Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 10

“Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời” khi sử dụng quyền lực

“Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời” khi sử dụng quyền lực

1. Con người bất toàn dễ sa vào cạm bẫy tiềm ẩn nào?

“QUYỀN LỰC bao giờ cũng ẩn chứa một cạm bẫy tinh vi”. Những lời này của một nữ thi sĩ thế kỷ 19 lưu ý đến mối nguy cơ tiềm ẩn: sự lạm quyền. Đáng tiếc thay, con người bất toàn rất dễ sa vào cạm bẫy này. Thật vậy, suốt lịch sử “người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. (Truyền-đạo 8:9) Sử dụng quyền lực mà thiếu tình yêu thương đã gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho loài người.

2, 3. (a) Cách Đức Giê-hô-va sử dụng quyền năng có điểm gì đáng chú ý? (b) Quyền hạn của chúng ta có thể bao gồm những gì, và tất cả các quyền hạn ấy nên được sử dụng ra sao?

2 Thế thì việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng có quyền năng vô hạn, không bao giờ lạm quyền, chẳng phải là điều đáng chú ý sao? Như chúng ta đã học biết trong những chương trước, Ngài luôn luôn sử dụng quyền năng phù hợp với các ý định đầy yêu thương—dù đấy là quyền năng sáng tạo, hủy diệt, che chở, hoặc khôi phục. Suy ngẫm cách Ngài sử dụng quyền năng thôi thúc chúng ta đến gần Ngài. Rồi điều này có thể thúc đẩy chúng ta “trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời” trong việc sử dụng quyền hạn. (Ê-phê-sô 5:1) Nhưng loài người bé mọn chúng ta có quyền hạn gì?

3 Hãy nhớ rằng con người được tạo ra “như hình Đức Chúa Trời” và giống như Ngài. (Sáng-thế Ký 1:26, 27) Vì thế, chúng ta cũng có ít nhiều quyền hạn. Quyền hạn của chúng ta có thể bao gồm khả năng làm việc, hoàn thành nhiệm vụ; quyền điều khiển hoặc thẩm quyền đối với người khác; khả năng ảnh hưởng người khác, đặc biệt là với những người yêu thương chúng ta; sức mạnh; hay tài sản. Người viết Thi-thiên nói về Đức Giê-hô-va: “Nguồn sự sống ở nơi Chúa”. (Thi-thiên  36:9) Thế nên, trực tiếp hay gián tiếp, Đức Chúa Trời là nguồn của mọi quyền hạn chính đáng mà chúng ta có thể có. Do đó chúng ta muốn sử dụng quyền hạn theo những cách khiến Ngài vui lòng. Chúng ta có thể thực hiện điều này bằng cách nào?

Tình yêu thương là bí quyết

4, 5. (a) Bí quyết của việc sử dụng đúng đắn quyền hạn là gì, và gương của Đức Chúa Trời chứng tỏ điều này như thế nào? (b) Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta sử dụng đúng quyền hạn như thế nào?

4 Bí quyết của việc sử dụng đúng đắn quyền hạn là tình yêu thương. Gương của Đức Chúa Trời chẳng chứng tỏ điều này sao? Hãy nhớ lại phần bàn luận về bốn đức tính chính của Đức Chúa Trời—quyền năng, công bình, khôn ngoan, và yêu thương—trong Chương 1. Trong bốn đức tính ấy, đức tính nào trội nhất? Tình yêu thương. “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”, 1 Giăng 4:8 nói. Đúng vậy, tình yêu thương là bản tính của Đức Giê-hô-va, chi phối mọi việc Ngài làm. Do vậy, động cơ mỗi khi Đức Chúa Trời biểu dương quyền năng là tình yêu thương và cuối cùng mang lại lợi ích cho những người yêu mến Ngài.

5 Tình yêu thương cũng giúp chúng ta sử dụng đúng quyền hạn. Suy cho cùng, Kinh Thánh dạy chúng ta tình yêu thương là “nhân-từ” và “chẳng kiếm tư-lợi”. (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5) Do đó, tình yêu thương không cho phép hành động thô bạo hoặc tàn nhẫn với những người dưới quyền khi chúng ta có phần nào quyền hành. Thay vì thế, chúng ta sẽ tôn trọng phẩm giá người khác trong cách đối xử, đặt nhu cầu và cảm xúc của họ lên trên nhu cầu và cảm xúc của chúng ta.—Phi-líp 2:3, 4.

6, 7. (a) Lòng kính sợ Đức Chúa Trời bao hàm điều gì, và tại sao đức tính này sẽ giúp chúng ta tránh lạm quyền? (b) Hãy minh họa mối quan hệ giữa việc sợ làm buồn lòng Đức Chúa Trời và tình yêu thương đối với Ngài.

6 Tình yêu thương liên quan đến một đức tính khác có thể giúp chúng ta tránh lạm quyền: lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Giá trị của đức tính này là gì? Châm-ngôn 16:6 nói: “Bởi sự  kính-sợ Đức Giê-hô-va người ta xây-bỏ điều ác”. Chắc chắn việc lạm quyền là một trong những điều ác mà chúng ta phải từ bỏ. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời sẽ ngăn cản không để cho chúng ta ngược đãi những người dưới quyền. Tại sao? Một lý do là chúng ta biết mình chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời về cách chúng ta đối xử với họ. (Nê-hê-mi 5:1-7, 15) Nhưng kính sợ Đức Chúa Trời còn đòi hỏi nhiều điều khác nữa. Kinh Thánh liên kết lòng kính sợ với tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13) Lòng kính sợ này bao hàm sự sợ lành mạnh, tức sợ làm buồn lòng Đức Chúa Trời—không phải chỉ sợ hậu quả nhưng vì chúng ta thật sự yêu thương Ngài.

7 Để minh họa: Hãy nghĩ đến mối quan hệ lành mạnh giữa một bé trai và cha em. Đứa bé cảm biết lòng quan tâm đầy yêu thương, nồng nàn của cha. Nhưng đồng thời em cũng biết cha đòi hỏi gì nơi mình, và hiểu rằng cha sẽ sửa phạt nếu em hư. Cậu bé không khiếp sợ cha mình. Ngược lại, em yêu cha tha thiết, vui thích làm những điều khiến cha mỉm cười hài lòng. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời cũng tương tự vậy. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va, Cha trên trời, chúng ta sợ làm bất cứ điều gì khiến Ngài cảm thấy “buồn-rầu trong lòng”. (Sáng-thế Ký 6:6) Thay vì thế, chúng ta ao ước làm vui lòng Ngài. (Châm-ngôn 27:11) Đó là lý do tại sao chúng ta muốn sử dụng quyền hạn một cách đúng đắn. Hãy xem xét kỹ cách chúng ta có thể làm điều này.

Trong gia đình

8. (a) Người chồng có thẩm quyền nào trong gia đình, và phải sử dụng quyền này như thế nào? (b) Người chồng có thể biểu lộ lòng tôn trọng vợ ra sao?

8 Trước tiên hãy xem xét trong phạm vi gia đình. Ê-phê-sô 5:23 nói: “Chồng là đầu vợ”. Người chồng phải sử dụng thẩm quyền Đức Chúa Trời ban cho như thế nào? Kinh Thánh bảo người chồng “tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn... nên phải kính-nể họ”. (1 Phi-e-rơ 3:7) Từ Hy Lạp dịch là “kính-nể” có nghĩa “giá  trị,... tôn trọng”. Các biến thể của từ này được dịch là “quà” và “quí”. (Công-vụ 28:10, Bản Dịch Mới; 1 Phi-e-rơ 2:7) Một người chồng tôn trọng vợ sẽ không bao giờ hành hung, sỉ nhục hay miệt thị, khiến vợ cảm thấy vô giá trị. Trái lại, ông nhìn nhận giá trị của vợ và đối xử một cách tôn trọng. Nơi nhà riêng cũng như trước mặt người khác, lời nói và hành động của người chồng cho thấy người vợ là quý giá đối với ông. (Châm-ngôn 31:28) Người chồng như thế không những chiếm được tình yêu và lòng kính trọng của vợ; quan trọng hơn nữa, anh còn được Đức Chúa Trời chấp nhận.

Vợ chồng sử dụng đúng đắn quyền hành bằng cách đối xử yêu thương và tôn trọng lẫn nhau

9. (a) Người vợ có ảnh hưởng nào trong gia đình? (b) Điều gì có thể giúp người vợ sử dụng khả năng để ủng hộ chồng, và kết quả là gì?

9 Trong gia đình, người vợ cũng có phần nào ảnh hưởng. Kinh Thánh nói đến những người đàn bà tin kính tuy không vượt quyền làm đầu chính đáng của chồng, nhưng đã chủ động ảnh hưởng chồng một cách xây dựng, hoặc giúp chồng tránh những quyết định sai lầm. (Sáng-thế Ký 21:9-12; 27:46–28:2) Người vợ có thể sắc bén hơn chồng về mặt trí tuệ, hoặc có những khả năng mà người chồng thiếu. Song vợ phải “kính chồng” và “vâng-phục” chồng “như vâng-phục Chúa”. (Ê-phê-sô 5:22, 33) Nghĩ đến việc làm Đức Chúa Trời vui lòng có thể giúp người vợ dùng khả năng để ủng hộ thay vì khinh thường hoặc tìm cách lấn át chồng. Một “người nữ khôn-ngoan” hợp tác chặt chẽ với chồng để xây đắp gia đình. Bằng cách ấy nàng duy trì sự hòa thuận với Đức Chúa Trời.—Châm-ngôn 14:1.

10. (a) Đức Chúa Trời ban cho cha mẹ thẩm quyền nào? (b) Từ ngữ “sửa-phạt” có nghĩa gì, và nên được thi hành như thế nào? (Cũng xem cước chú).

10 Các bậc cha mẹ cũng có thẩm quyền do Đức Chúa Trời ban cho. Kinh Thánh khuyên: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4) Trong Kinh Thánh, từ ngữ “sửa-phạt” có thể có nghĩa là “dưỡng dục, dạy dỗ, chỉ bảo”. Con trẻ cần sự sửa phạt; chúng nên người, hạnh  phúc và thành đạt khi được hướng dẫn trong giới hạn và hạn chế rõ ràng. Theo Kinh Thánh, sự sửa phạt, tức sự hướng dẫn, quan hệ chặt chẽ với tình yêu thương. (Châm-ngôn 13:24) Vì thế, “roi răn-phạt” không được quá đáng—gây thương tổn về tình cảm hoặc thể xác. * (Châm-ngôn 22:15; 29:15) Khi cha mẹ sửa phạt một cách cứng nhắc hoặc khắt khe, thiếu tình yêu thương, thì họ lạm dụng thẩm quyền và có thể làm tan nát tâm hồn con trẻ. (Cô-lô-se 3:21) Mặt khác, sự sửa phạt được thi hành một cách thăng bằng và đúng đắn sẽ cho con cái biết rằng cha mẹ yêu thương và quan tâm đến mẫu người mà các con sẽ trở thành sau này.

11. Làm thế nào người trẻ có thể sử dụng đúng đắn năng lực của mình?

11 Còn về người trẻ? Làm thế nào các em ấy sử dụng đúng đắn năng lực của mình? Châm-ngôn 20:29 nói: “Sức-lực của gã trai-trẻ là vinh-hiển của người”. Chắc chắn, người trẻ không có cách nào tốt hơn là dùng sức mạnh và sinh lực phụng sự “Đấng Tạo-Hóa” của chúng ta. (Truyền-đạo 12:1) Người trẻ nên nhớ rằng hành động của họ ảnh hưởng đến cảm xúc của cha mẹ. (Châm-ngôn 23:24, 25) Những bậc cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời vui lòng khi thấy con cái vâng lời và đi theo con đường đúng. (Ê-phê-sô 6:1) Hạnh kiểm như thế “đẹp lòng Chúa”.—Cô-lô-se 3:20.

Trong hội thánh

12, 13. (a) Các trưởng lão nên có quan điểm nào về thẩm quyền của họ trong hội thánh? (b) Hãy dùng minh họa cho thấy tại sao các trưởng lão phải đối xử dịu dàng với bầy chiên?

12 Đức Giê-hô-va đã ban các giám thị có khả năng để dẫn đầu hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 13:17) Những  người này phải sử dụng thẩm quyền mà Đức Chúa Trời giao cho, nhằm giúp đỡ chiên khi cần và góp phần vào sự an lạc thiêng liêng của bầy chiên. Chức vị ấy có cho các trưởng lão quyền khống chế các anh em cùng đức tin không? Tuyệt nhiên không. Các trưởng lão cần giữ quan điểm thăng bằng, khiêm tốn về vai trò của mình trong hội thánh. (1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Kinh Thánh bảo các trưởng lão: “Chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết [Con] mình”. (Công-vụ 20:28) Đây là lý do mạnh mẽ để đối xử dịu dàng với mỗi thành viên của bầy.

13 Chúng ta có thể minh họa như sau. Một người bạn thân nhờ bạn giữ gìn một vật quý. Bạn biết người ấy đã trả một giá cao để mua vật này. Chẳng lẽ bạn không nâng niu, cẩn thận gìn giữ nó? Tương tự thế, Đức Chúa Trời đã ủy thác cho các trưởng lão trách nhiệm chăm sóc một tài sản thật quý giá: hội thánh gồm các thành viên được ví như chiên. (Giăng 21:16, 17) Chiên của Đức Giê-hô-va rất quý đối với Ngài—thật vậy, quý đến mức Ngài chuộc họ bằng huyết báu của Chúa Giê-su Christ, Con độc sinh của Ngài. Đức Giê-hô-va đã trả giá cao nhất để chuộc chiên Ngài. Các trưởng lão khiêm nhường ghi nhớ điều này và đối xử thích đáng với chiên của Đức Giê-hô-va.

“Quyền của lưỡi”

14. Cái lưỡi có quyền lực gì?

14 “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi”, Kinh Thánh nói như vậy. (Châm-ngôn 18:21) Thật thế, cái lưỡi có thể gây nhiều tai hại. Có ai trong chúng ta chưa từng đau lòng vì một lời nói thiếu suy nghĩ hoặc thậm chí gièm pha không? Nhưng lưỡi cũng có quyền lực hàn gắn. Châm-ngôn 12:18 nói: “Lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. Vâng, những lời tích cực, lành mạnh có thể ví như việc bôi thuốc làm cho lòng bớt đau và lành lặn lại. Hãy xem xét một vài thí dụ.

15, 16. Chúng ta có thể dùng lưỡi khích lệ người khác bằng những cách nào?

15 Hãy “yên-ủi những kẻ ngã lòng”, 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14  khuyên vậy. Đúng thế, ngay cả những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đôi khi cũng phải phấn đấu chống lại sự chán nản. Chúng ta có thể giúp những người này như thế nào? Hãy thành thật khen ngợi một cách cụ thể, nhằm giúp họ hiểu mình có giá trị dưới mắt Đức Giê-hô-va. Chia sẻ với họ những câu Kinh Thánh có sức tác động mạnh mẽ, cho thấy Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm và yêu thương những ai có “lòng đau-thương” và “tâm-hồn thống-hối”. (Thi-thiên 34:18) Khi dùng quyền lực của lưỡi an ủi người khác, chúng ta chứng tỏ mình đang noi theo gương Đức Chúa Trời thương xót, “Đấng yên-ủi kẻ ngã lòng”.—2 Cô-rinh-tô 7:6.

16 Chúng ta cũng có thể dùng quyền của lưỡi để nói những lời khích lệ mà người khác rất cần nghe. Có anh chị cùng đức tin nào đã mất người thân yêu không? Những lời đồng cảm diễn đạt lòng quan tâm chú ý của chúng ta có thể an ủi người đang đau buồn. Có anh chị lớn tuổi nào cảm thấy mình chẳng còn hữu dụng nữa không? Cái lưỡi ân cần có tác dụng trấn an, khiến những người lớn tuổi biết chúng ta quý trọng và mến phục họ. Có ai đang phấn đấu với một căn bệnh mãn tính không? Khi gọi điện thoại hoặc đích thân đến gặp, những  lời tử tế có thể khích lệ tinh thần người bệnh. Khi chúng ta sử dụng quyền lực của ngôn từ, thốt ra những lời “tốt đẹp, để xây dựng”, Đấng Tạo Hóa hẳn vui lòng biết bao!—Ê-phê-sô 4:29, Tòa Tổng Giám Mục.

Chia sẻ tin mừng—một cách tuyệt hảo để sử dụng năng lực của chúng ta

17. Chúng ta có thể dùng lưỡi theo cách quan trọng nào để giúp ích người khác, và tại sao chúng ta phải làm thế?

17 Không có cách nào sử dụng quyền lực của lưỡi quan trọng bằng việc chia sẻ tin mừng Nước Trời với người khác. Châm-ngôn 3:27 nói: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy”. Chúng ta nợ người khác việc chia sẻ tin mừng cứu mạng. Đức Giê-hô-va đã rộng lượng ban cho chúng ta thông điệp khẩn cấp, khư khư giữ lấy cho mình là không đúng. (1 Cô-rinh-tô 9:16, 22) Nhưng Đức  Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải tham gia vào công việc này đến mức độ nào?

“Hết sức” phụng sự Đức Giê-hô-va

18. Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta?

18 Tình yêu thương Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta tham gia đầy đủ vào thánh chức của tín đồ Đấng Christ. Về phương diện này, Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta? Dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta ai ai cũng đều có thể cho một điều: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”. (Cô-lô-se 3:23) Khi nói về điều răn lớn nhất, Chúa Giê-su phán: “Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết trí-khôn, hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”. (Mác 12:30) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đòi hỏi mỗi người chúng ta yêu thương và phụng sự Ngài hết linh hồn.

19, 20. (a) Vì linh hồn bao gồm cả tấm lòng, trí tuệ, và sức lực, vậy tại sao những khả năng này được đề cập đến nơi Mác 12:30? (b) Phụng sự Đức Giê-hô-va hết linh hồn có nghĩa gì?

19 Phụng sự Đức Chúa Trời hết linh hồn có nghĩa gì? Linh hồn nói đến toàn thể con người, bao gồm tất cả khả năng về thể chất và trí tuệ. Linh hồn bao gồm cả tấm lòng, trí tuệ, và sức lực, vậy tại sao các khả năng này lại được đề cập đến nơi Mác 12:30? Hãy xem xét một minh họa. Vào thời Kinh Thánh, một người có thể tự bán mình (linh hồn) làm nô lệ. Tuy nhiên, nô lệ có thể không hết lòng phục vụ chủ; có thể người ấy không dùng hết sức lực hoặc hết khả năng trí tuệ để đẩy mạnh quyền lợi của chủ. (Cô-lô-se 3:22) Do đó, Chúa Giê-su rất có thể đề cập đến những khả năng này nhằm nhấn mạnh rằng chúng ta phải dốc toàn bộ sức lực phụng sự Đức Chúa Trời. Phụng sự Đức Chúa Trời hết linh hồn có nghĩa chúng ta dâng hiến chính bản thân, tận dụng sức lực và năng lực phụng sự Ngài.

20 Phải chăng phụng sự hết linh hồn có nghĩa là mọi người đều phải dành cùng một lượng thời gian và năng lực trong thánh chức? Điều này khó có thể được, vì hoàn cảnh và khả năng của mỗi người mỗi khác. Thí dụ, một người trẻ khỏe  mạnh và sức lực dẻo dai có thể rao giảng nhiều giờ hơn một người sức lực suy yếu vì tuổi già. Người độc thân không có trách nhiệm gia đình có thể làm nhiều hơn người phải chăm sóc gia đình. Nếu sức lực và hoàn cảnh cho phép chúng ta làm nhiều trong thánh chức, thật đáng mừng biết bao! Dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ muốn có tinh thần hay bắt bẻ, so sánh mình với người khác về phương diện này. (Rô-ma 14:10-12) Trái lại, chúng ta muốn dùng sức lực để khích lệ người khác.

21. Cách tốt nhất và quan trọng nhất để chúng ta sử dụng năng lực là gì?

21 Đức Giê-hô-va nêu gương hoàn toàn về việc sử dụng đúng đắn quyền năng. Tuy bất toàn, chúng ta vẫn muốn cố hết sức để noi theo gương Ngài. Khi có phần nào quyền hành, chúng ta có thể sử dụng đúng đắn bằng cách tôn trọng những người dưới quyền. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va đã giao cho chúng ta thực hiện sứ mạng rao giảng cứu người, chúng ta muốn hết linh hồn tiến hành công việc này. (Rô-ma 10:13, 14) Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va vui lòng khi bạn hiến dâng hết linh hồn, tức những gì tốt nhất bạn có. Chẳng lẽ bạn không thấy lòng thôi thúc mong muốn tận dụng mọi khả năng mình để phụng sự một Đức Chúa Trời thông cảm và yêu thương như thế sao? Không có cách nào tốt hơn hoặc quan trọng bằng việc sử dụng năng lực của bạn như thế.

^ đ. 10 Vào thời Kinh Thánh, chữ “roi” trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là một cây gậy hay cây trượng, giống như cây gậy mà người chăn chiên dùng để hướng dẫn bầy chiên. (Thi-thiên 23:4) Tương tự thế, cái “roi” tượng trưng thẩm quyền của cha mẹ, gợi ý về sự hướng dẫn đầy yêu thương chứ không phải sự trừng phạt khắc nghiệt hoặc tàn bạo.