Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 27

“Đức Giê-hô-va là tốt-lành”

“Đức Giê-hô-va là tốt-lành”

1, 2. Sự tốt lành của Đức Chúa Trời có ảnh hưởng sâu rộng đến độ nào, và Kinh Thánh nhấn mạnh điều gì nơi đức tính này?

TẮM MÌNH trong ánh nắng ấm áp của buổi hoàng hôn, vài người bạn lâu năm cùng nhau vui vầy dùng bữa ngoài trời, nói cười khi ngắm cảnh. Nơi xa kia, người nông dân nhìn ra cánh đồng, mỉm cười mãn nguyện vì những đám mây đen vần vũ bầu trời và những giọt mưa đầu tiên đang rơi xuống cánh đồng đang khao khát nước. Ở nơi khác, một cặp vợ chồng rạng rỡ nhìn con nhỏ chập chững đi những bước đầu tiên.

2 Dù biết hay không, tất cả những người ấy đang hưởng chung một điều—sự tốt lành của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Một số người tin đạo thường lặp đi lặp lại: “Chúa là tốt lành”. Kinh Thánh cũng nói: “Đáng ngợi-khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là tốt-lành”. (E-xơ-ra 3:11) Nhưng dường như ngày nay rất ít người thật sự hiểu ý nghĩa những lời ấy. Sự tốt lành của Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật sự bao hàm điều gì, và đức tính này ảnh hưởng thế nào đến mỗi người chúng ta?

Một khía cạnh nổi bật của tình yêu thương của Đức Chúa Trời

3, 4. Sự tốt lành là gì, và tại sao cách diễn đạt hay nhất là nói rằng sự tốt lành của Đức Giê-hô-va là một biểu hiện của tình yêu thương của Ngài?

3 Trong nhiều ngôn ngữ hiện đại, từ “tốt lành” là một từ có phần tẻ nhạt. Tuy nhiên, sự tốt lành như Kinh Thánh cho biết thì không tẻ nhạt chút nào. Từ này chủ yếu nói đến phẩm chất đạo đức và luân lý cao quý. Vậy, theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói sự tốt lành chan chứa trong Đức Giê-hô-va. Tất cả những đức tính của Ngài—kể cả quyền năng, công bình và khôn ngoan—đều hoàn hảo. Tuy thế, có lẽ cách diễn đạt hay nhất là nói rằng sự tốt lành là một biểu hiện của tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Tại sao vậy?

 4 Sự tốt lành là đức tính biểu hiện qua hành động. Sứ đồ Phao-lô cho thấy rõ nơi con người thậm chí đức tính này còn đáng chuộng hơn cả tính công bình. (Rô-ma 5:7) Có thể tin chắc rằng người công bình trung thành theo sát những đòi hỏi của luật pháp, nhưng một người tốt còn làm nhiều hơn thế nữa. Người ấy chủ động, tích cực tìm cách giúp ích người khác. Chúng ta sẽ thấy Đức Giê-hô-va chắc chắn tốt lành theo nghĩa đó. Rõ ràng, sự tốt lành như thế phát xuất từ tình yêu thương vô bờ bến của Đức Giê-hô-va.

5-7. Tại sao Chúa Giê-su từ chối danh hiệu “Thầy nhân-lành”, và qua đó ngài khẳng định lẽ thật sâu xa nào?

5 Sự tốt lành của Đức Giê-hô-va cũng độc nhất vô nhị. Chẳng bao lâu trước khi Chúa Giê-su chết, có một người gọi ngài là “Thầy nhân-lành”, tức tốt lành, khi ông ấy nêu lên một câu hỏi. Chúa Giê-su đáp: “Sao ngươi gọi ta là nhân-lành? Chỉ có một Đấng nhân-lành, là Đức Chúa Trời”. (Mác 10:17, 18) Có thể bạn thấy rằng câu nói ấy khó hiểu. Tại sao Chúa Giê-su lại sửa người đàn ông này? Chẳng phải Chúa Giê-su quả là “Thầy nhân-lành” sao?

6 Rõ ràng người đàn ông đã dùng từ ngữ “Thầy nhân-lành” làm một tước hiệu nhằm tâng bốc. Chúa Giê-su khiêm tốn quy sự vinh hiển như thế cho Cha ngài trên trời, Đấng tốt lành tột bậc. (Châm-ngôn 11:2) Nhưng Chúa Giê-su cũng khẳng định một lẽ thật sâu xa. Chỉ có Đức Giê-hô-va là tiêu chuẩn cho những điều tốt lành. Chỉ mình Ngài có quyền tối thượng để qui định điều tốt và điều xấu. Khi cãi lệnh và ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, A-đam và Ê-va tìm cách chiếm đoạt lấy quyền đó cho mình. Không giống như họ, Chúa Giê-su khiêm tốn để việc lập ra các tiêu chuẩn trong tay Cha ngài.

7 Ngoài ra, Chúa Giê-su biết Đức Giê-hô-va là nguồn của tất cả những điều thật sự tốt lành. Ngài là Đấng Ban Phát mọi điều “tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”. (Gia-cơ 1:17) Chúng ta hãy xét xem sự tốt lành của Đức Giê-hô-va được thể hiện rõ như thế nào qua lòng rộng rãi của Ngài.

 Bằng chứng về sự tốt lành dư dật của Đức Giê-hô-va

8. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va đã thể hiện sự tốt lành đối với toàn thể nhân loại?

8 Tất cả những người đã từng sống đều hưởng lợi ích từ sự tốt lành của Đức Giê-hô-va. Thi-thiên 145:9 nói: “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người”. (Chúng tôi viết nghiêng). Một số ví dụ nào cho thấy Ngài tốt lành với mọi người? Kinh Thánh nói: “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng”. (Công-vụ 14:17) Có bao giờ bạn cảm thấy tinh thần khoan khoái khi thưởng thức một bữa ăn ngon chưa? Nếu Đức Giê-hô-va không tốt lành trong việc thiết kế trái đất với nguồn nước sạch luôn luân chuyển và “mùa-màng nhiều hoa-quả” để cung cấp thức ăn dư dật, thì sẽ không có bữa ăn nào. Đức  Giê-hô-va không chỉ tốt lành với những người yêu mến Ngài mà còn với mọi người. Chúa Giê-su phán: “Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác”.—Ma-thi-ơ 5:45.

Đức Giê-hô-va “làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả”

9. Trái táo cho thấy rõ sự tốt lành của Đức Giê-hô-va như thế nào?

9 Vì mặt trời, mưa và mùa màng nhiều hoa quả tuần tự tiếp diễn, nên nhiều người chẳng buồn để ý đến lòng rộng rãi tột bậc ban xuống đầy dẫy trên nhân loại. Thí dụ, hãy xem quả táo. Ở những vùng ôn đới, táo là loại quả thông thường. Thế nhưng, quả táo trông đẹp mắt, ngon ngọt, mọng nước và chứa các chất dinh dưỡng cần yếu. Bạn có biết rằng trên thế giới có khoảng 7.500 loại táo có màu sắc và kích cỡ khác nhau; từ màu đỏ cho đến vàng kim, vàng nhạt, xanh lá cây; từ cỡ hơi  lớn hơn quả nho đến cỡ quả cam sành không? Hạt táo bé xíu trông tầm thường trong bàn tay bạn, nhưng lại mọc lên một trong các loại cây xinh đẹp nhất. (Nhã-ca 2:3, Tòa Tổng Giám Mục) Mùa xuân, những chùm hoa táo nở rực rỡ bao trùm khắp cây như chiếc vương miện; mùa thu cây táo ra quả. Mỗi năm—cho đến 75 năm—sản lượng của một cây táo trung bình là 20 hộp bìa cứng, mỗi hộp nặng 19 kilôgam!

Hạt táo bé xíu này mọc lên một cây có thể sinh quả để cung cấp thức ăn hàng chục năm và làm cho con người thích thú

10, 11. Các giác quan chứng tỏ thế nào sự tốt lành của Đức Chúa Trời?

10 Do lòng tốt vô biên của Ngài, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một cơ thể “được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng” với những giác quan được thiết kế nhằm giúp chúng ta nhận biết và lấy làm vui thích những công việc của Ngài. (Thi-thiên 139:14) Hãy suy nghĩ về những quang cảnh được miêu tả ở đầu chương này. Thị giác giúp chúng ta thấy những cảnh tượng nào khiến những giây phút ấy trở nên vui thú? Đôi má ửng hồng của đứa bé đang vui cười. Màn mưa đổ xuống trên cánh đồng. Cảnh hoàng hôn với những sắc đỏ, vàng kim và tím. Cặp mắt con người được thiết kế để nhận ra hơn 300.000 màu sắc! Và thính giác của chúng ta nhận ra các âm sắc trong giọng nói của người thân, tiếng gió xào xạc lùa qua những hàng cây, tiếng cười giòn tan của đứa bé. Tại sao chúng ta có thể thưởng thức những cảnh tượng và âm thanh như thế? Kinh Thánh nói: “Tai để nghe, mắt để thấy, Đức Giê-hô-va đã làm ra cả hai”. (Châm-ngôn 20:12) Nhưng đó mới chỉ nói đến hai giác quan thôi.

11 Khứu giác là bằng chứng khác về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va. Mũi con người có thể phân biệt khoảng 10.000 mùi khác nhau. Hãy nghĩ đến chỉ một vài mùi thôi: món ăn bạn ưa thích nhất, bông hoa, lá khô, làn khói mỏng từ một bếp lửa ấm cúng. Và xúc giác giúp bạn cảm nhận được làn gió mơn man trên da mặt, vòng tay ưu ái của người thân, cảm giác mượt mà của một trái cây trong tay. Khi bạn cắn vào, vị giác bắt đầu hoạt động. Khi các thành phần hóa học phức tạp trong trái cây chạm vào những đầu thần kinh vị giác tinh tế, bạn cảm nhận được ngay mùi vị thơm ngon. Đúng vậy, chúng ta có  mọi lý do để reo lên: “Đức Giê-hô-va là tốt-lành, làm đồn-lũy trong ngày hoạn-nạn, và biết những kẻ ẩn-náu nơi Ngài”! (Na-hum 1:7) Vậy, Đức Giê-hô-va là tốt lành cho người ẩn náu nơi Ngài như thế nào?

Sự tốt lành cùng những lợi ích vĩnh cửu

12. Những cung cấp nào của Đức Giê-hô-va là quan trọng nhất, và tại sao?

12 Chúa Giê-su nói: “Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4) Thật vậy, những cung cấp về thiêng liêng của Đức Giê-hô-va có thể giúp ích cho chúng ta hơn cả những cung cấp về vật chất, vì chúng dẫn đến sự sống đời đời. Trong Chương 8 của sách này, chúng ta đã nhận biết rằng Đức Giê-hô-va sử dụng quyền năng khôi phục để tạo một địa đàng thiêng liêng trong những ngày cuối cùng này. Đặc điểm chính yếu của địa đàng ấy là thức ăn thiêng liêng dư dật.

13, 14. (a) Tiên tri Ê-xê-chi-ên đã thấy gì trong sự hiện thấy, và điều đó có nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay? (b) Đức Giê-hô-va có những cung cấp thiêng liêng nào nhằm ban sự sống cho những tôi tớ trung thành của Ngài?

13 Trong một lời tiên tri quan trọng của Kinh Thánh về sự phục hưng, tiên tri Ê-xê-chi-ên được ban cho sự hiện thấy, trong đó đền thờ huy hoàng được khôi phục. Một dòng nước chảy ra từ đền thờ, càng ra xa dòng nước càng rộng và sâu cho đến khi trở thành “sông”. Chảy đến đâu, dòng sông ấy đều mang lại lợi ích đến đấy. Hai bên bờ sông, cây cối mọc rậm rạp cung cấp thức ăn và dùng để chữa bệnh. Thậm chí sông ấy mang lại sự sống và nâng cao sản lượng cho Biển Chết vốn mặn và vô sinh! (Ê-xê-chi-ên 47:1-12) Nhưng tất cả những điều ấy có nghĩa gì?

14 Sự hiện thấy ấy có nghĩa là Đức Giê-hô-va sẽ khôi phục các sắp đặt về sự thờ phượng thanh sạch, tượng trưng bởi đền thờ mà Ê-xê-chi-ên đã thấy. Giống như con sông trong sự hiện thấy, những cung cấp của Đức Chúa Trời để ban sự sống sẽ đổ xuống dân tộc Ngài ngày càng phong phú hơn. Kể từ khi khôi  phục sự thờ phượng thanh sạch năm 1919, Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Ngài những sắp đặt mang lại sự sống. Bằng cách nào? Kinh Thánh, ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, các buổi họp và đại hội, tất cả nhằm mang những lẽ thật thiết yếu đến với hàng triệu người. Bằng những cách ấy, Đức Giê-hô-va đã dạy người ta về sự sắp đặt quan trọng nhất để ban sự sống—sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ. Giá chuộc này mang lại một vị thế trong sạch trước mặt Đức Giê-hô-va và hy vọng về sự sống đời đời cho tất cả những ai thật sự yêu thương, kính sợ Ngài. * Vì vậy, trong suốt những ngày cuối cùng này khi thế gian trải qua nạn đói thiêng liêng, dân tộc của Đức Giê-hô-va vui hưởng một bữa tiệc thiêng liêng.—Ê-sai 65:13.

15. Theo ý nghĩa nào sự tốt lành của Đức Giê-hô-va sẽ truyền đến loài người trung thành trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ?

15 Nhưng con sông trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên không ngừng chảy khi hệ thống cũ này kết thúc. Ngược lại, thậm chí nó chảy mạnh hơn nữa trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. Bấy giờ, qua Nước của Đấng Mê-si, Đức Giê-hô-va sẽ áp dụng trọn vẹn giá trị sự hy sinh của Chúa Giê-su, dần dần đưa loài người trung thành đến tình trạng hoàn toàn. Khi ấy chúng ta sẽ hớn hở biết bao về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va!

Những khía cạnh khác của sự tốt lành của Đức Giê-hô-va

16. Kinh Thánh cho thấy sự tốt lành của Đức Giê-hô-va bao gồm những đức tính khác như thế nào? Hãy kể một số đức tính này.

16 Sự tốt lành của Đức Giê-hô-va không chỉ gồm có lòng rộng rãi. Đức Chúa Trời phán với Môi-se: “Ta sẽ cho ngang qua trước mặt ngươi tất cả sự tốt lành của Ta và Ta sẽ kêu danh Yavê trước mặt ngươi”. Sau đó lời tường thuật nói: “Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và  thành-thực”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19, Nguyễn Thế Thuấn; 34:6) Vậy, sự tốt lành của Đức Giê-hô-va bao gồm một số đức tính khác. Chúng ta hãy xem xét hai trong số các đức tính này.

17. Đức Giê-hô-va đã đối xử thế nào với con người bất toàn, và đức tính nào khiến Ngài hành động như thế?

17 “Nhân-từ”. Đức tính này của Đức Giê-hô-va khiến Ngài dễ đến gần và nhã nhặn trong cách đối xử với các tạo vật của Ngài. Những người có quyền thế thường cộc cằn, lạnh lùng hoặc độc đoán, ngược lại Đức Giê-hô-va dịu dàng và tử tế. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va phán với Áp-ram: “Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây”. (Sáng-thế Ký 13:14) Các học giả Kinh Thánh nhận xét rằng cách diễn đạt trong câu này theo nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ bao gồm một tiếp đầu ngữ, biến một mệnh lệnh thành lời yêu cầu lịch sự. Có những câu khác cũng cho thấy sự nhã nhặn tương tự. (Sáng-thế Ký 31:12; Ê-xê-chi-ên 8:5) Hãy tưởng tượng Chúa Tối Thượng hoàn vũ dùng lời yêu cầu lịch sự với người phàm! Trong một thế gian mà tính cay nghiệt, hung hăng và khiếm nhã rất phổ biến, chúng ta không khoan khoái sao khi suy ngẫm về sự nhã nhặn và dễ đến gần của Đức Chúa Trời chúng ta, Đức Giê-hô-va?

18. Đức Giê-hô-va “đầy-dẫy... thành-thực” theo nghĩa nào, và tại sao những từ này làm chúng ta yên lòng?

18 “Đầy-dẫy... thành-thực”. Tính bất lương là xu hướng của thế gian ngày nay. Nhưng Kinh Thánh nhắc chúng ta nhớ: “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối”. (Dân-số Ký 23:19) Thật thế, Tít 1:2 nói: “Đức Chúa Trời không thể nói dối”. (Chúng tôi viết nghiêng). Ngài rất tốt lành, nên không thể nói dối. Vì thế, lời hứa của Đức Giê-hô-va hoàn toàn đáng tin cậy; lời Ngài luôn luôn ứng nghiệm một cách chắc chắn. Đức Giê-hô-va còn được gọi là “Đức Chúa Trời chân-thật”. (Thi-thiên 31:5) Không những Ngài không nói dối mà còn ban phát lẽ thật cách dư dật. Ngài không là Đức Chúa Trời thích giữ bí mật hoặc hay giấu giếm. Ngược lại, Ngài rộng rãi ban cho những tôi tớ trung thành sự hiểu biết dư dật từ kho tàng khôn ngoan  vô tận của Ngài. * Thậm chí Ngài còn dạy họ biết cách sống theo những lẽ thật Ngài ban phát, để họ có thể ‘đi trong lẽ thật’ ấy. (3 Giăng 3) Nói chung, sự tốt lành của Đức Giê-hô-va phải tác động thế nào đến mỗi cá nhân chúng ta?

“Sáng rỡ vì Chúa ban phúc lành”

19, 20. (a) Sa-tan tìm cách làm suy yếu lòng tin của Ê-va nơi sự tốt lành của Đức Giê-hô-va bằng cách nào, và hậu quả là gì? (b) Sự tốt lành của Đức Giê-hô-va phải có tác động thích hợp nào đến chúng ta, và tại sao?

19 Khi cám dỗ Ê-va trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã dùng thủ đoạn tinh vi để làm suy yếu lòng tin cậy của bà nơi sự tốt lành của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va đã phán với A-đam: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn”. Trong hàng ngàn cây hẳn đã tô điểm vẻ đẹp của khu vườn, Đức Giê-hô-va chỉ cấm ăn trái của một cây. Song, hãy lưu ý cách Sa-tan diễn đạt câu hỏi đầu tiên với Ê-va: “Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” (Sáng-thế Ký 2:9, 16; 3:1) Sa-tan đã bóp méo lời của Đức Giê-hô-va, làm cho Ê-va nghĩ rằng Đức Giê-hô-va còn giữ lại một điều tốt lành nào đó. Buồn thay, thủ đoạn này đã thành công. Ê-va cũng như rất nhiều người đời sau, cả nam lẫn nữ, bắt đầu nghi ngờ sự tốt lành của Đức Chúa Trời, Đấng đã ban cho bà mọi thứ.

20 Chúng ta thấm thía nỗi đau buồn và khốn khổ mà những nghi ngờ như thế gây ra. Vậy, chúng ta hãy ghi tạc trong lòng những lời của Giê-rê-mi 31:12: “Họ sẽ... mặt mày sáng rỡ vì Chúa ban phúc lành”. (Bản Diễn Ý) Thật vậy, sự tốt lành của Đức Giê-hô-va sẽ làm cho chúng ta rạng rỡ vui mừng. Chúng ta không bao giờ nên nghi ngờ động cơ của Đức Chúa Trời, Đấng chan chứa sự tốt lành như thế. Chúng ta có thể trọn lòng tin cậy Đức Chúa Trời, vì Ngài chỉ muốn toàn điều tốt cho những ai yêu thương Ngài.

21, 22. (a) Bạn có thể đáp lại sự tốt lành của Đức Giê-hô-va qua một số cách nào? (b) Chúng ta sẽ bàn đến đức tính nào trong chương kế, và tính này khác thế nào với tính tốt lành?

 21 Ngoài ra, chúng ta vui mừng khi có cơ hội nói với người khác về sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Thi-thiên 145:7 nói dân tộc của Đức Giê-hô-va “sẽ truyền ra kỷ-niệm về sự nhân-từ lớn của Chúa”, tức sự tốt lành của Ngài. Mỗi ngày trong đời sống, chúng ta đều hưởng lợi ích từ sự tốt lành của Đức Giê-hô-va qua cách nào đó. Sao mỗi ngày bạn không tập thói quen cám ơn Đức Giê-hô-va về sự tốt lành của Ngài, trình bày càng rõ rệt càng tốt? Suy ngẫm, tạ ơn Đức Giê-hô-va về sự tốt lành của Ngài mỗi ngày và nói cho người khác biết về đức tính ấy sẽ giúp chúng ta noi gương Đức Chúa Trời tốt lành của chúng ta. Và khi tìm cách làm điều lành như Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ luôn đến gần Ngài hơn. Sứ đồ lão thành Giăng đã viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, chớ bắt-chước điều dữ, nhưng bắt-chước điều lành. Ai làm điều lành là thuộc về Đức Chúa Trời”.—3 Giăng 11.

22 Sự tốt lành của Đức Giê-hô-va cũng gắn liền với những đức tính khác. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời “đầy-dẫy ân-huệ”, tức lòng yêu thương nhân từ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6) Đức tính này có tính cách riêng biệt hơn, vì Đức Giê-hô-va đặc biệt biểu lộ lòng yêu thương nhân từ đối với các tôi tớ trung thành của Ngài. Trong chương kế, chúng ta sẽ học biết Ngài làm điều ấy như thế nào.

^ đ. 14 Về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va, không thể có thí dụ nào lớn hơn là giá chuộc. Trong tất cả hàng triệu tạo vật thần linh, Đức Giê-hô-va đã chọn Con yêu dấu của Ngài, Con độc sinh, để chết vì chúng ta.

^ đ. 18 Thật xác đáng khi Kinh Thánh liên hệ lẽ thật với ánh sáng. Người viết Thi-thiên đã hát: “Cầu Chúa phát ánh-sáng và sự chân-thật của Chúa ra”. (Thi-thiên 43:3) Đức Giê-hô-va chiếu ánh sáng thiêng liêng dư dật trên những ai sẵn lòng chịu để cho Ngài dạy dỗ, tức soi sáng.—2 Cô-rinh-tô 4:6; 1 Giăng 1:5.