Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 6

Quyền năng hủy diệt​—“Đức Giê-hô-va là một chiến-sĩ”

Quyền năng hủy diệt​—“Đức Giê-hô-va là một chiến-sĩ”

1-3. (a) Dân Y-sơ-ra-ên đã đứng trước mối đe dọa nào nơi tay người Ê-díp-tô? (b) Đức Giê-hô-va tranh chiến ra sao cho dân Ngài?

DÂN Y-sơ-ra-ên bị mắc kẹt—một bên là vách núi hiểm trở, bên kia là biển cả không thể vượt qua. Quân đội Ê-díp-tô, guồng máy giết người tàn nhẫn, đang truy đuổi ráo riết, quyết tâm tiêu diệt họ. * Song, Môi-se khuyên dân Đức Chúa Trời đừng mất hy vọng. Ông trấn an họ: “Đức Giê-hô-va sẽ chiến-cự cho [các ngươi]”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 14:14.

2 Dù vậy, hình như Môi-se đã kêu cầu Đức Giê-hô-va, và Đức Chúa Trời đáp lời: “Sao ngươi kêu-van ta?... Ngươi hãy giơ gậy lên, đưa tay trên mặt biển, phân-rẽ nước ra”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:15, 16) Hãy hình dung những sự kiện diễn ra. Đức Giê-hô-va lập tức ra lệnh cho thiên sứ. Trụ mây di chuyển về phía sau trại quân Y-sơ-ra-ên, có lẽ giăng ra như một bức tường, chặn đường tấn công của quân Ê-díp-tô. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19, 20; Thi-thiên 105:39) Môi-se dang rộng tay ra. Một cơn gió mạnh rẽ nước biển ra hai bên. Bằng một cách nào đó nước đông lại và dựng lên như hai bức tường, mở ra một lối đi rộng, đủ chứa toàn thể dân sự!—Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21; 15:8.

3 Đứng trước sự biểu dương quyền lực này, lẽ ra Pha-ra-ôn nên ra lệnh cho binh lính rút lui. Trái lại, Pha-ra-ôn kiêu ngạo ra lệnh tấn công. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:23) Quân Ê-díp-tô ùa xuống lòng biển để truy đuổi, nhưng sau đó chẳng lâu, cuộc tấn công của họ trở nên hỗn loạn vì các bánh xe ngựa bị long ra. Khi dân Y-sơ-ra-ên an toàn sang đến bờ bên kia, Đức  Giê-hô-va truyền lệnh cho Môi-se: “Hãy giơ tay ngươi ra trên biển, nước sẽ trở lấp người Ê-díp-tô, binh-xa và lính-kỵ của chúng nó”. Hai bức tường nước đổ ập xuống, chôn vùi Pha-ra-ôn và binh lực của ông!—Xuất Ê-díp-tô Ký 14:24-28; Thi-thiên 136:15.

Tại Biển Đỏ, Đức Giê-hô-va chứng tỏ ngài là “một chiến-sĩ”

4. (a) Đức Giê-hô-va chứng tỏ điều gì tại Biển Đỏ? (b) Một số người có thể phản ứng thế nào trước sự miêu tả này về Đức Giê-hô-va?

4 Việc giải thoát dân Y-sơ-ra-ên tại Biển Đỏ là một biến cố quan trọng trong quá trình Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại. Tại đó Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ Ngài là “một chiến-sĩ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3) Vậy, bạn phản ứng thế nào trước lời miêu tả này về Đức Giê-hô-va? Công nhận rằng chiến tranh mang lại nhiều đau khổ và bất hạnh cho con người. Việc Đức Chúa Trời sử dụng quyền năng hủy diệt có thể nào là yếu tố cản trở thay vì khuyến khích bạn đến gần Ngài không?

Cuộc chiến của Đức Chúa Trời tương phản với những xung đột của con người

5, 6. (a) Tại sao Đức Chúa Trời xứng đáng với danh “Đức Giê-hô-va của vạn-quân”? (b) Cuộc chiến của Đức Chúa Trời khác với cuộc chiến của loài người thế nào?

5 Trong nguyên ngữ Kinh Thánh, gần ba trăm lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và hai lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, Đức Chúa Trời mang danh “Đức Giê-hô-va của vạn-quân”. (1 Sa-mu-ên 1:11) Trên cương vị Đấng Cai Trị Tối Thượng, Đức Giê-hô-va chỉ huy quân lực đông đảo gồm các thiên sứ. (Giô-suê 5:13-15; 1 Các Vua 22:19) Tiềm năng hủy diệt của binh lực này thật đáng kinh sợ. (Ê-sai 37:36) Nghĩ đến việc loài người bị hủy diệt không phải là điều thích thú gì. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng cuộc chiến của Đức Chúa Trời khác với những xung đột ti tiện của loài người. Giới lãnh đạo quân sự và chính trị cố gán ghép những động lực cao thượng cho các cuộc xâm lược của họ. Nhưng chiến tranh của loài người lúc nào cũng liên quan đến sự tham lam và ích kỷ.

 6 Ngược lại, Đức Giê-hô-va không bị xúc cảm mù quáng chi phối. Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4 tuyên bố: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”. Lời Đức Chúa Trời lên án tính nóng giận vô độ, tính tàn nhẫn, và hung bạo. (Sáng-thế Ký 49:7; Thi-thiên 11:5) Do đó Đức Giê-hô-va luôn luôn hành động có lý do. Ngài sử dụng quyền năng hủy diệt một cách dè dặt và chỉ sử dụng khi không còn phương cách nào khác. Như Ngài nói qua tiên tri Ê-xê-chi-ên: “Ta há có vui chút nào về sự chết của kẻ dữ sao? há chẳng thà vui về sự nó xây-bỏ đường-lối mình và nó sống sao?”—Ê-xê-chi-ên 18:23.

7, 8. (a) Gióp kết luận sai lầm thế nào về những đau khổ của ông? (b) Ê-li-hu đã điều chỉnh lối suy nghĩ của Gióp về phương diện này như thế nào? (c) Chúng ta rút ra được bài học nào từ những gì Gióp đã trải qua?

7 Vậy, tại sao Đức Giê-hô-va sử dụng quyền năng hủy diệt? Trước khi trả lời, chúng ta hãy nhớ lại Gióp, một người công bình. Sa-tan nêu lên nghi vấn về lòng trung kiên của Gióp—trên thực tế, lòng trung kiên của bất cứ ai—khi bị thử thách. Đức Giê-hô-va giải đáp nghi vấn ấy bằng cách cho phép Sa-tan thử lòng trung kiên của Gióp. Vì thế, Gióp mắc bệnh đau đớn, mất cả tài sản lẫn con cái. (Gióp 1:1–2:8) Không hiểu rõ vấn đề, Gióp đã kết luận sai lầm rằng ông chịu đau khổ là do Đức Chúa Trời trừng phạt một cách bất công. Ông hỏi Đức Chúa Trời tại sao Ngài làm ông thành “tấm bia”, “kẻ cừu-địch” của Ngài.—Gióp 7:20; 13:24.

8 Một người trẻ tuổi tên Ê-li-hu đã vạch ra sai lầm trong lối suy nghĩ của Gióp: “Ông đã nói rằng: Tôi vốn công-bình hơn Đức Chúa Trời”. (Gióp 35:2) Đúng, nghĩ rằng chúng ta biết nhiều hơn Đức Chúa Trời hoặc cho rằng Ngài hành động bất công là thiếu khôn ngoan. Ê-li-hu tuyên bố: “Đức Chúa Trời chẳng hề hành ác, Đấng Toàn-năng không bao giờ làm hung-nghiệt”. Sau đó ông nói: “Luận về Đấng Toàn-năng, ta không tìm thấy đến ngài được: Ngài vốn rất quyền-năng, rất chánh-trực và công-bình cực-điểm”. (Gióp 34:10; 36:22, 23; 37:23) Chúng ta  có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời có lý do chính đáng khi chiến đấu. Ghi nhớ điều này, chúng ta hãy phân tích một số lý do tại sao Đức Chúa Trời của sự hòa bình đôi khi đảm đương vai trò chiến sĩ.—1 Cô-rinh-tô 14:33.

Tại sao Đức Chúa Trời của hòa bình buộc phải chiến đấu?

9. Tại sao Đức Chúa Trời của sự hòa bình phải chiến đấu?

9 Sau khi ca ngợi Đức Chúa Trời là “một chiến-sĩ”, Môi-se tuyên bố: “Hỡi Đức Giê-hô-va! trong vòng các thần, ai giống như Ngài? Trong sự thánh-khiết, ai được vinh-hiển như Ngài”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:11) Tiên tri Ha-ba-cúc cũng viết tương tự: “Mắt Chúa thánh-sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái-ngược”. (Ha-ba-cúc 1:13) Dù Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tình yêu thương, Ngài cũng là Đức Chúa Trời của sự thánh khiết, công bình và chí công. Đôi lúc những đức tính này thôi thúc Ngài sử dụng quyền năng hủy diệt. (Ê-sai 59:15-19; Lu-ca 18:7) Thế nên việc Đức Chúa Trời chiến đấu không làm hoen ố sự thánh khiết của Ngài. Đúng hơn, Ngài chiến đấu bởi vì Ngài thánh khiết.—Xuất Ê-díp-tô Ký 39:30.

10. (a) Khi nào và bằng cách nào đã phát sinh nhu cầu buộc Đức Chúa Trời phải chiến đấu? (b) Sự thù nghịch báo trước nơi Sáng-thế Ký 3:15 chỉ được giải quyết bằng cách nào, và loài người công bình được lợi ích gì?

10 Hãy xem xét tình huống nảy sinh sau khi cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va, phản nghịch Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Nếu dung túng hành động bất chính của họ, Đức Giê-hô-va sẽ làm suy yếu chính cương vị Chúa Tối Thượng Hoàn Vũ. Là Đức Chúa Trời công bình, Ngài buộc phải kết án chết cho họ. (Rô-ma 6:23) Theo lời tiên tri đầu tiên trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va báo trước sự thù nghịch sẽ nảy sinh giữa các tôi tớ Ngài và những kẻ theo “con rắn”, Sa-tan. (Khải-huyền 12:9; Sáng-thế Ký 3:15) Sự thù nghịch này cuối cùng chỉ có thể giải quyết được bằng cách hủy diệt Sa-tan. (Rô-ma 16:20) Nhưng sự phán xét ấy sẽ mang lại ân phước lớn cho loài người công bình, loại trừ ảnh hưởng của Sa-tan khỏi trái đất và mở  đường cho địa đàng trên toàn cầu. (Ma-thi-ơ 19:28) Cho đến lúc ấy, những kẻ theo Sa-tan vẫn còn là mối đe dọa hạnh phúc của dân Đức Chúa Trời về phương diện thể chất lẫn thiêng liêng. Thỉnh thoảng Đức Giê-hô-va phải can thiệp.

Đức Chúa Trời hành động để loại trừ sự gian ác

11. Tại sao Đức Chúa Trời buộc phải gây nên trận lụt toàn cầu?

11 Trận Nước Lụt thời Nô-ê là trường hợp điển hình về sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Sáng-thế Ký 6:11, 12 nói: “Thế-gian bấy giờ đều bại-hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy-dẫy sự hung-ác. Nầy, Đức Chúa Trời nhìn xem thế-gian, thấy đều bại-hoại, vì hết thảy xác-thịt làm cho đường mình trên đất phải bại-hoại”. Liệu Đức Chúa Trời sẽ để cho kẻ ác xóa bỏ nốt một chút đạo đức cuối cùng, còn sót lại trên đất không? Không. Đức Giê-hô-va buộc phải gây nên trận lụt toàn cầu để loại trừ khỏi trái đất những kẻ ưa thích bạo lực và sự vô luân.

12. (a) Đức Giê-hô-va báo trước điều gì về “dòng dõi” của Áp-ra-ham? (b) Tại sao dân A-mô-rít bị tiêu diệt?

12 Cũng tương tự như thế trong trường hợp Đức Chúa Trời phán xét dân Ca-na-an. Đức Giê-hô-va cho biết rằng một “dòng-dõi” sẽ ra từ Áp-ra-ham, nhờ dòng dõi đó các gia đình trên đất sẽ được phước. Phù hợp với ý định này, Đức Chúa Trời đã quy định rằng con cháu Áp-ra-ham sẽ được ban cho xứ Ca-na-an, xứ mà dân A-mô-rít cư trú. Làm sao Đức Chúa Trời có lý do chính đáng để dùng vũ lực đuổi những người này ra khỏi xứ họ? Đức Giê-hô-va báo trước việc đánh đuổi này sẽ không xảy ra trong khoảng 400 năm—cho đến khi “tội-lỗi của dân A-mô-rít” đã “đầy-dẫy”. * (Sáng-thế Ký 12:1-3; 13:14, 15; 15:13, 16; 22:18) Trong thời gian ấy, người A-mô-rít ngày càng chìm sâu vào sự băng hoại về luân lý. Ca-na-an trở thành một xứ đầy hình tượng, đẫm máu, và có những thực hành tính dục đồi bại. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:24; 34:12, 13; Dân-số Ký 33:52) Dân trong xứ này thậm chí thiêu sống trẻ con để tế thần.  Một Đức Chúa Trời thánh khiết có thể để dân Ngài chịu ảnh hưởng những việc ác như thế không? Không! Ngài phán: “Đất vì chúng nó mà bị ô-uế; ta sẽ phạt tội-ác họ; đất sẽ mửa dân nó ra vậy”. (Lê-vi Ký 18:21-25) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không giết người một cách bừa bãi. Những người Ca-na-an có lòng hướng tới lẽ phải, như Ra-háp và người Ga-ba-ôn, được bảo toàn tính mạng.—Giô-suê 6:25; 9:3-27.

Chiến đấu vì danh Ngài

13, 14. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va buộc phải làm thánh danh Ngài? (b) Đức Giê-hô-va gột rửa danh Ngài khỏi những điều ô nhục bằng cách nào?

13 Vì Đức Giê-hô-va thánh khiết nên danh Ngài là thánh. (Lê-vi Ký 22:32) Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện: “Danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Sự phản nghịch trong vườn Ê-đen xúc phạm đến danh Đức Chúa Trời, gây nghi vấn về danh tiếng và cách cai trị của Ngài. Đức Giê-hô-va tuyệt nhiên không thể dung túng sự vu khống và phản nghịch ấy. Ngài buộc phải gột rửa danh Ngài khỏi những điều ô nhục.—Ê-sai 48:11.

14 Hãy lại xem xét dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời hứa rằng mọi gia đình trên đất sẽ hưởng phước nhờ Dòng Dõi của Áp-ra-ham. Chừng nào họ còn làm nô lệ ở Ê-díp-tô, lời hứa ấy dường như vô hiệu. Nhưng, bằng cách giải thoát và lập họ thành một nước, Đức Giê-hô-va gột rửa danh Ngài khỏi những điều ô nhục. Tiên tri Đa-ni-ên nhớ lại trong lời cầu nguyện như thế này: “Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời chúng tôi, Ngài đã lấy tay mạnh đem dân Ngài ra khỏi đất Ê-díp-tô, đã làm nên cho mình một danh-tiếng”.—Đa-ni-ên 9:15.

15. Tại sao Đức Giê-hô-va cứu dân Do Thái khỏi tình trạng giam cầm tại Ba-by-lôn?

15 Điều đáng chú ý là Đa-ni-ên đã cầu nguyện như thế vào lúc dân Do Thái cần Đức Giê-hô-va hành động một lần nữa vì danh Ngài. Lần này, dân Do Thái bất trung bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Thủ đô của họ, Giê-ru-sa-lem, nằm trong cảnh hoang tàn. Đa-ni-ên biết việc đưa dân Do Thái trở về quê hương sẽ  làm rạng danh Đức Giê-hô-va. Do đó ông đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha thứ! Lạy Chúa, xin đoái thương! Vì danh Ngài, xin ra tay và đừng trì hoãn, lạy Thiên Chúa của con, bởi vì thành và dân của Ngài đã được thánh hiến cho Ngài”.—Đa-ni-ên 9:18, 19, Tòa Tổng Giám Mục; chúng tôi viết nghiêng.

Vì dân Ngài mà chiến đấu

16. Hãy giải thích tại sao việc Đức Giê-hô-va quan tâm bảo vệ danh Ngài không có nghĩa là Ngài lạnh lùng và ích kỷ.

16 Việc Đức Giê-hô-va quan tâm bảo vệ danh Ngài phải chăng có nghĩa là Ngài lạnh lùng và ích kỷ? Không, bởi vì bằng cách hành động phù hợp với sự thánh khiết và lòng yêu chuộng công lý, Ngài bảo vệ dân Ngài. Hãy xem xét Sáng-thế Ký chương 14. Nơi ấy chúng ta đọc về việc bốn vua xâm lăng đã bắt cóc cháu của Áp-ra-ham là Lót và gia đình Lót. Nhờ có Đức Chúa Trời giúp sức, Áp-ra-ham đã chiến thắng một cách lạ lùng lực lượng hùng mạnh hơn nhiều! Đây có thể là chiến thắng đầu tiên ghi trong “sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va”, sách này xem chừng cũng ghi chép một số chiến trận không được ghi trong Kinh Thánh. (Dân-số Ký 21:14) Có thêm nhiều chiến thắng khác sau đó.

17. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va chiến đấu cho dân Y-sơ-ra-ên sau khi họ đã vào xứ Ca-na-an? Hãy cho thí dụ.

17 Một thời gian ngắn trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào đất Ca-na-an, Môi-se trấn an họ: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đi trước, chánh Ngài sẽ chiến-cự cho các ngươi, như Ngài đã thường làm trước mắt các ngươi tại xứ Ê-díp-tô”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:30; 20:1) Bắt đầu từ thời Giô-suê, người kế vị Môi-se, tiếp tục qua thời các Quan Xét và triều đại những vua trung thành của xứ Giu-đa, Đức Giê-hô-va quả thật đã chiến đấu vì dân Ngài, ban cho họ những chiến thắng vinh quang trước kẻ thù.—Giô-suê 10:1-14; Các Quan Xét 4:12-17; 2 Sa-mu-ên 5:17-21.

18. (a) Tại sao chúng ta biết ơn về việc Đức Giê-hô-va không thay đổi? (b) Điều gì sẽ xảy ra khi sự thù nghịch nói đến nơi Sáng-thế Ký 3:15 lên đến tột đỉnh?

18 Đức Giê-hô-va không thay đổi; ý định lập một địa đàng hòa  bình trên hành tinh này cũng không thay đổi. (Sáng-thế Ký 1:27, 28) Đức Chúa Trời vẫn ghét sự ác. Đồng thời Ngài tha thiết yêu thương dân Ngài, và chẳng bao lâu nữa sẽ hành động vì họ. (Thi-thiên 11:7) Thực vậy, sự thù nghịch được miêu tả nơi Sáng-thế Ký 3:15 sẽ đến bước ngoặt đột ngột và dữ dội trong tương lai gần đây như đã mong đợi. Để làm thánh danh và bảo vệ dân Ngài, một lần nữa Đức Giê-hô-va sẽ trở thành “chiến-sĩ”!—Xa-cha-ri 14:3; Khải-huyền 16:14, 16.

19. (a) Hãy minh họa tại sao việc Đức Chúa Trời sử dụng quyền năng hủy diệt có thể thu hút chúng ta đến gần Ngài. (b) Việc Đức Chúa Trời sẵn lòng chiến đấu tác động thế nào đến chúng ta?

19 Hãy xem xét một minh họa: Giả sử gia đình người đàn ông kia bị thú dữ tấn công. Ông xông vào đánh và giết con vật hung ác ấy. Bạn có nghĩ vợ và các con kinh tởm hành động này không? Trái lại, bạn chờ đợi rằng họ cảm động vì tình yêu thương quên mình của ông đối với gia đình. Tương tự, việc Đức Chúa Trời sử dụng quyền năng hủy diệt không nên khiến chúng ta tránh xa Ngài. Việc Ngài sẵn lòng chiến đấu bảo vệ chúng ta phải làm gia tăng tình yêu thương của chúng ta  đối với Ngài. Lòng kính trọng năng lực vô hạn của Ngài cũng phải sâu đậm thêm. Vì thế, chúng ta có thể “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài”.—Hê-bơ-rơ 12:28.

Hãy đến gần “chiến-sĩ”

20. Nếu không hiểu rõ những tường thuật trong Kinh Thánh về chiến tranh của Đức Chúa Trời, chúng ta nên phản ứng thế nào, và tại sao?

20 Dĩ nhiên, không phải trường hợp nào Kinh Thánh cũng đều giải thích mọi chi tiết liên quan đến quyết định của Đức Giê-hô-va về chiến tranh của Ngài. Nhưng chúng ta luôn chắc chắn điều này: Đức Giê-hô-va không bao giờ hành sử quyền năng hủy diệt một cách bất công, bừa bãi, hay tàn nhẫn. Thường thường, xem xét văn cảnh của lời tường thuật trong Kinh Thánh hoặc xem xét một vài chi tiết về bối cảnh có thể giúp chúng ta nhận thức đúng đắn mối tương quan giữa các sự việc. (Châm-ngôn 18:13) Ngay cả khi không có mọi chi tiết, chỉ cần học biết nhiều hơn về Đức Giê-hô-va và suy ngẫm những đức tính quý giá của Ngài cũng có thể xóa tan bất cứ mối nghi ngờ nào có thể nảy sinh. Khi làm thế, chúng ta sẽ nhận thấy rằng có nhiều lý do để tin cậy Đức Chúa Trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va.—Gióp 34:12.

21. Dù đôi khi là “một chiến-sĩ”, lòng Đức Giê-hô-va như thế nào?

21 Dù Đức Giê-hô-va trở thành “một chiến-sĩ” khi tình thế đòi hỏi, nhưng điều này không có nghĩa là Ngài hiếu chiến. Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về cỗ xe ở trên trời, Đức Giê-hô-va được miêu tả là đang chuẩn bị ra trận chống lại kẻ thù. Song, Ê-xê-chi-ên thấy một cầu vồng—biểu tượng hòa bình—bao quanh Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 9:13; Ê-xê-chi-ên 1:28; Khải-huyền 4:3) Rõ ràng, Đức Giê-hô-va trầm tĩnh và yêu chuộng hòa bình. “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”, sứ đồ Giăng viết như thế. (1 Giăng 4:8) Tất cả những đức tính của Đức Giê-hô-va đều hoàn toàn hài hòa. Thế nên, thật là một đặc ân khi chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời quyền năng song lại yêu thương như thế!

^ đ. 1 Theo sử gia Do Thái Josephus, người Hê-bơ-rơ bị “truy đuổi bởi 600 xe ngựa cùng 50.000 kỵ binh và lực lượng bộ binh trang bị áo giáp nặng, lên đến 200.000 người”.—Jewish Antiquities, II, 324 [xv, 3].

^ đ. 12 Xem chừng từ “A-mô-rít” ở đây bao gồm tất cả các dân tộc trong xứ Ca-na-an.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:6-8, 19-21, 27; Giô-suê 24:15, 18.