Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 3

“Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va”

“Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va”

1, 2. Tiên tri Ê-sai đã nhận được sự hiện thấy nào, và điều ấy dạy chúng ta biết gì về Đức Giê-hô-va?

Ê-SAI choáng ngợp bởi nỗi kính sợ khi thấy cảnh tượng trước mắt—một sự hiện thấy đến từ Đức Chúa Trời. Giống như thật vậy! Sau này Ê-sai viết rằng ông thật sự “thấy Chúa” ngự trên ngôi cao. Áo Ngài trải ra bao phủ cả đền thờ to lớn tại Giê-ru-sa-lem.—Ê-sai 6:1, 2.

2 Những gì Ê-sai nghe cũng khiến ông kính sợ—tiếng hát mạnh mẽ đến mức nền đền thờ cũng bị rúng động. Những sê-ra-phim, tạo vật thần linh cao cấp, đã hát lên bài ca này. Họ hùng hồn hòa giọng, hát vang những lời cao quý đơn giản: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân! Khắp đất đầy-dẫy sự vinh-hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3, 4) Từ ngữ “thánh” được hát ba lần là đặc biệt nhấn mạnh từ này, và điều ấy thích hợp, vì Đức Giê-hô-va là thánh tột bậc. (Khải-huyền 4:8) Bản chất thánh khiết của Đức Giê-hô-va được nhấn mạnh trong suốt Kinh Thánh. Hàng trăm câu liên kết danh Ngài với từ “thánh” và “thánh khiết”.

3. Những quan điểm sai lầm về sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va khiến nhiều người xây bỏ thay vì đến gần Ngài như thế nào?

3 Vậy, rõ ràng một trong những điều chủ yếu là: Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hiểu rằng Ngài là thánh. Song, ngày nay nhiều người không thích chính ý tưởng này. Một số người liên kết sai lầm sự thánh khiết với việc tự cho là công bình hoặc lòng mộ đạo giả dối. Những người mang mặc cảm tự ti có thể cảm thấy sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đáng sợ thay vì có sức lôi cuốn. Có thể họ lo sợ không bao giờ xứng đáng đến gần Đức Chúa Trời thánh. Cho nên, nhiều người xây bỏ Ngài. Thật đáng tiếc, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời chính là lý do thu hút chúng ta đến gần Ngài. Tại sao? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy thảo luận thế nào là sự thánh khiết thật.

 Thánh khiết là gì?

4, 5. (a) Sự thánh khiết nghĩa là gì, và không có nghĩa gì? (b) Đức Giê-hô-va “tách biệt” về hai phương diện quan trọng nào?

4 Đức Chúa Trời là thánh không có nghĩa Ngài tự đắc, kiêu căng, hoặc khinh thường người khác. Ngược lại, Ngài ghét những thói nết ấy. (Châm-ngôn 16:5; Gia-cơ 4:6) Vậy, từ “thánh” thật sự có nghĩa gì? Trong tiếng Hê-bơ-rơ thời Kinh Thánh, từ này bắt nguồn từ chữ “tách biệt”. Trong sự thờ phượng, “thánh” nói đến những gì được tách biệt khỏi những thứ tầm thường, tức được xem là thánh. Sự thánh khiết mạnh mẽ diễn đạt ý tưởng về sự trong sạch và thanh khiết. Từ này liên quan thế nào đến Đức Giê-hô-va? Điều đó có nghĩa Ngài “tách biệt” khỏi loài người bất toàn, quá xa cách chúng ta không?

5 Hoàn toàn không. Là “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”, Đức Giê-hô-va miêu tả Ngài “ở giữa” dân Ngài, dù họ có tội. (Ê-sai 12:6; Ô-sê 11:9) Như thế sự thánh khiết không làm Ngài trở nên xa cách. Vậy thì Ngài “tách biệt” như thế nào? Về hai phương diện quan trọng. Thứ nhất, Ngài tách biệt khỏi tất cả tạo vật theo nghĩa chỉ mình Ngài là Đấng Chí Cao. Sự thanh khiết, sự trong sạch của Ngài là tuyệt đối và vô tận. (Thi-thiên 40:5; 83:18) Thứ hai, Đức Giê-hô-va hoàn toàn tách biệt khỏi tất cả tội lỗi, và đó là một ý tưởng khích lệ. Tại sao?

6. Tại sao chúng ta cảm thấy khích lệ vì Đức Giê-hô-va tuyệt đối tách biệt khỏi tội lỗi?

6 Thế giới chúng ta sống hiếm có sự thánh khiết thật. Trong xã hội loài người xa cách Đức Chúa Trời, mọi điều đều ô uế cách này hay cách khác, vấy nhiễm tội lỗi và sự bất toàn. Hết thảy chúng ta đều phải tranh chiến chống lại tội lỗi trong xác thịt mình. Và nếu không cảnh giác đề phòng, chúng ta có nguy cơ bị tội lỗi chế ngự. (Rô-ma 7:15-25; 1 Cô-rinh-tô 10:12) Đức Giê-hô-va không có nguy cơ ấy. Hoàn toàn cách biệt khỏi tội lỗi, Ngài sẽ không bao giờ bị ô uế bởi một chút tội lỗi nào. Điều này tái xác nhận ấn tượng của chúng ta về Đức Giê-hô-va là người Cha lý tưởng, vì điều đó có nghĩa Ngài hoàn toàn đáng tin cậy. Khác với nhiều người cha bất toàn, Đức Giê-hô-va  không bao giờ trở nên tha hóa, phi luân lý, hay khắc nghiệt. Sự thánh khiết của Ngài làm cho những điều như thế không bao giờ có thể xảy ra. Thỉnh thoảng Đức Giê-hô-va còn thề nhân danh sự thánh khiết của Ngài, bởi không có điều gì đáng tin cậy hơn. (A-mốt 4:2) Điều đó không làm chúng ta yên lòng sao?

7. Tại sao có thể nói sự thánh khiết nằm trong bản chất của Đức Giê-hô-va?

7 Sự thánh khiết nằm trong bản chất của Đức Giê-hô-va. Điều đó có nghĩa gì? Để minh họa: Hãy xem xét từ “con người” và từ “bất toàn”. Diễn tả từ trước bạn liên tưởng đến từ sau. Sự bất toàn ăn sâu trong chúng ta và chi phối mọi việc chúng ta làm. Bây giờ hãy xem xét hai từ rất khác nhau—“Giê-hô-va” và “thánh khiết”. Đức Giê-hô-va đầy dẫy sự thánh khiết. Mọi sự thuộc về Ngài đều trong sạch, thanh khiết và chính trực. Chúng ta không thể thật sự biết Đức Giê-hô-va nếu không nắm vững ý nghĩa sâu sắc của từ này—“thánh”.

“Thánh cho Đức Giê-hô-va”

8, 9. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va giúp con người bất toàn trở nên thánh theo nghĩa tương đối?

8 Vì Đức Giê-hô-va là hiện thân của sự thánh khiết, có thể chính đáng nói rằng Ngài là nguồn của mọi sự thánh khiết. Ngài không ích kỷ giữ riêng đức tính quý giá này, nhưng ban cho người khác một cách rộng lượng. Khi Đức Chúa Trời nói với Môi-se qua trung gian một thiên sứ tại bụi gai đang cháy, đất chung quanh nơi đó thậm chí còn trở nên thánh vì sự hiện diện của Đức Giê-hô-va!—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:5.

9 Loài người bất toàn có thể trở nên thánh nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va không? Có, theo nghĩa tương đối. Đức Chúa Trời ban cho Y-sơ-ra-ên, dân của Ngài, triển vọng trở thành “một dân-tộc thánh”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6) Ngài ban cho dân ấy một hệ thống thờ phượng thánh, trong sạch và thanh khiết. Theo đó, sự thánh khiết là chủ đề được lặp đi lặp lại trong Luật Pháp Môi-se. Thật vậy, thầy tế lễ thượng phẩm mang một cái thẻ bằng vàng ròng trước mũ; mọi người có  thể thấy thẻ ấy lấp lánh dưới ánh sáng. Trên thẻ có khắc dòng chữ: “Thánh cho Đức Giê-hô-va”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:36) Như vậy tiêu chuẩn cao về sự trong sạch và thanh khiết đã tôn cao sự thờ phượng, và quả thật cả lối sống của họ. Đức Giê-hô-va phán với họ: “Hãy nên thánh, vì ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời các người, vốn là thánh”. (Lê-vi Ký 19:2) Chừng nào dân Y-sơ-ra-ên cố hết sức, với con người bất toàn, để sống theo lời khuyên của Đức Chúa Trời, thì họ thánh theo nghĩa tương đối.

10. Xét về sự thánh khiết, dân Y-sơ-ra-ên xưa tương phản thế nào với những dân tộc chung quanh?

10 Việc nhấn mạnh sự thánh khiết như thế tương phản hoàn toàn với sự thờ phượng của những nước chung quanh dân Y-sơ-ra-ên. Những dân ngoại ấy thờ các thần được miêu tả là hung bạo, tham lam, và chung chạ bừa bãi, chính sự hiện hữu của các thần này là sự lừa dối và giả mạo. Các thần ấy xấu xa về mọi phương diện. Thờ phượng những thần như thế khiến người ta không thánh khiết. Do đó, Đức Giê-hô-va khuyến cáo các tôi tớ Ngài phải tách khỏi những người theo ngoại giáo và những thực hành tôn giáo ô uế của họ.—Lê-vi Ký 18:24-28; 1 Các Vua 11:1, 2.

11. Sự thánh khiết của tổ chức ở trên trời của Đức Giê-hô-va hiển nhiên như thế nào qua (a) các thiên sứ? (b) các sê-ra-phim? (c) Chúa Giê-su?

11 Dân Y-sơ-ra-ên xưa, tức dân được Đức Giê-hô-va chọn, ngay cả khi thánh khiết nhất cũng chỉ phản ánh lờ mờ sự thánh khiết của tổ chức Ngài ở trên trời. Hàng triệu tạo vật thần linh trung thành phụng sự Đức Chúa Trời được gọi là “muôn vàn đấng thánh” của Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:2; Giu-đe 15) Họ phản ánh hoàn toàn sự thánh khiết mang nét đẹp rực rỡ, thanh khiết của Đức Chúa Trời. Và hãy nhớ đến những sê-ra-phim trong sự hiện thấy của Ê-sai. Nội dung bài hát của họ gợi ý rằng những tạo vật thần linh mạnh mẽ này đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va vang khắp vũ trụ. Tuy vậy, có một tạo vật thần linh cao cấp hơn những sê-ra-phim—Con độc sinh của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phản ánh sự thánh  khiết của Đức Giê-hô-va một cách hoàn hảo nhất. Ngài xứng đáng được xưng là “Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”.—Giăng 6:68, 69.

Danh thánh, thánh linh

12, 13. (a) Tại sao thích đáng khi danh của Đức Chúa Trời được miêu tả là thánh? (b) Tại sao danh Đức Chúa Trời phải được thánh hóa?

12 Về danh riêng của Đức Chúa Trời thì sao? Như chúng ta đã học trong Chương 1, danh ấy không chỉ là tước vị hoặc danh hiệu. Danh ấy tiêu biểu cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, bao hàm tất cả những đức tính của Ngài. Do đó, Kinh Thánh cho chúng ta biết “danh Ngài là Thánh”. (Ê-sai 57:15) Luật Pháp Môi-se quy định án tử hình cho những kẻ xúc phạm đến danh Đức Chúa Trời. (Lê-vi Ký 24:16) Và hãy lưu ý đến điều Chúa Giê-su đặt lên hàng đầu trong lời cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Thánh hóa một điều có nghĩa là tách điều đó riêng ra, sùng kính, và tôn là thánh. Nhưng tại sao danh riêng của Đức Chúa Trời có bản chất thanh khiết, lại cần phải được thánh hóa?

13 Danh thánh của Đức Chúa Trời đã bị công kích, bôi nhọ bởi những lời dối trá và vu khống. Trong vườn Ê-đen, Sa-tan nói dối về Đức Giê-hô-va và hàm ý rằng Ngài là một Chúa Tối Thượng bất công. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Kể từ đấy, Sa-tan—chúa của thế gian ô uế này—quyết tâm làm lan tràn những lời dối trá về Đức Chúa Trời. (Giăng 8:44; 12:31; Khải-huyền 12:9) Các tôn giáo tạo cho Đức Chúa Trời một hình ảnh độc đoán, xa cách, hoặc tàn nhẫn. Họ tự nhận được Ngài ủng hộ trong những cuộc chiến đẫm máu của họ. Người ta thường quy những công việc sáng tạo tuyệt vời của Đức Chúa Trời cho sự tình cờ, tức tiến hóa. Đúng thế, danh Đức Chúa Trời bị vu khống một cách đầy ác ý. Danh ấy phải được thánh hóa; sự vinh hiển chính đáng của danh ấy phải được phục hồi. Chúng ta ước ao cho danh Ngài được thánh, quyền tối thượng Ngài được biện minh, và chúng ta vui mừng góp bất cứ phần nào vào ý định cao cả ấy.

14. Tại sao thánh linh của Đức Chúa Trời được gọi là thánh, và tại sao xúc phạm đến thánh linh là điều rất nghiêm trọng?

 14 Còn một điều khác liên quan chặt chẽ với Đức Giê-hô-va và hầu như lúc nào cũng được gọi là thánh—thánh linh, hay sinh hoạt lực của Ngài. (Sáng-thế Ký 1:2) Đức Giê-hô-va dùng quyền lực vô song này để hoàn thành ý định Ngài. Tất cả những gì Đức Chúa Trời thực hiện, Ngài đều tiến hành theo đường lối thánh, thanh khiết và trong sạch, vì thế sinh hoạt lực của Ngài xứng đáng được gọi là thánh linh, hay thần linh của sự thánh khiết. (Lu-ca 11:13; Rô-ma 1:4, Ghi-đê-ôn) Xúc phạm đến thánh linh, một tội không thể tha thứ, bao hàm việc cố ý nghịch lại ý định của Đức Giê-hô-va.—Mác 3:29.

Tại sao sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va thu hút chúng ta đến với Ngài?

15. Tại sao kính sợ Đức Chúa Trời là xúc cảm thích đáng trước sự thánh khiết của Ngài, và sự kính sợ ấy bao hàm điều gì?

15 Vậy, không khó để nhận thấy tại sao Kinh Thánh liên kết sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và sự kính sợ của loài người đối với Ngài. Thí dụ, Thi-thiên 99:3 viết: “Nguyện chúng ngợi-khen danh rất lớn đáng sợ của Chúa, Ngài là thánh!” Thế nhưng, nỗi sợ này không phải là sự sợ hãi khủng khiếp. Thay vì thế, đó là xúc cảm kính sợ sâu sắc, hình thức kính trọng cao cả nhất. Xúc cảm như thế là thích đáng, vì sự thánh khiết của Đức Chúa Trời vượt xa chúng ta. Sự thánh khiết của Ngài trong sạch rực rỡ, vinh quang. Mặc dù vậy, sự thánh khiết ấy không phân cách chúng ta với Ngài. Ngược lại, có quan điểm đúng đắn về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời sẽ thu hút chúng ta đến gần Ngài hơn. Tại sao vậy?

Như cái đẹp thu hút chúng ta, sự thánh khiết cũng có sức lôi cuốn

16. (a) Sự thánh khiết liên kết thế nào với vẻ đẹp? Hãy cho thí dụ. (b) Những miêu tả về Đức Giê-hô-va trong sự hiện thấy nhấn mạnh sự trong sạch, thanh khiết và ánh sáng như thế nào?

16 Một lý do là Kinh Thánh liên kết sự thánh khiết với vẻ đẹp. (Ê-sai 64:11) Cái đẹp hấp dẫn chúng ta. Thí dụ, hãy nhìn bức tranh nơi trang 33. Cảnh ấy không thu hút bạn sao? Điều gì làm nó hấp dẫn đến thế? Hãy lưu ý nước suối trong sạch làm sao. Ngay cả không khí ắt phải trong lành, vì bầu trời xanh  ngắt và ánh sáng dường như lấp lánh. Nhưng nếu cảnh vật này thay đổi—dòng suối đầy rác, cây cối và các tảng đá mất vẻ đẹp vì những hình vẽ bậy, khói bụi làm ô nhiễm không khí—cảnh vật ấy không còn quyến rũ nữa; chúng ta gớm không muốn đến gần. Chúng ta tự nhiên liên kết vẻ đẹp với sự trong sạch, thanh khiết, và ánh sáng. Có thể sử dụng cùng những từ này để miêu tả sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những miêu tả về Đức Giê-hô-va trong sự hiện thấy của Ê-sai làm chúng ta say mê! Rực rỡ ánh sáng, chói ngời như đá quý, tỏa rực như ngọn lửa hoặc như quý kim tinh khiết và sáng chói nhất—ấy là vẻ đẹp của Đức Chúa Trời thánh của chúng ta.—Ê-xê-chi-ên 1:25-28; Khải-huyền 4:2, 3.

17, 18. (a) Ban đầu sự hiện thấy ảnh hưởng thế nào đến Ê-sai? (b) Đức Giê-hô-va đã sai một sê-ra-phim an ủi Ê-sai như thế nào, và hành động của sê-ra-phim hàm ý gì?

17 Tuy nhiên, khi so với Đức Chúa Trời, sự thánh khiết của Ngài có làm chúng ta cảm thấy thấp kém không? Dĩ nhiên là có. Suy cho cùng, chúng ta thấp kém so với Đức Giê-hô-va—và nói như thế vẫn còn nhẹ vô cùng so với sự thật. Hiểu biết điều đó có khiến chúng ta xa cách Ngài không? Hãy xem xét phản ứng của Ê-sai khi nghe những sê-ra-phim công bố sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va. “Bấy giờ tôi nói: Khốn-nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ-dáy, ở giữa một dân có môi dơ-dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn-quân!” (Ê-sai 6:5) Đúng thế, sự thánh khiết vô cùng của Đức Giê-hô-va nhắc Ê-sai nhớ đến tình trạng tội lỗi và bất toàn của ông. Ban đầu, người trung thành này cảm thấy vô cùng khổ sở, bàng hoàng. Nhưng Đức Giê-hô-va không để ông mãi trong trạng thái ấy.

18 Một sê-ra-phim lập tức đến an ủi nhà tiên tri. An ủi như thế nào? Tạo vật thần linh mạnh mẽ này bay đến bàn thờ, gắp ra than lửa và đặt lên môi Ê-sai. Điều này dường như gây đau đớn thay vì an ủi. Nhưng hãy nhớ rằng ấy là sự hiện thấy, mang đầy ý nghĩa tượng trưng. Ê-sai, một người Do Thái trung thành, biết rõ những của-lễ hàng ngày dâng nơi bàn thờ là để chuộc tội lỗi. Và sê-ra-phim đã yêu thương nhắc nhở nhà tiên tri rằng  dù thật sự là người bất toàn, “có môi dơ-dáy”, ông vẫn có thể có một vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời. * Đức Giê-hô-va sẵn lòng xem một người bất toàn, tội lỗi là thánh khiết—ít nhất theo nghĩa tương đối.—Ê-sai 6:6, 7.

19. Dù là người bất toàn, làm thế nào chúng ta có thể thánh khiết theo nghĩa tương đối?

19 Ngày nay điều ấy vẫn còn đúng. Tất cả những của-lễ dâng nơi bàn thờ tại Giê-ru-sa-lem chỉ là hình bóng về một điều lớn hơn—của-lễ hoàn toàn, duy nhất do Chúa Giê-su Christ dâng lên vào năm 33 CN. (Hê-bơ-rơ 9:11-14) Chúng ta được tha tội nếu thật sự ăn năn tội lỗi đã phạm, sửa đổi đường lối xấu, và thực hành đức tin nơi của-lễ ấy. (1 Giăng 2:2) Chúng ta cũng có thể hưởng vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta: “Có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh”. (1 Phi-e-rơ 1:16) Hãy lưu ý, Đức Giê-hô-va không nói chúng ta phải thánh khiết bằng Ngài. Ngài không bao giờ đòi hỏi chúng ta điều không thể thực hiện. (Thi-thiên 103:13, 14) Thay vì thế, Đức Giê-hô-va bảo chúng ta phải thánh  khiết Ngài là thánh. Tuy là người bất toàn, song “như con-cái rất yêu-dấu”, chúng ta cố hết sức noi gương Ngài. (Ê-phê-sô 5:1) Vậy, đạt đến sự thánh khiết là một tiến trình liên tục. Khi phát triển về phương diện thiêng liêng, ngày này sang ngày khác chúng ta cố gắng “đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn”.—2 Cô-rinh-tô 7:1, Tòa Tổng Giám Mục.

20. (a) Tại sao hiểu rằng chúng ta có thể trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời thánh là điều quan trọng? (b) Việc biết rằng tội lỗi đã được chuộc tác động thế nào đến Ê-sai?

20 Đức Giê-hô-va yêu những điều chính trực và thanh khiết. Ngài ghét tội lỗi. (Ha-ba-cúc 1:13) Nhưng Ngài không ghét chúng ta. Nếu chúng ta có cùng quan điểm như Ngài về tội lỗi—ghét điều dữ, yêu điều lành—và cố gắng noi theo dấu chân hoàn hảo của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta. (A-mốt 5:15; 1 Phi-e-rơ 2:21) Khi hiểu rằng mình có thể được xem là trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời thánh, điều ấy ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta. Hãy nhớ rằng sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va trước tiên nhắc Ê-sai nhớ đến tình trạng không thanh sạch của ông. Ông kêu vang: “Khốn-nạn cho tôi!” Nhưng khi hiểu rằng tội lỗi mình đã được chuộc, quan điểm của ông thay đổi. Khi Đức Giê-hô-va tìm người tình nguyện thi hành một nhiệm vụ, Ê-sai mau mắn đáp lời dù chưa biết sẽ phải làm gì. Ông kêu lên: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”.—Ê-sai 6:5-8.

21. Chúng ta có cơ sở nào để tin chắc mình có thể vun trồng đức tính thánh khiết?

21 Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời thánh khiết, được phú cho những phẩm chất đạo đức và khả năng nhận thức các vấn đề thiêng liêng. (Sáng-thế Ký 1:26) Sự thánh khiết tiềm tàng trong tất cả chúng ta. Khi chúng ta tiếp tục vun trồng sự thánh khiết, Đức Giê-hô-va vui lòng giúp đỡ. Khi làm thế, chúng ta sẽ càng ngày càng đến gần với Đức Chúa Trời thánh khiết hơn. Ngoài ra, khi xem xét những đức tính của Đức Giê-hô-va trong các chương sau, chúng ta sẽ thấy có nhiều lý do chính đáng để đến gần Ngài!

^ đ. 18 Cụm từ “có môi dơ dáy” là thích đáng, vì trong Kinh Thánh, môi thường tượng trưng cho lời nói hoặc ngôn ngữ. Hết thảy những người bất toàn, phần lớn tội lỗi chung quy là do cách dùng lời nói.—Châm-ngôn 10:19; Gia-cơ 3:2, 6.