Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tân Ước”—Lịch sử hay là huyền thoại?

“Tân Ước”—Lịch sử hay là huyền thoại?

Chương 5

“Tân Ước”—Lịch sử hay là huyền thoại?

Trong sách “On Being a Christian” (Để là tín đồ đấng Christ) ông Hans Küng nói: “Ngày nay có thể nói Tân Ước là sách được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới”. Ông đã nói đúng. Trong hơn 300 năm qua, Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp không phải chỉ được nghiên cứu, nhưng hơn thế nữa, sách này được khảo sát tỉ mỉ và phân tích cặn kẽ hơn bất cứ quyển sách nào khác.

1, 2. (Kể cả phần nhập đề). a) Trong hơn 300 năm qua, người ta nêu lên những gì về Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp? b) Một số người nghiên cứu đã đi đến kết luận kỳ lạ nào?

MỘT SỐ người nghiên cứu phần Tân Ước đã đi đến kết luận kỳ lạ. Vào thế kỷ 19, Ông Ludwig Noack ở Đức kết luận rằng sách Phúc Âm theo Giăng được một môn đồ yêu dấu viết vào năm 60 CN—theo ông Noack, đó là Giu-đa! Một người Pháp tên Joseph Ernest Renan cho là sự sống lại của La-xa-rơ dường như là một sự lừa gạt do chính La-xa-rơ sắp đặt để củng cố lời tuyên bố của Chúa Giê-su cho mình là người làm phép lạ, trong khi đó nhà thần học người Đức, Gustav Volkmar khăng khăng cho rằng Chúa Giê-su thời xưa không thể nào chứng minh được mình là đấng Mê-si.1

2 Mặt khác, ông Bruno Bauer nhất định là Chúa Giê-su đã không bao giờ hiện hữu! “Ông quả quyết rằng sức mạnh thực sự sáng lập đạo đấng Christ là Philo, Seneca và những người theo thuyết ngộ đạo. Cuối cùng ông tuyên bố là đã không bao giờ có Chúa Giê-su trong lịch sử... là đạo đấng Christ hình thành vào cuối thế kỷ thứ hai và tách ra từ đạo Do Thái, trong đó thuyết Stoic chiếm ưu thế”.2

3. Nhiều người còn giữ ý kiến nào về Kinh-thánh?

3 Ngày nay một ít người còn giữ ý kiến cực đoan đó. Nhưng nếu bạn đọc những tác phẩm của các học giả hiện đại, bạn sẽ thấy nhiều người vẫn còn tin rằng Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp chứa đựng chuyện hoang đường, thần thoại và được phóng đại. Điều này có thật không?

Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp được viết khi nào?

4. a) Tại sao việc biết Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp được viết ra khi nào là điều quan trọng? b) Người ta có những ý kiến nào về thời gian mà Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp được ghi chép?

4 Chuyện thần thoại và hoang đường cần thời gian để phát triển. Vậy câu hỏi rất quan trọng là: Những sách đó được viết khi nào? Sử gia Michael Grant nói rằng sự ghi chép lịch sử của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp bắt đầu “ba mươi hay bốn mươi năm sau khi Chúa Giê-su chết”.4 Nhà khảo cổ về Kinh-thánh William Foxwell Albright kết luận bằng cách nhắc lại lời C. C. Torrey: “Tất cả các sách Phúc Âm đều được viết trước năm 70 CN và chẳng có sách nào không được viết trong vòng hai mươi năm sau sự đóng đinh Chúa Giê-su”. Ý kiến riêng của ông Albright là các sách đó đã hoàn tất “không thể nào sau năm 80 CN được”. Những người khác đã có những ước đoán khác một chút, nhưng hầu hết đều đồng ý là “Tân Ước” được hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ nhất.

5, 6. Chúng ta nên kết luận gì từ sự kiện là Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp được viết không bao lâu sau những biến cố xảy ra?

5 Điều đó có nghĩa gì? Ông Albright kết luận: “Chúng ta có thể nói là thời kỳ giữa hai mươi đến năm mươi năm là quá ít để cho người ta có cơ hội sửa đổi nội dung thiết yếu và ngay đến những lời rõ rệt của Chúa Giê-su”.5 Giáo sư Gary Habermas thêm: “Các sách Phúc Âm ghi chép không bao lâu sau các diễn biến đã xảy ra, trong khi lịch sử xưa thường miêu tả các biến cố xảy ra nhiều thế kỷ trước. Thế mà các sử gia hiện đại vẫn có thể tìm được gốc tích của các biến cố dù là từ thời kỳ xa xưa đó”.6

6 Nói cách khác, lịch sử của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp ít ra cũng đáng tin cậy như lịch sử thế tục. Chắc chắn là trong vài thập niên từ lúc có các biến cố của đạo đấng Christ thời ban đầu cho đến lúc được ghi chép lại, các chuyện hoang đường và thần thoại không có thời gian để phát triển và để được chấp nhận rộng rãi.

Các lời chứng mắt thấy tai nghe

7, 8. a) Ai vẫn còn sống trong lúc Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp đang được ghi chép và truyền bá? b) Chúng ta phải kết luận gì phù hợp với lời bình luận của giáo sư F. F. Bruce?

7 Điều này đặc biệt đúng qua sự kiện nhiều lời tường thuật là những lời chứng mắt thấy tai nghe. Người viết sách Phúc Âm theo Giăng đã nói: “Ấy chính là môn-đồ đó [môn đồ mà Chúa Giê-su yêu] làm chứng về những việc nầy và đã chép lấy” (Giăng 21:24). Người viết sách Lu-ca nói: “Theo như các người chứng-kiến từ lúc ban đầu và trở nên người giảng đạo đã truyền lại cho chúng ta” (Lu-ca 1:2). Khi nói về những người đã chứng kiến sự sống lại của Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô nói: “Phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi” (I Cô-rinh-tô 15:6).

8 Liên quan đến điều này, giáo sư F. F. Bruce đã đưa ra nhận xét sắc bén: “Bịa đặt ra những lời nói và việc làm của Chúa Giê-su trong những năm đầu đó không phải là dễ như một số các văn sĩ tưởng đâu, trong lúc mà nhiều môn đồ ngài còn đó, họ còn có thể nhớ những gì đã xảy ra hay không xảy ra... Các môn đồ không thể nói những điều không chính xác (chứ đừng nói đến việc cố tình thao túng sự thật); nếu họ nói thì sẽ bị người khác sẵn sàng vạch trần ngay. Ngược lại, một trong những điểm nổi bật trong công việc rao giảng của các sứ đồ vào thời kỳ đầu là họ tin tưởng đến sự hiểu biết của người nghe; họ không chỉ nói ‘Chúng ta làm chứng những điều này’, nhưng cũng nói ‘Như chính các ngươi đều biết’ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:22)”.7

Văn bản có đáng tin cậy không?

9, 10. Nói về Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, chúng ta có thể chắc chắn về điều gì?

9 Có thể nào các lời chứng mắt thấy tai nghe đó được ghi chép chính xác lúc đầu nhưng sau lại bị sửa đổi không? Nói cách khác, chuyện thần thoại và hoang đường có được thêm vào sau khi sự ghi chép lúc đầu đã được hoàn tất không? Chúng ta đã thấy văn bản của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp còn đầy đủ hơn bất cứ tác phẩm xa xưa nào khác. Kurt và Barbara Aland, học giả về văn bản Kinh-thánh Hy Lạp, liệt kê hầu hết 5.000 bản chép tay còn tồn tại từ xưa đến nay, có bản có từ thế kỷ thứ hai CN.8 Tất cả các bản này như một núi bằng cớ chứng tỏ văn bản rất đáng tin cậy. Hơn nữa, có nhiều bản dịch xa xưa—xưa nhất là vào khoảng năm 180 CN—giúp chứng tỏ văn bản là chính xác.9

10 Vì thế, dù nghĩ thế nào đi nữa, chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng những chuyện thần thoại và hoang đường đã không xen vào Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp sau khi các người viết đầu tiên hoàn tất sách của họ. Về thực chất, văn bản mà chúng ta có giống y như bản nguyên thủy được viết lúc đầu và sự chính xác của văn bản được xác định qua sự kiện là tín đồ đấng Christ đương thời đã chấp nhận nó. Vậy, chúng ta có thể kiểm lại tính chất xác thực của Kinh-thánh bằng cách so sánh với các lịch sử xa xưa khác không? Có thể được trong mức độ nào đó.

Bằng chứng qua tài liệu khác

11. Các tài liệu bên ngoài hỗ trợ sự tường thuật về lịch sử của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp đến mức nào?

11 Thật ra, ngoài Kinh-thánh, ít có tài liệu nào nói về các biến cố trong đời sống của Chúa Giê-su và các sứ đồ của ngài. Điều này không có gì là lạ vì trong thế kỷ thứ nhất, những tín đồ đấng Christ chỉ là một số tương đối nhỏ và họ không dính líu gì đến chính trị. Nhưng bằng chứng mà lịch sử thế tục cung cấp lại phù hợp với những gì chúng ta đọc trong Kinh-thánh.

12. Sử gia Josephus cho chúng ta biết gì về Giăng Báp-tít?

12 Thí dụ, sau khi quân đội Hê-rốt An-ti-ba bị thất trận thảm hại, sử gia Do Thái Josephus viết vào năm 93 CN: “Đối với một số người Do Thái, sự hủy diệt của quân đội Hê-rốt dường như là sự trả thù của Đức Chúa Trời và chắc hẳn đó là sự trả thù công bằng về việc vua đối xử với Giăng Báp-tít. Vì Hê-rốt đã giết Giăng, dù Giăng là người tốt và đã khuyên nhủ dân Do Thái sống cho ngay thẳng, làm điều công chính đối với người đồng loại và kính Đức Chúa Trời”.10 Như vậy, sử gia Josephus đã củng cố lời tường thuật của Kinh-thánh về Giăng Báp-tít là người công bình, rao giảng cho dân chúng ăn năn và bị Hê-rốt xử trảm (Ma-thi-ơ 3:1-12; 14:11).

13. Qua những lời nào ông Josephus cho biết Gia-cơ và Chúa Giê-su có thật trong lịch sử?

13 Ông Josephus cũng đã nói đến Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su. Kinh-thánh cho biết mới đầu Gia-cơ không theo Chúa Giê-su nhưng sau lại trở thành một trưởng lão trọng yếu ở Giê-ru-sa-lem (Giăng 7:3-5; Ga-la-ti 1:18, 19). Ông viết trong tài liệu về việc Gia-cơ bị bắt giữ bằng những lời này: “[Thầy cả thượng phẩm An-ne] triệu tập các quan án của Tòa Công Luận và đưa một người tên Gia-cơ, em của Giê-su cũng được gọi là đấng Christ, và vài người khác ra trước mặt họ”.11 Khi viết những lời này, ông Josephus khẳng định thêm “Giê-su, cũng được gọi là đấng Christ” là một người có thật trong lịch sử.

14, 15. Ông Tacitus đã hỗ trợ sự ghi chép của Kinh-thánh thế nào?

14 Các người viết khác trong thời kỳ đầu cũng đã nói về những điều được viết trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Thí dụ, các sách Phúc Âm cho chúng ta biết công việc rao giảng của Chúa Giê-su được nhiều người xung quanh vùng Pha-lê-tin hưởng ứng. Khi ngài bị Bôn-xơ Phi-lát xử tử, các môn đồ ngài rất hoang mang và chán nản. Chẳng bao lâu sau đó, chính những môn đồ này dạn dĩ rao truyền thông điệp về sự sống lại của Chúa khắp thành Giê-ru-sa-lem. Trong vòng vài năm, đạo đấng Christ đã lan tràn khắp cả Đế quốc La Mã (Ma-thi-ơ 4:25; 26:31; 27:24-26; Công-vụ các Sứ-đồ 2:23, 24, 36; 5:28; 17:6).

15 Sử gia La Mã Tacitus, không phải là người thích đạo đấng Christ, đã làm chứng cho sự thật này. Ngay sau năm 100 CN, ông viết về việc tín đồ đấng Christ bị Nê-rô bắt bớ một cách độc ác và thêm: “Christus, người sáng lập ra đạo, đã bị xử tử trong thời trị vì của Ti-be-rơ, qua án lệnh của quan tổng trấn Bôn-xơ Phi-lát, và sự mê tín độc hại đã ngưng lại ít lâu, nhưng rồi lại bừng lên lần nữa, không phải chỉ ở Giu-đê, xuất xứ của bệnh mê tín đó, nhưng còn ở tại chính thủ đô [La Mã] nữa”.12

16. Biến cố lịch sử nào nói trong Kinh-thánh cũng được sử gia Suetonius nhắc tới?

16 Trong Công-vụ các Sứ-đồ 18:2, người viết Kinh-thánh nhắc đến sự kiện “[vua La Mã] Cơ-lốt có chỉ truyền mọi người Giu-đa phải lánh khỏi thành Rô-ma”. Sử gia La Mã trong thế kỷ thứ hai là Suetonius cũng nhắc về sự trục xuất này. Trong sách The Deified Claudius, sử gia này nói: “Vì người Do Thái không ngừng gây rắc rối qua sự xúi giục của Chrestus nên hoàng đế [Claudius] trục xuất họ khỏi thành Rô-ma”.13 Nếu Chrestus nói đến ở đây là chỉ về Chúa Giê-su Christ và nếu những biến cố xảy ra tại Rô-ma là bắt chước theo những thành phố khác, thì sự nổi loạn không thực sự do sự xúi giục của đấng Christ (tức là không do môn đồ của đấng Christ). Thật ra, đó là do những người Do Thái bạo động nổi lên chống lại hoạt động rao giảng của tín đồ đấng Christ trung thành.

17. Nguồn tài liệu nào có sẵn cho Justin Martyr vào thế kỷ thứ hai giúp ủng hộ lời tường thuật của Kinh-thánh về phép lạ của Chúa Giê-su và sự chết của ngài?

17 Ông Justin Martyr, viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai, nói về sự chết của Chúa Giê-su: “Những điều này thật sự đã xảy ra, bạn có thể kiểm lại từ sách Các Hoạt Động của Bôn-xơ Phi-lát”.14 Ngoài ra, theo ông Justin Martyr, những tài liệu này cũng nói về phép lạ của Chúa Giê-su. Ông viết về những phép lạ này như sau: “Ngài đã làm các sự ấy, bạn có thể biết được qua sách Các Hoạt Động của Bôn-xơ Phi-lát”.15 Đành rằng sách “Các Hoạt Động” hay tài liệu chính thức này không còn nữa, nhưng tài liệu đó đã có vào thế kỷ thứ hai và ông Justin Martyr đã tự tin thách thức các độc giả của ông kiểm chứng để làm sáng tỏ sự thật của những điều ông đã nói.

Bằng chứng về khảo cổ

18. Ngành khảo cổ đã củng cố sự hiện hữu của Bôn-xơ Phi-lát thế nào?

18 Những sự phát hiện về khảo cổ cũng đã chứng tỏ hay xác định những gì chúng ta đọc trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Vì vậy, vào năm 1961, người ta tìm thấy tên của Bôn-xơ Phi-lát khắc trên tàn tích của một hí trường La Mã ở Sê-sa-rê.16 Ngoài Kinh-thánh ra, có rất ít bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của vị quan cai trị người La Mã này cho tới khi có sự phát hiện trên.

19, 20. Ngành khảo cổ đã chứng thực các nhân vật nào mà Lu-ca đã nói đến trong Kinh-thánh (sách Lu-ca và Công-vụ các Sứ-đồ)?

19 Trong sách Phúc Âm của Lu-ca, chúng ta đọc về Giăng Báp-tít bắt đầu thánh chức của ông “khi... Ly-sa-ni-a làm vua chư-hầu xứ A-by-len” (Lu-ca 3:1). Một số người nghi ngờ câu này vì sử gia Josephus nói rằng vua Ly-sa-ni-a cai trị xứ A-by-len đã băng hà năm 34 TCN, nhiều năm trước khi Giăng Báp-tít ra đời. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ đã khám phá ra một bảng ghi khắc tại A-by-len nói đến một Ly-sa-ni-a khác làm vua chư hầu trong thời Sê-sa Ti-be-rơ trị vì tại thành Rô-ma khi Giăng bắt đầu thánh chức của ông.17 Đây rất có thể là Ly-sa-ni-a mà Lu-ca đề cập đến.

20 Trong Công-vụ các Sứ-đồ chúng ta đọc thấy Phao-lô và Ba-na-ba được cử làm công việc giáo sĩ tại đảo Chíp-rơ và tại đó họ gặp quan trấn thủ tên là Sê-giút Phau-lút, “là người khôn-ngoan” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:7). Vào giữa thế kỷ 19, người ta khai quật tại Chíp-rơ, tìm thấy một bảng ghi khắc từ năm 55 CN có nói đến chính ông quan này. Nhà khảo cổ G. Ernest Wright nói về bảng đó: “Ngoài Kinh-thánh ra, đây là một sự tham khảo duy nhất mà chúng ta có về quan trấn thủ này và điều thú vị là Lu-ca đã cho chúng ta biết đúng tên và chức vị của ông”.18

21, 22. Các phát hiện về khảo cổ đã khẳng định những thực hành tôn giáo nào mà Kinh-thánh nói đến?

21 Khi ở A-thên, Phao-lô thấy có một bàn thờ dùng để thờ “Chúa không biết” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:23). Các bàn thờ để thờ các thần vô danh, bằng chữ La-tinh, đã được tìm thấy ở nhiều nơi trong lãnh thổ của Đế quốc La Mã. Người ta tìm thấy một bàn thờ tại Bẹt-găm, được ghi khắc bằng tiếng Hy Lạp, có lẽ giống cái ở A-thên.

22 Sau đó, trong lúc ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã bị những thợ bạc chống đối dữ tợn vì họ sinh sống bằng nghề làm miếu thờ và hình tượng của nữ thần Đi-anh. Thành Ê-phê-sô được nói đến như là “kẻ canh-giữ đền-thờ nữ-thần lớn Đi-anh” (Công-vụ các Sứ-đồ 19:35). Phù hợp với điều này, người ta tìm thấy một số tượng nhỏ nữ thần Đi-anh bằng đất nung và bằng cẩm thạch tại địa điểm thành Ê-phê-sô ngày xưa. Trong thế kỷ vừa qua, người ta đã khai quật lên tàn tích của chính đền thờ to lớn này.

Tiếng chuông lẽ thật

23, 24. a) Chúng ta tìm ở đâu để có bằng chứng vững nhất về việc Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp ghi chép đúng với sự thật? b) Kinh-thánh vốn có phẩm chất nào chứng minh cho sự chân thật của sách ấy? Hãy kể rõ.

23 Vậy, lịch sử và khảo cổ học đã làm sáng tỏ và trong mức độ nào đó đã xác định yếu tố lịch sử của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Nhưng, một lần nữa, bằng chứng vững nhất về sự ghi chép lẽ thật này là ngay trong Kinh-thánh. Khi đọc những lời đó, bạn sẽ thấy không giống chuyện thần thoại chút nào. Đó là tiếng chuông lẽ thật.

24 Một lý do là những lời đó rất thẳng thắn. Hãy nghĩ đến những gì đã ghi chép về Phi-e-rơ. Việc ông đi bộ trên mặt nước và bị té được ghi lại từng chi tiết. Rồi chính Chúa Giê-su phán cùng sứ đồ được trọng vọng này là: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!” (Ma-thi-ơ 14:28-31; 16:23). Hơn nữa, sau khi hết sức cãi rằng dù tất cả các người khác bỏ Chúa Giê-su, ông sẽ không bao giờ bỏ ngài, Phi-e-rơ ngủ gục trong đêm thức canh và rồi chối Chúa ba lần (Ma-thi-ơ 26:31-35, 37-45, 73-75).

25. Những người viết Kinh-thánh đã phơi bày thẳng thắn những nhược điểm nào của các sứ đồ?

25 Nhưng không phải chỉ riêng sự yếu kém của Phi-e-rơ mới bị phơi bày ra. Sự ghi chép thẳng thắn đã không che đậy việc các môn đồ cãi nhau xem ai là lớn nhất trong vòng họ (Ma-thi-ơ 18:1; Mác 9:34; Lu-ca 22:24). Kinh-thánh cũng không bỏ qua việc mẹ của sứ đồ Gia-cơ và Giăng hỏi xin Chúa Giê-su cho hai con trai bà có được ưu thế trong Nước Trời (Ma-thi-ơ 20:20-23). Kinh-thánh cũng chân thật ghi lại “sự cãi-lẫy nhau dữ-dội” giữa Phao-lô và Ba-na-ba (Công-vụ các Sứ-đồ 15:36-39).

26. Chi tiết nào về sự sống lại của Chúa Giê-su được nói đến chỉ vì đó là sự thật?

26 Cũng hãy chú ý đến sự kiện sách Lu-ca nói rằng chính “các người đờn-bà đã từ xứ Ga-li-lê đến với Đức Chúa Jêsus” là những người biết về sự sống lại của Chúa Giê-su trước nhất. Đây là một chi tiết khác thường nhất trong xã hội mà chỉ có người đàn ông là được nắm quyền vào thế kỷ thứ nhất. Thật vậy, theo sự ghi chép, những điều các người đàn bà ấy nói bị các sứ đồ “cho lời ấy như là hư-không” (Lu-ca 23:55–24:11). Nếu lịch sử của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp không đúng thì đó phải là chuyện bịa đặt. Nhưng tại sao ai đó lại bịa đặt ra một chuyện không tâng bốc những người đáng trọng như các sứ đồ? Các chi tiết này được nói đến chỉ vì đó là sự thật.

Chúa Giê-su—Người có thật

27. Một sử gia đã làm chứng là Chúa Giê-su có thật trong lịch sử như thế nào?

27 Nhiều người xem Chúa Giê-su theo cách miêu tả của Kinh-thánh là sự tưởng tượng lý tưởng. Nhưng sử gia Michael Grant ghi nhận: “Nếu chúng ta áp dụng đồng một tiêu chuẩn để phê bình Tân Ước và các sự ghi chép chứa đựng tài liệu lịch sử xa xưa khác, chúng ta không thể nào gạt bỏ sự hiện hữu của Chúa Giê-su cũng như không thể nào gạt bỏ sự hiện hữu của vô số nhân vật ngoại giáo từng được coi là các nhân vật lịch sử có thật và không hề bị đặt nghi vấn”.19

28, 29. Tại sao việc bốn sách Phúc Âm trình bày hình ảnh hợp nhất về nhân cách của Chúa Giê-su là điều quan trọng?

28 Không những sự hiện hữu của Chúa Giê-su mà nhân cách của ngài cũng cho thấy tiếng chuông lẽ thật rõ ràng của Kinh-thánh. Không dễ để bịa đặt ra một nhân vật khác thường và rồi trình bày hình ảnh con người đó trước sau như một trong cả cuốn sách. Hầu như không thể nào có cả bốn người khác nhau đều viết về cùng một nhân vật và tô vẽ cùng một hình ảnh của ngài một cách đồng nhất nếu nhân vật đó không bao giờ hiện hữu. Sự kiện cả bốn sách Phúc Âm đều miêu tả cùng một Chúa Giê-su cho thấy rõ đó là bằng chứng đáng tin về sự chân thật của các sách Phúc Âm.

29 Ông Michael Grant cũng trích ra một câu hỏi rất thích hợp: “Tại sao tất cả những sách Phúc Âm đều miêu tả hình ảnh rõ rệt rất đáng chú ý của một người đàn ông trẻ có sức lôi cuốn người khác, đi giữa những người đàn bà thuộc mọi tầng lớp xã hội, gồm cả những người có thành tích bất hảo, mà lại không có một chút gì đa cảm, giả tạo hay kiểu cách, đồng thời lúc nào cũng giữ được tính trung kiên?”20 Chỉ có mỗi một câu trả lời là người đó đã thật sự hiện hữu và hành động y như Kinh-thánh nói.

Tại sao họ không tin

30, 31. Tại sao nhiều người không chấp nhận sự chính xác về lịch sử của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp dù họ có đủ bằng cớ để tin?

30 Vì có những bằng cớ rõ ràng Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp là lịch sử có thật, tại sao một số người cho là không? Tại sao nhiều người trong lúc chấp nhận một phần của Kinh-thánh là thật, lại không chịu chấp nhận tất cả những gì chứa đựng trong phần đó? Chính là vì Kinh-thánh ghi chép những điều mà giới trí thức hiện đại không muốn tin. Thí dụ, Kinh-thánh nói rằng Chúa Giê-su làm ứng nghiệm lời tiên tri và nói tiên tri. Kinh-thánh cũng cho biết ngài đã làm phép lạ và được sống lại sau khi chết.

31 Trong thế kỷ 20 đầy nghi ngờ này, những điều đó rất khó tin. Giáo sư Ezra P. Gould nhận xét về những phép lạ: “Một số nhà phê bình cho rằng các phép lạ đã không xảy ra là để biện hộ cho sự nghi ngờ của họ”.21 Một số người chấp nhận Chúa Giê-su có thể chữa lành bệnh nhưng chỉ là loại bệnh tâm lý, dùng sức mạnh tinh thần để kiểm soát bệnh trạng. Còn về những phép lạ khác, họ cho đó là các sự bịa đặt hay là những biến cố có thật mà bị bóp méo khi kể lại.

32, 33. Một số người cố giải thích thế nào về việc Chúa Giê-su làm phép lạ cho đám đông ăn, nhưng tại sao điều này không hợp lý?

32 Để thí dụ về điều này, chúng ta hãy xem lần Chúa Giê-su làm phép lạ cho 5.000 người ăn với chỉ vài ổ bánh và hai con cá (Ma-thi-ơ 14:14-22). Học giả Heinrich Paulus vào thế kỷ 19 cho rằng câu chuyện thật đã xảy ra như sau: Chúa Giê-su và các môn đồ ngài thấy đám đông dân chúng đi theo bị đói bụng. Vì vậy, ngài quyết định làm gương tốt cho những kẻ giàu trong đám đông đó bằng cách lấy phần đồ ăn ít ỏi của ngài và của các môn đồ ra chia cho đoàn dân. Chẳng mấy chốc những người khác cũng đã bắt chước ngài và đem chia đồ ăn của họ. Cuối cùng, tất cả đám đông đều được ăn no nê.22

33 Tuy nhiên, nếu đó là sự thật, thì ấy là một bằng chứng phi thường về sức mạnh của gương mẫu tốt. Thế thì tại sao một câu chuyện hay và đầy ý nghĩa như vậy lại bị bóp méo để làm nó thành phép lạ siêu nhiên? Thật vậy, tất cả những cố gắng nhằm giải thích không có các phép lạ đưa đến nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề. Những điều đó căn cứ vào sự giả dối và bắt đầu bằng cách cho rằng các phép lạ là chuyện không thể nào có được. Nhưng tại sao có trường hợp như vậy?

34. Nếu Kinh-thánh thật sự chứa đựng lời tiên tri chính xác và sự tường thuật xác thực về phép lạ thì điều đó chứng tỏ gì?

34 Theo những tiêu chuẩn hợp lý nhất, Kinh-thánh cả phần tiếng Hê-bơ-rơ và phần tiếng Hy Lạp đều là lịch sử xác thực, nhưng cả hai đều chứa đựng lời tiên tri và các phép lạ. (So sánh II Các Vua 4:42-44). Vậy, nếu các lời tiên tri xác thực thì sao? Và nếu các phép lạ thực sự xảy ra thì sao? Thế thì Đức Chúa Trời thật sự là Đấng thúc đẩy việc viết ra Kinh-thánh và Kinh-thánh thật sự là lời của Ngài chứ không phải là lời của loài người.. Trong chương sau, chúng ta sẽ bàn luận về các thắc mắc liên quan đến lời tiên tri, nhưng trước hết chúng ta hãy xem xét về các phép lạ. Trong thế kỷ 20 này, tin vào các phép lạ đã xảy ra trong các thế kỷ đầu có hợp lý không?

[Câu hỏi]

[Câu nổi bật nơi trang 66]

Tại sao Kinh-thánh ghi là những người đàn bà phát hiện ra trước nhất về việc Chúa Giê-su được sống lại nếu điều này đã không thật sự xảy ra?

[Khung nơi trang 56]

Sự phê bình hiện đại rất thiếu sót

Để thí dụ cho tính chất không chắc chắn của sự phê bình Kinh-thánh hiện đại, hãy xem những lời nhận xét của Raymond E. Brown về sách Phúc Âm theo Giăng: “Vào cuối thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này, các học giả đã trải qua một giai đoạn hết sức hoài nghi về sách Phúc Âm này. Họ cho là sách Giăng được viết rất trễ, thậm chí vào hậu bán thế kỷ thứ hai. Theo họ, nó là sản phẩm của một thế giới bị Hy Lạp đồng hóa, nên hoàn toàn không có giá trị lịch sử và chẳng có mấy liên hệ đến Giê-su người Na-xa-rét...

“Không có lập luận nào giống như trên mà không bị ảnh hưởng bởi hàng loạt các phát hiện bất ngờ về khảo cổ, về tài liệu và về văn bản. Những sự phát hiện này đã đưa chúng ta đến việc thách đố các quan điểm phê bình hầu như đã được nhiều người chấp nhận, và nhận thấy sự phân tích đầy hoài nghi về sách Giăng có căn cứ mong manh như thế nào...

“Người ta lại dời ngày mà họ nghĩ sách Giăng được viết ra là vào cuối thế kỷ thứ nhất hay là sớm hơn nữa... Điều lạ nhất là một số học giả còn dám nhắc lại chính Giăng con trai Xê-bê-đê là người có lẽ đã có liên hệ đến cuốn Phúc Âm đó”!3

Tại sao việc tin rằng Giăng viết cuốn sách mà ai cũng nhận từ xưa là của ông, là điều có vẻ lạ? Đó chỉ là vì điều đó không phù hợp với thiên kiến của các người chỉ trích.

[Khung nơi trang 70]

Thêm một sự tấn công khác vào Kinh-thánh

Ông Timothy P. Weber viết: “Những luận điểm mà những người phê bình Kinh-thánh nêu ra làm cho nhiều thường dân nghi ngờ khả năng hiểu biết của mình về bất cứ điều gì [trong Kinh-thánh]... A. T. Pierson bày tỏ sự thất vọng của ông đối với nhiều nhà truyền giáo khi nói rằng “giống như Công Giáo La Mã, [giới phê bình Kinh-thánh] hầu như cất bỏ Lời của Đức Chúa Trời khỏi các thường dân, cho là chỉ có các học giả mới có thể giải thích được Kinh-thánh; trong lúc Công Giáo La Mã đặt một linh mục giữa người ta và Lời Đức Chúa Trời thì giới phê bình đặt một người giải thích giữa người tin đạo và Kinh-thánh”.23 Do đó, giới phê bình Kinh-thánh hiện đại đã bị vạch trần, chính họ là một sự tấn công khác vào Kinh-thánh.

[Hình nơi trang 62]

Bàn thờ này tại Bẹt-găm dường như để thờ “Chúa không biết”

[Hình nơi trang 63]

Tàn tích của đền thờ Đi-anh một thời tráng lệ mà người Ê-phê-sô rất tự hào

[Hình nơi trang 64]

Kinh-thánh thành thật ghi lại việc Phi-e-rơ đã chối Chúa Giê-su

[Hình nơi trang 67]

Kinh-thánh chân thật ghi lại “sự cãi-lẫy nhau dữ-dội” giữa Phao-lô và Ba-na-ba

[Hình nơi trang 68]

Sự miêu tả về Chúa Giê-su trước sau như một trong bốn cuốn sách Phúc Âm là bằng chứng vững chắc về sự xác thực của các sách ấy

[Hình nơi trang 69]

Hầu hết các nhà phê bình hiện đại đều cho rằng các phép lạ đã không xảy ra