Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 22

“Sự khôn-ngoan từ trên” có tác động đến đời sống bạn?

“Sự khôn-ngoan từ trên” có tác động đến đời sống bạn?

1-3. (a) Sa-lô-môn đã biểu hiện sự khôn ngoan phi thường như thế nào trong cách ông xét xử cuộc tranh chấp về quyền làm mẹ? (b) Đức Giê-hô-va hứa ban cho chúng ta điều gì, và các câu hỏi nào được nêu lên?

ĐÓ LÀ một trường hợp khó xét xử—hai người đàn bà tranh nhau một hài nhi. Họ ở chung một nhà, mỗi người đều sinh một bé trai, chỉ cách nhau vài ngày. Một trong hai đứa bé chết, và giờ đây người nào cũng nhận đứa bé còn sống là con mình. * Không có ai khác làm chứng về những gì đã xảy ra. Vụ việc này rất có thể đã được đưa ra tòa án cấp dưới nhưng không giải quyết được. Cuối cùng, cuộc tranh chấp được trình lên Sa-lô-môn, vua Y-sơ-ra-ên. Liệu vua có thể tìm ra sự thật không?

2 Sau khi lắng nghe hai người đàn bà cãi nhau một lúc, Sa-lô-môn sai mang đến một thanh gươm. Rồi ra vẻ cương quyết, ông ra lệnh chia đứa bé làm đôi, mỗi người đàn bà được một nửa. Ngay lập tức, người mẹ ruột van xin vua giao đứa bé—đứa con quý báu của bà—cho người kia. Nhưng người đàn bà kia cứ một mực đòi chia đứa bé làm đôi. Giờ đây Sa-lô-môn biết sự thật. Ông có sự hiểu biết về lòng yêu thương trắc ẩn của một người mẹ đối với đứa con mang nặng đẻ đau, nên ông dùng sự hiểu biết ấy để giải quyết cuộc tranh chấp. Hãy tưởng tượng nỗi nhẹ nhõm của người mẹ ruột khi Sa-lô-môn phán quyết giao đứa bé cho bà và nói: “Ấy là mẹ nó”.—1 Các Vua 3:16-27.

3 Ấy là một sự khôn ngoan phi thường, không đúng thế sao? Khi nghe cách Sa-lô-môn đã giải quyết vụ án, dân chúng lấy làm kính phục, “vì thấy trong lòng người có sự khôn-ngoan  của Đức Chúa Trời”. Đúng vậy, sự khôn ngoan của Sa-lô-môn là sự ban cho Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đã ban cho ông “tấm lòng khôn-ngoan thông-sáng”. (1 Các Vua 3:12, 28) Nhưng về phần chúng ta thì sao? Chúng ta cũng có thể nhận được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời không? Có, vì dưới sự soi dẫn, Sa-lô-môn viết: “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 2:6) Đức Giê-hô-va hứa ban sự khôn ngoan—khả năng vận dụng kiến thức, sự hiểu biết và nhận thức sáng suốt một cách khéo léo—cho những ai thành thật muốn tìm kiếm điều ấy. Làm thế nào chúng ta có thể thu thập được sự khôn ngoan từ trên? Và làm thế nào chúng ta vận dụng sự khôn ngoan ấy trong đời sống?

“Cầu lấy sự khôn-ngoan”—Như thế nào?

4-7. Cần bốn điều kiện nào để có được sự khôn ngoan?

4 Để nhận được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời chúng ta có cần phải thông minh cực kỳ hoặc học vấn cao không? Không. Đức Giê-hô-va sẵn lòng chia sẻ với chúng ta sự khôn ngoan của Ngài bất luận chúng ta có quá trình sinh trưởng và học vấn nào. (1 Cô-rinh-tô 1:26-29) Nhưng chúng ta phải chủ động tìm kiếm, vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta hãy “cầu lấy sự khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 4:7) Chúng ta tìm kiếm như thế nào?

5 Thứ nhất, chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời. Châm-ngôn 9:10 nói: “Kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan [“bước đầu của khôn ngoan”, Tòa Tổng Giám Mục]”. Sự kính sợ Đức Chúa Trời là nền tảng của sự khôn ngoan thật. Tại sao? Hãy nhớ rằng sự khôn ngoan ấy liên quan với khả năng vận dụng tri thức một cách khéo léo. Kính sợ Đức Chúa Trời không có nghĩa là run rẩy trước mặt Ngài vì sợ hãi, nhưng cúi đầu trước mặt Ngài, biểu hiện lòng kính phục, tôn trọng và tin cậy. Lòng kính sợ như thế lành mạnh và là động cơ mạnh mẽ, thôi thúc chúng ta sửa đổi đời sống cho hòa hợp với những gì chúng ta hiểu biết về ý định và đường lối của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể chọn lối sống nào khôn ngoan hơn, vì những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va luôn luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho người tuân theo.

 6 Thứ nhì, chúng ta phải khiêm tốn và nhún nhường. Không thể có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời nếu không khiêm nhường. (Châm-ngôn 11:2) Tại sao thế? Nếu khiêm nhường, chúng ta sẵn lòng nhìn nhận rằng mình không biết hết mọi điều, rằng ý kiến chúng ta không luôn luôn đúng, nên chúng ta cần biết tư tưởng của Đức Giê-hô-va về mọi việc. Đức Giê-hô-va “chống-cự kẻ kiêu-ngạo” nhưng Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho những người có lòng khiêm nhường.—Gia-cơ 4:6.

Muốn đạt được sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm

7 Điều thiết yếu thứ ba là học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được tỏ rõ trong Lời Ngài. Muốn có được sự khôn ngoan ấy, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm. (Châm-ngôn 2:1-5) Điều kiện thứ tư là cầu nguyện. Nếu chúng ta chân thành cầu xin, Đức Chúa Trời sẽ rộng rãi ban cho sự khôn ngoan. (Gia-cơ 1:5) Lời chúng ta cầu xin thánh linh Ngài giúp đỡ sẽ được đáp ứng. Và thánh linh có thể giúp chúng ta tìm được những điều quý giá trong Lời Ngài; những điều ấy có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề, tránh nguy hiểm, và quyết định khôn ngoan.—Lu-ca 11:13.

8. Nếu chúng ta thật sự đạt được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan ấy sẽ biểu hiện ra như thế nào?

8 Như chúng ta nhận biết trong Chương 17, sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va có giá trị thực tiễn. Vì thế, nếu chúng ta thật sự đạt được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, nó sẽ biểu hiện rõ ràng trong cách chúng ta cư xử. Miêu tả các kết quả của sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, môn đồ Gia-cơ viết: “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch, sau lại hòa-thuận, tiết-độ, nhu-mì, đầy-dẫy lòng thương-xót và bông-trái lành, không có sự hai lòng và giả-hình”. (Gia-cơ 3:17) Khi chúng ta bàn về từng khía cạnh này của sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tự hỏi: ‘Sự khôn ngoan từ trên có tác động đến đời sống tôi không?’

“Thanh-sạch, sau lại hòa-thuận”

9. Thanh sạch nghĩa là gì, và tại sao thích hợp khi điều đầu tiên được liệt kê là tính chất thanh sạch của sự khôn ngoan?

9 “Trước hết là thanh-sạch”. Thanh sạch có nghĩa là tinh khiết  và không ô uế, không những bên ngoài mà còn trong lòng nữa. Kinh Thánh gắn liền sự khôn ngoan với tấm lòng, nhưng sự khôn ngoan từ trên không thể thấm vào một tấm lòng hoen ố vì những ý tưởng, ham muốn và động cơ gian ác. (Châm-ngôn 2:10; Ma-thi-ơ 15:19, 20) Tuy nhiên, nếu tấm lòng chúng ta thanh sạch—nghĩa là, ở chừng mực mà con người bất toàn có thể đạt được—chúng ta sẽ “tránh điều dữ, và làm điều lành”. (Thi-thiên 37:27; Châm-ngôn 3:7) Không thích hợp sao khi điều đầu tiên được liệt kê là tính chất thanh sạch của sự khôn ngoan? Suy cho cùng, nếu chúng ta không trong sạch về đạo đức và thiêng liêng thì làm thế nào phản ánh đúng đắn những đức tính khác của sự khôn ngoan từ trên?

10, 11. (a) Tại sao việc chúng ta sống hòa thuận là điều quan trọng? (b) Nếu nhận biết bạn đã làm mếch lòng một anh em cùng đạo, bạn có thể chứng tỏ là người giảng hòa như thế nào? (Cũng xem cước chú).

10 “Sau lại hòa-thuận”. Sự khôn ngoan từ trên thôi thúc chúng ta theo đuổi sự hòa thuận, một trái của thánh linh Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22) Chúng ta cố gắng tránh làm đứt sợi “dây hòa-bình”, là yếu tố hợp nhất dân sự của Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 4:3) Khi mối hòa thuận bị xáo động, chúng ta cố gắng hết sức để phục hồi. Tại sao điều này quan trọng? Kinh Thánh nói: “Hãy... ở cho hòa-thuận, thì Đức Chúa Trời sự yêu-thương và sự bình-an sẽ ở cùng anh em”. (2 Cô-rinh-tô 13:11) Vậy, bao lâu chúng ta còn tiếp tục sống hòa thuận, bấy lâu Đức Chúa Trời của sự hòa bình vẫn ở với chúng ta. Cách chúng ta đối xử với anh em cùng đạo liên quan trực tiếp đến mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va. Làm thế nào chúng ta chứng tỏ mình là người làm hòa? Hãy xem xét một ví dụ.

11 Bạn nên làm gì nếu nhận biết mình đã làm mếch lòng một anh em cùng đạo? Chúa Giê-su nói: “Nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ”. (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Bạn có thể áp dụng lời khuyên bằng cách chủ động thực hiện bước đầu tiên là đến với người anh em ấy. Nhằm mục  tiêu nào? Để “giảng-hòa” với người ấy. * Để đạt mục tiêu ấy, có thể bạn cần nhìn nhận, chứ không phủ nhận cảm xúc của người ấy đã bị tổn thương. Nếu bạn đến với người ấy nhằm mục đích phục hồi hòa khí, và nếu duy trì thái độ ấy, rất có thể sự hiểu lầm sẽ được giải tỏa; xin lỗi nếu có lỗi, và người kia tha thứ. Khi chủ động làm hòa, bạn cho thấy mình được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

“Tiết-độ, nhu-mì”

12, 13. (a) Từ ngữ dịch là “tiết-độ”, tức phải lẽ, nơi Gia-cơ 3:17 có nghĩa gì? (b) Làm thế nào chúng ta có thể chứng tỏ là người phải lẽ?

12 Tiết-độ”. Thế nào là tiết độ? Theo các học giả, từ Hy Lạp  nguyên ngữ dịch là “tiết-độ”, tức phải lẽ, nơi Gia-cơ 3:17 rất khó dịch. Các dịch giả đã dùng những từ như “nhẹ nhàng”, “kiên nhẫn” và “quan tâm”. Nghĩa đen của từ Hy Lạp này là “nhân nhượng”. Làm thế nào chúng ta cho thấy khía cạnh này của sự khôn ngoan từ trên tác động đến chúng ta?

13 Phi-líp 4:5 (NW) nói: “Hãy cho mọi người biết tính phải lẽ của anh em”. Một bản dịch khác viết: “Hãy được tiếng là người có tính phải lẽ”. (The New Testament in Modern English, của J. B. Phillips) Hãy lưu ý rằng vấn đề không phải là chúng ta nghĩ gì về mình, nhưng vấn đề là người khác nghĩ gì về chúng ta, về việc chúng ta được tiếng là người thế nào. Một người phải lẽ không luôn khăng khăng áp dụng cứng nhắc từng chữ trong luật pháp hoặc nhất định mọi việc phải theo ý mình. Thay vì thế, người ấy sẵn lòng lắng nghe người khác và khi thích đáng thì chiều theo ý muốn của họ. Người ấy cũng nhẹ nhàng, không đối xử thô lỗ hoặc khắt khe với người khác. Tuy đức tính này thiết yếu đối với mọi tín đồ Đấng Christ, nhưng đặc biệt quan trọng đối với các anh phục vụ trên cương vị trưởng lão. Tính nhẹ nhàng có sức lôi cuốn, làm người khác dễ đến gần các trưởng lão. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8) Tất cả chúng ta cần tự hỏi: ‘Tôi có tiếng là người quan tâm, hay nhân nhượng và nhẹ nhàng không?’

14. Làm thế nào chúng ta có thể chứng tỏ là người “nhu-mì”, tức sẵn lòng vâng phục?

14 “Nhu-mì”. Từ Hy Lạp dịch là “nhu-mì”, tức sẵn lòng vâng phục, không xuất hiện nơi nào khác trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Theo một học giả, từ này “thường được dùng để nói về kỷ luật quân sự”. Nó chuyển đạt ý tưởng “dễ thuyết phục” và “dễ phục tùng”. Một người để sự khôn ngoan từ trên chi phối thì sẵn lòng vâng phục những gì Kinh Thánh nói. Người ấy không mang tiếng là người khi quyết định điều gì, và rồi cứ khăng khăng không chịu đổi ý dù có những sự kiện trái ngược ý đó. Trái lại, người đó nhanh chóng thay đổi khi đối diện với bằng chứng rõ ràng trong Kinh Thánh, cho thấy mình không đúng hoặc đã rút ra kết luận sai lầm. Người khác có nhận thấy bạn là người như thế không?

 “Đầy-dẫy lòng thương-xót và bông-trái lành”

15. Lòng thương xót là gì, và tại sao là thích hợp khi “lòng thương-xót” và “bông-trái lành” cùng được đề cập nơi Gia-cơ 3:17?

15 “Đầy-dẫy lòng thương-xót và bông-trái lành”. * Lòng thương xót là một phần quan trọng của sự khôn ngoan từ trên, vì sự khôn ngoan như thế được gọi là “đầy-dẫy lòng thương-xót”. Hãy lưu ý rằng “lòng thương-xót” và “bông-trái lành” được đề cập chung với nhau. Điều này thích hợp, vì trong Kinh Thánh, lòng thương xót rất thường diễn tả mối quan tâm tích cực đối với người khác, tức một tấm lòng trắc ẩn sản sinh dồi dào các hành động tử tế. Một tài liệu tham khảo định nghĩa lòng thương xót là “cảm xúc đau buồn trước cảnh ngộ bất hạnh của người khác và cố làm điều gì đó để cải thiện tình thế”. Do đó, sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời thì không vô tình, nhẫn tâm, hoặc thuần lý thuyết. Trái lại, sự khôn ngoan ấy nồng ấm, chân thành, và nhạy cảm. Làm thế nào chúng ta có thể chứng tỏ là người đầy lòng thương xót?

16, 17. (a) Ngoài tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, điều gì thôi thúc chúng ta tham gia rao giảng, và tại sao? (b) Chúng ta có thể cho thấy mình đầy dẫy lòng thương xót qua những cách nào?

16 Chắc chắn một cách quan trọng để biểu lộ lòng thương xót là chia sẻ tin mừng về Nước Đức Chúa Trời với người khác. Động cơ nào thôi thúc chúng ta làm công việc này? Chủ yếu là tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta cũng được thôi thúc bởi lòng thương xót, tức lòng trắc ẩn đối với người khác. (Ma-thi-ơ 22:37-39) Nhiều người ngày nay “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Họ bị những người chăn giả hiệu trong các tôn giáo bỏ mặc và làm mù về mặt thiêng liêng. Vì vậy họ không biết về sự hướng dẫn khôn ngoan trong Lời Đức Chúa Trời hoặc về những ân phước mà chẳng bao lâu nữa Nước Trời sẽ mang lại cho trái đất này. Khi suy ngẫm như thế về nhu cầu thiêng liêng của những người chung quanh, lòng trắc ẩn chân thành thôi thúc  chúng ta cố gắng hết sức để nói cho họ biết về ý định đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va.

Khi thể hiện lòng thương xót, hay lòng trắc ẩn, đối với người khác, chúng ta phản ánh “sự khôn-ngoan từ trên”

17 Lòng thương xót của chúng ta còn có thể biểu lộ qua những cách nào khác? Hãy nhớ lại minh họa của Chúa Giê-su về người Sa-ma-ri thấy một người bị cướp và đánh đập, rồi bỏ nằm lại bên vệ đường. Động lòng trắc ẩn, người Sa-ma-ri “đã lấy lòng thương-xót” băng bó vết thương và chăm sóc nạn nhân. (Lu-ca 10:29-37) Minh họa này không cho thấy rõ rằng lòng thương xót bao hàm việc giúp đỡ thiết thực những người đang cần sao? Kinh Thánh nói chúng ta “hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Hãy xem xét một số trường hợp có thể giúp. Một anh chị lớn tuổi cần người chở đến các buổi họp của đạo Đấng Christ. Một chị góa bụa trong hội thánh cần sửa chữa nhà cửa. (Gia-cơ 1:27) Một người nản lòng cần vài “lời lành” để tinh thần phấn chấn. (Châm-ngôn 12:25) Khi biểu lộ lòng thương xót qua những cách ấy, chúng ta chứng tỏ sự khôn ngoan từ trên tác động đến chúng ta.

“Không có sự hai lòng và giả-hình”

18. Nếu để sự khôn ngoan từ trên hướng dẫn, chúng ta phải gắng sức loại trừ điều gì khỏi lòng mình, và tại sao?

18 “Không có sự hai lòng”, tức không thiên vị. Sự khôn ngoan đẹp ý Đức Chúa Trời vượt qua thành kiến chủng tộc và niềm kiêu hãnh quốc gia. Nếu để sự khôn ngoan từ trên hướng dẫn, chúng ta cố gắng loại trừ khỏi lòng mình bất cứ khuynh hướng thiên vị nào. (Gia-cơ 2:9) Chúng ta không ưu đãi người khác vì trình độ học vấn, tài chính hoặc trách nhiệm trong hội thánh; cũng không khinh bỉ bất cứ anh chị em nào, cho dù họ có vẻ thấp kém đến đâu. Nếu Đức Giê-hô-va cho những anh chị ấy tiếp thu tình yêu thương của Ngài, chắc chắn chúng ta phải xem họ xứng đáng với tình yêu thương của chúng ta.

19, 20. (a) Từ ngữ Hy Lạp dịch là “giả-hình” bắt nguồn từ đâu? (b) Chúng ta biểu hiện “lòng yêu-thương anh em cách thật-thà” như thế nào, và tại sao điều này quan trọng?

19 “Không... giả-hình”. Từ ngữ Hy Lạp dịch là “giả-hình” có thể  dùng để mô tả “diễn viên đóng một vai trò nào đó”. Thời xưa, các diễn viên Hy Lạp và La Mã đeo những chiếc mặt nạ lớn khi diễn xuất. Vì vậy, từ ngữ Hy Lạp dịch là “giả-hình” chỉ về một người giả vờ, tức một người giả dối. Khía cạnh này của sự khôn ngoan từ trên không những chi phối cách chúng ta đối xử với anh em cùng đức tin mà còn phải tác động đến cảm nghĩ của chúng ta về họ.

20 Sứ đồ Phi-e-rơ viết rằng việc chúng ta “vâng theo lẽ thật” phải đưa đến việc “yêu-thương anh em cách thật-thà”. (1 Phi-e-rơ 1:22) Đúng vậy, chúng ta không thể giả vờ khoác lên lòng yêu mến anh em. Chúng ta không đeo mặt nạ hoặc đóng vai nhằm lừa dối người khác. Lòng yêu mến của chúng ta phải thành thật, xuất phát tự đáy lòng. Nếu thế, các anh em đồng đức tin sẽ tin cậy chúng ta, vì họ biết lòng chúng ta trung thực. Sự thành thật ấy mở đường cho những mối quan hệ trung thực và cởi mở giữa các tín đồ Đấng Christ, đồng thời giúp tạo nên bầu không khí tin cậy trong hội thánh.

 “Giữ khôn ngoan thật”

21, 22. (a) Tại sao Sa-lô-môn đã không giữ được sự khôn ngoan thật? (b) Làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ sự khôn ngoan, và khi làm thế chúng ta sẽ hưởng lợi ích gì?

21 Sự khôn ngoan đẹp ý Đức Chúa Trời là sự ban cho từ Đức Giê-hô-va, một món quà chúng ta phải gìn giữ. Sa-lô-môn nói: “Này con, hãy giữ khôn ngoan thật và suy xét”. (Châm-ngôn 3:21, Bản Diễn Ý) Đáng buồn thay, chính Sa-lô-môn lại không làm thế. Bao lâu ông còn giữ lòng vâng phục, thì bấy lâu ông vẫn còn khôn ngoan. Nhưng rốt cuộc, những người vợ ngoại đã khiến lòng ông bỏ sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va. (1 Các Vua 11:1-8) Kết cục của Sa-lô-môn cho thấy rõ rằng tri thức có ít giá trị nếu chúng ta không sử dụng đúng cách.

22 Làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ sự khôn ngoan thiết thực? Không những chúng ta phải đều đặn đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp, mà còn phải cố gắng áp dụng những gì đã học. (Ma-thi-ơ 24:45) Chúng ta có mọi lý do để áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan này có nghĩa là chúng ta có lối sống tốt hơn trong hiện tại. Nó giúp chúng ta “cầm lấy sự sống thật”—sự sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. (1 Ti-mô-thê 6:19) Và quan trọng hơn hết, vun trồng sự khôn ngoan từ trên mang chúng ta đến gần nguồn của mọi sự khôn ngoan, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

^ đ. 1 Hai người đàn bà đó được xem là gái điếm. Sách Insight on the Scriptures viết: “Những người đàn bà này có thể là gái điếm không nhằm mục đích kiếm tiền, nhưng là những người phạm tội tà dâm; họ là đàn bà Do Thái hoặc rất có thể là người thuộc gốc ngoại quốc”.—Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 11 Cụm từ Hy Lạp dịch là “giảng-hòa” bắt nguồn từ một động từ có nghĩa “‘tạo ra sự thay đổi, trao đổi’ và do đó, ‘hòa giải’”. Vậy mục tiêu của bạn là tạo ra sự thay đổi, và nếu có thể được, thì loại trừ ác cảm khỏi lòng người bị tổn thương.—Rô-ma 12:18.

^ đ. 15 Một bản dịch khác diễn đạt câu này là “chan chứa lòng trắc ẩn và các việc lành”.—A Translation in the Language of the People (Bản dịch ngôn ngữ dân gian), của Charles B. Williams.