Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Cựu Ước” đáng tin đến mức độ nào?

“Cựu Ước” đáng tin đến mức độ nào?

Chương 4

“Cựu Ước” đáng tin đến mức độ nào?

Trong những chương kế tiếp, chúng ta sẽ bàn đến những lời buộc tội Kinh-thánh của những nhà phê bình hiện đại. Một số người cho rằng Kinh-thánh tự mâu thuẫn và “phản khoa học”. Những lời buộc tội này sẽ được bàn đến sau. Nhưng trước hết, hãy xem xét lời buộc tội thường hay nghe là Kinh-thánh chỉ là bộ sưu tập những chuyện thần thoại và hoang đường. Những người chống đối Kinh-thánh có bằng cớ vững chắc cho sự chỉ trích đó không? Trước hết, chúng ta hãy xem Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, thường được gọi là Cựu Ước.

1, 2. Thành Giê-ri-cô bị bao vây như thế nào và có câu hỏi nào liên quan đến điều đó được nêu lên?

MỘT thành phố cổ xưa đang bị bao vây. Địch quân đã lội qua sông Giô-đanh và hiện đang đóng trại ngoài tường cao của thành. Nhưng họ có chiến thuật rất lạ! Mỗi ngày đoàn quân xâm lược đều diễn hành lặng lẽ chỉ trừ một nhóm thầy tế lễ vừa đi vừa thổi kèn chung quanh thành và họ đi như vậy trong sáu ngày. Nhưng vào ngày thứ bảy, đoàn quân lặng lẽ diễn hành chung quanh thành tới bảy lần. Đột nhiên, các thầy tế lễ đồng loạt ráng hết sức thổi kèn lên. Đoàn quân phá tan sự im lặng bằng tiếng la lên thật lớn, và mọi tường thành cao như tháp sụp đổ trong đám bụi mù, làm cho cả thành không còn khả năng tự vệ nữa (Giô-suê 6:1-21).

2 Đây là lời mà sách Giô-suê, sách thứ sáu của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, diễn tả sự sụp đổ của thành Giê-ri-cô, đã xảy ra cách đây 3.500 năm. Nhưng chuyện đó có thật sự xảy ra không? Nhiều người phê bình Kinh-thánh đã tự tin trả lời là không. * Họ cho là sách Giô-suê và năm quyển sách trước đó của Kinh-thánh gồm toàn chuyện hoang đường, viết nhiều thế kỷ sau khi những biến cố được cho là đã xảy ra. Nhiều nhà khảo cổ học cũng trả lời là không. Theo họ, khi người Y-sơ-ra-ên đến xứ Ca-na-an có thể đã không còn thành Giê-ri-cô nữa.

3. Tại sao bàn đến việc Kinh-thánh chứa đựng lịch sử có thật hay không là rất quan trọng?

3 Đó là những lời buộc tội nghiêm trọng. Khi bạn đọc qua Kinh-thánh, bạn sẽ thấy sự dạy dỗ của Kinh-thánh có liên hệ chặt chẽ với lịch sử. Đức Chúa Trời thật sự giao thiệp với những người đàn ông, đàn bà, những gia đình và các nước. Những mạng lịnh của Ngài đã được ban ra cho một dân tộc có thật trong lịch sử. Khi các học giả hiện đại làm cho nghi ngờ về lịch sử của Kinh-thánh thì họ cũng làm nghi ngờ về tầm quan trọng và sự đáng tin cậy của thông điệp trong Kinh-thánh. Nếu Kinh-thánh thật sự là Lời Đức Chúa Trời thì lịch sử trong Kinh-thánh cũng phải đáng tin cậy và không chỉ chứa đựng toàn chuyện hoang đường và thần thoại. Những nhà phê bình này có lý do để thách thức sự trung thực của lịch sử trong Kinh-thánh không?

Phê bình Kinh-thánh—Có đáng tin không?

4-6. Một số lý thuyết của ông Wellhausen về sự phê bình Kinh-thánh là gì?

4 Sự phê bình Kinh-thánh bắt đầu được đẩy mạnh trong thế kỷ 18 và 19. Vào hậu bán thế kỷ 19, nhà phê bình Kinh-thánh người Đức, Julius Wellhausen, phổ biến lý thuyết là sáu quyển sách đầu của Kinh-thánh, gồm cả sách Giô-suê, được viết vào thế kỷ thứ năm TCN—chừng 1.000 năm sau khi những biến cố đã xảy ra. Tuy nhiên, ông cũng nói là những sách này được viết theo tài liệu đã có sẵn từ trước.1 Thuyết này được in ra trong cuốn Encyclopædia Britannica (Bách khoa Tự điển Anh quốc), lần xuất bản thứ 11, năm 1911, và đã giải thích: “Sáng-thế Ký, là tác phẩm viết sau thời lưu đày ở Ba-by-lôn, gồm có nguồn tài liệu từ các thầy tế lễ sau thời kỳ lưu đày và những nguồn khác từ thời trước đó không thuộc các thầy tế lễ. Cả hai tài liệu khác nhau về ngôn ngữ, cách viết và quan điểm tôn giáo”.

5 Ông Wellhausen và những người theo ông xem tất cả phần lịch sử ghi nơi phần đầu của Kinh-thánh Hê-bơ-rơ “không phải lịch sử thật nhưng là truyền thuyết dân gian trong quá khứ”.2 Họ xem những lời tường thuật trong phần đầu của Kinh-thánh chỉ là phản ảnh lịch sử sau này của Y-sơ-ra-ên. Thí dụ, họ nói rằng mối thù nghịch giữa Gia-cốp và Ê-sau không thật sự xảy ra, nhưng đó chỉ là phản ảnh mối thù giữa Y-sơ-ra-ên và Ê-đôm sau này.

6 Hòa hợp với điều này, các nhà phê bình này nghĩ rằng Môi-se không bao giờ nhận được lệnh làm hòm giao ước; và không bao giờ có đền tạm, trung tâm thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Họ cũng tin rằng chức tế lễ A-rôn chỉ được thành lập có vài năm trước khi người Ba-by-lôn tiêu diệt Giê-ru-sa-lem. Họ tin là sự hủy diệt này xảy ra vào đầu thế kỷ thứ sáu TCN.3

7, 8. Các lý thuyết của ông Wellhausen có những “bằng chứng” gì và có hợp lý không?

7 Những ý kiến này của họ có “bằng chứng” gì không? Các nhà phê bình Kinh-thánh này cho là họ có thể chia các sách đầu của Kinh-thánh thành một số tài liệu khác nhau. Nói chung, họ dùng một nguyên tắc căn bản cho rằng bất cứ câu Kinh-thánh nào dùng từ Hê-bơ-rơ (’Elo·himʹ) để chỉ Đức Chúa Trời, là do một người viết; còn những câu gọi Đức Chúa Trời bằng danh Giê-hô-va là do người khác viết—như thể một người viết không thể dùng cả hai từ ngữ được.4

8 Tương tự như vậy, mỗi lần có biến cố gì ghi hai lần trở lên trong sách, họ cho đó là bằng cớ có hơn một người viết, mặc dù các tác phẩm văn chương Semitic cổ xưa cũng có những lần lặp lại giống như vậy. Hơn nữa, họ còn cho rằng mỗi lần có sự thay đổi cách viết là có sự thay đổi người viết. Nhưng ngay đến các văn sĩ thời nay cũng thường thay đổi cách viết tùy theo tuổi nghề của họ hoặc là tùy theo chủ đề. *

9-11. Sự phê bình Kinh-thánh hiện đại có một số nhược điểm nổi bật nào?

9 Những lý thuyết này có bằng chứng vững vàng nào không? Không có. Một nhà bình luận ghi nhận: “Sự phê bình dù có tốt cách mấy, cũng chỉ là suy đoán và đề nghị, một điều luôn luôn có thể bị sửa đổi hay bị chứng tỏ là sai và có thể bị thay thế bằng một điều khác. Đó là sự vận động trí tuệ, tùy thuộc vào sự nghi ngờ và phỏng đoán. Hai điều này không tách khỏi đó được”.5 Lời phê bình Kinh-thánh thì đặc biệt đầy những “suy đoán và đề nghị” quá cực đoan.

10 Ông Gleason L. Archer, Jr. cho thấy một lỗi khác trong cách lý luận của sự phê bình này. Ông nói vấn đề là “phái Wellhausen đã khởi xướng những điều toàn là suy đoán (mà họ không muốn chứng minh) cho rằng đạo của người Y-sơ-ra-ên chỉ xuất phát từ nguồn gốc loài người như bao nhiêu đạo khác và là sản phẩm của thuyết tiến hóa”.6 Nói cách khác, ông Wellhausen và các đồ đệ của ông khởi sự cho Kinh-thánh chỉ là lời của loài người và rồi họ cứ theo đó mà lý luận.

11 Trở lại năm 1909, cuốn The Jewish Encyclopedia (Bách khoa Tự điển Do Thái) có ghi nhận thêm hai nhược điểm của lý thuyết Wellhausen: “Lối tranh luận của ông Wellhausen thu hút được hầu hết các nhà phê bình Kinh-thánh đương thời, được căn cứ trên hai sự suy đoán: thứ nhất là lễ nghi trở thành phức tạp trong sự phát triển của tôn giáo; thứ hai, cần có nguồn tài liệu xưa hơn để đáp ứng với thời kỳ đầu của sự phát triển về lễ nghi. Sự suy đoán thứ nhất không đúng với những bằng chứng trong nền văn hóa sơ khai, và sự suy đoán thứ hai không có chứng cớ, như trong trường hợp các qui tắc lễ nghi của Ấn Độ”.

12. Sự phê bình Kinh-thánh có đứng vững trước ánh sáng của ngành khảo cổ không?

12 Có cách nào để kiểm chứng sự phê bình Kinh-thánh để xem lý thuyết của họ là đúng hay sai không? Cuốn The Jewish Encyclopedia (Bách khoa Tự điển Do Thái) nói tiếp: “Quan điểm của ông Wellhausen hầu như hoàn toàn đặt trên sự phân tích theo nghĩa đen, và cần được ngành khảo cổ nghiên cứu để bổ túc thêm”. Trải qua nhiều năm, ngành khảo cổ có xác nhận lý thuyết của Wellhausen là đúng không? Cuốn The New Encyclopædia Britannica (Tân Bách khoa Tự điển Anh quốc) trả lời: “Ngành khảo cổ có chiều hướng xác nhận sự đáng tin cậy của những chi tiết lịch sử, ngay cả đến chi tiết của thời kỳ xa xưa nhất [trong lịch sử Kinh-thánh] và phủ nhận giả thuyết cho là lời tường thuật trong năm quyển sách đầu của Kinh-thánh chỉ là phản ảnh của giai đoạn nhiều năm sau”.

13, 14. Tại sao sự phê bình Kinh-thánh của ông Wellhausen, dù là rất lung lay, vẫn còn được nhiều người chấp nhận?

13 Dù có những nhược điểm như thế, tại sao sự phê bình Kinh-thánh vẫn còn rất phổ thông trong giới trí thức ngày nay? Bởi vì đó là những gì họ muốn nghe. Một học giả trong thế kỷ 19 đã giải thích: “Trên phương diện cá nhân, tôi thích đọc sách này của Wellhausen hơn là hầu hết những cuốn sách khác; vì đối với tôi vấn đề khó khăn trong lịch sử thuộc phần Cựu Ước cuối cùng đã được giải đáp hòa hợp với nguyên tắc của thuyết tiến hóa nhân loại; và tôi buộc lòng phải áp dụng thuyết này đối với lịch sử của tất cả các tôn giáo”.7 Hiển nhiên, ông ta đồng ý với sự phê bình Kinh-thánh vì nó hợp với thuyết tiến hóa mà ông đã tin. Thật vậy, cả hai lý thuyết trên đều có cùng một mục đích. Như thuyết tiến hóa loại bỏ sự tin tưởng nơi một Đấng Tạo Hóa thì sự phê bình Kinh-thánh của ông Wellhausen cũng làm cho người ta không cần tin Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn.

14 Trong thế kỷ 20 theo chủ nghĩa duy lý này, cho rằng Kinh-thánh không phải là lời Đức Chúa Trời nhưng là lời loài người có vẻ hợp lý đối với những người trí thức. * Rất dễ cho họ tin rằng những lời tiên tri được viết xuống sau khi các biến cố đã xảy ra hơn là chấp nhận rằng các lời này đã được viết ra trước và đã ứng nghiệm chính xác. Họ thích giải nghĩa các phép lạ trong Kinh-thánh chỉ là huyền thoại, hoang đường, hay là chuyện dân gian bịa đặt, hơn là cân nhắc xem những điều đó có thật sự xảy ra hay không. Nhưng quan điểm của họ có đầy thành kiến thiên lệch và không đưa lý do vững chắc nào để không tin Kinh-thánh là thật. Sự phê bình Kinh-thánh có nhiều thiếu sót trầm trọng và đã thất bại trong việc chứng tỏ Kinh-thánh không phải là Lời Đức Chúa Trời.

Ngành khảo cổ có hỗ trợ Kinh-thánh không?

15, 16. Khảo cổ học đã xác nhận có sự hiện hữu của vị vua xưa nào mà Kinh-thánh nói đến?

15 Ngành khảo cổ là một môn học có căn bản vững chắc hơn là môn phê bình Kinh-thánh. Các nhà khảo cổ, qua việc khai quật những tàn tích của các nền văn minh xưa, có nhiều cách để làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về những gì trong quá khứ xa xưa. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự tìm tòi của ngành khảo cổ liên tục hòa hợp với những gì chúng ta đọc được trong Kinh-thánh. Đôi khi, ngành khảo cổ còn bênh vực cho Kinh-thánh, chống lại các lời chỉ trích nữa.

16 Thí dụ, theo sách Đa-ni-ên, vị vua cuối cùng của Ba-by-lôn, trước khi nước đó bị người Phe-rơ-sơ chiếm lấy, tên là Bên-xát-sa (Đa-ni-ên 5:1-30). Vì không sách nào ngoài Kinh-thánh nói đến Bên-xát-sa, người ta gán tội cho Kinh-thánh là nói sai và vua đó chẳng bao giờ có. Nhưng trong thế kỷ 19, người ta tìm thấy một số ống tròn nhỏ viết bằng chữ hình nêm trong những tàn tích ở miền nam I-rắc. Trên ống gồm có lời cầu xin cho con trưởng nam của Vua Na-bô-nê-đô, xứ Ba-by-lôn, được mạnh khỏe. Tên người con này là gì? Đó là Bên-xát-sa.

17. Chúng ta có thể giải thích thế nào về việc Kinh-thánh gọi Bên-xát-sa là vua, trong khi đa số các bảng ghi khắc lịch sử gọi ông là thái tử?

17 Vậy thì có Bên-xát-sa! Tuy nhiên, có phải ông ta là vua khi Ba-by-lôn bị thất thủ không? Đa số các tài liệu tìm thấy sau đó gọi ông là con của vua, hoàng thái tử. Nhưng tài liệu chữ hình nêm gọi là “Bia sử Na-bô-nê-đô” cho thấy rõ hơn về địa vị thật của Bên-xát-sa. Tài liệu này nói: “Vua [Na-bô-nê-đô] giao trọn ‘Trại quân’ cho con trưởng (nam), con đầu lòng. Vua ra lịnh cho quân lính mọi nơi trong nước phải phục dưới (quyền) con. Vua giao quyền làm vua cho con, để con làm (mọi) việc”.8 Vậy Bên-xát-sa đã được giao quyền làm vua. Chắc chắn, không có sự nghi ngờ gì về việc ông đã được làm vua! * Sự liên hệ giữa Bên-xát-sa và cha ông là Na-bô-nê-đô giúp ta hiểu tại sao trong bữa tiệc cuối cùng ở Ba-by-lôn, vua Bên-xát-sa đã muốn đưa Đa-ni-ên lên ngôi vị thứ ba trong việc nước (Đa-ni-ên 5:16). Vì Na-bô-nê-đô là vua thứ nhất, và Bên-xát-sa chỉ là vua thứ nhì của Ba-by-lôn.

Những bằng chứng hỗ trợ khác

18. Khảo cổ học cho thêm tài liệu gì để xác định triều đại của vua Đa-vít được hòa bình và thịnh vượng?

18 Quả thật, nhiều khám phá của ngành khảo cổ đã cho thấy sự chính xác của Kinh-thánh về lịch sử. Thí dụ, Kinh-thánh nói rằng sau khi Vua Sa-lô-môn lên ngôi kế vị cha là Vua Đa-vít, nước Y-sơ-ra-ên rất hưng thịnh. Chúng ta đọc: “Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên đông như cát trên bờ biển, ăn uống và vui chơi” (I Các Vua 4:20). Lời này đã được xác nhận, chúng ta đọc: “Bằng chứng của ngành khảo cổ học cho thấy sự gia tăng dân số ồ ạt nhanh chóng ở Giu-đa vào thế kỷ thứ mười TCN và sau đó. Vua Đa-vít đã đem lại hòa bình và thịnh vượng trong nước nhờ đó nhiều tỉnh mới đã được xây cất nên”.10

19. Khảo cổ học cho biết thêm điều gì về chiến tranh giữa Y-sơ-ra-ên và Mô-áp?

19 Sau đó, Y-sơ-ra-ên và Giu-đa trở thành hai nước, và nước Y-sơ-ra-ên chinh phục nước láng giềng Mô-áp. Có lần, dưới sự chỉ huy của Vua Mê-sa, Mô-áp nổi loạn. Y-sơ-ra-ên bèn liên kết với nước Giu-đa và nước kế cận Ê-đôm để tranh chiến với Mô-áp (II Các Vua 3:4-27). Điều đáng chú ý là trong năm 1868 ở Jordan, người ta đã khám phá được một bia đá ghi khắc lời tường thuật của Vua Mê-sa về cuộc tranh chấp này bằng tiếng Mô-áp.

20. Khảo cổ học cho chúng ta biết gì về người A-si-ri tiêu diệt Y-sơ-ra-ên?

20 Thế rồi, vào năm 740 TCN, Đức Chúa Trời để cho nước A-si-ri tiêu diệt nước Y-sơ-ra-ên bội nghịch ở miền bắc (II Các Vua 17:6-18). Nói về sự tường thuật của Kinh-thánh về biến cố này, nhà khảo cổ Kathleen Kenyon bình luận: “Một người có thể nghi ngờ cho rằng đây là lời nói ngoa”. Nhưng có phải không? Bà nói thêm: “Bằng chứng của khảo cổ về sự sụp đổ của nước Y-sơ-ra-ên còn sống động hơn sự ghi chép trong Kinh-thánh... Sự tiêu tan trọn vẹn các thành phố của Y-sơ-ra-ên là Sa-ma-ri và Hát-so cùng với sự hủy diệt của Mê-ghi-đô là chứng cớ có thật của khảo cổ cho thấy người viết [Kinh-thánh] không phóng đại”.11

21. Khảo cổ học cho biết chi tiết gì về việc Ba-by-lôn chinh phục Giu-đa?

21 Sau đó, Kinh-thánh còn cho chúng ta biết Giê-ru-sa-lem dưới triều Vua Giê-hô-gia-kin bị người Ba-by-lôn bao vây và đã bị thất thủ. Biến cố này có ghi lại trong Bia sử Ba-by-lôn bằng chữ hình nêm mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy được. Trên đó có ghi: “Vua của Akkad [Ba-by-lôn]... bao vây thành phố Giu-đa (iahudu) và vua đã chiếm lấy thành trong ngày thứ nhì của tháng Addaru”.12 Vua Giê-hô-gia-kin bị bắt đem về Ba-by-lôn và bị giam vào ngục. Nhưng sau đó, theo lời Kinh-thánh, vua được thả ra và được trợ cấp lương thực (II Các Vua 24:8-15; 25: 27-30). Tài liệu của chính quyền tìm thấy ở Ba-by-lôn xác nhận điều này, trong đó có kê khai phần lương thực ban cho “Yaukîn, vua Giu-đa”.13

22, 23. Có sự liên hệ nói chung nào giữa khảo cổ học và sự tường thuật lịch sử của Kinh-thánh?

22 Bàn về sự liên hệ giữa khảo cổ học và sự tường thuật về lịch sử của Kinh-thánh, giáo sư David Noel Freedman đã bình luận: “Tuy nhiên, khảo cổ học nói chung có khuynh hướng củng cố giá trị lịch sử của các sự tường thuật trong Kinh-thánh. Thứ tự ngày tháng tổng quát từ thời các tổ phụ cho đến phần Tân Ước có tương quan với các dữ kiện của ngành khảo cổ... Những khám phá trong tương lai có thể xác nhận cho lập trường ôn hòa hiện tại, theo đó truyền thống Kinh-thánh phát xuất từ lịch sử và được lưu truyền một cách trung thực, mặc dù truyền thống đó không phải là lịch sử theo ý nghĩa chính xác hoặc khoa học”.

23 Rồi khi đề cập đến những cố gắng nhằm làm mất uy tín Kinh-thánh của các người phê bình Kinh-thánh, ông nói: “Mưu toan gầy dựng lại lịch sử Kinh-thánh của các học giả hiện đại—thí dụ, ông Wellhausen có quan điểm là thời kỳ của các tổ phụ phản ảnh chế độ quân chủ không thống nhất; hay là chối bỏ tính chất xác thực của Môi-se và sự rời khỏi Ai Cập của người Do Thái, cùng việc ông Noth và các người theo ông gầy dựng lại lịch sử của người Y-sơ-ra-ên—đã không hòa hợp với dữ kiện về khảo cổ cũng như sự tường thuật của Kinh-thánh”.14

Sự sụp đổ của thành Giê-ri-cô

24. Kinh-thánh cho chúng ta biết gì về sự sụp đổ của thành Giê-ri-cô?

24 Phải chăng điều này có nghĩa là khảo cổ học hòa hợp với Kinh-thánh trong mọi trường hợp? Không, có một số không hòa hợp. Một trường hợp là sự đột ngột xâm chiếm thành Giê-ri-cô được miêu tả trong phần mở đầu của chương này. Theo Kinh-thánh, Giê-ri-cô là thành đầu tiên bị Giô-suê chiếm trong khi ông dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào đất Ca-na-an. Theo niên đại học của Kinh-thánh, thành đó bị sụp đổ trong khoảng tiền bán thế kỷ 15 TCN. Sau khi bị chinh phục, thành Giê-ri-cô bị đốt cháy rụi và bị bỏ hoang không người ở đến hàng trăm năm (Giô-suê 6:1-26; I Các Vua 16:34).

25, 26. Các nhà khảo cổ đã đưa ra hai kết luận khác nhau nào sau khi khai quật thành Giê-ri-cô?

25 Trước thế chiến thứ hai, giáo sư John Garstang đã khai quật vùng đất mà ông tin là thành Giê-ri-cô tọa lạc ngày xưa. Ông khám phá ra rằng thành đó rất xưa và đã bị tiêu diệt rồi được xây cất lại nhiều lần. Ông đã tìm thấy một trong những lần hủy diệt này, tường thành đã đổ xuống như là bị động đất và cả thành bị cháy rụi. Ông tin là biến cố đó xảy ra vào khoảng năm 1400 TCN, không khác bao nhiêu so với năm mà Kinh-thánh nói về sự hủy diệt Giê-ri-cô bởi Giô-suê.15

26 Sau thế chiến thứ hai, một nhà khảo cổ khác là Kathleen Kenyon đã khai quật thêm tại Giê-ri-cô. Bà kết luận là tường thành mà ông Garstang đã thấy, bị sụp đổ mấy trăm năm trước cái năm ông đã dự đoán. Bà cho là Giê-ri-cô bị hủy diệt vào thế kỷ 16 TCN nhưng cũng nói là không có thành nào ở Giê-ri-cô vào thế kỷ 15—theo như Kinh-thánh nói lúc Giô-suê xâm chiếm xứ đó. Bà còn nói tiếp là có lẽ có một sự hủy diệt khác ngay tại Giê-ri-cô vào năm 1325 TCN và đề nghị: “Nếu sự hủy diệt thành Giê-ri-cô có liên quan đến sự xâm chiếm của Giô-suê thì đây là năm mà khảo cổ học nghĩ là đã xảy ra”.16

27. Tại sao sự không đồng nhất giữa khảo cổ học và Kinh-thánh không nên làm chúng ta bối rối quá mức?

27 Điều này có nghĩa là Kinh-thánh sai không? Không đâu. Chúng ta nên nhớ rằng ngành khảo cổ mở một cửa sổ cho chúng ta nhìn lại quá khứ nhưng cửa này không phải lúc nào cũng rõ ràng, có khi còn rất tối tăm nữa. Một nhà bình luận ghi nhận: “Đáng tiếc thay những bằng chứng khảo cổ chỉ là những mảnh vụn rời rạc và vì vậy rất là giới hạn”.17 Điều này đặc biệt đúng trong thời kỳ đầu của lịch sử người Y-sơ-ra-ên; khi bằng chứng khảo cổ không được rõ ràng. Thật vậy, bằng chứng về thành Giê-ri-cô càng không rõ được vì vùng này đã bị xoi mòn quá nhiều.

Những giới hạn của ngành khảo cổ

28, 29. Các học giả đã công nhận khảo cổ học có những giới hạn nào?

28 Chính các nhà khảo cổ xác nhận giới hạn của ngành khoa học này. Thí dụ, ông Yohanan Aharoni giải thích: “Nói về sự dẫn giải lịch sử hay địa dư lịch sử, các nhà khảo cổ đã bước ra ngoài lãnh vực chính xác của khoa học. Họ phải trông cậy vào giá trị phán đoán và giả thuyết để đưa tới hình ảnh lịch sử tổng quát”.18 Nói về việc phỏng định các vật khám phá được ở trong niên đại nào, ông tiếp: “Vậy, chúng ta nên nhớ rằng không phải tất cả ngày tháng đều chắc chắn và sự phỏng đoán lên xuống không chừng”, mặc dù ông cảm thấy các nhà khảo cổ ngày nay có thể tự tin về sự xác định niên đại của họ hơn là trong quá khứ.19

29 Sách The World of the Old Testament (Thế giới của Cựu Ước) đặt câu hỏi: “Phương pháp của ngành khảo cổ khách quan hay thật sự có tính chất khoa học đến mức độ nào?” Sách ấy trả lời: “Các nhà khảo cổ, khi đào lên dữ kiện, có vẻ khách quan hơn là lúc diễn giải các dữ kiện ấy. Nhưng thiên kiến loài người của họ cũng sẽ ảnh hưởng đến phương pháp họ dùng để ‘đào’. Họ có thể tiêu hủy bằng chứng của họ khi đào sâu vào các lớp đất, cho nên họ không bao giờ có thể thử lại ‘thí nghiệm’ của họ bằng cách lặp lại lần nữa. Điều này làm cho ngành khảo cổ học độc đáo so với các ngành khoa học khác. Hơn nữa, điều này cũng làm sự tường trình về khảo cổ thành một công việc đòi hỏi rất nhiều công phu, và đầy cạm bẫy nhất”.20

30. Các học viên Kinh-thánh có quan điểm gì về ngành khảo cổ học?

30 Vậy ngành khảo cổ học có thể rất hữu dụng, nhưng cũng như bao nhiêu sự cố gắng khác của nhân loại, nó cũng có thể lầm lẫn. Trong khi chúng ta chú ý xem xét những lý thuyết của môn học này, chúng ta không bao giờ nên xem đó là lẽ thật hiển nhiên được. Nếu các nhà khảo cổ diễn giải những vật họ tìm được trái ngược với Kinh-thánh, chúng ta không nên tự động cho rằng Kinh-thánh là sai và nhà khảo cổ là đúng. Những sự diễn giải của họ có tiếng là hay thay đổi.

31. Gần đây có thêm ý kiến mới nào về sự sụp đổ của thành Giê-ri-cô?

31 Điều thú vị là năm 1981, giáo sư John J. Bimson xem lại sự hủy diệt của thành Giê-ri-cô. Ông nghiên cứu kỹ càng về sự hủy diệt của Giê-ri-cô mà—theo Kathleen Kenyon—đã xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ 16 TCN. Theo ông, không những sự hủy diệt đó đúng với sự tường thuật của Kinh-thánh về việc Giô-suê tiêu diệt thành, mà hình ảnh của xứ Ca-na-an lúc được đào lên nói chung cũng hoàn toàn giống với sự miêu tả của Kinh-thánh khi dân Y-sơ-ra-ên xâm chiếm xứ ấy. Vì thế, ông cho rằng việc đoán định ngày tháng của ngành khảo cổ là sai và khẳng định sự hủy diệt thật sự đã xảy ra vào giữa thế kỷ 15 TCN, trong thời của Giô-suê.21

Kinh-thánh là lịch sử có thật

32. Một số học giả có khuynh hướng gì?

32 Điều này chứng tỏ một sự kiện là các nhà khảo cổ thường mâu thuẫn với nhau. Thế thì không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người trong họ không đồng ý với Kinh-thánh trong khi một số khác lại đồng ý. Tuy nhiên, một số học giả bắt đầu tôn trọng tính chất xác thực nói chung nếu không muốn nói là mỗi chi tiết của Kinh-thánh. Ông William Foxwell Albright đại diện cho nhóm người có cùng tư tưởng với ông, đã viết: “Nói chung là có người trở lại quí trọng sự chính xác về cả hai phương diện tổng quát và chi tiết của lịch sử tôn giáo nước Y-sơ-ra-ên... Nói tóm lại, bây giờ chúng ta có thể một lần nữa xem Kinh-thánh là tài liệu xác thực về lịch sử tôn giáo từ đầu đến cuối”.22

33, 34. Chính Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đưa bằng chứng về sự chính xác với lịch sử như thế nào?

33 Thật vậy, chính Kinh-thánh chứa đựng lịch sử chính xác. Những biến cố trong đó được liên kết với các thời điểm và ngày tháng chính xác, không giống như hầu hết những chuyện thần thoại và hoang đường ngày xưa. Có những bảng ghi khắc lịch sử thời đó đã củng cố thêm những biến cố ghi chép trong Kinh-thánh. Khi có sự khác biệt giữa Kinh-thánh và vài bảng ghi khắc lịch sử thời xưa, thì điều đó thường có thể là do những vua chúa thời xưa không thích ghi lại những sự thất trận, mà chỉ muốn phóng đại những chiến thắng của họ.

34 Quả thật, nhiều bảng ghi khắc lịch sử xa xưa này không còn là lịch sử nữa mà là sự tuyên truyền chính thức. Ngược lại, những người viết Kinh-thánh bày tỏ tính thẳng thắn hiếm có. Kinh-thánh tiết lộ cả nhược điểm lẫn ưu điểm của những khuôn mặt thuộc bậc tổ tiên quan trọng như Môi-se và A-rôn. Kinh-thánh cũng thành thật tiết lộ những lầm lỗi của vua Đa-vít. Tội lỗi của cả quốc gia nói chung nhiều lần cũng bị đưa ra ánh sáng. Tính vô tư này cho thấy Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ là chân thật, đáng tin cậy và làm cho lời cầu nguyện của Chúa Giê-su “Lời Cha tức là lẽ thật” có thêm sức thuyết phục (Giăng 17:17).

35. Những người theo chủ nghĩa duy lý đã không làm được gì, và các học viên Kinh-thánh chú ý tới điều gì để chứng tỏ Kinh-thánh được soi dẫn?

35 Ông Albright nói tiếp: “Trong bất cứ trường hợp nào, nội dung của Kinh-thánh cũng vượt hẳn mọi tác phẩm tôn giáo thời xa xưa; và nổi bật hơn hẳn những tác phẩm thời sau về tính chất đơn giản của thông điệp và có tầm bao quát thu hút mọi người ở mọi nơi và vào mọi thời”.23 Chính là ‘thông điệp vượt bậc’ này, chứ không phải lời chứng nhận của các học giả, mới chứng tỏ sự soi dẫn của Kinh-thánh, như chúng ta sẽ thấy trong những chương sau. Nhưng chúng ta hãy chú ý là những người theo chủ nghĩa duy lý hiện đại đã không chứng tỏ được Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ là lịch sử không có thật, trong khi chính các lời ghi chép trong Kinh-thánh cho thấy bằng chứng sách này là chính xác. Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, “Tân Ước” có giống như vậy không? Chúng ta sẽ xem xét điều này trong chương tới.

[Chú thích]

^ đ. 2 “Phê bình Kinh-thánh” (hay “phương pháp phê bình căn cứ vào lịch sử”) là từ ngữ để miêu tả việc nghiên cứu Kinh-thánh để tìm thêm chi tiết như là về tác giả, nguồn tài liệu và thời điểm lúc viết mỗi cuốn sách.

^ đ. 8 Thí dụ, thi sĩ người Anh, John Milton, đã viết bài thiên sử thi cao quí của ông là “Địa đàng đã mất” theo một lối rất khác với bài thơ “L’Allegro” của ông. Và những bài luận về chính trị của ông đã được viết theo một lối khác nữa.

^ đ. 14 Đa số các người trí thức ngày nay có khuynh hướng theo chủ nghĩa duy lý. Theo tự điển, chủ nghĩa duy lý là “cậy vào sự lý luận để làm căn bản cho việc thiết lập chân lý tôn giáo”. Người theo chủ nghĩa duy lý giải thích mọi điều theo lối loài người chứ không quan tâm tới hành động có thể có của Đức Chúa Trời.

^ đ. 17 Bức tượng của một vị vua tìm thấy ở miền bắc xứ Sy-ri trong thập niên 1970 cho thấy một người vẫn được gọi là vua cho dù ông ta chỉ nắm quyền phụ. Bức tượng đó là của một người cai trị xứ Gozan và được khắc bằng tiếng A-si-ri và tiếng A-ram. Chữ A-si-ri gọi ông ta là tổng đốc xứ Gozan, nhưng chữ A-ram khắc bên dưới gọi ông là vua.9 Vậy bảng ghi khắc bằng tiếng Ba-by-lôn gọi Bên-xát-sa là hoàng thái tử, trong khi sự ghi chép bằng tiếng A-ram của Đa-ni-ên gọi ông là vua không phải là không có tiền lệ.

[Câu hỏi]

[Câu nổi bật nơi trang 53]

Không giống các sử sách ngoài đời cổ xưa, Kinh-thánh ghi chép thẳng thắn về những lầm lỗi của những người đáng kính như Môi-se và Đa-vít

[Khung nơi trang 44]

Giá trị của ngành khảo cổ học

“Khảo cổ học cung cấp cho chúng ta những mẫu vật dụng và bình chứa, tường và các công trình xây cất, vũ khí và đồ trang sức. Hầu hết những thứ này có thể sắp xếp theo thứ tự thời gian và được nhận diện rõ ràng bằng những từ ngữ hay đoạn văn thích hợp trong Kinh-thánh. Như thế Kinh-thánh đã bảo tồn được bối cảnh văn hóa cổ xưa một cách chính xác trên giấy mực. Những chi tiết của các câu chuyện trong Kinh-thánh không phải là sản phẩm tưởng tượng của tác giả nhưng phản ảnh trung thực một thế gian mà trong đó những biến cố được ghi lại từ chuyện tầm thường cho đến những chuyện siêu phàm đã thật sự xảy ra” (The Archanh emological Encyclopedia of the Holy Land).

[Khung nơi trang 50]

Những gì khảo cổ học có thể và không thể làm được

“Khảo cổ học không thể xác nhận hay bác bỏ Kinh-thánh một cách dứt khoát được, nhưng ngành này có những chức năng quan trọng khác. Ngành này tìm lại được một số vật liệu thuộc các nền văn hóa mà Kinh-thánh nói tới. Thí dụ, biết được vật liệu nào được dùng để xây cất nhà cửa, hoặc ‘nơi cao’ giống như cái gì, chúng ta có thêm sự hiểu biết về đoạn văn. Thứ hai, ngành khảo cổ còn bồi đắp cho các tài liệu lịch sử. Thí dụ, Bia đá Mô-áp cho biết sự tường thuật của dân Mô-áp về câu chuyện mà Kinh-thánh nói đến nơi II Các Vua 3:4... Thứ ba, ngành khảo cổ cho biết về đời sống và lối suy nghĩ của dân các nước láng giềng của Y-sơ-ra-ên xưa—đây là điều đáng chú ý và nhờ đó chúng ta biết được rất nhiều ý tưởng mà từ đó tư tưởng của Y-sơ-ra-ên xưa đã phát triển” (Ebla—A Revelation in Archanh emology).

[Hình nơi trang 41]

Ông Milton viết nhiều cách khác nhau, chứ không phải chỉ một cách. Vậy những người phê bình Kinh-thánh có tin là tác phẩm của ông được sáng tác bởi nhiều nhà văn không?

[Hình nơi trang 45]

“Bia sử Na-bô-nê-đô” ghi lại việc Na-bô-nê-đô giao trọn quyền vua lại cho con đầu lòng

[Hình nơi trang 46]

Bia đá Mô-áp thuật lại cuộc xung đột giữa Mô-áp và Y-sơ-ra-ên theo lời Vua Mê-sa

[Hình nơi trang 47]

Sử sách chính thức của người Ba-by-lôn củng cố lời tường thuật của Kinh-thánh về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem