Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cái bẫy cho các loài chim

Cái bẫy cho các loài chim

Cái bẫy cho các loài chim

Dù là ban ngày, con chim gõ kiến bay thẳng vào tòa nhà cao tầng và rơi xuống đất. Nó không thấy cửa kính của tòa nhà. Một khách bộ hành tử tế thấy chú chim bị choáng váng nằm trên đất, ông quan sát và hy vọng nó sẽ tỉnh lại. Chẳng mấy chốc, ông thấy chú chim kêu chiêm chiếp, đứng lên, giũ lông và bay đi. *

Đáng buồn thay, không phải tất cả các con chim vẫn còn sống sau cú va chạm mà lại không bị thương. Trên thực tế, trong số những con đâm vào cửa kính, khoảng phân nửa bị chết. Hiệp hội Audubon cho biết, theo các cuộc nghiên cứu, mỗi năm chỉ riêng ở Hoa Kỳ có hơn 100 triệu con chim bị chết sau khi đâm vào các tòa nhà. Còn một số nhà nghiên cứu tin rằng con số ấy có thể gần một tỉ! Vậy, tại sao những con chim lao vào các tòa nhà? Và có thể làm gì để các loài chim được an toàn hơn?

Thủ phạm—Kính và ánh sáng

Kính là mối nguy hiểm cho chim chóc. Khi cửa kính trong suốt và sạch sẽ, các con chim thường chỉ nhìn thấy phong cảnh phía bên kia, có thể là cây cỏ và bầu trời. Hậu quả là những con chim không biết về mối nguy hiểm đôi khi lao thẳng vào kính mà không giảm vận tốc. Ngoài ra, chúng có thể thấy và muốn đậu trên những cây cảnh bên trong ngôi nhà hoặc các tiền sảnh có nhiều kính.

Kính có lớp phản quang cũng có thể là một mối nguy hiểm. Trong một số điều kiện nào đó, các con chim có thể thấy, không phải kính, mà là sự phản chiếu các cảnh vật xung quanh hoặc bầu trời, thế là chúng lao vào và gặp họa. Thậm chí, cửa kính của trung tâm trưng bày và phục vụ du khách, đài quan sát tại các khu bảo tồn chim và khu bảo tồn động vật hoang dã cũng khiến các con chim tử vong! Tiến sĩ Daniel Klem, Jr., nhà điểu cầm học và giáo sư sinh vật học, cho rằng số chim bị chết vì va vào kính cửa sổ nhiều hơn các nguyên nhân khác liên quan đến hoạt động của con người, ngoại trừ việc phá hủy môi trường sống của chúng.

Đặc biệt, một số loài chim dễ bị va chạm vào các tòa nhà. Chẳng hạn, phần lớn các loài chim di trú biết hót bay vào ban đêm, định vị đường bay một phần là nhờ vào các vì sao. Chúng có thể bị lúng túng vì ánh sáng đèn của các tòa nhà cao tầng. Thật vậy, một số con bị mất phương hướng, bay vòng vòng cho đến khi kiệt sức và rơi xuống đất. Những đêm mưa hoặc có nhiều mây cao tạo ra mối nguy hiểm khác. Lúc ấy, các con chim thường bay thấp hơn, và điều này gia tăng mối nguy hiểm lao vào các tòa nhà cao tầng.

Ảnh hưởng trên dân số loài chim

Theo một báo cáo, chỉ một tòa nhà cao tầng ở Chicago, Illinois, Hoa Kỳ, trung bình hằng năm được ghi nhận gây ra cái chết cho khoảng 1.480 con chim trong mùa di trú. Vì vậy, liên tiếp 14 năm, tòa nhà này đã giết hại khoảng 20.700 con. Dĩ nhiên, số chim va vào tòa nhà này chắc chắn cao hơn nhiều. Hơn nữa, theo ông Michael Mesure, giám đốc một chương trình về mối nguy hiểm của ánh sáng đối với loài chim (Fatal Light Awareness) của Toronto, Canada, các loài chim này “không phải là chim bồ câu, mòng biển hoặc ngỗng trời” nhưng “là những loại còn rất ít”.

Chẳng hạn, tại Úc trong một năm gần đây, các tấm kính đã giết hại khoảng 30 con vẹt Lathamus discolor, hiện nay loài vẹt này chỉ còn 2.000 con. Nhiều con chim chích Bachman (nay đã tuyệt chủng) đang trưng bày tại viện bảo tàng ở Hoa Kỳ đã được lấy từ một ngọn hải đăng ở bang Florida.

Trong số những con chim sống sót sau khi đâm vào các tòa nhà, nhiều con bị thương hoặc bị yếu đi. Điều này có thể là mối nguy hiểm đặc biệt đối với loài chim di trú. Nếu chúng bị thương và rơi vào các chung cư, chúng có thể chết vì đói hoặc bị các con thú khác tấn công, một số con thú ấy biết cách khai thác nguồn thực phẩm đặc biệt này.

Có thể làm gì để ngăn chặn?

Để ngăn các con chim bay vào kính, phải có cách nào đó giúp chúng thấy và nhận ra kính là một vật cứng. Nhằm mục tiêu này, một số chủ nhà đã hy sinh tầm nhìn bằng cách dán decal, nhãn dính có hình hoặc những vật dễ thấy ở bên ngoài cửa sổ mà chim thường đâm vào. Theo ông Klem, điều quan trọng không phải là những bức tranh hoặc giấy dán có hình, mà là khoảng cách. Qua cuộc nghiên cứu, ông đề nghị những vật thấy được (như đã nêu trên) không nên cách nhau quá 5cm bề ngang và không quá 10cm bề dọc.

Có thể làm gì để giúp loài chim di trú bay vào ban đêm? Ông Lesley J. Evans Ogden, nhà tư vấn nghiên cứu sinh thái học, nói: “Việc các loài chim va vào tòa nhà về đêm... phần lớn có thể được ngăn chặn nhờ tắt đèn”. Trong một số thành phố, vào một giờ cố định lúc ban đêm, những đèn trang trí trên các tòa nhà chọc trời hiện nay được điều chỉnh độ sáng mờ hơn hoặc tắt đi, đặc biệt trong mùa chim di trú. Trường hợp khác, người ta đặt lưới nơi cửa sổ của các tòa nhà cao tầng để những con chim không lầm tưởng hình ảnh phản quang là bầu trời.

Những bước này có thể giảm nguy cơ tử vong của loài chim gần 80%, như thế cứu được hàng triệu con mỗi năm. Nhưng, dường như nguyên nhân cơ bản vẫn còn đó, vì người ta thích kính và ánh sáng. Thế nên, các tổ chức bảo vệ lợi ích cho loài chim, như hiệp hội Audubon, cố gắng thuyết phục kiến trúc sư và nhà thầu xây dựng quan tâm hơn đến nhu cầu của thế giới tự nhiên.

[Chú thích]

^ đ. 2 Những con chim bị thương có thể gây nguy hiểm, vì chúng không biết bạn đang cố gắng giúp đỡ chúng. Ngoài ra, một số loài chim có thể truyền bệnh cho con người. Vì vậy, nếu muốn giúp một con chim bị thương, bạn nên mang găng và sau đó phải rửa tay. Nếu bạn lo cho sức khỏe của mình và muốn được an toàn, đừng đến gần con chim ấy. Nếu cần thiết, hãy gọi cho các chuyên gia hoặc những người có trách nhiệm.

[Khung nơi trang 10]

CÁC CON CHIM ĐÃ BIẾN ĐI ĐÂU?

Tại Hoa Kỳ, ước tính hằng năm về số chim bị chết liên quan đến hoạt động của con người

▪ Tháp viễn thông—40 triệu

▪ Thuốc trừ sâu—74 triệu

▪ Mèo nhà và mèo hoang—365 triệu

▪ Cửa sổ có kính—100 triệu đến 1 tỉ

▪ Môi trường sống bị phá hủy—không biết, nhưng rất có thể là yếu tố gây hại nhiều nhất

[Hình nơi trang 10]

Mỗi năm, ở Hoa Kỳ có ít nhất 100 triệu con chim chết sau khi lao vào cửa sổ

[Nguồn tư liệu]

© Reimar Gaertner/age fotostock