Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 23

“Chúa đã yêu chúng ta trước”

“Chúa đã yêu chúng ta trước”

1-3. Một số nhân tố nào làm cho cái chết của Chúa Giê-su khác với bất kỳ cái chết nào khác trong lịch sử?

VÀO một ngày xuân cách đây gần 2.000 năm, có người đàn ông vô tội bị xét xử, bị kết án về những tội người không bao giờ phạm, và sau đó bị tra tấn đến chết. Cuộc hành quyết tàn nhẫn và bất công ấy không phải là lần đầu tiên trong lịch sử; buồn thay, cũng không là lần cuối cùng. Song, cái chết đó khác hẳn bất kỳ cái chết nào khác.

2 Khi người đàn ông ấy chịu đau đớn cùng cực trong những giờ phút cuối cùng, một hiện tượng đã xảy ra trên bầu trời, đánh dấu sự kiện quan trọng này. Dù giữa ban ngày, sự tối tăm thình lình giáng xuống trên khắp xứ. Như lời miêu tả của một sử gia, “mặt trời trở nên tối”. (Lu-ca 23:44, 45) Rồi ngay trước khi trút hơi thở cuối cùng, người đàn ông ấy thốt lên những lời không thể quên được: “Mọi việc đã được trọn”! Thật vậy, bằng cách hy sinh mạng sống, người đàn ông ấy đã thực hiện một điều tuyệt diệu. Sự hy sinh của người là hành động yêu thương vĩ đại nhất, xưa nay chưa có ai thực hiện được.—Giăng 15:13; 19:30.

3 Người ấy dĩ nhiên là Chúa Giê-su Christ. Sự đau đớn và cái chết của ngài vào ngày đen tối đó, 14 Ni-san năm 33 CN, được nhiều người biết. Tuy nhiên, một sự kiện quan trọng khác hay bị quên lãng. Dù Chúa Giê-su chịu rất nhiều đau đớn, nhưng có một Đấng khác còn đau đớn hơn. Thật vậy, trong ngày đó một Đấng khác đã chịu hy sinh nhiều hơn—hành động yêu thương cao cả nhất chưa từng có ai thực hiện trong vũ trụ. Đó là hành động nào? Câu trả lời dẫn đến một đề tài quan trọng nhất: tình yêu thương của Đức Giê-hô-va.

Hành động yêu thương vĩ đại nhất

4. Làm thế nào viên đội trưởng La Mã nhận ra rằng Chúa Giê-su không phải là người thường, và ông đã kết luận gì?

4 Một viên đội trưởng lính La Mã, người giám sát việc hành  quyết Chúa Giê-su, đã rất kinh ngạc khi chứng kiến sự tối tăm xảy ra trước khi Chúa Giê-su chết và trận động đất dữ dội theo sau đó. Ông nói: “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 27:54) Rõ ràng, Chúa Giê-su không phải là người thường. Viên đội trưởng này đã can dự vào vụ hành quyết Con độc sinh của Đức Chúa Trời Tối Cao! Nói một cách chính xác thì Con ấy quý giá như thế nào đối với Cha ngài?

5. Có thể minh họa thế nào về thời gian hằng hà sa số năm mà Đức Giê-hô-va và Con Ngài ở bên nhau trên trời?

5 Kinh Thánh gọi Chúa Giê-su là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”. (Cô-lô-se 1:15) Hãy thử nghĩ xem—Con của Đức Giê-hô-va đã có trước khi vũ trụ vật chất được tạo ra. Vậy, Cha và Con đã ở bên nhau bao lâu? Một số nhà khoa học ước tính rằng vũ trụ vật chất đã tồn tại 13 tỉ năm. Bạn có thể tưởng tượng khoảng thời gian dài ngần ấy không? Để giúp người ta thấu hiểu tuổi của vũ trụ theo ước tính của các nhà khoa học, một đài thiên văn kẻ một đường thẳng dài 110 mét để biểu diễn thời gian. Khi khách tham quan đi dọc theo đường biểu diễn ấy, mỗi bước của họ tượng trưng cho khoảng 75 triệu năm trong số năm tuổi của vũ trụ. Ở cuối đường biểu diễn là một dấu chấm nhỏ bằng tiết diện của sợi tóc, biểu trưng cho cả lịch sử nhân loại! Song, ngay cả khi ước tính này chính xác, cả chiều dài của đường biểu diễn thời gian ấy cũng không đủ để biểu đạt số tuổi của Con Đức Giê-hô-va! Vậy, ngài đã làm gì trong suốt hằng hà sa số năm ấy?

6. (a) Con của Đức Giê-hô-va đã bận rộn làm gì trong thời gian trước khi xuống làm người? (b) Đức Giê-hô-va và Con Ngài đã gắn bó với nhau như thế nào?

6 Người Con ấy vui thích phụng sự Cha với tư cách là “thợ cái”. (Châm-ngôn 8:30) Kinh Thánh nói: “Chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài”. (Giăng 1:3) Vậy Đức Giê-hô-va và Con Ngài cùng sáng tạo mọi vật. Hai Đấng ấy đã có những thời hạnh phúc, vui thú biết bao! Nhiều người đồng ý rằng tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái mạnh mẽ đến kỳ diệu. Và tình yêu thương “là dây liên-lạc của sự trọn-lành”. (Cô-lô-se 3:14) Thế thì có ai trong chúng ta có thể thấu hiểu sự gắn bó chặt chẽ của một mối quan hệ lâu dài như thế? Rõ ràng, Giê-hô-va Đức Chúa  Trời và Con Ngài hợp nhất trong một mối quan hệ yêu thương khăng khít nhất từ xưa đến nay.

7. Khi Chúa Giê-su làm báp têm, Đức Giê-hô-va diễn đạt cảm nghĩ gì về Con Ngài?

7 Tuy nhiên, Cha đã gửi Con xuống trái đất, sinh ra làm một hài nhi. Điều này có nghĩa là trong vài thập kỷ, Đức Giê-hô-va đã phải chịu mất đi mối quan hệ mật thiết với Con yêu dấu của Ngài ở trên trời. Từ trên trời Ngài chăm chú quan sát Con Ngài lớn lên trở thành người hoàn toàn. Khi độ 30 tuổi, Chúa Giê-su làm báp têm. Chúng ta không cần phải đoán cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va về Con Ngài. Đức Giê-hô-va đích thân phán từ trên trời: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. (Ma-thi-ơ 3:17) Khi thấy Chúa Giê-su trung thành làm theo mọi điều đã được tiên tri, mọi điều đòi hỏi nơi ngài, ắt hẳn Cha ngài rất hài lòng!—Giăng 5:36; 17:4.

8, 9. (a) Chúa Giê-su đã phải trải qua điều gì vào ngày 14 Ni-san năm 33 CN, và điều ấy ảnh hưởng thế nào đến Cha ngài ở trên trời? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va để cho Con Ngài chịu đau đớn và chết?

8 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va có cảm xúc nào vào ngày 14 Ni-san năm 33 CN? Ngài cảm thấy thế nào khi Chúa Giê-su bị phản bội, rồi bị một đám người ô hợp bắt giữ trong đêm ấy? Khi Chúa Giê-su bị các bạn hữu bỏ rơi và buộc phải chịu sự xét xử bất hợp pháp? Khi đám đông nhạo báng, nhổ và đấm vào mặt Chúa Giê-su? Khi ngài bị đánh, lưng rách tả tơi dưới những lằn roi? Khi cả tay chân ngài bị đóng đinh vào cây gỗ, và bị treo lên trong khi dân chúng xỉ vả ngài? Lòng Cha đã cảm thấy thế nào khi Con yêu dấu cất tiếng lớn kêu cầu Cha trong cơn đau đớn cực độ? Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng, và lần đầu tiên kể từ lúc khởi thủy mọi tạo vật, Con yêu quý của Ngài không còn nữa?—Ma-thi-ơ 26: 14-16, 46, 47, 56, 59, 67; 27:38-44, 46; Giăng 19:1.

“Đức Chúa Trời... đã ban Con một”

9 Chúng ta không thể diễn đạt nên lời. Vì Đức Giê-hô-va có cảm xúc, cho nên nỗi đau khổ mà Ngài phải chịu trước cái chết của Con Ngài, vượt quá khả năng diễn đạt của chúng ta. Điều chúng ta có thể diễn đạt được là động cơ Đức Giê-hô-va đã cho phép sự việc xảy ra. Tại sao Cha tự buộc mình phải trải qua các cảm xúc ấy? Đức Giê-hô-va tỏ lộ điều tuyệt diệu cho chúng ta  nơi Giăng 3:16—một câu Kinh Thánh quan trọng đến mức được gọi là tóm tắt của Phúc Âm. Câu ấy nói: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. Vậy, động cơ của Đức Giê-hô-va là: tình yêu thương. Món quà của Đức Giê-hô-va—việc sai Con Ngài để chịu đau đớn và chết vì chúng ta—là hành động thể hiện tình yêu thương lớn nhất xưa nay.

Định nghĩa tình yêu thương của Đức Chúa Trời

10. Con người có nhu cầu gì, và có thể nói gì về ý nghĩa của từ ngữ “tình yêu thương”?

10 Từ ngữ “tình yêu thương” có nghĩa gì? Tình yêu thương được miêu tả là nhu cầu lớn nhất của con người. Từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời, con người cố công mưu cầu tình yêu thương, cảm thấy hạnh phúc trong tình yêu thương nồng nàn, ngay cả héo hon và chết khi không được yêu thương. Dầu vậy, điều đáng ngạc nhiên là khó định nghĩa được tình yêu thương. Dĩ nhiên người ta bàn rất nhiều về tình yêu thương. Không biết bao nhiêu là sách, nhạc và thơ viết về nó. Nhưng rút cục vẫn không luôn luôn làm sáng tỏ được ý nghĩa của tình yêu thương. Thật ra, người ta sử dụng từ ấy quá mức đến độ ý nghĩa thật của nó dường như càng mơ hồ hơn.

11, 12. (a) Chúng ta có thể học được nhiều điều về tình yêu thương từ đâu, và tại sao ở nơi ấy? (b) Có mấy loại tình yêu thương trong tiếng Hy Lạp cổ, và trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ ngữ nào thường được sử dụng nhiều nhất để biểu đạt “tình yêu thương”? (Cũng xem cước chú). (c) Từ a·ga′pe là gì?

11 Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy rõ ràng về tình yêu thương. Một tự điển Kinh Thánh nhận định: “Tình yêu thương chỉ có thể nhận biết được qua các hành động mà nó thúc đẩy”. (Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words) Những việc làm của Đức Giê-hô-va được ghi lại trong Kinh Thánh dạy chúng ta biết nhiều về tình yêu thương của Ngài—lòng yêu mến nhân từ của Ngài đối với các tạo vật. Chẳng hạn, điều gì có thể cho biết rõ về đức tính này hơn là chính hành động thể hiện tình yêu thương tột bậc của Đức Giê-hô-va như đã miêu tả ở trên?  Trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy nhiều gương khác về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va được thể hiện qua hành động. Ngoài ra, chúng ta có thể thu thập một số hiểu biết nhờ tìm hiểu những từ nguyên ngữ dùng để biểu đạt từ “yêu thương” trong Kinh Thánh. Trong tiếng Hy Lạp cổ, có bốn từ dùng để biểu đạt “tình yêu thương”. * Trong bốn từ này, từ thường được dùng nhiều nhất trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp là a·ga′pe. Một tự điển về Kinh Thánh gọi từ này là “từ mạnh mẽ nhất có thể nghĩ ra được để biểu đạt tình yêu thương”. Tại sao?

12 A·ga′pe biểu đạt tình yêu thương được chi phối bởi nguyên tắc. Vậy nó không chỉ là phản ứng tình cảm đối với người khác. Nó có phạm vi bao quát hơn, có suy nghĩ và có chủ ý hơn về cơ bản. Trên hết, a·ga′pe hoàn toàn vị tha. Chẳng hạn, hãy xem lại Giăng 3:16. “Thế-gian” nào mà Đức Chúa Trời yêu thương nhiều đến mức hy sinh Con một của Ngài? Đó là thế gian loài người có thể cứu chuộc. Thế gian ấy bao gồm nhiều người hiện đang theo đuổi con đường tội lỗi. Đức Giê-hô-va có yêu thương mỗi người như bạn thân, như Ngài đã yêu thương con người trung thành là Áp-ra-ham không? (Gia-cơ 2:23) Không, nhưng Đức Giê-hô-va mở rộng lòng tốt cho mọi người, dù Ngài phải trả bằng một giá rất đắt. Ngài muốn mọi người đều ăn năn và thay đổi lối sống. (2 Phi-e-rơ 3:9) Nhiều người làm thế. Những người này, Ngài vui lòng nhận làm bạn.

13, 14. Điều gì cho thấy a·ga′pe thường bao hàm lòng trìu mến nồng hậu?

13 Tuy nhiên, một số người nghĩ sai về từ a·ga′pe. Họ cho rằng loại tình yêu này lạnh lùng, thuần lý trí. Sự thật là a·ga′pe thường bao hàm lòng trìu mến nồng hậu. Chẳng hạn, khi viết: “Cha yêu  Con”, Giăng dùng một dạng của từ a·ga′pe. (Giăng 3:35) Tình yêu thương ấy có thiếu nồng hậu không? Không. Nơi Giăng 5:20 trong nguyên ngữ, Chúa Giê-su dùng một dạng của từ phi·le′o (lòng trìu mến). Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va thường bao hàm lòng trìu mến tha thiết. Tuy nhiên, tình yêu thương của Ngài không bao giờ hoàn toàn do cảm xúc chi phối. Tình yêu thương ấy luôn luôn được các nguyên tắc khôn ngoan và công bằng hướng dẫn.

14 Như chúng ta đã thấy, tất cả các đức tính của Đức Giê-hô-va đều sáng ngời, hoàn hảo, và thu hút. Nhưng tình yêu thương là đức tính có sức thu hút hơn cả. Không gì có thể thu hút chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va một cách mạnh mẽ như thế. Mừng thay, tình yêu thương cũng là đức tính nổi bật nhất của Ngài. Làm sao chúng ta biết được điều đó?

“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”

15. Kinh Thánh nói gì về đức tính yêu thương của Đức Giê-hô-va, và lời này độc đáo về phương diện nào? (Cũng xem cước chú).

15 Có một điều Kinh Thánh nói về tình yêu thương, nhưng lại không bao giờ nói về các đức tính chính khác của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời là quyền năng hoặc Đức Chúa Trời là công bình hay ngay cả Đức Chúa Trời là sự khôn ngoan. Ngài các đức tính đó và là nguồn của các tính ấy; về cả ba đức tính kể trên, không gì có thể sánh kịp. Tuy nhiên, về đức tính thứ tư, Kinh Thánh nói một điều sâu xa hơn: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. * (1 Giăng 4:8) Điều đó có nghĩa gì?

16-18. (a) Tại sao Kinh Thánh nói “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”? (b) Trong tất cả các tạo vật trên đất, tại sao con người là biểu tượng thích hợp cho tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?

16 Câu “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” không là một phương trình đơn giản, như thể nói: “Đức Chúa Trời tương đương với sự yêu thương”. Chúng ta không thể đảo ngược câu  ấy và nói rằng “sự yêu thương là Đức Chúa Trời” mà vẫn đúng. Đức Giê-hô-va không phải là một đức tính trừu tượng. Ngoài tình yêu thương ra, Ngài là một thực thể có rất nhiều tình cảm và đặc tính khác. Song, tình yêu thương chan chứa trong Đức Giê-hô-va. Vì thế, một tài liệu tham khảo nói về câu này: “Thực chất hay bản chất của Đức Chúa Trời là sự yêu thương”. Nói chung chúng ta có thể nghĩ về điều ấy như sau: Quyền năng của Đức Giê-hô-va giúp Ngài có khả năng hành động. Đức tính công bình và khôn ngoan của Ngài chi phối cách Ngài hàng động. Nhưng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va là động cơ thôi thúc Ngài hành động. Và tình yêu thương của Ngài luôn luôn thể hiện trong cách Ngài sử dụng những đức tính khác.

17 Chúng ta thường nói Đức Giê-hô-va là hiện thân của tình yêu thương. Bởi thế, nếu muốn tìm hiểu về tình yêu thương theo nguyên tắc, chúng ta phải tìm hiểu về Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể thấy đức tính cao đẹp này nơi con người. Nhưng tại sao con người có tình yêu thương? Theo Kinh Thánh thì vào lúc sáng tạo, Đức Giê-hô-va đã nói những lời này với Con Ngài: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta”. (Sáng-thế Ký 1:26) Trong tất cả các tạo vật trên đất, chỉ có con người có thể chọn yêu thương và do đó noi gương Cha trên trời của họ. Hãy nhớ lại rằng Đức Giê-hô-va dùng nhiều sinh vật để biểu trưng cho các đức tính chính của Ngài. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va chọn con người, tạo vật cao nhất trên đất, làm biểu tượng cho đức tính nổi bật của Ngài là tình yêu thương.—Ê-xê-chi-ên 1:10.

18 Khi yêu thương một cách vị tha dựa trên nguyên tắc, chúng ta phản ánh đức tính nổi bật của Đức Giê-hô-va. Đúng như sứ đồ Giăng đã viết: “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”. (1 Giăng 4:19) Nhưng Đức Giê-hô-va yêu chúng ta trước theo những cách nào?

Đức Giê-hô-va đã thực hiện bước đầu

19. Tại sao có thể nói tình yêu thương đóng vai trò chủ yếu trong cuộc sáng tạo của Đức Giê-hô-va?

19 Sự yêu thương không là điều mới lạ. Suy cho cùng, điều gì thôi thúc Đức Giê-hô-va khởi công sáng tạo? Không phải vì Ngài  cảm thấy cô đơn nên cần có bạn. Đức Giê-hô-va có đầy đủ và độc lập, không cần bất cứ điều gì một người nào đó có thể cung cấp. Nhưng tình yêu thương của Ngài, một đức tính năng động, tự nhiên thôi thúc Ngài muốn chia sẻ niềm vui sống với những tạo vật thông minh có khả năng trân trọng món quà như thế. “Đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời” là Con độc sinh của Ngài. (Khải-huyền 3:14) Kế đó, Đức Giê-hô-va dùng Thợ Cái này tạo nên mọi vật, đầu tiên là tạo ra các thiên sứ. (Gióp 38:4, 7; Cô-lô-se 1:16) Được ban cho sự tự do, trí thông minh, cảm xúc, những thần linh mạnh mẽ này đã có cơ hội hình thành các mối yêu thương gắn bó—với nhau, và trên hết với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 3:17) Các thiên sứ yêu như thế, vì họ đã được yêu trước.

20, 21. A-đam và Ê-va đã có bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương họ, song họ đã đáp ứng thế nào?

20 Cũng thế đối với loài người. Ngay từ đầu, A-đam và Ê-va thật sự đắm mình trong tình yêu thương. Nhìn đâu trong vườn Địa Đàng Ê-đen, nhà của họ, họ đều có thể thấy bằng chứng về tình yêu thương của Cha. Hãy lưu ý điều Kinh Thánh nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó”. (Sáng-thế Ký 2:8) Bạn có bao giờ ở trong một khu vườn hay công viên thật xinh đẹp chưa? Bạn thích điều gì nhất? Ánh sáng xuyên qua kẽ lá nơi có bóng râm? Màu sắc rực rỡ của đủ loại bông hoa? Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót, và tiếng côn trùng rả rích, êm tai như tiếng nhạc? Còn về hương thơm của cây trái và các bông hoa đang hé nở trên cành thì sao? Dù sao đi nữa, ngày nay không công viên nào có thể so sánh với vườn Ê-đen. Tại sao?

21 Vườn ấy do chính Đức Giê-hô-va trồng! Nó hẳn phải xinh đẹp không sao tả xiết. Mọi cây có vẻ đẹp thú vị hoặc sinh quả ngon ngọt đều có ở đó. Vườn ấy được tưới đầy đủ, rộng rãi và rộn ràng với đủ loại thú vật lý thú. A-đam và Ê-va đã có mọi thứ làm đời sống họ hạnh phúc và phong phú, kể cả công việc thỏa mãn và tình bạn hoàn toàn. Đức Giê-hô-va đã yêu họ trước, và họ có đủ mọi lý do để đáp lại lòng yêu thương ấy. Song, họ đã không làm thế. Thay vì yêu thương vâng lời Cha trên trời, họ đã phản Ngài vì lòng ích kỷ.—Sáng-thế Ký, chương 2.

22. Cách Đức Giê-hô-va xử trí sự phản nghịch trong vườn Ê-đen chứng tỏ tình yêu thương của Ngài là trung tín như thế nào?

 22 Đức Giê-hô-va hẳn phải đau lòng biết bao! Nhưng sự phản nghịch này có làm cho lòng yêu thương của Ngài trở nên cay đắng không? Không! “Sự nhân-từ [hay “lòng yêu thương trung tín”, cước chú NW] Ngài còn đến đời đời”. (Thi-thiên 136:1) Do đó, Ngài liền có ý định cứu chuộc bất kỳ con cháu nào của A-đam và Ê-va mà có lòng hướng thiện. Như chúng ta đã biết, những sắp đặt đầy yêu thương này bao gồm việc Con yêu dấu của Ngài hy sinh làm giá chuộc, một giá rất cao mà Cha phải trả.—1 Giăng 4:10.

23. Một trong những nguyên nhân làm cho Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” là gì, và câu hỏi trọng yếu nào sẽ được bàn luận trong chương tiếp theo?

23 Đúng, ngay từ đầu Đức Giê-hô-va đã chủ động biểu lộ tình yêu thương đối với nhân loại. Qua không biết bao nhiêu cách, “Ngài đã yêu chúng ta trước”. Tình yêu thương phát huy sự hòa thuận và vui mừng, vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”. (1 Ti-mô-thê 1:11) Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng nảy sinh. Đức Giê-hô-va có thật sự yêu thương mỗi người chúng ta không? Chương tiếp theo sẽ bàn về vấn đề này.

^ đ. 11 Động từ phi·le′o nghĩa là “có lòng yêu mến, trìu mến, hoặc thích (một người có thể có tình cảm này đối với bạn thân hoặc anh em)”. Động từ này thường được dùng trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Một dạng của từ stor·ge′, tức tình yêu thương thân thiết giữa những người trong gia đình, được dùng nơi 2 Ti-mô-thê 3:3 để cho thấy tình yêu thương như thế sẽ thiếu một cách nghiêm trọng trong những ngày sau rốt. Từ e′ros, tức tình yêu giữa hai người khác phái, không có trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, tuy rằng tình yêu loại này được nói đến trong Kinh Thánh.—Châm-ngôn 5:15-20.

^ đ. 15 Những câu Kinh Thánh khác cũng có cấu trúc tương tự như trên. Chẳng hạn, “Đức Chúa Trời là sự sáng” và “Đức Chúa Trời... là đám lửa... thiêu-đốt”. (1 Giăng 1:5; Hê-bơ-rơ 12:29) Nhưng những câu này phải hiểu theo nghĩa ẩn dụ, vì chúng ví Đức Giê-hô-va với vật chất. Đức Giê-hô-va như là ánh sáng, vì Ngài là thánh và chính trực. Trong Ngài không có “sự tối-tăm” tức sự ô uế. Có thể ví Ngài như lửa vì Ngài sử dụng quyền năng hủy diệt.