Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ý kiến của vài bậc cha mẹ

Ý kiến của vài bậc cha mẹ

Ý kiến của vài bậc cha mẹ

Cha mẹ có con chưa đến tuổi đi học phải đối mặt với một số thử thách. Chẳng hạn, nên đối phó với cơn lôi đình như thế nào? Làm sao dạy con phân biệt đúng, sai và uốn nắn con một cách thăng bằng? Hãy xem cách một số bậc cha mẹ đối phó với những vấn đề này.

CƠN LÔI ĐÌNH

“Trẻ con ở lứa tuổi mầm non thường muốn có những gì mình thích. Con trai chúng tôi cũng vậy. Nếu không đáp ứng những ‘yêu sách’ của bé, bé sẽ ném mọi thứ. Vì bé là con đầu nên chúng tôi chưa từng thấy những cơn lôi đình như vậy. Chúng tôi không thấy nhẹ hơn khi người khác nói ‘tuổi đó là vậy’”.—Chị Susan, Kenya.

“Khi lên hai, con gái chúng tôi thường lăn ra đất, gào thét, khóc lóc, đá... Thật bực mình! Có cố gắng nói chuyện với cháu trong lúc này cũng chẳng tác dụng gì. Vì vậy, vợ chồng tôi bắt cháu vào phòng, nhẹ nhàng nói với cháu là khi nào nguôi bớt thì có thể ra nói chuyện với chúng tôi. Khi cháu bình tĩnh trở lại, một trong hai chúng tôi sẽ vào phòng và giúp cháu hiểu tại sao làm vậy không đúng. Biện pháp này rất hữu hiệu. Có lần chúng tôi còn nghe cháu cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ. Với thời gian, những cơn giận dữ của cháu ít dần rồi ngưng hẳn”.—Chị Yolanda, Tây Ban Nha.

“Trẻ con thích thử xem luật cha mẹ đặt ra ‘rắn’ đến mức nào. Cho phép con làm điều bạn đã cấm sẽ khiến chúng bối rối. Chúng tôi thấy khi mình kiên quyết và nhất quán, con sẽ dần hiểu la hét không phải là ‘vũ khí’ để đạt được điều mình muốn”.—Anh Neil, nước Anh.

KỶ LUẬT

“Đối với trẻ dưới năm tuổi, khó biết trẻ có thật sự lắng nghe hay không. Bí quyết là nhắc lại. Có thể bạn phải lặp đi lặp lại cả ngàn lần, kèm theo điệu bộ và giọng quả quyết”.—Anh Serge, Pháp.

“Dù được nuôi dạy trong cùng một môi trường, nhưng bốn cháu nhà tôi hoàn toàn khác nhau. Đứa thì khóc lên khi biết đã làm chúng tôi thất vọng, đứa thì muốn thử phá bỏ những giới hạn mà chúng tôi đặt ra. Có lúc chỉ cần một cái nhìn nghiêm khắc hoặc rầy la là đủ, nhưng lúc khác phải dùng đến hình phạt”.—Anh Nathan, Canada.

“Điều quan trọng là không nhượng bộ. Nhưng cha mẹ cũng không nên quá cứng nhắc. Khi trẻ thật sự hối lỗi, chúng tôi thấy tốt nhất là linh động và giảm nhẹ hình phạt”.—Anh Matthieu, Pháp.

“Tôi tránh đặt quá nhiều luật cho con, nhưng luật nào đã đặt ra thì không thể thương lượng. Con trai ba tuổi của tôi biết sẽ nhận hình phạt nào nếu không vâng lời, điều đó giúp cháu kiểm soát hành vi. Đúng là khi mệt mỏi thì rất dễ bỏ qua lỗi của con, nhưng để nhất quán, tôi bắt mình phải hành động. Nhất quán là điều rất quan trọng!”.—Chị Natalie, Canada.

NHẤT QUÁN

“Dường như não bộ trẻ con chứa một thẻ nhớ có thể lưu trữ mọi hành động không nhất quán của cha mẹ”.—Anh Milton, Bolivia.

“Đôi khi, con trai tôi hỏi một chuyện nhưng vặn vẹo nhiều cách để xem câu trả lời của chúng tôi có nhất quán không. Lúc khác, nếu tôi nói một đằng, mẹ cháu nói một nẻo thì cháu sẽ thấy khe hở và ‘lách luật’”.—Anh Ángel, Tây Ban Nha.

“Thỉnh thoảng, tôi lờ đi lỗi của con trai khi tâm trạng đang vui nhưng lại phạt nặng khi bực mình. Tôi thấy điều này chỉ càng làm hư cháu”.—Chị Gyeong-ok, Hàn Quốc.

“Trẻ con cần hiểu rằng, nếu hôm nay một hành vi là sai trái thì nó sẽ luôn sai trái”.—Anh Antonio, Brazil.

“Nếu cha mẹ không nhất quán, con cái sẽ nghĩ họ hay thay đổi và chỉ quyết định tùy hứng. Nhưng nếu cha mẹ giữ vững nguyên tắc, con sẽ biết điều gì sai thì luôn luôn sai. Đây là một cách cha mẹ giúp con thấy yên tâm và được yêu thương”.—Anh Gilmar, Brazil.

“Trẻ có thể lợi dụng những tình huống mà cha mẹ khó từ chối điều chúng xin, chẳng hạn như khi có mặt người khác. Vậy, nếu từ chối, tôi sẽ nói ‘không’ ngay từ đầu và cho con biết rõ là có năn nỉ mấy cũng không ăn thua gì”.—Anh Chang-seok, Hàn Quốc.

“Cha mẹ cần đồng lòng. Nếu vợ chồng tôi không đồng ý với nhau về một điều gì đó, chúng tôi sẽ bàn bạc riêng. Khi cha mẹ bất đồng quan điểm, trẻ con sẽ phát hiện và lợi dụng tình thế”.—Anh Jesús, Tây Ban Nha.

“Khi biết cha mẹ thống nhất với nhau và không thể bị điều khiển, trẻ cảm thấy yên tâm. Trẻ biết trước kết quả sẽ ra sao khi ngoan ngoãn hay khi quậy phá”.—Chị Damaris, Đức.

“Đối với vợ chồng tôi, sự nhất quán cũng bao gồm việc giữ lời khi hứa cho con gái một điều gì đó. Nhờ thế, cháu tin cậy lời hứa của chúng tôi”.—Anh Hendrick, Đức.

“Nếu chủ cứ thay đổi những nguyên tắc trong công việc, tôi sẽ bực mình. Trẻ con cũng vậy. Chúng yên tâm khi biết rõ các quy định của cha mẹ và hiểu các quy định đó sẽ không thay đổi. Chúng cũng cần biết sẽ nhận hình phạt nào nếu không vâng lời và biết hình phạt ấy sẽ không thay đổi”.—Anh Glenn, Canada.

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Phải thì nói phải, không thì nói không”.—Gia-cơ 5:12

[Khung/​Hình nơi trang 9]

KINH NGHIỆM GIA ĐÌNH

Thích nghi với việc có con ngoài kế hoạch

Do anh Tom và chị Yoonhee kể lại

Tom: Chúng tôi vừa kết hôn được sáu tháng thì Yoonhee phát hiện cô ấy có thai. Bề ngoài tôi tỏ ra bình tĩnh vì muốn bà xã yên tâm là cô ấy có thể dựa vào tôi để được an ủi và thêm sức mạnh, nhưng bên trong thì tôi rất lo sợ!

Yoonhee: Tôi sợ hãi và cảm thấy đất trời như sụp đổ! Tôi chỉ biết khóc và khóc. Tôi thấy mình chưa sẵn sàng và chưa thể đảm nhận trách nhiệm làm mẹ.

Tom: Tôi cũng thấy mình chưa sẵn sàng làm cha! Nhưng sau khi tâm sự với những người làm cha, làm mẹ khác, chúng tôi nhận thấy có con ngoài kế hoạch là chuyện thường xảy ra hơn chúng tôi tưởng. Hơn nữa, chúng tôi cũng được an ủi khi nghe các bậc cha mẹ khác nói về niềm vui khi có con. Dần dần, nỗi sợ hãi và hoang mang trong tôi được thay thế bằng niềm háo hức.

Yoonhee: Sau khi bé Amanda chào đời, những khó khăn mới đã phát sinh. Bé khóc không ngớt và tôi bị mất ngủ trong nhiều tuần. Tôi chán ăn và mệt mỏi kinh khủng. Lúc đầu, tôi không muốn tiếp xúc với ai, nhưng sau đó tôi nhận ra tự cô lập thì không giúp ích gì. Vì thế, tôi gặp gỡ những người mới làm mẹ. Chúng tôi trao đổi kinh nghiệm với nhau, điều này giúp tôi thấy không phải mỗi mình tôi lo lắng.

Tom: Tôi cố gắng giữ nề nếp sinh hoạt gia đình. Chẳng hạn, là Nhân Chứng Giê-hô-va, vợ chồng tôi quyết tâm đều đặn đi rao giảng và tham dự buổi nhóm của hội thánh. Ngoài ra, có thêm đứa con làm chi phí gia đình tăng lên, một số khoản bất ngờ phát sinh. Chúng tôi cần cẩn thận, không vung tay quá trán để khỏi mắc nợ và chuốc thêm căng thẳng.

Yoonhee: Lúc đầu, tôi nghĩ mình không đi rao giảng được vì em bé có thể gây phiền toái. Nhưng thật ra, người ta rất thích trẻ con. Nhận thức điều này giúp tôi tiếp tục rao giảng và có thái độ tích cực hơn.

Tom: Kinh Thánh nói: “Con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra” và là “phần thưởng” (Thi-thiên 127:3). Với tôi, những lời này cho thấy mỗi đứa trẻ là một món quà quý báu. Khi được thừa hưởng bất cứ cơ nghiệp nào, bạn có thể chọn: hoặc là đầu tư một cách khôn khéo, hoặc là lãng phí. Tôi dần nhận ra mỗi giai đoạn phát triển của con đều khác nhau. Tôi muốn có mặt trong mỗi giai đoạn của cuộc đời con gái mình, vì một khi cơ hội đã qua đi thì không thể lấy lại.

Yoonhee: Đôi khi cuộc sống mang lại những điều bất ngờ. Có con ngoài kế hoạch cũng là một điều bất ngờ nhưng không phải tệ hại. Giờ đây, Amanda sáu tuổi, tôi không thể tưởng tượng được đời tôi sẽ ra sao nếu không có cháu.

[Hình]

Anh Tom, chị Yoonhee và con gái là Amanda