chủ ý nào do thiên kiến để làm thay đổi ý của nguyên văn”.

Hãy tự hỏi: ‘Tôi có mục tiêu nào khi đọc Kinh Thánh? Tôi có muốn một bản dịch dễ đọc nhưng kém chính xác không? Hay tôi muốn đọc những điều phản ánh càng sát với nguyên bản được soi dẫn càng tốt?’ (2 Phi-e-rơ 1:20, 21). Bạn chọn đọc bản dịch nào là tùy vào mục tiêu của mình. c

[Chú thích]

b Ngoài Bản dịch Thế Giới Mới, những bản khác là The Amplified New Testament, The Living Bible, The New American Bible With Revised New Testament, New American Standard Bible, The Holy BibleNew International Version, The New Revised Standard Version, The Bible in Today’s English Version,King James Version.

[Hình]

Bản “New World Translation of the Holy Scriptures” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng

[Các hình nơi trang 12, 13]

Những bản chép tay của nhóm Masorete

[Hình nơi trang 13]

Một mảnh ghi Lu-ca 12:7: “. . . Đừng sợ chi, vì các ngươi trọng hơn nhiều chim sẻ”

[Nguồn hình ảnh nơi trang 13]

Foreground page: National Library of Russia, St. Petersburg; second and third: Bibelmuseum, Münster; background: © The Trustees of the Chester Beatty Library, Dublin

[Chú thích]

c Bản New World Translation of the Holy Scriptures chưa có trong tiếng Việt.