Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh-thánh có tự mâu thuẫn không?

Kinh-thánh có tự mâu thuẫn không?

Chương 7

Kinh-thánh có tự mâu thuẫn không?

Kinh-thánh thường bị gán cho là tự mâu thuẫn. Thông thường, những người gán tội này đã không đọc Kinh-thánh; họ chỉ lặp lại những gì họ nghe từ người khác. Tuy nhiên, một số người thấy dường như có sự mâu thuẫn thật và cảm thấy khó chịu.

1, 2. (Kể cả phần nhập đề). a) Kinh-thánh thường hay bị gán cho tội gì? b) Chúng ta nên nhớ gì khi so sánh các đoạn văn khác nhau trong Kinh-thánh? c) Vì lý do gì mà đôi khi có sự khác nhau khi hai người viết Kinh-thánh tường thuật cùng một biến cố?

NẾU quả thật là Lời Đức Chúa Trời, Kinh-thánh phải hòa hợp chứ không thể mâu thuẫn. Thế thì, tại sao vài đoạn có vẻ mâu thuẫn với các phần khác? Để trả lời, chúng ta cần nên nhớ rằng dù là Lời Đức Chúa Trời, Kinh-thánh đã được một số người viết ra trong thời gian dài nhiều thế kỷ. Những người viết này thuộc nhiều thành phần khác nhau, có lối hành văn khác nhau và năng khiếu khác nhau, và tất cả những sự khác nhau này phản ảnh trong cách viết của họ.

2 Hơn nữa, nếu hai hay nhiều người viết bàn luận về cùng một biến cố, một người có thể nói đến một chi tiết mà người kia bỏ qua. Ngoài ra, những người viết khác nhau trình bày vấn đề qua những cách khác nhau. Một người có thể viết theo thứ tự thời gian, trong khi người khác có thể viết theo thứ tự khác. Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày những điều bị cho là mâu thuẫn trong Kinh-thánh và sẽ xem xét những điều này để có thể giải thích những ý kiến bất đồng đó.

Các nhân chứng khách quan

3, 4. Nói về thầy đội có người đầy tớ bị bệnh, lời tường thuật của Ma-thi-ơ và của Lu-ca dường như có sự khác nhau nào và những sự bất đồng đó có thể được giải thích thế nào?

3 Một số sự “mâu thuẫn” phát sinh khi chúng ta có hai hay nhiều lời tường thuật về cùng một việc xảy ra. Thí dụ, trong Ma-thi-ơ 8:5, chúng ta đọc khi Chúa Giê-su vào thành Ca-bê-na-um, “có một thầy đội đến cùng Ngài mà xin” Chúa chữa lành bệnh cho người đầy tớ của ông. Nhưng trong Lu-ca 7:3, chúng ta đọc thấy thầy đội này “sai mấy trưởng-lão trong dân Giu-đa xin Ngài đến chữa cho đầy-tớ mình”. Thầy đội đã nói với Chúa Giê-su, hay là ông đã sai mấy trưởng lão?

4 Rõ ràng, câu trả lời là ông đã sai mấy trưởng lão trong dân Giu-đa. Thế thì tại sao Ma-thi-ơ nói chính thầy đội xin Chúa Giê-su? Bởi vì quả thật ông đã hỏi Chúa Giê-su qua các trưởng lão Giu-đa. Các trưởng lão là người phát ngôn cho ông.

5. Tại sao Kinh-thánh nói Sa-lô-môn xây cất đền thờ, trong khi công việc rõ ràng là do những người khác làm?

5 Thí dụ điển hình cho điều này, chúng ta đọc trong II Sử-ký 3:1: “Sa-lô-môn khởi cất đền Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem”. Sau đó, chúng ta đọc thấy: “Sa-lô-môn làm xong đền Đức Giê-hô-va” (II Sử-ký 7:11). Có phải chính tay Sa-lô-môn cất đền từ đầu đến cuối không? Dĩ nhiên là không. Công việc xây cất thật sự là do số đông thợ chuyên môn và các nhân công. Nhưng Sa-lô-môn là người tổ chức và chịu trách nhiệm về công việc đó. Vì thế, Kinh-thánh nói rằng ông xây cất đền. Tương tự như vậy, sách Ma-thi-ơ cho chúng ta biết thầy đội đến với Chúa Giê-su. Nhưng Lu-ca cho thêm chi tiết là ông đến với ngài qua trung gian các trưởng lão Giu-đa.

6, 7. Chúng ta có thể giải thích thế nào về hai lời tường thuật khác nhau kể lại việc thỉnh cầu của các con trai Xê-bê-đê?

6 Đây là thí dụ tương tự. Chúng ta đọc trong Ma-thi-ơ 20:20, 21: “Bấy giờ, có mẹ của các con trai Xê-bê-đê cùng các con mình đến gần Đức Chúa Jêsus, lạy Ngài đặng hỏi một chuyện”. Bà muốn hỏi xin cho con trai bà được địa vị tôn trọng nhất khi Chúa Giê-su đến trong Nước ngài. Trong lời tường thuật của Mác về cùng câu chuyện này, chúng ta đọc: “Bấy giờ, Gia-cơ và Giăng, hai con trai Xê-bê-đê, đến gần Ngài mà thưa rằng: Lạy thầy, chúng tôi muốn thầy làm thành điều chúng tôi sẽ xin” (Mác 10:35-37). Hai con trai của Xê-bê-đê hay mẹ của họ đã hỏi xin Chúa Giê-su?

7 Rõ ràng là hai con trai của Xê-bê-đê đã xin, như lời Mác nói. Nhưng họ xin qua mẹ của họ. Bà là người nói giùm họ. Lời tường thuật của Ma-thi-ơ củng cố cho điều đó là khi các sứ đồ khác nghe những gì mẹ của các con trai Xê-bê-đê đã làm, họ giận, không phải giận bà mẹ, nhưng là “hai anh em” (Ma-thi-ơ 20:24).

8. Có thể nào cả hai lời tường thuật khác biệt nhau khi kể cùng một biến cố, và cả hai đều đúng sự thật không?

8 Bạn có bao giờ nghe hai người cùng kể lại một biến cố nào đó mà cả hai đều chứng kiến không? Nếu có, bạn có nhận thấy rằng mỗi người nhấn mạnh đến những chi tiết mà đã in sâu trong trí họ nhiều nhất không? Người này có thể bỏ qua những điều mà người kia nói tới. Tuy nhiên, cả hai đều nói sự thật. Bốn sách Phúc Âm tường thuật về thánh chức của Chúa Giê-su, và các biến cố lịch sử khác trong Kinh-thánh có hơn một người viết cũng đều giống như vậy. Mỗi người đều viết câu chuyện chính xác dù cho người này ghi những chi tiết mà người kia bỏ qua. Bằng cách xem xét mọi lời tường thuật, chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ hơn về những gì đã xảy ra. Sự khác nhau đó chứng tỏ lời tường thuật trong Kinh-thánh là khách quan. Sự hòa hợp cần yếu của các lời đó chứng tỏ chúng là thật.

Hãy đọc văn cảnh

9, 10. Văn cảnh giúp chúng ta thế nào để biết Ca-in lấy vợ từ đâu?

9 Thường thì, các sự dường như bất đồng có thể giải quyết nếu chúng ta chỉ xem lại văn cảnh Thí dụ, vấn đề thường được nêu lên về vợ của Ca-in. Chúng ta đọc trong Sáng-thế Ký 4:1, 2: “[Ê-va] thọ-thai sanh Ca-in và nói rằng: Nhờ Đức Giê-hô-va giúp-đỡ, tôi mới sanh được một người. Ê-va lại sanh em Ca-in, là A-bên”. Như ai cũng biết, Ca-in đã giết A-bên; nhưng sau đó, chúng ta đọc thấy Ca-in có vợ và con cái (Sáng-thế Ký 4:17). Nếu A-đam và Ê-va chỉ có hai con trai mà thôi, Ca-in tìm vợ ở đâu?

10 Giải đáp cho vấn đề ở trong sự kiện là A-đam và Ê-va đã có hơn hai người con. Theo văn cảnh, họ có một gia đình đông con. Chúng ta đọc trong Sáng-thế Ký 5:3 là A-đam có người con khác tên là Sết và theo những câu sau đó, chúng ta đọc: “A-đam sanh con trai con gái” (Sáng-thế Ký 5:4). Vậy, Ca-in có thể đã lấy một trong các em gái hay thậm chí lấy một trong những cháu gái của ông. Trong thời đầu của lịch sử nhân loại, khi loài người quá gần sự hoàn toàn, những cuộc hôn nhân như vậy đã không gây nguy hại cho con cái họ như là ngày nay.

11. Một số người nêu lên điều gì có vẻ bất đồng giữa Gia-cơ và sứ đồ Phao-lô?

11 Xem xét văn cảnh cũng giúp chúng ta hiểu những gì một số người cho là bất đồng giữa sứ đồ Phao-lô và Gia-cơ. Trong Ê-phê-sô 2:8, 9, Phao-lô nói tín đồ đấng Christ được cứu bởi đức tin chứ không bởi việc làm. Ông nói: “Bởi đức-tin, mà anh em được cứu... chẳng phải bởi việc làm đâu”. Tuy nhiên, Gia-cơ nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc làm. Ông nói: “Xác chẳng có hồn thì chết, đức-tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:26). Làm thế nào có thể giải thích hai lời phát biểu này?

12, 13. Lời của Gia-cơ bổ túc chứ không mâu thuẫn với lời của sứ đồ Phao-lô như thế nào?

12 Xem xét văn cảnh trong lời của Phao-lô, chúng ta thấy câu này bổ túc câu kia. Sứ đồ Phao-lô nói về sự cố gắng giữ theo Luật Pháp Môi-se của người Do Thái. Họ tin rằng nếu họ giữ Luật Pháp và mọi chi tiết khác của Luật Pháp, họ sẽ được công bình. Phao-lô chỉ cho họ thấy điều đó không thể nào có được. Chúng ta không thể nào cậy việc làm của chính mình mà trở nên công bình và nhờ đó được cứu rỗi vì chúng ta mang tội lỗi di truyền. Chúng ta chỉ có thể được cứu bởi đức tin trong sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê-su (Rô-ma 5:18).

13 Tuy nhiên, Gia-cơ thêm một điểm trọng yếu là đức tin tự nó không có giá trị gì nếu không có hành động theo sau. Một người cho rằng mình có đức tin nơi Chúa Giê-su nên chứng tỏ điều đó bằng những gì mình làm. Một đức tin không có việc làm là đức tin chết và sẽ không dẫn đến sự cứu rỗi.

14. Đoạn nào cho thấy Phao-lô hoàn toàn đồng ý với nguyên tắc đức tin cần phải biểu lộ qua việc làm?

14 Sứ đồ Phao-lô hoàn toàn đồng ý với điều này, và ông thường nói về loại việc làm mà tín đồ đấng Christ nên tham gia vào để biểu lộ đức tin của họ. Thí dụ, ông viết cho người Rô-ma: “Vì tin bởi trong lòng mà được sự công-bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu-rỗi”. “Miệng làm chứng” tức là chia sẻ đức tin chúng ta với người khác, một điều cần yếu cho sự cứu rỗi (Rô-ma 10:10; cũng xem I Cô-rinh-tô 15:58; Ê-phê-sô 5:15, 21-33; 6:15; I Ti-mô-thê 4:16; II Ti-mô-thê 4:5; Hê-bơ-rơ 10:23-25). Tuy nhiên, không có việc làm nào mà người tín đồ đấng Christ có thể làm sẽ giúp cho người đó quyền được sống đời đời, và chắc chắn là không phải nhờ vào việc cố gắng làm tròn Luật Pháp Môi-se. Sự sống đời đời là “sự ban cho của Đức Chúa Trời” cho những ai thực hành đức tin (Rô-ma 6:23; Giăng 3:16).

Các quan điểm khác

15, 16. Làm thế nào cả Môi-se lẫn Giô-suê đều đúng khi một người cho rằng phía đông của sông Giô-đanh là “bên này” sông trong khi một người thì lại cho là “bên kia”?

15 Đôi khi những người viết Kinh-thánh viết về cùng một biến cố theo những quan điểm khác nhau, hay là họ trình bày sự tường thuật của họ theo cách khác. Khi suy xét những sự khác nhau này, những điều dường như là mâu thuẫn rất dễ giải quyết. Một thí dụ về điều này là trong Dân-số Ký 35:14 (NW), ở đây Môi-se nói về vùng đất phía đông của sông Giô-đanh là “phía bên này sông Giô-đanh”. Tuy nhiên, Giô-suê gọi vùng đất phía đông của sông Giô-đanh là “bên kia sông Giô-đanh” (Giô-suê 22:4). Lời nào là đúng?

16 Thật ra, cả hai đều đúng. Theo lời tường thuật trong Dân-số Ký, dân Y-sơ-ra-ên chưa đi ngang qua sông Giô-đanh để vào Đất Hứa, vì vậy đối với họ phía đông của sông Giô-đanh là “bên này”. Nhưng Giô-suê đã qua sông Giô-đanh rồi. Lúc bấy giờ, ông thực sự ở phía tây của sông, trong xứ Ca-na-an. Vậy phía đông của sông Giô-đanh đối với ông là “bên kia”.

17. a) Một số người cho là có sự bất đồng nào trong hai chương đầu của sách Sáng-thế Ký? b) Sự có vẻ khác nhau là vì lý do căn bản nào?

17 Ngoài ra, lối cấu kết của lời tường thuật có vẻ như là mâu thuẫn. Trong Sáng-thế Ký 1:24-26, Kinh-thánh nói loài vật được tạo ra trước loài người. Nhưng trong Sáng-thế Ký 2:7, 19, 20, dường như nói là loài người được tạo ra trước loài vật. Tại sao có sự khác nhau đó? Bởi vì hai lời tường thuật về công việc sáng tạo đến từ hai quan điểm khác nhau. Lời thứ nhất miêu tả sự sáng tạo của trời, đất và mọi vật trong đó (Sáng-thế Ký 1:1–2:4). Lời thứ hai tập trung vào sự sáng tạo nhân loại và việc họ sa ngã vào tội lỗi (Sáng-thế Ký 2:5–4:26).

18. Chúng ta có thể giải thích thế nào về sự có vẻ khác nhau giữa hai lời tường thuật về sự sáng tạo trong những chương đầu của sách Sáng-thế Ký?

18 Lời tường thuật thứ nhất dựa trên thứ tự thời gian, được chia làm sáu “ngày” liên tiếp. Lời tường thuật thứ hai được viết theo thứ tự quan trọng của đề tài. Sau lời mở đầu ngắn, đoạn này đi thẳng vào sự sáng tạo của A-đam vì ông và gia đình ông là đề tài của những gì xảy ra sau đó (Sáng-thế Ký 2:7). Rồi các điều khác được nói đến nếu cần. Chúng ta biết là sau khi được tạo ra, A-đam sống trong vườn Ê-đen. Vậy việc trồng trọt vườn Ê-đen lúc đó mới được nói tới (Sáng-thế Ký 2:8, 9, 15). Đức Giê-hô-va bảo A-đam đặt tên cho “các loài súc-vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng”. Vậy, bấy giờ là lúc nói đến “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên” tất cả những tạo vật này, mặc dù chúng được sáng tạo từ lâu trước khi A-đam có mặt trên đất (Sáng-thế Ký 2:19; 1:20, 24, 26).

Đọc kỹ lời tường thuật

19. Dường như có sự lộn xộn nào trong lời tường thuật của Kinh-thánh về sự chinh phục Giê-ru-sa-lem?

19 Đôi khi chỉ cần đọc kỹ lời tường thuật và lý luận về những lời trong phần đó là giải đáp được mọi sự có vẻ như là mâu thuẫn. Đây là trường hợp khi chúng ta xem xét sự chinh phục Giê-ru-sa-lem của người Y-sơ-ra-ên. Giê-ru-sa-lem được liệt kê là phần sản nghiệp của chi phái Bên-gia-min. Nhưng chúng ta đọc biết chi phái Bên-gia-min không chinh phục nổi thành ấy (Giô-suê 18:28; Các Quan Xét 1:21). Chúng ta lại thấy Giu-đa cũng đi chinh phục Giê-ru-sa-lem coi như thành này là sản nghiệp của họ vậy, nhưng không thắng nổi. Cuối cùng, Giu-đa đánh bại Giê-ru-sa-lem, đốt cháy thành luôn (Giô-suê 15:63; Các Quan Xét 1:8). Tuy nhiên, vài trăm năm sau, Kinh-thánh cũng ghi là Đa-vít đã chinh phục được Giê-ru-sa-lem (II Sa-mu-ên 5:5-9).

20, 21. Bằng cách xem xét kỹ mọi chi tiết xác đáng, lịch sử của người Hê-bơ-rơ chiếm đóng thành Giê-ru-sa-lem có điểm nào nổi bật?

20 Mới nhìn sơ qua, tất cả mọi điều này có vẻ lộn xộn, nhưng trên thực tế không có gì là mâu thuẫn cả. Thật ra, ranh giới giữa sản nghiệp của Bên-gia-min và Giu-đa chạy dài theo thung lũng Hi-nôm, xuyên qua thành Giê-ru-sa-lem cổ xưa. Sau này, chỗ được gọi là thành Đa-vít thật sự nằm trong địa phận của Bên-gia-min, như Giô-suê 18:28 nói. Nhưng có lẽ thành Giê-ru-sa-lem của dân Giê-bu-sít chắn ngang qua thung lũng Hi-nôm và vì vậy lấn vào địa phận của Giu-đa, cho nên Giu-đa cũng đã tranh chiến chống lại dân Ca-na-an của thành ấy.

21 Chi phái Bên-gia-min không thể chinh phục được thành này. Có lần, Giu-đa đã chinh phục được Giê-ru-sa-lem và đốt cháy thành (Các Quan Xét 1:8, 9). Nhưng đoàn quân Giu-đa hẳn đã tiếp tục đi qua luôn và số dân còn lại ở đó chiếm đóng thành lần nữa. Sau đó họ hợp thành ổ chiến đấu mà cả Giu-đa và Bên-gia-min không thể dẹp được. Vì thế, người Giê-bu-sít tiếp tục ở Giê-ru-sa-lem cho tới khi Đa-vít chinh phục được thành hàng trăm năm sau.

22, 23. Ai đã vác cây khổ hình của Chúa Giê-su đi đến nơi hành quyết?

22 Chúng ta hãy xem xét thí dụ thứ nhì trong các sách Phúc Âm. Về việc Chúa Giê-su bị đem đi hành quyết, sách Giăng nói: “Đức Chúa Jêsus vác thập-tự giá mình, đi đến ngoài thành” (Giăng 19:17). Tuy nhiên, chúng ta đọc trong sách Lu-ca: “Khi chúng điệu Đức Chúa Jêsus đi, bắt một người xứ Sy-ren, tên là Si-môn, từ ngoài đồng về, buộc phải vác cây thập-tự theo sau Ngài” (Lu-ca 23:26). Chính Chúa Giê-su đã vác cây khổ hình, hay là Si-môn đã vác cho ngài?

23 Lúc đầu, Chúa Giê-su chắc đã vác cây khổ hình, như Giăng nói. Nhưng sau đó, như Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca làm chứng, Si-môn ở Sy-ren đã bị bắt vác giùm ngài cho đến hết đoạn đường đi đến nơi hành quyết.

Bằng chứng về sự khách quan

24. Tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi tìm thấy một số điểm có vẻ không đồng nhất trong Kinh-thánh nhưng chúng ta không nên kết luận gì?

24 Đành rằng khó giải thích được một số điểm dường như không đồng nhất trong Kinh-thánh, nhưng chúng ta không nên dứt khoát cho đó là những sự mâu thuẫn. Thường thì chỉ là trường hợp không có đủ dữ kiện. Kinh-thánh cung cấp đủ sự hiểu biết để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của chúng ta. Nhưng nếu Kinh-thánh cho chúng ta mọi chi tiết về mỗi biến cố được đề cập đến, thì đó sẽ là một cuốn sách khổng lồ, một thư viện khó sử dụng chứ không phải một cuốn sách gọn gàng, dễ cầm như chúng ta có ngày nay.

25. Giăng nói gì về việc ghi chép thánh chức của Chúa Giê-su và điều này giúp chúng ta thế nào để hiểu tại sao Kinh-thánh không cho biết mọi chi tiết của mỗi biến cố?

25 Nói về thánh chức của Chúa Giê-su, sứ đồ Giăng viết không đến nỗi quá đáng rằng: “Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jêsus đã làm; ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế-gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy” (Giăng 21:25). Ghi lại mọi chi tiết về lịch sử dài dòng của dân tộc Đức Chúa Trời từ thời các tổ phụ cho đến thời hội thánh tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất thì lại càng không có thể được!

26. Kinh-thánh chứa đựng đủ dữ kiện để chúng ta biết chắc sự thật thiết yếu nào?

26 Thật ra, Kinh-thánh là một phép lạ về sự rút gọn. Kinh-thánh chứa đựng đủ dữ kiện để giúp chúng ta nhận biết đây không phải chỉ là tác phẩm của loài người. Sự khác nhau chứa đựng trong Kinh-thánh chứng tỏ các người viết thật sự là những nhân chứng khách quan. Mặt khác, sự hòa hợp nổi bật của Kinh-thánh—chúng ta sẽ bàn nhiều hơn đến chi tiết này trong các chương sau—chứng tỏ Kinh-thánh chắc chắn phát xuất từ Đức Chúa Trời. Đó là lời của Đức Chúa Trời chứ không phải là lời của loài người.

[Câu hỏi]

[Câu nổi bật nơi trang 89]

Chính những điều dường như khác nhau trong Kinh-thánh chứng tỏ rằng các người viết thật sự là những nhân chứng khách quan

[Câu nổi bật nơi trang 91]

Xem xét văn cảnh thường giúp giải quyết những điều có vẻ mâu thuẫn

[Khung nơi trang 93]

“Sự khác nhau” không có nghĩa là mâu thuẫn

Nhà thần học Kenneth S. Kantzer có lần đã cho thấy thế nào mà hai lời tường trình cùng một biến cố có vẻ là mâu thuẫn nhưng cả hai đều đúng. Ông viết: “Cách đây khá lâu, mẹ của người bạn thân chúng tôi bị tai nạn chết. Chúng tôi biết được chuyện này đầu tiên là do một người bạn tín cẩn kể lại là bà mẹ của bạn chúng tôi đang đứng bên góc đường đợi xe buýt, rồi bà bị một chiếc xe buýt khác đi ngang qua đụng phải, bà bị thương nặng và vài phút sau thì chết”.

Chẳng bao lâu sau đó, ông nghe lời thuật lại rất khác biệt. Ông nói: “Người cháu trai của người đàn bà xấu số cho chúng tôi biết rằng bà ta bị tai nạn đụng xe, bà bị văng ra khỏi chiếc xe đang chở bà và chết liền tại chỗ. Đứa cháu này rất chắc chắn về những gì nó kể.

“Sau đó khá lâu... chúng tôi thăm dò để xem có sự phù hợp nào giữa hai lời kể trên. Chúng tôi biết được là bà đang đợi xe buýt thì bị xe buýt khác đụng phải và bị thương nặng. Một chiếc xe hơi đi ngang qua chở bà vào bệnh viện, nhưng trong lúc vội vã, chiếc xe chở bà bị xe khác đụng. Bà bị văng ra ngoài xe và chết liền tại chỗ”.

Đúng vậy, cả hai lời tường thuật đều có thể đúng dù có vẻ bất đồng với nhau. Đôi khi đây là trường hợp trong Kinh-thánh. Các nhân chứng khách quan có thể miêu tả cùng một biến cố với những chi tiết khác nhau. Tuy nhiên, thay vì là mâu thuẫn, những gì họ viết bổ túc cho nhau và nếu chúng ta xem xét hết mọi lời tường thuật, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra.