Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 12

“Có sự không công-bình trong Đức Chúa Trời sao?”

“Có sự không công-bình trong Đức Chúa Trời sao?”

1. Chúng ta có thể phản ứng thế nào trước cảnh bất công?

MỘT góa phụ lớn tuổi bị lường gạt, mất hết tiền dành dụm cả đời. Một em bé chưa đủ sức tự lực cánh sinh bị mẹ nhẫn tâm bỏ rơi. Một người đàn ông bị tù oan uổng. Bạn phản ứng thế nào trước những tình cảnh này? Rất có thể bạn bất bình trước mỗi tình cảnh trên, như vậy cũng dễ hiểu thôi. Con người chúng ta có ý thức nhạy bén về điều phải trái. Chúng ta phẫn nộ trước sự bất công. Chúng ta muốn nạn nhân được bồi thường và kẻ phạm tội bị trừng phạt. Nếu công lý không được thực thi, chúng ta có thể thắc mắc: ‘Đức Chúa Trời có thấy những điều đang diễn ra không? Tại sao Ngài không hành động?’

2. Ha-ba-cúc đã phản ứng thế nào trước cảnh bất công, và tại sao Đức Giê-hô-va không khiển trách ông?

2 Trong suốt lịch sử, các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã từng hỏi những câu tương tự. Chẳng hạn, tiên tri Ha-ba-cúc cầu nguyện Đức Chúa Trời: “Sao Chúa để tôi thấy những bất công như vậy? Sao Chúa dung túng tội đàn áp ấy? Tôi chỉ thấy tàn phá, ngược đãi, cãi cọ, chửi rủa”. (Ha-ba-cúc 1:3, Tòa Tổng Giám Mục) Đức Giê-hô-va không khiển trách Ha-ba-cúc vì những câu hỏi thẳng thắn này, bởi lẽ chính Ngài đã ghi tạc vào lòng con người ý niệm về công lý. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta một phần nào ý thức sâu xa về công lý của Ngài.

Đức Giê-hô-va ghét sự bất công

3. Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va biết về sự bất công nhiều hơn chúng ta?

3 Không phải là Đức Giê-hô-va chẳng hay biết gì về cảnh bất công. Ngài thấy những gì đang diễn ra. Nói về thời  Nô-ê, Kinh Thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. (Sáng-thế Ký 6:5) Hãy xem xét ẩn ý trong câu đó. Nhận thức của chúng ta về sự bất công thường dựa trên vài trường hợp mà chúng ta nghe nói hoặc chính bản thân đã trải qua. Ngược lại, Đức Giê-hô-va biết sự bất công diễn ra trên quy mô toàn cầu. Ngài nhìn thấy hết! Hơn thế nữa, Ngài có khả năng nhận biết khuynh hướng trong lòng người—tức lối suy tưởng xấu xa ẩn giấu đằng sau những hành vi bất công.—Giê-rê-mi 17:10.

4, 5. (a) Kinh Thánh cho thấy như thế nào Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người bị đối xử bất công? (b) Chính Đức Giê-hô-va đau lòng như thế nào vì sự bất công?

4 Nhưng không những Đức Giê-hô-va lưu ý đến sự bất công, mà Ngài còn quan tâm đến nạn nhân của sự bất công nữa. Khi các nước thù địch đối xử tàn nhẫn với dân Ngài, Đức Giê-hô-va đau lòng vì “những tiếng rên-siết mà họ thở ra trước mặt những kẻ hà-hiếp và làm tức-tối mình”. (Các Quan Xét 2:18) Có lẽ bạn nhận thấy rằng càng chứng kiến nhiều cảnh bất công, một số người càng trở nên chai đá. Đức Giê-hô-va lại không như thế! Khoảng 6.000 năm nay, Ngài đã nhìn thấy mọi hình thức bất công, song lòng căm ghét của Ngài đối với sự bất công vẫn không hề giảm sút. Ngược lại, Kinh Thánh cam đoan với chúng ta rằng Ngài gớm ghiếc “lưỡi dối-trá”, “tay làm đổ huyết vô-tội”, việc “làm chứng gian và nói điều dối”.—Châm-ngôn 6:16-19.

5 Cũng hãy xem xét việc Đức Giê-hô-va khiển trách gay gắt giới lãnh đạo bất công của nước Y-sơ-ra-ên. Ngài soi dẫn nhà tiên tri chất vấn họ: “Chẳng phải các ngươi nên biết sự công-nghĩa sao?” Sau khi miêu tả việc họ lạm dụng quyền hành bằng từ ngữ sinh động, Đức Giê-hô-va báo trước hậu quả sẽ giáng xuống những kẻ thối nát này: “Chúng nó sẽ kêu cùng Đức Giê-hô-va, nhưng Ngài không trả lời. Phải, Ngài sẽ giấu mặt khỏi chúng nó trong lúc ấy theo như những việc dữ chúng đã làm”. (Mi-chê 3:1-4) Đức Giê-hô-va ghê tởm sự  bất công biết bao! Chính Ngài cũng đã trực tiếp trải nghiệm sự bất công! Hàng ngàn năm qua, Sa-tan đã vô cớ phỉ báng Ngài. (Châm-ngôn 27:11) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va đau lòng vì hành vi bất công khủng khiếp nhất khi Con Ngài bị hành hình như một tội nhân dù “chưa hề phạm tội”. (1 Phi-e-rơ 2:22; Ê-sai 53:9) Rõ ràng, không phải là Đức Giê-hô-va chẳng biết hoặc bàng quan trước cảnh ngộ của những người đau khổ vì bất công.

6. Chúng ta có thể phản ứng thế nào khi chứng kiến cảnh bất công, và tại sao thế?

6 Song, khi chứng kiến cảnh bất công—hoặc khi bản thân là nạn nhân của việc đối xử bất công—chúng ta phản ứng mãnh liệt, đó cũng chỉ là điều tự nhiên thôi. Chúng ta được tạo ra theo hình Đức Chúa Trời, và sự bất công hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì Đức Giê-hô-va tiêu biểu. (Sáng-thế Ký 1:27) Vậy tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự bất công?

Vấn đề về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời

7. Hãy miêu tả quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va bị thách thức như thế nào.

7 Lời giải đáp cho câu hỏi này liên quan đến vấn đề về quyền tối thượng. Như chúng ta đã biết, Đấng Tạo Hóa có quyền cai trị trái đất và mọi người sống trên đó. (Thi-thiên 24:1; Khải-huyền 4:11) Tuy nhiên, vào thời đầu lịch sử con người, quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va bị thách thức. Điều này đã xảy ra như thế nào? Người đầu tiên, A-đam, sống trong vườn Địa Đàng; tại đấy có một cây mà Đức Giê-hô-va cấm ông không được ăn trái của cây đó. Nếu ông cãi lệnh thì sao? Đức Chúa Trời phán: “Ngươi... chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:17) Mệnh lệnh Đức Chúa Trời không gây thiếu thốn cho A-đam hay vợ ông là Ê-va. Tuy nhiên, Sa-tan đã thuyết phục Ê-va tin rằng Đức Chúa Trời đã hạn chế quá đáng. Nếu bà ăn trái của cây ấy thì sao? Sa-tan nói thẳng với Ê-va: “Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra,  sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.—Sáng-thế Ký 3:1-5, chúng tôi viết nghiêng.

8. (a) Sa-tan hàm ý gì trong lời nói với Ê-va? (b) Sa-tan đã nêu nghi vấn nào về quyền cai trị của Đức Chúa Trời?

8 Trong lời trên, Sa-tan hàm ý rằng Đức Giê-hô-va không những đã giấu Ê-va một điều quan trọng mà còn nói dối bà. Sa-tan thận trọng không chối cãi sự kiện về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Nhưng hắn nêu nghi vấn về tính hợp pháp, xứng đáng, và công bình của quyền đó. Nói cách khác, hắn quả quyết rằng Đức Giê-hô-va đã không hành sử quyền tối thượng một cách công bình và có lợi ích nhất cho thần dân Ngài.

9. (a) Việc cãi lời gây hậu quả nào cho A-đam và Ê-va, và điều này nêu lên những vấn đề quan trọng nào? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va không giải quyết một cách đơn giản là tiêu diệt những kẻ phản nghịch?

9 Sau đó, cả A-đam lẫn Ê-va đều cãi lệnh Đức Giê-hô-va và ăn trái cấm. Vì cãi lời, họ gánh lấy hình phạt là tội chết, đúng như Đức Chúa Trời đã định. Lời dối trá của Sa-tan nêu lên một số vấn đề quan trọng. Đức Giê-hô-va thật sự có quyền cai trị loài người không, hoặc loài người nên tự cai trị lấy? Đức Giê-hô-va có hành sử quyền cai trị của Ngài một cách tốt nhất không? Đức Giê-hô-va đã có thể sử dụng quyền toàn năng để tiêu diệt những kẻ phản nghịch tại chỗ ngay lúc đó. Nhưng những vấn đề được nêu lên liên quan đến quyền cai trị, chứ không phải quyền năng của Đức Chúa Trời. Thế nên, việc hủy diệt A-đam, Ê-va, và Sa-tan sẽ không chứng minh sự cai trị của Đức Chúa Trời là công bình. Ngược lại, làm vậy có lẽ càng gây thêm nghi vấn về quyền cai trị của Ngài. Cách duy nhất để xác định con người có thể thành công trong việc tự trị, độc lập với Đức Chúa Trời, là để cho thời gian kiểm nghiệm.

10. Lịch sử cho biết gì về sự cai trị của con người?

10 Thời gian đã cho biết gì? Trong suốt hàng thiên kỷ, con người đã thử nghiệm nhiều loại chính phủ, kể cả chế độ chuyên quyền, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Toàn  bộ kết quả của tất cả các chế độ ấy được thu tóm trong lời nhận định thẳng thắn của Kinh Thánh: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. (Truyền-đạo 8:9) Tiên tri Giê-rê-mi có lý do chính đáng để nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”.—Giê-rê-mi 10:23.

11. Tại sao Đức Giê-hô-va để loài người chịu đau khổ?

11 Ngay từ đầu, Đức Giê-hô-va đã biết rằng việc loài người độc lập, tức tự cai trị, sẽ tạo ra nhiều đau khổ. Vậy, khi cho phép hậu quả tất yếu đó diễn ra, Ngài có bất công không? Tuyệt nhiên không! Để minh họa: Giả sử con bạn cần được giải phẫu để chữa trị một căn bệnh hiểm nghèo. Bạn biết rằng cuộc giải phẫu sẽ gây cho con ít nhiều đau đớn, khiến bạn rất đau lòng. Đồng thời bạn biết rằng phương pháp trị liệu ấy sẽ giúp con bạn có sức khỏe tốt hơn sau này. Tương tự thế, Đức Chúa Trời biết—và ngay cả báo trước—rằng việc Ngài cho phép con người tự cai trị sẽ mang lại ít nhiều đau đớn và khổ sở. (Sáng-thế Ký 3:16-19) Nhưng Ngài cũng biết sự giải thoát lâu dài và đáng kể chỉ có thể có được nếu để cho toàn thể nhân loại trải qua hậu quả tai hại của sự phản nghịch. Bằng cách này, vấn đề về quyền cai trị sẽ được giải quyết vĩnh viễn, cho đến vô tận.

Vấn đề về lòng trung kiên của loài người

12. Như thấy rõ trong trường hợp của Gióp, Sa-tan đã quy kết gì cho con người?

12 Vấn đề này còn có một khía cạnh khác. Khi nêu nghi vấn về quyền cai trị chính đáng của Đức Chúa Trời và tính công bình của quyền ấy, không những Sa-tan vu khống Đức Giê-hô-va về quyền tối thượng của Ngài, mà còn vu khống tôi tớ Đức Chúa Trời về lòng trung kiên của họ. Thí dụ, hãy lưu ý điều mà Sa-tan nói với Đức Giê-hô-va về người công bình  Gióp: “Chúa há chẳng dựng hàng rào binh-vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công-việc của tay người, và làm cho của-cải người thêm nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”.—Gióp 1:10, 11.

13. Sa-tan hàm ý gì khi quy kết tội cho Gióp, và điều này liên quan thế nào đến tất cả loài người?

13 Sa-tan cãi rằng Đức Giê-hô-va đã dùng quyền năng che chở nhằm mua chuộc sự tin kính của Gióp. Điều này hàm ý rằng lòng trung kiên của Gióp chỉ là giả hiệu, rằng ông thờ phượng Đức Chúa Trời chỉ vì những lợi lộc ông có thể nhận được. Sa-tan quả quyết rằng nếu Gióp không được ân phước của Đức Chúa Trời, ngay cả ông cũng sẽ phỉ báng Đấng Tạo Hóa. Sa-tan biết Gióp xuất sắc có tiếng là người “trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác”. * Vậy nếu Sa-tan hủy hoại được lòng trung kiên của Gióp, nói sao về lòng trung kiên của những người khác? Vậy, Sa-tan quả thật đã nêu nghi vấn về lòng trung tín của tất cả những người muốn phụng sự Đức Chúa Trời. Thực vậy, Sa-tan mở rộng phạm vi vấn đề và nói với Đức Giê-hô-va: “Phàm vật chi một người [không riêng gì Gióp] có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình”.—Gióp 1:8; 2:4, chúng tôi viết nghiêng.

14. Lịch sử cho thấy gì về điều Sa-tan quy kết cho con người?

14 Lịch sử đã cho thấy nhiều người như Gióp, vẫn trung tín với Đức Giê-hô-va bất chấp thử thách—trái ngược với lời rêu rao của Sa-tan. Đường lối trung thành của họ làm Đức Giê-hô-va vui lòng, và điều này đã cho Ngài căn cứ để đáp lại lời chế nhạo và huênh hoang của Sa-tan, cho là con người sẽ ngưng phụng sự Đức Chúa Trời khi gặp khó khăn. (Hê-bơ-rơ  11:4-38) Đúng vậy, những người có lòng công bình đã không bỏ Đức Chúa Trời. Ngay cả khi hoang mang vì cảnh ngộ khốn khổ nhất, họ lại càng vững tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban sức mạnh để chịu đựng.—2 Cô-rinh-tô 4:7-10.

15. Có thể có câu hỏi nào về những phán xét của Đức Chúa Trời trong quá khứ và trong tương lai?

15 Nhưng Đức Giê-hô-va thực thi công lý không chỉ vì vấn đề về quyền tối thượng của Ngài và lòng trung kiên của con người. Kinh Thánh ghi lại những phán quyết của Đức Giê-hô-va đối với từng cá nhân và ngay cả tập thể quốc gia. Kinh Thánh cũng chứa đựng những lời tiên tri về sự phán xét mà Ngài sẽ thực hiện trong tương lai. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đã và sẽ phán xét công bình?

Lý do tại sao công lý Đức Chúa Trời là ưu việt

Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ “diệt người công-bình luôn với người độc-ác”

16, 17. Những thí dụ nào cho thấy con người có quan điểm hạn hẹp về công lý chân chính?

16 Có thể trung thực nói về Đức Giê-hô-va: “Các đường-lối Ngài là công-bình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Không ai trong chúng ta có thể khẳng định về chính mình như thế, vì quan điểm hạn hẹp chúng ta thường nhận thức thiếu sáng suốt về điều phải. Chẳng hạn, hãy xem xét trường hợp của Áp-ra-ham. Về sự hủy diệt Sô-đôm, ông đã nài xin Đức Giê-hô-va—mặc dù sự ác tràn lan trong thành đó. Ông thưa với Đức Giê-hô-va: “Chúa sẽ diệt người công-bình luôn với người độc-ác sao?” (Sáng-thế Ký 18:23-33) Dĩ nhiên, câu trả lời là không. Chỉ khi người công bình là Lót và hai con gái đã an toàn đến thành Xoa, bấy giờ Đức Giê-hô-va mới “giáng mưa diêm-sanh và lửa” xuống Sô-đôm. (Sáng-thế Ký 19:22-24) Trái lại, Giô-na trở nên “giận-dữ” khi Đức Chúa Trời mở rộng lòng khoan dung đối với dân Ni-ni-ve. Vì Giô-na đã loan báo sự hủy diệt dân này, ông muốn chứng kiến họ bị tiêu diệt mới vừa lòng—mặc dù họ chân thành ăn năn.—Giô-na 3:10–4:1.

17 Đức Giê-hô-va trấn an Áp-ra-ham rằng Ngài thực thi công lý không những để diệt kẻ ác mà còn để cứu người công  bình. Mặt khác, Giô-na đã phải học về lòng khoan dung của Đức Giê-hô-va. Nếu kẻ ác thay đổi đường lối, Ngài ‘sẵn sàng tha-thứ’. (Thi-thiên 86:5) Khác với những người có tâm trạng lo sợ mất địa vị, Đức Giê-hô-va không trừng phạt chỉ vì muốn biểu dương quyền năng, Ngài cũng không nén lòng trắc ẩn vì sợ bị chê là nhu nhược. Đường lối của Ngài là khoan dung khi có lý do.—Ê-sai 55:7; Ê-xê-chi-ên 18:23.

18. Hãy dùng Kinh Thánh chứng minh rằng Đức Giê-hô-va không để tình cảm chi phối hành động.

18 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không để cho tình cảm làm mờ lý trí. Khi dân Ngài chìm đắm trong việc thờ hình tượng, Đức Giê-hô-va dứt khoát tuyên bố: “Ta sẽ xổ cơn giận ta trên ngươi, theo đường-lối ngươi mà đoán-xét ngươi, và khiến đổ lại trên ngươi những sự gớm-ghiếc. Mắt ta chẳng đoái-tiếc ngươi; ta chẳng thương-xót ngươi; nhưng ta sẽ giáng đường-lối ngươi trên ngươi”. (Ê-xê-chi-ên 7:3, 4) Cho nên khi con người ngoan cố theo con đường của họ, Đức Giê-hô-va phán xét đích đáng. Nhưng sự phán xét của Ngài căn cứ trên bằng chứng vững chắc. Do đó, khi tiếng “kêu oan” về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thấu đến tai Ngài, Đức Giê-hô-va phán: “Ta muốn ngự xuống, để xem-xét chúng nó ăn-ở có thật như tiếng đã kêu thấu đến ta chăng”. (Sáng-thế Ký 18:20, 21) Chúng ta vui mừng biết bao vì Đức Giê-hô-va không giống như nhiều người quyết định hấp tấp trước khi nghe hết mọi sự kiện! Thật vậy, Đức Giê-hô-va quả đúng như lời Kinh Thánh miêu tả: “Chúa là đấng chính trực công minh”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, Trịnh Văn Căn.

Hãy tin chắc nơi công lý của Đức Giê-hô-va

19. Nếu có những thắc mắc về việc Đức Giê-hô-va thực thi công lý, chúng ta có thể làm gì?

19 Kinh Thánh không giải đáp mọi thắc mắc về hành động của Đức Giê-hô-va trong quá khứ; cũng không cho biết mọi chi tiết về cách Đức Giê-hô-va sẽ phán xét cá nhân và cả tập thể trong tương lai. Khi thấy khó hiểu vì lời tường thuật hoặc lời tiên tri trong Kinh Thánh không có những chi tiết  như thế, chúng ta có thể tỏ ra trung tín như tiên tri Mi-chê, người đã viết: “Ta sẽ... chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta”.—Mi-chê 7:7.

20, 21. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ luôn luôn làm theo lẽ phải?

20 Chúng ta có thể vững tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ làm đúng lẽ phải trong mọi tình huống. Ngay cả khi con người dường như không quan tâm đến những cảnh bất công, Đức Giê-hô-va hứa: “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”. (Rô-ma 12:19) Nếu có thái độ chờ đợi, chúng ta sẽ có cùng niềm tin vững chắc mà sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ: “Có sự không công-bình trong Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy!”—Rô-ma 9:14.

21 Trong khi chờ đợi, chúng ta đang sống trong “những thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Sự bất công và “hà-hiếp” đã gây ra nhiều cảnh hiếp đáp tàn nhẫn. (Truyền-đạo 4:1) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không thay đổi. Ngài vẫn ghét điều bất công, và hết sức quan tâm đến nạn nhân của sự bất công. Nếu chúng ta tiếp tục trung tín với Đức Giê-hô-va và quyền tối thượng của Ngài, Ngài sẽ ban sức giúp chúng ta chịu đựng cho đến thời kỳ đã định. Khi ấy Nước Trời cai trị, Ngài sẽ sửa đổi mọi bất công.—1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

^ đ. 13 Đức Giê-hô-va nói về Gióp: “Nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó”. (Gióp 1:8) Vậy thì rất có thể Gióp sống vào thời sau khi Giô-sép đã chết và trước khi Môi-se được chỉ định lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, có thể nói rằng đương thời không ai có lòng trung kiên như Gióp.