Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thể hiện tình cảm—Quan trọng như thế nào?

Thể hiện tình cảm—Quan trọng như thế nào?

Thể hiện tình cảm—Quan trọng như thế nào?

“Hãy ôm con thật nhiều!”. Đó là lời của một giáo sư về tâm thần học trẻ em dành cho một phụ nữ lần đầu tiên được làm mẹ, bà vừa sanh đôi. Bà đã hỏi ông đâu là cách tốt nhất để nuôi dạy con. Giáo sư ấy nói: “Tình cảm được thể hiện qua nhiều cách như: ôm, hôn, sự nồng ấm, cảm thông, vui mừng, rộng lượng, vị tha và khi cần cũng thể hiện qua sự sửa phạt phải lẽ. Đừng bao giờ cho rằng con trẻ biết chúng ta yêu chúng”.

Bà Tiffany Field, giám đốc Viện nghiên cứu xúc giác thuộc Đại học Miami, bang Florida, Hoa Kỳ, có vẻ đồng ý với những lời trên. Bà khẳng định: “Cử chỉ vuốt ve, âu yếm là điều thiết yếu cho sự phát triển, khỏe mạnh của trẻ cũng như chế độ ăn uống và tập thể dục”.

Người lớn có cần người khác thể hiện sự quan tâm qua cử chỉ trìu mến không? Câu trả lời là có. Qua quá trình nghiên cứu của mình, bác sĩ tâm lý Claude Steiner kết luận rằng dù ở độ tuổi nào, sự khích lệ qua lời nói và cử chỉ rất có lợi cho cảm xúc của chúng ta. Bà Laura, một y tá chăm sóc một nhóm gồm nhiều người cao tuổi, cho biết: “Tôi nhận thấy nếu biểu lộ tình cảm với những người cao tuổi thì sẽ có kết quả tốt. Khi đối xử tử tế và có cử chỉ trìu mến đối với họ, bạn sẽ được họ tin cậy và họ sẵn sàng làm theo sự hướng dẫn của bạn. Hơn nữa, đối xử cách trìu mến như thế cho thấy bạn tôn trọng họ”.

Bên cạnh đó, người bày tỏ tình cảm cũng nhận được lợi ích như người nhận. Như Chúa Giê-su có lần nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ 20:35). Thể hiện tình cảm với những người đang lo lắng, buồn nản hoặc bất an sẽ rất thỏa nguyện. Kinh Thánh nhiều lần mô tả về cách những người ở trong các hoàn cảnh đó đã nhận được sự giúp đỡ.

Hãy hình dung “một người mắc bịnh phung đầy mình”, bị xã hội ruồng bỏ chắc hẳn được an ủi biết bao khi cảm nhận cử chỉ đầy thương xót của chính Chúa Giê-su!—Lu-ca 5:12, 13; Ma-thi-ơ 8:1-3.

Hãy nghĩ đến nhà tiên tri Đa-ni-ên cao tuổi. Ông hẳn cảm thấy vững mạnh biết bao khi được thiên sứ của Đức Chúa Trời củng cố bằng những lời khích lệ chân thành và đã rờ đến ông ba lần. Cử chỉ yêu thương và những lời mang tính xây dựng này là những gì Đa-ni-ên cần để giúp ông hồi phục sau khi kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần.—Đa-ni-ên 10:9-11, 15, 16, 18, 19.

Vào dịp nọ, những người bạn yêu dấu của sứ đồ Phao-lô đã đi khoảng 50km từ thành Ê-phê-sô đến Mi-lê để gặp ông. Tại đó, Phao-lô nói rằng có thể họ sẽ không còn được gặp ông nữa. Hẳn Phao-lô được khích lệ biết bao khi những người bạn trung thành này “ôm lấy cổ [ông] mà hôn”.—Công-vụ 20:36, 37.

Vì thế, cả Kinh Thánh lẫn những cuộc nghiên cứu thời nay khuyến khích chúng ta thể hiện tình cảm đối với nhau. Đáp ứng nhu cầu này sẽ có lợi cho cảm xúc và thể chất của chúng ta. Rõ ràng, không chỉ có con trẻ mới cần được người khác thể hiện tình cảm một cách chân thành và thích hợp.