Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 20

“Bản chất... khôn ngoan”—Nhưng khiêm nhường

“Bản chất... khôn ngoan”—Nhưng khiêm nhường

1-3. Tại sao chúng ta có thể biết chắc là Đức Giê-hô-va khiêm nhường?

MỘT người cha muốn truyền thụ một bài học tối quan trọng cho đứa con nhỏ. Ông tha thiết muốn động đến lòng con. Vậy ông nên xử trí thế nào? Ông có nên đứng sừng sững trước mặt đứa trẻ như đe dọa và nói gay gắt không? Hay là ông cúi xuống ngang với con và nói bằng giọng ôn hòa, tha thiết? Chắc chắn một người cha khôn ngoan, khiêm nhường sẽ chọn cung cách ôn hòa.

2 Đức Giê-hô-va, Cha chúng ta, là Đấng như thế nào—ngạo mạn hay khiêm nhường, khắc nghiệt hay ôn hòa? Đức Giê-hô-va là Đấng thông hiểu mọi sự và khôn ngoan tuyệt đối. Song, bạn có nhận thấy rằng tri thức và trí thông minh không nhất thiết khiến người ta khiêm nhường không? Như Kinh Thánh nói, “sự hay-biết sanh kiêu-căng”. (1 Cô-rinh-tô 3:19; 8:1) Nhưng Đức Giê-hô-va “bản chất... khôn ngoan” lại cũng khiêm nhường. (Gióp 9:4, Trịnh Văn Căn) Điều này không có nghĩa Ngài ở địa vị thấp kém hoặc thiếu vẻ oai nghi, nhưng vì Ngài hoàn toàn không có tính kiêu ngạo. Tại sao thế?

3 Đức Giê-hô-va là thánh. Vì vậy tính kiêu ngạo, một nét tính gây ô uế, không có nơi Ngài. (Mác 7:20-22) Ngoài ra, hãy lưu ý lời nhà tiên tri Giê-rê-mi nói với Đức Giê-hô-va: “Chắc chắn linh hồn Ngài [chính Đức Giê-hô-va] sẽ nhớ đến và cúi xuống phía tôi”. * (Ca-thương 3:20, NW) Hãy tưởng tượng xem! Đức  Giê-hô-va, Chúa Tối Thượng hoàn vũ, sẵn lòng “cúi xuống”, tức hạ mình ngang hàng với Giê-rê-mi, để quan tâm đến con người bất toàn đó. (Thi-thiên 113:7) Đúng, Đức Giê-hô-va khiêm nhường. Nhưng tính khiêm nhường của Đức Chúa Trời bao hàm điều gì? Đức tính này liên quan thế nào với sự khôn ngoan? Và tại sao nó quan trọng đối với chúng ta?

Đức Giê-hô-va chứng tỏ Ngài khiêm nhường như thế nào

4, 5. (a) Khiêm nhường là gì, đức tính ấy thể hiện như thế nào, và tại sao không bao giờ nên nhầm lẫn với tính nhu nhược hoặc nhút nhát? (b) Đức Giê-hô-va đã biểu lộ tính khiêm nhường như thế nào trong việc cư xử với Đa-vít, và đức tính ấy quan trọng thế nào đối với chúng ta?

4 Khiêm nhường là nhún nhường, không hống hách và kiêu ngạo. Là một đức tính trong lòng, nên tính khiêm nhường bộc lộ ở những nét tính như ôn hòa, kiên nhẫn, và phải lẽ. (Ga-la-ti 5:22, 23) Tuy nhiên, chớ bao giờ nhầm lẫn những đức tính đẹp lòng Đức Chúa Trời với tính nhu nhược hoặc nhút nhát. Những tính ấy không tương khắc với sự phẫn nộ công  bình của Đức Giê-hô-va hay việc Ngài sử dụng quyền năng hủy diệt. Trái lại, qua sự khiêm nhường và ôn hòa, Đức Giê-hô-va biểu hiện sức mạnh vô hạn, năng lực tự kiềm chế một cách hoàn hảo. (Ê-sai 42:14) Tính khiêm nhường liên quan thế nào đến sự khôn ngoan? Một sách tham khảo Kinh Thánh ghi: “Tính khiêm nhường được định nghĩa... là sự quên mình và là cội rễ thiết yếu của mọi sự khôn ngoan”. Vậy, sự khôn ngoan chân chính không thể tách rời khỏi sự khiêm nhường. Làm thế nào sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích cho chúng ta?

Một người cha khôn ngoan, cư xử khiêm nhường và ôn hòa với con cái

5 Vua Đa-vít hát cho Đức Giê-hô-va: “Chúa cũng đã ban cho tôi sự cứu-rỗi làm khiên; tay hữu Chúa nâng-đỡ tôi, và sự hiền-từ Chúa [“lòng khiêm nhường của Chúa”, NW] đã làm tôi nên sang-trọng”. (Thi-thiên 18:35) Điều này như thể là Đức Giê-hô-va hạ mình chiếu cố đến con người bất toàn này, ngày ngày che chở và nâng đỡ ông. Đa-vít nhận biết rằng nếu ông thoát được sự gian nguy—và ngay cả cuối cùng trở thành một vị vua làm nên sự nghiệp vĩ đại ở mức nào đó—thì cũng chỉ vì Đức Giê-hô-va sẵn lòng khiêm nhường như thế. Thật vậy, nếu Đức Giê-hô-va không khiêm nhường, sẵn lòng tự hạ mình xuống để đối xử với chúng ta như người Cha hòa nhã và đầy yêu thương, ai trong chúng ta có hy vọng được cứu rỗi?

6, 7. (a) Tại sao Kinh Thánh không bao giờ dùng từ khiêm tốn khi nói về Đức Giê-hô-va? (b) Có mối tương quan nào giữa ôn hòa và khôn ngoan, và về phương diện này ai nêu gương ưu việt nhất?

6 Điều đáng lưu ý là có sự khác biệt giữa khiêm nhường và khiêm tốn. Khiêm tốn là đức tính xuất sắc mà những người trung thành cần vun trồng. Giống như tính khiêm nhường, khiêm tốn liên quan đến sự khôn ngoan. Chẳng hạn, Châm-ngôn 11:2 (TVC) nói: “Khôn ngoan ở với những người khiêm tốn”. Tuy nhiên, Kinh Thánh không bao giờ dùng từ khiêm tốn khi nói về Đức Giê-hô-va. Tại sao vậy? Khiêm tốn theo nghĩa được dùng trong Kinh Thánh, gợi ý nhận thức đúng đắn về những giới hạn của chính mình. Đấng Toàn Năng không có giới hạn nào ngoài những giới hạn Ngài đặt ra cho chính Ngài vì những tiêu chuẩn công bình. (Mác 10:27; Tít 1:2) Hơn nữa,  là Đấng Tối Cao, Ngài không dưới quyền ai cả. Vì vậy tuyệt nhiên không thể dùng từ khiêm tốn để nói về Đức Giê-hô-va.

7 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va khiêm nhường và ôn hòa. Ngài dạy các tôi tớ rằng tính nhu mì là thiết yếu cho sự khôn ngoan thật. Lời Ngài nói “khôn-ngoan nhu-mì mà ra”. * (Gia-cơ 3:13) Hãy xem xét gương của Đức Giê-hô-va về phương diện này.

Đức Giê-hô-va khiêm nhường ủy quyền và lắng nghe

8-10. (a) Tại sao việc Đức Giê-hô-va sẵn lòng ủy quyền và lắng nghe là điều đáng kinh ngạc? (b) Đấng Toàn Năng đã cư xử khiêm nhường như thế nào với các thiên sứ của Ngài?

8 Bằng chứng làm ấm lòng chúng ta về tính khiêm nhường của Đức Giê-hô-va là Ngài sẵn lòng ủy quyền và lắng nghe. Nội một việc Ngài lắng nghe cũng đủ đáng kinh ngạc; Đức Giê-hô-va không cần ai trợ giúp hay tư vấn. (Ê-sai 40:13, 14; Rô-ma 11:34, 35) Tuy nhiên, Kinh Thánh nhiều lần cho biết Đức Giê-hô-va hạ mình xuống theo hai cách nói trên.

9 Chẳng hạn, hãy xem xét một vụ việc quan trọng trong đời của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham tiếp đãi ba khách lạ, ông gọi một người là “Đức Giê-hô-va”. Thật ra các vị khách này là thiên sứ, nhưng một người nhân danh Đức Giê-hô-va và thay mặt Ngài hành động. Khi thiên sứ ấy nói và hành động, thì như thể là chính Đức Giê-hô-va nói và hành động. Qua cách này, Đức Giê-hô-va nói cho Áp-ra-ham biết Ngài đã nghe “tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá”. Đức Giê-hô-va phán: “Ta muốn ngự xuống, để xem-xét chúng nó ăn-ở có thật như tiếng đã kêu thấu đến ta chăng; nếu chẳng thật, thì ta sẽ biết”. (Sáng-thế Ký 18:3, 20, 21) Dĩ nhiên, lời này của Đức Giê-hô-va không có nghĩa là Đấng Toàn Năng đích thân “ngự xuống”. Thay vì thế, Ngài gửi các thiên sứ đại diện cho Ngài. (Sáng-thế Ký 19:1) Tại sao vậy? Đức Giê-hô-va thấy hết mọi sự, chẳng lẽ Ngài lại không thể tự tìm hiểu để “biết” tình hình thật sự của vùng đó sao? Chắc chắn có. Nhưng, Đức Giê-hô-va khiêm nhường giao  cho các thiên sứ nhiệm vụ điều tra tình hình và đến thăm gia đình Lót ở Sô-đôm.

10 Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn lắng nghe. Có lần Ngài đã mời các thiên sứ đề nghị các giải pháp khác nhau để đánh đổ vua độc ác là A-háp. Đức Giê-hô-va không cần sự trợ giúp ấy. Song, Ngài chấp thuận lời đề nghị của một thiên sứ và giao phó cho thiên sứ ấy thi hành trọn vẹn lời đề nghị. (1 Các Vua 22:19-22) Đó chẳng phải là sự khiêm nhường sao?

11, 12. Bằng cách nào Áp-ra-ham biết sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va?

11 Đức Giê-hô-va cũng sẵn lòng lắng nghe ngay cả những người bất toàn muốn bày tỏ mối quan tâm của họ. Chẳng hạn, thoạt tiên khi Đức Giê-hô-va cho Áp-ra-ham biết Ngài định hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ, người trung thành ấy cảm thấy khó hiểu. “Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy”, rồi Áp-ra-ham nói thêm: “Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình sao?” Ông hỏi Đức Giê-hô-va có tha tội cho thành ấy không nếu tìm được 50 người công bình trong đó. Đức Giê-hô-va bảo đảm Ngài sẽ tha. Nhưng Áp-ra-ham lại hỏi nữa, lần này ông rút số người xuống còn 45, rồi 40, v.v... Dù Đức Giê-hô-va đã bảo đảm, Áp-ra-ham vẫn một mực nài nỉ cho đến khi số người sụt xuống chỉ còn mười. Có lẽ Áp-ra-ham chưa hiểu trọn vẹn lòng Đức Giê-hô-va khoan dung đến mức nào. Dù sao đi nữa, Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn và khiêm nhường để cho Áp-ra-ham, người bạn và tôi tớ Ngài bày tỏ lòng quan tâm của ông.—Sáng-thế Ký 18:23-33.

12 Trong số những người lỗi lạc và có học thức, mấy ai kiên nhẫn lắng nghe một kẻ kém xa mình về trí thông minh? * Đức Chúa Trời của chúng ta khiêm nhường như thế đó. Trong cuộc trao đổi này, Áp-ra-ham cũng nhận ra rằng Đức Giê-hô-va “chậm giận”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6) Có lẽ hiểu rõ mình không có quyền chất vấn các việc làm của Đấng Tối Cao, Áp-ra-ham đã  hai lần nài xin: “Xin Chúa đừng giận”. (Sáng-thế Ký 18:30, 32) Dĩ nhiên Đức Giê-hô-va không tức giận. Ngài thật sự có “khôn-ngoan nhu-mì”.

Đức Giê-hô-va có tính phải lẽ

13. Như được dùng trong Kinh Thánh, từ “phải lẽ” có nghĩa gì, và tại sao từ này miêu tả Đức Giê-hô-va thật thích hợp?

13 Sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va còn thể hiện ở một đức tính cao đẹp khác—tính phải lẽ. Đáng buồn thay những người bất toàn thiếu đức tính này. Đức Giê-hô-va chẳng những sẵn lòng lắng nghe các tạo vật thông minh của Ngài mà còn sẵn lòng nhân nhượng nếu không trái với những nguyên tắc công bình. Như được dùng trong Kinh Thánh, từ “phải lẽ” có nghĩa đen là “nhân nhượng”. Đức tính này cũng là nét đặc trưng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Gia-cơ 3:17 (NW) nói: “Sự khôn ngoan từ trên là... phải lẽ”. Đức Giê-hô-va, Đấng khôn ngoan tuyệt đối, phải lẽ theo nghĩa nào? Trước hết, Ngài xử trí linh động. Hãy nhớ, danh của Đức Giê-hô-va dạy cho chúng ta biết Ngài có thể tự trở thành bất cứ điều gì Ngài muốn để hoàn thành ý định mình. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14) Điều đó không cho thấy tinh thần linh động và phải lẽ hay sao?

14, 15. Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về cỗ xe trên trời của Đức Giê-hô-va dạy chúng ta biết gì về tổ chức trên trời của Ngài, và tổ chức ấy khác với các tổ chức thế gian ở chỗ nào?

14 Có một đoạn Kinh Thánh đáng chú ý, giúp chúng ta hiểu được phần nào tính linh động của Đức Giê-hô-va. Tiên tri Ê-xê-chi-ên được ban cho một sự hiện thấy mô tả tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va, gồm các tạo vật thần linh. Ông thấy một cỗ xe có kích thước đáng kinh sợ, “cỗ xe” của Đức Giê-hô-va luôn luôn đi theo sự điều khiển của Ngài. Cách cỗ xe ấy di chuyển rất đáng lưu ý. Những bánh xe khổng lồ có bốn cạnh và đầy những mắt nên có thể thấy mọi nơi và có thể đổi hướng tức khắc mà không cần ngừng hoặc ngoặt sang phía khác. Và cỗ xe khổng lồ này không phải ì ạch di chuyển như chiếc xe cồng kềnh do con người chế tạo. Cỗ xe ấy có thể di chuyển nhanh như chớp nhoáng, thậm chí ngoặt một góc 90 độ! (Ê-xê-chi-ên 1:1, 14-28) Đúng, tổ chức của Đức Giê-hô-va linh động tột độ,  đáp ứng những yêu cầu và tình thế luôn thay đổi, giống như Đấng Tối Thượng toàn năng điều khiển tổ chức ấy.

15 Con người họa chăng chỉ có thể cố mô phỏng theo tính linh động hoàn hảo như thế. Tuy nhiên, quá nhiều phen con người và các tổ chức của họ thường cứng nhắc hơn là linh động, phi lý hơn là nhân nhượng. Để minh họa: Nói về kích thước và sức mạnh thì một chiếc tàu dầu khổng lồ hoặc một chiếc xe lửa chở hàng có thể đáng sợ. Nhưng khi tình huống thay đổi đột ngột, liệu có chiếc nào phản ứng kịp thời không? Nếu một chướng ngại vật ngã chắn ngang đường ray ở phía trước một xe lửa chở hàng, đổi hướng là chuyện không thể được. Ngừng ngay lại cũng không dễ hơn là mấy. Sau khi hãm phanh, một chiếc xe lửa nặng nề có thể chạy thêm gần hai kilômét mới ngừng! Tương tự như vậy, sau khi tắt máy, một chiếc tàu dầu lớn có thể lướt tới thêm tám kilômét nữa. Ngay cả khi cho máy chạy lùi, nó vẫn tiến thêm ba kilômét! Giống như thế, các tổ chức của con người thường cứng nhắc và có những đòi hỏi phi lý. Vì tính tự cao, con người thường không chịu thích ứng với những yêu cầu và tình huống mới. Bởi cứng nhắc như thế, nhiều công ty đã phá sản, thậm chí nhiều chính quyền đã sụp đổ. (Châm-ngôn 16:18) Chúng ta vui mừng biết bao khi Đức Giê-hô-va cũng như tổ chức của Ngài không giống như thế chút nào!

Cách Đức Giê-hô-va biểu hiện tính phải lẽ

16. Đức Giê-hô-va đã đối xử với Lót một cách phải lẽ như thế nào trước khi hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ?

16 Hãy xem xét lại sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã chỉ thị rõ ràng cho Lót và gia đình: “Hãy chạy trốn lên núi”. Tuy nhiên, Lót không thích điều này. Ông khẩn cầu: “Lạy Chúa, không được!” Tin chắc rằng mình sẽ chết nếu phải trốn lên núi, Lót nài xin cho cả gia đình được chạy đến thành Xoa ở gần đấy. Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va đã có ý định tiêu diệt thành đó. Hơn nữa, Lót lo sợ vô căn cứ. Chắc chắn là Đức Giê-hô-va có thể bảo toàn mạng sống của Lót trong rặng núi ấy! Dầu vậy, Đức Giê-hô-va đã nhân nhượng trước lời nài xin của Lót và không hủy diệt thành Xoa. Thiên  sứ nói với Lót: “Đây, ta ban ơn nầy cho ngươi nữa”. (Sáng-thế Ký 19:17-22) Chẳng phải Đức Giê-hô-va đã tỏ ra phải lẽ hay sao?

17, 18. Đức Giê-hô-va đã cho thấy Ngài phải lẽ như thế nào khi xử trí với dân thành Ni-ni-ve?

17 Đức Giê-hô-va cũng đáp lại lòng ăn năn chân thật, luôn luôn thể hiện lòng thương xót và làm điều phải. Hãy xem xét sự việc diễn biến khi tiên tri Giô-na được sai đến Ni-ni-ve, một thành hung bạo và gian ác. Đi khắp các đường phố của thành Ni-ni-ve, Giô-na công bố thông điệp rất đơn giản do Đức Chúa Trời soi dẫn: 40 ngày nữa thành hùng mạnh này sẽ bị hủy diệt. Tuy nhiên tình thế thay đổi toàn diện. Dân Ni-ni-ve ăn năn!—Giô-na, chương 3.

18 Có thể rút ra một bài học khi so sánh phản ứng của Đức Giê-hô-va và Giô-na trước diễn biến ấy. Trong trường hợp này, Đức Giê-hô-va đã linh động, tự trở thành Đấng Tha Tội thay vì một “chiến sĩ”. * (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3) Ngược lại, Giô-na không linh động và thiếu khoan dung hơn nhiều. Thay vì phản ánh tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va, ông phản ứng như chiếc xe lửa chở hàng hay chiếc tàu dầu cực lớn đề cập ở trên. Ông đã loan báo sự hủy diệt, vậy phải có sự hủy diệt! Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn dạy cho nhà tiên tri thiếu kiên nhẫn này một bài học đáng nhớ về tính phải lẽ và lòng khoan dung.—Giô-na, chương 4.

Đức Giê-hô-va phải lẽ và hiểu những giới hạn của chúng ta

19. (a) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn Đức Giê-hô-va phải lẽ về những điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta? (b) Châm-ngôn 19:17 cho thấy Đức Giê-hô-va là Chủ tốt lành và phải lẽ đồng thời cũng hết sức khiêm nhường như thế nào?

19 Sau hết, Đức Giê-hô-va tỏ ra phải lẽ về những điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Vua Đa-vít nói: “Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”. (Thi-thiên 103:14) Đức Giê-hô-va hiểu các giới hạn và sự bất toàn của chúng ta rõ hơn chính chúng ta. Ngài không bao giờ đòi  hỏi chúng ta làm những điều ngoài khả năng. Kinh Thánh đối chiếu sự tương phản giữa chủ “tốt lành và khoan dung” với chủ “khắc nghiệt”. (1 Phi-e-rơ 2:18, Tòa Tổng Giám Mục) Vậy Đức Giê-hô-va là Chủ như thế nào? Hãy lưu ý xem Châm-ngôn 19:17 nói gì: “Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn”. Hiển nhiên, chỉ có chủ tốt lành và phải lẽ mới lưu ý đến mọi hành động tử tế thực hiện cho những người ở địa vị thấp. Hơn thế nữa, câu Kinh Thánh này gợi ý rằng Đấng Tạo Hóa của vũ trụ tự xem Ngài như thể mắc nợ những ai thực hiện hành động nhân từ như thế, dù họ chỉ là con người thôi! Đây chính là sự khiêm nhường thuộc loại sâu sắc nhất.

20. Có gì đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va nghe và đáp lời cầu nguyện của chúng ta?

20 Đức Giê-hô-va cũng ôn hòa và phải lẽ như thế khi đối xử với các tôi tớ Ngài ngày nay. Khi chúng ta lấy đức tin mà cầu nguyện, Ngài lắng nghe. Mặc dù Ngài không phái các thiên sứ đến nói với chúng ta, chúng ta chớ kết luận rằng Ngài không đáp lời cầu nguyện của mình. Hãy nhớ lại lần sứ đồ Phao lô yêu cầu những anh em đồng đức tin “cầu-nguyện”, xin cho ông được thả ra khỏi ngục, ông nói thêm: “Để tôi đến cùng anh em cho sớm hơn”. (Hê-bơ-rơ 13:18, 19) Vậy khi nghe lời cầu nguyện, Đức Giê-hô-va có thể thực hiện điều mà có lẽ Ngài không làm nếu chúng ta không cầu nguyện!—Gia-cơ 5:16.

21. Chúng ta chớ rút ra kết luận nào từ sự khiêm nhường của Đức Chúa Trời, nhưng thay vì thế, chúng ta nên nhận biết gì về Ngài?

 21 Dĩ nhiên, các biểu hiện của tính khiêm nhường của Đức Giê-hô-va—như ôn hòa, sẵn lòng lắng nghe, kiên nhẫn, phải lẽ—không có nghĩa là Đức Giê-hô-va thay đổi những nguyên tắc công bình của Ngài vì muốn nhượng bộ. Khi pha trộn các tiêu chuẩn luân lý của Đức Giê-hô-va, khiến giáo dân nghe bùi tai, hàng giáo phẩm của khối đạo xưng theo Đấng Christ có lẽ nghĩ rằng họ tỏ ra phải lẽ. (2 Ti-mô-thê 4:3) Nhưng tính phải lẽ của Đức Chúa Trời hoàn toàn không dính dáng với khuynh hướng của con người muốn thỏa hiệp vì chủ nghĩa thực dụng. Đức Giê-hô-va là thánh; Ngài sẽ chẳng bao giờ làm nhơ bẩn những tiêu chuẩn công bình của Ngài. (Lê-vi Ký 11:44) Vậy, chúng ta hãy yêu mến tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va vì thực chất của đức tính ấy—một bằng chứng về sự khiêm nhường của Ngài. Khi biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng khôn ngoan nhất trong vũ trụ, cũng là Đấng hết mực khiêm nhường, bạn không cảm thấy nức lòng sao? Thật thích thú biết bao khi đến gần Đức Chúa Trời đáng kính sợ song lại ôn hòa, kiên nhẫn và phải lẽ!

^ đ. 3 Những người sao chép thời xưa, tức người Sopherim, đã sửa câu này thành Giê-rê-mi cúi xuống, chứ không phải Đức Giê-hô-va. Chắc họ nghĩ rằng quy hành động khiêm nhường như thế cho Đức Chúa Trời là không thích hợp. Do đó nhiều bản dịch không nắm được điểm chủ yếu của câu Kinh Thánh này. Tuy nhiên, bản The New English Bible dịch chính xác là Giê-rê-mi cầu xin Đức Chúa Trời: “Xin hãy nhớ đến, Ô xin Ngài nhớ đến và hạ cố đến tôi”.

^ đ. 7 Các bản dịch khác nói “sự khiêm nhường đến từ sự khôn ngoan” và “ôn hòa là nét đặc trưng của sự khôn ngoan”.

^ đ. 12 Điều đáng chú ý là Kinh Thánh đối chiếu lòng kiên nhẫn với lòng kiêu ngạo. (Truyền-đạo 7:8) Lòng kiên nhẫn, hay nhịn nhục, của Đức Giê-hô-va cung cấp thêm bằng chứng về sự khiêm nhường của Ngài.—2 Phi-e-rơ 3:9.

^ đ. 18 Thi-thiên 86:5 nói Đức Giê-hô-va “là thiện, sẵn tha-thứ cho”. Khi bài Thi-thiên ấy được dịch sang tiếng Hy Lạp, ngữ đoạn “sẵn tha-thứ” được dịch là e·pi·ei·kes′, tức “phải lẽ”.