Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 1

“Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta”

“Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta”

1, 2. (a) Bạn muốn nêu lên những câu hỏi nào với Đức Chúa Trời? (b) Môi-se đã hỏi Đức Chúa Trời điều gì?

BẠN có tưởng tượng được mình đang nói chuyện với Đức Chúa Trời không? Chính ý nghĩ đó gợi lên niềm kính sợ—Chúa Tối Thượng hoàn vũ nói với bạn! Thoạt tiên bạn ngần ngại, nhưng sau đó bạn trả lời. Ngài lắng nghe, Ngài đáp lời, và Ngài còn làm bạn cảm thấy thoải mái để nêu lên bất cứ câu hỏi nào. Thế thì bạn sẽ đặt câu hỏi nào?

2 Thời xưa có một người đàn ông ở đúng vào hoàn cảnh ấy. Ông tên là Môi-se. Tuy vậy, câu hỏi ông nêu lên với Đức Chúa Trời có thể khiến bạn ngạc nhiên. Ông không hỏi về bản thân, về tương lai mình, hoặc ngay cả về cảnh ngộ khốn khổ của nhân loại. Đúng hơn, ông đã xin Đức Chúa Trời cho biết danh Ngài. Có thể bạn thấy câu hỏi ấy kỳ lạ, vì Môi-se đã biết danh riêng của Đức Chúa Trời rồi. Vậy, câu hỏi của ông hẳn phải mang ý nghĩa sâu xa hơn. Quả thật, đó là câu hỏi quan trọng nhất mà Môi-se đã có thể nêu lên. Câu trả lời ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Câu ấy có thể giúp bạn thực hiện một bước trọng yếu để đến gần Đức Chúa Trời. Như thế nào? Chúng ta hãy xem xét cuộc nói chuyện đáng chú ý ấy.

3, 4. Những sự kiện nào dẫn đến việc Môi-se nói chuyện với Đức Chúa Trời, và ý chính của cuộc nói chuyện ấy là gì?

3 Môi-se bấy giờ 80 tuổi. Tính đến lúc đó, ông đã bị lưu đày bốn thập niên, xa dân tộc mình, tức dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ tại xứ Ê-díp-tô. Một ngày nọ, khi đang trông nom bầy chiên của cha vợ, ông thấy một hiện tượng lạ kỳ. Một bụi gai cháy, nhưng không tàn. Bụi gai ấy cứ cháy sáng rực như ngọn lửa hiệu bên triền núi. Môi-se tiến đến gần để quan sát. Hẳn ông giật mình kinh ngạc biết bao khi nghe tiếng nói phát ra từ giữa ngọn lửa! Qua thiên sứ làm phát ngôn viên, Đức Chúa Trời lúc đó nói  chuyện với Môi-se một hồi lâu. Và có thể bạn đã biết, Đức Chúa Trời giao một sứ mạng cho Môi-se, lúc bấy giờ đang do dự. Đó là, rời cuộc sống bình yên, trở về xứ Ê-díp-tô để giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1-12.

4 Bấy giờ Môi-se có thể hỏi Đức Chúa Trời bất cứ điều gì. Tuy nhiên, hãy lưu ý câu hỏi mà ông chọn: “Tôi sẽ đi đến dân Y-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Đức Chúa Trời của tổ-phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là chi? thì tôi nói với họ làm sao?”—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13.

5, 6. (a) Câu hỏi của Môi-se dạy chúng ta lẽ thật tuy đơn giản nhưng trọng yếu nào? (b) Người ta đã làm điều gì đáng khiển trách với danh riêng của Đức Chúa Trời? (c) Tại sao việc Đức Chúa Trời cho loài người biết về danh Ngài là điều quan trọng đến thế?

5 Trước tiên, câu hỏi ấy dạy chúng ta biết Đức Chúa Trời có một danh. Chúng ta không được xem thường lẽ thật đơn giản này. Nhưng nhiều người đã làm thế. Danh riêng của Đức Chúa Trời đã bị loại khỏi vô số bản dịch Kinh Thánh và thay thế bằng những tước vị như “Chúa” và “Đức Chúa Trời”. Đây là một trong những điều đáng buồn và đáng khiển trách nhất trong số những việc làm nhân danh tôn giáo. Suy cho cùng, khi gặp một người lần đầu tiên, bạn làm gì? Bạn không hỏi tên người đó sao? Tìm hiểu Đức Chúa Trời cũng tương tự thế. Ngài không phải là thực thể vô danh, lạnh lùng, không thể biết hoặc hiểu được. Dù vô hình, Ngài là Đấng có thật, và Ngài có một danh—Giê-hô-va.

6 Hơn nữa, khi Đức Chúa Trời cho biết danh riêng của Ngài, sắp có điều gì phi thường và hào hứng xảy ra. Ngài đang mời chúng ta tìm hiểu về Ngài. Ngài muốn chúng ta thực hiện một lựa chọn tốt nhất trong đời—đến gần Ngài. Nhưng Đức Giê-hô-va không những cho chúng ta biết danh Ngài, mà còn dạy chúng ta về Đấng mang danh ấy.

Ý nghĩa của danh Đức Chúa Trời

7. (a) Danh riêng của Đức Chúa Trời được hiểu theo nghĩa nào? (b) Môi-se thật sự muốn biết gì khi ông hỏi danh của Đức Chúa Trời?

7 Đức Giê-hô-va tự chọn danh của Ngài, một danh có ý nghĩa  phong phú. Danh “Giê-hô-va” được hiểu là “Đấng làm cho trở thành”. Ngài là Đấng có một không hai trong vũ trụ, vì Ngài làm cho muôn vật hiện hữu và làm cho mọi ý định của Ngài thành hiện thực. Chỉ điều đó cũng đủ làm chúng ta thán phục Ngài. Nhưng danh Đức Chúa Trời còn có nghĩa nào khác không? Câu hỏi của Môi-se cho thấy ông muốn biết thêm. Như bạn thấy, ông đã biết Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa và cũng biết danh Ngài. Danh Đức Chúa Trời không phải là điều mới lạ. Trước đó, người ta đã dùng danh ấy hàng thế kỷ. Quả thật, khi hỏi danh của Đức Chúa Trời, Môi-se muốn hỏi về Đấng mang danh ấy. Như thể ông đã hỏi: ‘Tôi có thể nói gì về Ngài với dân Y-sơ-ra-ên nhằm xây dựng đức tin họ nơi Ngài và thuyết phục họ rằng Ngài sẽ thật sự giải cứu họ?’

8, 9. (a) Đức Giê-hô-va trả lời thế nào cho câu hỏi của Môi-se, và có điều gì không đúng về cách người ta thường dịch câu trả lời của Ngài? (b) Câu “Ta sẽ chứng tỏ ta là Đấng mà ta sẽ chứng tỏ” có nghĩa gì?

8 Trong câu trả lời, Đức Giê-hô-va tiết lộ một khía cạnh tuyệt diệu về cá tính của Ngài, là điều có liên quan đến ý nghĩa của danh Ngài. Ngài nói với Môi-se: “Ta sẽ chứng tỏ ta là Đấng mà ta sẽ chứng tỏ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, NW) Nhiều bản dịch Kinh Thánh dịch câu này: “Ta là Đấng tự-hữu hằng hữu”. Nhưng những lời dịch thận trọng cho thấy Đức Chúa Trời không chỉ xác nhận Ngài hiện hữu. Thật ra, Đức Giê-hô-va đang dạy Môi-se—và tất cả chúng ta—rằng Ngài sẽ “chứng tỏ”, hay chọn trở thành, bất cứ điều gì cần thiết để thực hiện các lời hứa của Ngài. Bản dịch của J. B. Rotherham diễn tả lời này một cách rõ ràng: “Ta sẽ trở thành bất cứ điều gì ta muốn”. Một chuyên gia về Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ giải thích cụm từ ấy như sau: “Trước bất cứ hoàn cảnh hay nhu cầu nào..., Đức Chúa Trời sẽ ‘trở thành’ giải pháp cho nhu cầu đó”.

9 Điều này có nghĩa gì đối với dân Y-sơ-ra-ên? Dù họ đối diện với bất kỳ trở ngại nào, dù họ lâm vào cảnh ngộ khó khăn đến đâu, Đức Giê-hô-va sẽ trở thành bất cứ điều gì cần thiết để giải thoát dân ấy khỏi tình trạng nô lệ và đưa họ vào Đất Hứa. Chắc chắn danh ấy gợi lên trong lòng họ niềm tin cậy nơi Đức Chúa  Trời. Danh ấy cũng có tác dụng như vậy trong lòng chúng ta ngày nay. (Thi-thiên 9:10) Tại sao?

10, 11. Làm thế nào danh của Đức Giê-hô-va gợi lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh một người Cha vạn năng và tốt nhất có thể hình dung? Hãy minh họa.

10 Để minh họa: Các bậc cha mẹ biết họ phải linh động và thích ứng ra sao trong việc chăm lo con cái. Nội trong một ngày, cha hay mẹ có thể cần phải đảm nhiệm vai trò y tá, người làm bếp, thầy cô giáo, người thi hành kỷ luật, người phân xử và nhiều vai trò khác. Nhiều người cảm thấy choáng ngợp trước quá nhiều vai trò mà họ có bổn phận phải làm tròn. Họ nhận thấy con cái tin tưởng tuyệt đối nơi cha mẹ. Chúng không bao giờ nghi ngờ khả năng của cha hoặc mẹ có thể làm cho vết thương bớt đau, dàn xếp mọi cuộc tranh cãi, sửa chữa bất cứ món đồ chơi nào bị hỏng, và giải đáp bất kỳ câu hỏi nào chợt nảy sinh trong trí tò mò vô tận của chúng. Một số bậc cha mẹ cảm thấy thiếu khả năng và đôi khi nản lòng vì những hạn chế của mình. Họ cảm thấy quá thiếu sót, không làm tròn được nhiều vai trò trong số những vai trò này.

11 Đức Giê-hô-va cũng là người Cha đầy yêu thương. Song, Ngài có thể trở nên bất cứ điều gì trong phạm vi những tiêu chuẩn hoàn toàn của Ngài để chăm lo cho con cái trên đất một cách tốt nhất. Thế nên, danh của Ngài, Giê-hô-va, gợi lên trong trí chúng ta hình ảnh của một người Cha tốt nhất. (Gia-cơ 1:17) Chẳng bao lâu Môi-se và những người Do thái trung thành khác đã nghiệm thấy Đức Giê-hô-va hành động đúng với danh Ngài. Họ kính sợ chứng kiến Ngài tự làm cho mình trở thành Đấng Chỉ Huy Quân Sự vô địch, Đấng làm chủ tất cả các hiện tượng thiên nhiên, Đấng Lập Luật, Đấng Đoán Xét, Đấng Kiến Trúc, Đấng Cung Cấp thực phẩm và nước, Đấng Bảo Quản quần áo, giày dép—và nhiều vai trò vô song khác.

12. Thái độ của Pha-ra-ôn đối với danh của Đức Giê-hô-va khác với Môi-se thế nào?

12 Vậy, Đức Chúa Trời đã cho biết về danh riêng của Ngài. Ngài tiết lộ những điều tuyệt diệu về mình, là Đấng mang danh ấy, thậm chí Ngài chứng tỏ rằng những gì Ngài nói về bản thân là đúng. Rõ ràng, Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu biết về Ngài.  Chúng ta đáp ứng thế nào? Môi-se muốn hiểu biết về Đức Chúa Trời. Ước muốn mãnh liệt ấy đã chi phối cuộc đời Môi-se và đưa ông đến rất gần Cha trên trời. (Dân-số Ký 12:6-8; Hê-bơ-rơ 11:27) Đáng tiếc là ít người đương thời với ông có cùng ước muốn ấy. Khi Môi-se nhắc đến danh Đức Giê-hô-va với Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô kiêu ngạo ấy hỏi vặn: “Giê-hô-va là ai?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:2) Pha-ra-ôn không muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va. Trái lại, ông ta nhạo báng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, xem Ngài không quan trọng hoặc không đáng để ý đến. Quan điểm ấy ngày nay cũng rất phổ biến. Nó làm cho người ta không nhận biết lẽ thật quan trọng nhất trong các lẽ thật—Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng.

Chúa Tối Thượng Giê-hô-va

13, 14. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va mang nhiều tước vị trong Kinh Thánh, và một số tước vị ấy là gì? ( Xem khung nơi trang 14). (b) Tại sao chỉ một mình Đức Giê-hô-va xứng đáng được gọi là “Chúa Tối Thượng”?

13 Đức Giê-hô-va thật vạn năng, rất dễ thích nghi, cho nên Ngài xứng đáng mang nhiều danh hiệu khác nhau trong Kinh Thánh. Những tước vị này không lấn át danh riêng của Đức Chúa Trời, nhưng trái lại dạy cho chúng ta hiểu danh ấy biểu trưng điều gì. Thí dụ, Ngài được gọi là “Chúa Tối Thượng Giê-hô-va”. Tước vị cao quý này xuất hiện hàng trăm lần trong Kinh Thánh nguyên ngữ, cho chúng ta biết về chức vị của Đức Giê-hô-va. Chỉ một mình Ngài có quyền làm Đấng Cai Trị cả vũ trụ. Hãy suy xét xem tại sao.

14 Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa có một không hai. Khải-huyền 4:11 nói: “Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”. Không ai khác xứng đáng được khen bằng những từ cao trọng này. Mọi vật trong vũ trụ đều do Đức Giê-hô-va tạo nên! Chắc chắn, Đức Giê-hô-va xứng đáng được tôn quý, quyền năng, và vinh hiển; những điều này thuộc về Chúa Tối Thượng và Đấng Tạo Hóa muôn vật.

15. Tại sao Đức Giê-hô-va được gọi là “Vua muôn đời”?

 15 Một tước vị khác được dành riêng cho Đức Giê-hô-va là “Vua muôn đời”. (1 Ti-mô-thê 1:17; Khải-huyền 15:3) Điều này có nghĩa gì? Trí tuệ giới hạn của chúng ta khó nhận thức thấu đáo điều này, nhưng Đức Giê-hô-va tồn tại muôn đời về cả hai chiều—quá khứ và tương lai. Thi-thiên 90:2 nói: “Từ trước vô-cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”. Thế nên, Đức Giê-hô-va không có sự khởi đầu; Ngài luôn luôn tồn tại. Ngài xứng đáng được gọi là “Đấng Thượng-Cổ”—Ngài đã hiện hữu từ muôn đời, trước bất cứ ai hoặc bất cứ vật gì được dựng nên trong vũ trụ! (Đa-ni-ên 7:9, 13, 22) Ai có thể chính đáng chất vấn Ngài về quyền làm Chúa Tối Thượng?

16, 17. (a) Tại sao chúng ta không thể nhìn thấy Đức Giê-hô-va, và tại sao chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên? (b) Theo ý nghĩa nào Đức Giê-hô-va có thật hơn bất cứ vật gì chúng ta thấy và sờ được?

16 Tuy nhiên, như Pha-ra-ôn đã làm, một số người nêu nghi vấn về quyền nói trên. Một phần của vấn đề là loài người bất toàn tin cậy quá nhiều vào những điều mắt họ thấy được. Chúng ta không thể thấy Chúa Tối Thượng. Ngài là thần linh, mắt trần không thể thấy. (Giăng 4:24) Ngoài ra, người trần mắt thịt nào đứng ngay trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời thì sẽ chết. Chính Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se: “Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20; Giăng 1:18.

17 Chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên về điều ấy. Môi-se nhìn thấy chỉ một phần sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, qua trung gian một thiên sứ. Điều ấy có tác dụng gì? Gương mặt của Môi-se “sáng rực” một thời gian sau đó. Dân Y-sơ-ra-ên sợ, không dám nhìn thẳng vào mặt Môi-se. (Xuất Ê-díp-tô-Ký 33:21-23; 34:5-7, 29, 30) Vậy, chắc chắn không ai có thể nhìn thấy chính Chúa Tối Thượng với tất cả sự vinh hiển của Ngài! Phải chăng điều này nghĩa là Ngài không có thật như những gì chúng ta có thể thấy và sờ được? Không, chúng ta sẵn sàng chấp nhận thực tại của nhiều điều mắt không thấy được—chẳng hạn như gió, sóng vô tuyến và tư tưởng. Hơn nữa,  Đức Giê-hô-va là vĩnh viễn, không bị ảnh hưởng bởi thời gian, ngay cả vô số tỉ năm! Theo ý nghĩa đó, Ngài có thật hơn bất cứ những gì chúng ta thấy hoặc sờ được, bởi vì những vật thuộc lĩnh vực thể chất chịu ảnh hưởng của quá trình lão hóa và mục nát. (Ma-thi-ơ 6:19) Tuy nhiên, chúng ta có nên nghĩ rằng Ngài chỉ là một lực trừu tượng nào đó, không có cá tính hoặc là một Cội Nguồn mơ hồ không? Chúng ta hãy xem.

Một Đức Chúa Trời có cá tính

18. Ê-xê-chi-ên được ban cho sự hiện thấy nào, và bốn gương mặt của những “vật sống” gần bên Đức Giê-hô-va tượng trưng gì?

18 Dù chúng ta không thể thấy Đức Chúa Trời nhưng Kinh Thánh có những đoạn văn gây phấn khởi, cho phép chúng ta thoáng nhìn vào chính bên trong trời. Chương đầu tiên của sách Ê-xê-chi-ên là một thí dụ. Ê-xê-chi-ên được ban cho một sự hiện thấy; ông thấy một cỗ xe lớn tượng trưng cho tổ chức của Đức Giê-hô-va ở trên trời. Điều đặc biệt gây ấn tượng là sự miêu tả về những tạo vật thần linh mạnh mẽ chung quanh Đức Giê-hô-va. (Ê-xê-chi-ên 1:4-10) Những “vật sống” này liên quan chặt chẽ với Đức Giê-hô-va, và diện mạo của các sinh vật ấy cho chúng ta biết một số điều quan trọng về Đức Chúa Trời mà họ phụng sự. Mỗi vật sống có bốn gương mặt—mặt bò đực, mặt sư tử, mặt chim ưng và mặt người. Những gương mặt này xem chừng tượng trưng cho bốn đức tính nổi bật trong cá tính Đức Giê-hô-va.—Khải-huyền 4:6-8, 10.

19. Đức tính nào được tượng trưng bởi (a) mặt bò đực? (b) mặt sư tử? (c) mặt chim ưng? (d) mặt người?

19 Trong Kinh Thánh, bò đực thường tượng trưng cho sức mạnh, và quả thích hợp vì nó là con vật vô cùng mạnh. Mặt khác, sư tử thường biểu trưng cho công lý, vì công lý chân chính đòi hỏi sự can đảm, một đặc tính nổi bật của sư tử. Chim ưng có tiếng là mắt tinh, có thể nhìn thấy cả những vật nhỏ xíu xa hàng dặm. Vì vậy mặt chim ưng tượng trưng thích hợp cho sự khôn ngoan, nhìn xa trông rộng của Đức Chúa Trời. Còn mặt người thì sao? Con người được tạo nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, đặc biệt có khả năng phản ánh đức  tính nổi bật của Ngài—tình yêu thương. (Sáng-thế Ký 1:26) Những đức tính này trong cá tính Đức Giê-hô-va—quyền năng, công bình, khôn ngoan, và yêu thương—được nhấn mạnh nhiều lần trong Kinh Thánh đến mức có thể được gọi là những đức tính chính của Đức Chúa Trời.

20. Chúng ta có cần lo lắng rằng cá tính của Đức Giê-hô-va có thể đã thay đổi không, và tại sao bạn trả lời thế?

20 Chúng ta có nên lo lắng rằng Đức Chúa Trời có thể đã thay đổi trong hàng ngàn năm kể từ khi Ngài được miêu tả trong Kinh Thánh không? Không, cá tính của Đức Chúa Trời không thay đổi. Ngài nói: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi”. (Ma-la-chi 3:6) Thay vì thay đổi tùy hứng, Đức Giê-hô-va tỏ ra là một người Cha lý tưởng qua cách đáp ứng tùy theo mỗi trường hợp. Ngài biểu lộ những đức tính thích hợp nhất của cá tính Ngài. Trong bốn đức tính trên, yêu thương là đức tính trội hơn cả. Đức tính này thể hiện trong mọi việc Đức Chúa Trời làm. Ngài sử dụng quyền năng, sự công bình và sự khôn ngoan một cách yêu thương. Thật vậy, Kinh Thánh cho biết một điều phi thường về Đức Chúa Trời và đức tính này. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Hãy chú ý Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời sự  yêu thương hoặc Đức Chúa Trời yêu thương. Thay vì thế, Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời sự yêu thương. Tình yêu thương, chính bản chất của Đức Chúa Trời, thôi thúc mọi hành động của Ngài.

“Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta”

21. Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi biết rõ hơn về những đức tính của Đức Giê-hô-va?

21 Bạn có bao giờ thấy một đứa trẻ chỉ vào cha mình cho các bạn của nó, rồi ngây thơ nói bằng giọng vui mừng lẫn hãnh diện: “Bố mình đấy”? Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có mọi lý do để có cảm nghĩ về Đức Giê-hô-va tương tự như vậy. Kinh Thánh tiên tri về một thời kỳ khi những người trung thành sẽ reo lên: “Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta”. (Ê-sai 25:8, 9) Càng hiểu biết sâu sắc hơn về các đức tính của Đức Giê-hô-va, bạn càng cảm thấy Ngài là người Cha tốt nhất mình có thể ao ước.

22, 23. Kinh Thánh miêu tả Cha trên trời của chúng ta như thế nào, và làm sao chúng ta biết Ngài muốn chúng ta gần gũi Ngài?

22 Người Cha này không lạnh nhạt, hờ hững, hay xa cách—ngược lại với những điều các nhà tu khổ hạnh và các triết gia dạy về Ngài. Chúng ta chắc chắn chẳng muốn đến gần một Đức Chúa Trời lạnh lùng, nhưng Kinh Thánh không miêu tả Cha trên trời của chúng ta như thế. Ngược lại, Kinh Thánh gọi Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”. (1 Ti-mô-thê 1:11) Ngài có cả những xúc cảm mạnh mẽ lẫn dịu dàng. Ngài “buồn-rầu trong lòng” khi các tạo vật thông minh vi phạm những chỉ dẫn Ngài lập ra vì hạnh phúc của họ. (Sáng-thế Ký 6:6; Thi-thiên 78:41) Nhưng khi hành động khôn ngoan, phù hợp với Lời Ngài, chúng ta làm Ngài “vui lòng”.—Châm-ngôn 27:11.

23 Cha của chúng ta muốn chúng ta gần gũi Ngài. Lời Ngài khuyến giục chúng ta “hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”. (Công-vụ 17:27) Nhưng làm thế nào người phàm có thể đến gần Chúa Tối Thượng vũ trụ được?