Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thoát khỏi cánh đồng chết và tìm được sự sống

Thoát khỏi cánh đồng chết và tìm được sự sống

Thoát khỏi cánh đồng chết và tìm được sự sống

Do Sam Tan kể lại

Đào thoát khỏi quê hương cùng với khoảng 2.000 người Cam-pu-chia khác, cuối cùng, tôi và gia đình đã đến con sông tiếp giáp biên giới Thái Lan. Chúng tôi chen chúc nhau trên một trong những thuyền nhỏ chở đến nơi an toàn. Vừa khi chiếc thuyền cuối cùng rời bến, lính Khmer Đỏ xuất hiện và bắn vào chúng tôi.

Thật nhẹ nhõm, tất cả chúng tôi được an toàn qua Thái Lan. Mọi người đều vui mừng, trừ chúng tôi. Mẹ tôi chỉ ngồi và khóc, vì cha và cậu tôi không có mặt trong chuyến đi này. Trước đó vài tháng, họ đã bị bắt đem đi khỏi gia đình. Nhưng trước khi tiếp tục câu chuyện, xin để tôi cho các bạn biết đôi điều về thân thế mình.

Thời trẻ tôi là người theo Phật giáo

Tôi sinh năm 1960, tại Cam-pu-chia, và có hai em. Lúc tôi chín tuổi, cha mẹ và tôi quyết định tôi nên vào sống trong chùa. Đối với con trai, đó không là điều khác thường. Một nhà sư bắt đầu ngày của mình vào khoảng sáu giờ sáng, khi người đó rời chùa để đi khất thực. Tôi thấy khó xin một số chủ nhà bố thí, vì rõ ràng họ rất nghèo. Sau đó, những sư trẻ như chúng tôi sửa soạn bữa ăn và hầu hạ các vị sư già. Chúng tôi ăn sau.

Vào lúc sáu giờ chiều, các vị sư già tụ họp lại để cầu nguyện, dùng một thứ ngôn ngữ mà ít người, hoặc không ai, hiểu được. Sau hai năm, tôi trở thành chú tiểu và hưởng một số đặc ân từ các sư già. Tôi cũng được phép đọc kinh cùng với họ. Suốt thời gian ấy, tôi nghĩ rằng đạo Phật là tôn giáo duy nhất trên thế giới.

Đào thoát khỏi Cam-pu-chia

Tôi không cảm thấy hài lòng cuộc sống trong chùa và lúc 14 tuổi, tôi trở về với gia đình. Sau đó không lâu, một lãnh tụ chính trị tên Pôn Pốt lên nắm quyền. Chế độ Khmer Đỏ của ông cai trị từ năm 1975 đến 1979, ép buộc mọi người rời khỏi các thành phố để về nông thôn, là một phần trong nỗ lực làm cho Cam-pu-chia trở thành nước Xã hội chủ nghĩa. Gia đình tôi cũng phải dọn đi. Sau đó, lính của Pôn Pốt đến bắt cha và cậu tôi. Chúng tôi không bao giờ thấy họ nữa. Thật thế, dưới chế độ Khmer Đỏ, gần 1,7 triệu người Cam-pu-chia đã bị hành quyết tại những nơi gọi là cánh đồng chết, hoặc chết vì lao động quá sức, bệnh tật hay vì đói.

Những hoàn cảnh thể ấy đã thúc đẩy 2.000 người chúng tôi được đề cập ở đầu bài, làm cuộc hành trình nguy hiểm ba ngày qua vùng núi để đến biên giới Thái Lan. Tất cả chúng tôi đã đến nơi an toàn, kể cả một bé trai chào đời trên đường đi. Hầu hết chúng tôi đều mang theo tiền, nhưng vì tiền Cam-pu-chia gần như không có giá trị ở Thái Lan vào thời điểm đó nên chúng tôi đã vứt chúng.

Đời sống trên đất Thái

Gia đình tôi đến sống với thân nhân ở Thái Lan, và tôi làm nghề đánh cá. Thuyền của chúng tôi thường vào địa phận của Cam-pu-chia, nơi có nhiều cá nhưng cũng có nhiều tàu tuần tra của Khmer Đỏ. Nếu bị bắt, chúng tôi sẽ mất thuyền và mất mạng. Trên thực tế, chúng tôi đã thoát chết hai lần. Tuy nhiên, những người khác thì không, kể cả người hàng xóm, anh bị bắt và bị chặt đầu. Dù cái chết của người hàng xóm khiến tôi lo âu, nhưng tôi vẫn đánh cá ở địa phận Cam-pu-chia, nếu không, gia đình tôi sẽ chết đói.

Vì gia đình và bản thân, tôi quyết định vào sống trong trại tị nạn ở Thái Lan, nộp đơn xin nhập cư vào nước khác, và từ nơi ấy có thể gửi tiền về gia đình. Khi tôi nói ý định này cho người thân, họ phản đối kịch liệt. Nhưng tôi đã quyết định như thế.

Những người khách nói tiếng Anh mà tôi gặp tại trại tị nạn cho biết họ theo Ki-tô giáo. Điều đó làm tiêu tan niềm tin của tôi rằng đạo Phật là tôn giáo duy nhất. Tôi và người bạn mới quen là anh Teng Hann, bắt đầu giao tiếp với “người Ki-tô giáo”. Họ chỉ cho chúng tôi xem Kinh Thánh và cho chúng tôi lương thực. Tôi sống trong trại một năm và nộp đơn xin nhập cư New Zealand.

Cuộc sống mới ở New Zealand

Vào tháng 5 năm 1979, đơn xin nhập cư của tôi được chấp nhận, và không lâu sau tôi đã đến trại tị nạn ở Auckland. Một người bảo trợ tử tế đã thu xếp để tôi đến làm việc trong một xưởng tại thành phố Wellington. Ở đấy, tôi làm việc chăm chỉ và gửi tiền về nhà như đã hứa.

Vì muốn biết về Ki-tô giáo, tôi bắt đầu tham dự hai hội thánh Tin Lành. Tuy nhiên, họ ít nói về Kinh Thánh. Vì tôi muốn cầu nguyện đúng cách, một người bạn đã dạy tôi bài cầu nguyện thường được gọi là Kinh Lạy Cha (Ma-thi-ơ 6:9-13). Nhưng không ai giải thích ý nghĩa của bài kinh ấy. Vậy, cũng giống như đọc kinh Phật, tôi lặp đi lặp lại kinh này mà chẳng hiểu mình nói gì.

Một hôn nhân có nhiều vấn đề

Tôi kết hôn năm 1981. Khoảng một năm sau, vợ chồng tôi đều làm báp-têm, mục sư vẩy nước trên đầu chúng tôi. Bấy giờ tôi có hai công việc, một ngôi nhà khang trang, và một đời sống tiện nghi—những điều tôi chưa bao giờ có ở Cam-pu-chia. Tuy nhiên, tôi không hạnh phúc. Cuộc hôn nhân của chúng tôi nảy sinh nhiều vấn đề, và việc tham dự hội thánh dường như chẳng giúp được gì. Hạnh kiểm của tôi cũng thế, vì tôi là kẻ bài bạc, hút thuốc, uống rượu quá độ và có những người phụ nữ khác. Thế nhưng, lương tâm tôi ray rứt và tôi thật sự nghĩ mình không đủ điều kiện lên thiên đàng, nơi tôi được dạy rằng những người tốt sẽ ở đấy sau khi qua đời.

Vào năm 1987, tôi bảo lãnh mẹ và em gái sang New Zealand, và họ sống với vợ chồng tôi trong một thời gian. Khi họ dọn đến Auckland, tôi cũng đi theo.

Cuối cùng, tôi tìm hiểu Kinh Thánh

Khi rời nhà một người bạn, tôi gặp hai người đàn ông đi từng nhà. Một người tên Bill hỏi tôi: “Sau khi qua đời, anh hy vọng mình sẽ đi đâu?”. Tôi trả lời: “Lên thiên đàng”. Kế đó, anh mở Kinh Thánh cho tôi xem là chỉ có 144.000 người được lên thiên đàng, nơi đó, họ sẽ cai trị trái đất với tư cách là vua. Anh cũng cho tôi biết sẽ có hàng triệu người kính sợ Đức Chúa Trời sinh sống trên đất, và trái đất sẽ thành một địa đàng (Khải-huyền 5:9, 10; 14:1, 4; 21:3, 4). Thoạt tiên, sự dạy dỗ này làm tôi tức giận, vì nó trái ngược với những điều tôi được dạy trước đây. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi rất ấn tượng về việc hai người đàn ông này rành Kinh Thánh và họ giữ được bình tĩnh. Tôi tiếc đã không hỏi họ theo tôn giáo nào.

Vài tuần sau, tôi đến thăm một người bạn có con đang học Kinh Thánh với vợ chồng anh Dick và chị Stephanie. Sách mỏng họ dùng để học có tựa đề Vui hưởng sự sống đời đời trên đất!. Tôi bắt đầu đọc và thấy sách ấy hợp lý. Tôi cũng biết cặp vợ chồng đó là Nhân Chứng Giê-hô-va. Sau đó, tôi nhận ra rằng hai người đàn ông tôi đã gặp hẳn cũng là Nhân Chứng, vì những điều họ nói phù hợp với sách mỏng ấy.

Vì muốn biết nhiều hơn, tôi đã mời anh Dick và chị Stephanie đến nhà, đặt cho họ nhiều câu hỏi về Kinh Thánh. Sau đó, chị Stephanie hỏi tôi có biết danh Đức Chúa Trời không. Chị cho tôi xem Thi-thiên 83:18: “Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Câu Kinh Thánh ấy động đến lòng tôi, và tôi bắt đầu học Kinh Thánh đều đặn. Tôi đang sống chung với cô gái Lào tên La, cô ấy cùng học Kinh Thánh với tôi. Trong giai đoạn đó, tôi cũng bảo lãnh vợ chồng em trai. Sau khi đến New Zealand, họ bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng.

Không lâu sau, tôi và La phải ngưng tìm hiểu Kinh Thánh vì chúng tôi sang Úc để làm việc. Dù chú tâm vào việc kiếm tiền, chúng tôi bắt đầu nhớ các buổi học Kinh Thánh. Vì vậy, một đêm nọ, chúng tôi tha thiết nài xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng tôi đến với dân sự Ngài.

Lời cầu nguyện của chúng tôi được nhậm

Vài ngày sau, khi đi mua sắm về, tôi gặp hai chị Nhân Chứng trước cửa nhà. Tôi thầm cảm tạ Đức Giê-hô-va rồi tôi cùng La tìm hiểu Kinh Thánh trở lại. Chúng tôi cũng bắt đầu tham dự nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Phòng Nước Trời địa phương. Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng để làm hài lòng Đức Chúa Trời, tôi phải thay đổi nhiều điều. Vì thế, tôi đã bỏ những tật xấu và cắt mái tóc dài. Những người bạn cũ trêu chọc tôi, nhưng tôi kiểm soát được tính nóng giận. Tôi cũng phải điều chỉnh lại tình trạng hôn nhân của mình, vì tôi và La chưa cưới nhau, tôi và vợ cũng chưa chính thức ly dị. Thế nên, vào năm 1990, tôi cùng La trở lại New Zealand.

Ngay lập tức, chúng tôi gọi điện cho anh Dick và chị Stephanie. Chị Stephanie thốt lên: “Sam, tôi nghĩ chúng tôi đã mất anh!”. Chúng tôi học Kinh Thánh trở lại với họ. Không lâu sau vụ ly hôn của tôi hoàn tất, tôi kết hôn với La, và chúng tôi có lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng tôi tiếp tục ở lại New Zealand. Nơi đây, chúng tôi làm báp-têm để cho thấy mình đã hiến dâng đời sống cho Đức Chúa Trời. Tôi muốn chia sẻ những gì mình học được, và có đặc ân giúp một số người Cam-pu-chia, người Thái sống tại Auckland và vùng gần đó tìm hiểu Kinh Thánh.

Trở lại Úc

Vào tháng 5 năm 1996, tôi cùng La trở lại Úc và định cư tại Cairns, bắc Queensland. Nơi đây, tôi có đặc ân điều phối công việc giảng đạo cho người Cam-pu-chia, Lào và Thái sinh sống ở vùng đó.

Tôi không thể nào cảm tạ hết về những ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho tôi, trong đó bao gồm một người vợ tuyệt vời và ba cậu con trai—Daniel, Michael và Benjamin. Tôi cũng hết lòng cảm tạ vì mẹ, em gái, em trai, mẹ vợ và Teng Hann, người bạn trong trại tị nạn ở Thái Lan, đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Gia đình tôi vẫn thương tiếc cha và cậu đã qua đời, nhưng chúng tôi không đau buồn quá mức. Chúng tôi biết rằng khi Đức Chúa Trời làm cho người chết sống lại, Ngài sẽ hoàn toàn loại bỏ những điều bất công trong quá khứ đến mức “sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa”.—Ê-sai 65:17; Công-vụ 24:15.

Vài năm trước tại một hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi bắt gặp một gương mặt thân quen. Đó là anh Bill, người đã giảng đạo cho tôi nhiều năm về trước. Tôi hỏi: “Anh có nhớ tôi không?”.

Anh ấy trả lời: “Có chứ! Nhiều năm trước tôi đã gặp anh tại New Zealand và cho anh biết chỉ có 144.000 người được lên trời”. Sau chừng ấy năm, Bill vẫn nhớ đến tôi. Chúng tôi ôm nhau, cùng hồi tưởng lại quá khứ, và giờ đây là anh em đồng đạo.

[Nguồn tư liệu nơi trang 13]

Background: AFP/Getty Images