Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những phương pháp hữu hiệu không dùng máu

Những phương pháp hữu hiệu không dùng máu

Những phương pháp hữu hiệu không dùng máu

Bạn có lẽ nghĩ: ‘Truyền máu nguy hiểm, nhưng có phương pháp nào khác hữu hiệu không?’ Một câu hỏi chính đáng, hãy lưu ý chữ “hữu hiệu”.

Mọi người, luôn cả Nhân Chứng Giê-hô-va, muốn cách chữa trị y khoa tốt và hữu hiệu. Bác Sĩ Grant E. Steffen nêu lên hai điểm chính: “Sự chữa trị y khoa tốt là khả năng của các yếu tố chữa trị để đạt được những mục đích chính đáng về y khoa và không y khoa”. (The Journal of the American Medical Association, ngày 1-7-1988) ‘Mục đích không y khoa’ bao gồm việc không vi phạm đạo đức hoặc lương tâm luyện theo Kinh Thánh của bệnh nhân.—Công-vụ 15:28, 29.

Có cách điều trị nào chính đáng và hữu hiệu trong trường hợp nghiêm trọng mà không dùng máu không? Đáng mừng thay, câu trả lời là có.

Dầu phần nhiều bác sĩ phẫu thuật nói rằng họ chỉ dùng máu khi tối cần, nhưng sau dịch AIDS xảy ra, họ đã bớt dùng máu rất nhiều. Một bài xã luận trong tờ Mayo Clinic Proceedings (tháng 9-1988) nói rằng “một trong những lợi ích hiếm hoi của dịch AIDS” là nó “khiến bệnh nhân và bác sĩ nghĩ ra nhiều biện pháp để khỏi dùng máu”. Một nhân viên ngân hàng máu giải thích: “Điều đã đổi thay là cường độ của thông điệp, sự tiếp nhận của bác sĩ đối với thông điệp (vì nhận thức nhiều hơn về các nguy cơ), và nhu cầu phải xem xét những phương pháp khác”.—Transfusion Medicine Reviews, tháng 10-1989.

Hãy lưu ý, có phương pháp khác! Điều đó dễ hiểu khi chúng ta xem lại lý do tại sao truyền máu.

Huyết cầu tố trong hồng cầu mang oxy cần thiết cho sức khỏe tốt và sự sống. Vậy nếu một người mất nhiều máu, điều có vẻ hợp lý là chỉ cần thay thế nó. Bình thường bạn có khoảng 14 hoặc 15 gram huyết cầu tố trong mỗi 100cc máu. (Cách đo khác là đo thể tích hồng cầu đặc, bình thường là 45 phần trăm). “Quy tắc” được nhìn nhận là truyền máu cho người bệnh trước khi giải phẫu nếu huyết cầu tố dưới 10 (hoặc 30 phần trăm thể tích hồng cầu đặc). Tạp chí Thụy Sĩ Vox Sanguinis (tháng 3-1987) báo cáo rằng “65% [bác sĩ gây mê] đòi hỏi bệnh nhân phải có 10 g/dl huyết cầu tố trước khi giải phẫu không cấp thiết”.

Trong một buổi họp về truyền máu năm 1988, Giáo Sư Howard L. Zauder hỏi: “Chúng ta đã tìm ra ‘con số kỳ diệu’ như thế nào?” Ông nói rõ ràng: “Nguyên nhân đòi hỏi bệnh nhân phải có 10 gram huyết cầu tố trước khi nhận thuốc mê, nằm sau truyền thống, không ai hiểu nổi, và không được chứng minh bằng thực hành hay thí nghiệm gì cả”. Hãy tưởng tượng nhiều ngàn bệnh nhân nhận máu vì một đòi hỏi ‘không ai hiểu nổi, không được chứng minh’!

Một số người có lẽ tự hỏi: ‘Tại sao mực huyết cầu tố bình thường phải là 14 nếu mình có thể tồn tại ở mức thấp hơn nhiều?’ Là vì nhờ đó bạn có dự trữ khá lớn về khả năng mang oxy để bạn sẵn sàng tập thể dục hay làm việc nặng. Các nghiên cứu về bệnh nhân thiếu máu còn cho thấy rằng “khó để thấy khả năng làm việc giảm sút với nồng độ huyết cầu tố chỉ là 7 g/dl. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng chức năng chỉ giảm ít thôi”.—Contemporary Transfusion Practice, 1987.

Người lớn thích nghi với mực huyết cầu tố thấp, còn trẻ em thì sao? Bác Sĩ James A. Stockman III nói: “Trừ vài trường hợp, trẻ sanh thiếu tháng sẽ bị giảm huyết cầu tố trong khoảng thời gian từ một đến ba tháng đầu... Những chỉ định truyền máu trong ký nhi viện không được xác định rõ ràng. Thật ra, nhiều trẻ sơ sinh tỏ ra thích nghi với mực huyết cầu tố thấp mà không thể hiện khó khăn nào”.—Pediatric Clinics of North America, tháng 2-1986.

Thông tin như thế không có nghĩa là không cần làm gì hết khi một người mất nhiều máu vì tai nạn hoặc giải phẫu. Nếu máu mất mau và nhiều, thì áp huyết xuống, vậy người đó có thể bị sốc. Điều tối cần là cầm máu và hoàn lại thể tích cho cơ thể. Điều này sẽ ngừa sốc và giữ các hồng cầu còn lại và các thành phần khác lưu thông.

Hoàn lại thể tích có thể thực hiện mà không cần dùng máu hoặc huyết tương. * Nhiều chất lỏng không máu là những chất làm giãn thể tích hữu hiệu. Chất giản dị nhất là dung dịch muối, vừa rẻ vừa hợp với máu. Có những chất lỏng với thuộc tính đặc biệt, như dextran, Haemaccel, và dung dịch Ringer có chất sữa. Hetastarch (HES) là một chất làm giãn thể tích mới, và “nó có thể được dùng cách an toàn cho bệnh nhân bị phỏng nhưng từ chối chế phẩm máu”. (Journal of Burn Care & Rehabilitation, tháng 1/tháng 2-1989). Các dung dịch như thế có những lợi thế rõ ràng. “Dung dịch tinh thể [như dung dịch muối thông thường và dung dịch Ringer có chất sữa], Dextran và HES đều tương đối không độc và rẻ, dễ tìm, có thể chứa ở nhiệt độ thường, không cần thử tương hợp và không có nguy cơ lây bệnh qua máu”.—Blood Transfusion Therapy—A Physician’s Handbook, 1989.

Tuy nhiên, bạn có thể hỏi: ‘Làm sao thay thế bằng các dung dịch không máu được, khi tôi cần hồng cầu đem oxy đi khắp cơ thể?’ Như đã trình bày, bạn có nguồn mang oxy dự trữ! Nếu bạn mất máu, các cơ chế bù chỉnh kỳ diệu bắt đầu hoạt động. Với mỗi nhịp đập, tim bạn bơm nhiều máu hơn. Vì máu mất được thay thế bằng một dung dịch tương xứng, máu bây giờ loãng hơn lưu thông dễ dàng, ngay cả trong các mạch máu nhỏ. Nhờ các biến đổi hóa học, nhiều oxy hơn được nhả ra cho mô. Những thích nghi rất hữu hiệu này có thể cung cấp 75 phần trăm số lượng oxy thông thường dầu bạn chỉ còn lại có phân nửa số hồng cầu. Một bệnh nhân nghỉ ngơi chỉ dùng có 25 phần trăm oxy trong máu. Và phần nhiều thuốc mê làm giảm nhu cầu oxy của cơ thể.

BÁC SĨ CÓ THỂ GIÚP THẾ NÀO?

Bác sĩ giỏi có thể giúp người mất máu và vì mất máu có ít hồng cầu. Khi thể tích được phục hồi, bác sĩ có thể cho oxy đặc hơn. Điều này khiến cơ thể có nhiều oxy hơn và thường có kết quả tốt. Các bác sĩ Anh dùng biện pháp này với một phụ nữ mất quá nhiều máu đến độ “huyết cầu tố xuống chỉ còn 1.8 g/dl. Bà được chữa thành công... [với] oxy rất đặc và nhiều thể tích dung dịch gelatin [Haemaccel]”. (Anaesthesia, tháng 1-1987) Bản báo cáo cũng nói rằng người khác bị mất máu cấp tính đã được chữa lành trong buồng oxy cao áp.

Bác sĩ cũng có thể giúp bệnh nhân tạo thêm hồng cầu. Bằng cách nào? Bằng cách tiêm (vào cơ hoặc mạch) thuốc có chất sắt, thuốc đó giúp cơ thể sản xuất hồng cầu mau hơn bình thường gấp từ ba đến bốn lần. Gần đây có thêm một giúp đỡ khác. Thận của bạn tiết ra một hormone gọi là erythropoietin (EPO), chất này kích thích tủy xương tạo hồng cầu. Hiện nay có thuốc EPO nhân tạo (tái tổ hợp). Bác sĩ có thể cho một số bệnh nhân thiếu máu thuốc này, giúp họ tạo hồng cầu mới rất nhanh.

Ngay cả trong lúc mổ, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê điêu luyện, tận tâm có thể giúp bằng cách dùng các phương pháp bảo tồn máu tân tiến. Kỹ thuật mổ thận trọng, như đốt điện để giảm thiểu chảy máu, không thể nào được nhấn mạnh đủ. Đôi khi máu chảy vô vết thương có thể được hút, lọc và cho chảy trở lại hệ tuần hoàn. *

Bệnh nhân dùng máy tim-phổi nhân tạo phết bằng một dung dịch không máu, có thể nhờ máu loãng ra mà mất ít hồng cầu.

Có những cách giúp đỡ khác. Hạ thân nhiệt bệnh nhân trong lúc mổ để giảm nhu cầu oxy của họ. Gây mê giảm huyết áp. Liệu pháp cải thiện sự đông máu. Thuốc Desmopressin (DDAVP) rút ngắn thời gian chảy máu. “Dao mổ” laser. Bạn sẽ thấy danh sách này ngày càng dài khi bác sĩ và bệnh nhân thận trọng tìm cách tránh dùng máu. Chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ không bao giờ mất nhiều máu. Nhưng nếu trường hợp đó xảy ra, bác sĩ giỏi có thể tìm cách điều trị cho bạn được mà không cần dùng máu, vì có quá nhiều nguy hiểm.

GIẢI PHẪU, VÂNG—NHƯNG KHÔNG DÙNG MÁU

Nhiều người ngày nay không nhận máu. Vì lý do sức khỏe, họ yêu cầu điều mà Nhân Chứng Giê-hô-va tìm kiếm chủ yếu vì lý do tôn giáo: sự chữa trị y khoa tốt dùng những phương pháp không truyền máu. Như chúng ta đã thấy, giải phẫu nghiêm trọng vẫn có thể thực hiện được. Nếu bạn còn chút gì nghi ngờ, một số bằng chứng trong các ấn phẩm y khoa sẽ xua tan nó.

Bài “Phẫu thuật nghiêm trọng gồm bốn phần để thay khớp nơi thành viên của Nhân Chứng Giê-hô-va” (Orthopaedic Review, tháng 8-1986) thuật lại một bệnh nhân thiếu máu bị “hủy hoại trầm trọng nơi hai đầu gối và hông”. Người ta dùng sắt dextran trước và sau khi mổ, và họ đã thành công. Tạp chí British Journal of Anaesthesia (1982) kể lại một Nhân Chứng Giê-hô-va 52 tuổi với mực huyết cầu tố dưới 10. Người ta gây mê giảm huyết áp để giảm thiểu sự mất máu và thay nguyên cả vai và hông cho bà ấy. Một nhóm bác sĩ phẫu thuật tại Đại Học Arkansas (Hoa Kỳ) cũng dùng phương pháp này để thay hông cho một trăm Nhân Chứng Giê-hô-va và tất cả đều bình phục. Giáo sư dẫn đầu phân khoa bình luận: “Những gì chúng tôi học được từ các bệnh nhân (Nhân Chứng) này, giờ đây chúng tôi áp dụng cho tất cả bệnh nhân chúng tôi khi thay toàn bộ xương hông”.

Lương tâm của một số Nhân Chứng Giê-hô-va cho phép họ nhận ghép cơ quan nếu không dùng máu. Một bản tường trình về 13 vụ ghép thận kết luận: “Kết quả tổng quát cho thấy người ta có thể ghép thận an toàn và hữu hiệu cho hầu hết các Nhân Chứng Giê-hô-va”. (Transplantation, tháng 6-1988) Cũng vậy, từ chối tiếp máu không cản trở việc ghép tim thành công.

Bạn có lẽ tự hỏi: ‘Những phẫu thuật khác không dùng máu thì sao?’ Tờ Medical Hotline (tháng 4/tháng 5-1983) kể lại phẫu thuật thực hiện nơi “Nhân Chứng Giê-hô-va là những người chịu những ca mổ lớn về phụ khoa và sản khoa [tại Đại Học Wayne State, Hoa Kỳ] mà không dùng máu”. Bản tin này báo cáo: “Tử vong và biến chứng không xảy ra nhiều hơn so với phụ nữ mổ cùng bệnh và nhận máu.” Rồi tờ báo bình luận: “Kết quả cuộc nghiên cứu này có lẽ cho thấy cần có một cái nhìn mới về việc dùng máu nơi các phụ nữ chịu những ca mổ về phụ khoa và sản khoa”.

Tại bệnh viện Đại Học Göttingen (Đức), 30 bệnh nhân từ chối máu đã được giải phẫu. “Họ không có biến chứng nào hơn so với bệnh nhân nhận máu... Không nên quan trọng hóa điều kiện không thể quay sang dùng máu, và vì thế không nên để cho điều này cản trở cuộc giải phẫu cần thiết và đúng lý”.—Risiko in der Chirurgie, 1987.

Ngay cả phẫu thuật não không dùng máu đã được thực hiện cho nhiều người lớn và trẻ con, ví dụ, tại Trung Tâm Y Khoa Đại Học New York. Trong năm 1989, Bác Sĩ Joseph Ransohoff, chủ nhiệm khoa phẫu thuật thần kinh, viết: “Rất rõ ràng là trong đa số trường hợp, có thể tránh không dùng chế phẩm máu cho những bệnh nhân tin vào giáo lý cấm dùng các chế phẩm này mà có rất ít nguy hiểm, nhất là nếu cuộc giải phẫu có thể được tiến hành mau lẹ với thời gian giải phẫu tương đối ngắn. Điều rất đáng chú ý là tôi hay quên rằng bệnh nhân là một Nhân Chứng cho tới lúc xuất viện khi họ cám ơn tôi là đã tôn trọng đức tin của họ”.

Cuối cùng, phẫu thuật phức tạp về tim và mạch không dùng máu có thể thực hiện được nơi người lớn và trẻ em không? Bác Sĩ Denton A. Cooley là người đi đầu trong lĩnh vực đó. Như bạn có thể thấy trong bài y khoa in lại trong phần Phụ Lục, trang 27-29, dựa vào một phân tích trước, Bác Sĩ Denton A. Cooley kết luận rằng “nguy hiểm giải phẫu các bệnh nhân của nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va không cao hơn bao nhiêu so với những nhóm khác”. Bây giờ, sau khi thực hiện 1.106 cuộc giải phẫu như vậy, ông viết: “Trong mọi trường hợp, tôi đều giữ cam kết với bệnh nhân”, nghĩa là không dùng máu.

Các bác sĩ phẫu thuật nhận xét thái độ tốt của Nhân Chứng Giê-hô-va là một yếu tố khác. “Thái độ của những bệnh nhân này đáng khen ngợi”, Bác Sĩ Cooley viết vào tháng 10-1989. “Họ không sợ các biến chứng hoặc ngay cả chết như đa số các bệnh nhân khác. Họ có một niềm tin sâu đậm và vững chắc nơi tín ngưỡng và nơi Đức Chúa Trời của họ”.

Điều này không có nghĩa là họ đòi quyền được chết. Họ tích cực tìm kiếm sự chữa trị tốt vì họ muốn lành bệnh. Họ tin chắc rằng vâng giữ luật về máu của Đức Chúa Trời là khôn ngoan; quan điểm này có ảnh hưởng tích cực đối với phẫu thuật không dùng máu.

Giáo Sư kiêm Bác Sĩ V. Schlosser, thuộc bệnh viện giải phẫu tại Đại Học Freiburg (Đức), ghi nhận: “Trong nhóm bệnh nhân này, tỷ lệ chảy máu trong giai đoạn giải phẫu không cao hơn, biến chứng có lẽ còn ít hơn. Cái nhìn đặc biệt về bệnh trạng, đặc điểm của Nhân Chứng Giê-hô-va, có ảnh hưởng tích cực đối với quá trình giải phẫu”.—Herz Kreislauf, tháng 8-1987.

[Chú thích]

^ đ. 12 Nhân Chứng Giê-hô-va không nhận truyền máu nguyên, hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, hoặc huyết tương. Còn các phần nhỏ, như globulin miễn dịch, xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-6-1990, trang 30, 31.

^ đ. 17 Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-3-1989, trang 30, 31, đề cập những nguyên tắc Kinh Thánh có liên quan đến những phương pháp bảo tồn máu và thiết bị chuyển vận máu (ngoài thân thể).

[Khung nơi trang 13]

Chúng ta phải kết luận rằng hiện nay có nhiều bệnh nhân nhận các thành phần máu nhưng đã chẳng có cơ hội nhận được lợi ích gì qua việc truyền máu (vì máu không cần thiết) mà lại còn bị nguy cơ đáng kể về hiệu quả không tốt. Không có bác sĩ nào cố tình đặt bệnh nhân vào một liệu pháp không giúp ích được mà còn có thể hại, nhưng đó chính là điều xảy ra khi máu được dùng khi không cần thiết”.—“Transfusion-Transmitted Viral Diseases”, 1987.

[Khung nơi trang 14]

Nhiều tác giả nói rằng có thể chấp nhận mực huyết cầu tố từ 2 tới 2.5 g/100ml... Một người khỏe mạnh có thể mất 50 phần trăm khối lượng hồng cầu mà hầu như không bị triệu chứng nào nếu máu mất trong một khoảng thời gian”.—“Techniques of Blood Transfusion”, 1982.

[Khung nơi trang 15]

Những khái niệm cũ về chuyên chở oxy đến mô, vết thương lành, và ‘giá trị dinh dưỡng’ của máu đang bị bỏ. Kinh nghiệm với bệnh nhân Nhân Chứng Giê-hô-va cho thấy là thiếu máu nhiều vẫn có thể chịu được”.—“The Annals of Thoracic Surgery”, tháng 3-1989.

[Khung nơi trang 16]

Cả trẻ em nữa sao? “Bốn mươi tám cuộc giải phẫu nhi đồng về tim đã thực hiện không dùng máu bất chấp phẫu thuật phức tạp”. Các trẻ em này chỉ cân 10.3 pound (4.7 kg). Nhờ thành công thường xuyên với Nhân Chứng Giê-hô-va và sự kiện truyền máu mang nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, hiện nay chúng tôi thực hiện đa số các cuộc giải phẫu tim cho nhi đồng mà không dùng máu”.—“Circulation”, tháng 9-1984.

[Hình nơi trang 15]

Máy tim-phổi nhân tạo đã giúp rất nhiều cho bệnh nhân mổ tim mà không muốn tiếp máu