Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 14

Đức Giê-hô-va cung cấp “giá chuộc nhiều người”

Đức Giê-hô-va cung cấp “giá chuộc nhiều người”

1, 2. Kinh Thánh miêu tả thế nào về tình trạng của loài người, và lối thoát duy nhất là gì?

“MUÔN vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay”. (Rô-ma 8:22) Bằng những lời này, sứ đồ Phao-lô miêu tả tình trạng đáng thương của chúng ta. Theo quan điểm con người, thì dường như không có lối thoát khỏi cảnh đau khổ, tội lỗi và chết chóc. Nhưng khả năng Đức Giê-hô-va không hạn hẹp như con người. (Dân-số Ký 23:19) Đức Chúa Trời chí công đã cung cấp cho chúng ta một lối thoát khỏi tình trạng đau khổ. Phương tiện này gọi là giá chuộc.

2 Giá chuộc là món quà quý giá nhất Đức Giê-hô-va ban cho nhân loại, qua đó chúng ta có thể được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. (Ê-phê-sô 1:7) Giá chuộc là nền tảng của hy vọng về sự sống đời đời, dù ở trên trời hay trong địa đàng. (Lu-ca 23:43; Giăng 3:16; 1 Phi-e-rơ 1:4) Nhưng nói một cách chính xác thì giá chuộc là gì? Làm thế nào giá chuộc dạy chúng ta biết về công lý ưu việt của Đức Giê-hô-va?

Nhu cầu về giá chuộc phát sinh như thế nào?

3. (a) Tại sao giá chuộc trở nên cần thiết? (b) Tại sao Đức Chúa Trời không thể đơn giản giảm án tử hình cho con cháu A-đam?

3 Giá chuộc trở nên cần thiết vì tội lỗi của A-đam. Vì cãi lời Đức Chúa Trời, A-đam truyền lại cho con cháu bệnh tật, buồn khổ, đau đớn, và sự chết. (Sáng-thế Ký 2:17; Rô-ma 8:20) Đức Chúa Trời không thể xiêu theo tình cảm và đơn giản giảm án tử hình. Làm thế có nghĩa là không tôn trọng luật của chính Ngài: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết”. (Rô-ma 6:23) Nếu Đức Giê-hô-va ngơ đi những tiêu chuẩn của chính Ngài về công lý, sau đó tình trạng hỗn loạn, vô luật pháp sẽ ngự trị trên toàn vũ trụ!

4, 5. (a) Sa-tan đã vu khống Đức Chúa Trời thế nào, và tại sao Đức Giê-hô-va phải đáp lại những lời vu khống ấy? (b) Sa-tan đã quy kết điều gì cho những tôi tớ trung tín của Đức Giê-hô-va?

 4 Như chúng ta đã biết trong Chương 12, sự phản nghịch trong vườn Ê-đen đã nêu lên những vấn đề nghiêm trọng hơn. Sa-tan bôi nhọ thanh danh của Đức Chúa Trời. Lời hắn có tác dụng vu khống Đức Giê-hô-va, hàm ý rằng Ngài nói dối, độc tài bạo ngược, tước đoạt quyền tự do của các vật thọ tạo. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Khi dường như phá hỏng được ý định của Đức Chúa Trời muốn trái đất đầy dẫy những người công bình, thì Sa-tan cũng gán cho Ngài nhãn hiệu là kẻ thất bại. (Sáng-thế Ký 1:28; Ê-sai 55:10, 11) Nếu như Đức Giê-hô-va không đáp lại những thách thức này, nhiều tạo vật thông minh đã có thể dễ dàng mất đi khá nhiều lòng tin nơi sự cai trị của Ngài.

5 Sa-tan cũng vu khống những tôi tớ trung tín của Đức Giê-hô-va, quy kết rằng họ phụng sự Ngài chỉ vì động cơ ích kỷ và nếu bị thử thách, không ai sẽ tiếp tục trung thành với Đức Chúa Trời. (Gióp 1:9-11) Những vấn đề này quan trọng hơn hẳn cảnh ngộ con người. Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng khi phải đáp lại những lời vu cáo của Sa-tan. Nhưng Đức Chúa Trời có thể giải quyết những vấn đề này như thế nào, đồng thời cứu nhân loại?

Giá chuộc—Một điều tương đương

6. Một vài từ ngữ nào được dùng trong Kinh Thánh để miêu tả phương tiện của Đức Chúa Trời nhằm cứu nhân loại?

6 Giải pháp của Đức Giê-hô-va vừa nhân từ khoan dung tột bậc vừa công bằng vô cùng—một giải pháp không người nào có thể nghĩ ra. Song, giải pháp này lại đơn giản tuyệt vời. Nó được diễn đạt bằng các từ ngữ khác nhau như chuộc và hòa giải. (Ga-la-ti 3:13; Cô-lô-se 1:20) Nhưng lời diễn tả đúng nhất có lẽ là lời của chính Chúa Giê-su. Ngài nói: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu  việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc [từ Hy Lạp, ly′tron] nhiều người”.—Ma-thi-ơ 20:28.

7, 8. (a) Từ ngữ “giá chuộc” có nghĩa gì trong Kinh Thánh? (b) Giá chuộc đòi hỏi sự tương đương theo cách nào?

7 Giá chuộc là gì? Từ Hy Lạp được dùng ở đây bắt nguồn từ một động từ có nghĩa, “thả ra, phóng thích”. Từ này chỉ số tiền phải trả để đổi lấy sự phóng thích cho các tù binh chiến tranh. Vậy, về cơ bản giá chuộc có thể được định nghĩa là một cái gì đó phải trả để đổi lấy một cái khác. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, chữ “giá chuộc” (ko′pher) bắt nguồn từ một động từ có nghĩa “che phủ”. Điều này giúp chúng ta hiểu chuộc cũng có nghĩa che phủ tội lỗi.—Thi-thiên 65:3 (65:4, cước chú Nguyễn Thế Thuấn).

8 Điều đáng chú ý là sách Tự điển thần học Tân Ước (Anh ngữ) nhận xét rằng từ này (ko′pher) “luôn luôn chỉ sự tương đương”, tức tương xứng. Vì vậy, nắp hòm giao ước phải vừa vặn với miệng hòm. Tương tự thế, để chuộc hoặc che phủ tội lỗi, giá trả phải hoàn toàn tương xứng, tức hoàn toàn che phủ thiệt hại do tội lỗi gây ra. Vì vậy Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên quy định: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:21.

9. Tại sao những người trung thành dâng thú vật làm của-lễ, và Đức Giê-hô-va xem những của-lễ ấy thế nào?

9 Từ A-bên trở đi, những người trung thành dâng thú vật làm của-lễ cho Đức Chúa Trời. Khi làm thế, không những họ chứng tỏ có ý thức về tội lỗi, về việc cần đến sự chuộc tội mà còn biểu lộ đức tin nơi sự giải thoát Đức Chúa Trời đã hứa qua một “dòng-dõi”. (Sáng-thế Ký 3:15; 4:1-4; Lê-vi Ký 17:11; Hê-bơ-rơ 11:4) Đức Giê-hô-va chấp nhận những của-lễ ấy và ban cho những người thờ phượng này một vị thế tốt với Ngài. Tuy nhiên, của-lễ bằng thú vật tốt nhất cũng chỉ là  tượng trưng mà thôi. Thú vật không thể thật sự che phủ tội lỗi con người vì chúng thấp kém hơn con người. (Thi-thiên 8:4-8) Vì vậy, Kinh Thánh nói: “Huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội-lỗi đi được”. (Hê-bơ-rơ 10:1-4) Những của-lễ đó chỉ là hình ảnh tượng trưng cho giá chuộc chân chính sẽ đến.

Một “giá chuộc” tương xứng

10. (a) Người làm giá chuộc phải tương xứng với ai, và tại sao? (b) Tại sao chỉ cần một người hy sinh?

10 Sứ đồ Phao-lô viết: “Trong A-đam mọi người đều chết”. (1 Cô-rinh-tô 15:22) Do đó, giá chuộc đòi hỏi cái chết của một sinh mạng bằng với A-đam—một người hoàn toàn. (Rô-ma 5:14) Không tạo vật nào thuộc loại khác có thể làm cân bằng cán cân công lý. Chỉ có người hoàn toàn, một người không bị án tử hình của A-đam, mới có thể dâng “giá chuộc” tương xứng—tức một người hoàn toàn tương đương với A-đam. (1 Ti-mô-thê 2:6) Không nhất thiết là vô số triệu cá nhân phải hy sinh để tương ứng với mỗi con cháu của A-đam. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết”. (Rô-ma 5:12, chúng tôi viết nghiêng). Và “bởi một người mà có sự chết” nên Đức Chúa Trời sắp đặt sự chuộc tội nhân loại “bởi một người”. (1 Cô-rinh-tô 15:21) Bằng cách nào?

“Làm giá chuộc mọi người”

11. (a) Người làm giá chuộc “vì mọi người nếm sự chết” như thế nào? (b) Tại sao A-đam và Ê-va không thể hưởng lợi ích của giá chuộc? (Xem cước chú).

11 Đức Giê-hô-va đã sắp đặt cho một người hoàn toàn tình nguyện hy sinh mạng sống. Theo Rô-ma 6:23, “tiền công của tội-lỗi là sự chết”. Khi hy sinh mạng sống, người làm giá chuộc đó sẽ “vì mọi người nếm sự chết”. Nói cách khác, người ấy sẽ trả tiền công cho tội lỗi của A-đam. (Hê-bơ-rơ 2:9; 2 Cô-rinh-tô 5:21; 1 Phi-e-rơ 2:23) Điều này tạo ra những hệ quả sâu xa về mặt pháp lý. Bằng cách vô hiệu hóa bản án tử hình cho con cháu biết vâng lời của A-đam,  giá chuộc trừ bỏ tận gốc rễ sức tàn phá của tội lỗi. *Rô-ma 5:16.

12. Hãy minh họa vì sao việc trả một món nợ có thể mang lại lợi ích cho nhiều người.

12 Để minh họa: Hãy tưởng tượng bạn sống trong một thị trấn, nơi đó hầu hết cư dân làm việc tại một xí nghiệp lớn. Bạn và những người láng giềng được trả lương hậu và sống thoải mái. Nhưng một ngày kia xí nghiệp bị đóng cửa. Vì lý do nào? Giám đốc công ty trở nên thối nát, khiến xí nghiệp bị phá sản. Mất việc thình lình, bạn và những người láng giềng không còn khả năng trang trải các khoản chi phí. Vợ chồng con cái các công nhân và những chủ nợ điêu đứng vì sự thối nát của một người. Có lối thoát nào không? Có! Một ân nhân giàu có quyết định can thiệp. Ông biết giá trị của công ty, đồng thời cảm thương cho các công nhân và gia đình họ. Vì thế ông thu xếp trả hết nợ cho công ty và mở lại xí nghiệp. Việc trả xong một món nợ đó cứu giúp các công nhân, gia đình họ cùng các chủ nợ. Tương tự thế, việc trả món nợ của A-đam mang lại lợi ích cho vô số triệu người.

Ai cung cấp giá chuộc?

13, 14. (a) Đức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc thế nào cho nhân loại? (b) Giá chuộc trả cho ai, và tại sao cần phải trả?

13 Chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể cung cấp “Chiên con..., là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”. (Giăng 1:29) Nhưng Đức Chúa Trời đã không phái bất cứ thiên sứ nào để giải cứu nhân loại. Trái lại, Đức Giê-hô-va đã phái một đấng có thể cung cấp câu trả lời tối hậu, không thể biện bác được,  nhằm đáp lại lời quy kết của Sa-tan đối với các tôi tớ Ngài. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã hy sinh tột độ qua việc phái Con độc sinh, “là sự khoái-lạc Ngài”. (Châm-ngôn 8:30) Con Đức Chúa Trời sẵn lòng “tự bỏ” bản thể mà ngài có ở trên trời. (Phi-líp 2:7) Đức Giê-hô-va sử dụng phép lạ chuyển sự sống và cá tính của người Con mà Ngài tạo ra đầu tiên ở trên trời vào lòng một trinh nữ Do Thái tên Ma-ri. (Lu-ca 1:27, 35) Khi làm người, ngài mang tên Giê-su. Nhưng trên mặt pháp lý, có thể gọi ngài là A-đam thứ hai, vì ngài tương xứng hoàn toàn với A-đam. (1 Cô-rinh-tô 15:45, 47) Do đó, Chúa Giê-su đã có thể hy sinh chính mạng sống để làm giá chuộc cho nhân loại tội lỗi.

14 Giá chuộc trả cho ai? Thi-thiên 49:7 nói rõ ràng giá chuộc trả cho “Đức Chúa Trời”. Nhưng chẳng phải lúc đầu chính Đức Giê-hô-va đã cung cấp giá chuộc sao? Đúng, nhưng điều này không làm suy giảm giá trị của giá chuộc thành một cuộc trao đổi vô nghĩa, máy móc—như chuyển tiền từ túi này sang túi khác. Phải hiểu rằng giá chuộc không phải là sự trao đổi vật chất, nhưng là việc chuyển nhượng có tính cách pháp lý. Khi sắp xếp việc trả giá chuộc, dù với một giá rất cao, Đức Giê-hô-va xác nhận Ngài kiên định ủng hộ tiêu chuẩn công lý hoàn hảo của chính Ngài.—Sáng-thế Ký 22:7, 8, 11-13; Hê-bơ-rơ 11:17; Gia-cơ 1:17.

15. Tại sao Chúa Giê-su cần phải chịu đau đớn và chết?

15 Mùa xuân năm 33 CN, Chúa Giê-su Christ tự nguyện chịu trải qua một thử thách cam go dẫn đến việc trả giá chuộc. Ngài đã tự để cho người ta bắt vì lời vu cáo, xử là có tội và đóng đinh trên cây khổ hình. Chúa Giê-su có thật sự cần phải chịu nhiều đau đớn đến thế không? Có, bởi vì vấn đề về lòng trung kiên của tôi tớ Đức Chúa Trời phải được giải quyết. Điều đáng chú ý là Đức Chúa Trời không để cho Vua Hê-rốt giết Chúa Giê-su lúc ngài còn là trẻ sơ sinh. (Ma-thi-ơ 2:13-18) Nhưng khi trưởng thành, Chúa Giê-su đã có thể đương đầu với mũi dùi tấn công của Sa-tan, đồng thời hiểu trọn vẹn  các vấn đề liên quan. * Dù bị đối xử vô cùng tàn ác, Chúa Giê-su vẫn giữ mình “thánh-khiết, không tội, không ô-uế, biệt khỏi kẻ có tội”, nên Ngài đã chứng tỏ một cách tối hậu rõ ràng là Đức Giê-hô-va vẫn có những tôi tớ giữ vững lòng trung thành bất chấp thử thách. (Hê-bơ-rơ 7:26) Vậy không có gì đáng ngạc nhiên là ngay trước khi chết, Chúa Giê-su đắc thắng thốt lên: “Mọi việc đã được trọn”.—Giăng 19:30.

Hoàn tất công việc cứu chuộc

16, 17. (a) Chúa Giê-su tiếp tục việc cứu chuộc như thế nào? (b) Tại sao Chúa Giê-su cần thiết phải “vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”?

16 Chúa Giê-su còn phải hoàn thành công việc cứu chuộc. Ba ngày sau khi Chúa Giê-su chết, Đức Giê-hô-va làm ngài sống lại. (Công-vụ 3:15; 10:40) Bằng hành động quan trọng này, Đức Giê-hô-va không những ban thưởng cho Con Ngài vì đã phụng sự trung thành mà còn ban cho người Con ấy cơ hội hoàn tất công việc cứu chuộc trên cương vị Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 1:4; 1 Cô-rinh-tô 15:3-8) Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế-lễ thượng-phẩm... Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời. Vả Đấng Christ chẳng phải vào nơi thánh bởi tay người làm ra, theo kiểu-mẫu nơi thánh thật, bèn là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”.—Hê-bơ-rơ 9:11, 12, 24.

 17 Đấng Christ không thể đem huyết thật lên trời. (1 Cô-rinh-tô 15:50) Thay vì thế, ngài mang điều mà huyết ấy biểu trưng: giá trị pháp lý của mạng sống hoàn toàn mà ngài đã hy sinh. Lúc ấy, ngài chính thức đệ trình giá trị của mạng sống ấy lên Đức Chúa Trời, để làm giá chuộc cho loài người tội lỗi. Đức Giê-hô-va có chấp nhận sự hy sinh đó không? Có. Điều này thể hiện rõ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi Ngài ban thánh linh cho khoảng 120 môn đồ ở Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 2:1-4) Dù sự việc này đáng phấn khởi, giá chuộc lúc ấy chỉ mới bắt đầu cung cấp những lợi ích tuyệt diệu.

Lợi ích của giá chuộc

18, 19. (a) Hai nhóm người nào hưởng lợi ích của việc hòa thuận lại với Đức Chúa Trời nhờ huyết của Đấng Christ? (b) Những ai thuộc đám đông “vô-số người” hưởng được một số lợi ích nào của giá chuộc trong hiện tại và tương lai?

18 Trong thư gửi cho người Cô-lô-se, Phao-lô giải thích rằng Đức Chúa Trời vui lòng chấp nhận việc Đấng Christ đổ huyết trên cây khổ hình để giúp muôn vật hòa thuận lại với Ngài. Phao-lô cũng giải thích việc hòa thuận này liên quan đến hai nhóm người; ấy là “vật ở trên trời“ và “vật ở dưới đất”. (Cô-lô-se 1:19, 20; Ê-phê-sô 1:10) Nhóm thứ nhất gồm 144.000 tín đồ Đấng Christ được ban cho hy vọng làm thầy tế lễ và vua ở trên trời, cùng Chúa Giê-su Christ cai trị trái đất. (Khải-huyền 5:9, 10; 7:4; 14:1-3) Qua những người này, lợi ích của giá chuộc sẽ dần dần được áp dụng cho nhân loại biết vâng lời trong thời gian một ngàn năm.—1 Cô-rinh-tô 15:24-26; Khải-huyền 20:6; 21:3, 4.

19 “Vật ở dưới đất” là những người sẽ hưởng đời sống hoàn toàn trong Địa Đàng. Khải-huyền 7:9-17 miêu tả họ là đám đông “vô-số người” sẽ sống sót qua “cơn đại-nạn” sắp đến. Nhưng họ không phải chờ đến lúc ấy mới hưởng được các lợi ích của giá chuộc. Họ đã “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Nhờ thực hành đức tin nơi giá chuộc, nên ngay cả hiện nay họ nhận những lợi ích thiêng  liêng từ sự sắp đặt đầy yêu thương này. Họ được xác nhận là công bình với tư cách bạn của Đức Chúa Trời! (Gia-cơ 2:23) Nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su, họ có thể “vững lòng đến gần ngôi ơn-phước”. (Hê-bơ-rơ 4:14-16) Khi phạm lỗi, họ nhận được sự tha thứ thật sự. (Ê-phê-sô 1:7) Dù bất toàn, họ có lương tâm trong sạch. (Hê-bơ-rơ 9:9; 10:22; 1 Phi-e-rơ 3:21) Vì vậy, việc hòa thuận lại với Đức Chúa Trời không phải là diễn biến hy vọng sẽ xảy ra nhưng là thực tại! (2 Cô-rinh-tô 5:19, 20) Trong thời kỳ Một Ngàn Năm, họ sẽ dần dần “được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát” và cuối cùng “dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 8:21.

20. Suy ngẫm về giá chuộc ảnh hưởng thế nào đến cá nhân bạn?

20 “Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ” về giá chuộc! (Rô-ma 7:25) Nguyên tắc về giá chuộc tuy đơn giản nhưng ý nghĩa của giá chuộc lại sâu xa, đủ làm chúng ta kính phục. (Rô-ma 11:33) Khi trân trọng suy ngẫm, giá chuộc rung động lòng chúng ta, thu hút chúng ta càng đến gần Đức Chúa Trời chí công hơn bao giờ hết. Như người viết Thi-thiên, chúng ta có đủ mọi lý do để ca ngợi Đức Giê-hô-va là Đấng “yêu thích điều công minh chính trực”.—Thi-thiên 33:5, Tòa Tổng Giám Mục.

^ đ. 11 A-đam và Ê-va không thể hưởng lợi ích của giá chuộc. Luật Pháp Môi-se nói đến nguyên tắc này về kẻ sát nhân cố ý: “Các ngươi chớ lãnh tiền chuộc mạng của một người sát-nhân đã có tội và đáng chết, vì nó hẳn phải bị xử-tử”. (Dân-số Ký 35:31) Rõ ràng, A-đam và Ê-va đáng chết vì họ cố ý và chủ tâm cãi lời Đức Chúa Trời. Bởi thế, họ bỏ triển vọng sống đời đời.

^ đ. 15 Để cân xứng với tội lỗi của A-đam, Chúa Giê-su phải chết với tư cách một người đàn ông hoàn toàn, chứ không phải là một trẻ em hoàn toàn. Hãy nhớ rằng A-đam chủ tâm phạm tội, ông hiểu rõ tầm mức nghiêm trọng và hậu quả của hành động. Vậy để trở thành “A-đam sau hết” và che phủ tội lỗi ấy, Chúa Giê-su phải suy nghĩ chín chắn và hiểu rõ quyết định chọn giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va. (1 Cô-rinh-tô 15:45, 47) Như vậy, cả cuộc đời trung thành của Chúa Giê-su—kể cả cái chết của ngài—làm thành “một việc công-bình”.—Rô-ma 5:18, 19.