Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 7

Quyền năng che chở—“Đức Chúa Trời là nơi nương-náu của chúng tôi”

Quyền năng che chở—“Đức Chúa Trời là nơi nương-náu của chúng tôi”

1, 2. Năm 1513 TCN dân Y-sơ-ra-ên lâm vào nguy hiểm nào khi vào địa phận Si-na-i, và Đức Giê-hô-va đã trấn an họ ra sao?

DÂN Y-sơ-ra-ên lâm vào tình trạng hiểm nghèo khi tiến vào địa phận Si-na-i khoảng đầu năm 1513 TCN. Một cuộc hành trình đáng sợ chờ họ phía trước, chuyến đi băng qua “đồng vắng mênh-mông gớm-ghiếc..., đầy những rắn lửa, bò cạp”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:15) Họ cũng gặp nguy cơ bị những nước thù nghịch tấn công. Đức Giê-hô-va đã đưa dân Ngài vào tình thế này. Là Đức Chúa Trời của họ, Ngài có thể che chở họ được không?

2 Những lời của Đức Giê-hô-va trấn an họ: “Các ngươi đã thấy điều ta làm cho người Ê-díp-tô, ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và dẫn các ngươi đến cùng ta thế nào”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4) Đức Giê-hô-va nhắc nhở dân Ngài rằng Ngài đã giải thoát họ khỏi tay người Ê-díp-tô; như thể dùng cánh chim ưng mang họ đến nơi an toàn. Nhưng có những lý do khác cho thấy tại sao “cánh chim ưng” là minh họa thích hợp cho sự che chở của Đức Chúa Trời.

3. Tại sao “cánh chim ưng” là minh họa thích hợp cho sự che chở của Đức Chúa Trời?

3 Chim ưng dùng đôi cánh rộng, mạnh mẽ không chỉ để bay vút lên cao. Vào lúc nóng bức trong ngày, chim ưng mẹ sẽ dang đôi cánh—có thể dài hơn hai mét—thành hình vòng cung, có tác dụng như cái dù che chở các chim non yếu ớt khỏi sức nóng như thiêu như đốt của mặt trời. Những lúc khác, chim mẹ vòng đôi cánh chung quanh chim con, che chở chúng khỏi cơn gió lạnh. Đức Giê-hô-va che chở và bảo vệ nước Y-sơ-ra-ên non nớt như chim ưng bảo vệ con nhỏ. Giờ đây trong đồng vắng, dân Ngài sẽ tiếp tục tìm được nơi nương náu dưới bóng  đôi cánh quyền năng của Ngài, miễn là họ còn trung thành. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:9-11; Thi-thiên 36:7) Nhưng ngày nay, chúng ta có thể chính đáng mong đợi sự che chở của Đức Chúa Trời không?

Đức Chúa Trời hứa che chở

4, 5. Tại sao chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối nơi lời hứa che chở của Đức Chúa Trời?

4 Đức Giê-hô-va chắc chắn có khả năng che chở tôi tớ Ngài. Ngài là “Đức Chúa Trời toàn-năng”—một tước vị cho biết Ngài có quyền năng vô song. (Sáng-thế Ký 17:1) Như nước triều dâng lên không gì cản được, không ai có thể chống lại quyền năng mà Đức Giê-hô-va sử dụng. Vì Ngài có khả năng thực hiện bất cứ ý định nào, chúng ta có thể hỏi: ‘Đức Giê-hô-va có muốn vận dụng quyền năng để che chở dân Ngài không?’

5 Câu trả lời chỉ một chữ ngắn gọn là “có”! Đức Giê-hô-va đảm bảo với chúng ta rằng Ngài sẽ che chở dân Ngài. Thi-thiên 46:1 nói: “Đức Chúa Trời là nơi nương-náu và sức-lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân”. Vì “Đức Chúa Trời không thể nói dối”, chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối nơi lời hứa che chở của Ngài. (Tít 1:2) Chúng ta hãy xem xét một số minh họa sống động mà Đức Giê-hô-va dùng để miêu tả sự chăm nom che chở của Ngài.

6, 7. (a) Người chăn chiên thời Kinh Thánh làm gì để bảo vệ bầy chiên? (b) Kinh Thánh minh họa thế nào về lòng chân thành của Đức Giê-hô-va muốn che chở và chăm sóc chiên Ngài?

6 Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Chiên, và chúng ta “là dân-sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài”. (Thi-thiên 23:1; 100:3) Ít có con vật nào yếu ớt bằng con chiên. Vào thời Kinh Thánh, người chăn phải có lòng dũng cảm để bảo vệ bầy chiên khỏi nanh vuốt của sư tử, chó sói, gấu, cũng như kẻ trộm. (1 Sa-mu-ên 17:34, 35; Giăng 10:12, 13) Nhưng có những lúc việc bảo vệ chiên cũng đòi hỏi sự dịu dàng. Khi chiên cái sinh con xa chuồng, người chăn quan tâm trông chừng chiên mẹ vào giai đoạn bất lực, kế đó bế chiên con yếu ớt về chuồng.

“Ngài “ẵm [chiên] vào lòng”

 7 Bằng cách ví mình như người chăn chiên, Đức Giê-hô-va khẳng định với chúng ta Ngài chân thành muốn bảo vệ chúng ta. (Ê-xê-chi-ên 34:11-16) Hãy nhớ lại lời miêu tả về Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 40:11, đã bàn luận trong Chương 2 sách này: “Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng”. Chiên con được nằm trong “lòng”—tức phần thân áo trước—của người chăn như thế nào? Có thể chiên con lại gần, dụi đầu vào chân người chăn. Tuy nhiên, chính người chăn phải cúi xuống, bế chiên con lên và nhẹ nhàng đặt nó vào nơi an toàn trong lòng ông. Thật là một hình ảnh dịu dàng mô tả Đấng Chăn Chiên Vĩ Đại sẵn lòng che chở và bảo vệ chúng ta!

8. (a) Lời hứa che chở của Đức Chúa Trời chỉ dành cho những ai, và Châm-ngôn 18:10 cho thấy điều này thế nào? (b) Tìm sự trú ẩn nơi danh Đức Chúa Trời bao hàm điều gì?

8 Lời hứa che chở của Đức Chúa Trời có điều kiện—chỉ những người đến gần Ngài mới hưởng được lời hứa ấy. Châm-ngôn 18:10 cho biết: “Danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên-cố; kẻ công-bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn-trú cao”. Vào thời Kinh Thánh, đôi khi những ngọn tháp được xây trong đồng vắng làm nơi ẩn trú an toàn. Nhưng chính người bị nguy hiểm phải chạy đến ngọn tháp để tìm sự an toàn. Tìm sự trú náu nơi danh của Đức Chúa Trời cũng tương tự vậy. Tìm sự trú ẩn không chỉ có nghĩa lặp đi lặp lại danh Đức Chúa Trời; trong danh của Đức Chúa Trời không có phép thuật. Đúng hơn, chúng ta cần hiểu biết, tin cậy Đấng mang danh ấy và sống hòa hợp với những tiêu chuẩn công bình của Ngài. Đức Giê-hô-va tử tế biết bao khi lại trấn an chúng ta rằng nếu tin cậy Ngài, Ngài sẽ là ngọn tháp che chở chúng ta!

‘Đức Chúa Trời chúng tôi có thể cứu chúng tôi’

9. Đức Giê-hô-va không chỉ hứa che chở thôi mà còn thực hiện điều nào nữa?

9 Đức Giê-hô-va không chỉ hứa che chở thôi mà còn thực hiện nhiều hơn nữa. Vào thời Kinh Thánh, Ngài chứng tỏ khả  năng che chở dân Ngài qua những cách kỳ diệu. Trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, “tay” quyền năng của Đức Giê-hô-va thường khống chế kẻ thù hùng mạnh. (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:4) Tuy nhiên, đôi khi Đức Giê-hô-va cũng dùng quyền năng che chở một số cá nhân.

10, 11. Những thí dụ nào trong Kinh Thánh cho thấy cách Đức Giê-hô-va dùng quyền năng che chở một số cá nhân?

10 Khi ba thanh niên người Hê-bơ-rơ—Sa-đơ-rắc, Mê-sác, A-bết-Nê-gô—từ chối không quỳ lạy pho tượng bằng vàng của Vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua giận dữ truyền lệnh ném họ vào lò lửa cực nóng. Nê-bu-cát-nết-sa, quốc vương quyền thế nhất trên đất thời đó, chế nhạo: “Thần nào có thể giải-cứu các ngươi khỏi tay ta?” (Đa-ni-ên 3:15) Ba thanh niên này hoàn toàn tin chắc Đức Chúa Trời có quyền năng che chở họ, nhưng họ không cho rằng Ngài sẽ làm thế. Thế nên họ đáp: “Hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu-việc, có thể cứu chúng tôi”. (Đa-ni-ên 3:17) Thật vậy, lò lửa ấy, ngay cả khi đốt nóng gấp bảy lần bình thường, cũng không gây trở ngại cho Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài đã che chở họ, và nhà vua buộc phải thừa nhận: “Không có thần nào khác có thể giải-cứu được thể nầy”.—Đa-ni-ên 3:29.

11 Đức Giê-hô-va cũng chứng tỏ một cách phi thường quyền năng che chở khi chuyển sự sống Con độc sinh của Ngài vào lòng Ma-ri, một trinh nữ Do Thái. Một thiên sứ báo cho Ma-ri biết nàng sẽ “chịu thai và sanh một con trai”. Thiên sứ giải thích: “Thánh-Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền-phép Đấng Rất-Cao sẽ che-phủ ngươi dưới bóng mình”. (Lu-ca 1:31, 35) Dường như trước đó Con Đức Chúa Trời chưa từng ở trong tình trạng nguy hiểm như thế. Liệu tội lỗi và sự bất toàn của người mẹ có gây hại đến bào thai đang phát triển không? Liệu Sa-tan có thể làm hại hoặc giết Con ấy trước khi được sinh ra không? Tuyệt nhiên không! Như thể Đức Giê-hô-va đã hình thành một bức tường che chở quanh Ma-ri ngay từ lúc thụ thai để không điều gì—dù là sự bất toàn, quyền lực gây hại, kẻ giết người, hay ma quỉ nào—có thể gây hại cho bào thai đang  phát triển. Đức Giê-hô-va tiếp tục che chở Chúa Giê-su trong thời còn trẻ. (Ma-thi-ơ 2:1-15) Con yêu dấu của Đức Chúa Trời không thể bị hãm hại cho đến kỳ Ngài đã định.

12. Tại sao vào thời Kinh Thánh một số người đã được Đức Giê-hô-va che chở cách kỳ diệu?

12 Tại sao Đức Giê-hô-va đã che chở một số người bằng những cách kỳ diệu như thế? Trong nhiều trường hợp, Đức Giê-hô-va che chở một số người để bảo toàn một điều quan trọng hơn nhiều: việc thực hiện ý định Ngài. Thí dụ, sự sống còn của Chúa Giê-su lúc còn bé là thiết yếu để ý định của Đức Chúa Trời được thực hiện, cuối cùng điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại. Lời tường thuật về nhiều biểu hiện quyền năng che chở là một phần của Kinh Thánh được soi dẫn, là sách “đã chép... để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. (Rô-ma 15:4) Đúng, những thí dụ này củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời toàn năng. Nhưng ngày nay chúng ta có thể mong chờ sự che chở nào nơi Đức Chúa Trời?

Nên hiểu thế nào về sự che chở của Đức Chúa Trời

13. Đức Giê-hô-va có buộc phải thực hiện phép lạ vì chúng ta không? Hãy giải thích.

13 Lời hứa che chở của Đức Chúa Trời không có nghĩa Đức Giê-hô-va buộc phải thực hiện phép lạ vì chúng ta. Không, trong hệ thống cũ này Đức Chúa Trời không đảm bảo rằng chúng ta sẽ có một đời sống tránh khỏi mọi khó khăn. Nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đương đầu với những nghịch cảnh gay cấn, kể cả sự nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật, và sự chết. Chúa Giê-su đã phán rõ ràng với các môn đồ rằng trên bình diện cá nhân họ có thể bị giết vì đức tin. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su nhấn mạnh cần chịu đựng cho đến cùng. (Ma-thi-ơ 24:9, 13) Nếu lúc nào Đức Giê-hô-va cũng dùng quyền phép để giải cứu, Sa-tan có thể lấy cớ đó để chế nhạo Đức Giê-hô-va và nêu nghi vấn về sự chân thật của lòng trung thành chúng ta đối với Ngài.—Gióp 1:9, 10.

14. Những thí dụ nào cho thấy Đức Giê-hô-va không luôn luôn che chở tất cả tôi tớ Ngài y như nhau?

 14 Ngay cả trong thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cũng không sử dụng quyền năng để che chở mọi tôi tớ Ngài khỏi bị chết sớm. Thí dụ, Vua Hê-rốt hành hình sứ đồ Gia-cơ vào khoảng năm 44 CN; nhưng, một thời gian ngắn sau đó, Phi-e-rơ lại được giải cứu “khỏi tay Hê-rốt”. (Công-vụ 12:1-11) Và Giăng, em của Gia-cơ, sống lâu hơn cả Phi-e-rơ lẫn Gia-cơ. Rõ ràng là chúng ta không thể mong đợi Đức Chúa Trời che chở mọi tôi tớ Ngài y như nhau. Ngoài ra, “thời thế và sự bất trắc” xảy đến cho tất cả chúng ta. (Truyền-đạo 9:11, NW) Vậy, ngày nay Đức Giê-hô-va che chở chúng ta như thế nào?

Đức Giê-hô-va ban sự che chở về thể chất

15, 16. (a) Bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va che chở tập thể những người thờ phượng Ngài? (b) Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ che chở các tôi tớ Ngài, hiện tại và trong “cơn đại-nạn”?

15 Trước tiên, hãy xem xét sự che chở về thể chất. Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể mong đợi Ngài che chở với tư cách tập thể. Bằng không, chúng ta sẽ dễ trở thành con mồi cho Sa-tan. Hãy suy nghĩ về điều này: Sa-tan, “vua-chúa của thế-gian nầy”, không ao ước gì hơn là xóa bỏ sự thờ phượng thật. (Giăng 12:31; Khải-huyền 12:17) Một số chính phủ có thế lực nhất trên đất đã cấm đoán việc rao giảng và cố tận diệt chúng ta. Dù vậy, dân Đức Giê-hô-va vẫn đứng vững và tiếp tục rao giảng không ngừng! Tại sao những quốc gia hùng mạnh không thể chặn đứng hoạt động của tập thể tín đồ Đấng Christ tương đối nhỏ và dường như cô thế? Bởi vì Đức Giê-hô-va che chở chúng ta dưới đôi cánh quyền năng của Ngài!—Thi-thiên 17:7, 8.

16 Còn về sự che chở về thể chất trong “cơn đại-nạn” sắp đến thì sao? Chúng ta không cần phải sợ khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét. Suy cho cùng, “Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ, và hành-phạt kẻ không công-bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán-xét”. (Khải-huyền 7:14; 2 Phi-e-rơ 2:9) Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể luôn  chắc chắn về hai điều. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va sẽ chẳng bao giờ cho phép những tôi tớ trung thành của Ngài bị diệt sạch khỏi mặt đất. Thứ hai, Ngài sẽ thưởng những người trung kiên, ban cho họ sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới công bình của Ngài—qua sự sống lại, nếu cần. Đối với những người đã chết, không nơi nào an toàn bằng việc nằm trong ký ức của Đức Chúa Trời.—Giăng 5:28, 29.

17. Đức Giê-hô-va che chở chúng ta bằng Lời Ngài như thế nào?

17 Ngay trong hiện tại, Đức Giê-hô-va che chở chúng ta bằng “lời” sống của Ngài, lời ấy có năng lực khích lệ, hàn gắn tấm lòng đau đớn và cải thiện đời sống. (Hê-bơ-rơ 4:12) Bằng cách áp dụng những nguyên tắc của Kinh Thánh, trên một số phương diện, chúng ta được che chở khỏi tai hại về thể chất. “Ta là Đức Giê-hô-va,... là Đấng dạy cho ngươi được ích”, Ê-sai 48:17 nói. Chắc chắn, sống phù hợp với Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể sống lâu và sức khỏe được cải thiện. Thí dụ, nhờ áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh về việc lánh xa sự gian dâm và làm cho mình sạch mọi điều ô uế, chúng ta tránh những thực hành không tinh sạch và những thói quen gây hại, là những điều hủy hoại đời sống của nhiều người không tin kính. (Công-vụ 15:29; 2 Cô-rinh-tô 7:1) Chúng ta biết ơn vô cùng về sự che chở do Lời Đức Chúa Trời mang lại!

Đức Giê-hô-va che chở chúng ta về thiêng liêng

18. Đức Giê-hô-va ban sự che chở thiêng liêng nào cho chúng ta?

18 Quan trọng hơn hết, Đức Giê-hô-va ban sự che chở về thiêng liêng. Đức Chúa Trời yêu thương che chở chúng ta khỏi nguy hại về thiêng liêng, bằng cách trang bị cho chúng ta những điều cần thiết để chịu đựng thử thách và gìn giữ mối quan hệ với Ngài. Qua cách đó, Đức Giê-hô-va hành động để bảo toàn sự sống chúng ta, không chỉ vài năm ngắn ngủi mà cho đến muôn đời. Hãy xem xét một số điều Đức Chúa Trời cung cấp, có thể che chở chúng ta về thiêng liêng.

19. Làm thế nào thánh linh Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đủ khả năng đương đầu với bất cứ thử thách nào?

19 Đức Giê-hô-va là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”. (Thi-thiên  65:2) Khi cảm thấy áp lực đời sống quá nặng nề, thổ lộ tâm tư với Ngài có thể mang lại nhiều khuây khỏa. (Phi-líp 4:6, 7) Có thể Ngài không dùng phép lạ để loại trừ những thử thách của chúng ta, nhưng để đáp lại lời cầu nguyện chân thành của chúng ta, Ngài có thể ban sự khôn ngoan giúp chúng ta đối phó với thử thách. (Gia-cơ 1:5, 6) Hơn thế nữa, Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho những ai cầu xin Ngài. (Lu-ca 11:13) Thánh linh mạnh mẽ đó có thể giúp chúng ta đủ khả năng đương đầu với bất cứ thử thách hay khó khăn nào. Thánh linh có thể truyền thêm “sức lực vượt quá mức bình thường”, giúp chúng ta chịu đựng cho đến kỳ Đức Giê-hô-va loại trừ hết những vấn đề gây buồn khổ trong hệ thống mới rất gần kề.—2 Cô-rinh-tô 4:7, NW.

20. Quyền năng che chở của Đức Giê-hô-va có thể biểu hiện như thế nào qua anh em cùng đạo?

20 Đôi khi Đức Giê-hô-va dùng anh em cùng đạo của chúng ta để thể hiện quyền năng che chở. Đức Giê-hô-va thu hút dân Ngài đến đoàn thể anh em trên khắp đất. (1 Phi-e-rơ 2:17; Giăng 6:44) Trong tình anh em nồng ấm ấy, chúng ta thấy bằng chứng sống, chứng tỏ quyền năng của thánh linh Đức Chúa Trời tác động tích cực đến con người. Thánh linh sinh bông trái tốt trong chúng ta—những đức tính đẹp đẽ, đáng quý bao  gồm tình yêu thương, nhân từ, và tốt lành. (Ga-la-ti 5:22, 23) Vì thế, khi chúng ta bị đau khổ, một anh em đồng đức tin được thúc đẩy cho chúng ta lời khuyên bổ ích hoặc chia sẻ những lời khích lệ cần thiết, chúng ta có thể cảm ơn Đức Giê-hô-va về việc Ngài biểu hiện sự chăm nom che chở như thế.

21. (a) Đức Giê-hô-va cung cấp thức ăn đúng giờ nào qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”? (b) Cá nhân bạn nhận được lợi ích nào từ những cung cấp của Đức Giê-hô-va nhằm che chở chúng ta về thiêng liêng?

21 Đức Giê-hô-va còn cung cấp điều khác để bảo vệ chúng ta: thức ăn thiêng liêng đúng giờ. Để Lời Ngài giúp chúng ta có sức mạnh, Đức Giê-hô-va đã ủy thác cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” nhiệm vụ phân phát thức ăn thiêng liêng. Lớp đầy tớ trung tín ấy dùng những ấn phẩm, gồm tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!, cũng như buổi họp, hội nghị, và đại hội để cung cấp “đồ-ăn đúng giờ”—tức những gì chúng ta cần, vào lúc chúng ta cần. (Ma-thi-ơ 24:45) Tại buổi họp đạo Đấng Christ, có bao giờ bạn nghe—trong lời bình luận, trong bài diễn văn, hoặc ngay cả trong lời cầu nguyện—một điều nào đó cung cấp đúng sự khích lệ và sức mạnh cần thiết chưa? Có bao giờ một bài đăng trong tạp chí của chúng ta tác động đến đời sống bạn chưa? Hãy nhớ, Đức Giê-hô-va cung cấp tất cả những điều này nhằm che chở chúng ta về thiêng liêng.

22. Đức Giê-hô-va luôn sử dụng quyền năng Ngài theo cách nào, và tại sao việc Ngài làm như vậy mang lại lợi ích tốt nhất cho chúng ta?

22 Đức Giê-hô-va chắc chắn là cái khiên “cho những kẻ nào nương-náu mình nơi Ngài”. (Thi-thiên 18:30) Chúng ta hiểu ngày nay Ngài không dùng quyền năng để che chở chúng ta khỏi mọi tai họa. Tuy nhiên, Ngài luôn luôn sử dụng quyền năng bảo đảm việc thực hiện ý định Ngài. Về lâu về dài, việc Ngài làm mang lại lợi ích tốt nhất cho dân Ngài. Nếu chúng ta đến gần Ngài và tiếp tục ở trong tình yêu thương của Ngài, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta đời sống hoàn toàn, vĩnh cửu. Với triển vọng ấy, quả thật chúng ta có thể xem bất cứ đau khổ nào trong hệ thống này là “nhẹ và tạm”.—2 Cô-rinh-tô 4:17.