Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 31

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”

1-3. (a) Quan sát quan hệ giữa cha mẹ và con nhỏ của họ, chúng ta có thể học được điều gì về bản chất con người? (b) Tiến trình nào phát triển tự nhiên khi có người biểu lộ tình yêu thương đối với chúng ta, và chúng ta có thể tự đặt câu hỏi quan trọng nào?

CÁC bậc cha mẹ vui thích thấy con sơ sinh mình nhoẻn miệng cười. Họ thường kề mặt sát mặt con, thủ thỉ nói nựng và mỉm cười âu yếm. Họ thiết tha mong được nhìn thấy con phản ứng. Rồi chẳng bao lâu, họ được toại nguyện—má bé lúm đồng tiền, môi bé cong lên, và nở một nụ cười đáng yêu. Nụ cười ấy, qua cách riêng của nó, dường như biểu lộ tình cảm trìu mến, tình yêu thương chớm nở của đứa bé đáp lại tình yêu thương của bố mẹ.

2 Nụ cười của đứa bé làm chúng ta liên tưởng tới một điều quan trọng về bản chất con người. Phản ứng tự nhiên của chúng ta là lấy tình yêu thương đáp lại tình yêu thương. Chúng ta được tạo ra như vậy. (Thi-thiên 22:9) Khi lớn lên, chúng ta phát huy đầy đủ khả năng đáp lại tình yêu thương. Có lẽ bạn có thể hồi tưởng lại thời thơ ấu, cha mẹ, bà con và bạn bè đã biểu lộ tình yêu thương như thế nào đối với bạn. Trong lòng bạn, tình cảm nồng ấm bén rễ, nảy nở, và được phát triển thành hành động. Để đáp lại, bạn cũng biểu lộ tình yêu thương của mình. Một tiến trình tương tự như thế có đang phát triển trong mối quan hệ giữa bạn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời không?

3 Kinh Thánh nói: “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”. (1 Giăng 4:19) Trong Phần 1 đến 3 của sách này, bạn được nhắc nhở rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã sử dụng quyền năng, công bình và sự khôn ngoan của Ngài một cách yêu thương vì lợi ích của bạn. Và trong Phần 4, bạn đã biết Ngài biểu lộ trực tiếp tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại—và đối với chính bạn—qua những cách tuyệt vời. Giờ đây là một câu hỏi. Theo cách nào đó, đây là câu hỏi quan trọng nhất mà bạn có thể tự đặt: ‘Tôi sẽ đáp lại tình yêu thương của Đức Giê-hô-va như thế nào?’

 Yêu thương Đức Chúa Trời có nghĩa gì?

4. Người ta đã bối rối thế nào về ý nghĩa của việc yêu thương Đức Chúa Trời?

4 Đức Giê-hô-va, Đấng Thiết Lập tình yêu thương, biết rõ tình yêu thương có sức mạnh lớn lao để gợi lên những đức tính tốt nhất nơi người khác. Vì vậy, dù con người bất trung tiếp tục phản nghịch, Ngài vẫn vững tin rằng một số người sẽ đáp lại tình yêu thương của Ngài. Và quả thật, hàng triệu người đã đáp ứng. Tuy nhiên, đáng buồn là các tôn giáo của thế gian bại hoại này đã làm cho người ta bối rối không hiểu thế nào là yêu thương Đức Chúa Trời. Vô số người nói rằng họ yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng dường như họ nghĩ rằng tình yêu thương như thế chỉ là cảm xúc được diễn đạt thành lời. Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời có thể bắt đầu cách đó, cũng như tình yêu của em bé đối với cha mẹ có thể bộc lộ lần đầu tiên qua nụ cười. Tuy nhiên, tình yêu thương nơi người trưởng thành bao hàm nhiều hơn thế nữa.

5. Kinh Thánh xác định thế nào là tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, và tại sao định nghĩa đó có sức thu hút chúng ta?

5 Đức Giê-hô-va xác định thế nào là yêu thương Ngài. Lời Ngài nói: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”. Vậy, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời cần được biểu hiện qua hành động. Công nhận rằng nhiều người không thấy việc vâng lời là điều thích thú. Nhưng cũng chính câu Kinh Thánh ấy ân cần nói thêm: “Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va được lập ra nhằm giúp ích, chứ không để áp bức chúng ta. (Ê-sai 48:17, 18) Lời Đức Chúa Trời chứa đựng những nguyên tắc giúp chúng ta đến gần Ngài hơn. Như thế nào? Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh của mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Những khía cạnh này bao gồm sự thông tri, thờ phượng và noi gương Ngài.

Thông tri với Đức Giê-hô-va

6-8. (a) Chúng ta có thể lắng nghe Đức Giê-hô-va qua những cách nào? (b) Khi đọc, chúng ta có thể làm cho Kinh Thánh sống động như thế nào?

6 Chương 1 mở đầu bằng câu hỏi: “Bạn có tưởng tượng được  mình đang nói chuyện với Đức Chúa Trời không?” Như chúng ta đã thấy trong chương ấy, đây không phải là chuyện tưởng tượng. Môi-se quả đã có cuộc trò chuyện như thế với Đức Chúa Trời. Còn chúng ta thì sao? Thời kỳ này Đức Giê-hô-va không sai các thiên sứ đến nói chuyện với loài người. Nhưng Đức Giê-hô-va có những phương tiện thông tin tuyệt vời để nói với chúng ta ngày nay. Chúng ta có thể lắng nghe Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

7 Vì “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”, nên chúng ta lắng nghe Đức Giê-hô-va bằng cách đọc Lời Ngài, Kinh Thánh. (2 Ti-mô-thê 3:16) Vì vậy, người viết Thi-thiên khuyến khích các tôi tớ của Đức Giê-hô-va đọc Lời ấy “ngày và đêm”. (Thi-thiên 1:1, 2) Làm vậy đòi hỏi chúng ta phải bỏ ra khá nhiều nỗ lực. Nhưng mọi nỗ lực như thế thật đáng công. Như chúng ta đã thấy trong Chương 18, Kinh Thánh như một lá thư quý giá của Cha trên trời gửi đến chúng ta. Thế nên việc đọc thư ấy không phải là một việc nhàm chán. Khi đọc, chúng ta phải làm cho Kinh Thánh sống động. Làm sao chúng ta có thể thực hiện điều đó?

8 Khi đọc, bạn hãy cố gắng hình dung những điều tường thuật và các nhân vật trong Kinh Thánh. Cố tìm cách hiểu môi trường sinh trưởng, hoàn cảnh và động cơ của họ. Kế đó hãy ngẫm nghĩ sâu xa về những gì bạn đã đọc, tự đặt những câu hỏi như: ‘Lời tường thuật này cho tôi biết gì về Đức Giê-hô-va? Tôi thấy đức tính nào của Ngài? Đức Giê-hô-va muốn tôi học nguyên tắc nào, và làm sao tôi có thể áp dụng trong đời sống?’ Hãy đọc, suy ngẫm và áp dụng—có vậy, Lời Đức Chúa Trời sẽ sống động đối với bạn.—Thi-thiên 77:12; Gia-cơ 1:23-25.

9. Ai là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, và tại sao việc chúng ta chăm chú lắng nghe “đầy-tớ” ấy là quan trọng?

9 Đức Giê-hô-va cũng nói với chúng ta qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Như Chúa Giê-su báo trước, ngài đã bổ nhiệm một lớp tín đồ được xức dầu để cung cấp ‘đồ-ăn thiêng liêng đúng giờ’ trong những ngày cuối cùng đầy khó khăn này. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Khi đọc sách báo được biên soạn nhằm giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh một cách chính xác và khi tham dự các buổi họp và đại hội của đạo Đấng Christ, chúng ta được lớp đầy tớ ấy  nuôi dưỡng về thiêng liêng. Vì họ là lớp đầy tớ của Đấng Christ, chúng ta khôn ngoan áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su: “Coi chừng về cách các ngươi nghe”. (Lu-ca 8:18, chúng tôi viết nghiêng). Chúng ta chăm chú lắng nghe vì nhận biết rằng lớp đầy tớ ấy là một trong những phương tiện Đức Giê-hô-va dùng để thông tri với chúng ta.

10-12. (a) Tại sao cầu nguyện là món quà tuyệt diệu đến từ Đức Giê-hô-va? (b) Làm thế nào để cách cầu nguyện của chúng ta làm vui lòng Đức Giê-hô-va, và tại sao có thể vững tin rằng Ngài quý trọng những lời cầu nguyện của chúng ta?

10 Nhưng còn việc thông tri với Đức Chúa Trời thì sao? Chúng ta có thể nói với Đức Giê-hô-va không? Ấy là một ý tưởng gợi lên niềm kính sợ. Nếu bạn tìm cách tiếp cận người cai trị quyền thế nhất trong nước để trình bày một mối quan tâm riêng nào đó, liệu bạn có cơ hội được tiếp kiến không? Trong vài trường hợp, chính nỗ lực ấy có thể gây nguy hiểm! Vào thời của Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê, nếu tìm cách tiếp cận vua Phe-rơ-sơ mà không được vua cho vời đến, một người có thể bị xử tử. (Ê-xơ-tê 4:10, 11) Giờ đây hãy tưởng tượng việc đứng trước Chúa Tối Thượng của vũ trụ. Ngay cả người quyền thế nhất trong loài người cũng chỉ “như cào cào” khi so sánh với Ngài. (Ê-sai 40:22) Chúng ta có nên cảm thấy quá sợ sệt, không dám đến gần Ngài không? Hoàn toàn không!

11 Đức Giê-hô-va đã cung cấp một phương tiện vô giới hạn nhưng đơn giản, để tiếp cận Ngài—sự cầu nguyện. Ngay cả một em bé có đức tin cũng có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va nhân danh Chúa Giê-su. (Giăng 14:6; Hê-bơ-rơ 11:6) Song, cầu nguyện cũng có thể giúp chúng ta truyền những ý tưởng và cảm xúc rất thầm kín, phức tạp—ngay cả những nỗi đau khổ khó diễn đạt thành lời. (Rô-ma 8:26) Hoàn toàn vô ích nếu cố gây ấn tượng với Đức Giê-hô-va bằng những lời hùng hồn, văn hoa hoặc những lời cầu nguyện dài dòng, rườm rà. (Ma-thi-ơ 6:7, 8) Trái lại, Đức Giê-hô-va không hạn chế chúng ta có thể nói với Ngài bao lâu hoặc bao nhiêu lần. Lời Ngài thậm chí kêu gọi chúng ta “cầu-nguyện không thôi”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17.

12 Hãy nhớ rằng chỉ có Đức Giê-hô-va được gọi là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, và Ngài lắng nghe với lòng thấu cảm chân thật.  (Thi-thiên 65:2) Khi các tôi tớ trung thành của Ngài cầu nguyện, có phải Ngài chỉ cố nhẫn nại nghe họ hay không? Không, Ngài thật sự vui thích nghe những lời cầu nguyện ấy. Lời Ngài ví lời cầu nguyện ấy như hương, khi đốt bốc lên mùi thơm ngạt ngào, êm dịu. (Thi-thiên 141:2; Khải-huyền 5:8; 8:4) Chẳng phải phấn chấn sao khi biết rằng những lời cầu nguyện thành tâm của chúng ta cũng như hương bốc lên và làm vui lòng Chúa Tối Thượng? Vậy, nếu muốn đến gần Đức Giê-hô-va, bạn hãy khiêm nhường cầu nguyện thường xuyên, mỗi ngày. Hãy thổ lộ hết nỗi lòng với Ngài; đừng giữ lại điều gì. (Thi-thiên 62:8) Hãy chia sẻ với Cha trên trời của bạn những điều lo lắng, niềm vui mừng, lời cảm ơn và ngợi khen của bạn. Kết quả là mối quan hệ gắn bó giữa bạn và Ngài sẽ mãi bền vững hơn.

Thờ phượng Đức Giê-hô-va

13, 14. Thờ phượng Đức Giê-hô-va có nghĩa gì, và tại sao chúng ta làm thế là đúng?

13 Khi thông tri với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta không chỉ giản dị lắng nghe và nói như trò chuyện với một người bạn hoặc người bà con. Thật ra chúng ta đang thờ phượng Đức Giê-hô-va, hiến dâng cho Ngài lòng tôn kính vì Ngài hoàn toàn xứng đáng. Sự thờ phượng thật chi phối toàn bộ đời sống chúng ta, là cách chúng ta diễn đạt tình yêu thương hết lòng và tận tụy với Đức Giê-hô-va. Và sự thờ phượng thật hợp nhất tất cả các tạo vật trung thành của Đức Giê-hô-va, dù trên trời hay dưới đất. Trong một sự hiện thấy, sứ đồ Giăng nghe một thiên sứ công bố mệnh lệnh này: “Hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời đất, biển và các suối nước”.—Khải-huyền 14:7.

14 Tại sao chúng ta phải thờ phượng Đức Giê-hô-va? Hãy nghĩ đến những đức tính chúng ta đã bàn qua, chẳng hạn như thánh khiết, quyền năng, tự chủ, công bằng, dũng cảm, khoan dung, thương xót, nhân từ, khôn ngoan, khiêm nhường, yêu thương, trắc ẩn, trung tín và tốt lành. Chúng ta đã biết Đức Giê-hô-va tượng trưng cho tột đỉnh, tiêu chuẩn cao quý nhất, của mọi đức tính quý báu. Khi cố gắng hiểu tổng thể những đức tính của Ngài, chúng ta nhận biết rằng Ngài không chỉ là Đấng vĩ đại, đáng khâm phục mà còn siêu việt hơn thế nhiều. Ngài cực kỳ vinh  quang, tối cao hơn chúng ta. (Ê-sai 55:9) Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng chính đáng của chúng ta, và chắc chắn Ngài xứng đáng được chúng ta thờ phượng. Tuy nhiên, chúng ta phải thờ phượng Đức Giê-hô-va như thế nào?

15. Làm thế nào chúng ta có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va với “tâm-thần và lẽ thật”, và các buổi họp đạo Đấng Christ cho chúng ta cơ hội nào?

15 Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-lạy Ngài thì phải lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy”. (Giăng 4:24) Điều đó nghĩa là thờ phượng Đức Giê-hô-va với tấm lòng đầy đức tin và tình yêu thương, được thánh linh Ngài hướng dẫn. Điều đó cũng có nghĩa thờ phượng phù hợp với lẽ thật, tức sự hiểu biết chính xác tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có cơ hội quý giá để thờ phượng Đức Giê-hô-va với “tâm-thần và lẽ thật” bất cứ khi nào chúng ta nhóm họp với anh em đồng đức tin. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Khi chúng ta hát những lời ngợi khen Đức  Giê-hô-va, hợp nhất trong lời cầu nguyện dâng lên Ngài, lắng nghe và tham gia thảo luận về Lời Ngài, chúng ta biểu lộ tình yêu thương đối với Ngài trong sự thờ phượng thanh sạch.

Những buổi nhóm họp của tín đồ đạo Đấng Ki-tôlà những dịp vui mừng thờ phượng Đức Giê-hô-va

16. Một trong những mệnh lệnh quan trọng nhất đòi hỏi nơi người tín đồ chân chính của Đấng Christ là gì, và tại sao chúng ta cảm thấy được thôi thúc để vâng theo lệnh ấy?

16 Chúng ta cũng thờ phượng Đức Giê-hô-va khi nói với người khác về Ngài, công khai ca ngợi Ngài. (Hê-bơ-rơ 13:15) Thật vậy, rao truyền tin mừng về Nước Trời của Đức Giê-hô-va là một trong những mệnh lệnh quan trọng nhất đòi hỏi nơi người tín đồ chân chính của Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 24:14) Chúng ta thiết tha vâng lời vì yêu mến Đức Giê-hô-va. Khi suy nghĩ về cách mà “chúa đời nầy”, Sa-tan Ma-quỉ, ‘đã làm mù lòng những kẻ chẳng tin’, tung ra những lời dối trá ác độc về Đức Giê-hô-va, chúng ta không ao ước được làm Nhân Chứng cho Đức Chúa Trời chúng ta, phản bác lời vu khống như thế hay sao? (2 Cô-rinh-tô 4:4; Ê-sai 43:10-12) Và khi suy ngẫm về những đức tính tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va, chúng ta không cảm thấy niềm ao ước dâng lên trong lòng, muốn nói cho người khác biết về Ngài hay sao? Thật vậy, không thể có đặc ân nào quý hơn việc giúp người khác nhận biết và yêu thương Cha trên trời của chúng ta như chúng ta yêu thương Ngài.

17. Sự thờ phượng của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì, và tại sao chúng ta phải thờ phượng với lòng trung kiên?

17 Sự thờ phượng của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va bao hàm nhiều hơn nữa, chi phối mọi khía cạnh trong đời sống chúng ta. (Cô-lô-se 3:23) Nếu thật sự công nhận Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng, thì chúng ta sẽ cố tìm cách làm theo ý muốn Ngài trong mọi khía cạnh—đời sống gia đình, việc làm ngoài đời, cách cư xử với người khác, thì giờ giải trí của chúng ta. Với lòng trung kiên, chúng ta sẽ cố tìm cách phụng sự Đức Giê-hô-va “hết lòng”. (1 Sử-ký 28:9) Sự thờ phượng như thế không chấp nhận một tấm lòng không trọn vẹn hay lối sống hai mặt—bề ngoài giả dối phụng sự Đức Giê-hô-va trong khi lén lút phạm tội trọng. Lòng trung kiên không thể dung dưỡng sự đạo đức giả như thế; tình yêu thương kinh tởm sự giả hình. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời cũng giúp ích. Kinh Thánh gắn liền lòng tôn kính ấy với việc  chúng ta tiếp tục giữ mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 25:14.

Noi gương Đức Giê-hô-va

18, 19. Tại sao là điều thực tế khi nghĩ rằng dù chỉ là người bất toàn, chúng ta vẫn có thể noi gương Giê-hô-va Đức Chúa Trời?

18 Mỗi phần trong sách này đều kết thúc bằng một chương bàn về cách “trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài”. (Ê-phê-sô 5:1) Điều trọng yếu phải nhớ là tuy bất toàn, chúng ta vẫn thật sự có thể noi gương hoàn toàn của Đức Giê-hô-va trong cách Ngài sử dụng uy quyền, thực thi sự công bình, hành động khôn ngoan, và biểu lộ tình yêu thương. Làm sao chúng ta biết mình có thể noi gương Đấng Toàn Năng? Hãy nhớ rằng ý nghĩa của danh Đức Giê-hô-va dạy chúng ta biết Ngài có thể tự trở nên bất kỳ điều gì Ngài muốn để hoàn thành ý định Ngài. Kính sợ khả năng ấy là đúng, nhưng có phải chúng ta hoàn toàn không thể noi gương Ngài? Không.

19 Chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 1:26) Do đó, loài người không như bất cứ tạo vật nào khác trên trái đất. Chúng ta không bị chi phối hoàn toàn bởi bản năng, tính di truyền, hoặc các nhân tố của môi trường xung quanh. Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta điều quý giá—tự do ý chí. Tuy có các giới hạn và bất toàn, chúng ta có tự do lựa chọn mình sẽ trở thành hạng người nào. Bạn muốn trở thành người yêu thương, khôn ngoan, công bằng, và sử dụng quyền hạn đúng đắn không? Nhờ thánh linh Đức Giê-hô-va trợ giúp, bạn có thể trở thành một người đúng như thế! Hãy nghĩ đến các việc tốt lành mà bạn sẽ thực hiện trên cương vị đó.

20. Khi noi gương Đức Giê-hô-va chúng ta thực hiện việc lành nào?

20 Bạn sẽ làm Cha trên trời của bạn hài lòng, đẹp ý. (Châm-ngôn 27:11) Thậm chí bạn cũng có thể làm Đức Giê-hô-va “đẹp lòng... mọi đường”, vì Ngài hiểu những giới hạn của bạn. (Cô-lô-se 1:9, 10) Và khi tiếp tục vun trồng những đức tính tốt đẹp noi gương Cha yêu thương trên trời, bạn sẽ được ban cho đặc ân rất lớn. Trong một thế gian tối tăm thù nghịch với Đức Chúa Trời, bạn sẽ là người mang ánh sáng. (Ma-thi-ơ 5:1, 2, 14) Bạn sẽ góp phần phổ biến rộng rãi trên trái đất một số điều phản ánh cá tính sáng ngời của Đức Giê-hô-va. Một vinh dự lớn thay!

 “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”

Mong sao bạn luôn đến gần hơn với Đức Giê-hô-va

21, 22. Cuộc hành trình vô tận nào ở phía trước tất cả những người yêu mến Đức Giê-hô-va?

21 Lời khuyên đơn giản nơi Gia-cơ 4:8 không chỉ là mục tiêu nhằm đạt tới. Đó là một cuộc hành trình. Miễn là chúng ta giữ vẹn lòng trung thành, cuộc hành trình ấy sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng ta sẽ càng ngày càng đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Thật vậy, luôn luôn có thể tìm hiểu Ngài nhiều hơn. Không nên tưởng rằng sách này đã dạy chúng ta biết hết mọi điều về Đức Giê-hô-va. Thật ra, chúng ta chỉ mới bàn sơ về tất cả những điều mà Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời của chúng ta! Và ngay cả chính Kinh Thánh cũng không nói cho chúng ta biết mọi điều về Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Giăng nghĩ rằng nếu viết ra mọi việc Chúa Giê-su đã làm trong thánh chức trên đất thì “cả thế-gian không thể chứa hết các sách... chép” ra. (Giăng 21:25) Nếu có thể nói thế về Con Đức Chúa Trời, thì có thể nói về Cha nhiều đến mức nào nữa!

22 Ngay cả khi sống vĩnh cửu chúng ta cũng không thể tìm hiểu  hết về Đức Giê-hô-va được. (Truyền-đạo 3:11) Vậy, hãy suy nghĩ về triển vọng trước mặt chúng ta. Sau khi đã sống hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm, chúng ta sẽ biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng lúc ấy chúng ta vẫn sẽ cảm thấy còn vô số điều kỳ diệu để học hỏi. Chúng ta sẽ háo hức học nhiều hơn, vì chúng ta sẽ luôn luôn có lý do để cảm nghĩ như người viết Thi-thiên đã hát: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 73:28) Sự sống vĩnh cửu sẽ phong phú và đa dạng ngoài sức tưởng tượng—và việc đến gần Đức Giê-hô-va hơn sẽ luôn luôn là điều mãn nguyện nhất trong đời sống như thế.

23. Bạn được khuyến khích làm gì?

23 Mong sao bạn đáp lại tình yêu thương của Đức Giê-hô-va ngay bây giờ, bằng cách yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức bạn. (Mác 12:29, 30) Mong sao tình yêu thương của bạn trung tín và kiên định. Mong sao tất cả những quyết định hàng ngày của bạn, từ nhỏ nhất đến lớn nhất, đều phản ánh cùng một nguyên tắc chủ đạo—ấy là bạn sẽ luôn luôn chọn theo con đường đưa bạn đến mối quan hệ bền vững hơn với Cha yêu thương của bạn trên trời. Trên hết, mong sao bạn luôn đến gần Đức Giê-hô-va, và mong sao Ngài luôn đến gần bạn—cho đến vô tận!