Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG BẢY

Có đứa con ngỗ nghịch trong gia đình không?

Có đứa con ngỗ nghịch trong gia đình không?

1, 2. a) Giê-su dùng minh họa nào để nhấn mạnh sự bất trung của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái? b) Chúng ta có thể biết được điều gì về thanh thiếu niên qua minh họa của Giê-su?

VÀI ngày trước khi chết, Giê-su hỏi một nhóm người lãnh đạo tôn giáo Do Thái một câu buộc họ phải suy nghĩ. Ngài nói: “Các ngươi nghĩ làm sao? Một người kia có hai đứa con trai; nói cùng đứa thứ nhứt, mà rằng: Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho. Đứa ấy thưa rằng: Vâng; rồi không đi. Đoạn, người cha đi đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy. Đứa nầy thưa rằng: Tôi không muốn đi. Nhưng sau ăn-năn, rồi đi. Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý-muốn của cha?” Những người lãnh đạo Do Thái đáp rằng: “Đứa thứ hai” (Ma-thi-ơ 21:28-31).

2 Nơi đây Giê-su nêu rõ sự bất trung của những người lãnh đạo Do Thái. Họ giống như đứa con thứ nhất, hứa làm theo ý muốn Đức Chúa Trời nhưng rồi không giữ lời hứa. Nhưng nhiều bậc cha mẹ sẽ nhận thấy sự minh họa của Giê-su dựa trên sự kiện ngài hiểu rõ đời sống gia đình. Ngài cho thấy rõ là thường khó biết được người trẻ nghĩ gì hoặc đoán được chúng sẽ làm gì. Một người trẻ có lẽ gây nhiều vấn đề lúc còn ở tuổi thanh thiếu niên và rồi khi lớn lên lại trở nên người trưởng thành biết trách nhiệm và được kính trọng. Chúng ta hãy nhớ kỹ điều này khi bàn về vấn đề ngỗ nghịch của thanh thiếu niên.

KẺ NGỖ NGHỊCH LÀ GÌ?

3. Tại sao cha mẹ đừng nên vội gán cho con họ là đứa ngỗ nghịch?

3 Đôi khi bạn có lẽ nghe về chuyện những thanh thiếu niên chống đối cha mẹ ra mặt. Có lẽ chính bạn cũng biết một gia đình có con dường như không thể kiểm soát nổi. Tuy nhiên, không phải dễ biết được một đứa trẻ thực sự ngỗ nghịch hay không. Hơn nữa, khó có thể hiểu được tại sao vài đứa con ngỗ nghịch, trong khi những đứa khác lại không, dù cùng một gia đình. Nếu cha mẹ ngờ rằng một đứa con có lẽ sẽ trở thành đứa hoàn toàn ngỗ nghịch, thì họ nên làm gì? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta phải nói kẻ ngỗ nghịch là gì.

4-6. a) Kẻ ngỗ nghịch là gì? b) Cha mẹ nên nhớ điều gì nếu con cái ở tuổi thanh thiếu niên đôi khi không vâng lời?

4 Nói một cách đơn giản, kẻ ngỗ nghịch là người cố tình và luôn luôn không vâng lời hoặc chống lại và khinh thường những người có quyền hành. Dĩ nhiên, ‘sự ngu-dại ở trong lòng con trẻ’ (Châm-ngôn 22:15). Vì vậy tất cả con cái đôi lúc chống đối quyền hành của cha mẹ và của người khác. Điều này đặc biệt đúng trong thời kỳ con bạn phát triển về thể xác và tình cảm, được gọi là thời thanh xuân. Sự thay đổi trong đời sống của bất cứ người nào cũng sẽ tạo ra sự căng thẳng, và tuổi thanh thiếu niên là thời kỳ có nhiều thay đổi. Con trai hoặc con gái trong tuổi này từ bỏ thời kỳ trẻ con để bước vào thời kỳ trưởng thành. Vì lý do này, vào những năm của tuổi thanh thiếu niên, một số cha mẹ và con cái khó hòa hợp nhau. Thường thì cha mẹ tự nhiên cố làm chậm đi sự chuyển tiếp, trong khi thanh thiếu niên muốn làm cho nhanh hơn.

5 Một thanh thiếu niên ngỗ nghịch sẽ từ bỏ giá trị mà cha mẹ đã dạy. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng vài hành động không vâng lời không làm con trở thành đứa ngỗ nghịch. Và khi nói về vấn đề thiêng liêng, một số con cái mới đầu có thể tỏ vẻ ít chú ý hay không chú ý đến lẽ thật trong Kinh-thánh, nhưng chúng có thể không ngỗ nghịch. Là cha mẹ, bạn chớ vội gán cho con một cái tên nào đó.

6 Có phải tuổi thanh xuân của tất cả những người trẻ đều có đặc tính chống lại quyền hành của cha mẹ không? Hoàn toàn không. Thật thế, nhiều bằng chứng dường như cho thấy rằng chỉ một số ít thanh thiếu niên bày tỏ tính ngỗ nghịch nghiêm trọng. Nhưng còn đứa trẻ cứ ngoan cố và luôn luôn chống đối thì sao? Điều gì có thể khiến nó ngỗ nghịch?

NGUYÊN NHÂN GÂY RA SỰ NGỖ NGHỊCH

7. Làm sao môi trường của Sa-tan có thể ảnh hưởng đứa con khiến nó ngỗ nghịch?

7 Một nguyên nhân quan trọng gây ra sự ngỗ nghịch là môi trường thế gian của Sa-tan. “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Thế gian dưới quyền Sa-tan đã phát triển một văn hóa nguy hại mà tín đồ đấng Christ phải phấn đấu chống lại (Giăng 17:15). Phần nhiều văn hóa đó thô bạo, nguy hiểm, và có nhiều ảnh hưởng xấu trong thời này hơn là trong quá khứ (II Ti-mô-thê 3:1-5, 13). Nếu cha mẹ không dạy dỗ, cảnh giác và che chở con cái, thì những người trẻ có thể dễ bị lôi cuốn bởi “thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch” (Ê-phê-sô 2:2). Liên hệ đến điều này là áp lực bạn bè. Kinh-thánh nói: “Kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại” (Châm-ngôn 13:20). Tương tự như thế, người tiếp tục làm bạn với kẻ bị tiêm nhiễm tinh thần thế gian chắc hẳn sẽ bị tinh thần đó ảnh hưởng. Những người trẻ cần có sự giúp đỡ không ngừng nếu muốn chúng hiểu rằng việc vâng theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời là nền tảng của một lối sống tốt nhất (Ê-sai 48:17, 18).

8. Yếu tố nào có thể khiến cho đứa con ngỗ nghịch?

8 Một nguyên nhân khác gây ra sự ngỗ nghịch có thể là bầu không khí trong nhà. Thí dụ, nếu cha hay mẹ nghiện rượu, lạm dụng ma túy, hoặc hung bạo với nhau, quan điểm về đời sống của thanh thiếu niên sẽ bị lệch lạc. Dù trong gia đình tương đối yên tĩnh, đứa con có thể ngỗ nghịch khi nó cảm thấy cha mẹ không chú ý đến mình. Tuy nhiên, sự ngỗ nghịch của thanh thiếu niên không phải lúc nào cũng do ảnh hưởng bên ngoài. Một số con cái khinh thường giá trị của cha mẹ mặc dù cha mẹ là người áp dụng nguyên tắc của Đức Chúa Trời và phần lớn đã che chở chúng khỏi thế gian xung quanh. Tại sao? Có lẽ tại vì cội rễ khác của vấn đề chúng ta—sự bất toàn của loài người. Phao-lô nói: “Bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). A-đam là kẻ phản nghịch ích kỷ, và ông để lại cho tất cả con cháu ông một hậu quả tai hại. Một số người trẻ chọn con đường ngỗ nghịch, như tổ tiên đã làm.

HÊ-LI DỄ DÃI VÀ RÔ-BÔ-AM KHẮT KHE

9. Những thái cực nào trong việc dạy dỗ có thể khiến con cái ngỗ nghịch?

9 Một điều khác dẫn đến việc thanh thiếu niên ngỗ nghịch là vì cha mẹ có quan điểm thiếu thăng bằng trong vấn đề dạy con (Cô-lô-se 3:21). Một số cha mẹ chu đáo nên họ khắt khe và sửa trị con cái quá nghiêm nhặt. Một số khác quá dễ dãi, không cho sự chỉ dẫn để che chở con cái ở tuổi thanh xuân thiếu kinh nghiệm. Giữ thăng bằng giữa hai thái cực này không phải lúc nào cũng dễ. Và con cái có nhu cầu khác nhau. Đứa này có lẽ cần được chú ý nhiều hơn đứa khác. Tuy nhiên, hai gương trong Kinh-thánh sẽ giúp cho ta thấy sự nguy hiểm của việc quá khắt khe hay quá dễ dãi.

10. Dù có thể là một thầy tế lễ thượng phẩm trung thành, tại sao Hê-li không phải là người cha tốt?

10 Hê-li, thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên xưa, là một người cha. Ông phụng sự 40 năm, nên chắc chắn ông quen thuộc với Luật pháp Đức Chúa Trời. Chắc hẳn Hê-li đã làm công việc tế lễ của ông một cách khá trung thành và có lẽ đã cẩn thận dạy Luật pháp Đức Chúa Trời cho các con trai là Hóp-ni và Phi-nê-a. Tuy nhiên, Hê-li quá dễ dãi với các con. Hóp-ni và Phi-nê-a làm thầy tế lễ dâng của-lễ, nhưng họ là “người gian-tà”, chỉ chú ý đến việc thỏa mãn tính ham ăn và dục vọng của mình. Tuy nhiên, khi họ phạm những hành động xấu xa trên đất thánh, Hê-li không có can đảm cách chức họ. Ông chỉ la rầy qua loa mà thôi. Bởi tính dễ dãi nuông chiều con cái, Hê-li đã xem con trọng hơn Đức Chúa Trời. Hậu quả là hai con ông chống lại sự thờ phượng trong sạch của Đức Giê-hô-va và cả nhà Hê-li gánh chịu tai họa (I Sa-mu-ên 2:12-17, 22-25, 29; 3:13, 14; 4:11-22).

11. Các bậc cha mẹ rút tỉa được bài học nào qua kinh nghiệm sai lầm của Hê-li?

11 Con cái Hê-li đã trưởng thành khi những chuyện đó xảy ra, nhưng câu chuyện lịch sử này nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của việc không sửa trị con cái. (So sánh Châm-ngôn 29:21). Một số cha mẹ có thể lẫn lộn tình yêu thương với sự nuông chiều, không đặt kỷ luật rõ ràng, kiên định và hợp lý. Họ bỏ bê việc áp dụng kỷ luật trong tình yêu thương, ngay cả khi con cái vi phạm những nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Vì dễ dãi như vậy, thế nào rồi cũng có ngày con cái có thể không chú ý đến quyền hành của cha mẹ hoặc bất cứ loại uy quyền nào khác. (So sánh Truyền-đạo 8:11).

12. Rô-bô-am đã phạm lỗi lầm nào khi sử dụng quyền hành?

12 Rô-bô-am là thí dụ tiêu biểu cho thái cực kia trong việc sử dụng quyền hành. Ông là vua cuối cùng của xứ Y-sơ-ra-ên trước khi bị chia đôi, nhưng ông không phải là vị vua tốt. Rô-bô-am thừa hưởng một xứ mà dân chúng rất bất mãn vì gánh nặng mà cha ông là Sa-lô-môn đã bắt họ chịu. Rô-bô-am có tỏ ra hiểu biết không? Không. Khi một nhóm người đại diện dân đến xin vua loại bớt một số gánh nặng, ông không nghe lời khuyên thành thục của những cố vấn lớn tuổi và ra lệnh làm cho ách của dân chúng nặng hơn. Sự kiêu căng của vua khiến mười chi phái phía bắc nổi loạn, và nước bị chia đôi (I Các Vua 12:1-21; II Sử-ký 10:19).

13. Làm sao cha mẹ có thể tránh lầm lỗi như Rô-bô-am?

13 Cha mẹ có thể rút tỉa bài học quan trọng qua lời tường thuật của Kinh-thánh về Rô-bô-am. Họ cần “cầu [tìm kiếm, NW ] Đức Giê-hô-va” qua lời cầu nguyện và xem lại cách dạy con của họ theo ánh sáng của nguyên tắc Kinh-thánh (Thi-thiên 105:4). Sách Giảng viên 7 (Nguyễn thế Thuấn) nói: “Là vì bức bách, khôn cũng hóa dại”. Sự hướng dẫn chín chắn cho thanh thiếu niên khuôn khổ để lớn lên một cách thoải mái, đồng thời che chở chúng khỏi bị tai hại. Nhưng không nên ép con cái sống trong môi trường quá nghiêm khắc và bó buộc để rồi chúng không phát triển được sự tự tin một cách vừa phải. Khi cha mẹ cố giữ thăng bằng giữa việc cho con được tự do và đặt giới hạn rõ ràng, thì hầu hết con cái sẽ ít có khuynh hướng ngỗ nghịch.

THỎA MÃN NHU CẦU CĂN BẢN CÓ THỂ NGĂN NGỪA SỰ NGỖ NGHỊCH

Có thể con cái lớn lên sẽ vững vàng hơn nếu cha mẹ giúp chúng đối phó với các vấn đề trong tuổi thanh thiếu niên

14, 15. Cha mẹ nên xem sự phát triển của con mình như thế nào?

14 Mặc dù cha mẹ vui mừng khi thấy con cái lớn lên, từ một đứa bé trở nên người lớn, nhưng họ có thể cảm thấy lo lắng khi con cái bắt đầu chuyển từ việc lệ thuộc vào cha mẹ đến việc tin nơi ý riêng của chúng. Trong thời kỳ chuyển tiếp này, chớ ngạc nhiên khi thấy con cái ở tuổi thanh thiếu niên đôi khi cứng đầu hoặc không chịu hợp tác. Hãy nhớ mục tiêu của cha mẹ theo đạo đấng Christ là dạy con để trở thành một tín đồ thành thục, vững vàng, và biết trách nhiệm. (So sánh I Cô-rinh-tô 13:11; Ê-phê-sô 4:13, 14).

15 Dù khó đến đâu đi nữa, cha mẹ cần bỏ thói quen từ chối khi con cái ở tuổi thanh thiếu niên xin được tự do hơn. Con cái cần được lớn lên một cách lành mạnh với tư cách là một cá nhân. Thật vậy, dù tương đối còn trẻ, một số thanh thiếu niên bắt đầu phát triển cách nhìn đời như của người lớn. Thí dụ, Kinh-thánh nói về Vua Giô-si-a trẻ tuổi: “Khi người hãy còn trẻ tuổi [chừng 15 tuổi], thì người khởi tìm-kiếm Đức Chúa Trời của Đa-vít”. Thiếu niên đặc biệt này rõ ràng là người có tinh thần trách nhiệm (II Sử-ký 34:1-3).

16. Trong khi con cái được cho thêm trách nhiệm, chúng nên nhận thức điều gì?

16 Tuy nhiên, tự do đi đôi với trách nhiệm. Do đó, hãy cho con cái đến tuổi trưởng thành chịu hậu quả về vài quyết định và hành động của chúng. Nguyên tắc “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” áp dụng cho cả thanh thiếu niên lẫn người lớn (Ga-la-ti 6:7). Cha mẹ không thể che chở con cái mãi mãi. Tuy nhiên, nếu con bạn muốn làm điều mà bạn hoàn toàn không thể chấp nhận được thì sao? Là cha mẹ có trách nhiệm, bạn phải nói: “Không”. Và trong khi bạn có thể giải thích lý do, bạn không nên để bất cứ điều gì làm bạn đổi ý. (So sánh Ma-thi-ơ 5:37). Tuy nhiên, hãy cố gắng nói “Không” một cách bình tĩnh và hợp lẽ, vì “lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận” (Châm-ngôn 15:1).

17. Cha mẹ nên thỏa mãn một số nhu cầu nào của thanh thiếu niên?

17 Những người trẻ cần sự sửa trị kiên định để chúng cảm thấy an toàn dù cho chúng không phải lúc nào cũng sẵn sàng đồng ý với sự giới hạn và luật lệ. Chúng rất bực bội nếu luật lệ thường thay đổi, tùy theo cha mẹ cảm thấy ra sao lúc đó. Hơn nữa, nếu thanh thiếu niên nhận được sự khuyến khích và giúp đỡ cần thiết trong khi đối phó với tính do dự, nhút nhát, hoặc thiếu tự tin, thì chắc hẳn chúng sẽ cương quyết hơn khi lớn lên. Các thanh thiếu niên cũng hiểu điều đó khi chúng được cha mẹ tin cậy. (So sánh Ê-sai 35:3, 4; Lu-ca 16:10; 19:17).

18. Có những sự thật nào về thanh thiếu niên khiến ta thấy khích lệ?

18 Cha mẹ có thể được yên tâm khi biết rằng gia đình có sự bình an, ổn định và yêu thương thì con cái thường phát triển mạnh (Ê-phê-sô 4:31, 32; Gia-cơ 3:17, 18). Nhiều người trẻ đã vượt qua ngay cả môi trường xấu trong nhà, ở trong gia đình nghiện rượu, hung bạo hoặc có ảnh hưởng tai hại khác, và rồi lớn lên trở thành người tốt. Vì vậy, nếu bạn cho con bạn một mái nhà mà chúng cảm thấy an toàn, và biết rằng chúng sẽ được yêu thương, trìu mến và được chú ý—dù là bạn phải đặt ra những giới hạn vừa phải và sửa trị phù hợp với nguyên tắc Kinh-thánh—chắc hẳn chúng sẽ lớn lên thành người mà bạn sẽ hãnh diện. (So sánh Châm-ngôn 27:11).

KHI CON CÁI GẶP KHÓ KHĂN

19. Trong khi cha mẹ nên dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, đứa con có trách nhiệm gì?

19 Việc dạy con chu đáo chắc hẳn có sự khác biệt. Châm-ngôn 22:6 nói: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”. Tuy nhiên, về phần con cái có những vấn đề nghiêm trọng mặc dù có cha mẹ tốt thì sao? Điều này có thể xảy ra không? Có. Lời của câu châm ngôn này phải được hiểu nhờ xem các câu khác nhấn mạnh đến bổn phận của con cái là “nghe” và vâng lời cha mẹ (Châm-ngôn 1:8). Cả cha mẹ lẫn con cái phải hợp tác trong việc áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh nếu muốn có sự hòa hợp trong gia đình. Nếu cha mẹ và con cái không hợp tác với nhau, gia đình sẽ có nhiều khó khăn.

20. Khi con cái phạm lỗi vì vô ý tứ, cha mẹ sửa con theo cách khôn ngoan nào?

20 Cha mẹ nên phản ứng thế nào khi con cái ở tuổi thanh thiếu niên lầm lỗi và gặp rắc rối? Vậy thì đứa con đặc biệt cần được giúp đỡ. Nếu cha mẹ nhớ rằng họ đang đối xử với một người trẻ thiếu kinh nghiệm, họ sẽ dễ tránh có khuynh hướng phản ứng quá đáng. Phao-lô khuyên những người thành thục trong hội thánh: “Ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh-Linh, hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại” (Ga-la-ti 6:1). Cha mẹ nên theo cách này khi sửa đứa con phạm lỗi vì vô ý tứ. Trong khi giải thích rõ ràng tại sao hành vi của nó là sai quấy và làm sao nó có thể tránh phạm lỗi đó nữa, cha mẹ nên nói rõ rằng hành vi sai quấy là xấu chứ không phải nó xấu. (So sánh Giu-đe 22, 23).

21. Theo gương của hội thánh tín đồ đấng Christ, cha mẹ nên phản ứng thế nào nếu con cái phạm một tội nghiêm trọng?

21 Còn nếu con cái phạm tội nghiêm trọng thì sao? Trong trường hợp đó, con cái cần được giúp đỡ đặc biệt và cần được hướng dẫn khéo léo. Khi một người trong hội thánh phạm tội nghiêm trọng, người đó được khuyến khích để ăn năn và đến xin trưởng lão giúp đỡ (Gia-cơ 5:14-16). Một khi ăn năn, người đó sẽ được trưởng lão hợp tác để giúp phục hồi về thiêng liêng. Trong gia đình, cha mẹ có trách nhiệm giúp đứa con lầm lỗi, dù họ có thể cần bàn luận vấn đề với trưởng lão. Họ chắc chắn không nên cố che giấu trưởng lão về bất cứ tội nghiêm trọng nào mà con họ đã phạm.

22. Theo gương Đức Giê-hô-va, cha mẹ sẽ cố gắng giữ thái độ nào nếu con phạm lỗi lầm nghiêm trọng?

22 Cha mẹ rất khổ tâm khi chính con mình dính líu vào một tội nghiêm trọng. Vì quẫn trí, cha mẹ có lẽ cảm thấy giận dữ hăm dọa đứa con ương ngạnh; nhưng điều này chỉ làm nó cay đắng. Hãy nhớ là tương lai của người trẻ này có thể tùy thuộc vào cách nó được đối xử như thế nào trong lúc khó khăn này. Cũng hãy nhớ là Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ khi dân ngài xa rời những điều đúng—nếu họ chỉ việc ăn năn. Hãy nghe những lời đầy yêu thương của ngài: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện-luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Ê-sai 1:18). Quả thật là một gương tốt cho các bậc cha mẹ!

23. Đứng trước một tội nghiêm trọng mà đứa con đã phạm, cha mẹ nên hành động ra sao, và nên tránh điều gì?

23 Vì vậy, hãy cố gắng khuyến khích đứa con ương ngạnh thay đổi đường lối. Hãy xin lời khuyên hợp lý của các bậc cha mẹ kinh nghiệm và những trưởng lão của hội thánh (Châm-ngôn 11:14). Hãy cố gắng tránh hành động theo xúc động nhất thời và nói hay làm những điều khiến con cái khó trở lại với bạn. Hãy tránh giận dữ và cay đắng quá mức (Cô-lô-se 3:8). Chớ vội bỏ cuộc (I Cô-rinh-tô 13:4, 7). Trong khi ghét điều xấu, hãy tránh trở nên cứng rắn và cay đắng với con cái. Quan trọng nhất là cha mẹ nên cố nêu gương tốt và giữ đức tin mạnh nơi Đức Chúa Trời.

ĐỐI PHÓ VỚI ĐỨA CON NHẤT QUYẾT NGỖ NGHỊCH

24. Tình trạng đau buồn nào đôi khi xảy ra trong gia đình tín đồ đấng Christ, và cha hay mẹ nên phản ứng ra sao?

24 Trong vài trường hợp, rõ ràng là người trẻ đã nhất quyết chống lại và hoàn toàn từ bỏ giá trị của đạo đấng Christ. Vậy thì cha mẹ nên tập trung vào việc duy trì hoặc xây dựng lại đời sống gia đình cho những đứa con khác. Hãy cẩn thận để tránh dồn hết năng lực của bạn cho đứa ngỗ nghịch mà bỏ bê những đứa con khác. Thay vì cố che đậy, không cho chúng biết vấn đề, hãy thảo luận với chúng trong mức độ thích hợp và cố trấn an chúng. (So sánh Châm-ngôn 20:18).

25. a) Theo mẫu mực của hội thánh tín đồ đấng Christ, cha mẹ có thể làm thế nào nếu con nhất quyết ngỗ nghịch? b) Cha mẹ nên nhớ điều gì nếu một đứa con ngỗ nghịch?

25 Sứ đồ Giăng nói về những kẻ phản nghịch bất trị trong hội thánh: “Chớ rước họ vào nhà, và đừng chào-hỏi họ” (II Giăng 10). Cha mẹ có lẽ cảm thấy cần phải dùng một biện pháp giống như vậy đối với con mình nếu nó đến tuổi thành niên và hoàn toàn chống lại cha mẹ. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:18-21). Làm thế có thể là khó khăn và đau lòng biết mấy, nhưng đôi khi điều đó cần thiết để bảo vệ các người khác trong gia đình. Gia đình cần bạn che chở và tiếp tục trông nom. Vì thế, hãy đặt ra giới hạn rõ ràng, nhưng vừa phải và giữ theo đó. Hãy liên lạc trò chuyện với các đứa con khác. Hãy chú ý đến những gì chúng làm trong trường và trong hội thánh. Và cũng cho chúng biết dù bạn không chấp nhận hành động của đứa con ngỗ nghịch, bạn không ghét nó. Hãy lên án hành động xấu chứ không phải đứa con. Khi hai con trai của Gia-cốp làm gia đình bị người ta xa lánh vì hành động độc ác, Gia-cốp rủa cơn giận hung bạo của hai con, chứ không rủa chúng (Sáng-thế Ký 34:1-31; 49:5-7).

26. Cha mẹ tận tâm có thể tìm sự an ủi ở đâu nếu có một đứa con ngỗ nghịch?

26 Bạn có lẽ cảm thấy mình chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong nhà. Nhưng nếu bạn thành thật làm hết sức mình, nghe theo lời khuyên của Đức Giê-hô-va trong mức độ bạn có thể làm được, thì bạn không nên chỉ trích mình một cách vô lý. Hãy nhớ rằng không ai có thể là bậc cha mẹ hoàn toàn, và bạn đã tận tâm cố gắng làm bậc cha mẹ tốt. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:26). Có đứa con hoàn toàn ngỗ nghịch trong nhà là điều rất đau lòng, nhưng nếu điều này xảy ra cho bạn, hãy tin chắc là Đức Chúa Trời hiểu và ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi các tôi tớ tận tụy của ngài (Thi-thiên 27:10). Vậy hãy quyết tâm giữ cho nhà bạn là nơi trú ẩn an toàn về thiêng liêng cho những đứa con khác.

27. Nhớ lại ví dụ về đứa con hoang đàng, cha mẹ có đứa con ngỗ nghịch có thể luôn luôn hy vọng điều gì?

27 Hơn nữa, bạn chớ bao giờ tuyệt vọng. Sự cố gắng trước kia của bạn trong việc dạy con theo đường đúng, cuối cùng có thể ảnh hưởng đến lòng đứa con lầm lạc và khiến nó nghĩ lại (Truyền-đạo 11:6). Một số gia đình tín đồ đấng Christ có cùng kinh nghiệm như bạn, và một số đã thấy đứa con ương ngạnh trở về, như người cha trong ví dụ của Giê-su về đứa con hoang đàng (Lu-ca 15:11-32). Điều này có thể xảy ra cho bạn.