Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG NĂM

Dạy dỗ con cái từ thuở thơ ấu

Dạy dỗ con cái từ thuở thơ ấu

1, 2. Cha mẹ nên trông cậy vào ai hầu có sự giúp đỡ để nuôi nấng và dạy dỗ con cái?

CÁCH đây khoảng 3.000 năm, một người cha có lòng biết ơn đã thốt lên: “Con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra” (Thi-thiên 127:3). Thật vậy, niềm vui của việc được làm cha mẹ là phần thưởng quí báu mà Đức Chúa Trời ban cho hầu hết những người đã lập gia đình. Tuy nhiên, những người có con chẳng bao lâu sau nhận thấy rằng ngoài niềm vui, họ còn có trách nhiệm làm cha mẹ nữa.

2 Nhất là ngày nay, nuôi nấng dạy dỗ con cái là một công việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người đã thành công trong việc này, và người được soi dẫn viết thi thiên chỉ cách cho chúng ta. Ông nói: “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây-cất làm uổng công” (Thi-thiên 127:1). Bạn càng theo sát sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va bao nhiêu thì bạn càng làm bậc cha mẹ tốt bấy nhiêu. Kinh-thánh nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con” (Châm-ngôn 3:5). Trong khi dấn bước vào công trình nuôi con kéo dài 20 năm, bạn có sẵn lòng vâng theo lời khuyên của Đức Giê-hô-va không?

CHẤP NHẬN QUAN ĐIỂM CỦA KINH-THÁNH

3. Cha có trách nhiệm nào trong việc nuôi con?

3 Trong nhiều gia đình trên khắp thế giới, đàn ông xem việc dạy dỗ con cái chủ yếu là công việc của đàn bà. Đành rằng Lời Đức Chúa Trời chỉ rõ vai trò chính yếu của người cha là nuôi gia đình, nhưng Kinh-thánh cũng nói rằng người cha có trách nhiệm trong nhà. Kinh-thánh nói: “Hãy sửa-sang công-việc ở ngoài của con, và sắm-sẵn tại trong ruộng con: rồi sau hãy cất nhà của con” (Châm-ngôn 24:27). Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, cả cha lẫn mẹ hợp sức dạy dỗ con cái (Châm-ngôn 1:8, 9).

4. Tại sao chúng ta không nên coi trọng con trai hơn con gái?

4 Bạn xem con cái như thế nào? Các báo cáo nói rằng tại Á Châu “cha mẹ thường không vui khi sanh con gái”. Theo lời tường thuật thì tại châu Mỹ La-tinh, người ta vẫn còn thành kiến đối với con gái, ngay cả trong “các gia đình hiểu biết”. Tuy vậy, sự thật là con gái không phải là loại con hạng nhì. Một người cha được nhiều người thời xưa biết đến là Gia-cốp đã miêu tả hết thảy con cháu ông, kể cả các con gái mà ông có vào lúc đó, là “con-cái mà Đức Chúa Trời đã cho [tôi]” (Sáng-thế Ký 33:1-5; 37:35). Cũng vậy, Giê-su chúc phước tất cả “con trẻ” (trai lẫn gái) mà người ta đem đến cho ngài (Ma-thi-ơ 19:13-15). Chúng ta có thể chắc chắn rằng ngài phản ảnh quan điểm của Đức Giê-hô-va (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:14).

5. Vợ chồng nên xem xét những sự kiện nào để giúp mình quyết định có bao nhiêu con?

5 Cộng đồng nơi bạn ở có cho là đàn bà phải sinh con càng nhiều càng tốt không? Nhưng đúng ra vợ chồng muốn có bao nhiêu con là quyết định riêng của họ. Còn nếu cha mẹ thiếu phương tiện để nuôi nấng, mua quần áo và giáo dục nhiều đứa con thì sao? Chắc chắn vợ chồng nên xem xét vấn đề này khi quyết định mình muốn có bao nhiêu con. Vài cặp vợ chồng không thể nuôi hết con cái nên họ giao vài đứa cho họ hàng nuôi giùm. Sự thực hành này có tốt không? Thật ra thì không. Và điều đó không làm nhẹ bớt trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Kinh-thánh nói: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức-tin” (I Ti-mô-thê 5:8). Cặp vợ chồng biết trách nhiệm sẽ cố gắng dự tính trước số “người nhà” để họ có thể ‘săn-sóc đến người nhà của họ’. Để thực hiện điều đó, họ có thể dùng phương pháp ngừa thai không? Vấn đề này cũng là chuyện cá nhân, và nếu cặp vợ chồng quyết định làm thế, việc chọn phương cách ngừa thai cũng là vấn đề cá nhân. “Ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy” (Ga-la-ti 6:5). Tuy nhiên, cách ngừa thai mà có dính líu đến bất cứ hình thức phá thai nào là trái ngược với nguyên tắc Kinh-thánh. Giê-hô-va Đức Chúa Trời là “nguồn sự sống” (Thi-thiên 36:9). Vì vậy, hủy diệt một mạng sống sau khi đã thụ thai tức là tỏ ra rất bất kính đối với Đức Giê-hô-va và cũng chẳng khác gì tội giết người (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22, 23; Thi-thiên 139:16; Giê-rê-mi 1:5).

THỎA MÃN NHU CẦU CỦA CON BẠN

6. Khi nào cha mẹ nên bắt đầu dạy con?

6 Châm-ngôn 22:6 nói: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo”. Dạy con là một bổn phận quan trọng khác của cha mẹ. Vậy thì khi nào cha mẹ nên bắt đầu dạy con? Lúc nó còn rất nhỏ. Sứ đồ Phao-lô viết là Ti-mô-thê được dạy “từ khi... còn thơ-ấu” (II Ti-mô-thê 3:15). Chữ Hy Lạp dùng nơi đây có thể nói về một em bé hoặc ngay cả thai nhi (Lu-ca 1:41, 44; Công-vụ các Sứ-đồ 7:18-20). Thế thì Ti-mô-thê được dạy từ khi còn nhỏ lắm—và như vậy là rất đúng. Tuổi thơ ấu là thời kỳ lý tưởng để bắt đầu dạy con. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng khao khát có được sự hiểu biết.

7. a) Tại sao cả cha lẫn mẹ phát triển mối liên lạc mật thiết với con là điều quan trọng? b) Đức Giê-hô-va và Con một của ngài có mối liên lạc như thế nào?

7 Một người mẹ nói: “Khi tôi thấy con lần đầu tiên, tôi yêu nó ngay”. Hầu hết người mẹ nào cũng thế. Sự ràng buộc mẫu tử tuyệt vời đó càng tăng thêm khi mẹ con ở cận kề bên nhau sau ngày sinh nở. Việc cho con bú làm tăng tình thân thiết đó. (So sánh I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7). Mẹ vuốt ve và nói chuyện với em bé là điều quan trọng để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của bé. (So sánh Ê-sai 66:12). Nhưng về phần người cha thì sao? Ông cũng nên tạo một mối liên lạc gần gũi với đứa con mới sinh. Chính Đức Giê-hô-va nêu một gương tốt về điều này. Qua sách Châm-ngôn, chúng ta biết được mối liên lạc của Đức Giê-hô-va với Con một của ngài. Con ấy đã nói: “Trước khi chưa dựng nên muôn vật thì Ngài đã có ta... Hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài” (Châm-ngôn 8:22, 30; Giăng 1:14). Tương tự như thế, một người cha tốt vun trồng mối liên lạc nồng nàn, yêu thương với con ngay từ khi đứa bé mới ra đời. Một người cha nói: “Hãy tỏ tình yêu thương thật nhiều. Không đứa bé nào chết vì được yêu cả”.

8. Cha mẹ nên làm gì để kích thích trí tuệ của em bé càng sớm càng tốt?

8 Nhưng trẻ sơ sinh cần nhiều hơn thế nữa. Từ lúc mở mắt chào đời, bộ não của chúng sẵn sàng tiếp nhận và chứa các dữ kiện, và cha mẹ là nguồn đầu tiên cho chúng điều này. Lấy thí dụ về vấn đề ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc một đứa trẻ học nói và học đọc thông thạo như thế nào có “liên hệ rất nhiều đến việc tiếp xúc giữa đứa bé và cha mẹ ngay từ lúc đầu”. Hãy nói chuyện và đọc cho con bạn nghe từ lúc thơ ấu. Chẳng bao lâu nó sẽ muốn bắt chước bạn, và sau đó không lâu bạn sẽ dạy nó đọc. Chắc hẳn nó sẽ biết đọc trước khi đi học. Điều đó sẽ đặc biệt hữu ích nếu bạn sống trong xứ có ít thầy cô và lớp học quá đông.

9. Cha mẹ cần nhớ mục tiêu nào là tối quan trọng?

9 Mối quan tâm đầu tiên của cha mẹ tín đồ đấng Christ là thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của con. (Xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3). Với mục tiêu nào? Để giúp con họ phát triển nhân cách giống như của đấng Christ, tức là mặc lấy “nhân cách mới” (Ê-phê-sô 4:24, NW ). Để làm được điều này, họ cần xem xét các vật liệu xây cất và phương cách xây cất đúng.

KHẮC SÂU LẼ THẬT VÀO LÒNG CON BẠN

10. Con cái cần phát triển đức tính nào?

10 Phẩm chất của một căn nhà tùy thuộc phần lớn vào loại vật liệu dùng để xây cất. Sứ đồ Phao-lô nói rằng vật liệu tốt nhất để xây dựng nhân cách tín đồ đấng Christ là “vàng, bạc, bửu-thạch” (I Cô-rinh-tô 3:10-12). Các vật này tiêu biểu cho những đức tính như là đức tin, khôn ngoan, thông sáng, trung thành, kính trọng và yêu thương biết ơn Đức Giê-hô-va và luật pháp của ngài (Thi-thiên 19:7-11; Châm-ngôn 2:1-6; 3:13, 14). Làm sao cha mẹ có thể giúp con cái từ thuở thơ ấu phát triển những đức tính này? Bằng cách làm theo đường lối được vạch sẵn từ xưa.

11. Làm sao cha mẹ ở xứ Y-sơ-ra-ên giúp con cái phát triển cá tính giống Đức Chúa Trời?

11 Ít lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán với các bậc cha mẹ người Y-sơ-ra-ên: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Đúng vậy, cha mẹ cần phải làm gương, làm người bạn, làm người biết trò chuyện và làm người dạy.

12. Tại sao cha mẹ nêu gương tốt là điều rất quan trọng?

12 Làm gương.  Trước tiên, Đức Giê-hô-va nói: “Các lời mà ta truyền cho ngươi... sẽ ở tại trong lòng ngươi”. Rồi ngài nói thêm: “Khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi”. Thế thì các đức tính tin kính trước hết phải ở trong lòng cha mẹ. Cha mẹ phải yêu lẽ thật và sống theo đó. Có như vậy họ mới động tới lòng đứa con (Châm-ngôn 20:7). Tại sao? Vì con cái bị ảnh hưởng nhiều bởi những gì chúng thấy hơn là những gì chúng nghe (Lu-ca 6:40; I Cô-rinh-tô 11:1).

13. Trong việc chú ý đến con cái, cha mẹ theo đạo đấng Christ noi gương Giê-su Christ như thế nào?

13 Làm một người bạn.  Đức Giê-hô-va phán với cha mẹ trong xứ Y-sơ-ra-ên: ‘Phải nói với con cái, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường’. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải dành thì giờ cho con cái dù mình bận đến đâu đi nữa. Hẳn là Giê-su cảm thấy con trẻ đáng được ngài dành thì giờ cho. Vào những ngày cuối của thánh chức ngài, “người ta đem những con trẻ đến cùng Ngài, đặng Ngài rờ chúng nó”. Giê-su phản ứng thế nào? “Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho” (Mác 10:13, 16). Bạn hãy nghĩ xem, giờ phút cuối cùng của đời ngài đang qua nhanh, nhưng ngài vẫn dành thì giờ và sự chú ý cho những đứa trẻ. Quả là một bài học tốt lành thay!

14. Tại sao cha mẹ dành thì giờ cho con cái là có lợi ích?

14 Làm người biết trò chuyện. Dành thì giờ cho con sẽ giúp bạn trò chuyện với nó. Càng trò chuyện nhiều, bạn càng hiểu rõ cá tính nó phát triển thế nào. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trò chuyện không phải chỉ nói mà thôi. Một bà mẹ ở Ba Tây nói: “Tôi phải phát triển nghệ thuật lắng nghe, lắng nghe bằng con tim tôi”. Sự kiên nhẫn của bà đã đem lại kết quả khi con trai bà bày tỏ nỗi lòng với bà.

15. Về việc giải trí, ta cần nhớ điều gì?

15 Con cái cần “có kỳ cười... và có kỳ nhảy-múa”, có kỳ giải trí (Truyền-đạo 3:1, 4; Xa-cha-ri 8:5). Trò giải trí rất hữu ích khi cha mẹ và con cái cùng nhau thưởng thức. Điều đáng buồn là nhiều gia đình giải trí bằng cách xem truyền hình. Trong khi một số chương trình truyền hình có lẽ thú vị, nhiều chương trình khác phá đi những giá trị luân lý, và việc xem truyền hình có khuynh hướng bóp nghẹt sự trò chuyện trong gia đình. Do đó, bạn hãy có sáng kiến làm điều gì đó với con cái bạn. Ca hát, chơi trò chơi, kết hợp với bạn bè, đi thăm những nơi vui thú. Các hoạt động đó khuyến khích mọi người trò chuyện với nhau.

16. Cha mẹ nên dạy con điều gì về Đức Giê-hô-va, và họ nên dạy như thế nào?

16 Làm người dạy. Đức Giê-hô-va phán: “Khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi”. Nội dung câu này cho bạn biết phải dạy và dạy cách nào. Trước hết, “ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5). Rồi mới “khá ân-cần dạy-dỗ điều đó”. Dạy dỗ nhắm thẳng vào việc phát triển lòng yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và luật pháp ngài. (So sánh Hê-bơ-rơ 8:10). Chữ “khá ân-cần dạy-dỗ” có nghĩa là dạy bằng cách lặp đi lặp lại. Vậy, trên thực tế, Đức Giê-hô-va cho bạn biết cách chính để giúp con cái phát triển nhân cách theo ý Đức Chúa Trời là kiên trì nói về ngài. Điều này bao hàm việc học hỏi Kinh-thánh đều đặn với chúng.

17. Cha mẹ có thể cần phát triển tính gì trong lòng con họ? Tại sao?

17 Phần nhiều cha mẹ biết việc đưa sự hiểu biết vào lòng con mình không phải là dễ. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích tín đồ đấng Christ: “Hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy” (I Phi-e-rơ 2:2). Từ ngữ “ham-thích” gợi ý tưởng là nhiều người không tự nhiên cảm thấy ham muốn thức ăn thiêng liêng. Cha mẹ có lẽ cần tìm cách để phát triển sự ham thích đó trong lòng con họ.

18. Cha mẹ nên bắt chước một số phương cách dạy dỗ nào của Giê-su?

18 Giê-su dùng các chuyện minh họa để động đến lòng người ta (Mác 13:34; Lu-ca 10:29-37). Phương cách dạy dỗ này đặc biệt hữu hiệu với trẻ em. Dạy nguyên tắc Kinh-thánh bằng cách dùng các câu chuyện hay, lý thú, có thể là các chuyện trong Sách kể chuyện Kinh-thánh. * Hãy khuyến khích con cái tham gia. Cho chúng dùng khả năng sáng tạo để vẽ và diễn lại những chuyện trong Kinh-thánh. Giê-su cũng dùng các câu hỏi (Ma-thi-ơ 17:24-27). Hãy bắt chước phương cách của ngài trong khi bạn học hỏi với gia đình. Thay vì chỉ đơn giản nói về một luật pháp của Đức Chúa Trời, hãy hỏi các câu như: Tại sao Đức Giê-hô-va cho chúng ta luật pháp này? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta giữ theo? Còn không giữ theo thì sao? Những câu hỏi đó giúp con bạn lý luận và hiểu rằng luật Đức Chúa Trời là thực tiễn và tốt lành (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:13).

19. Nếu cha mẹ theo nguyên tắc Kinh-thánh trong cách đối xử với con cái, thì con cái sẽ được những lợi ích lớn lao nào?

19 Khi bạn làm gương, làm một người bạn, làm người biết trò chuyện và làm người dạy, bạn có thể giúp con cái có được một mối liên lạc cá nhân với Giê-hô-va Đức Chúa Trời từ thuở thơ ấu. Mối liên lạc này khuyến khích con bạn trở thành một tín đồ vui vẻ. Nó sẽ cố gắng sống xứng đáng với đức tin ngay cả khi bị áp lực bạn bè và bị cám dỗ. Hãy luôn luôn giúp con cái quí trọng mối liên lạc quí giá này (Châm-ngôn 27:11).

NHU CẦU TRỌNG YẾU CỦA VIỆC SỬA TRỊ

20. Sửa trị là gì, và cha mẹ nên sửa trị con cái như thế nào?

20 Sửa trị là dạy dỗ để chỉnh lại lòng và trí. Con cái luôn luôn cần được sửa trị. Phao-lô khuyên người cha “hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]” (Ê-phê-sô 6:4). Cha mẹ nên sửa trị trong tình yêu thương, cũng như Đức Giê-hô-va vậy (Hê-bơ-rơ 12:4-11). Muốn sửa trị trong tình yêu thương thì cha mẹ phải lý luận với con cái. Vì vậy, chúng ta được bảo là “khá nghe lời khuyên-dạy” (Châm-ngôn 8:33). Cha mẹ nên sửa trị con cái như thế nào?

21. Khi sửa trị con cái, cha mẹ nên nhớ đến những nguyên tắc nào?

21 Một số cha mẹ nghĩ rằng sửa trị con cái là chỉ nói với chúng bằng giọng đe dọa, rầy la, hoặc ngay cả nhục mạ chúng. Tuy nhiên, về vấn đề này, Phao-lô căn dặn: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ” (Ê-phê-sô 6:4). Tất cả tín đồ đấng Christ được khuyến khích “phải ở tử-tế với mọi người... dùng cách mềm-mại mà sửa-dạy những kẻ chống-trả” (II Ti-mô-thê 2:24, 25). Hỡi các bậc cha mẹ theo đạo đấng Christ, trong khi biết mình cần phải cứng rắn, hãy cố nhớ những lời này khi sửa trị con cái. Tuy nhiên, đôi khi chỉ lý luận thôi thì không đủ, có lẽ cần phải có một loại sửa phạt nào đó (Châm-ngôn 22:15).

22. Nếu đứa con cần được sửa phạt, cha mẹ phải giúp nó hiểu gì?

22 Mỗi đứa con cần sự sửa trị khác nhau. Một số trẻ không nghe “lời nói... sửa trị”. Đối với những đứa không vâng lời, đôi khi phải dùng sự sửa phạt để cứu chúng (Châm-ngôn 17:10; 23:13, 14; 29:19). Tuy nhiên, đứa con nên hiểu tại sao nó bị sửa trị. “Roi-vọt sự quở-trách ban cho sự khôn-ngoan” (Châm-ngôn 29:15; Gióp 6:24). Hơn nữa, sự sửa phạt có giới hạn của nó. Đức Giê-hô-va nói với dân ngài: “Ta... sẽ sửa-trị ngươi cách chừng-mực” (Giê-rê-mi 46:28b). Kinh-thánh hoàn toàn không chấp nhận việc đánh đập giận dữ hoặc tàn nhẫn, làm con bị bầm tím và ngay cả bị thương tích (Châm-ngôn 16:32).

23. Con cái phải phân biệt được điều gì khi nó bị cha mẹ sửa phạt?

23 Khi Đức Giê-hô-va báo cho dân ngài biết là ngài sẽ sửa trị họ, trước hết ngài nói: “Ngươi chớ sợ, vì ta ở cùng ngươi” (Giê-rê-mi 46:28a). Cũng thế, khi cha mẹ sửa trị con cái, dù dưới hình thức thích đáng nào, chớ bao giờ nên làm con cảm thấy nó bị hất hủi (Cô-lô-se 3:21). Trái lại, nó nên biết cha mẹ sửa trị nó là vì ‘ở cùng nó’, đứng về phía nó.

CHE CHỞ CON CÁI KHỎI NGUY HIỂM

24, 25. Ngày nay con cái cần được che chở khỏi một sự đe dọa ghê tởm nào?

24 Khi nhìn lại thời thơ ấu, nhiều người lớn thấy đó là thời kỳ tươi đẹp. Họ nhớ lại cảm giác được an toàn êm ấm, là điều mà họ biết chắc chắn cha mẹ đã chăm sóc họ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cha mẹ muốn con cái cảm thấy được an toàn, nhưng trong thế gian suy đồi ngày nay, khó mà giữ cho con cái được an toàn như thời trước.

25 Một mối đe dọa ghê tởm đã gia tăng trong những năm gần đây là sự sách nhiễu tình dục trẻ em. Tại Mã Lai, báo cáo cho thấy trong vòng mười năm, sự sách nhiễu tình dục trẻ con tăng gấp bốn lần. Tại Đức, khoảng 300.000 con trẻ bị bạo hành tình dục mỗi năm, trong khi tại một xứ ở Nam Mỹ, một cuộc nghiên cứu phỏng đoán hàng năm số này lên đến 9.000.000, quả là con số đáng kinh ngạc! Điều thảm thương là đa số các trẻ em này bị các người mà chúng biết và tin cậy sách nhiễu ngay trong nhà. Nhưng cha mẹ phải là sự bảo vệ vững chắc cho con cái. Làm sao cha mẹ có thể là người bảo vệ chúng?

26. Có vài cách nào để có thể giữ con cái được an toàn, và làm sao sự hiểu biết có thể che chở đứa trẻ?

26 Vì kinh nghiệm cho thấy rằng những đứa trẻ ít biết về tình dục đặc biệt dễ bị những người sách nhiễu làm hại, nên một cách để ngăn ngừa việc ấy là giáo dục đứa bé, dù nó còn nhỏ. Sự hiểu biết có thể giúp bảo vệ nó “khỏi đường dữ, khỏi kẻ nói việc gian-tà” (Châm-ngôn 2:10-12). Sự hiểu biết nào? Hiểu biết về nguyên tắc Kinh-thánh, hiểu điều hợp đạo đức và trái đạo đức. Hiểu là một số người lớn làm bậy và người trẻ không phải vâng lời khi người ta bảo làm những điều không chính đáng. (So sánh Đa-ni-ên 1:4, 8; 3:16-18). Không nên dạy các điều đó chỉ một lần mà thôi. Hầu hết trẻ em cần được dạy đi dạy lại nhiều lần thì chúng mới nhớ rõ. Khi con cái lớn hơn một chút, cha nên tôn trọng sự riêng tư của con gái, và mẹ cũng thế đối với con trai. Như vậy họ sẽ khắc vào lòng con cái cảm giác về điều gì là đúng. Và dĩ nhiên, một trong những cách đề phòng chống sự sách nhiễu là cha mẹ phải cẩn thận trông nom con cái.

TÌM SỰ HƯỚNG DẪN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

27, 28. Ai là Nguồn giúp đỡ lớn nhất cho cha mẹ khi họ gặp khó khăn trong việc nuôi nấng con cái?

27 Quả thật, dạy dỗ con cái từ thuở thơ ấu là một việc khó, nhưng cha mẹ tin đạo không phải đương đầu với thử thách đó một mình. Vào thời các Quan xét, khi một người tên Ma-nô-a biết rằng mình sẽ làm cha, ông xin Đức Giê-hô-va chỉ cách cho ông dạy con. Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu xin của ông (Các Quan Xét 13:8, 12, 24).

28 Ngày nay cũng tương tự như thế, khi cha mẹ tin đạo nuôi nấng con cái, họ cũng có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Làm cha mẹ là một việc khó, nhưng được thỏa nguyện nhiều. Một cặp vợ chồng theo đạo đấng Christ ở Hawaii nói: “Bạn có 12 năm để dạy con trước những năm khó khăn của tuổi thiếu niên. Nhưng nếu bạn cố gắng hết sức áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh, thì bạn gặt được sự vui mừng và bình an khi chúng quyết định muốn phụng sự Đức Giê-hô-va từ trong lòng” (Châm-ngôn 23:15, 16). Khi con bạn có quyết định đó, bạn cũng sẽ muốn thốt lên: “Con-cái [trai và gái] là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra”.

^ đ. 18 Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.