Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI

Khi người nhà bị bệnh

Khi người nhà bị bệnh

1, 2. Sa-tan đã dùng tai ương và bệnh tật như thế nào để hủy hoại lòng trung kiên của Gióp?

CHẮC CHẮN Gióp phải được xem là ở trong số những người có được đời sống gia đình hạnh phúc. Kinh-thánh gọi ông là “lớn hơn hết trong cả dân Đông-phương”. Ông có tổng cộng mười người con, bảy trai và ba gái. Ông cũng có đủ khả năng tài chính để cấp dưỡng dồi dào cho gia đình. Điều quan trọng nhất là ông dẫn đầu trong các hoạt động thiêng liêng và quan tâm về vị thế của con cái ông trước mặt Đức Giê-hô-va. Tất cả các điều này làm cho mọi người trong gia đình gần gũi nhau và được hạnh phúc (Gióp 1:1-5).

2 Hoàn cảnh của Gióp không tránh khỏi cặp mắt của Sa-tan, kẻ thù chính của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sa-tan là kẻ lúc nào cũng tìm cách hủy hoại lòng trung kiên của tôi tớ Đức Chúa Trời, nên hắn tấn công Gióp bằng cách phá hủy gia đình ông. Rồi hắn “hành-hại Gióp một bịnh ung-độc, từ bàn chơn cho đến chót đầu”. Do đó, Sa-tan hy vọng dùng tai ương và bệnh tật để hủy hoại lòng trung kiên của Gióp (Gióp 2:6, 7).

3. Bệnh của Gióp có các triệu chứng nào?

3 Kinh-thánh không cho biết tên bệnh của Gióp. Tuy nhiên, Kinh-thánh cho chúng ta biết triệu chứng của bệnh. Người ông đầy giòi, da ông đóng vảy và thối rữa ra. Hơi thở của Gióp có mùi ghê tởm và thân thể hôi hám. Ông chịu nhiều đau đớn (Gióp 7:5; 19:17; 30:17, 30). Trong cơn đau cực độ, Gióp ngồi trong đống tro và gãi mình bằng miếng sành (Gióp 2:8). Quả là một cảnh đáng thương!

4. Mỗi gia đình đôi khi trải qua điều gì?

4 Bạn sẽ phản ứng ra sao nếu bị mắc phải một chứng bệnh trầm trọng như vậy? Ngày nay, Sa-tan không làm tôi tớ Đức Chúa Trời mang bệnh như Gióp. Nhưng vì loài người bất toàn, cuộc sống hằng ngày nhiều căng thẳng và vì chúng ta sống trong môi trường càng ngày càng có hại, nên thế nào người nhà cũng có lúc mắc bệnh. Dù có phòng ngừa đến đâu đi nữa, tất cả chúng ta đều dễ bị bệnh, nhưng có ít người phải chịu đau đớn như Gióp. Khi trong nhà có người bị bệnh thì đó quả là một thử thách. Vì thế chúng ta hãy xem Kinh-thánh giúp chúng ta đối phó thế nào với kẻ thù muôn thuở này của loài người (Truyền-đạo 9:11; II Ti-mô-thê 3:16).

BẠN CẢM THẤY THẾ NÀO VỀ ĐIỀU ĐÓ?

5. Các người trong gia đình thường phản ứng ra sao trong trường hợp có người nhà bị bệnh nhẹ?

5 Sự xáo trộn trong đời sống bình thường hằng ngày, dù nguyên nhân nào gây ra đi nữa, cũng luôn luôn đưa đến khó khăn, nhất là nếu sự xáo trộn đó gây ra bởi bệnh tật dai dẳng. Ngay cả bệnh trong thời gian ngắn cũng khiến người ta phải thích nghi, nhân nhượng và hy sinh. Những người khỏe mạnh trong nhà có lẽ phải giữ yên lặng để người bệnh được tĩnh dưỡng. Họ có lẽ phải bỏ vài hoạt động nào đó. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình, ngay cả các con nhỏ cũng tỏ lòng thương xót anh em hoặc cha hay mẹ bị bệnh, dù đôi khi có lẽ chúng cần được nhắc nhở phải biết nghĩ đến người khác (Cô-lô-se 3:12). Trong trường hợp bị bệnh nhẹ, gia đình thường sẵn sàng làm những gì cần phải làm. Ngoài ra, mỗi người trong nhà cũng mong người khác quan tâm đến mình như vậy nếu mình bị bệnh (Ma-thi-ơ 7:12).

6. Người ta thường có phản ứng nào nếu có người nhà bị chứng bệnh trầm trọng kéo dài lâu ngày?

6 Tuy nhiên, nếu bệnh rất là trầm trọng và có nhiều sự xáo trộn lâu dài thì sao? Thí dụ, nếu người nhà bị liệt vì bị nghẽn mạch não, bị bệnh Alzheimer, hay là bị suy nhược vì chứng bệnh nào đó thì sao? Hay là nếu người nhà bị bệnh tâm thần như bệnh schizophrenia thì sao? Phản ứng thông thường lúc đầu là thương hại—buồn vì người thân chịu đau khổ quá nhiều. Tuy nhiên, sau đó, gia đình có thể có những phản ứng khác. Khi người trong nhà thấy mình bị ảnh hưởng quá nhiều và tự do bị hạn chế bởi vì bệnh tật của một người, họ có thể cảm thấy tức tối. Họ có thể tự hỏi: “Tại sao chuyện này lại xảy ra cho tôi chứ?”

7. Vợ Gióp phản ứng ra sao đối với bệnh của ông, và hiển nhiên bà đã quên điều gì?

7 Dường như vợ Gióp đã nghĩ tương tự như thế. Hãy nhớ rằng bà đã trải qua kinh nghiệm mất con cái. Khi thấy các biến cố thảm thương đó xảy ra, chắc chắn bà càng cảm thấy quẫn trí hơn. Cuối cùng, khi bà thấy người chồng thích hoạt động và khỏe mạnh trước kia của bà bị chứng bệnh đau đớn, ghê tởm, dường như bà quên đi yếu tố quan trọng khiến cho mọi thảm họa của bà không còn to lớn nữa. Đó là mối liên lạc mà bà và chồng bà có với Đức Chúa Trời. Kinh-thánh nói: “[Cuối cùng, NW] vợ [Gióp] nói với người rằng: Ủa? Ông hãy còn bền-đỗ trong sự hoàn-toàn mình sao?... Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” (Gióp 2:9).

8. Khi một người nhà bị bệnh nặng, câu Kinh-thánh nào sẽ giúp người khác trong gia đình giữ được quan điểm đúng?

8 Nhiều người cảm thấy bực bội, ngay cả tức giận nữa, khi đời sống họ bị thay đổi hẳn vì một người mắc bệnh. Tuy nhiên, tín đồ nào mà phân tích tình thế nên nhận biết rằng điều này cuối cùng sẽ cho mình cơ hội chứng tỏ mình có lòng yêu thương chân thật. Tình yêu thương chân thật “hay nhịn-nhục,... nhơn-từ,... chẳng kiếm tư-lợi... Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự, tin mọi sự, trông-cậy mọi sự, nín-chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:4-7). Vậy, thay vì để những cảm xúc tiêu cực chi phối mình, chúng ta cần phải cố hết sức để kiềm chế (Châm-ngôn 3:21).

9. Khi có người nhà bị bệnh nặng, những lời đảm bảo nào có thể giúp gia đình về mặt thiêng liêng và mặt cảm xúc?

9 Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ lợi ích về thiêng liêng và tình cảm trong gia đình khi một người bị bệnh? Dĩ nhiên, mỗi một căn bệnh đòi hỏi sự chăm sóc và điều trị riêng, và sách này không đề nghị bất cứ phương cách nào để điều trị hoặc chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Tuy nhiên, trong ý nghĩa thiêng liêng, Đức Giê-hô-va “sửa ngay lại mọi người cong-khom” (Thi-thiên 145:14). Vua Đa-vít viết: “Phước cho người nào đoái đến kẻ khốn-cùng! Trong ngày tai-họa Đức Giê-hô-va sẽ giải-cứu người. Đức Giê-hô-va sẽ gìn-giữ người, bảo-tồn mạng-sống người... Đức Giê-hô-va sẽ nâng-đỡ người tại trên giường rũ-liệt” (Thi-thiên 41:1-3). Đức Giê-hô-va gìn giữ tôi tớ ngài về mặt thiêng liêng, ngay cả khi họ bị thử thách quá sức về mặt cảm xúc (II Cô-rinh-tô 4:7). Nhiều người đối phó với bệnh nặng trong nhà đã nhắc lại lời của người viết thi thiên: “Đức Giê-hô-va ôi! tôi bị khổ-nạn quá đỗi; xin hãy làm cho tôi được sống tùy theo lời của Ngài” (Thi-thiên 119:107).

MỘT TÂM THẦN LÀNH LẶN

10, 11. a) Điều gì là quan trọng nếu gia đình muốn thành công trong việc đương đầu với bệnh tật? b) Một phụ nữ đã đương đầu với bệnh của chồng như thế nào?

10 Một câu châm ngôn trong Kinh-thánh nói: “Tâm-thần người nâng-đỡ sự bịnh-hoạn mình; nhưng trí bị nao-sờn ai chịu sao nổi?” (Châm-ngôn 18:14). Nỗi đau thương có thể gây sầu não cho tinh thần cả nhà cũng như cho “tâm thần người” bệnh. Thế nhưng “lòng bình-tịnh là sự sống của thân-thể” (Châm-ngôn 14:30). Gia đình đương đầu được hay không với chứng bệnh nặng là tùy thuộc phần lớn ở thái độ, hay tâm thần của mọi người trong nhà. (So sánh Châm-ngôn 17:22).

11 Một nữ tín đồ đấng Christ phải chịu đựng khi chồng chị bị tàn phế vì chứng nghẽn mạch não chỉ sáu năm sau khi họ kết hôn. Chị kể lại: “Khả năng nói chuyện của chồng tôi bị ảnh hưởng nặng nề, và hầu như không thể nào nói chuyện với anh ấy được. Cố hiểu những gì anh ấy ráng sức nói làm tinh thần tôi mệt mỏi hết sức”. Cũng hãy thử tưởng tượng sự phiền não và thất vọng mà người chồng phải trải qua. Cặp vợ chồng này đã làm gì? Dù họ ở xa hội thánh tín đồ đấng Christ, chị cố hết sức để giữ tình trạng thiêng liêng vững mạnh bằng cách đọc các tin tức cập nhật trong tổ chức cũng như liên tục nhận thức ăn thiêng liêng trong tạp chí Tháp Canh Awake! (Tỉnh Thức!). Điều này cho chị sức mạnh thiêng liêng để chăm sóc người chồng yêu dấu cho tới khi anh chết bốn năm sau đó.

12. Như chúng ta thấy trong trường hợp của Gióp, người bệnh đôi khi giúp được điều gì?

12 Trong trường hợp của Gióp, tuy mắc bệnh nhưng ông vẫn vững mạnh. Ông hỏi vợ: “Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai-họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?” (Gióp 2:10). Chẳng lạ gì mà sau này môn đồ Gia-cơ kể lại gương xuất sắc về lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng của Gióp! Chúng ta đọc nơi Gia-cơ 5:11: “Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhơn-từ”. Ngày nay cũng vậy, trong nhiều trường hợp, thái độ can đảm của người bệnh đã giúp người khác trong nhà giữ được quan điểm tích cực.

13. Gia đình có người bị bệnh nặng không nên so sánh điều gì?

13 Phần nhiều những người đã đối phó với bệnh tật trong gia đình đều đồng ý rằng thường thì mới đầu gia đình cảm thấy khó chấp nhận thực tại. Họ cũng lưu ý rằng cách mà mỗi người suy nghĩ về tình cảnh đó rất là quan trọng. Những sự thay đổi và điều chỉnh sinh hoạt trong nhà có lẽ mới đầu rất khó khăn. Nhưng nếu một người thật sự cố gắng, thì có thể thích nghi với hoàn cảnh mới. Khi làm thế, điều quan trọng là chúng ta chớ nên so sánh hoàn cảnh mình với hoàn cảnh của những người mà gia đình không có ai bệnh hoạn, phân bì là cuộc sống của họ dễ dàng hơn và nói ‘trời không công bằng gì cả!’ Thật ra, chẳng ai thật sự biết rõ gánh nặng mà người khác phải chịu. Tất cả tín đồ đấng Christ đều tìm được niềm an ủi qua lời của Giê-su: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28).

SẮP XẾP CÁC VIỆC ƯU TIÊN

14. Những điều ưu tiên chính đáng có thể được sắp đặt ra sao?

14 Trong trường hợp có bệnh nặng, nhớ lại lời được soi dẫn này sẽ có lợi cho gia đình: “Nhờ có nhiều mưu-sĩ, mưu-định bèn được thành” (Châm-ngôn 15:22). Gia đình có thể họp lại với nhau để bàn luận về những tình thế mà bệnh đó gây ra không? Làm như vậy với lòng thành khẩn và tìm sự hướng dẫn trong Lời Đức Chúa Trời chắc chắn là điều thích hợp (Thi-thiên 25:4). Gia đình nên bàn luận về những gì? Có những vấn đề chữa trị, tài chánh và gia đình mà mọi người cần phải quyết định. Ai sẽ là người chăm sóc chính? Làm sao cả gia đình có thể hợp tác để chăm sóc? Sự sắp xếp có ảnh hưởng thế nào đến mỗi người trong gia đình? Làm sao lo cho nhu cầu thiêng liêng và các nhu cầu khác của người chăm sóc chính?

15. Đức Giê-hô-va ban cho điều gì để nâng đỡ gia đình có người mắc bệnh nặng?

15 Tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn, suy gẫm Lời ngài, và can đảm theo đường lối mà Kinh-thánh chỉ dạy, chúng ta thường đạt được kết quả tốt đẹp hơn là mình mong muốn. Bệnh của người nhà có lẽ không phải lúc nào cũng thuyên giảm. Nhưng nương tựa nơi Đức Giê-hô-va luôn luôn đưa đến kết cuộc tốt nhất trong bất cứ tình huống nào (Thi-thiên 55:22). Người viết thi thiên nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va,... sự nhơn-từ Ngài nâng-đỡ tôi. Khi tư-tưởng bộn-bề trong lòng tôi, thì sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi” (Thi-thiên 94:18, 19; cũng xem Thi-thiên 63:6-8).

GIÚP ĐỠ CON CÁI

Khi gia đình hợp tác với nhau, họ có thể đối phó với những vấn đề

16, 17. Khi bàn về bệnh của một đứa con với các con khác, cha mẹ nên nói những điểm nào?

16 Bệnh tật trầm trọng có thể gây ra vấn đề cho con cái trong nhà. Điều quan trọng là cha mẹ giúp con cái hiểu những nhu cầu mới của gia đình và chúng có thể làm gì để giúp. Nếu một đứa con bị bệnh thì những đứa con khác phải được giúp để hiểu là đứa con bị bệnh được chú trọng và chăm sóc nhiều hơn không có nghĩa là cha mẹ yêu chúng ít hơn. Thay vì để sự giận hờn hoặc tính ganh đua nảy mầm, cha mẹ có thể giúp chúng gần gũi nhau hơn và có tình thương chân thật khi chúng hợp tác với nhau để đối phó với cảnh ngộ mà bệnh tật gây ra.

17 Trẻ con thường sẵn sàng đáp ứng nếu cha mẹ kêu gọi đến tình thương của chúng thay vì giải thích rườm rà, dài dòng về bệnh trạng. Vậy cha mẹ có thể cho chúng biết sơ qua về những gì người bệnh phải trải qua. Nếu những đứa khỏe mạnh thấy vì bệnh tật mà anh hay em mình không làm được nhiều điều như thế nào, trong khi chính chúng lại xem những điều ấy là chuyện đương nhiên, thì rất có thể là chúng sẽ có thêm “tình yêu anh em” và có “lòng nhơn-từ” (I Phi-e-rơ 3:8).

18. Làm sao cha mẹ có thể giúp những đứa con lớn hiểu vấn đề do bệnh tật gây ra, và điều này có lợi cho chúng ra sao?

18 Cha mẹ cần giúp những đứa con lớn nhận biết gia đình đang gặp tình trạng khó khăn và điều này đòi hỏi mọi người phải hy sinh. Vì cần tiền chi phí cho bác sĩ và thuốc men, cha mẹ có lẽ không thể cung cấp cho các con khác như ý cha mẹ muốn. Chúng có giận hờn và cảm thấy bị thiệt thòi không? Hay là chúng hiểu được cảnh ngộ gia đình và sẵn sàng chịu hy sinh? Điều này tùy thuộc rất nhiều vào cách gia đình bàn luận vấn đề cũng như tinh thần mà mọi người bày tỏ. Thật thế, trong nhiều gia đình, bệnh tật của một người giúp cho việc dạy dỗ con cái làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3, 4).

XEM VIỆC CHỮA TRỊ THEO Y HỌC NHƯ THẾ NÀO

19, 20. a) Người chủ gia đình có trách nhiệm nào khi một người trong nhà bị bệnh? b) Dù không phải là sách y học, nhưng Kinh-thánh hướng dẫn người ta đối phó với bệnh tật như thế nào?

19 Tín đồ đấng Christ có sự thăng bằng không bác bỏ cách chữa trị theo y học miễn là cách ấy không trái với luật pháp Đức Chúa Trời. Khi một người trong gia đình bị bệnh, cả nhà đều sốt sắng tìm cách giúp cho người bệnh giảm đau. Nhưng gia đình có lẽ còn phải cân nhắc các ý kiến mâu thuẫn nhau của những chuyên gia. Ngoài ra, các chứng bệnh mới và những xáo trộn trong cơ thể lại bất ngờ xảy ra trong những năm gần đây, và nhiều chứng bệnh này chưa có phương pháp chữa trị được mọi người chấp nhận. Ngay cả sự chẩn bệnh chính xác đôi khi cũng khó mà có được. Thế thì tín đồ đấng Christ nên làm gì?

20 Mặc dù một người viết Kinh-thánh là thầy thuốc và sứ đồ Phao-lô cho bạn ông là Ti-mô-thê biết cách chữa trị hữu ích, nhưng Kinh-thánh là sách hướng dẫn về luân lý và thiêng liêng, chứ không phải là sách y học (Cô-lô-se 4:14; I Ti-mô-thê 5:23). Vì vậy, về vấn đề chữa trị theo y học, người gia trưởng tín đồ đấng Christ phải tự quyết định sao cho thăng bằng. Có lẽ người đó cảm thấy mình cần phải hỏi thêm ý kiến của các chuyên gia khác. (So sánh Châm-ngôn 18:17). Người chủ gia đình chắc chắn muốn có cách chữa trị tốt nhất cho người bệnh, và nhiều người tìm đến bác sĩ y khoa để được giúp. Một số cảm thấy thích những phương pháp chữa trị khác. Điều này cũng là một quyết định riêng. Khi đối phó với vấn đề sức khỏe, tín đồ đấng Christ không ngừng để ‘Lời Chúa là ngọn đèn cho chân họ và ánh sáng cho đường lối họ’ (Thi-thiên 119:105). Họ tiếp tục theo sự hướng dẫn nêu ra trong Kinh-thánh (Ê-sai 55:8, 9). Do đó, họ tránh các phương pháp chẩn bệnh có sắc thái ma thuật, và họ tránh những cách chữa trị vi phạm nguyên tắc Kinh-thánh (Thi-thiên 36:9; Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29; Khải-huyền 21:8).

21, 22. Một thiếu phụ Á châu lý luận ra sao về nguyên tắc Kinh-thánh, và bà đã quyết định đúng trong trường hợp của bà như thế nào?

21 Hãy xem xét trường hợp của một thiếu phụ Á châu. Sau khi bà bắt đầu học Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va được ít lâu, bà sinh đứa bé gái bị thiếu tháng, chỉ nặng có 1,470 kí lô. Bà đau lòng khi bác sĩ nói với bà là trí óc đứa bé bị chậm phát triển trầm trọng và sẽ không bao giờ đi được. Ông khuyên bà cho con vào một viện dưỡng nhi. Chồng bà cũng không biết phải làm gì. Bà có thể quay về ai đây?

22 Bà nói: “Tôi nhớ là học được trong Kinh-thánh ‘con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; bông-trái của tử-cung là phần thưởng’ ” (Thi-thiên 127:3). Bà quyết định đem “cơ-nghiệp” này về nhà và chăm sóc nó. Mọi sự mới đầu rất khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của bạn bè tín đồ đấng Christ trong hội thánh Nhân-chứng Giê-hô-va, bà này đã quán xuyến nổi và cho đứa bé sự trợ giúp đặc biệt cần thiết. Mười hai năm sau, đứa bé này đi họp tại Phòng Nước Trời và làm bạn với những trẻ ở đó. Người mẹ nói: “Tôi biết ơn là các nguyên tắc Kinh-thánh giúp tôi làm điều đúng. Kinh-thánh giúp tôi có một lương tâm trong sạch trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời và không phải mang niềm ân hận suốt đời”.

23. Kinh-thánh cho các người bệnh và những người săn sóc họ niềm an ủi nào?

23 Chúng ta sẽ không mang bệnh mãi. Nhà tiên tri Ê-sai nói đến thời kỳ mà “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau” (Ê-sai 33:24). Lời hứa đó sẽ được thành tựu trong thế giới mới rất gần đến. Tuy nhiên, chúng ta phải cố chịu đựng bệnh tật và chết chóc cho đến lúc đó. Vui mừng thay, Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn và giúp đỡ chúng ta. Kinh-thánh cho chúng ta các qui tắc căn bản về đạo đức có giá trị lâu bền, và hơn hẳn những ý kiến không ngừng thay đổi của loài người bất toàn. Vì thế, một người khôn ngoan đồng ý với lời của người viết thi thiên: “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn, bổ linh-hồn lại; sự chứng-cớ Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan... Các mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va là chơn-thật, thảy đều công-bình cả... Ai gìn-giữ lấy, được phần thưởng lớn thay” (Thi-thiên 19:7, 9, 11).