Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 18

Sự khôn ngoan trong “lời Đức Chúa Trời”

Sự khôn ngoan trong “lời Đức Chúa Trời”

1, 2. Đức Giê-hô-va đã viết “lá thư” nào cho chúng ta, và tại sao?

BẠN có nhớ lần nhận được thư người thân yêu từ nơi xa không? Ít có điều gì sánh bằng niềm vui nhận được lá thư chân tình của người chúng ta yêu quý. Chúng ta vui thích khi hay tin người đó vẫn khỏe, nghe kể về kinh nghiệm và các dự định của người đó. Sự liên lạc như thế khiến những người thân yêu gần gũi hơn, cho dù họ sống xa nhau.

2 Vậy, điều gì có thể mang lại niềm vui thích hơn là việc nhận được thông điệp viết bởi Đức Chúa Trời mà chúng ta yêu thương? Theo nghĩa nào đó, Đức Giê-hô-va đã viết cho chúng ta một “lá thư”—tức Lời Ngài là Kinh Thánh. Trong đó Ngài cho chúng ta biết Ngài là ai, đã làm những gì, có ý định làm gì, và nhiều điều khác nữa. Đức Giê-hô-va ban Lời Ngài cho chúng ta vì muốn chúng ta đến gần Ngài. Đức Chúa Trời khôn ngoan tột bậc của chúng ta đã chọn cách tốt nhất để liên lạc với chúng ta. Sự khôn ngoan vô song thể hiện ở cách Kinh Thánh được viết ra và trong nội dung của sách này.

Tại sao phải viết thành văn?

3. Đức Giê-hô-va truyền Luật Pháp cho Môi-se bằng cách nào?

3 Một số người có thể thắc mắc: ‘Tại sao Đức Giê-hô-va không liên lạc với loài người bằng một phương pháp phi thường—chẳng hạn như phán từ trên trời?’ Thật ra, đã có lần Đức Giê-hô-va phán từ trên trời qua trung gian các thiên sứ, như khi ban Luật Pháp cho người Y-sơ-ra-ên. (Ga-la-ti 3:19) Tiếng nói phát ra từ trời thật đáng kính sợ—đến nỗi dân Y-sơ-ra-ên run sợ cầu xin Đức Giê-hô-va đừng nói với họ bằng cách này, nhưng truyền đạt ý Ngài qua Môi-se. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:18-20) Vì vậy, Luật Pháp gồm khoảng 600 điều luật được truyền miệng cho Môi-se, từng chữ một.

4. Hãy giải thích tại sao phương pháp truyền miệng không đáng tin cậy trong việc lưu truyền luật pháp Đức Chúa Trời?

 4 Nhưng nếu Luật Pháp đó không được viết thành văn thì sao? Liệu Môi-se có thể nhớ chính xác bộ luật chi tiết ấy và truyền đạt một cách hoàn hảo cho dân sự không? Thế còn những thế hệ sau thì sao? Họ phải hoàn toàn dựa vào lời truyền khẩu chăng? Đó không phải là phương pháp đáng tin cậy để lưu truyền luật pháp của Đức Chúa Trời. Hãy tưởng tượng kết cuộc sẽ ra sao nếu bạn truyền một câu chuyện cho nhóm người ngồi thành một hàng dài bằng cách kể câu chuyện đó cho người ngồi đầu hàng, rồi nhờ người ấy thuật lại cho người bên cạnh, và cứ thế truyền đi cho đến người ngồi cuối hàng. Câu chuyện mà người ở cuối hàng nghe được rất có thể khác đi khá nhiều so với chuyện gốc. Những lời trong Luật Pháp Đức Chúa Trời không nằm trong tình huống hiểm nghèo như thế.

5, 6. Đức Giê-hô-va đã chỉ thị cho Môi-se làm gì với lời Ngài, và tại sao việc chúng ta có Lời của Đức Giê-hô-va được ghi lại thành văn là một ân phước?

5 Đức Giê-hô-va đã khôn ngoan quyết định cho viết lời Ngài thành văn. Ngài chỉ thị cho Môi-se: “Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao-ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27) Như thế, kỷ nguyên viết Kinh Thánh bắt đầu vào năm 1513 TCN. Qua 1.610 năm kế tiếp, Đức Giê-hô-va đã “phán-dạy... nhiều lần nhiều cách” cho khoảng 40 người; rồi họ viết ra Kinh Thánh. (Hê-bơ-rơ 1:1) Trong khoảng thời gian ấy, đã có những người tận tâm thận trọng sao chép tỉ mỉ, tạo ra những văn bản chính xác nhằm bảo tồn Kinh Thánh.—E-xơ-ra 7:6; Thi-thiên 45:1.

6 Đức Giê-hô-va thật sự ban ân phước cho chúng ta bằng cách thông tin liên lạc với chúng ta qua văn bản. Có bao giờ bạn nhận một lá thư mà bạn rất quý—có lẽ vì nó mang lại niềm an ủi cần thiết—đến độ bạn giữ gìn và đọc đi đọc lại nhiều lần không? “Lá thư” Đức Giê-hô-va gửi cho chúng ta cũng như thế. Vì Đức Giê-hô-va cho ghi thành văn các lời của Ngài, nên chúng ta có thể đều đặn đọc và suy ngẫm. (Thi-thiên 1:2) Bất cứ lúc nào cần,  chúng ta cũng có thể nhận được “sự yên-ủi của Kinh-thánh”.—Rô-ma 15:4.

Tại sao dùng con người để viết?

7. Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va biểu hiện như thế nào qua việc Ngài dùng con người để viết Kinh Thánh?

7 Đức Giê-hô-va đã biểu hiện sự khôn ngoan khi dùng con người ghi lại Lời Ngài. Hãy suy xét điều này: Nếu Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ để viết, liệu Kinh Thánh có cùng sức thu hút như ngày nay không? Đành rằng các thiên sứ có thể miêu tả Đức Giê-hô-va theo quan điểm ưu việt, diễn đạt lòng trung thành tận tụy của riêng họ đối với Ngài, và thuật về những tôi tớ loài người trung thành của Đức Chúa Trời. Nhưng liệu chúng ta có thể thực sự đồng cảm với quan điểm của những thần linh hoàn toàn, có sự hiểu biết, kinh nghiệm và quyền năng siêu việt hơn chúng ta nhiều không?—Hê-bơ-rơ 2:6, 7.

“Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”

8. Những người viết Kinh Thánh được phép dùng khả năng trí tuệ của riêng họ theo cách nào? (Cũng xem cước chú).

8 Thông qua việc dùng con người để viết, Đức Giê-hô-va đã cung cấp đúng điều chúng ta cần—một văn bản do “Đức Chúa Trời soi-dẫn” song vẫn giữ được tính cách con người. (2 Ti-mô-thê 3:16) Ngài đã thực hiện điều này như thế nào? Trong nhiều trường hợp, xem chừng Ngài cho phép người viết sử dụng khả năng trí tuệ của riêng họ trong việc chọn lựa “những lời hay ý đẹp” và “những điều chân thật”. (Truyền-đạo 12:10, 11, Tòa Tổng Giám Mục) Điều này giải thích văn phong đa dạng của Kinh Thánh; các phong cách viết phản ánh quá trình sinh trưởng và cá tính của mỗi người viết. * Tuy vậy, những người này “bởi Đức Thánh-Linh cảm-động... đã nói bởi Đức Chúa Trời”. (2 Phi-e-rơ 1:21) Do đó, sản phẩm cuối cùng thật sự là “lời Đức Chúa Trời”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.

9, 10. Tại sao việc dùng con người để viết tăng thêm sức nồng ấm và thu hút của Kinh Thánh?

 9 Việc dùng con người để viết đã tạo cho Kinh Thánh sức nồng ấm và thu hút lớn lao. Những người viết Kinh Thánh là những người có cảm xúc như chúng ta. Vì bất toàn, họ gặp những thử thách và áp lực tương tự như của chúng ta. Trong một số trường hợp, thánh linh Đức Giê-hô-va soi dẫn họ viết về các cảm nghĩ và phấn đấu của riêng mình. (2 Cô-rinh-tô 12:7-10) Vì vậy, khi viết họ sử dụng các đại từ ngôi thứ nhất, những từ mà không thiên sứ nào có thể diễn đạt.

10 Ví dụ, hãy xem trường hợp Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên. Sau khi phạm một số trọng tội, Đa-vít viết một bài thơ thổ lộ lòng mình, trong đó ông cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ. Ông viết: “Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian-ác, và làm tôi được thanh-khiết về tội-lỗi tôi. Vì tôi nhận-biết các sự vi-phạm tôi, tội-lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi. Kìa, tôi sanh ra trong sự gian-ác, mẹ tôi đã hoài-thai tôi trong tội-lỗi. Xin chớ từ-bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh-Linh Chúa. Của-lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm-thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu”. (Thi-thiên 51:2, 3, 5, 11, 17) Có thể nào bạn lại không cảm nhận được nỗi khổ tâm của người viết? Ngoài con người bất toàn, ai có thể diễn đạt nổi những cảm xúc chân thành như thế?

Tại sao là sách viết về con người?

11. Lời miêu tả nào về những con người có thật được ghi lại trong Kinh Thánh để “dạy-dỗ chúng ta”?

11 Có một điều khác nữa góp phần tăng sức thu hút của Kinh Thánh. Phần lớn, Kinh Thánh là quyển sách viết về người ta—những con người có thật—cả những người phụng sự và những người không phụng sự Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc về những điều họ trải qua, các nỗi gian nan và niềm vui của họ. Chúng ta thấy hậu quả hoặc kết quả của những việc họ lựa chọn trong đời sống. Những tường thuật như thế được ghi lại để “dạy-dỗ chúng ta”. (Rô-ma 15:4) Thông qua lời miêu tả về những con người có thật, cách Đức Giê-hô-va dạy dỗ rung động lòng chúng ta. Hãy xem xét một vài ví dụ.

12. Các lời tường thuật trong Kinh Thánh về những người bất trung giúp chúng ta như thế nào?

 12 Kinh Thánh kể về những người bất trung thậm chí gian ác, và họ gánh lấy hậu quả nào. Trong các tường thuật này, các tính xấu thể hiện ra thành hành động, nhờ vậy chúng ta hiểu những tính xấu ấy một cách dễ dàng hơn. Chẳng hạn có lời răn nào lên án sự bất trung mạnh mẽ hơn là hành động thể hiện tính chất này của Giu-đa khi hắn âm mưu phản Chúa Giê-su không? (Ma-thi-ơ 26:14-16, 46-50; 27:3-10) Những tường thuật như vừa nêu trên dễ động đến lòng chúng ta hơn, giúp chúng ta nhận ra và gột rửa những nét tính ghê tởm.

13. Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu được những đức tính đáng chuộng qua cách nào?

13 Kinh Thánh cũng nói đến nhiều tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc về lòng tận tụy và trung thành của họ. Chúng ta thấy những gương sống động về những đức tính cần vun trồng hầu đến gần Đức Chúa Trời. Hãy lấy ví dụ về đức tin. Kinh Thánh xác định rõ đức tin là gì, và cho biết đức tin thiết yếu đến mức nào nếu chúng ta muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 11:1, 6) Nhưng Kinh Thánh cũng ghi lại những gương sống động của những người biểu hiện đức tin qua hành động. Bạn hãy suy nghĩ về đức tin mà Áp-ra-ham đã biểu lộ khi ông định dâng Y-sác. (Sáng-thế Ký, chương 22; Hê-bơ-rơ 11:17-19) Qua những tường thuật như thế, từ ngữ “đức tin” mang thêm ý nghĩa và trở nên dễ hiểu hơn. Chẳng những Đức Giê-hô-va thúc giục chúng ta vun trồng những đức tính đáng chuộng mà còn cung cấp những gương điển hình cho thấy những đức tính ấy được thể hiện qua hành động. Làm như thế, Ngài thật khôn ngoan biết bao!

14, 15. Kinh Thánh kể chuyện gì về một người đàn bà đến đền thờ, và từ câu chuyện này chúng ta rút ra bài học nào về Đức Giê-hô-va?

14 Những sự việc có thật được kể lại trong Kinh Thánh thường dạy cho chúng ta biết điều nào đó về các đức tính của Đức Giê-hô-va. Hãy xem xét câu chuyện về người đàn bà mà Chúa Giê-su thấy trong đền thờ. Chúa Giê-su ngồi gần rương đựng tiền dâng cho đền thờ, ngài quan sát khi người ta bỏ tiền vào rương. Nhiều người giàu đóng góp “của dư mình”. Song, ánh mắt Chúa Giê-su dán chặt vào một bà góa nghèo. Tiền đóng góp  của bà gồm “hai đồng tiền ăn một phần tư xu”. * Đó là số tiền nhỏ mọn cuối cùng của bà. Phản ánh hoàn hảo quan điểm của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su nhận định: “Mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào”. Theo những lời này, bà ấy đã cho nhiều hơn tổng số tiền đóng góp của tất cả những người khác.—Mác 12:41-44; Lu-ca 21:1-4; Giăng 8:28.

15 Trong số tất cả những người đến đền thờ ngày hôm ấy, chỉ riêng bà góa này được chọn ra và nhắc đến trong Kinh Thánh. Đó chẳng phải là điều đáng lưu ý sao? Qua ví dụ này, Đức Giê-hô-va dạy chúng ta rằng Ngài là Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa. Ngài vui lòng chấp nhận những gì chúng ta hết lòng dâng tặng, bất luận chúng có giá trị nào so với những thứ người khác có thể cho. Không thể có cách nào tốt hơn để Đức Giê-hô-va dạy chúng ta về lẽ thật ấm lòng này!

Những điều không có trong Kinh Thánh

16, 17. Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện như thế nào ngay cả ở những điều Ngài quyết định không ghi lại trong Lời Ngài?

16 Khi viết cho người thân yêu, thư của bạn có hạn. Vì vậy bạn thận trọng chọn lựa những điều cần viết. Tương tự thế, Đức Giê-hô-va chọn đề cập đến một số người và sự kiện nhất định trong Lời Ngài. Nhưng trong những tường thuật này, Kinh Thánh không luôn luôn ghi ra hết mọi chi tiết. (Giăng 21:25) Chẳng hạn như khi nói về sự phán xét của Đức Chúa Trời, những thông tin cung cấp trong Kinh Thánh có thể không giải đáp hết mọi thắc mắc của chúng ta. Nhưng sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện ngay cả ở những điều Ngài quyết định không ghi lại trong Lời Ngài. Tại sao thế?

17 Cách Kinh Thánh được viết ra có tác dụng thử lòng chúng ta. Hê-bơ-rơ 4:12 nói: “Lời [hay thông điệp] của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh,... xem-xét tư-tưởng và ý-định trong  lòng”. Thông điệp của Kinh Thánh xuyên thấu vào tận thâm tâm, làm lộ ra tư tưởng và động lực thật của chúng ta. Những người đọc Kinh Thánh có ý hay chỉ trích, thường bị vấp phạm bởi những tường thuật không chứa đủ thông tin như ý họ muốn. Những người như thế thậm chí có thể nghi ngờ không biết Đức Giê-hô-va có thật sự yêu thương, khôn ngoan và công bằng không.

18, 19. (a) Tại sao chúng ta không nên cảm thấy hoang mang nếu một tường thuật nào đó trong Kinh Thánh gợi lên những thắc mắc mà chúng ta không thể tìm ngay được lời giải đáp? (b) Để hiểu Lời Đức Chúa Trời cần phải có điều gì, và tại sao điều này chứng tỏ sự khôn ngoan vô song của Đức Giê-hô-va?

18 Ngược lại, khi cẩn thận học Kinh Thánh với lòng chân thành, chúng ta sẽ hiểu biết Đức Giê-hô-va theo bối cảnh mà toàn bộ Kinh Thánh miêu tả Ngài. Do đó, chúng ta không cảm thấy hoang mang nếu một tường thuật nào đó gợi lên vài thắc mắc mà chúng ta không thể tìm ngay được lời giải đáp. Để minh họa: Khi ráp lại các mảnh của trò chơi lắp hình cỡ lớn, thoạt tiên có lẽ chúng ta không thể tìm ra một mảnh nhất định hoặc không biết ráp một mảnh nào đó vào đâu cho đúng. Song chúng ta có thể đã ráp đủ số mảnh để thấy được toàn bộ bức tranh sẽ phải như thế nào. Tương tự thế, khi học Kinh Thánh, dần dần chúng ta biết Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời như thế nào, và một hình ảnh rõ nét hiện ra. Cho dù lúc đầu chúng ta không hiểu lời tường thuật nào đó hoặc không thấy nó phù hợp thế nào với cá tính của Đức Chúa Trời, nhưng qua việc học Kinh Thánh chúng ta đã có sự hiểu biết dồi dào về Đức Giê-hô-va, giúp chúng ta thấy rằng Ngài luôn luôn là một Đức Chúa Trời yêu thương và công bằng.

19 Vậy, để hiểu Lời Đức Chúa Trời, chúng ta phải đọc và học lời ấy với tấm lòng chân thành và đầu óc cởi mở. Chẳng phải đây là bằng chứng về sự khôn ngoan vô song của Đức Giê-hô-va sao? Những người thông minh có thể viết sách mà chỉ những “bậc khôn ngoan thông thái” mới hiểu. Nhưng để sáng tác một quyển sách mà chỉ những người có động cơ đúng đắn trong lòng mới hiểu được—thì phải cần đến sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời!—Ma-thi-ơ 11:25, TTGM.

 Quyển sách chứa đựng “sự khôn ngoan thiết thực”

20. Tại sao chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể dạy chúng ta lối sống tốt nhất, và Kinh Thánh chứa đựng điều gì có thể giúp chúng ta?

20 Trong Lời Ngài, Đức Giê-hô-va dạy chúng ta biết lối sống tốt nhất. Là Đấng Tạo Hóa, Ngài biết rõ các nhu cầu của chúng ta hơn cả chúng ta. Và những nhu cầu cơ bản của con người—kể cả ước muốn được yêu thương, hạnh phúc, và thành công trong các mối quan hệ với nhau—vẫn không thay đổi. Kinh Thánh chứa đựng kho tàng của “sự khôn ngoan thiết thực”, giúp đời sống chúng ta thêm ý nghĩa. (Châm-ngôn 2:7, NW) Mỗi phần trong sách này chứa một chương cho thấy cách áp dụng lời khuyên khôn ngoan của Kinh Thánh, nhưng ở đây chúng ta hãy xem xét chỉ một ví dụ.

21-23. Lời khuyên khôn ngoan nào có thể giúp chúng ta tránh ôm lòng giận dữ và oán hờn?

21 Bạn có nhận thấy những người nuôi lòng oán giận cuối cùng thường tự làm hại mình không? Lòng oán giận là một gánh nặng. Khi chúng ta nuôi lòng oán giận, nó chiếm trọn tâm trí chúng ta, cướp đi sự thanh thản, và bóp nghẹt niềm vui của chúng ta. Các cuộc nghiên cứu khoa học gợi ý rằng nuôi lòng giận dữ có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều bệnh mãn tính khác. Rất lâu trước khi có những cuộc nghiên cứu khoa học này, Kinh Thánh đã khuyên một cách khôn ngoan: “Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận-hoảng”. (Thi-thiên 37:8) Nhưng chúng ta có thể thực hiện điều đó như thế nào?

22 Lời Đức Chúa Trời đưa ra lời khuyên khôn ngoan này: “Hiểu biết [“Sự thông hiểu”, NW] làm con người chậm giận, bỏ qua lời xúc phạm khiến con người được tôn vinh”. (Châm-ngôn 19:11, TTGM) Thông hiểu là khả năng nhìn sâu vào bản chất sự vật, nhận ra những điều khó thấy. Sự thông hiểu phát huy sự hiểu biết vì nó có thể giúp chúng ta nhận thức rõ tại sao một người nói và hành động như thế. Việc cố gắng hiểu động cơ, cảm nghĩ thật sự và hoàn cảnh của một người có thể giúp chúng ta xua đuổi những ý nghĩ và tình cảm tiêu cực đối với người đó.

 23 Ngoài ra, Kinh Thánh còn có thêm lời khuyên này: “Hãy tiếp tục nhường nhịn và rộng lượng tha thứ nhau”. (Cô-lô-se 3:13, NW) Cụm từ “tiếp tục nhường nhịn nhau” gợi ý kiên nhẫn với nhau, chịu đựng những nét tính chúng ta có thể thấy khó chịu. Tính nhẫn nhịn như thế giúp chúng ta tránh nuôi lòng hờn giận nhỏ nhen. Từ “tha thứ” diễn đạt ý bỏ đi sự giận hờn. Đức Chúa Trời khôn ngoan biết rằng chúng ta cần tha thứ người khác khi có cơ sở tốt. Điều này chẳng những vì lợi ích của họ mà tâm trí chúng ta cũng được thanh thản. (Lu-ca 17:3, 4) Lời Đức Chúa Trời chứa đựng sự khôn ngoan cao siêu biết bao!

24. Khi chúng ta sửa đổi đời sống mình cho phù hợp với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, thì kết quả là gì?

24 Tình yêu thương vô bờ bến đã thôi thúc Đức Giê-hô-va liên lạc với chúng ta. Ngài chọn phương cách tốt nhất—một “lá thư” do những người phàm viết dưới sự hướng dẫn của thánh linh. Do đó, các trang Kinh Thánh chứa đựng sự khôn ngoan của chính Đức Giê-hô-va. Sự khôn ngoan này “thật đáng cậy tin”. (Thi-thiên 93:5, Trịnh Văn Căn) Khi chúng ta sửa đổi đời sống mình cho phù hợp với sự khôn ngoan ấy, chia sẻ nó với người khác, thì tự nhiên chúng ta được thu hút đến gần Đức Chúa Trời khôn ngoan vô song. Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ thảo luận một thí dụ điển hình nổi bật khác cho thấy sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va có tính tiền tri thức: khả năng báo trước tương lai và hoàn thành ý định Ngài.

^ đ. 8 Chẳng hạn, là người chăn chiên, Đa-vít dùng những ví dụ rút ra từ cuộc sống chăn chiên. (Thi-thiên 23) Nguyên trước kia là người thu thuế, Ma-thi-ơ nhiều lần nói đến những con số và giá trị của tiền bạc. (Ma-thi-ơ 17:27; 26:15; 27:3) Là thầy thuốc, Lu-ca thường dùng những từ ngữ phản ánh kiến thức về y học.—Lu-ca 4:38; 14:2; 16:20.

^ đ. 14 Mỗi đồng tiền này là một lepton, đơn vị tiền tệ Do Thái nhỏ nhất lưu hành vào thời đó. Hai lepton tương đương 1/64 của một ngày lương. Hai đồng tiền này thậm chí không đủ mua một con chim sẻ, loại chim rẻ nhất mà người nghèo mua làm thức ăn.