Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hy vọng chắc chắn cho người đã khuất

Hy vọng chắc chắn cho người đã khuất

Một phụ nữ 25 tuổi viết: “Khi mẹ nuôi qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1981, tôi và em trai nuôi vô cùng đau buồn. Lúc ấy tôi 17 tuổi và em trai 11 tuổi. Tôi thương nhớ mẹ rất nhiều. Vì được dạy rằng mẹ đang ở trên trời nên tôi muốn kết liễu đời mình để lên trời với mẹ. Mẹ là bạn thân nhất của tôi”.

Cuộc sống có vẻ bất công khi cái chết có quyền cướp đi người thân yêu của chúng ta. Khi điều đó xảy ra, khó mà chịu nổi ý nghĩ là sẽ không bao giờ được nói chuyện, cười đùa hoặc ôm người thân nữa. Niềm tin người chết được lên thiên đàng hay cõi nào đó không phải lúc nào cũng giúp vơi bớt nỗi đau.

Kinh Thánh cho biết về một hy vọng rất khác. Như đã được đề cập, Kinh Thánh nói rằng không lâu nữa, chúng ta sẽ gặp lại người đã khuất ngay trên đất này, chứ không phải ở một nơi nào đó trên trời. Thế giới vào lúc đó sẽ thanh bình và công bằng, còn con người thì có sức khỏe hoàn hảo và không bao giờ phải chết. Có thể một số người nói: “Điều này nghe có vẻ viển vông”.

Điều gì có thể giúp bạn tin đây là một hy vọng chắc chắn? Để tin một lời hứa, bạn cần biết chắc người đưa ra lời hứa có ước muốn và khả năng thực hiện không. Vậy ai đã hứa là người chết sẽ được sống lại?

Vào mùa xuân năm 31 công nguyên, Chúa Giê-su hứa: “Như Cha làm người chết sống lại và ban sự sống cho họ, Con [tức Chúa Giê-su] cũng ban sự sống cho người nào Con muốn. Đừng kinh ngạc về điều đó, vì giờ sẽ đến, khi mọi người trong mồ tưởng niệm nghe tiếng ngài và ra khỏi” (Giăng 5:21, 28, 29). Thật vậy, chính Chúa Giê-su hứa rằng hàng triệu người đã chết sẽ được sống lại trên đất và có triển vọng sống mãi trong một địa đàng thanh bình (Lu-ca 23:43; Giăng 3:16; 17:3; so sánh Thi thiên 37:29Ma-thi-ơ 5:5). Vì Chúa Giê-su đã hứa như thế nên chắc chắn ngài muốn thực hiện lời hứa đó. Nhưng ngài có khả năng thực hiện không?

Chưa đầy hai năm sau khi đưa ra lời hứa đó, Chúa Giê-su cho thấy ngài không những có ước muốn mà còn có khả năng làm người chết sống lại bằng phép lạ.

“La-xa-rơ, hãy đi ra!”

Câu chuyện về La-xa-rơ rất cảm động. La-xa-rơ lâm bệnh nặng nên hai người chị là Ma-thê và Ma-ri nhờ người báo tin cho Chúa Giê-su: “Thưa Chúa! Người mà Chúa yêu mến đang bị bệnh” (Giăng 11:3). Họ biết Chúa Giê-su yêu mến em trai của họ. Hẳn ngài rất muốn đến Bê-tha-ni thăm người bạn đang đau bệnh. Lúc này, Chúa Giê-su đang ở bên kia sông Giô-đanh, nhưng thật lạ là ngài nán lại thêm hai ngày nữa rồi mới lên đường.—Giăng 11:5, 6.

Không lâu sau khi Chúa Giê-su hay tin đó thì La-xa-rơ qua đời. Ngài biết lúc La-xa-rơ chết và đã dự tính điều sẽ làm. Khi Chúa Giê-su đến nơi, người bạn thân yêu của ngài đã chết được bốn ngày (Giăng 11:17, 39). Liệu ngài có thể làm sống lại một người đã chết lâu như thế không?

Nghe tin Chúa Giê-su đến, Ma-thê, một phụ nữ nhanh nhẹn, đã chạy ra gặp ngài. (So sánh Lu-ca 10:38-42). Xúc động trước sự đau buồn của cô, Chúa Giê-su an ủi: “Em trai chị sẽ sống lại”. Khi cô bày tỏ đức tin nơi sự sống lại trong tương lai, Chúa Giê-su nói rõ với cô: “Tôi là sự sống lại và sự sống. Ai thể hiện đức tin nơi tôi, dù có chết cũng sẽ sống lại”.—Giăng 11:20-25.

Khi đến mộ, Chúa Giê-su bảo người ta lăn bỏ hòn đá đang chặn cửa mộ. Sau khi cầu nguyện lớn tiếng, ngài ra lệnh: “La-xa-rơ, hãy đi ra!”.—Giăng 11:38-43.

Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ngôi mộ. Rồi một người từ trong mộ đi ra, chân tay còn quấn băng vải và mặt thì quấn tấm khăn. Chúa Giê-su phán: “Hãy tháo cho người và để người đi”. Khi người ta tháo hết băng vải thì đúng là La-xa-rơ, người đã chết được bốn ngày!—Giăng 11:44.

Điều đó có thật sự xảy ra không?

Cách tường thuật về sự sống lại của La-xa-rơ trong sách Phúc âm Giăng cho thấy đây là sự kiện có thật. Vì lời tường thuật này có những tình tiết vô cùng sống động nên không thể là một ngụ ngôn. Nghi ngờ tính xác thực của phép lạ ấy là nghi ngờ tất cả các phép lạ trong Kinh Thánh, kể cả sự sống lại của chính Chúa Giê-su. Còn phủ nhận sự sống lại của Chúa Giê-su là phủ nhận toàn bộ niềm tin của đạo Đấng Ki-tô.—1 Cô-rinh-tô 15:13-15.

Thật ra, nếu tin có Đức Chúa Trời thì sẽ không khó để bạn tin nơi sự sống lại. Hãy xem minh họa này: Một người có thể để lại lời trăng trối hay bản di chúc qua video. Sau khi người ấy qua đời, người thân và bạn bè có thể thấy và nghe chính người ấy giải thích là họ nên làm gì với tài sản người ấy để lại. Một trăm năm trước, người ta không thể tưởng tượng nổi một chuyện như thế. Cho đến nay, một số người ở vùng xa xôi hẻo lánh vẫn không hiểu nhiều về kỹ thuật quay video, thậm chí xem nó là một phép lạ. Nếu loài người có thể áp dụng nguyên lý khoa học để quay và phát lại hình ảnh cũng như tiếng nói, chẳng lẽ Đấng Tạo Hóa không làm được nhiều hơn thế? Vậy tin rằng đấng tạo ra sự sống có thể tạo lại sự sống chẳng phải là hợp lý sao?

Phép lạ làm cho La-xa-rơ sống lại có mục đích giúp chúng ta củng cố đức tin nơi Chúa Giê-su và sự sống lại (Giăng 11:41, 42; 12:9-11, 17-19). Câu chuyện cảm động này cũng cho thấy Đức Giê-hô-va và Con ngài sẵn lòng và mong muốn làm người chết sống lại.

‘Đức Chúa Trời sẽ mong mỏi’

Phản ứng của Chúa Giê-su trước cái chết của La-xa-rơ cho thấy ngài là đấng giàu tình cảm. Những cảm xúc sâu xa của ngài trong trường hợp này chứng tỏ ngài rất muốn làm người chết sống lại. Kinh Thánh tường thuật: “Khi Ma-ri đến chỗ Chúa Giê-su, thấy ngài thì sấp mình dưới chân ngài và nói: ‘Thưa Chúa, nếu ngài có ở đây thì em tôi đã không chết’. Thấy Ma-ri khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Chúa Giê-su vô cùng đau xót trong lòng và buồn rầu. Ngài hỏi: ‘Anh em đặt người ở đâu?’. Họ thưa: ‘Xin Chúa hãy đến xem’. Chúa Giê-su khóc. Thấy vậy, những người Do Thái đó nói: ‘Xem kìa, ngài yêu mến anh ấy biết chừng nào!’”.—Giăng 11:32-36.

Trong lời tường thuật cảm động này, lòng trắc ẩn chân thành của Chúa Giê-su được thấy rõ qua ba cụm từ: “vô cùng đau xót”, “buồn rầu” và “khóc”. Trong nguyên ngữ, các cụm từ này cho biết rằng Chúa Giê-su quá xúc động trước cái chết của bạn thân và cảnh chị của La-xa-rơ khóc nên ngài đã rơi nước mắt. *

Điều đáng lưu ý là dù trước đó Chúa Giê-su đã làm cho hai người khác được sống lại và biết mình sắp làm thế cho La-xa-rơ, nhưng ngài vẫn khóc (Giăng 11:11, 23, 25). Rõ ràng, Chúa Giê-su không làm người chết sống lại một cách máy móc. Lòng trắc ẩn và cảm xúc sâu xa của ngài cho thấy ngài vô cùng mong muốn xóa bỏ những ảnh hưởng tai hại của cái chết.

Lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su khi làm La-xa-rơ sống lại cho thấy ngài vô cùng mong muốn xóa bỏ những ảnh hưởng tai hại của cái chết

Vì Chúa Giê-su ‘có bản tính hoàn toàn giống với Giê-hô-va Đức Chúa Trời’, nên chúng ta có lý do để tin rằng Cha trên trời cũng có ước muốn làm người chết sống lại (Hê-bơ-rơ 1:3). Một người tin kính là ông Gióp nói như sau về ước muốn tốt đẹp của Đức Chúa Trời: “Loài người chết, có thể sống lại chăng?... Ngài sẽ gọi, con sẽ thưa lại. Ngài sẽ mong mỏi nhìn thấy công việc của tay ngài” (Gióp 14:14, 15). Trong nguyên ngữ, câu được dịch là “ngài sẽ mong mỏi” nói lên niềm khát khao và trông đợi chân thành của Đức Chúa Trời (Sáng thế 31:30; Thi thiên 84:2). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va tha thiết trông mong làm người chết sống lại.

Vậy, chúng ta có thể tin chắc nơi lời hứa về sự sống lại không? Có, vì cả Đức Giê-hô-va và Con ngài đều có ước muốn lẫn khả năng thực hiện lời hứa đó. Điều này có nghĩa gì với bạn? Bạn có triển vọng gặp lại người thân ngay trên đất này, trong một thế giới khác hẳn ngày nay!

Ban đầu, Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạo ra loài người và đặt họ trong một khu vườn xinh đẹp. Ngài hứa sẽ khôi phục địa đàng ấy khi Chúa Giê-su cai trị trái đất (Sáng thế 2:7-9; Ma-thi-ơ 6:10; Lu-ca 23:42, 43). Gia đình nhân loại có triển vọng sống mãi mãi, không còn đau ốm và bệnh tật trong địa đàng được khôi phục (Khải huyền 21:1-4; so sánh Gióp 33:25; Ê-sai 35:5-7). Cũng không còn thù hằn, kỳ thị chủng tộc, xung đột sắc tộc và bóc lột kinh tế. Qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va sẽ làm người chết sống lại trên trái đất không còn những vấn đề như thế.

Sự sống lại do Chúa Giê-su thực hiện sẽ đem lại niềm vui cho muôn dân

Đây cũng là hy vọng của người phụ nữ được đề cập ở đầu bài. Sau khi mẹ chị mất được vài năm, Nhân Chứng Giê-hô-va đã giúp chị tìm hiểu kỹ về Kinh Thánh. Chị nhớ lại: “Tôi đã khóc sau khi học về hy vọng sống lại. Thật tuyệt diệu khi biết mình sẽ được gặp lại mẹ!”.

Hẳn bạn rất mong mỏi gặp lại người thân yêu. Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng giúp bạn tìm hiểu làm thế nào để niềm hy vọng trong Kinh Thánh trở thành niềm hy vọng của bạn. Hãy liên lạc với họ ở một Phòng Nước Trời gần nơi bạn sống hoặc gửi thư về một trong những địa chỉ thích hợp được liệt kê nơi trang 32.

^ đ. 20 Động từ Hy Lạp (em·bri·maʹo·mai) được dịch là “vô cùng đau xót” cũng có thể dịch là “kêu rên”. Một học giả Kinh Thánh nhận xét: “Ở đây, cụm từ này có nghĩa là Chúa Giê-su xúc động đến mức từ trong lòng thốt lên tiếng kêu rên”. Từ Hy Lạp (ta·rasʹso) được dịch là “buồn rầu” có nghĩa là xao động. Theo một nhà soạn từ điển, từ này có nghĩa là “gây xáo trộn trong lòng... làm cho vô cùng đau khổ hay đau buồn”. Động từ Hy Lạp (da·kryʹo) được dịch là “khóc” có nghĩa là “rơi lệ, khóc thầm”.