Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 5

Quyền năng sáng tạo​—“Đấng dựng-nên trời đất”

Quyền năng sáng tạo​—“Đấng dựng-nên trời đất”

1, 2. Mặt trời cho thấy quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va như thế nào?

BẠN đã bao giờ đứng gần lò lửa vào một đêm lạnh giá chưa? Có lẽ bạn đưa tay gần ngọn lửa hồng để hưởng hơi ấm tỏa ra. Nếu nghiêng người sát ngọn lửa, bạn không chịu nổi sức nóng. Nhưng nếu lùi lại quá xa, khí lạnh ban đêm ập đến khiến bạn rùng mình.

2 Ban ngày có một “ngọn lửa” sưởi ấm da thịt chúng ta. “Ngọn lửa” ấy đang cháy sáng cách chúng ta khoảng 150 triệu kilômét! * Năng lượng mặt trời phải lớn biết bao, để bạn có thể cảm thấy sức nóng từ khoảng cách xa dường ấy! Tuy vậy, trái đất quay quanh lò nhiệt hạch đáng sợ ấy ở một khoảng cách vừa đúng. Gần quá, nước trên mặt trái đất sẽ bốc hơi hết; xa quá nước sẽ đóng băng. Ở thái cực nào đi nữa, hành tinh của chúng ta cũng không có sự sống. Chẳng những thiết yếu cho sự sống trên trái đất, ánh sáng mặt trời vừa sạch vừa đạt hiệu suất cao, đó là chưa kể đến việc nó gây vui thích.—Truyền-đạo 11:7.

Đức Giê-hô-va “đã sắm-sửa mặt trăng và mặt trời”

3. Mặt trời chứng thực lẽ thật quan trọng nào?

3 Tuy nhiên, phần đông người ta không để ý đến lợi ích của mặt trời, dù rằng sự sống của họ tùy thuộc vào nó. Thế nên, họ không nhận thức được điều mà mặt trời có thể dạy chúng ta. Kinh Thánh nói về Đức Giê-hô-va: “Chúa đã sắm-sửa mặt trăng và mặt trời”. (Thi-thiên 74:16) Đúng thế, mặt trời mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va, “Đấng dựng-nên trời đất”. (Thi-thiên 19:1; 146:6) Đó chỉ là một trong vô vàn thiên  thể, dạy chúng ta biết về quyền năng sáng tạo bao la của Đức Giê-hô-va. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn một số thiên thể, sau đó chú ý đến trái đất và sự sống sinh sôi nảy nở trên ấy.

“Hãy ngước mắt lên cao mà xem”

4, 5. Mặt trời có năng lượng và kích thước lớn đến mức nào, tuy vậy so với những ngôi sao khác, mặt trời ra sao?

4 Như bạn biết, mặt trời là một ngôi sao. Mặt trời có vẻ lớn hơn những ngôi sao chúng ta thấy ban đêm, vì nó khá gần so với những ngôi sao ấy. Năng lượng của nó lớn đến mức nào? Tại tâm điểm, sức nóng của mặt trời khoảng 15.000.000 độ C. Nếu bạn có thể lấy ra một miếng nhỏ bằng đầu kim từ tâm điểm của mặt trời và đặt nó trên trái đất, bạn phải đứng xa nguồn nhiệt bé li ti ấy khoảng 140 kilômét mới được an toàn! Mỗi giây, mặt trời phát ra năng lượng tương đương với sức nổ của hàng trăm triệu quả bom hạt nhân.

5 Mặt trời lớn đến mức có thể chứa hơn 1.300.000 trái đất chúng ta. Mặt trời có phải là một ngôi sao to lớn khác thường không? Không, các nhà thiên văn học gọi nó là ngôi sao lùn  màu vàng. Sứ đồ Phao-lô viết rằng “vinh-quang của ngôi sao nầy với vinh-quang của ngôi sao kia cũng khác”. (1 Cô-rinh-tô 15:41) Chắc ông đã không hiểu nổi những lời soi dẫn này đúng đến mức nào. Có một ngôi sao to lớn đến mức nếu nằm ở vị trí của mặt trời thì trái đất chúng ta sẽ ở trong nó. Nếu đặt một ngôi sao khổng lồ khác vào vị trí của mặt trời thì hình dáng to lớn của nó vươn đến tận Sao Thổ—dù rằng hành tinh này cách xa trái đất, xa đến mức một phi thuyền không gian du hành với vận tốc nhanh gấp 40 lần vận tốc một viên đạn bắn ra từ nòng súng lục, cũng phải mất bốn năm mới bay đến nơi!

6. Kinh Thánh cho thấy số lượng các ngôi sao nhiều vô kể như thế nào theo quan điểm của con người?

6 Điều đáng kinh sợ hơn kích thước là số lượng các ngôi sao. Thật thế, Kinh Thánh gợi ý rằng có hầu như vô số ngôi  sao, khó đếm hết như “cát dưới biển”. (Giê-rê-mi 33:22) Câu này hàm ý có rất nhiều ngôi sao, mắt thường không thể thấy hết. Suy cho cùng, nếu người viết Kinh Thánh, như Giê-rê-mi chẳng hạn, ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm và cố đếm những ngôi sao, ông cũng chỉ đếm được độ ba ngàn, vì đó là con số mà mắt người có thể thấy được vào một đêm quang đãng. Có thể so sánh con số ấy với số hạt cát trong một nắm cát. Song, thực ra, con số các vì sao vô cùng lớn, nhiều như cát bờ biển. * Ai có thể đếm được con số lớn ngần ấy?

“Ngài đặt tên hết thảy”

7. (a) Dải Ngân Hà của chúng ta chứa khoảng bao nhiêu ngôi sao, và con số đó lớn thế nào? (b) Tại sao việc các nhà thiên văn học không đếm được số các thiên hà lại có ý nghĩa, và điều ấy dạy chúng ta biết gì về quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va?

7 Sách Ê-sai 40:26 trả lời: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy”. Thi-thiên 147:4 nói: “Ngài đếm số các vì sao”. “Số các vì sao” là bao nhiêu? Câu hỏi này không đơn giản. Theo ước lượng của các nhà thiên văn học, chỉ riêng dải Ngân Hà của chúng ta thôi, đã có hơn 100 tỉ ngôi sao. * Nhưng dải Ngân Hà chỉ là một trong nhiều thiên hà, và nhiều thiên hà lại còn đầy dẫy nhiều ngôi sao hơn thế nữa. Có cả thảy bao nhiêu thiên hà? Một số nhà thiên văn học ước lượng có khoảng 50 tỉ. Một số khác tính có thể có đến 125 tỉ. Vậy, số lượng các thiên hà con người còn không xác định nổi, huống chi tổng số chính xác của hàng tỉ tỉ ngôi sao trong các thiên hà ấy. Song, Đức Giê-hô-va biết con số ấy. Không những thế, Ngài đặt tên cho từng ngôi sao!

8. (a) Bạn giải thích thế nào về kích cỡ của dải Ngân Hà? (b) Đức Giê-hô-va định thứ tự chuyển động của các thiên thể bằng cách nào?

 8 Suy ngẫm về kích cỡ các thiên hà, sự kính sợ của chúng ta chỉ tăng chứ không giảm. Phải mất phỏng chừng 100.000 năm ánh sáng để băng qua dải Ngân Hà. Hãy tưởng tượng một luồng ánh sáng truyền đi với vận tốc 300.000 kilômét mỗi giây. Nó phải mất 100.000 năm để băng qua thiên hà của chúng ta! Và một số thiên hà lớn gấp bội lần thiên hà chúng ta. Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va “giương” các từng trời bao la như thể giương mảnh vải. (Thi-thiên 104:2) Ngài cũng quy định sự chuyển động của những tạo vật này. Từ hạt bụi vũ trụ cho đến những thiên thể lớn nhất, mọi thứ đều chuyển động theo các luật vật lý mà Đức Chúa Trời lập ra và khởi động. (Gióp 38:31-33) Thế nên, các nhà khoa học đã ví những chuyển động chính xác của các thiên thể với nghệ thuật vũ ba lê phức tạp! Vậy, hãy suy nghĩ về Đấng tạo ra những thiên thể này. Bạn không cảm thấy kính sợ một Đức Chúa Trời có quyền năng sáng tạo vô biên như thế sao?

“[Đấng] làm nên đất bởi quyền-năng Ngài”

9, 10 Quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va hiển nhiên như thế nào qua vị trí của thái dương hệ, Sao Mộc, trái đất và mặt trăng?

9 Quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va bộc lộ hiển nhiên trên trái đất, tổ ấm của chúng ta. Ngài đã đặt trái đất một cách rất cẩn thận trong vũ trụ mênh mông này. Một số nhà khoa học tin rằng nhiều thiên hà không có các điều kiện thuận lợi cho một hành tinh có sự sống như của chúng ta. Có thể khẳng định phần lớn thiết kế của dải Ngân Hà không thích hợp cho sự sống. Tâm thiên hà dày đặc những vì sao. Bức xạ ở đấy cao, và thường xảy ra việc các ngôi sao gần đụng nhau. Rìa ngoài của thiên hà thiếu nhiều yếu tố thiết yếu cho sự sống. Thái dương hệ của chúng ta nằm ở vị trí lý tưởng, ở giữa hai thái cực ấy.

10 Trái đất được che chở bởi một hành tinh khổng lồ nhưng ở rất xa—Sao Mộc. Lớn hơn Trái Đất gấp ngàn lần, Sao Mộc  phát ra một lực hút kinh khủng. Hiệu quả là gì? Nó hút hoặc làm chệch hướng những vật thể bay vút trong không gian. Các nhà khoa học tính rằng nếu không nhờ Sao Mộc, những thiên thạch khổng lồ sẽ rơi như mưa xuống trái đất nhiều hơn gấp 10.000 lần so với hiện nay. Gần không gian chúng ta ở, trái đất được lợi ích nhờ một vệ tinh khác thường—mặt trăng. Không chỉ là một thiên thể xinh đẹp và “ánh sáng ban đêm”, mặt trăng còn giữ trái đất ở một độ nghiêng ổn định, bất biến. Độ nghiêng ấy tạo ra bốn mùa ổn định, có thể biết trước—một lợi ích quan trọng cho sự sống trên trái đất.

11. Tầng khí quyển của trái đất được thiết kế như thế nào để có tác dụng như một cái khiên che chở?

11 Quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va bộc lộ hiển nhiên qua mọi khía cạnh trong công trình thiết kế trái đất. Hãy xem xét tầng khí quyển có tác dụng như một cái khiên che chở. Mặt trời phát ra những tia sáng có lợi cho sức khỏe và những tia độc hại. Khi những tia sáng độc hại chạm vào thượng tầng khí quyển trái đất, chúng làm cho khí oxy bình thường biến thành khí ozone, tích tụ lại thành một tầng. Tầng ozone này hấp thu hầu hết những tia sáng độc hại. Như thế, hành tinh của chúng ta được thiết kế với tầng khí có tác dụng như cây dù che chở!

12. Chu trình nước cho thấy quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va như thế nào?

12 Đó chỉ là một khía cạnh của tầng khí quyển chúng ta, một hỗn hợp khí phức tạp, hoàn toàn thích hợp với việc nuôi dưỡng những tạo vật sống ở trên hoặc gần mặt trái đất. Một trong những điều kỳ diệu của tầng khí quyển là chu trình nước. Mỗi năm hơn 400.000 kilômét khối nước biển hoặc đại dương bốc hơi nhờ năng lượng mặt trời. Hơi nước tích tụ thành mây, được gió trong không khí đưa đi khắp nơi. Nước này nay đã được lọc sạch và tinh khiết rơi xuống thành mưa, tuyết và băng, lại làm đầy nguồn nước trên đất. Đúng như Truyền-đạo 1:7 nói: “Mọi sông đều đổ vào biển, song không hề làm đầy biển; nơi mà sông thường chảy vào, nó lại  chảy về đó nữa”. Chỉ mình Đức Giê-hô-va mới có thể khởi động chu trình như thế.

13. Chúng ta thấy bằng chứng nào về quyền năng của Đấng Tạo Hóa thể hiện trong các loài thực vật trên trái đất và trong đất?

13 Nơi nào có sự sống, nơi đó chúng ta thấy bằng chứng về quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Từ những cây cù tùng cao lớn lạ thường, cao hơn cả tòa nhà 30 tầng cho đến thực vật cực nhỏ đầy khắp các đại dương, cung cấp phần nhiều lượng khí oxy chúng ta thở; quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va bộc lộ hiển nhiên. Chính trong đất cũng đầy những vật sống—giun, nấm, và vi khuẩn, tất cả cùng phối hợp theo những cách phức tạp, giúp cây cối tăng trưởng. Kinh Thánh nói đất có sức lực quả thích hợp.—Sáng-thế Ký 4:12, Nguyễn Thế Thuấn.

14. Năng lượng nào tiềm tàng trong nguyên tử bé tí ti?

14 Rõ ràng Đức Giê-hô-va “làm nên đất bởi quyền-năng Ngài”. (Giê-rê-mi 10:12) Quyền năng Đức Chúa Trời bộc lộ hiển nhiên ngay trong những tạo vật nhỏ nhất. Chẳng hạn, một triệu nguyên tử đặt sát bên nhau cũng không bằng độ dày sợi tóc. Và giả thử một nguyên tử được kéo giãn ra cho đến khi cao bằng một tòa nhà 14 tầng thì hạt nhân của nó sẽ bằng hạt muối, nằm ở tầng thứ bảy. Song, hạt nhân vô cùng bé ấy lại là nguồn phát ra năng lượng đáng sợ trong vụ nổ nguyên tử!

“Phàm vật chi thở”

15. Đức Giê-hô-va đã dạy cho Gióp bài học nào khi bàn về nhiều loại thú rừng?

15 Một bằng chứng sống động khác về quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va được thể hiện qua vô số loài thú trên đất. Thi-thiên 148 liệt kê danh sách nhiều vật ngợi khen Đức Giê-hô-va, và câu 10 kể ra “thú rừng và các loài súc-vật”. Để cho thấy tại sao loài người phải kính sợ Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va đã có lần phán với Gióp về những con thú như sư tử, ngựa vằn, bò rừng, hà mã, và cá sấu. Điểm chính là gì? Nếu  kinh khiếp trước những thú vật mạnh mẽ, đáng sợ và không thể thuần hóa ấy, con người phải cảm thấy thế nào trước Đấng tạo ra chúng?—Gióp, chương 38-41.

16. Điều gì gây ấn tượng đối với bạn về một vài loài chim do Đức Giê-hô-va tạo ra?

16 Thi-thiên 148:10 cũng nói đến “loài chim”. Hãy nghĩ đến sự đa dạng của chúng! Đức Giê-hô-va nói với Gióp về “chim lạc-đà”, tức đà điểu “nhạo-báng ngựa và người cỡi ngựa”. Thật thế, loài chim cao 2,5 mét này dù không biết bay nhưng nó có thể chạy 65 kilômét mỗi giờ, một sải chân dài đến 4,5 mét! (Gióp 39:16, 21) Mặt khác, chim hải âu sống phần lớn cuộc đời trong khoảng không trên mặt biển. Bản chất tự nhiên là bay liệng, loài chim này sải cánh dài khoảng ba mét. Nó có thể liệng một mạch nhiều giờ mà không cần vỗ cánh. Tương phản với loài hải âu, có một loại chim ruồi chỉ dài năm centimét là loài chim nhỏ nhất trên thế giới. Nó có thể đập cánh 80 lần trong một giây! Chim ruồi lóng lánh như viên ngọc nhỏ có cánh, có thể bay đứng một chỗ trên không như máy bay lên thẳng và ngay cả bay giật lùi.

17. Cá voi xanh lớn đến mức nào, và sau khi suy ngẫm về những loài thú do Đức Giê-hô-va tạo ra, chúng ta đương nhiên đi đến kết luận nào?

17 Thi-thiên 148:7 nói ngay cả “các quái-vật của biển” cũng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Hãy xem con vật thường được xem là lớn nhất, từng sống trên hành tinh này: cá voi xanh. “Quái vật” sống dưới biển sâu này có thể dài đến 30 mét hoặc hơn nữa. Nó có thể cân nặng bằng một đàn voi gồm 30 con trưởng thành. Chỉ cái lưỡi của nó thôi cũng nặng bằng một con voi. Trái tim nó to như một xe hơi loại nhỏ. Cơ quan khổng lồ này chỉ đập 9 lần mỗi phút—tương phản với trái tim của loài chim ruồi đập đến 1.200 lần mỗi phút. Ít nhất một trong các mạch máu của cá voi xanh rộng đến độ một em bé có thể bò trong ấy. Chắc chắn lòng chúng ta được thôi thúc nhắc lại lời khuyến giục kết thúc sách Thi-thiên: “Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 150:6.

 Học hỏi từ quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va

18, 19. Đức Giê-hô-va tạo ra trên đất các sinh vật đa dạng như thế nào, và sự sáng tạo dạy chúng ta điều gì về quyền tối thượng của Ngài?

18 Chúng ta học hỏi được gì từ việc Đức Giê-hô-va sử dụng quyền năng sáng tạo của Ngài? Chúng ta kính phục sự sáng tạo đa dạng. Người viết Thi-thiên thán phục: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao!... Trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài”. (Thi-thiên 104:24) Thật đúng biết bao! Các nhà sinh vật học đã phân loại được hơn một triệu loài sinh vật trên đất; song, ý kiến không thống nhất về số sinh vật, có thể nhiều đến 10 triệu, 30 triệu hoặc hơn nữa. Một người nghệ sĩ đôi khi cảm thấy óc sáng tạo của mình cạn kiệt. Ngược lại, óc sáng tạo của Đức Giê-hô-va—năng lực phát minh và tạo những vật mới và đa dạng—rõ ràng là vô tận.

19 Cách Đức Giê-hô-va dùng năng lực sáng tạo dạy chúng ta về quyền tối thượng của Ngài. Chính từ ngữ “Đấng Tạo Hóa” tôn Đức Giê-hô-va lên trên hết mọi vật trong vũ trụ, tất cả chỉ là “vật thọ tạo”. Ngay cả Con độc sinh của Đức Giê-hô-va, đấng phụng sự với tư cách “thợ cái” trong suốt cuộc sáng tạo, cũng không hề được gọi là Đấng Tạo Hóa hay đồng Tạo Hóa trong Kinh Thánh. (Châm-ngôn 8:30; Ma-thi-ơ 19:4) Đúng  hơn, ngài là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”. (Cô-lô-se 1:15, chúng tôi viết nghiêng). Trên cương vị Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va độc nhất nắm quyền tối thượng trên tất cả vũ trụ.—Rô-ma 1:20; Khải-huyền 4:11.

20. Đức Giê-hô-va nghỉ các công việc của Ngài theo nghĩa nào kể từ khi hoàn tất việc sáng tạo trên đất?

20 Đức Giê-hô-va có ngừng hành sử quyền năng sáng tạo của Ngài không? Kinh Thánh nói khi Đức Giê-hô-va chấm dứt công việc sáng tạo vào ngày sáng tạo thứ sáu, “ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công-việc Ngài đã làm”. (Sáng-thế Ký 2:2) Sứ đồ Phao-lô cho thấy “ngày” thứ bảy này dài hàng nhiều ngàn năm, vì “ngày” đó vẫn đang tiếp diễn vào thời ông. (Hê-bơ-rơ 4:3-6) Nhưng từ “nghỉ” có nghĩa Đức Giê-hô-va đã ngừng tất cả mọi công việc của Ngài không? Không, Đức Giê-hô-va không bao giờ ngừng làm việc. (Thi-thiên 92:4; Giăng 5:17) Vậy, việc Ngài nghỉ ắt hẳn chỉ nói đến việc Ngài ngừng tạo ra vật chất trên trái đất. Tuy nhiên, việc hoàn thành các ý định của Ngài vẫn tiếp diễn, không gián đoạn. Công việc này bao gồm việc soi dẫn Kinh Thánh. Công việc của Ngài bao gồm ngay cả việc tạo ra “người dựng nên mới” sẽ bàn trong Chương 19.—2 Cô-rinh-tô 5:17.

21. Quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va sẽ ảnh hưởng thế nào đến những người trung thành cho đến muôn đời?

21 Vào cuối ngày nghỉ của Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ phán công việc trên đất “rất tốt lành”, tương tự như Ngài đã phán vào cuối giai đoạn sáu ngày sáng tạo. (Sáng-thế Ký 1:31) Ngài quyết định sử dụng quyền năng sáng tạo vô tận của Ngài như thế nào sau đó, còn phải chờ xem. Dù sao chăng nữa, chúng ta có thể chắc chắn rằng cách Đức Giê-hô-va dùng năng lực sáng tạo của Ngài sẽ tiếp tục lôi cuốn chúng ta. Chúng ta sẽ học hỏi nhiều hơn về Đức Giê-hô-va qua công việc sáng tạo của Ngài cho đến muôn đời. (Truyền-đạo 3:11) Càng học biết về Ngài, chúng ta càng cảm thấy kính sợ—và càng đến gần Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại của chúng ta hơn.

^ đ. 2 Để hiểu rõ con số khổng lồ này, hãy nghĩ: Để lái xe hơi vượt khoảng cách xa như thế—ngay cả với vận tốc 160 km/giờ, suốt 24 giờ một ngày—bạn phải mất hơn một trăm năm!

^ đ. 6 Một số người nghĩ rằng những người xưa sống vào thời Kinh Thánh ắt hẳn phải dùng một loại kính viễn vọng thô sơ. Theo lý luận của họ thì làm gì có cách nào khác để những người thời đó biết rằng các ngôi sao nhiều, không đếm xuể như thế, theo quan điểm con người? Suy đoán vô căn cứ như thế là không công nhận vai trò của Đức Giê-hô-va, Tác Giả Kinh Thánh.—2 Ti-mô-thê 3:16.

^ đ. 7 Hãy nghĩ xem bạn mất bao lâu chỉ để đếm hết 100 tỉ ngôi sao. Nếu mỗi giây bạn có thể đếm được một ngôi sao—và tiếp tục đếm suốt 24 giờ một ngày—bạn phải mất 3.171 năm!