Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

“Một nhóm các nhà thiên văn học dùng hai viễn vọng kính là Subaru và Keck đặt trên núi lửa Mauna Kea [Hawaii] đã khám phá những dây ba chiều khổng lồ chứa nhiều ngân hà dài 200 triệu năm ánh sáng”. Những dây này tạo thành cấu trúc lớn nhất chưa từng được khám phá.—TRANG WEB SUBARU TELESCOPE, NHẬT BẢN.

Tổng cục Thống kê của Anh Quốc báo cáo rằng “số cặp kết hôn [tại Anh và xứ Wales] vào năm 2006 ở mức thấp nhất trong 110 năm qua. Ngày càng có nhiều cặp thích “sống thử””.—THE GUARDIAN WEEKLY, ANH QUỐC.

Theo Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống công cộng, “44% người lớn đã đổi đạo, hoặc trước đây không có đạo nhưng bây giờ theo một tôn giáo, hoặc trước đây có đạo nhưng bây giờ bỏ đạo”.—HOA KỲ.

Trường đại học và “quan hệ qua đường”

Sau khi nghiên cứu về hành vi quan hệ tình dục và tôn giáo tại các trường đại học ở Mỹ, nhà thần học kiêm giáo sư trợ giảng là bà Donna Freitas cho biết: “Trừ một số trường đại học Tin Lành... thì có chút sự khác biệt giữa trường công, trường tư và trường Công giáo về hiện tượng “quan hệ qua đường” đang phổ biến trong các trường đại học: Đó là lối sống của sinh viên quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau”. Theo tờ báo Công giáo National Catholic Reporter, bà Freitas nói rằng việc tôn giáo không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn đạo đức về hành vi tình dục không chỉ cho thấy “sức mạnh của lối sống “quan hệ qua đường” tại các trường đại học” mà còn nói lên “sự mất ảnh hưởng của tôn giáo trên những người theo lối sống đó”.

Cha mẹ được trợ cấp nuôi con gái

Báo cáo của đài BBC cho biết chính phủ Ấn Độ trợ cấp cho các bậc cha mẹ nghèo số tiền gần 3.000 USD để nuôi con gái. Mỗi gia đình sẽ nhận một khoản tiền mặt lúc sinh con gái và vào những giai đoạn khác nhau cho đến khi bé gái được 18 tuổi. Dù việc phá thai do lựa chọn giới tính đã bị cấm vào năm 1994, nhưng hiện nay vẫn còn phổ biến. Thật vậy, trong 20 năm qua, người ta ước lượng rằng khoảng 10 triệu bào thai là nữ đã bị phá, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng giới tính trong một số vùng. Theo thống kê năm 2001, trên toàn quốc thì cứ 1.000 bé trai dưới sáu tuổi có 927 bé gái và khoảng cách này ngày càng lớn. Trong một bang nọ, tỉ lệ sinh là cứ 1.000 bé trai có 793 bé gái.

Phản ứng của chim trước tiếng ồn

Trước tiếng ồn của thành thị, một số loài chim cố gắng hết sức hót cho nhau nghe. Tạp chí New Scientist nói rằng trong khi tiếng ồn trong thành phố khiến con người khó chịu thì điều này có thể là “sự sống còn” của loài chim, vì các con đực hót để “thu hút con mái và đánh dấu lãnh thổ của chúng”. Do trong thành phố tiếng ồn ở tần số thấp lớn hơn nên một số loài chim hót vào ban đêm hoặc hót ở tần số cao để giọng của chúng được nghe rõ. Tạp chí trên nói không chỉ các con chim sống ở thành phố mới có khả năng thích nghi này. Những con chim sống gần “thác nước và dòng sông chảy xiết cũng hót ở tần số cao hơn”.