Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể cải thiện trí nhớ!

Bạn có thể cải thiện trí nhớ!

Bạn có thể cải thiện trí nhớ!

“Trí nhớ giúp đời sống chúng ta thêm phong phú. Không có nó, chúng ta mất đi khả năng nhận thức sự liên tiếp của các sự việc, và mỗi buổi sáng nhìn vào gương chúng ta thấy người lạ. Mỗi ngày và mỗi sự việc độc lập với nhau, chúng ta không thể học được từ những điều trong quá khứ cũng không định liệu tương lai”.—MYSTERIES OF THE MIND (NHỮNG ĐIỀU HUYỀN BÍ CỦA TRÍ ÓC).

Tại sao một số loài chim có thể nhớ trong nhiều tháng nơi chúng dự trữ hạt cho mùa đông, còn những con sóc có thể nhớ nơi chúng chôn các loại hạt, nhưng chúng ta lại quên mình để chùm chìa khóa ở đâu chỉ một giờ trước đó? Thật vậy, nhiều người trong chúng ta phàn nàn trí nhớ mình có vấn đề. Tuy nhiên, dù không hoàn hảo nhưng bộ não của con người có khả năng học hỏi và ghi nhớ rất đáng nể. Điều quan trọng là tận dụng tối đa khả năng của nó.

Tiềm năng to lớn

Bộ não con người nặng 1,4kg, to khoảng quả bưởi. Tuy nhiên, nó có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh tạo thành một mạng lưới phức tạp đến kinh ngạc. Thật vậy, chỉ một tế bào thần kinh có thể liên kết với 100.000 tế bào thần kinh khác. Mạng lưới này giúp cho bộ não xử lý và lưu trữ một lượng thông tin khổng lồ. Dĩ nhiên, việc nhớ lại thông tin khi cần thiết là sự thách thức đối với chúng ta. Một số người có trí nhớ rất tốt, kể cả nhiều người có trình độ học vấn thấp.

Chẳng hạn, ở Tây Phi, có những người truyền lại lịch sử của bộ tộc mà không biết chữ được gọi là các griot. Họ có thể kể lại tên của nhiều thế hệ trong làng của họ. Các griot này giúp một tác giả người Mỹ tên là Alex Haley (ông viết sách Cội rễ đoạt giải Pulitzer) nghiên cứu sáu thế hệ của gia đình ông ở Gambia. Ông Haley nói: “Tôi hiểu rằng mình mắc nợ rất nhiều người griot ở châu Phi. Thật hợp lý khi người ta nói rằng một người griot chết như thể một thư viện bị đốt cháy”.

Cũng hãy xem trường hợp một nhạc trưởng nổi tiếng người Ý là ông Arturo Toscanini. Ông “được phát hiện” lúc 19 tuổi khi người ta nhờ ông thay thế một nhạc trưởng khác. Dù thị lực kém nhưng ông đã chỉ huy trọn vẹn vở nhạc kịch Aida—chỉ bằng trí nhớ!

Những khả năng như thế có lẽ khiến chúng ta sửng sốt. Tuy nhiên, đa số người ta có khả năng nhớ nhiều hơn họ tưởng. Vậy, bạn có muốn cải thiện trí nhớ của mình không?

Cải thiện trí nhớ của bạn

Trí nhớ gồm ba giai đoạn: mã hóa, lưu trữ và gợi nhớ. Não của bạn mã hóa thông tin khi tiếp thu và ghi nhận chúng. Sau đó, thông tin này được lưu trữ để trong tương lai gợi nhớ lại. Trí nhớ bị lỗi khi một trong ba giai đoạn này có vấn đề.

Trí nhớ chia làm nhiều loại gồm: trí nhớ thụ cảm, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Trí nhớ thụ cảm tiếp nhận thông tin qua các giác quan như khứu giác, thị giác và xúc giác. Trí nhớ ngắn hạn, cũng được gọi trí nhớ làm việc, giữ một ít thông tin trong giai đoạn ngắn. Vì thế, chúng ta có thể tính nhẩm các con số, nhớ số điện thoại đủ lâu để quay số, và nhớ phân nửa của một câu trong khi đang đọc hoặc nghe nửa câu còn lại. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, trí nhớ ngắn hạn cũng có giới hạn của nó.

Nếu bạn muốn lưu trữ thông tin vô hạn, thì thông tin ấy phải đi vào trí nhớ dài hạn. Làm thế nào bạn có thể đưa thông tin vào đó? Những nguyên tắc sau đây sẽ giúp ích cho bạn.

Quan tâm. Vun trồng mối quan tâm vào đề tài và tự nhắc nhở mình tại sao học đề tài đó. Như bạn có thể biết qua kinh nghiệm bản thân, khi có cảm xúc về một điều nào đó, bạn sẽ dễ nhớ hơn. Điều này có thể là một sự hỗ trợ đắc lực cho các học viên Kinh Thánh. Trí nhớ của họ được cải thiện đáng kể khi đọc Kinh Thánh với hai mục tiêu: đến gần Thượng Đế hay Đức Chúa Trời và giúp người khác biết về Ngài.—Châm-ngôn 7:3; 2 Ti-mô-thê 3:16.

Chú tâm. Sách “Những điều huyền bí của trí óc” nói: “Hầu hết trí nhớ bị lỗi thật ra cho thấy thiếu sự chú tâm”. Điều gì có thể giúp bạn chú tâm? Hãy để ý và ghi chú nếu có thể. Việc ghi chú không chỉ giúp trí óc bạn tập trung mà sau này bạn còn có thể ôn lại những điều bạn ghi chú.

Hiểu rõ. Châm-ngôn 4:7 nói: “Hãy dùng hết của con đã được mà mua sự thông-sáng”. Khi không “thông-sáng” hay không hiểu rõ một điều hoặc một khái niệm, có lẽ bạn sẽ không nhớ lâu hoặc không nhớ gì hết. Hiểu rõ giúp liên kết các sự việc với nhau, hợp lại thành một tổng thể thống nhất. Chẳng hạn, khi sinh viên ngành cơ khí hiểu rõ cách động cơ hoạt động, anh ta sẽ nhớ các chi tiết về động cơ tốt hơn.

Phân nhóm. Phân loại khái niệm tương tự hay những ý tưởng liên quan. Chẳng hạn, chúng ta dễ nhớ danh sánh thực phẩm hơn khi phân loại: thịt, rau củ, trái cây, v.v... Cũng vậy, nên chia thông tin ra thành từng phần, nhưng trong mỗi phần không có quá năm đến bảy điều. Số điện thoại thường được chia thành hai hoặc ba phần để dễ nhớ hơn. Cuối cùng, điều có thể giúp ích cho bạn là sắp xếp danh sách theo trình tự, có lẽ theo thứ tự bảng chữ cái.

Lặp lại lớn tiếng. Lặp lại lớn tiếng những gì bạn muốn nhớ (chẳng hạn một từ hay cụm từ tiếng nước ngoài) sẽ giúp mạch liên lạc của các tế bào thần kinh liên kết chặt chẽ hơn. Như thế nào? Thứ nhất, khi nói một từ buộc bạn phải chú ý nhiều hơn. Thứ hai, bạn có thể nhận được ý kiến phản hồi của giáo viên ngay lập tức. Thứ ba, việc lắng nghe—kể cả chính mình—khiến các phần khác trong não bạn hoạt động.

Tưởng tượng. Hãy tưởng tượng trong trí hình ảnh của những điều bạn muốn nhớ. Bạn cũng có thể thấy hữu ích khi vẽ những điều đó ra. Như việc lặp lại lớn tiếng, khi tưởng tượng, các phần khác của bộ não bạn cũng hoạt động. Bạn càng sử dụng các giác quan, thông tin sẽ càng in sâu hơn.

Liên kết. Khi học điều mới, hãy liên kết chúng với những điều bạn đã biết. Liên kết các ý tưởng với những điều đã lưu trữ giúp việc mã hóa và gợi nhớ dễ dàng hơn. Sự liên kết có tác dụng giống như lời gợi ý. Chẳng hạn, để nhớ tên một người, hãy liên kết tên với một đặc điểm lạ về ngoại hình hoặc một điều gì khác, nhờ thế bạn dễ nhớ tên người ấy. Sự liên kết càng khôi hài hoặc kỳ lạ thì càng dễ nhớ hơn. Nói tóm lại, chúng ta cần nghĩ về những người và điều mà mình muốn nhớ.

Cuốn sách Searching for Memory (Đi tìm trí nhớ) cho biết: “Nếu chúng ta làm việc hoặc sinh hoạt một cách máy móc và không ngẫm nghĩ về môi trường sống lẫn những gì mình trải qua, có lẽ chúng ta phải trả giá là không nhớ rõ mình đã ở đâu và làm gì”.

Thống nhất. Cần có thời gian xử lý thông tin để thông tin “thấm sâu” vào trí nhớ. Một trong những cách hữu hiệu nhất là ôn lại những gì bạn đã học, có lẽ bằng cách lặp lại với một người khác. Nếu bạn có một kinh nghiệm thú vị hoặc đọc được điểm khích lệ trong Kinh Thánh hay trong ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, hãy chia sẻ với người khác. Khi làm thế, cả hai sẽ được lợi ích: trí nhớ bạn được củng cố và bạn của bạn được khích lệ. Vì vậy, việc lặp lại thông tin là cách phổ biến để giúp luyện trí nhớ.

Kỹ thuật ghi nhớ—một công cụ hữu ích

Tại Hy Lạp và La Mã thời xưa, người hùng biện có thể nói một bài diễn thuyết dài mà không dùng một lời ghi chú nào. Làm thế nào họ đạt được điều đó? Họ sử dụng các kỹ thuật ghi nhớ. Kỹ thuật ghi nhớ là một phương pháp giúp chúng ta lưu trữ thông tin vào trí nhớ dài hạn và gợi nhớ lại khi cần.

Một phương pháp ghi nhớ được các nhà hùng biện ở Hy Lạp thời xưa dùng là phương pháp loci. Vào năm 477 trước công nguyên, người đầu tiên miêu tả phương pháp này là thi sĩ người Hy Lạp, ông Simonides ở đảo Ceos. Kỹ thuật này kết hợp với các nguyên tắc phân nhóm, tưởng tượng và liên kết với một điều quen thuộc, chẳng hạn như một điểm đặc biệt bên đường hoặc một vật thể trong nhà hay trong phòng. Những người dùng phương pháp loci tưởng tượng mình đi bộ ở một nơi quen thuộc, liên kết các mảng thông tin mà họ muốn nhớ với một đặc điểm hoặc vật thể nào đó. Khi muốn nhớ lại thông tin, họ chỉ cần tưởng tượng mình đi bộ ở nơi đó một lần nữa.—Xem khung  “Tưởng tượng mình đi bộ ở nơi quen thuộc”.

Cuộc nghiên cứu những người có thứ hạng cao trong Giải vô định trí nhớ quốc tế hằng năm (World Memory Championships) cho thấy trí nhớ siêu việt của họ không nhờ vào trí năng đặc biệt nào. Hơn nữa, đa số những người tham gia cuộc thi ở độ tuổi từ 40 đến 50. Bí quyết của họ là gì? Nhiều người cho rằng nhờ sử dụng hiệu quả kỹ thuật ghi nhớ nên họ có được khả năng đó.

Bạn có cần nhớ một loạt từ không? Một kỹ thuật ghi nhớ hiệu quả là tạo ra một từ bằng cách viết tắt chữ cái đầu của các từ khác. Nhiều người ở Bắc Mỹ nhớ tên của Ngũ Đại Hồ—Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior—bằng cách viết tắt là “HOMES”. Phương pháp giúp trí nhớ tương tự là thơ chữ đầu, phương pháp này được người Do Thái thời xưa sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, trong nhiều bài Thi-thiên, chữ đầu của mỗi câu hay một số câu bắt đầu bằng một chữ cái theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Do Thái. Phương pháp hỗ trợ trí nhớ hiệu quả này giúp các ca sĩ nhớ tất cả 176 câu của bài Thi-thiên 119!

Thật vậy, bạn có thể rèn luyện và cải thiện trí nhớ. Như các cuộc nghiên cứu cho thấy, trí nhớ chúng ta rất giống với cơ bắp. Càng sử dụng thì nó càng tốt hơn, ngay cả khi về già.

[Khung nơi trang 27]

VÀI ĐỀ NGHỊ KHÁC

▪ Kích thích trí nhớ bằng cách học những kỹ năng mới, ngôn ngữ mới hoặc một loại nhạc cụ.

▪ Tập trung sự chú ý vào những điều quan trọng nhất.

▪ Học những kỹ thuật ghi nhớ.

▪ Uống đủ nước. Thiếu nước sẽ khiến cho trí óc bị rối loạn.

▪ Hãy ngủ cho đủ. Khi ngủ, não lưu trữ thông tin.

▪ Hãy thư giãn khi học tập. Lúc căng thẳng, cơ thể tiết ra chất cortisol, chất này phá vỡ mạch liên kết các tế bào thần kinh.

▪ Tránh lạm dụng rượu và thuốc lá. Rượu gây vấn đề cho trí nhớ ngắn hạn, và nghiện rượu có thể dẫn đến thiếu vitamin B (thiamine), là chất rất cần thiết để trí nhớ hoạt động tốt. Hút thuốc làm giảm lượng oxy lên não. *

[Chú thích]

^ đ. 36 Những thông tin này dựa trên tạp chí điện tử Brain & Mind.

[Khung/Hình nơi trang 28, 29]

 TƯỞNG TƯỢNG MÌNH ĐI BỘ Ở NƠI QUEN THUỘC

Bạn nhớ một danh sách liệt kê nhiều loại thực phẩm như bánh mì, trứng, sữa và bơ bằng cách nào? Dùng phương pháp loci, bạn có thể “thấy” mình đi bộ trong phòng khách.

Tưởng tượng một ổ bánh mì là tấm nệm của ghế

trứng được ấp bên dưới cái đèn

con cá vàng bơi trong bình sữa

bơ trét lên màn hình tivi

Càng hóm hỉnh càng tốt! Khi bạn tới siêu thị, hãy nhớ lại những gì bạn đã tưởng tượng.

[Khung nơi trang 29]

HÃY VUI VÌ BẠN CÓ THỂ QUÊN!

Hãy tưởng tượng cuộc đời bạn sẽ ra sao nếu bạn nhớ mọi điều, dù quan trọng hay bình thường? Trí óc của bạn có đầy những thông tin không cần thiết phải không? Chẳng hạn, tạp chí New Scientist cho biết về một phụ nữ có thể nhớ lại hầu hết mọi điều xảy ra trong đời: “Bà miêu tả bà luôn nhớ mọi điều “cách liên tục, không kiểm soát được và rất mệt mỏi”, đồng thời cũng là “một gánh nặng””. Đáng mừng là đa số chúng ta không gặp vấn đề đó, vì theo các nhà nghiên cứu, trí óc chúng ta có khả năng loại ra những thông tin cũ hay không cần thiết. Tạp chí trên cho biết: “Quên như thế là điều thiết yếu để trí nhớ thực hiện đầy đủ chức năng. Khi chúng ta quên một điều hữu ích... điều đó chỉ cho thấy rằng hệ thống lược bớt thông tin hoạt động khá hiệu quả”.