Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trò chuyện là chiếc cầu nối giữa bạn và con cái

CHA MẸ

5: Trò chuyện

5: Trò chuyện

ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA GÌ?

Cuộc trò chuyện đúng nghĩa là sự đối thoại hai chiều, khi bạn cùng con chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc.

TẠI SAO QUAN TRỌNG?

Khi con bước vào tuổi vị thành niên, việc trò chuyện với con là một thách thức cho cha mẹ. Như một sách so sánh, mới ngày nào “dường như bạn được phép vào ‘hậu trường’ của cuộc sống con. Giờ đây, may lắm thì bạn được một chỗ ngồi ở ‘khán phòng’ nhưng chưa chắc là chỗ tốt” (Breaking the Code). Nhưng không như nhiều người nghĩ, đây chính là lúc con cái cần trò chuyện với cha mẹ nhiều nhất!

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Lắng nghe những lúc con muốn nói. Hãy lắng nghe ngay cả khi con muốn nói chuyện lúc đêm khuya.

“Có lẽ phản ứng đầu tiên của bạn là: ‘Giờ này mà còn nói chuyện gì nữa hả con? Mẹ đã bên con cả ngày rồi còn gì!’. Nhưng sao chúng ta lại than phiền khi con cái muốn trải lòng với mình? Chẳng phải đó là điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn sao?”.—Chị Lisa.

“Dù giờ đi ngủ là giờ vàng đối với tôi, nhưng nửa đêm là lúc mà cha con tôi có những cuộc trò chuyện thân mật nhất”.—Anh Herbert.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Mỗi người chớ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy mưu cầu lợi ích cho người khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.

Đừng phân tâm. Một người cha thổ lộ: “Đôi khi tôi chợt nhận ra tâm trí mình nghĩ đến việc khác khi con đang nói. Và con tôi rất tinh ý thấy điều đó!”.

Nếu đó là trường hợp của bạn, hãy tắt ti-vi và bỏ các thiết bị điện tử sang một bên. Hãy tập trung lắng nghe con nói, dành hết sự quan tâm cho mối lo lắng của con, ngay cả chuyện có vẻ nhỏ nhặt.

“Chúng ta cần cho con hiểu rằng cảm xúc của con rất quan trọng với chúng ta. Nếu không hiểu điều đó, con sẽ giữ mối lo lắng cho riêng mình hoặc tìm nguồn trợ giúp khác”.—Chị Maranda.

“Đừng phản ứng mạnh ngay cả khi suy nghĩ của con sai lệch”.—Anh Anthony.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy để ý đến cách [bạn] nghe”.—Lu-ca 8:18.

Tận dụng các sinh hoạt hằng ngày. Con cái dễ mở lòng hơn khi không cảm thấy áp lực vì phải nói chuyện mặt đối mặt với cha mẹ.

“Chúng tôi tận dụng cơ hội khi đi cùng xe. Con nói chuyện cởi mở hơn khi không phải ngồi đối diện với chúng tôi”.—Chị Nicole.

Bữa cơm gia đình là cơ hội khác để trò chuyện.

“Trong bữa ăn tối, mỗi người chia sẻ một chuyện buồn và một chuyện vui đã gặp trong ngày. Thói quen này giúp chúng tôi gắn bó với nhau, và nhờ đó mỗi người hiểu rằng không ai phải đương đầu với vấn đề một mình”.—Anh Robin.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Phải mau nghe, chậm nói”.—Gia-cơ 1:19.