Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Giữ hòa thuận trong gia đình

Giữ hòa thuận trong gia đình

1. Một số vấn đề nào có thể gây chia rẽ trong gia đình?

PHƯỚC cho những người ở trong gia đình có sự yêu thương, hiểu biết và hòa thuận. Hy vọng rằng gia đình bạn được như thế. Điều đáng buồn là vô số gia đình không có diễm phúc đó và bị chia rẽ vì lý do này hay lý do khác. Vấn đề nào chia rẽ gia đình? Trong chương này chúng ta sẽ bàn đến ba vấn đề. Trong một số gia đình, người nhà không có cùng một tôn giáo. Trong những gia đình khác, con cái có thể không có cùng cha mẹ. Còn những gia đình khác nữa, cha mẹ phải đầu tắt mặt tối để tìm kế sinh nhai hoặc muốn có thêm vật chất. Điều này dường như khiến những người trong gia đình không gần gũi nhau. Tuy nhiên, những hoàn cảnh làm một gia đình bị chia rẽ có thể không ảnh hưởng đến gia đình khác. Điều gì làm cho có sự khác biệt đó?

2. Một số người tìm sự hướng dẫn cho gia đình ở đâu, nhưng nguồn hướng dẫn tốt nhất là gì?

2 Một yếu tố là quan điểm. Nếu bạn thành thật cố gắng hiểu quan điểm của người kia, bạn có thể nhận biết cách để duy trì một gia đình hợp nhất. Một yếu tố thứ hai là nguồn hướng dẫn của bạn. Nhiều người nghe theo lời khuyên của bạn đồng nghiệp, hàng xóm, báo chí, hoặc các sự hướng dẫn khác của loài người. Tuy nhiên, một số người biết được Lời Đức Chúa Trời nói gì về tình trạng của họ, và rồi áp dụng những gì họ học được. Làm sao việc này giúp gia đình duy trì sự hòa thuận trong nhà? (II Ti-mô-thê 3:16, 17).

NẾU CHỒNG BẠN CÓ ĐỨC TIN KHÁC

3. a) Kinh-thánh khuyên gì về việc lấy người khác đức tin? b) Một số nguyên tắc căn bản nào được áp dụng nếu một người hôn phối tin đạo còn người kia không tin?

3 Kinh-thánh triệt để khuyên chúng ta không nên kết hôn với người khác đức tin (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4; I Cô-rinh-tô 7:39). Tuy nhiên, có thể là bạn biết lẽ thật của Kinh-thánh sau khi bạn kết hôn, nhưng chồng bạn không biết. Thế thì sao? Dĩ nhiên, lời thệ ước hôn nhân vẫn còn hiệu lực (I Cô-rinh-tô 7:10). Kinh-thánh nhấn mạnh sự lâu bền của hôn nhân và khuyến khích những người đã lập gia đình giải quyết sự bất đồng thay vì tránh né vấn đề (Ê-phê-sô 5:28-31; Tít 2:4, 5). Tuy nhiên, nếu chồng bạn kịch liệt phản đối việc bạn thực hành theo tôn giáo của Kinh-thánh thì sao? Có lẽ ông cố cản bạn đi họp tại hội thánh, hoặc ông có thể nói là không muốn vợ đi từ nhà này sang nhà kia nói về tôn giáo. Bạn sẽ làm gì?

4. Người vợ có thể tỏ ra đồng cảm bằng cách nào nếu chồng không có cùng đức tin?

4 Hãy tự hỏi: ‘Tại sao chồng mình cảm thấy như vậy?’ (Châm-ngôn 16:20, 23). Nếu ông không thật sự hiểu bạn làm gì, ông có thể lo cho bạn. Hay là ông có thể bị áp lực của họ hàng bởi vì bạn không còn tham dự vào các phong tục nào đó mà họ cho là quan trọng. Một ông chồng nói: “Ở nhà một mình làm tôi cảm thấy như bị bỏ rơi”. Ông cảm thấy tôn giáo đang cướp đi vợ mình. Thế nhưng tính kiêu hãnh khiến ông không thú nhận là mình cô đơn. Chồng bạn có lẽ cần được trấn an là sự kiện bạn yêu thương Đức Giê-hô-va không có nghĩa là giờ đây bạn yêu chồng ít hơn xưa. Hãy nhớ dành thì giờ với chồng bạn.

5. Người vợ cần phải giữ sự thăng bằng nào khi chồng có đạo khác?

5 Tuy nhiên, có một điều quan trọng hơn mà bạn cần phải xem xét nếu bạn muốn đối phó với vấn đề một cách khôn ngoan. Lời Đức Chúa Trời khuyến khích các người làm vợ: “Hãy vâng-phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy” (Cô-lô-se 3:18). Vì vậy, Kinh-thánh khuyên tránh tinh thần độc lập. Ngoài ra, qua câu “y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy”, Kinh-thánh cho thấy rằng khi vâng phục chồng, người vợ cũng nên lưu tâm đến việc vâng phục Chúa. Phải có sự thăng bằng.

6. Người vợ theo đạo đấng Christ nên nhớ nguyên tắc nào?

6 Đối với tín đồ đấng Christ, việc dự buổi họp của hội thánh và làm chứng cho người khác về đức tin căn cứ trên Kinh-thánh là khía cạnh quan trọng của sự thờ phượng thật mà họ không được bỏ bê (Rô-ma 10:9, 10, 14; Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Thế thì bạn sẽ làm gì nếu một người trực tiếp bảo bạn đừng tuân theo một điều đặc biệt mà Đức Chúa Trời đòi hỏi? Sứ đồ của Giê-su Christ tuyên bố: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Gương của họ tạo ra một tiền lệ được áp dụng cho nhiều tình thế trong cuộc sống. Vì chỉ mình Đức Giê-hô-va mới đáng được thờ phượng, thế thì tình yêu thương đối với ngài có khiến bạn tôn thờ ngài không? Đồng thời lòng yêu thương và kính trọng của bạn đối với chồng có khiến bạn cố gắng thờ phượng Đức Chúa Trời sao cho chồng bạn không cảm thấy khó chịu không? (Ma-thi-ơ 4:10; I Giăng 5:3).

7. Người vợ theo đạo đấng Christ phải cương quyết làm gì?

7 Giê-su lưu ý rằng điều này không phải lúc nào cũng làm được. Ngài báo trước rằng vì gia đình chống đối sự thờ phượng thật, những người tin đạo trong vài gia đình sẽ cảm thấy bị tách ra, như là có một lưỡi gươm tách họ ra khỏi người nhà mình vậy (Ma-thi-ơ 10:34-36). Một người đàn bà ở Nhật đã trải qua vấn đề này. Chị bị chồng chống đối 11 năm. Ông ta đối xử tàn nhẫn với chị và thường khóa cửa không cho chị vào nhà. Nhưng chị bền lòng chịu đựng. Bạn bè trong hội thánh tín đồ đấng Christ giúp đỡ chị. Chị không ngừng cầu nguyện và câu I Phi-e-rơ 2:20 cho chị nhiều khích lệ. Người nữ tín đồ đấng Christ này tin tưởng rằng nếu chị giữ vững niềm tin, thì một ngày nào đó chồng chị sẽ cùng chị phụng sự Đức Giê-hô-va. Và ông đã làm thế.

8, 9. Người vợ nên làm gì để tránh tạo ra những trở ngại không cần thiết cho chồng?

8 Có nhiều điều thực tiễn bạn có thể làm để thay đổi thái độ của người hôn phối bạn. Thí dụ, nếu chồng bạn không chấp nhận tôn giáo bạn, chớ cho ông nguyên nhân chính đáng để than phiền về những phương diện khác. Hãy giữ nhà sạch sẽ. Chăm sóc dáng vẻ bề ngoài của bạn. Hãy bày tỏ lòng yêu thương và sự biết ơn thật nhiều. Thay vì chỉ trích, hãy ủng hộ. Cho chồng thấy là bạn xem ông là chủ gia đình. Chớ trả đũa nếu bạn cảm thấy bị đối xử bất công (I Phi-e-rơ 2:21, 23). Hãy nghĩ đến sự bất toàn của con người, và nếu có sự tranh cãi xảy ra, hãy khiêm nhường xin lỗi trước (Ê-phê-sô 4:26).

9 Chớ để chồng bị trễ cơm vì bạn đi dự buổi họp. Bạn cũng có thể chọn tham gia vào thánh chức tín đồ đấng Christ vào giờ mà chồng bạn không có ở nhà. Điều khôn ngoan là người vợ theo đạo đấng Christ nên tránh giảng đạo cho chồng khi ông không muốn nghe. Tốt hơn, chị nên theo lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính” (I Phi-e-rơ 3:1, 2). Các người vợ theo đạo đấng Christ cố gắng hơn nữa trong việc biểu lộ bông trái của thánh linh Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 5:22, 23).

KHI NGƯỜI VỢ KHÔNG THEO ĐẠO

10. Người chồng tin đạo nên hành động như thế nào đối với vợ nếu vợ theo một đạo khác?

10 Nếu người chồng là tín đồ đấng Christ còn vợ không theo đạo thì sao? Kinh-thánh cho sự hướng dẫn trong trường hợp như thế. Kinh-thánh nói: “Nếu người anh em nào có vợ ngoại-đạo bằng lòng ở đời với mình, thì không nên để-bỏ” (I Cô-rinh-tô 7:12). Kinh-thánh cũng khuyên nhủ người chồng: “Hãy [tiếp tục, NW] yêu vợ mình” (Cô-lô-se 3:19).

11. Người chồng có thể tỏ ra hiểu biết và khéo léo sử dụng quyền làm đầu như thế nào nếu vợ không tin đạo?

11 Nếu vợ khác đạo với bạn, hãy đặc biệt chu đáo tỏ sự tôn trọng vợ và nghĩ đến cảm xúc của vợ. Là người trưởng thành, vợ bạn được tự do để thực hành đức tin mình, dù là bạn không đồng ý với đức tin đó. Lần đầu tiên bạn nói với vợ về đức tin của bạn, đừng nghĩ vợ sẽ bỏ đức tin mà bà có từ lâu nay để chọn theo một tín ngưỡng mới. Thay vì nói thẳng rằng các tục lệ tôn giáo vợ bạn và gia đình vợ xem trọng bấy lâu nay là sai, hãy kiên nhẫn cố gắng dùng Kinh-thánh lý luận với vợ. Có thể là vợ bạn cảm thấy bị bỏ bê nếu bạn dành quá nhiều thì giờ cho các hoạt động của hội thánh. Vợ bạn có thể chống đối việc bạn cố gắng phụng sự Đức Giê-hô-va, nhưng lý do cốt yếu có lẽ đơn giản chỉ là: “Em cần anh dành nhiều thì giờ hơn nữa với em!” Hãy kiên nhẫn. Với lòng quan tâm đầy yêu thương của bạn, với thời gian vợ bạn có thể được giúp để chọn theo sự thờ phượng thật (Cô-lô-se 3:12-14; I Phi-e-rơ 3:8, 9).

DẠY DỖ CON CÁI

12. Dù vợ chồng có đức tin khác nhau, những nguyên tắc Kinh-thánh nào cần được áp dụng trong việc dạy dỗ con cái?

12 Trong gia đình không hợp nhất về tôn giáo thì việc dạy con về đạo đôi khi trở thành một vấn đề. Làm sao áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh? Kinh-thánh giao cho người cha trách nhiệm chính để dạy con, nhưng người mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng (Châm-ngôn 1:8; so sánh Sáng-thế Ký 18:19; Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18, 19). Dù cho người cha không chấp nhận quyền làm đầu của đấng Christ, ông vẫn là chủ gia đình.

13, 14. Nếu chồng cấm vợ dẫn con đến buổi họp của đạo đấng Christ hay là dạy chúng Kinh-thánh, vợ có thể làm gì?

13 Một số người làm cha không tin đạo nhưng không phản đối nếu người mẹ dạy con về vấn đề tôn giáo. Nhưng một số khác phản đối. Nếu chồng bạn không cho phép bạn dẫn con đi dự buổi họp hội thánh hay là thậm chí còn cấm bạn dạy chúng học Kinh-thánh tại nhà thì sao? Bây giờ bạn phải giữ một số bổn phận cho thăng bằng—bổn phận với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, với người chồng làm đầu bạn, và với con cái yêu quí của bạn. Làm sao bạn có thể dung hòa những bổn phận này?

14 Chắc chắn bạn sẽ cầu nguyện về vấn đề này (Phi-líp 4:6, 7; I Giăng 5:14). Nhưng cuối cùng, bạn là người phải quyết định nên hành động theo cách nào. Nếu bạn cứ làm một cách khéo léo, nói rõ cho chồng biết bạn không thách thức quyền gia trưởng của ông, thì có thể cuối cùng ông bớt chống đối. Dù chồng bạn có cấm bạn dẫn con cái đi dự buổi họp hoặc dạy Kinh-thánh cho chúng một cách chính thức, bạn vẫn có thể dạy chúng được. Qua cuộc nói chuyện hằng ngày với chúng và nêu gương tốt, bạn hãy cố gắng ghi tạc vào lòng con cái để chúng có một mức độ kính mến Đức Giê-hô-va, tin nơi Lời ngài, kính trọng cha mẹ—kể cả đối với cha chúng—quan tâm trìu mến đối với người khác, và quí trọng thói quen làm việc tận tâm. Với thời gian, người cha có thể chú ý thấy kết quả tốt và có thể quí trọng giá trị những sự cố gắng của bạn (Châm-ngôn 23:24).

15. Người cha tin đạo có trách nhiệm gì trong việc giáo dục con cái?

15 Nếu bạn là người chồng tin đạo nhưng vợ bạn không tin, thì bạn phải gánh lấy trách nhiệm nuôi nấng con cái theo “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4). Trong khi làm thế, dĩ nhiên bạn nên tử tế, trìu mến và phải lẽ khi đối xử với vợ bạn.

NẾU ĐẠO CỦA EM KHÁC VỚI ĐẠO CỦA CHA MẸ

16, 17. Con cái phải nhớ nguyên tắc Kinh-thánh nào nếu chấp nhận theo đạo khác với đạo của cha mẹ?

16 Ngay cả con cái ở tuổi vị thành niên có quan điểm tôn giáo khác với cha mẹ không còn là chuyện hiếm có nữa. Phải chăng em ở trong số những người đó? Nếu thế thì Kinh-thánh có lời khuyên cho em.

17 Lời Đức Chúa Trời nói: “Hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi” (Ê-phê-sô 6:1, 2). Điều đó bao gồm sự kính trọng cha mẹ một cách lành mạnh. Tuy nhiên, trong khi vâng lời cha mẹ là điều quan trọng, việc giữ tròn chữ hiếu không có nghĩa là xem thường Đức Chúa Trời thật. Khi đứa con đủ lớn để bắt đầu quyết định một mình, nó chịu trách nhiệm nhiều hơn về hành động của nó. Điều này không những đúng đối với luật pháp ngoài đời nhưng còn đặc biệt đúng đối với luật pháp Đức Chúa Trời. Kinh-thánh nói: “Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:12).

18, 19. Nếu con cái có đạo khác với đạo của cha mẹ, làm sao chúng có thể giúp cha mẹ hiểu đạo mình rõ hơn?

18 Nếu tín ngưỡng của em khiến em thay đổi nếp sống, hãy cố hiểu quan điểm của cha mẹ em. Cha mẹ có thể hài lòng nếu nhờ việc học hỏi và áp dụng sự dạy dỗ của Kinh-thánh mà em trở nên lễ phép hơn, vâng lời hơn, siêng năng làm những gì cha mẹ bảo em làm. Tuy nhiên, nếu đức tin mới của em cũng khiến em từ bỏ sự tin tưởng và tục lệ mà cha mẹ quí trọng, cha mẹ có thể cảm thấy em bác bỏ di sản mà cha mẹ cố lưu truyền cho em. Cha mẹ cũng có thể lo cho hạnh phúc của em nếu điều em đang làm không được cộng đồng ưa thích, hoặc sợ điều ấy khiến em không chú ý theo đuổi những gì cha mẹ cho là có thể giúp em sung túc về vật chất. Tính tự ái cũng có thể là một điều gây trở ngại. Cha mẹ có thể cảm thấy trên thực tế em nói là mình đúng còn cha mẹ thì sai.

19 Do đó, hãy cố gắng sắp xếp càng sớm càng tốt để cha mẹ em gặp vài trưởng lão hoặc các Nhân chứng thành thục trong hội thánh địa phương. Hãy khuyến khích cha mẹ đến Phòng Nước Trời để nghe tận tai những gì được bàn luận và thấy tận mắt Nhân-chứng Giê-hô-va là những người như thế nào. Với thời gian, thái độ cha mẹ em có thể mềm dịu lại. Ngay cả khi cha mẹ cương quyết chống đối, vứt bỏ các ấn phẩm giúp hiểu Kinh-thánh và cấm con cái dự buổi họp của đạo đấng Christ, thì thông thường con cái có dịp để đọc ở một nơi khác, nói với các bạn tín đồ đấng Christ, làm chứng và giúp những người khác khi có dịp tiện. Em cũng có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Một số người trẻ phải đợi đến lúc đủ lớn để ở riêng mới có thể làm nhiều hơn. Tuy nhiên, dù tình trạng gia đình ra sao đi nữa, chớ nên quên “tôn-kính cha mẹ”. Em hãy góp phần giữ hòa thuận trong nhà (Rô-ma 12:17, 18). Trên hết mọi sự, hãy mưu cầu sự hòa thuận với Đức Chúa Trời.

SỰ THỬ THÁCH CỦA VIỆC LÀM CHA HAY MẸ KẾ

20. Con cái có thể có những cảm giác nào nếu có cha hay mẹ kế?

20 Trong nhiều gia đình, tình trạng đưa đến sự thử thách lớn nhất không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề quan hệ ruột thịt. Nhiều gia đình ngày nay có con riêng qua cuộc hôn nhân trước của cha hay mẹ hoặc của cả hai người. Trong gia đình như thế, con cái có thể cảm thấy ghen tị và bực tức hoặc có lẽ bị dằng co về sự trung thành. Kết quả là chúng có thể cự tuyệt cha hay mẹ kế trong khi họ thành thật cố gắng để làm cha mẹ tốt. Điều gì có thể giúp gia đình như thế được thành công?

Dù là cha mẹ ruột hay cha mẹ kế, hãy tin cậy nơi sự hướng dẫn của Kinh-thánh

21. Dù ở trong hoàn cảnh đặc biệt, tại sao cha mẹ kế nên trông cậy nơi nguyên tắc trong Kinh-thánh để được giúp đỡ?

21 Người ta nhận thấy là dù trong hoàn cảnh đặc biệt, những nguyên tắc Kinh-thánh giúp các gia đình khác thành công cũng áp dụng được trong trường hợp này. Bỏ qua những nguyên tắc đó dường như tạm thời làm vấn đề được nhẹ bớt nhưng có thể sẽ đưa đến sự đau lòng về sau (Thi-thiên 127:1; Châm-ngôn 29:15). Hãy vun trồng sự khôn ngoan và thông sáng—khôn ngoan để áp dụng nguyên tắc của Đức Chúa Trời khi nghĩ đến lợi ích lâu dài, còn thông sáng để nhận biết tại sao người nhà nói và làm những điều nào đó. Chúng ta cũng cần phải có tính đồng cảm (Châm-ngôn 16:21; 24:3; I Phi-e-rơ 3:8).

22. Tại sao con cái có thể thấy khó chấp nhận cha hay mẹ kế?

22 Nếu bạn là cha hay mẹ kế, bạn có lẽ nhớ lại là khi còn là bạn của gia đình thì những đứa trẻ có lẽ tiếp đón bạn. Nhưng khi bạn trở thành cha hay mẹ kế của chúng, thì thái độ của chúng có thể thay đổi. Hãy nhớ là cha hay mẹ ruột không còn ở với chúng nữa, nên chúng có lẽ bị dằng co về sự trung thành, có thể cảm thấy là bạn muốn lấy mất tình thương mà chúng dành cho người cha hay mẹ vắng mặt. Đôi khi chúng có thể thẳng thừng nhắc bạn nhớ là bạn không phải là cha của chúng hay mẹ của chúng. Các lời đó làm bạn đau lòng. Nhưng, “chớ vội giận” (Truyền-đạo 7:9). Cần có sự thông sáng và tính đồng cảm để đối phó với các cảm xúc của con cái.

23. Làm sao sửa trị con cái trong gia đình có con riêng?

23 Những đức tính đó rất cần yếu khi sửa trị con cái. Sự sửa trị kiên định rất quan trọng (Châm-ngôn 6:20; 13:1). Vì tất cả con cái đều không như nhau, có lẽ phải sửa trị mỗi trường hợp mỗi khác. Một số cha mẹ kế thấy rằng ít ra mới đầu nên để cha hay mẹ ruột sửa trị thì tốt hơn. Tuy nhiên, điều cần thiết là cả cha lẫn mẹ đều đồng ý về việc sửa trị và cứ thế mà làm, không thiên vị đứa con ruột hơn con ghẻ (Châm-ngôn 24:23). Sự vâng lời là quan trọng, nhưng cần thông cảm cho sự bất toàn. Chớ phản ứng quá gay gắt. Hãy sửa trị bằng tình thương (Cô-lô-se 3:21).

24. Điều gì có thể giúp tránh vấn đề về luân lý giữa những người khác phái trong gia đình có con riêng?

24 Gia đình ngồi bàn luận với nhau có thể giúp tránh nhiều phiền não. Các cuộc bàn luận này có thể giúp gia đình tập trung vào vấn đề quan trọng nhất trong đời sống. (So sánh Phi-líp 1:9-11). Bàn luận cũng có thể giúp mỗi người hiểu làm sao mình có thể góp phần trong việc đạt đến mục tiêu gia đình. Ngoài ra, sự bàn luận thẳng thắn có thể giúp tránh được những vấn đề về luân lý. Con gái cần hiểu làm sao ăn mặc cho khiêm tốn và có cử chỉ đứng đắn khi ở trước mặt cha kế và các con trai của ông, còn con trai cần được khuyên bảo để có hạnh kiểm đứng đắn đối với mẹ kế và các con gái của bà (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8).

25. Đức tính nào có thể giúp gia đình có con riêng giữ sự hòa thuận?

25 Khi đối phó với sự thử thách đặc biệt trong việc làm cha mẹ kế, hãy kiên nhẫn. Cần thời gian để phát triển mối quan hệ mới. Chiếm được lòng yêu thương và kính trọng của con cái không ruột thịt với mình có thể là một việc rất khó khăn, nhưng có thể làm được. Có một tấm lòng khôn ngoan và thông sáng, đi đôi với ước muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va, là bí quyết giúp gia đình có con riêng được hòa thuận (Châm-ngôn 16:20). Những đức tính đó cũng có thể giúp bạn đương đầu với những tình thế khác.

THEO ĐUỔI VẬT CHẤT CÓ CHIA RẼ GIA ĐÌNH BẠN KHÔNG?

26. Vấn đề và thái độ đối với của cải vật chất có thể chia rẽ gia đình trong những cách nào?

26 Vấn đề và thái độ đối với của cải vật chất có thể chia rẽ gia đình theo nhiều cách. Điều đáng buồn là một số gia đình bị xáo trộn bởi cãi lẫy về tiền bạc và ước muốn làm giàu—hay là muốn giàu hơn một chút. Sự chia rẽ có thể nẩy sinh khi cả hai vợ chồng đều làm việc và có thái độ “tiền anh, tiền em”. Dù tránh được sự cãi lẫy, nhưng khi cả hai đều đi làm, họ thấy là mình còn ít thì giờ cho nhau. Trên thế giới có chiều hướng đang gia tăng là các người cha sống ở một nơi xa gia đình một thời gian dài—nhiều tháng hoặc nhiều năm—để kiếm nhiều tiền hơn là họ có thể kiếm được ở nhà. Điều này đưa đến những vấn đề rất nghiêm trọng.

27. Một số nguyên tắc nào có thể giúp gia đình bị áp lực tài chánh?

27 Không luật lệ nào có thể được đặt ra để đối phó với những tình trạng này, vì những gia đình khác nhau phải đương đầu với các áp lực và nhu cầu khác nhau. Nhưng lời khuyên của Kinh-thánh có thể giúp. Thí dụ, Châm-ngôn 13:10 (NW) cho biết rằng đôi khi có thể tránh được sự khó khăn vô ích nhờ “thảo luận với nhau”. Không những điều này bao hàm việc nói lên quan điểm của mình mà còn tìm kiếm lời khuyên và hỏi cho biết quan điểm của người kia nữa. Ngoài ra, lập ngân khoản chi tiêu rõ ràng có thể giúp liên kết những cố gắng của gia đình. Đôi khi cả hai vợ chồng cần đi làm—có lẽ tạm thời—để trả các khoản chi tiêu thêm, nhất là khi có con cái hoặc phải cấp dưỡng người khác. Khi ở trong trường hợp này, người chồng có thể trấn an vợ là anh vẫn có thì giờ cho vợ. Anh cùng con cái có thể yêu thương giúp làm các việc mà có lẽ vợ thường làm một mình (Phi-líp 2:1-4).

28. Giữ theo lời nhắc nhở nào sẽ giúp gia đình tiến đến sự hợp nhất?

28 Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trong khi tiền bạc rất cần trong hệ thống này, nó không thể mang lại hạnh phúc. Tiền bạc chắc chắn không cho sự sống (Truyền-đạo 7:12). Thật ra chú trọng đến vật chất quá có thể làm hại thiêng liêng và đạo đức (I Ti-mô-thê 6:9-12). Thật là tốt hơn biết bao nếu tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của ngài trước hết, với lòng tin chắc chắn là Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho chúng ta trong nỗ lực chu cấp những điều cần thiết cho đời sống! (Ma-thi-ơ 6:25-33; Hê-bơ-rơ 13:5). Bằng cách đặt các lợi ích thiêng liêng lên hàng đầu và mưu cầu sự hòa thuận với Đức Chúa Trời trước hết, bạn có thể thấy rằng dù có lẽ bị chia rẽ bởi hoàn cảnh nào đó, gia đình bạn cũng sẽ trở nên hợp nhất thực sự trong những cách quan trọng nhất.