Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh-thánh tranh đấu để sống

Kinh-thánh tranh đấu để sống

Chương 2

Kinh-thánh tranh đấu để sống

Có nhiều bằng chứng cho thấy Kinh-thánh thật sự là Lời Đức Chúa Trời. Mỗi bằng chứng giống như một sợi dây chắc chắn và khi se lại với nhau thì không thể bứt đứt được. Trong chương này và chương kế, chúng ta sẽ bàn luận đến chỉ một sợi dây bằng chứng, đó là lịch sử của cuốn Kinh-thánh. Sự thật là chính cuốn sách phi thường này đã tồn tại đến ngày nay hẳn là một phép lạ. Chính bạn hãy xem xét những sự kiện đó.

1. Kinh-thánh có một số chi tiết nào?

KINH-THÁNH không phải là một cuốn sách tầm thường. Đó là thư viện phong phú gồm 66 cuốn sách nhỏ, có sách ngắn gọn và có sách khá dài, chứa đựng luật pháp, lời tiên tri, lịch sử, thơ văn, lời khuyên bảo và nhiều điều khác nữa. Nhiều thế kỷ trước khi đấng Christ ra đời, 39 cuốn sách đầu phần lớn được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ do những người Do Thái hay người Y-sơ-ra-ên trung thành viết. Phần này thường được gọi là Cựu Ước. Tín đồ đấng Christ viết 27 cuốn sách sau bằng tiếng Hy Lạp và thường được gọi là Tân Ước. Theo bằng chứng nằm trong Kinh-thánh và những sự ghi chép cổ truyền nhất thì 66 cuốn sách này được viết trong khoảng thời gian dài 1.600 năm, bắt đầu khi Ai Cập là cường quốc đang nắm quyền và chấm dứt khi La Mã cai trị thế giới.

Chỉ có Kinh-thánh tồn tại

2. a) Tình trạng của xứ Y-sơ-ra-ên ra sao khi Kinh-thánh bắt đầu được viết? b) Có những tác phẩm nào được viết trong cùng thời kỳ đó?

2 Hơn 3.000 năm trước, khi Kinh-thánh mới bắt đầu được viết thì Y-sơ-ra-ên chỉ là một nước nhỏ nằm giữa nhiều nước ở vùng Trung Đông. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ, trong khi các nước chung quanh thờ hỗn độn nhiều thần và nữ thần khác nhau. Vào thời đó không phải chỉ riêng người Y-sơ-ra-ên mới có sách về tôn giáo. Các nước khác cũng viết ra những tác phẩm phản ảnh tôn giáo và giá trị quốc gia của họ. Thí dụ, như huyền thoại của người Akkadian thuộc Gilgamesh ở Mê-sô-bô-ta-mi và thiên sử ca Ras Shamra được viết bằng tiếng Ugaritic (một thứ tiếng mà người hiện đang sống ở miền bắc xứ Sy-ri nói), chắc chắn đã được phổ biến rộng rãi. Phần lớn các sách thời đó gồm có những tác phẩm như sách The Admonitions of Ipu-wer (Lời khuyên bảo của Ipu-wer) và The Prophecy of Nefer-rohu (Lời tiên tri của Nefer-rohu) bằng tiếng Ai Cập, các bài ca tụng những thần thánh bằng tiếng Sumerian, và tác phẩm tiên tri bằng tiếng Akkadian.1

3. Điều gì đánh dấu Kinh-thánh khác hẳn với các tác phẩm tôn giáo cùng thời ở Trung Đông?

3 Tuy nhiên, tất cả những tác phẩm Trung Đông này đều có chung một số phận là bị lãng quên và cả đến ngôn ngữ dùng trong các tác phẩm ấy cũng bị mất hẳn. Chỉ trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ học và các nhà ngôn ngữ học mới biết về sự hiện hữu của những tác phẩm đó và tìm cách đọc chúng. Trái lại, quyển sách đầu tiên trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã tồn tại cho đến thời kỳ chúng ta và vẫn còn phổ biến rộng rãi. Đôi khi các học giả cho rằng những sách bằng tiếng Hê-bơ-rơ trong Kinh-thánh được trích từ các tác phẩm xa xưa đó. Nhưng sự kiện là nhiều sách đó đã bị quên lãng trong khi Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ vẫn tồn tại cho thấy rõ Kinh-thánh khác hẳn với các sách khác.

Những người coi giữ Lời Chúa

4. Những người Y-sơ-ra-ên có thể có những vấn đề nghiêm trọng nào làm cho sự tồn tại của Kinh-thánh khó mà biết trước được?

4 Chắc chắn loài người không đoán biết được Kinh-thánh có tồn tại hay không. Những người sản xuất Kinh-thánh đã gặp thử thách khó khăn và bị đàn áp dữ dội, cho nên việc Kinh-thánh còn tồn tại đến ngày nay quả thật là phi thường. Trong những năm trước thời đấng Christ, những người Do Thái sản xuất Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ (“Cựu Ước”) là những người thuộc về một nước tương đối nhỏ. Họ sống một cách bấp bênh giữa những cường quốc tranh giành nhau quyền bá chủ. Để sống còn, nước Y-sơ-ra-ên phải liên tiếp tranh chiến với những dân như Phi-li-tin, Mô-áp, A-môn và Ê-đôm. Trong thời mà người Hê-bơ-rơ bị phân chia ra làm hai nước, cường quốc độc ác A-si-ri hầu như đánh tan nước phương bắc, trong khi ấy dân Ba-by-lôn tiêu diệt nước phương nam, bắt dân chúng đi làm phu tù. Trong số đó chỉ có một ít người sót lại được hồi hương 70 năm sau.

5, 6. Có những âm mưu nào đã làm nguy hiểm đến sự sống còn của người Hê-bơ-rơ, với tư cách là một dân tộc đặc biệt?

5 Có cả những sự ghi chép nói về mưu toan diệt chủng người Y-sơ-ra-ên. Trong thời của Môi-se, Pha-ra-ôn ra lệnh giết hết tất cả con trai sơ sinh của người Do Thái. Nếu lệnh vua được thi hành, hẳn là người Hê-bơ-rơ bị tận diệt (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:15-22). Nhiều năm sau, lúc cường quốc Phe-rơ-sơ cai trị người Do Thái, kẻ thù của họ âm mưu để cho ra một đạo luật với ý định tiêu trừ họ (Ê-xơ-tê 3:1-15). Âm mưu đó đã thất bại, và người Do Thái ngày nay vẫn còn giữ lễ Purim để ăn mừng biến cố đó.

6 Sau đó, trong thời kỳ người Do Thái thần phục nước Sy-ri, Vua Antiochus IV đã cố bắt cả nước đồng hóa, buộc họ theo phong tục Hy Lạp và thờ phượng thần tượng của Hy Lạp. Ông đã thất bại. Thay vì bị diệt chủng hay bị đồng hóa, người Do Thái vẫn tồn tại trong khi các dân chung quanh họ, từng nhóm một dần dần bị biến mất. Nhờ vậy Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được tồn tại.

7, 8. Hoạn nạn của các tín đồ đấng Christ đe dọa đến sự tồn tại của Kinh-thánh thế nào?

7 Tín đồ đấng Christ, sản xuất phần thứ hai của Kinh-thánh (“Tân Ước”), cũng là nhóm người bị đàn áp. Người lãnh đạo họ là Chúa Giê-su Christ đã bị giết như một tử tội tầm thường. Trong thời kỳ đầu sau cái chết của Chúa Giê-su, các nhà cầm quyền Do Thái ở Trung Đông cố tình đàn áp họ. Khi đạo đấng Christ lan rộng qua các xứ khác, những người Do Thái truy lùng họ, ngăn cản công việc truyền giáo của họ (Công-vụ các Sứ-đồ 5:27, 28; 7:58-60; 11:19-21; 13:45; 14:19; 18:5, 6).

8 Trong thời Nê-rô, thái độ dễ dãi lúc đầu của giới cầm quyền La Mã đã thay đổi. Ông Tacitus khoe khoang về vị hoàng đế độc ác này đã dùng những “tra tấn cực hình” đối với tín đồ đấng Christ và từ đó trở đi, ai trở thành tín đồ đấng Christ là bị xử tử.2 Vào năm 303 CN, Hoàng Đế Diocletian đã hành động trực tiếp chống lại Kinh-thánh. * Nhằm loại trừ hẳn đạo đấng Christ, ông ta ra lịnh thiêu đốt tất cả Kinh-thánh.3

9. Điều gì có thể xảy ra nếu chiến dịch diệt trừ người Do Thái và tín đồ đấng Christ được thành công?

9 Những chiến dịch đàn áp và diệt chủng này là mối đe dọa cho sự sống còn của Kinh-thánh. Nếu những người Do Thái có cùng chung số phận như người Phi-li-tin và người Mô-áp, hay là nếu những cố gắng—trước là của giới cầm quyền Do Thái và sau là của La Mã—nhằm loại trừ đạo đấng Christ được thành công, thì ai sẽ viết và bảo tồn cuốn Kinh-thánh? May thay, những người coi giữ Kinh-thánh—trước là người Do Thái, sau là tín đồ đấng Christ—đã không bị tận diệt, nhờ vậy mà Kinh-thánh được tồn tại. Tuy nhiên, lại có thêm mối đe dọa khác nếu không phải là chuyện sống còn thì ít ra cũng là sự trung thực của Kinh-thánh.

Sai lầm của những bản sao

10. Từ ban đầu, Kinh-thánh được bảo tồn thế nào?

10 Nhiều tác phẩm thời xưa nêu ra ở phần trên, được khắc vào đá hay ghi tạc vào bảng bằng đất sét, về sau đã bị quên lãng. Kinh-thánh thì không như vậy. Kinh-thánh nguyên thủy được viết trên giấy bằng cây chỉ thảo hay là giấy da—vật liệu dễ hư hơn. Vì thế, những bản chép tay của các người viết đầu tiên đã biến mất từ lâu rồi. Vậy thì Kinh-thánh được bảo tồn như thế nào? Nhờ có hàng ngàn bản sao được ghi chép kỹ lưỡng bằng tay. Đây là cách thông thường để tái bản một cuốn sách trước thời có máy in.

11. Điều gì hẳn đã xảy ra khi sao chép lại Kinh-thánh bằng tay?

11 Tuy nhiên chép tay cũng nguy hiểm. Sir Frederic Kenyon, một nhà khảo cổ học và một người quản lý thư viện nổi danh của bảo tàng viện Anh Quốc, đã giải thích: “Bàn tay và đầu óc của loài người chưa được tạo ra để ghi chép toàn bộ một cuốn sách dài mà tuyệt đối không có lầm lỗi... Chắc chắn lỗi lầm đã xen vào”.4 Khi có một lỗi lầm xen vào bản chép tay thì lỗi lầm đó sẽ bị tái diễn khi người ta dựa vào bản đó mà chép lại những bản khác. Khi nhiều bản sao được sản xuất trong một thời gian dài, thì nhiều lỗi lầm sẽ xen vào.

12, 13. Ai đã nhận lấy trách nhiệm bảo tồn văn bản Kinh-thánh Hê-bơ-rơ?

12 Nói về nhiều ngàn bản chép tay của Kinh-thánh được sản xuất, làm sao chúng ta biết được diễn tiến của việc tái bản đã không bị thay đổi đến độ không nhận ra được? Hãy xem trường hợp của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, “Cựu Ước”. Vào hậu bán thế kỷ thứ sáu TCN, khi những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn hồi hương, một nhóm học giả người Hê-bơ-rơ được gọi là Sopherim, “người chép luật”, đã trở thành người coi sóc các văn bản Kinh-thánh Hê-bơ-rơ và nhiệm vụ của họ là ghi chép lại Kinh-thánh để dùng trong sự thờ phượng công cộng hay là dùng riêng. Họ là những người tích cực tận tụy, người chuyên môn và công trình của họ có phẩm chất thượng hạng.

13 Từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ mười công nguyên, có con cháu của người Sopherim là người Masorete. Tên của họ đến từ chữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “truyền thống”, và họ cũng là những người ghi chép có trọng trách cốt yếu là bảo tồn văn bản Kinh-thánh Hê-bơ-rơ cổ truyền. Những người Masorete rất tỉ mỉ. Thí dụ, người ghi chép phải dùng bản sao thật chính xác để làm bản gốc và người đó không được phép viết bất cứ điều gì theo trí nhớ. Phải kiểm lại từng chữ cái trước khi viết.5 Giáo sư Norman K. Gottwald thuật lại: “Đòi hỏi của giới ra-bi là tất cả những bản chép tay mới phải được dò lại và những bản hư phải loại bỏ ngay, điều này cho thấy là họ thận trọng chu toàn bổn phận của mình”.6

14. Có sự phát hiện nào có thể xác định được là người Sopherim và người Masorete đã lưu truyền văn bản Kinh-thánh?

14 Sự ghi chép văn bản của người Sopherim và Masorete chính xác đến độ nào? Khó mà trả lời câu hỏi đó trước năm 1947, vì những bản chép tay xưa nhất có được của toàn bộ Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ là từ thế kỷ thứ mười công nguyên. Tuy nhiên, vào năm 1947 người ta tìm thấy những mảnh Kinh-thánh chép tay rất xưa trong hang ở vùng Biển Chết gồm có những phần trong Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Một số các mảnh đó có từ trước thời đấng Christ. Các học giả so sánh những mảnh này với bản Kinh-thánh chép tay phần tiếng Hê-bơ-rơ hiện có để xác định sự chính xác của việc lưu truyền nguyên bản. Kết quả của sự so sánh này là gì?

15. a) Khi so sánh bản chép tay cuộn sách Ê-sai tại Biển Chết với văn bản của Kinh-thánh Masorete, kết quả là gì? b) Chúng ta nên kết luận thế nào về sự kiện một số bản chép tay tìm được tại Biển Chết có vài sự khác biệt về văn bản? (Hãy xem phụ chú).

15 Một trong những bản xưa nhất tìm được là toàn bộ sách Ê-sai và văn bản của sách này giống với văn bản Kinh-thánh Masorete mà chúng ta hiện có đến độ đáng kinh ngạc. Giáo sư Millar Burrows viết: “Phần nhiều các khác biệt giữa cuộn Kinh-thánh Ê-sai của St. Mark [mới tìm thấy] và văn bản Kinh-thánh Masorete có thể giải thích là do lầm lỗi nhỏ trong việc sao chép. Ngoài điều này ra, nguyên cả cuốn hòa hợp một cách đáng chú ý với văn bản tìm thấy trong những bản chép tay thời Trung Cổ. Sự hòa hợp với nhau trong bản chép tay xa xưa này là bằng chứng của sự chính xác nói chung của nguyên bản Kinh-thánh cổ truyền”.7 Ông Burrows nói thêm: “Điều kỳ diệu là trải qua hàng ngàn năm, văn bản Kinh-thánh chỉ có một ít sửa đổi nhỏ nhoi”. *

16, 17. a) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn là văn bản của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp đáng tin cậy? b) Sir Frederic Kenyon chứng nhận gì về văn bản của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp?

16 Trong trường hợp phần Kinh-thánh được tín đồ đấng Christ viết bằng tiếng Hy Lạp, thường quen gọi là Tân Ước, những người sao chép này có khiếu nhưng không được chuyên môn như những người Sopherim đã được huấn luyện đặc biệt. Nhưng hẳn là họ coi trọng việc làm vì họ làm việc dưới sự đe dọa bị trừng phạt của giới thẩm quyền. Có hai điều cho chúng ta biết chắc là văn bản hiện nay mà chúng ta có giống y như nguyên bản của những người viết lúc đầu. Trước hết chúng ta có những bản sao gần thời với bản chính hơn là trong trường hợp của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Thật vậy, một mảnh của sách Phúc Âm theo Giăng thuộc khoảng tiền bán thế kỷ thứ hai được chép ra chưa tới 50 năm sau khi Giăng có lẽ đã viết cuốn Phúc Âm của ông. Thứ hai, chỉ riêng số bản chép tay còn lại cũng đủ cho thấy bằng chứng hùng hồn về sự đáng tin cậy của văn bản.

17 Về điểm này, Sir Frederic Kenyon xác nhận: “Không phải là quá đáng khi quả quyết rằng văn bản của Kinh-thánh là đáng tin. Nhất là trong trường hợp của phần Tân Ước. Số bản chép tay của Tân Ước, số bản dịch lúc đầu và số trích dẫn từ phần này trong các bài của những người viết xưa nhất của Giáo Hội, có nhiều đến độ chúng ta hầu như chắc chắn là giới thẩm quyền ngày xưa này đã bảo tồn được sự chính xác của mỗi đoạn mà có vẻ khả nghi. Không một cuốn sách xưa nào khác trên thế gian này được tiếng như vậy”.10

Dân tộc và ngôn ngữ của họ

18, 19. Kinh-thánh không bị giới hạn trong ngôn ngữ được dùng để viết lúc đầu thế nào?

18 Trải qua một thời gian dài, ngôn ngữ nguyên thủy viết trong Kinh-thánh không được dùng nữa. Hầu hết 39 quyển sách đầu được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, ngôn ngữ của người Y-sơ-ra-ên. Nhưng tiếng Hê-bơ-rơ không được nhiều người biết đến. Nếu Kinh-thánh còn giữ nguyên trong tiếng đó, thì không bao giờ có ảnh hưởng nào ngoài nước Do Thái và một ít người ngoại quốc đọc được tiếng đó. Tuy nhiên, trong thế kỷ thứ ba TCN, Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã bắt đầu được dịch ra tiếng Hy Lạp vì lợi ích của những người Hê-bơ-rơ sống ở Alexandria, Ai Cập. Lúc đó, tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ quốc tế. Vì thế, Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ dễ đến tay những người không phải là Do Thái.

19 Cho đến khi phần thứ hai của Kinh-thánh được viết, tiếng Hy Lạp vẫn còn thịnh hành, cho nên 27 cuốn sách sau của Kinh-thánh được viết ra bằng tiếng đó. Nhưng không phải ai lúc đó cũng hiểu tiếng Hy Lạp. Vì thế, không bao lâu hai phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp được bắt đầu dịch ra những ngôn ngữ thường dùng trong những thế kỷ đầu như tiếng Sy-ri, Coptic, Armenian, Georgian, Gothic và Ê-thi-ô-bi. Ngôn ngữ chính của Đế quốc La Mã là La-tinh và bản dịch tiếng La-tinh có nhiều đến nỗi phải làm ra một “bản tiêu chuẩn”. Bản này hoàn tất vào khoảng 405 CN và được gọi là bản dịch Vulgate (có nghĩa là “phổ thông” hay là “chung”).

20, 21. Có những trở ngại nào đe dọa sự tồn tại của Kinh-thánh và tại sao những điều này đã vượt qua được?

20 Do đó, cho dù có nhiều chướng ngại, Kinh-thánh vẫn còn tồn tại cho đến những thế kỷ đầu của kỷ nguyên chúng ta. Những người sản xuất Kinh-thánh là một thiểu số bị khinh rẻ và ngược đãi, sống một cách khó khăn trong một thế gian đầy thù nghịch. Kinh-thánh cũng không bị bóp méo trong tiến trình sao chép. Hơn nữa, Kinh-thánh không giữ trong ngôn ngữ mà chỉ một số ít người đọc nhưng được phổ biến trong nhiều thứ tiếng.

21 Tại sao Kinh-thánh lại khó tồn tại đến thế? Chính Kinh-thánh nói: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền Ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Vì vậy, chúng ta biết là thế gian sẽ thù ghét việc phổ biến lẽ thật và trường hợp này đã được thấy rõ. Thế thì tại sao Kinh-thánh vẫn tồn tại trong khi những tác phẩm khác không hề gặp phải sự khó khăn như thế lại bị lãng quên? Kinh-thánh cũng trả lời câu này. Kinh-thánh nói: “Lời Chúa còn lại đời đời” (I Phi-e-rơ 1:25). Nếu Kinh-thánh thật là Lời Đức Chúa Trời, thì không sức mạnh nào của loài người có thể tiêu hủy được. Điều đó vẫn còn đúng cho tới thế kỷ 20 này.

22. Có sự thay đổi nào đã xảy ra vào đầu thế kỷ thứ tư công nguyên?

22 Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ tư công nguyên, một điều đã xảy ra cuối cùng đưa đến sự chống đối mới đối với Kinh-thánh và đã ảnh hưởng sâu xa đến chiều hướng lịch sử Âu Châu. Chỉ mười năm sau khi Hoàng Đế Diocletian cố tiêu hủy mọi bản Kinh-thánh, chính sách nhà nước thay đổi và “đạo đấng Christ” được hợp thức hóa. Mười hai năm sau, vào năm 325 CN, hoàng đế La Mã chủ tọa hội đồng “đạo đấng Christ” ở Nicaea. Tại sao sự phát triển có vẻ thuận lợi này lại trở thành nguy hiểm cho Kinh-thánh? Chúng ta sẽ thấy lời giải đáp trong chương kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 8 Trong sách này, chúng tôi dùng “CN” (công nguyên) và “TCN” (trước công nguyên).

^ đ. 15 Không phải tất cả các bản chép tay tìm thấy tại Biển Chết đều hòa hợp một cách chính xác với văn bản Kinh-thánh hiện có. Vài bản có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, sự khác nhau này không có nghĩa là ý chính của văn bản đã bị bóp méo. Theo ông Patrick W. Skehan của trường Đại học Công Giáo Hoa Kỳ thì hầu hết những khác biệt tượng trưng sự “viết lại [văn bản Kinh-thánh] theo sự hợp lý trọn vẹn, làm cho hình thức trở thành dài dòng nhưng thực chất vẫn giữ nguyên... Thái độ tôn kính sâu xa cho Kinh-thánh là thánh, (chúng tôi cho là) một thái độ dùng Kinh-thánh để giải thích Kinh-thánh trong chính việc lưu truyền lại nguyên bản”.8

Một nhà bình luận khác thêm: “Bất kể tất cả những sự không chắc chắn, sự kiện chính vẫn là văn bản mà chúng ta có hiện nay phản ảnh lời thật của các tác giả mà một số người trong họ đã sống cách đây gần 3.000 năm, và về sự sửa đổi văn bản, chúng ta không cần nghi ngờ về giá trị của thông điệp trong Cựu Ước”.9

[Câu hỏi]

[Khung nơi trang 19]

Văn bản có căn cứ vững chắc của Kinh-thánh

Để biết văn bản của Kinh-thánh có căn cứ vững chắc như thế nào, chúng ta chỉ cần so sánh Kinh-thánh với một số tác phẩm khác của thời xa xưa: đó là những văn chương cổ điển của Hy Lạp và La Mã. Thật ra những tác phẩm này đã được viết sau khi Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã hoàn tất. Lịch sử không hề ghi lại âm mưu diệt chủng dân Hy Lạp hay La Mã. Vì không có sự bắt bớ, nên các tài liệu của họ cũng không cần phải được bảo tồn. Nhưng hãy chú ý lời bình luận của giáo sư F. F. Bruce:

“Sách Gallic War (Chiến tranh với Gaul) của Sê-sa (được viết khoảng năm 58 đến 50 TCN) hiện có nhiều bản chép tay, nhưng chỉ có chín hay mười bản là còn tốt, và bản xưa nhất là 900 năm sau thời của Sê-sa.

“Trong số 142 cuốn sách lịch sử La Mã của Livy (năm 59 TCN đến năm 17 CN) chỉ còn lại có 35 cuốn mà thôi. Chúng ta biết về các sách này nhờ có khoảng 20 bản chép tay quan trọng, trong số đó chỉ có một cuốn là xưa vào khoảng thế kỷ thứ tư, có chứa đựng những mảnh vụn của Sách III-VI.

“Trong số mười bốn cuốn sách Histories (Lịch sử) của Tacitus (khoảng năm 100 CN) chỉ còn lại có bốn cuốn rưỡi; trong số mười sáu cuốn Annals (Sử biên niên) của ông, chỉ còn lại có mười cuốn là trọn vẹn, hai cuốn còn vài phần. Văn bản của các phần hiện có này trong hai tác phẩm lịch sử quan trọng của ông tùy thuộc hoàn toàn vào hai bản chép tay, một bản thuộc thế kỷ thứ chín và một bản thuộc thế kỷ mười một...

“Chúng ta biết đến Lịch sử của Thucydides (khoảng 460-400 TCN) qua tám bản chép tay, bản xưa nhất là vào khoảng năm 900 CN và có một ít bản viết trên giấy chỉ thảo, thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên tín đồ đấng Christ.

“Lịch sử của Herodotus (khoảng 488-428 TCN) cũng giống như vậy. Thế mà không học giả cổ điển nào đặt nghi vấn về sự xác thực của Herodotus hay Thucydides dù là những bản chép tay xưa nhất của các tác phẩm đó cách bản chính đến hơn 1.300 năm” (The Books and the Parchments, trang 180).

Hãy so sánh điều này với sự kiện là có hàng ngàn bản chép tay các phần khác nhau của Kinh-thánh; và các bản chép tay Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp chỉ cách bản chính trong vòng 100 năm.

[Hình nơi trang 13]

Do Thái là một nước nhỏ thường bị những nước mạnh hơn đe dọa. Hình chạm trổ ngày xưa cho thấy người Hê-bơ-rơ bị người A-si-ri dẫn đi làm phu tù

[Hình nơi trang 14]

Trước khi phát minh ra máy in, Kinh-thánh được sao chép bằng tay

[Hình nơi trang 16]

Hoàng Đế Nê-rô ra lệnh tử hình những ai trở thành tín đồ đấng Christ

[Hình nơi trang 21]

Một cuộc nghiên cứu cuộn sách Ê-sai tìm thấy tại Biển Chết chứng tỏ rằng cuốn sách này hầu như không thay đổi trong khoảng 1.000 năm

[Hình nơi trang 23]

Hoàng Đế Diocletian đã thất bại trong mưu đồ tiêu diệt Kinh-thánh