Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nuôi dạy con ở tuổi đến trường

Nuôi dạy con ở tuổi đến trường

Nuôi dạy con ở tuổi đến trường

“Cho đến lúc năm tuổi, con cái luôn ở trong vòng tay cha mẹ nên họ dễ vun trồng cho con các đức tính tốt. Nhưng khi bắt đầu cắp sách đến trường, con đứng trước ảnh hưởng của những người có lời nói và hành vi khác với chúng”.—Anh Valter, Ý.

Khi lớn lên, con cái khám phá thế giới bên ngoài. Chúng tiếp xúc với nhiều người hơn, chẳng hạn như bạn chơi cùng, bạn học và bà con. Như lời anh Valter, bạn không còn là người ảnh hưởng duy nhất đến con, như khi con còn thơ ấu. Vì thế, điều quan trọng là tận dụng những năm tháng con còn bé để dạy con biết vâng lời và biết cư xử, cũng như dạy con biết phân biệt đúng, sai.

Những kỹ năng trên không đến cách nhanh chóng hay qua trực giác. Do đó, bạn cần “kiên nhẫn, dạy dỗ mà thuyết phục, bẻ trách khuyên lơn” (2 Ti-mô-thê 4:2, Ghi-đê-ôn). Về luật pháp Đức Chúa Trời, bậc cha mẹ người Y-sơ-ra-ên xưa được lệnh: “Khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Như câu này cho thấy, kiên trì dạy dỗ con cái là rất quan trọng.

Việc nuôi dạy con cái cũng có nhiều thử thách. Chúng ta hãy cùng xem xét một số.

Kỳ lắng nghe

Kinh Thánh cho biết có “kỳ nói” và cũng có kỳ lắng nghe (Truyền-đạo 3:7). Làm sao dạy con chú ý lắng nghe khi người khác, kể cả bạn, đang nói? Một cách là nêu gương. Bạn có chăm chú lắng nghe khi người khác, kể cả con cái, đang nói không?

Trẻ con dễ bị phân tâm nên có lúc bạn thấy khó kiên nhẫn khi cố gắng trò chuyện với con. Mỗi đứa trẻ khác nhau nên hãy quan sát hầu biết cách nào tốt nhất để trò chuyện với con mình. Chẳng hạn như anh David, sống ở nước Anh, nói: “Tôi bảo con gái dùng lời lẽ riêng để diễn đạt lại điều tôi vừa nói. Nhờ thế, càng lớn cháu càng biết lắng nghe hơn”.

Khi dạy các môn đồ, Chúa Giê-su nói với họ: “Hãy cẩn thận về cách mình nghe” (Lu-ca 8:18, Bản Dịch Mới). Các môn đồ là người lớn mà còn phải làm thế huống chi là trẻ em!

“Tha-thứ nhau”

Kinh Thánh dạy: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau” (Cô-lô-se 3:13). Trẻ con có thể được rèn luyện tính tha thứ. Bằng cách nào?

Cũng giống như dạy con biết lắng nghe, cha mẹ phải nêu gương. Hãy cho con thấy bạn sẵn sàng tha thứ người khác. Một bà mẹ ở Nga là Marina đã nỗ lực làm điều này. Chị nói: “Chúng tôi cố gắng nêu gương cho con trong việc tha thứ, nhường nhịn người khác và không dễ mếch lòng. Tôi xin lỗi con khi tôi sai. Tôi muốn các cháu cũng làm vậy khi đối xử với mọi người”.

Khả năng giải quyết bất đồng và tha thứ rất cần thiết cho con khi đến tuổi trưởng thành. Ngay từ bây giờ, hãy dạy con biết nghĩ đến người khác và chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Làm thế, bạn cho con một món quà quý báu có thể giúp ích cho chúng suốt quá trình khôn lớn.

“Phải biết ơn”

Trong “thời-kỳ khó-khăn” này, nhiều người “tư-kỷ” (2 Ti-mô-thê 3:1, 2). Cha mẹ phải dạy con về lòng biết ơn từ khi còn bé. Như Kinh Thánh khuyên: “Phải biết ơn” (Cô-lô-se 3:15).

Dù còn nhỏ, con trẻ có thể học cách cư xử đúng mực và quan tâm chu đáo đến người khác. Như thế nào? Trong tạp chí Parents, tiến sĩ Kyle Pruett cho biết: “Cách tốt nhất để cha mẹ dạy con tỏ lòng biết ơn là chính họ phải thường xuyên biểu lộ điều đó ở nhà”. Ông nói thêm: “Điều này có nghĩa là bạn luôn nói mình cảm kích ra sao khi được người khác giúp đỡ hay đối xử tử tế... Bạn phải tập nhiều”.

Một ông bố ở nước Anh là Richard đã nỗ lực làm điều đó. Anh nói: “Vợ chồng tôi cho con thấy cách bày tỏ lòng biết ơn với những người đối xử tốt với mình, như thầy cô hay ông bà. Mỗi khi được mời dùng bữa, chúng tôi đều viết thiệp cám ơn và cho các con ký tên hay vẽ một hình vào đó”. Cư xử lịch sự và biết ơn sẽ giúp con trẻ tạo dựng những tình bạn mật thiết và lâu dài về sau.

“Chớ tha sửa-phạt trẻ-thơ”

Cha mẹ cần dạy con biết rằng việc làm đi liền với kết quả. Dù nhỏ tuổi, trẻ cũng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, không chỉ ở nhà mà còn ở trường hay ngoài xã hội. Bạn có thể giúp trẻ học nguyên tắc “gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7). Bằng cách nào?

Kinh Thánh dạy: “Chớ tha sửa-phạt trẻ-thơ” (Châm-ngôn 23:13). Nếu bạn đã dạy con rằng làm sai sẽ bị phạt thì đừng ngại kỷ luật con. Chị Norma, một người mẹ ở Argentina, nói: “Quan trọng là phải nhất quán. Nếu không thì chỉ tạo thời cơ cho trẻ điều khiển sự việc theo ý mình”.

Khi cho con biết trước hình phạt là gì nếu không vâng lời, cha mẹ sẽ không phải tranh cãi với con sau khi chúng phạm lỗi. Con trẻ sẽ ít cãi lại cha mẹ hơn khi chúng biết các quy định là gì và hậu quả ra sao nếu vi phạm, cũng như hiểu là không thể thương lượng về các hình phạt.

Dĩ nhiên, để đạt hiệu quả, không nên kỷ luật con khi đang tức giận. Kinh Thánh khuyên: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc” (Ê-phê-sô 4:31). Tuyệt đối không phạt con bằng cách bạo hành về thể xác hoặc tinh thần, hay dùng nhục hình.

Nhưng làm sao có thể giữ bình tĩnh khi con làm bạn không thể kiên nhẫn được nữa? Anh Peter, sống ở New Zealand, thừa nhận: “Điều đó không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng con trẻ cần hiểu chúng bị phạt là do lỗi của chúng chứ không phải do cha mẹ mất tự chủ”.

Vợ chồng anh Peter cố gắng giúp các con thấy lợi ích lâu dài của việc sửa phạt. Anh nói: “Ngay cả khi con hỗn xược, chúng tôi khuyên con nên trở thành người như thế nào thay vì cứ mắng nhiếc chúng”.

‘Hãy cho mọi người biết tính phải lẽ của anh em’

Khi dân Y-sơ-ra-ên làm sai, Đức Chúa Trời phán với họ: “Ta... sẽ sửa-trị ngươi cách chừng-mực” (Giê-rê-mi 46:28). Kỷ luật con một cách công bằng và phù hợp với lỗi của chúng sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ đạo Đấng Christ: “Hãy cho mọi người đều biết nết nhu-mì [“tính phải lẽ”, NW] của anh em”.—Phi-líp 4:5.

Một phần của tính phải lẽ là kỷ luật sao cho con cái giữ được thể diện. Một người bố ở Ý là Santi nói: “Tôi không bao giờ hạ thấp nhân phẩm của các con. Thay vì thế, tôi cố gắng nhận ra gốc rễ vấn đề để uốn nắn các cháu. Khi phạt một đứa, tôi không phạt trước mặt người khác hay đứa còn lại, nếu được. Tôi không chê cười khuyết điểm của con, dù lúc có mặt người khác hay lúc chỉ có tôi với cháu”.

Anh Richard được nói đến ở trên cũng thấy điều khôn ngoan là phải lẽ. Anh nói: “Mỗi lần con phạm lỗi mới, cha mẹ không nên trừng phạt nặng thêm. Sau khi phạt, điều quan trọng là không cằn nhằn hay nhắc lại lỗi của con”.

Nuôi dạy con là công việc khó nhọc, đòi hỏi phải hy sinh nhưng cũng mang lại nhiều phần thưởng to lớn. Đó là điều mà chị Yelena, sống ở Nga, đã cảm nhận được. Chị nói: “Tôi chọn công việc bán thời gian để có thể ở bên con trai nhiều hơn. Làm vậy, tôi cần nỗ lực nhiều và mất đi một khoản thu nhập. Dù thế, khi con trai vui vẻ và mẹ con tôi gần gũi với nhau hơn thì tôi thấy sự hy sinh đó thật đáng công”.

[Hình nơi trang 11]

Con trẻ có thể học cách quan tâm chu đáo đến người khác

[Hình nơi trang 12]

Kỷ luật sao cho con cái giữ được thể diện