Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 19

“Sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời là sự mầu-nhiệm kín-giấu”

“Sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời là sự mầu-nhiệm kín-giấu”

1, 2. Chúng ta nên chú ý đến “sự mầu-nhiệm” nào, và tại sao?

CÁC điều mầu nhiệm! Bởi lẽ những điều này gợi tính hiếu kỳ, có sức lôi cuốn và bí ẩn nên người ta thường khó giữ kín. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói: “Giấu-kín việc nào, ấy là vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. (Châm-ngôn 25:2) Đúng vậy, là Đấng Cai Trị Tối Thượng kiêm Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va có quyền giữ kín một số điều nào đó cho đến đúng ngày giờ Ngài đã định mới tỏ rõ cho loài người.

2 Tuy nhiên, có một bí mật lý thú, hấp dẫn mà Đức Giê-hô-va đã tỏ rõ trong Lời Ngài. Điều ấy gọi là “sự mầu-nhiệm của ý-muốn Ngài”. (Ê-phê-sô 1:9) Tìm hiểu về sự mầu nhiệm này không những thỏa mãn lòng ham muốn hiểu biết của bạn, mà còn có thể dẫn đến sự cứu rỗi và giúp bạn hiểu biết phần nào sự khôn ngoan vô hạn của Đức Giê-hô-va.

Được tỏ lộ dần dần

3, 4. Làm thế nào lời tiên tri ghi nơi Sáng-thế Ký 3:15 mang lại hy vọng, và nó chứa đựng điều bí ẩn, tức “sự mầu-nhiệm kín-giấu” nào?

3 Đức Giê-hô-va có ý định là những người hoàn toàn sống trong một địa đàng. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, ý định ấy có vẻ như đã thất bại. Nhưng Đức Chúa Trời lập tức xử trí vấn đề. Ngài phán: “Ta sẽ làm cho mầy [con rắn] cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”.—Sáng-thế Ký 3:15.

4 Những lời này bí ẩn, khó hiểu. Ai là người nữ? Ai là con rắn? Ai là “dòng-dõi” sẽ đạp đầu con rắn? A-đam và Ê-va chỉ có thể phỏng đoán mà thôi. Dù vậy, lời Đức Chúa Trời mang  lại hy vọng cho bất cứ con cháu trung thành nào của cặp vợ chồng bất trung đó. Sự công bình sẽ đắc thắng. Ý định của Đức Giê-hô-va sẽ được thực hiện. Nhưng bằng cách nào? A! Đó là điều bí ẩn! Kinh Thánh gọi đó là “sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu-nhiệm kín-giấu”.—1 Cô-rinh-tô 2:7.

5. Hãy minh họa tại sao Đức Giê-hô-va tỏ lộ dần dần sự mầu nhiệm của Ngài.

5 Là “Đấng mặc khải”, Đức Giê-hô-va cuối cùng sẽ cho biết những chi tiết có liên quan đến việc thực hiện sự mầu nhiệm này. (Đa-ni-ên 2:28, Tòa Tổng Giám Mục) Nhưng Ngài tỏ lộ dần dần, một cách tiệm tiến. Để minh họa, chúng ta có thể nghĩ đến cách mà một người cha yêu thương trả lời khi đứa con trai nhỏ hỏi: “Bố ơi, con từ đâu ra?” Một người cha khôn ngoan chỉ cung cấp lượng thông tin vừa tầm hiểu biết của đứa trẻ. Khi đứa con trai lớn hơn, người cha cho biết thêm. Tương tự thế, Đức Giê-hô-va quyết định khi nào là thời điểm chín muồi để tỏ rõ cho dân Ngài biết về ý định và mục đích của Ngài.—Châm-ngôn 4:18; Đa-ni-ên 12:4.

6. (a) Giao ước, tức khế ước, có mục đích gì? (b) Tại sao việc Đức Giê-hô-va chủ động lập giao ước với con người là điều đáng chú ý?

6 Đức Giê-hô-va đã tỏ rõ như thế nào? Ngài sử dụng một loạt giao ước, tức khế ước, để tỏ lộ nhiều điều. Rất có thể là vào lúc nào đó trong đời, bạn lập một loại khế ước—có lẽ để mua nhà, mượn hoặc cho vay tiền. Một khế ước như thế đảm bảo về mặt pháp lý rằng các điều khoản đã thỏa thuận sẽ được thực hiện. Nhưng tại sao Đức Giê-hô-va cần trang trọng lập giao ước, tức khế ước, với con người? Chắc chắn lời Ngài đủ đảm bảo các lời hứa của Ngài. Điều đó đúng, tuy vậy có một số lần, Đức Chúa Trời đã nhân từ củng cố lời Ngài bằng các khế ước có giá trị pháp lý. Những hợp đồng vững chắc này cung cấp cho chúng ta, những người bất toàn, một cơ sở chắc chắn hơn nữa để vững tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 6:16-18.

 Giao ước với Áp-ra-ham

7, 8. (a) Đức Giê-hô-va lập giao ước nào với Áp-ra-ham, và điều này làm sáng tỏ sự mầu nhiệm kín giấu như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va dần dần thu hẹp phạm vi phả hệ như thế nào để dẫn đến Dòng Dõi đã hứa?

7 Hơn hai ngàn năm sau khi loài người bị trục xuất ra khỏi Địa Đàng, Đức Giê-hô-va phán cùng tôi tớ trung thành của Ngài là Áp-ra-ham: “Ta... sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng-dõi ngươi nhiều như sao trên trời... Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”. (Sáng-thế Ký 22:17, 18) Lời này còn có giá trị hơn cả một lời hứa; Đức Giê-hô-va diễn đạt lời ấy dưới hình thức một giao ước có giá trị pháp lý và củng cố giao ước ấy bằng lời thề không thể phá vỡ. (Sáng-thế Ký 17:1, 2; Hê-bơ-rơ 6:13-15) Chúa Tối Thượng thậm chí lập giao ước để ban phước cho loài người; điều này quả lạ lùng biết bao!

“Ta sẽ... thêm dòng-dõi ngươi nhiều như sao trên trời”

8 Giao ước với Áp-ra-ham cho biết Dòng Dõi đã hứa sẽ đến làm một con người, vì sẽ là con cháu Áp-ra-ham. Nhưng người ấy là ai? Qua thời gian, Đức Giê-hô-va cho biết Y-sác, một trong các con trai của Áp-ra-ham, sẽ là tổ tiên của Dòng Dõi ấy. Rồi trong số hai con trai của Y-sác, Gia-cốp đã được chọn. (Sáng-thế Ký 21:12; 28:13, 14) Về sau, Gia-cốp nói lời tiên tri này về một trong 12 con trai ông: “Cây phủ-việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập-pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô [“Đấng có vương quyền”] hiện tới, và các dân vâng-phục Đấng đó”. (Sáng-thế Ký 49:10) Bấy giờ mới biết là Dòng Dõi ấy sẽ làm vua, một vị vua thuộc dòng Giu-đa!

Giao ước với nước Y-sơ-ra-ên

9, 10. (a) Đức Giê-hô-va đã lập giao ước gì với nước Y-sơ-ra-ên, và giao ước ấy cung cấp sự che chở nào? (b) Luật Pháp đã chứng tỏ thế nào rằng loài người cần một giá chuộc?

9 Năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va sắp xếp, mở đường cho biết thêm chi tiết về sự mầu nhiệm kín giấu. Ngài lập giao ước với con cháu Áp-ra-ham, tức nước Y-sơ-ra-ên. Dù ngày nay không  còn hiệu lực nữa, nhưng Luật Pháp Môi-se đã đóng vai trò trọng yếu trong ý định Đức Giê-hô-va là mang lại Dòng Dõi đã hứa. Bằng cách nào? Hãy xem xét ba cách. Trước tiên, Luật Pháp có tác dụng như một bức tường che chở. (Ê-phê-sô 2:14) Những điều luật công bình trong Luật Pháp ấy có tác dụng ngăn cách dân Do Thái và Dân Ngoại. Như thế Luật Pháp giúp bảo tồn Dòng Dõi đã hứa. Chủ yếu nhờ sự che chở như thế mà nước Y-sơ-ra-ên vẫn còn tồn tại vào thời điểm Đức Chúa Trời đã định cho Đấng Mê-si sinh ra trong chi phái Giu-đa.

10 Thứ nhì, Luật Pháp chứng tỏ một cách trọn vẹn nhân loại cần một giá chuộc. Là bộ luật hoàn hảo, Luật Pháp này cho thấy rõ con người tội lỗi không thể tuân thủ trọn vẹn. Như thế Luật Pháp có tác dụng ‘làm lộ ra các điều lỗi phạm, đợi khi kẻ nối dòng sẽ đến, tức là người đã được ban lời hứa cho’. (Ga-la-ti 3:19, An Sơn Vị) Qua việc dâng của-lễ bằng thú vật, Luật Pháp cung cấp sự chuộc tội tạm thời. Nhưng như Phao-lô viết, “huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội-lỗi đi được”, cho nên những vật tế lễ này chỉ là hình bóng cho sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 10:1-4) Vậy đối với những người Do Thái trung thành, giao ước đó trở thành “thầy-giáo đặng dẫn... đến Đấng Christ”.—Ga-la-ti 3:24.

11. Giao ước Luật Pháp đưa ra triển vọng huy hoàng nào cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng tại sao dân tộc này nói chung đã mất đi triển vọng ấy?

11 Thứ ba, giao ước ấy đưa ra một triển vọng huy hoàng cho dân Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va nói rằng nếu trung thành với giao ước, họ sẽ trở nên “một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6) Về sau, những thành viên đầu tiên của nước thầy tế lễ ở trên trời quả đã là những người thuộc nước Y-sơ-ra-ên xác thịt. Tuy nhiên, nói chung dân Y-sơ-ra-ên đã phản bội giao ước Luật Pháp, bác bỏ Dòng Dõi là Đấng Mê-si, nên họ đã mất đi triển vọng ấy. Vậy, ai sẽ được thêm vào cho đủ số thành viên trong nước thầy tế lễ? Và nước có ân phước ấy liên quan thế nào đến Dòng Dõi đã hứa? Những khía cạnh này của sự mầu nhiệm sẽ được tỏ rõ vào thời điểm Đức Chúa Trời đã định.

 Giao ước với Đa-vít về một nước

12. Đức Giê-hô-va đã lập giao ước nào với Đa-vít, và giao ước ấy làm sáng tỏ thế nào sự mầu nhiệm kín giấu của Đức Chúa Trời?

12 Thế kỷ 11 TCN, Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ thêm sự mầu nhiệm kín giấu khi Ngài lập một giao ước khác. Ngài hứa với vị vua trung thành là Đa-vít: “Ta sẽ lập dòng-giống ngươi kế-vị ngươi... và ta sẽ khiến cho nước nó bền-vững... Ta sẽ khiến cho ngôi cùng nước nó vững bền đời đời”. (2 Sa-mu-ên 7:12, 13; Thi-thiên 89:3) Bấy giờ Dòng Dõi mà Đức Chúa Trời hứa thu hẹp trong vòng gia tộc Đa-vít. Nhưng một con người bình thường có thể cai trị “đời đời” không? (Thi-thiên 89:20, 29, 34-36) Và một người làm vua có thể giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết không?

13, 14. (a) Theo Thi-thiên 110, Đức Giê-hô-va đã hứa gì với Vị Vua được Ngài xức dầu? (b)  Đức Giê-hô-va cho biết thêm những chi tiết nào liên quan đến Dòng Dõi ấy qua các nhà tiên tri của Ngài?

13 Đa-vít viết dưới sự soi dẫn: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù-nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi. Đức Giê-hô-va đã thề, không hề đổi ý, rằng: Ngươi là thầy tế-lễ đời đời, tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc”. (Thi-thiên 110:1, 4) Lời của Đa-vít liên quan trực tiếp đến Dòng Dõi đã hứa, tức Đấng Mê-si. (Công-vụ 2:35, 36) Vua này sẽ cai trị, không phải ở thành Giê-ru-sa-lem, nhưng ở trên trời tại “bên hữu” Đức Giê-hô-va. Điều này khiến ngài không những có uy quyền trên xứ Y-sơ-ra-ên mà còn trên toàn trái đất. (Thi-thiên 2:6-8) Ngoài ra, có thêm một điều khác được nói rõ ở đây. Hãy lưu ý, Đức Giê-hô-va trang trọng thề rằng Đấng Mê-si sẽ là “thầy tế-lễ... theo ban Mên-chi-xê-đéc”. Mên-chi-xê-đéc phụng sự với tư cách là vua kiêm thầy tế lễ vào thời Áp-ra-ham, tương tự thế Dòng Dõi ấy sẽ do Đức Chúa Trời trực tiếp bổ nhiệm và phụng sự trên cương vị Vua kiêm Thầy Tế lễ!—Sáng-thế Ký 14:17-20.

14 Theo thời gian, Đức Giê-hô-va dùng các nhà tiên tri để cho biết thêm về sự mầu nhiệm kín giấu của Ngài. Tiên tri Ê-sai chẳng hạn đã cho biết Dòng Dõi ấy sẽ chết để làm của tế lễ hy sinh. (Ê-sai 53:3-12) Mi-chê tiên tri về nơi sinh của Đấng Mê-si.  (Mi-chê 5:1) Đa-ni-ên thậm chí tiên tri về thời điểm chính xác khi Dòng Dõi ấy xuất hiện và chết.—Đa-ni-ên 9:24-27.

Sự mầu nhiệm được tỏ rõ ra!

15, 16. (a) Con của Đức Giê-hô-va “bởi một người nữ sanh ra” như thế nào? (b) Chúa Giê-su thừa hưởng gì từ cha mẹ phàm, và khi nào ngài đã đến với tư cách là Dòng Dõi đã hứa?

15 Những lời tiên tri này sẽ ứng nghiệm như thế nào, vẫn còn là điều bí ẩn cho đến khi Dòng Dõi ấy thật sự xuất hiện. Ga-la-ti 4:4 nói: “Khi kỳ-hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra”. Năm 2 TCN một thiên sứ phán cùng Ma-ri, trinh nữ người Do Thái: “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài... Thánh-Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền-phép Đấng Rất-Cao sẽ che-phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời”.—Lu-ca 1:31, 32, 35.

16 Sau đó, Đức Giê-hô-va chuyển sự sống Con Ngài từ trên trời vào lòng Ma-ri, nên Con ấy do một người nữ sinh ra. Tuy Ma-ri là người bất toàn, nhưng Chúa Giê-su đã không thừa hưởng sự bất toàn của bà, vì ngài là “Con Đức Chúa Trời”. Đồng thời, cha mẹ phàm của Chúa Giê-su là hậu duệ của Đa-vít, nên về mặt huyết thống lẫn pháp lý, ngài hưởng quyền của người thừa kế Vua Đa-vít. (Công-vụ 13:22, 23) Lúc Chúa Giê-su làm báp têm năm 29 CN, Đức Giê-hô-va xức dầu cho ngài bằng thánh linh và phán: “Nầy là Con yêu-dấu của ta”. (Ma-thi-ơ 3:16, 17) Cuối cùng, Dòng Dõi ấy đã đến! (Ga-la-ti 3:16) Đã đến lúc để tỏ rõ thêm về sự mầu nhiệm kín giấu.—2 Ti-mô-thê 1:10.

17. Ý nghĩa của Sáng-thế Ký 3:15 được làm sáng tỏ như thế nào?

17 Trong thời gian thi hành thánh chức, Chúa Giê-su đã xác định con rắn nói đến nơi Sáng-thế Ký 3:15 là Sa-tan và dòng dõi của con rắn là những kẻ theo hắn. (Ma-thi-ơ 23:33; Giăng 8:44) Về sau, Kinh Thánh cho biết tất cả những kẻ này sẽ bị hủy diệt đời đời như thế nào. (Khải-huyền 20:1-3, 10, 15) Và  người nữ được xác định là “Giê-ru-sa-lem ở trên cao”, tức tổ chức các tạo vật thần linh ở trên trời, ví như vợ của Đức Giê-hô-va. *Ga-la-ti 4:26; Khải-huyền 12:1-6.

Giao ước mới

18. Mục đích của “giao-ước mới” là gì?

18 Có lẽ điều đã được tỏ lộ rõ ràng nhất là trong đêm trước khi Chúa Giê-su chết, lúc Ngài nói với các môn đồ trung thành về “giao-ước mới”. (Lu-ca 22:20) Giao ước mới, giống như tiền thân của nó là giao ước Luật Pháp Môi-se, sẽ sản sinh ra “một nước thầy tế-lễ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6; 1 Phi-e-rơ 2:9) Tuy nhiên, giao ước này không lập ra một nước trần tục nhưng một nước thiêng liêng, gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, gồm toàn những môn đồ trung thành được xức dầu của Chúa Giê-su. (Ga-la-ti 6:16) Những người có phần trong giao ước mới sẽ cùng Chúa Giê-su ban phước cho loài người!

19. (a) Tại sao giao ước mới thành công trong việc thiết lập “một nước thầy tế-lễ”? (b) Tại sao những tín đồ Đấng Christ xức dầu được gọi là một “thọ tạo mới”, và bao nhiêu vua cùng với Đấng Christ cai trị từ trên trời?

19 Nhưng tại sao giao ước mới thành công trong việc thiết lập “một nước thầy tế-lễ” nhằm ban phước cho nhân loại? Vì thay vì kết án các môn đồ của Đấng Christ là những người tội lỗi, giao ước này làm cho tội lỗi của họ được tha nhờ sự hy sinh của ngài. (Giê-rê-mi 31:31-34) Một khi họ nhận được vị thế thánh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va, Ngài tiếp nhận họ vào gia đình trên trời và xức dầu cho họ bằng thánh linh. (Rô-ma 8:15-17; 2 Cô-rinh-tô 1:21) Như thế họ trải qua sự “tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động... dành ở trên trời”. (1 Phi-e-rơ 1:3, 4, TTGM) Vì địa vị cao trọng như thế hoàn toàn mới lạ đối với con người nên những tín đồ Đấng Christ  được xức dầu và tái sinh bởi thánh linh được gọi là một “thọ tạo mới”. (2 Cô-rinh-tô 5:17, TTGM) Kinh Thánh tỏ rõ rằng cuối cùng 144.000 tín đồ xức dầu sẽ cùng cai trị nhân loại từ trên trời.—Khải-huyền 5:9, 10; 14:1-4.

20. (a) Năm 36 CN, sự mầu nhiệm nào được tỏ ra? (b) Ai sẽ hưởng ân phước đã hứa với Áp-ra-ham?

20 Cùng với Chúa Giê-su, những người xức dầu này trở thành “dòng-dõi của Áp-ra-ham”. * (Ga-la-ti 3:29) Những người được chọn đầu tiên là người Do Thái. Nhưng năm 36 CN, một khía cạnh khác của sự mầu nhiệm được tỏ rõ ra: Dân Ngoại, tức những người không có gốc Do Thái, cũng có niềm hy vọng được lên trời. (Rô-ma 9:6-8; 11:25, 26; Ê-phê-sô 3:5, 6) Có phải chỉ những tín đồ Đấng Christ xức dầu mới hưởng ân phước Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham không? Không, bởi vì sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại lợi ích cho toàn thể thế gian. (1 Giăng 2:2) Qua thời gian, Đức Giê-hô-va cho biết đám đông “vô-số người” không ai đếm được sẽ sống sót khi hệ thống của Sa-tan chấm dứt. (Khải-huyền 7:9, 14) Vô số người khác sẽ được sống lại với triển vọng sống mãi trong Địa Đàng!—Lu-ca 23:43; Giăng 5:28, 29; Khải-huyền 20:11-15; 21:3, 4.

Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và sự mầu nhiệm kín giấu

21, 22. Sự mầu nhiệm kín giấu của Đức Giê-hô-va biểu hiện sự khôn ngoan của Ngài qua những cách nào?

21 Sự mầu nhiệm kín giấu là một biểu hiện đáng kinh ngạc về “sự khôn-sáng mọi đường của Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 3:8-10) Đức Giê-hô-va tỏ ra khôn ngoan biết bao trong việc lập ra sự mầu nhiệm này một cách có hệ thống và dần dần tỏ rõ sự ấy! Ngài đã khôn ngoan cân nhắc các giới hạn của con người, cho phép họ bộc lộ trạng thái thật sự trong lòng mình.—Thi-thiên 103:14.

 22 Đức Giê-hô-va cũng biểu hiện sự khôn ngoan vô song trong việc chọn phong Chúa Giê-su làm Vua. Con của Đức Giê-hô-va đáng tin cậy hơn bất cứ tạo vật nào khác trong khắp vũ trụ. Khi sống làm người phàm, Chúa Giê-su trải qua nhiều loại nghịch cảnh. Ngài thấu hiểu những vấn đề của con người. (Hê-bơ-rơ 5:7-9) Còn những vua đồng cai trị với Chúa Giê-su thì sao? Qua nhiều thế kỷ, có cả nam lẫn nữ—chọn ra từ mọi chủng tộc, ngôn ngữ và thuộc mọi quá trình sinh trưởng—được xức dầu. Không có vấn đề nào mà cá nhân họ chưa từng đối diện và chưa từng vượt qua. (Ê-phê-sô 4:22-24) Sống dưới sự cai trị của những vị vua kiêm thầy tế lễ khoan dung này sẽ là điều thích thú!

23. Tín đồ Đấng Christ có đặc ân gì liên quan đến sự mầu nhiệm kín giấu của Đức Giê-hô-va?

23 Sứ đồ Phao-lô viết: “Sự mầu-nhiệm đã giấu-kín trải các đời các kiếp... nay tỏ ra cho các thánh-đồ Ngài”. (Cô-lô-se 1:26) Đúng, những người thánh được xức dầu của Đức Giê-hô-va dần dần hiểu được nhiều điều về sự mầu nhiệm kín giấu, và họ chia sẻ tri thức ấy với hàng triệu người. Tất cả chúng ta đều có đặc ân quý biết bao! Đức Giê-hô-va “khiến chúng ta biết sự mầu-nhiệm của ý-muốn Ngài”. (Ê-phê-sô 1:9) Vậy chúng ta hãy chia sẻ sự mầu nhiệm tuyệt diệu này với người khác, giúp họ cũng nhìn sâu vào sự khôn ngoan vô hạn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời!

^ đ. 17 “Sự mầu-nhiệm của sự tin-kính” cũng được tỏ rõ trong Chúa Giê-su. (1 Ti-mô-thê 3:16 ) Có người nào giữ vững lòng trung kiên hoàn toàn đối với Đức Giê-hô-va không? Câu hỏi này từ lâu đã là một bí mật, một điều bí ẩn. Chúa Giê-su cho biết lời giải đáp. Ngài đã giữ lòng trung kiên trước mọi thử thách mà Sa-tan áp đặt.—Ma-thi-ơ 4:1-11; 27:26-50.

^ đ. 20 Chúa Giê-su cũng lập “giao ước... về một nước” với cùng một nhóm người này. (Lu-ca 22:29, 30, NW) Thực chất, Chúa Giê-su lập giao ước với “bầy nhỏ” để họ cùng ngài cai trị ở trên trời với tư cách thành phần phụ của dòng dõi Áp-ra-ham.—Lu-ca 12:32.