Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Không thể nào!”

“Không thể nào!”

Một người cha sống ở New York, Hoa Kỳ, kể lại: “Con trai tôi là Jonathan đi thăm bạn cách nhà vài cây số. Vợ tôi, Valentina, thì không muốn cho cháu đi vì cô ấy luôn lo lắng về vấn đề giao thông. Nhưng Jonathan thích đến nơi sửa chữa điện tử của nhóm bạn để thực tập vì đam mê ngành điện tử. Lúc ấy, vợ tôi đang thăm gia đình ở Puerto Rico, còn tôi thì ở nhà tại phía tây Manhattan, New York. Tôi đang nghĩ: ‘Jonathan sắp về’, thì có tiếng chuông cửa. ‘Chắc là nó’. Nhưng không phải, mà là cảnh sát và nhân viên cứu thương. Viên cảnh sát hỏi tôi: ‘Ông có nhận ra bằng lái này không?’. Tôi trả lời: ‘Có, nó là của con trai tôi’. Viên cảnh sát nói: ‘Chúng tôi rất tiếc phải báo cho ông một tin buồn. Một tai nạn xảy ra, và con trai ông... con trai ông đã qua đời’. Phản ứng đầu tiên của tôi là: ‘Không thể nào!’. Tin sét đánh ấy đã gây nên vết thương lòng mà sau nhiều năm vẫn chưa lành”.

‘Chúng tôi rất tiếc phải báo cho ông một tin buồn. Một tai nạn xảy ra, và con trai ông... con trai ông đã qua đời’.

Một người cha ở Barcelona, Tây Ban Nha, viết: “Vào những năm 1960, gia đình chúng tôi sống hạnh phúc ở Tây Ban Nha. Vợ chồng tôi có ba con: David (13 tuổi), Paquito (11 tuổi) và Isabel (9 tuổi).

Vào một ngày tháng 3 năm 1963, Paquito đi học về và kêu đau đầu dữ dội. Chúng tôi rối trí vì không biết cháu bị làm sao. Chỉ ba tiếng sau, cháu qua đời. Chứng xuất huyết não đã cướp đi sinh mạng của cháu.

Cháu đã mất hơn 30 năm rồi, nhưng nỗi đau tột cùng trong lòng chúng tôi vẫn chưa lắng xuống. Cha mẹ nào mất con cũng cảm thấy mất đi một phần của chính mình, bất kể là đã bao lâu hay họ có bao nhiêu người con khác”.

Hai trường hợp trên cho thấy việc mất con gây ra nỗi đau xé lòng, khó nguôi ngoai. Một bác sĩ nhận xét thật đúng: “Sự ra đi của một đứa trẻ thường gây nên nỗi thương tâm và đau buồn nhiều hơn là cái chết của người lớn, vì không ai ngờ một đứa trẻ lại ra đi trước... Một đứa trẻ qua đời có nghĩa là những hoài bão trong tương lai cũng mất đi, sẽ không có những mối quan hệ [dâu, rể, cháu, chắt] và trải nghiệm... mà đáng ra phải được hưởng”. Mất con do sẩy thai cũng gây ra nỗi đau xé lòng không kém.

Một góa phụ cho biết: “Anh Russell, chồng tôi, từng là lính cứu thương trên mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến II. Anh đã chứng kiến và sống sót qua một số trận chiến khốc liệt. Rồi anh trở về Hoa Kỳ sống cuộc đời yên bình hơn. Sau này, anh trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi ngoài 60 tuổi, anh bắt đầu có những triệu chứng của bệnh tim. Mặc dù đã cố gắng vận động, nhưng vào một ngày tháng 7 năm 1988, anh bị một cơn đau tim nặng và qua đời. Sự ra đi của anh là nỗi mất mát to lớn. Tôi chưa kịp nói lời từ biệt với anh. Anh là người đầu ấp tay gối với tôi trong suốt 40 năm nên tôi không chỉ mất đi người chồng mà còn mất đi người bạn thân nhất. Giờ đây chỉ còn tôi lẻ loi đơn chiếc”.

Hàng ngàn bi kịch như thế ập đến các gia đình trên thế giới mỗi ngày. Hầu hết những người mất người thân đều nhận thấy cái chết đúng là “kẻ thù” như lời Kinh Thánh nói, vì nó cướp đi sinh mạng của con cái, vợ chồng, cha mẹ và bạn bè. Khi biết tin người thân qua đời, phản ứng đầu tiên của một người là phủ nhận sự thật: “Không thể nào! Không thể có chuyện đó”. Người ấy cũng sẽ trải qua nhiều cảm xúc khác, như những bài sau sẽ cho biết.—1 Cô-rinh-tô 15:25, 26.

Trước khi nói về những cảm xúc của người đau buồn, chúng ta hãy xem xét các câu hỏi quan trọng sau: Cái chết có chấm dứt tất cả không? Chúng ta có hy vọng gặp lại người thân đã khuất không?

Có hy vọng thật

Trong Kinh Thánh, một người tên Phao-lô đã ghi lại niềm hy vọng được giải thoát khỏi “kẻ thù” là sự chết. Ông viết: “Sự chết sẽ bị hủy diệt” (1 Cô-rinh-tô 15:26). Tại sao ông tin chắc như vậy? Vì đấng cho ông biết điều đó là Chúa Giê-su Ki-tô, đấng từng chết đi và được sống lại (Công vụ 9:3-19). Do đó, ông có thể viết: “Bởi một người [tổ tiên của nhân loại là A-đam] mà có sự chết thì cũng bởi một người [Đấng Ki-tô] mà có sự sống lại. Như trong A-đam mọi người đều chết thì trong Đấng Ki-tô mọi người đều sẽ được sống”.—1 Cô-rinh-tô 15:21, 22.

Chúa Giê-su đã vô cùng đau buồn khi thấy cảnh một góa phụ ở thành Na-in đưa thi thể của con trai đi chôn cất. Kinh Thánh tường thuật: “Khi ngài gần đến cửa thành thì kìa, người ta khiêng ra một người chết, là con trai duy nhất của một góa phụ. Có nhiều người trong thành cùng đi với bà. Vừa nhìn thấy bà, Chúa Giê-su động lòng thương cảm và nói: ‘Bà đừng khóc nữa’. Ngài đến gần sờ vào cáng và những người khiêng dừng lại, rồi ngài phán: ‘Này chàng trai, tôi bảo anh, hãy dậy đi!’. Người chết ngồi dậy và bắt đầu nói, Chúa Giê-su giao anh ta lại cho mẹ. Ai nấy đều sợ hãi và tôn vinh Đức Chúa Trời. Họ nói: ‘Một đấng tiên tri vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta’ và ‘Đức Chúa Trời đã đoái đến dân ngài’”. Chúa Giê-su động lòng thương cảm đến độ đã làm con trai của góa phụ ấy sống lại! Điều đó bảo đảm gì cho tương lai?—Lu-ca 7:12-16.

Trước khi sự kiện ấy xảy ra, Chúa Giê-su đã tiên tri là sự sống lại sẽ diễn ra trên toàn cầu khi ngài cai trị trái đất. Ngài nói: “Đừng kinh ngạc về điều đó, vì giờ sẽ đến, khi mọi người trong mồ tưởng niệm nghe tiếng ngài và ra khỏi”. Thế nên, khi Chúa Giê-su thực hiện phép lạ không thể quên là làm người chết sống lại trước mắt nhiều người, điều này bảo đảm rằng sẽ có sự sống lại.—Giăng 5:28, 29; 2 Phi-e-rơ 3:13; Khải huyền 21:1, 3, 4.

Trong số những người chứng kiến cảnh người chết được sống lại có ông Phi-e-rơ và vài môn đồ thân cận khác của Chúa Giê-su. Chính họ đã thấy ngài hiện ra bên bờ biển Ga-li-lê sau khi ngài sống lại. Lời tường thuật cho biết: “Chúa Giê-su nói với họ: ‘Hãy đến ăn sáng đi’. Không môn đồ nào dám hỏi ngài: ‘Ông là ai?’, vì họ biết đó là Chúa. Chúa Giê-su đến lấy bánh đưa cho họ và cũng đưa cá nữa. Đây là lần thứ ba Chúa Giê-su hiện ra với các môn đồ sau khi ngài được sống lại”.—Giăng 21:12-14.

Thế nên, ông Phi-e-rơ viết với niềm tin chắc: “Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta, vì theo lòng thương xót lớn lao của ngài,... chúng ta được... nhận niềm hy vọng hằng sống qua sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô”.—1 Phi-e-rơ 1:3.

Ông Phao-lô cũng nói lên niềm hy vọng vững chắc của mình: “Tôi có hy vọng nơi Đức Chúa Trời, là điều những người này cũng trông mong, đó là sẽ có sự sống lại của người công chính và không công chính”.—Công vụ 24:14, 15.

Vì vậy, hàng triệu người có niềm hy vọng chắc chắn rằng người thân đã khuất của họ sẽ được sống lại trên đất, trong điều kiện tốt hơn nhiều. Như thế nào? Chúng ta sẽ nói cụ thể hơn về niềm hy vọng dựa trên Kinh Thánh dành cho người đã khuất trong bài cuối với tựa đề “Hy vọng chắc chắn cho người đã khuất”.

Nhưng trước tiên, hãy tìm lời giải đáp cho những câu hỏi mà có lẽ bạn thắc mắc trong lúc đau buồn vì mất người thân yêu: “Đau buồn thế này có bình thường không? Làm sao sống được với nỗi đau? Người khác có thể làm gì để giúp đỡ tôi? Tôi có thể làm gì để giúp người đồng cảnh ngộ?”. Trên hết là: “Kinh Thánh nói gì về niềm hy vọng chắc chắn cho người đã khuất? Tôi sẽ gặp lại người thân yêu không? Nếu có thì gặp ở đâu?”.