Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 2

Bạn có thể thật sự “đến gần Đức Chúa Trời” không?

Bạn có thể thật sự “đến gần Đức Chúa Trời” không?

1, 2. (a) Điều gì có vẻ viển vông đối với nhiều người, nhưng Kinh Thánh cam đoan gì với chúng ta? (b) Áp-ra-ham được ban cho mối quan hệ mật thiết nào, và tại sao?

BẠN sẽ cảm thấy thế nào nếu Đấng Tạo Hóa của trời và đất nói về bạn: “Đây là bạn ta”? Đối với nhiều người, điều này có vẻ viển vông. Suy cho cùng, chúng ta chỉ là người phàm, làm sao có thể kết bạn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời được? Tuy nhiên, Kinh Thánh cam đoan rằng chúng ta quả có thể đến gần Đức Chúa Trời.

2 Áp-ra-ham thời xưa là người đã có tình bạn khắng khít như thế. Đức Giê-hô-va gọi tộc trưởng ấy là “bạn ta”. (Ê-sai 41:8) Thật vậy, Đức Giê-hô-va xem Áp-ra-ham là bạn thân. Áp-ra-ham được ban cho mối quan hệ mật thiết này vì ông “tin Đức Chúa Trời”. (Gia-cơ 2:23) Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va tìm cơ hội để “quyến luyến” những ai phụng sự Ngài vì tình yêu thương. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:15, Tòa Tổng Giám Mục) Lời Ngài khuyến giục: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Trong những lời này, chúng ta thấy cả lời mời lẫn lời hứa.

3. Đức Giê-hô-va đưa ra lời mời nào cho chúng ta, và lời hứa nào liên quan đến lời mời này?

3 Đức Giê-hô-va mời chúng ta đến gần Ngài. Ngài sẵn lòng muốn nhận chúng ta làm bạn. Đồng thời, Ngài hứa nếu chúng ta chủ động đến gần Ngài, Ngài sẽ hành động tương xứng. Ngài sẽ đến gần chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể bắt đầu một mối quan hệ thật quý báu—“thân tình” với Đức Giê-hô-va. *  (Thi-thiên 25:14, TTGM) “Thân tình” nói lên ý tưởng về việc thổ lộ tâm tình với một người bạn đặc biệt.

4. Bạn miêu tả người bạn thân thiết là người thế nào, và bằng cách nào Đức Giê-hô-va chứng tỏ Ngài là người bạn như thế đối với những ai đến gần Ngài?

4 Bạn có người bạn thân thiết nào để tâm sự không? Người bạn như thế là người quan tâm đến bạn. Bạn tin cậy vì người ấy đã tỏ ra trung thành. Niềm vui của bạn tăng thêm khi san sẻ với người ấy. Gánh nặng buồn phiền của bạn vơi bớt nhờ người ấy thông cảm lắng nghe. Ngay cả khi dường như chẳng ai hiểu bạn, người ấy hiểu. Tương tự thế, khi đến gần Đức Chúa Trời, bạn có một người Bạn đặc biệt, thật sự quý trọng bạn, quan tâm sâu xa đến bạn, và hoàn toàn hiểu bạn. (Thi-thiên 103:14; 1 Phi-e-rơ 5:7) Tin cậy Ngài nên bạn thổ lộ những cảm nghĩ trong thâm tâm vì tin rằng Đức Chúa Trời trung tín với những ai trung tín với Ngài. (Thi-thiên 31:23) Tuy nhiên, đặc ân kết bạn thân thiết với Đức Chúa Trời nằm trong tầm tay chúng ta, chính vì Ngài đã mở đường.

Đức Giê-hô-va đã mở đường

5. Đức Giê-hô-va đã làm gì để chúng ta có thể đến gần Ngài?

5 Là những người tội lỗi, nếu không được giúp đỡ thì chúng ta không thể nào đến gần Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 5:4) Sứ đồ Phao-lô viết: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. (Rô-ma 5:8) Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt để Chúa Giê-su “phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc giúp chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời “yêu chúng ta trước”, Ngài đã đặt nền tảng để chúng ta kết bạn với Ngài.—1 Giăng 4:19.

6, 7. (a) Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va chẳng phải là một Đức Chúa Trời bí ẩn, không thể hiểu được? (b) Bằng những cách nào Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta biết về Ngài?

6 Đức Giê-hô-va đã thực hiện thêm một bước khác: Ngài cho chúng ta biết về Ngài. Bất kỳ tình bạn nào, sự thân thiết dựa trên việc hiểu rõ về một người, quý trọng các đức tính và cách  xử sự của người ấy. Thế nên, nếu Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời bí ẩn, không thể hiểu được, thì chẳng bao giờ chúng ta có thể đến gần Ngài. Tuy nhiên, thay vì ẩn mình, Ngài muốn chúng ta biết Ngài. (Ê-sai 45:19) Hơn nữa, những điều Đức Chúa Trời cho biết về Ngài, mọi người đều có thể tìm được, ngay cả những người bị xem là thấp hèn theo tiêu chuẩn thế gian.—Ma-thi-ơ 11:25.

Đức Giê-hô-va cho biết về Ngài qua công trình sáng tạo và qua Lời Ngài được viết ra

7 Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta biết về Ngài như thế nào? Công trình sáng tạo cho biết một số khía cạnh của cá tính Ngài—quyền năng bao la, sự khôn ngoan sâu sắc, tình yêu thương vô bờ bến của Ngài. (Rô-ma 1:20) Những vật Ngài sáng tạo không phải là cách duy nhất cho chúng ta biết về Đức Giê-hô-va. Luôn luôn là Đấng Thông Tri Lớn, Đức Chúa Trời cho chúng ta biết về Ngài qua Lời được viết ra, tức Kinh Thánh.

Nhận biết “sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va”

8. Tại sao có thể nói rằng Kinh Thánh chính là bằng chứng về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta?

8 Chính Kinh Thánh là bằng chứng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Qua Lời Ngài, bằng những từ ngữ dễ hiểu, Đức Chúa Trời cho chúng ta biết về Ngài—điều đó chứng tỏ Ngài không những yêu thương mà còn muốn chúng ta hiểu và yêu mến Ngài. Những gì chúng ta đọc trong cuốn sách quý giá này giúp chúng ta nhận biết “sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va” và thôi thúc chúng ta muốn đến gần Ngài. (Thi-thiên 27:4) Chúng ta hãy thảo luận một số phương cách ấm lòng mà Đức Giê-hô-va cho biết về mình qua Lời Ngài.

9. Một số câu Kinh Thánh nào trực tiếp nói rõ những đức tính của Đức Chúa Trời?

9 Kinh Thánh chứa đựng nhiều câu trực tiếp nói rõ các đức tính của Đức Chúa Trời. Hãy lưu ý đến vài thí dụ. “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình”. (Thi-thiên 37:28) Đức Chúa Trời “rất quyền-năng”. (Gióp 37:23) “Ấy là Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời thành-tín”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:9) “Chúa khôn ngoan”. (Gióp 9:4, Trịnh Văn Căn) Ngài là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và  thành-thực”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6) “Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha-thứ cho”. (Thi-thiên 86:5) Như đã đề cập trong chương trước, đức tính trội nhất: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Khi ngẫm nghĩ về những đức tính đáng mến này, chẳng lẽ bạn không muốn đến gần Đức Chúa Trời vô song này sao?

Kinh Thánh giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va

10, 11. (a) Để giúp chúng ta thấy rõ cá tính Ngài hơn, Đức Giê-hô-va đã cho ghi những gì trong Lời Ngài? (b) Thí dụ nào trong Kinh Thánh giúp chúng ta hình dung quyền năng của Đức Chúa Trời được thể hiện bằng hành động?

10 Ngoài việc nói cho chúng ta biết các đức tính của Ngài, Đức Giê-hô-va cũng yêu thương cho ghi lại trong Lời Ngài những thí dụ cụ thể về cách Ngài biểu lộ các đức tính ấy bằng hành động. Những lời tường thuật ấy vẽ ra những hình ảnh sống động, giúp chúng ta thấy rõ hơn những khía cạnh khác nhau của cá tính Ngài. Rồi nhận thức ấy giúp chúng ta đến gần Ngài. Hãy xem xét một thí dụ.

11 Đọc rằng Đức Chúa Trời có “sức-mạnh Ngài lớn lắm” là một việc. (Ê-sai 40:26) Nhưng lại là một việc hoàn toàn khác khi đọc về cách Ngài giải cứu dân Y-sơ-ra-ên, đưa họ băng qua Biển Đỏ và sau đó nuôi sống cả dân tộc này suốt 40 năm trong đồng vắng. Hãy tưởng tượng sóng biển cuồn cuộn rẽ ra. Bạn có thể hình dung dân tộc này—có lẽ tổng số là 3.000.000 người—đi qua lòng biển khô, nước dựng thành bức tường đồ sộ hai bên. (Xuất Ê-díp-tô-Ký 14:21; 15:8) Bạn có thể thấy bằng chứng về việc Đức Chúa Trời chăm sóc, che chở dân này trong đồng vắng. Nước chảy ra từ đá. Thức ăn, giống như những hột màu trắng, xuất hiện trên mặt đất. (Xuất Ê-díp-tô-Ký 16:31; Dân-số Ký 20:11) Ở đây Đức Giê-hô-va chẳng những cho biết  Ngài có quyền năng mà còn sử dụng quyền năng ấy vì lợi ích của dân Ngài. Khi biết lời cầu nguyện của chúng ta lên đến Đức Chúa Trời quyền năng ‘là nơi nương-náu và sức-lực của chúng ta, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân’, điều này không làm chúng ta yên lòng sao?—Thi-thiên 46:1.

12. Bằng từ ngữ chúng ta có thể hiểu, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta “thấy” Ngài như thế nào?

12 Đức Giê-hô-va, một thần linh, đã thực hiện thêm những điều khác nữa để giúp chúng ta hiểu biết về Ngài. Là con người, chúng ta bị giới hạn bởi những gì mắt có thể thấy được, do đó không thể nhìn vào lĩnh vực thần linh. Nếu Đức Chúa Trời tự miêu tả cho chúng ta bằng từ ngữ thần linh, thì chẳng khác nào cố giải thích những chi tiết về ngoại hình, như màu mắt hoặc tàn nhang trên da bạn, cho một người khiếm thị từ thuở sơ sinh. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va ân cần giúp chúng ta “thấy” Ngài bằng từ ngữ mà chúng ta có thể hiểu. Đôi khi Ngài dùng phép ẩn dụ và so sánh, tự ví mình với những điều chúng ta quen thuộc. Ngài còn miêu tả Ngài có một số đặc điểm của con người. *

13. Ê-sai 40:11 gợi lên trong trí bạn hình ảnh gì, và điều này ảnh hưởng thế nào đối với bạn?

13 Hãy lưu ý đến sự miêu tả về Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 40:11: “Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng”. Câu này ví Đức Giê-hô-va như người chăn chiên bế các chiên con trong “cánh tay”. Điều này biểu thị khả năng che chở và nâng đỡ của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài, ngay cả những người yếu đuối. Chúng ta cảm thấy được an toàn trong cánh tay mạnh mẽ của Ngài, vì Ngài sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta trung thành. (Rô-ma 8:38, 39) Đấng Chăn Chiên Lớn bế  những chiên con “vào lòng”—nhóm từ này nói đến phần thân áo trước mà đôi lúc người chăn chiên đặt chiên con mới sinh vào và bế nó. Như thế chúng ta được đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va yêu quý và dịu dàng chăm sóc chúng ta. Việc chúng ta muốn đến gần Ngài là điều tự nhiên.

“Con muốn tỏ ra... Cha là ai”

14. Tại sao có thể nói rằng qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã cho biết những điều sâu sắc nhất về Ngài?

14 Trong Lời Ngài, Đức Giê-hô-va cho biết những điều sâu sắc nhất về mình qua Con yêu dấu của Ngài, Chúa Giê-su. Không ai có thể phản ánh tư tưởng và cảm xúc của Đức Chúa Trời chính xác hơn hoặc giải thích về Ngài rõ ràng bằng Chúa Giê-su. Suy cho cùng, Con đầu lòng ấy đã hiện hữu bên cạnh Cha mình trước khi các tạo vật thần linh khác và vũ trụ vật chất được dựng nên. (Cô-lô-se 1:15) Chúa Giê-su có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Đó là lý do tại sao ngài có thể nói: “Cha ta đã giao mọi sự cho ta; ngoài Cha không ai biết Con là ai; ngoài Con, và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không có ai biết Cha là  ai”. (Lu-ca 10:22) Khi làm người ở trên đất, Chúa Giê-su đã cho biết về Cha ngài qua hai cách quan trọng.

15, 16. Chúa Giê-su đã cho biết về Cha ngài qua hai cách nào?

15 Thứ nhất, những dạy dỗ của Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu về Cha ngài. Chúa Giê-su đã miêu tả Đức Giê-hô-va bằng từ ngữ động đến lòng chúng ta. Thí dụ, để giải thích Đức Chúa Trời thương xót, tiếp nhận lại những người phạm tội biết ăn năn, Chúa Giê-su ví Đức Giê-hô-va như một người cha hay tha thứ, động lòng thương xót sâu xa khi thấy đứa con hoang đàng trở về liền chạy ra ôm lấy cổ mà âu yếm hôn hắn. (Lu-ca 15:11-24) Chúa Giê-su cũng miêu tả Giê-hô-va là Đức Chúa Trời “kéo” những người có lòng ngay thẳng đến với Ngài vì Ngài yêu mến từng cá nhân. (Giăng 6:44) Ngay cả khi một con chim sẻ nhỏ bé rơi xuống đất Ngài cũng biết. Chúa Giê-su giải thích, “đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. (Ma-thi-ơ 10:29, 31) Chúng ta đương nhiên cảm thấy muốn đến gần một Đức Chúa Trời đầy lòng quan tâm như thế.

16 Thứ nhì, gương mẫu của Chúa Giê-su cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va là Đấng như thế nào. Chúa Giê-su phản ánh Cha ngài một cách hoàn toàn đến mức ngài có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”. (Giăng 14:9) Bởi thế, khi đọc các sách Phúc Âm nói về Chúa Giê-su—về những cảm xúc mà ngài biểu lộ cũng như cách ngài đối xử với người khác—thì theo nghĩa nào đó, chúng ta thấy hình ảnh sống động của Cha ngài. Không có cách nào khác cho chúng ta biết những đức tính của Đức Giê-hô-va rõ hơn cách này. Tại sao?

17. Hãy minh họa Đức Giê-hô-va đã làm gì để giúp chúng ta hiểu Ngài là Đấng như thế nào.

17 Để minh họa: Hãy tưởng tượng bạn cố giải thích sự nhân từ là gì. Bạn có thể dùng lời định nghĩa sự nhân từ. Nhưng nếu chỉ vào một người nào đó đang thực sự thể hiện một hành động nhân từ và bạn nói rằng: “Đó là một thí dụ về sự nhân từ”, thì chữ “nhân từ” sẽ thêm ý nghĩa và dễ hiểu hơn. Đức Giê-hô-va đã làm điều tương tự để giúp chúng ta hiểu rõ Ngài là một Đấng như thế nào. Cùng với việc dùng lời tự miêu tả,  Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta gương mẫu sống động của Con Ngài. Nơi Chúa Giê-su, chúng ta thấy những đức tính của Đức Chúa Trời được thể hiện bằng hành động. Những lời miêu tả trong Phúc Âm về Chúa Giê-su có tác dụng như Đức Giê-hô-va đang nói: “Ta giống như thế”. Lời tường thuật được soi dẫn miêu tả Chúa Giê-su như thế nào khi ngài ở trên đất?

18. Chúa Giê-su thể hiện đức tính quyền năng, công bình, và khôn ngoan như thế nào?

18 Bốn đức tính chính của Đức Giê-hô-va được Chúa Giê-su thể hiện tuyệt vời. Ngài có quyền năng loại trừ bệnh tật, đói kém, ngay cả sự chết. Tuy nhiên, không như con người ích kỷ thường lạm dụng quyền lực của mình, ngài không bao giờ dùng phép lạ để phục vụ lợi ích riêng hoặc làm tổn thương người khác. (Ma-thi-ơ 4:2-4) Ngài yêu sự công bình. Lòng ngài đầy sự bất bình chính đáng khi thấy bọn con buôn trục lợi bóc lột dân chúng. (Ma-thi-ơ 21:12, 13) Ngài đối xử công bằng với người nghèo và người bị áp bức, giúp cho linh hồn họ “được yên-nghỉ”. (Ma-thi-ơ 11:4, 5, 28-30) Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, người “tôn-trọng hơn vua Sa-lô-môn”, chứa đựng sự khôn ngoan vô song. (Ma-thi-ơ 12:42) Nhưng không bao giờ Chúa Giê-su phô trương sự khôn ngoan của mình. Lời ngài động đến lòng người dân thường, vì các lời dạy rõ ràng, giản dị, và thực tiễn.

19, 20. (a) Chúa Giê-su là gương mẫu nổi bật về tình yêu thương như thế nào? (b) Khi đọc và ngẫm nghĩ về gương mẫu của Chúa Giê-su, chúng ta nên nhớ gì?

19 Chúa Giê-su là gương mẫu nổi bật về tình yêu thương. Trong suốt thánh chức, ngài biểu lộ nhiều khía cạnh của tình yêu thương, kể cả sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Ngài động lòng thương xót khi thấy người khác đau khổ. Nhiều lần, lòng thương cảm người khác đã thôi thúc ngài hành động. (Ma-thi-ơ 14:14) Dù đã chữa lành người bệnh và cho kẻ đói ăn, Chúa Giê-su thể hiện lòng trắc ẩn qua một cách quan trọng hơn nhiều. Ngài giúp người khác hiểu, chấp nhận, và yêu mến lẽ thật về Nước Đức Chúa Trời; Nước ấy sẽ mang lại ân phước lâu dài cho nhân loại. (Mác 6:34; Lu-ca 4:43) Trên hết, Chúa  Giê-su cho thấy tình yêu thương vị tha bằng cách tự nguyện hy sinh mạng sống cho người khác.—Giăng 15:13.

20 Có đáng ngạc nhiên không, khi những người thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cảm thấy muốn đến gần ngài, một người có lòng nồng hậu và tình cảm sâu đậm? (Mác 10:13-16) Tuy nhiên, khi đọc và ngẫm nghĩ về gương sống động của Chúa Giê-su, chúng ta hãy luôn nhớ rằng nơi Chúa Giê-su chúng ta thấy hình ảnh rõ nét của Cha ngài.—Hê-bơ-rơ 1:3.

Một tài liệu học hỏi để giúp chúng ta

21, 22. Tìm kiếm Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì, và tài liệu này cung cấp những gì để giúp chúng ta trong nỗ lực ấy?

21 Bằng cách cho biết rất rõ ràng về mình trong Lời Ngài, hiển nhiên Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đến gần Ngài. Đồng thời Ngài cũng không ép buộc chúng ta tìm kiếm mối quan hệ tốt với Ngài. Tìm kiếm Đức Giê-hô-va “đang khi mình gặp được” là tùy chúng ta. (Ê-sai 55:6) Tìm kiếm Đức Giê-hô-va bao hàm việc hiểu biết các đức tính và đường lối của Ngài như đã ghi rõ trong Kinh Thánh. Tài liệu bạn đang đọc, được soạn thảo nhằm giúp bạn trong nỗ lực tìm kiếm Đức Chúa Trời.

22 Bạn sẽ nhận thấy sách này chia thành bốn phần tương ứng với bốn đức tính chính của Đức Giê-hô-va: quyền năng, công bình, khôn ngoan, và yêu thương. Mỗi phần mở đầu với cái nhìn khái quát về đức tính tương ứng. Những chương tiếp  theo thảo luận cách Đức Giê-hô-va biểu lộ đức tính ấy dưới các khía cạnh khác nhau. Mỗi mục cũng bao gồm một chương cho thấy Chúa Giê-su thể hiện đức tính ấy ra sao, và một chương khác xem xét làm thế nào chúng ta có thể phản ánh đức tính ấy trong đời sống.

23, 24. (a) Hãy giải thích nét đặc trưng “Câu hỏi để suy ngẫm”. (b) Làm thế nào việc suy ngẫm giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn?

23 Bắt đầu từ chương này trở đi, mỗi chương có một khung đặc biệt mang tựa đề “Câu hỏi để suy ngẫm”. Chẳng hạn, hãy nhìn khung nơi trang 24. Những câu Kinh Thánh và câu hỏi trong đó được soạn thảo không nhằm mục đích ôn lại mỗi chương. Đúng hơn, mục đích của các câu Kinh Thánh và câu hỏi là giúp bạn ngẫm nghĩ đến những khía cạnh quan trọng khác của đề tài. Làm thế nào bạn có thể sử dụng hiệu quả đặc điểm này? Hãy tra câu Kinh Thánh được dẫn chứng, và đọc kỹ từng câu. Sau đó hãy suy xét câu hỏi kèm theo mỗi câu Kinh Thánh. Suy ngẫm về câu trả lời. Bạn có thể thực hiện một vài nghiên cứu. Hãy tự đặt thêm những câu hỏi như: ‘Thông tin này cho tôi biết gì về Đức Giê-hô-va? Điều này ảnh hưởng thế nào đến đời sống tôi? Làm thế nào tôi có thể dùng sự hiểu biết này để giúp người khác?’

24 Việc suy ngẫm như thế giúp chúng ta ngày càng đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Tại sao thế? Theo Kinh Thánh, việc suy ngẫm nối liền với tấm lòng. (Thi-thiên 19:14) Khi suy ngẫm với lòng biết ơn những điều học được về Đức Chúa Trời, kiến thức này thấm vào lòng chúng ta, ảnh hưởng đến tư tưởng, khơi dậy xúc cảm, và cuối cùng thôi thúc chúng ta hành động. Tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Chúa Trời trở nên sâu đậm, thôi thúc chúng ta muốn làm đẹp lòng Ngài, Bạn thân yêu nhất của chúng ta. (1 Giăng 5:3) Muốn có được mối quan hệ như thế, chúng ta phải biết các đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va. Thế nhưng, trước tiên chúng ta hãy thảo luận về một đức tính trong bản chất của Đức Chúa Trời, đức tính ấy là lý do thôi thúc chúng ta đến gần Ngài—sự thánh khiết của Ngài.

^ đ. 3 Điều đáng chú ý là từ Hê-bơ-rơ dịch là “thân tình” được dùng nơi A-mốt 3:7; câu này ghi rằng Chúa Tối Thượng Giê-hô-va tỏ “sự kín-nhiệm” cho các tôi tớ Ngài, báo cho họ biết trước về ý định Ngài sẽ thực hiện.

^ đ. 12 Thí dụ, Kinh Thánh nói về gương mặt, mắt, tai, mũi, miệng, cánh tay và bàn chân của Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 18:15; 27:8; 44:3; Ê-sai 60:13; Ma-thi-ơ 4:4; 1 Phi-e-rơ 3:12) Những từ ngữ ẩn dụ ấy không thể hiểu theo nghĩa đen, cũng như các từ ngữ nói đến Đức Giê-hô-va là “Hòn-Đá” hoặc “cái khiên” không hiểu theo nghĩa đen.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Thi-thiên 84:11.