Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điều quý giá hơn sự nghiệp của chúng tôi

Điều quý giá hơn sự nghiệp của chúng tôi

Điều quý giá hơn sự nghiệp của chúng tôi

Do Murat Ibatullin kể lại

Năm 1987, Bộ Y tế Nga điều tôi đến Uganda, châu Phi. Tôi đồng ý làm bác sĩ ở đó với hợp đồng bốn năm. Thật ra, tôi không bao giờ muốn trở lại Nga mà hy vọng kinh nghiệm tích lũy được sẽ giúp tôi làm việc ở những nước như Úc, Canada hay Hoa Kỳ. Nhưng đến năm 1991, kế hoạch thay đổi và tôi quay về Nga. Hãy để tôi giải thích tại sao.

Tôi sinh năm 1953 tại thành phố Kazan’, thủ đô của Cộng hòa Tatarstan ở Nga. Cha mẹ tôi là người Tatarstan và hầu hết dân nước đó theo Hồi giáo. Tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi thấy ông bà ngoại thường quỳ lạy và cầu nguyện đức Allah. Con cái của họ, kể cả cha mẹ tôi, bảo chúng tôi đi chỗ khác để không quấy rầy họ. Nhưng cha mẹ tôi có vẻ xấu hổ khi ông bà ngoại làm thế, vì lúc ấy cha mẹ là người vô thần và ủng hộ chính quyền.

Khi lên bốn, tôi là nạn nhân của đợt dịch bệnh bại liệt cuối cùng ở Liên Bang Xô Viết. Ký ức tuổi thơ trong tôi chỉ toàn là những lần ra vào bệnh viện để làm các cuộc kiểm tra. Tôi còn nhớ ông ngoại đã cầu nguyện cho tôi khỏi bệnh. Vì muốn được như những đứa trẻ khác nên dù một chân bị thương tật, tôi vẫn chơi đá bóng, khúc côn cầu và những môn thể thao khác.

Khi lớn lên, tôi có ước muốn trở thành bác sĩ. Tôi không có đạo nhưng cũng không phải là người vô thần, đơn giản là tôi chưa bao giờ nghĩ đến Đức Chúa Trời. Lúc ấy, tôi đã chỉ trích chính sách của chính quyền, thường tranh cãi với cha và chú. Chú tôi là giảng viên đại học về môn triết và cha tôi làm việc cho Cơ quan Tình báo của chính quyền Xô Viết (KGB). Khi tốt nghiệp trường y, tôi đặt mục tiêu trở thành nhà giải phẫu thần kinh giỏi và đến sống ở một nước khác.

Tìm kiếm một đời sống tốt đẹp

Năm 1984, tôi hoàn thành luận án tốt nghiệp về đề tài chẩn đoán u não. Đến năm 1987, tôi được điều đến một bệnh viện ở Mulago, Uganda. Tôi đến đất nước xinh đẹp này với vợ là Dilbar, cùng hai con là Rustem 7 tuổi và Alisa 4 tuổi. Làm việc tại bệnh viện ấy không dễ chút nào, bao gồm việc phẫu thuật cho các bệnh nhân nhiễm vi-rút HIV. Tôi thường phải di chuyển đến những bệnh viện khác nhau vì lúc đó tại Uganda chỉ có hai bác sĩ giải phẫu thần kinh.

Ngày nọ, tại quầy bán sách, lần đầu tiên vợ chồng tôi thấy cuốn Kinh Thánh tiếng Nga. Chúng tôi mua vài cuốn để gửi cho bạn bè ở Liên Bang Xô Viết vì lúc ấy rất khó mua Kinh Thánh ở đó. Do đọc vài chương trong sách thấy quá khó hiểu nên ít lâu sau chúng tôi không đọc nữa.

Tuy nhiên, trong ba năm, chúng tôi đi nhiều nhà thờ ở Uganda và cố gắng hiểu những niềm tin của người địa phương cũng như điều gì giúp đời sống họ có ý nghĩa. Tôi cũng quyết định học Kinh Koran trong nguyên ngữ. Vì thế, tôi và Rustem đã đăng ký học tiếng Ả Rập. Sau vài tháng, chúng tôi có thể giao tiếp thường ngày bằng tiếng đó.

Vào khoảng thời gian đó, chúng tôi gặp hai giáo sĩ dạy Kinh Thánh là anh Heinz Wertholz và vợ là chị Marianne, người Đức và Áo. Trong lần nói chuyện đầu tiên, chúng tôi không đề cập đến tôn giáo. Cuộc gặp của chúng tôi bình thường như những người châu Âu gặp nhau ở châu Phi. Vợ chồng tôi hỏi tại sao họ đến Uganda và được biết họ là giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va, đến đây để giúp người ta biết về Kinh Thánh.

Lúc đó, tôi nhớ lại khi học triết ở trường đại học, chúng tôi được dạy rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là tà giáo, họ hiến tế trẻ con và uống máu chúng. Tôi kể cho anh Heinz và chị Marianne nghe điều đó, vì tôi không tin là họ lại có thể làm thế. Tôi và vợ, mỗi người nhận sách Bạn có thể sống đời đời trong Địa-đàng trên đất *, và cả hai chúng tôi cùng đọc ngấu nghiến trong vài giờ. Khi đọc xong, tôi hỏi Dilbar cảm thấy thế nào. Cô ấy rất thích thú và sửng sốt về những điều vừa đọc. Tôi nói với vợ rằng tôi cũng cảm thấy như vậy.

Sau đó, chúng tôi nôn nóng gặp lại vợ chồng anh Heinz. Khi gặp nhau, chúng tôi thảo luận về nhiều đề tài. Những điều học được trong Kinh Thánh ngày càng động đến lòng vợ chồng tôi. Vì thế, chúng tôi được thôi thúc chia sẻ những điều ấy cho bạn bè và đồng nghiệp, trong đó có đại sứ Nga, lãnh sự của Nga và những nước khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng nói với người đại diện của Vatican. Thật không thể tin được khi ông ấy nói phần Kinh Thánh Cựu ước “chỉ là thần thoại”.

Trở về quê hương

Một tháng trước khi trở về Nga vào năm 1991, tôi và Dilbar quyết định trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúng tôi nghĩ rằng ngay khi về Kazan’, chúng tôi sẽ tiếp tục được tham dự các buổi nhóm họp. Nhưng thật lo sợ vì trong ba tháng, chúng tôi chẳng những không tìm thấy nơi nhóm họp nào của Nhân Chứng mà còn không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ là có Nhân Chứng! Vì thế, chúng tôi quyết định đi rao giảng từng nhà theo cách thức của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới, dù chỉ có gia đình tôi. Kết quả là chúng tôi bắt đầu giúp vài người tìm hiểu Kinh Thánh, trong đó có một phụ nữ đã trở thành Nhân Chứng.

Sau đó, một anh Nhân Chứng lớn tuổi đến thăm chúng tôi vì Nhân Chứng ở Uganda gửi địa chỉ của chúng tôi cho anh. Chúng tôi bắt đầu kết hợp với nhóm 15 người tại một phòng nhỏ. Anh Heinz và chị Marianne vẫn giữ liên lạc với vợ chồng tôi, thậm chí còn đến Kazan’ thăm chúng tôi. Sau này, chúng tôi cũng đến thăm họ ở Bun-ga-ri, nhiệm sở kế tiếp của họ và là nơi họ còn làm giáo sĩ cho đến bây giờ.

Mảnh đất quê hương sinh bông trái

Mỗi khi có dịp, tôi đều chia sẻ chân lý của Kinh Thánh với những nhân viên trong các bệnh viện tôi làm việc ở Nga. Với thời gian, nhiều người hưởng ứng và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, trong đó có một số người bạn cùng ngành. Năm 1992, một năm sau khi chúng tôi trở về, nhóm Nhân Chứng ở Kazan’ lên tới 45 người và năm sau là hơn 100. Ngày nay tại Kazan’, có bảy hội thánh, trong đó có năm hội thánh tiếng Nga, một hội thánh tiếng Tatarstan và một hội thánh ngôn ngữ ký hiệu. Ngoài ra, cũng có những nhóm tiếng Anh và tiếng Armenia.

Năm 1993, tôi tham dự một hội nghị về y khoa ở thành phố New York. Ở đó, tôi có cơ hội đến tham quan trụ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Brooklyn. Tôi đã gặp anh Lloyd Barry, người đang giúp tổ chức các hoạt động rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Dù rất bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian để tiếp chuyện tôi.

Chúng tôi nói chuyện về việc cần có ấn phẩm giải thích Kinh Thánh bằng tiếng Tatarstan. Vài năm sau, nhóm dịch tiếng Tatarstan được lập ở Nga và bắt đầu có ấn phẩm trong tiếng đó. Thật vui mừng biết bao khi chúng tôi bắt đầu nhận được Tháp Canh đều đặn, một tạp chí được biên soạn nhằm giúp học hỏi Kinh Thánh! Không lâu sau đó, hội thánh tiếng Tatarstan đầu tiên được thành lập.

Dùng các phương pháp giảm thiểu mất máu

Tôi giữ vững các tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời dành cho người thờ phượng Ngài. Một mệnh lệnh trong Kinh Thánh, nơi sách Công-vụ 15:20 là ‘kiêng-giữ huyết’. Câu 29 nói thêm là tôi tớ Đức Chúa Trời “phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột, và chớ tà-dâm”.

Vì thế, khi Nhân Chứng Giê-hô-va tìm phương pháp chữa trị, họ yêu cầu bác sĩ tôn trọng quan điểm của họ về việc không dùng máu. Có một thời gian, tôi giúp Ủy ban liên lạc bệnh viện của Nhân Chứng ở Kazan’ *. Năm 1997, khi bé trai Pavel, 1 tuổi, ở thành phố Novosibirsk cần phẫu thuật khẩn cấp, mẹ bé đã liên lạc với chúng tôi nhờ giúp đỡ. Chúng tôi cố gắng giúp chị tìm một bác sĩ chịu phẫu thuật không truyền máu, dù lúc ấy ở Nga chỉ vài bác sĩ có kinh nghiệm sẵn lòng thực hiện điều này.

Không lâu sau, chúng tôi tìm được một bệnh viện phẫu thuật tim tại Kazan’ có các bác sĩ đồng ý phẫu thuật cho bé Pavel. Ngày 31-3-1997, các bác sĩ đã tiến hành rất thành công ca phẫu thuật không truyền máu để chữa vấn đề nghiêm trọng về tim, gọi là tứ chứng Fallot. Ngày 3 tháng 4, tờ báo Vechernyaya Kazan đăng tin: “Tình trạng của bé trai đã ổn và không còn phải uống thuốc điều trị bệnh tim nữa... Sau mười một tháng, mẹ bé Pavlik [cách gọi thân mật của tên Pavel] đã có thể thở phào nhẹ nhõm”. Chỉ trong thời gian ngắn, bé Pavel đã hồi phục và chập chững những bước đi đầu tiên trong hành lang bệnh viện.

Bây giờ, Pavel có sức khỏe tốt và cuộc sống bình thường. Em rất thích trượt băng, đá bóng và bơi lội. Em học lớp tám và cùng mẹ đi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Novosibirsk để thờ phượng Đức Chúa Trời. Sau trường hợp này, các bác sĩ tại bệnh viện tim đó cũng phẫu thuật thành công cho một số bệnh nhân khác là Nhân Chứng mà không dùng máu. Việc điều trị y khoa ở Tatarstan tiếp tục tiến bộ và phương pháp phẫu thuật không dùng máu ngày càng phổ biến.

Công việc của tôi hiện nay

Vợ chồng tôi cùng những Nhân Chứng khác đang làm việc tại một trung tâm chuyên dùng các phương pháp điều trị y khoa tân tiến cho bệnh nhân tim mạch và thần kinh. Chúng tôi thực hiện những cuộc phẫu thuật khác nhau, đặc biệt là cho những bệnh nhân muốn dùng phương pháp giảm thiểu mất máu. Tôi là bác sĩ chẩn đoán và điều trị các bệnh thần kinh bằng tia X. Ngoài ra, tôi cũng theo đuổi công việc yêu thích là phẫu thuật thần kinh không xâm lấn (không cần rạch da) và không truyền máu. Là giáo sư thuộc khoa thần kinh và giải phẫu thần kinh của trường Đại học Y khoa Quốc gia tại Kazan’, tôi giảng dạy cho các sinh viên và bác sĩ. Tôi cố gắng giúp họ thấy lợi ích của những phương pháp điều trị không dùng máu *.

Vợ tôi là chuyên viên siêu âm. Chúng tôi yêu thích công việc của mình vì có thể giúp người khác. Nhưng chúng tôi cảm thấy thỏa nguyện nhất khi giúp người ta gây dựng mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Thật vui mừng biết bao khi nói cho người khác biết về lời hứa của Đức Chúa Trời là không lâu nữa trên đất ‘sẽ không ai nói rằng: Tôi đau’!—Ê-sai 33:24.

[Chú thích]

^ đ. 12 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 23 Các Ủy ban liên lạc bệnh viện là những nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va giúp các bệnh viện và bệnh nhân hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề liên quan đến việc truyền máu.

^ đ. 27 Đây là những phương pháp thay thế cho việc truyền máu. Vì truyền máu gây nhiều nguy hiểm, nên dược phẩm và phẫu thuật không dùng máu ngày càng phổ biến trên khắp thế giới. Truyền máu có nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh khác cũng như gây phản ứng.

[Hình nơi trang 12]

Khi là bác sĩ tại châu Phi

[Hình nơi trang 13]

Năm 1990, vợ chồng tôi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va

[Hình nơi trang 14]

Với anh Lloyd Barry trong chuyến đi Brooklyn, New York, năm 1993

[Hình nơi trang 15]

Pavel và mẹ hiện nay

[Hình nơi trang 15]

Cùng Dilbar, vợ tôi, trong công việc rao giảng