Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 29

Có phải tiệc nào Đức Chúa Trời cũng hài lòng không?

Có phải tiệc nào Đức Chúa Trời cũng hài lòng không?

Tại sao Đức Chúa Trời hài lòng về bữa tiệc này?

EM THÍCH dự tiệc không?Tiệc tùng có thể rất vui. Em nghĩ Thầy Vĩ Đại có muốn chúng ta đi dự tiệc không?— Ngài đã đi dự một tiệc cưới và một số môn đồ cùng đi với ngài. Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, nên Ngài hài lòng khi chúng ta được vui vẻ tại những bữa tiệc lành mạnh.—1 Ti-mô-thê 1:11; Giăng 2:1-11.

Trang 29 của quyển sách này cho chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va rẽ Biển Đỏ để dân Y-sơ-ra-ên băng qua. Em có nhớ câu chuyện này không?— Sau đó, dân chúng ca hát, nhảy múa và tạ ơn Đức Giê-hô-va. Dịp đó giống như một bữa tiệc vậy. Dân chúng rất vui vẻ, và chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời cũng vui mừng nữa.—Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1, 20, 21.

Gần 40 năm sau, dân Y-sơ-ra-ên đi dự một tiệc lớn khác. Lần này, những người mời họ thậm chí không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Thật vậy, những người này còn quỳ lạy những thần khác và có tập tục ăn nằm với nhau dù không phải là vợ chồng. Em nghĩ đi dự tiệc như thế có tốt không?— Đức Giê-hô-va không hài lòng, và Ngài phạt người Y-sơ-ra-ên.—Dân-số Ký 25:1-9; 1 Cô-rinh-tô 10:8.

Kinh Thánh cũng kể về hai tiệc sinh nhật. Có phải một trong hai tiệc này là để ăn mừng sinh nhật của Thầy Vĩ Đại không?— Không. Cả hai tiệc sinh nhật này đều là của những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Một tiệc là sinh nhật của Vua Hê-rốt An-ti-ba. Ông là người cai trị vùng Ga-li-lê khi Chúa Giê-su còn sống ở đó.

Vua Hê-rốt làm nhiều điều ác. Ông lấy vợ của em mình. Tên bà là Hê-rô-đia. Giăng Báp-tít, tôi tớ Đức Chúa Trời, bảo Vua Hê-rốt rằng làm điều đó là sai. Hê-rốt không thích điều Giăng nói. Cho nên ông bỏ tù Giăng.—Lu-ca 3:19, 20.

Khi Giăng đang ở tù, thì đến ngày để ăn mừng sinh nhật của Vua Hê-rốt. Ông tổ chức một tiệc lớn, và mời nhiều người quan trọng. Họ đều ăn uống vui vẻ. Rồi con gái của Hê-rô-đia đi vào và nhảy múa giúp vui. Mọi người đều rất vui thích xem cô ta nhảy múa đến nỗi Vua Hê-rốt muốn cho cô một món quà đặc biệt. Ông nói với cô: “Bất kỳ ngươi xin điều chi, ta cũng sẽ cho, dầu xin phân nửa nước ta cũng vậy”.

Cô ta sẽ xin gì đây? Tiền bạc? Quần áo đẹp? Một lâu đài riêng cho mình? Cô không biết xin gì. Vì thế cô đi hỏi mẹ là Hê-rô-đia: ‘Con nên xin điều chi?’

Hãy nhớ rằng Hê-rô-đia rất ghét Giăng Báp-tít. Cho nên bà bảo con gái mình xin cái đầu của Giăng. Cô gái trở lại nói với vua: ‘Con muốn vua lập tức cho con cái đầu Giăng Báp-tít để trên mâm’.

Vua Hê-rốt không muốn giết Giăng vì biết Giăng là người tốt. Nhưng Hê-rốt đã hứa rồi, và ông sợ những người dự tiệc sẽ nghĩ sao nếu ông đổi ý. Vì vậy ông sai một người đi vào ngục để chém đầu Giăng. Chẳng lâu sau người đó trở lại. Ông để đầu của Giăng trên mâm và đưa cho cô gái. Rồi cô đưa cho mẹ mình.—Mác 6:17-29.

Một tiệc sinh nhật khác mà Kinh Thánh kể đến không khá gì hơn. Bữa tiệc này là sinh nhật vua xứ Ai Cập. Trong bữa tiệc này, ông vua cũng ra lệnh chém đầu một người. Sau đó, ông treo người đó lên để cho chim chóc ăn thịt! (Sáng-thế Ký 40:19-22) Em nghĩ Đức Chúa Trời có chấp nhận hai tiệc này không?— Liệu em muốn có mặt tại đấy không?—

Điều gì xảy ra tại tiệc sinh nhật của Hê-rốt?

Chúng ta biết mọi điều ghi trong Kinh Thánh đều có mục đích nào đó. Kinh Thánh chỉ kể về hai tiệc sinh nhật thôi. Và tại cả hai tiệc đó, người ta đều làm những điều ác trong lúc ăn mừng. Thế thì em nghĩ Đức Chúa Trời đang cho chúng ta biết gì về tiệc sinh nhật? Đức Chúa Trời có muốn chúng ta ăn mừng sinh nhật không?—

Đành rằng ngày nay tại những bữa tiệc như thế người ta không chém đầu ai. Nhưng thực hành ăn mừng sinh nhật bắt nguồn từ những người không thờ phượng Đức Chúa Trời thật. Về các lễ sinh nhật được nói đến trong Kinh Thánh, một cuốn bách khoa tự điển nói: “Chỉ những kẻ tội lỗi... mới ăn mừng hoan hỉ ngày mình sinh ra”. (The Catholic Encyclopedia) Chúng ta có muốn giống như họ không?—

Còn Thầy Vĩ Đại thì sao? Ngài có ăn mừng sinh nhật của mình không?— Không, Kinh Thánh không nói bất cứ điều gì đến tiệc sinh nhật cho Chúa Giê-su. Trên thực tế, môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu không ăn mừng sinh nhật của ngài. Em có biết tại sao về sau người ta lại quyết định ăn mừng sinh nhật của Chúa Giê-su vào ngày 25 tháng 12 không?—

Theo một cuốn bách khoa tự điển, ngày đó được chọn vì “dân thành Rô-ma lúc đó đã tổ chức lễ Thổ Tinh vào ngày đó, ăn mừng sinh nhật của mặt trời”. (The World Book Encyclopedia) Vậy thì người ta chọn ngày lễ của người ngoại giáo để ăn mừng sinh nhật Chúa Giê-su!

Em có biết tại sao Chúa Giê-su không thể nào sinh vào tháng 12 không?— Bởi vì Kinh Thánh nói rằng vào đêm Chúa Giê-su sinh ra, những người chăn chiên vẫn còn ở ngoài đồng. (Lu-ca 2:8-12) Và họ hẳn không ở ngoài đồng trong tháng 12, một tháng lạnh lẽo và hay có mưa.

Tại sao ngày 25 tháng 12 không thể nào là ngày sinh của Chúa Giê-su?

Nhiều người biết Lễ Giáng Sinh không phải là sinh nhật của Chúa Giê-su. Họ còn biết rằng vào ngày đó, người ngoại giáo cử hành một lễ không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Thế nhưng, nhiều người vẫn cứ ăn mừng Lễ Giáng Sinh. Họ quan tâm nhiều đến việc tổ chức tiệc tùng hơn là việc tìm hiểu Đức Chúa Trời thật sự nghĩ sao về lễ này. Nhưng chúng ta muốn làm Đức Giê-hô-va hài lòng, phải không?—

Vậy khi mở tiệc, chúng ta phải chắc chắn rằng những tiệc này được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Chúng ta có thể mở tiệc bất cứ lúc nào trong năm. Chúng ta không cần phải chờ đến một ngày đặc biệt. Chúng ta có thể ăn món đặc biệt và được vui vẻ chơi các trò chơi. Em có thích làm vậy không?— Có lẽ em có thể nói chuyện với cha mẹ và xin cha mẹ giúp để tổ chức một bữa tiệc. Điều đó thật vui thích, phải không?— Nhưng trước khi tổ chức một bữa tiệc, em phải chắc chắn tiệc đó được Đức Chúa Trời chấp nhận.

Làm sao chúng ta có thể chắc chắn Đức Chúa Trời hài lòng về các tiệc của mình?

Tầm quan trọng của việc luôn luôn làm những gì Đức Chúa Trời chấp nhận cũng được nêu rõ nơi Châm-ngôn 12:2; Giăng 8:29; Rô-ma 12:2; và 1 Giăng 3:22.