Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 45

Nước Trời là gì? Làm sao cho thấy ta muốn Nước đó đến?

Nước Trời là gì? Làm sao cho thấy ta muốn Nước đó đến?

EM CÓ biết lời cầu nguyện Chúa Giê-su dạy cho các môn đồ không?— Nếu em không biết, chúng ta có thể cùng đọc lời cầu nguyện đó nơi Ma-thi-ơ 6:9-13. Nhiều người gọi lời cầu nguyện này là Kinh Lạy Cha, trong đó có câu: “Nước Cha được đến”. Em có biết Nước Trời là gì không?—

Em biết không, Nước Trời là một chính phủ. Có nhiều loại chính phủ, và trong một số chính phủ, người đứng đầu được gọi là tổng thống hay chủ tịch, nhưng chính phủ mà Đức Chúa Trời hứa thì được gọi là Nước Trời và người cai trị thì được gọi là Vua.

Em có biết ai được Giê-hô-va Đức Chúa Trời chọn làm Vua chính phủ Ngài không?— Đó là Con Ngài, Chúa Giê-su Christ. Tại sao Chúa Giê-su tốt hơn bất cứ người cai trị nào mà loài người có thể chọn?— Đó là vì Chúa Giê-su thật sự yêu mến Cha ngài là Đức Giê-hô-va. Vì thế ngài luôn luôn làm điều công bình.

Từ lâu trước khi Chúa Giê-su ra đời ở Bết-lê-hem, Kinh Thánh đã cho biết về sự sinh ra của ngài và nói rằng ngài sẽ là Đấng Cai Trị mà Đức Chúa Trời đã chọn. Hãy đọc về điều này nơi Ê-sai 9:5, 6: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai-trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là... Chúa Bình-an. Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi”.

Trong câu này, Chúa Giê-su với tư cách Đấng Cai Trị Nước Đức Chúa Trời được gọi là “Chúa”. Ngài cũng là Con của vị Vua Vĩ Đại là Đức Giê-hô-va. Nhưng Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm Chúa Giê-su làm Vua chính phủ Ngài là nước sẽ cai trị đất trong một ngàn năm. (Khải-huyền 20:6) Sau khi làm báp têm, Chúa Giê-su khởi sự “giảng-dạy rằng: Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần”.—Ma-thi-ơ 4:17.

Em nghĩ tại sao Chúa Giê-su nói rằng Nước Trời đã đến gần?— Bởi vì vị Vua, đấng sau này sẽ cai trị trên trời, ở ngay đó với họ! Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su bảo họ: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. (Lu-ca 17:21, TTGM) Em có thích Vua của Đức Giê-hô-va ở thật gần em, đến mức em có thể sờ được ngài không?—

Em có biết công việc quan trọng mà Chúa Giê-su xuống đất để làm là gì không?— Chúa Giê-su trả lời câu hỏi đó: “Ta cũng phải rao Tin-lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác; vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến”. (Lu-ca 4:43) Chúa Giê-su biết rằng một mình ngài không thể làm hết mọi công việc rao giảng. Vì vậy, em nghĩ ngài đã làm gì?—

Chúa Giê-su xuống đất để làm công việc gì?

Chúa Giê-su đem môn đồ đi với ngài và chỉ cho họ thấy cách rao giảng. Những người đầu tiên được ngài huấn luyện là 12 người mà ngài đã chọn làm sứ đồ. (Ma-thi-ơ 10:5, 7) Nhưng có phải chỉ các sứ đồ mới được Chúa Giê-su huấn luyện làm công việc này không? Không, Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-su cũng huấn luyện nhiều người khác để rao giảng nữa. Cuối cùng, ngài sai 70 môn đồ đi trước ngài, được chia thành nhóm, mỗi nhóm hai người. Họ dạy dân chúng điều gì?— Chúa Giê-su chỉ thị: “[Hãy] nói với họ rằng: Nước Đức Chúa Trời đến gần các ngươi”. (Lu-ca 10:9) Bằng cách này, dân chúng biết về chính phủ Đức Chúa Trời.

Ngày xưa, ở nước Y-sơ-ra-ên, vị vua mới lên ngôi thường cưỡi lừa vào thành để ra mắt dân sự. Chúa Giê-su cũng làm như vậy khi thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Như em biết, Chúa Giê-su sẽ là Đấng Cai Trị Nước Đức Chúa Trời. Người ta có muốn ngài làm Vua không?—

Khi ngài cưỡi lừa vào thành, phần lớn người trong đám đông trải áo ngoài trên đường trước mặt ngài. Những người khác chặt nhánh cây và để trên đường. Khi làm như vậy, họ cho thấy rằng họ muốn Chúa Giê-su làm Vua cai trị họ. Họ tung hô: “Đáng ngợi-khen Vua nhân danh Chúa mà đến!” Nhưng không phải mọi người đều vui mừng. Thật ra, một số nhà lãnh đạo tôn giáo còn nói với Chúa Giê-su: ‘Xin bảo môn đồ thầy im đi’.—Lu-ca 19:28-40.

Tại sao người ta đổi ý, không còn muốn Chúa Giê-su làm Vua?

Năm ngày sau, Chúa Giê-su bị bắt và bị giải vào một dinh thự để trình diện trước quan tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát. Kẻ thù Chúa Giê-su nói rằng ngài tự xưng là vua và chống lại chính quyền La Mã. Vì thế Phi-lát hỏi Chúa Giê-su về lời buộc tội này. Chúa Giê-su nói rằng ngài không hề có ý chiếm đoạt chính quyền. Ngài nói với Phi-lát: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”.—Giăng 18:36.

Rồi Phi-lát đi ra ngoài và nói với dân chúng rằng ông không thấy Chúa Giê-su có tội gì. Nhưng giờ đây, dân chúng không muốn Chúa Giê-su là Vua của họ. Họ không muốn ngài được tha. (Giăng 18:37-40) Sau khi nói chuyện với Chúa Giê-su một lần nữa, Phi-lát chắc chắn rằng Chúa Giê-su không làm điều gì sai quấy. Vì vậy, cuối cùng, Phi-lát đem Chúa Giê-su ra ngoài lần chót và nói: “Vua các ngươi kia kìa!” Nhưng dân chúng la lên: ‘Hãy trừ hắn đi, trừ hắn đi! Đóng đinh hắn trên cây đi!’

Phi-lát hỏi: ‘Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi lên cây hay sao?’ Các thầy tế lễ cả thưa rằng: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi”. Em có thể tưởng tượng được một điều như thế không? Các thầy tế lễ gian ác đã lôi kéo được dân chúng chống lại Chúa Giê-su!—Giăng 19:1-16.

Thời nay cũng rất giống thời đó. Đa số người ta thật sự không muốn Chúa Giê-su làm Vua. Họ có thể nói họ tin nơi Đức Chúa Trời, nhưng lại không muốn Đức Chúa Trời hay Đấng Christ bảo họ phải làm gì. Họ muốn chính quyền của họ ngay trên đất này.

Còn chúng ta thì sao? Khi học biết về Nước Đức Chúa Trời và tất cả những điều tuyệt vời Nước ấy sẽ mang lại, chúng ta cảm thấy thế nào về Đức Chúa Trời?— Chúng ta yêu mến Ngài phải không?— Vậy, làm thế nào chúng ta có thể cho Đức Chúa Trời thấy mình thật sự yêu mến Ngài và muốn Nước Ngài cai trị?—

Tại sao Chúa Giê-su làm báp têm, và Đức Chúa Trời cho thấy Ngài chấp nhận việc này như thế nào?

Chúng ta có thể cho Đức Chúa Trời thấy cảm xúc chân thành của chúng ta bằng cách theo gương Chúa Giê-su. Và Chúa Giê-su đã làm gì để cho thấy ngài yêu mến Đức Giê-hô-va?— Chúa Giê-su giải thích: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài”. (Giăng 8:29) Đúng, Chúa Giê-su xuống đất để ‘làm theo ý muốn Đức Chúa Trời’ và để “làm trọn công-việc Ngài”. (Hê-bơ-rơ 10:7; Giăng 4:34) Hãy xem Chúa Giê-su đã làm gì trước khi bắt đầu công việc rao giảng.

Chúa Giê-su đi đến gặp Giăng Báp-tít ở Sông Giô-đanh. Sau khi bước xuống sông, Giăng đã nhận Chúa Giê-su xuống dưới nước rồi nâng ngài lên khỏi mặt nước. Em có biết tại sao Giăng làm báp têm cho Chúa Giê-su không?—

Chúng ta có thể nói với người khác về Nước Đức Chúa Trời ở những nơi nào?

Chúa Giê-su đã yêu cầu Giăng làm báp têm cho ngài. Nhưng làm sao chúng ta biết Đức Chúa Trời muốn Chúa Giê-su làm báp têm?— Bởi vì khi Chúa Giê-su trồi lên khỏi mặt nước, ngài nghe thấy tiếng Đức Chúa Trời phán từ trời: “Ngươi là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường”. Đức Chúa Trời còn đổ thánh linh dưới hình chim bồ câu xuống trên Chúa Giê-su. Vậy qua việc làm báp têm, Chúa Giê-su cho thấy ngài muốn phụng sự Đức Giê-hô-va suốt đời, đúng vậy, đến muôn đời.—Mác 1:9-11.

Bây giờ em vẫn còn nhỏ. Nhưng sau này lớn lên, em sẽ làm gì?— Em có noi gương Chúa Giê-su và làm báp têm không?— Em nên noi gương ngài, vì Kinh Thánh nói rằng ngài để lại cho em ‘một gương, hầu cho em noi dấu chân Ngài’. (1 Phi-e-rơ 2:21) Khi làm báp têm, em sẽ chứng tỏ mình thật sự muốn Nước Đức Chúa Trời cai trị. Nhưng chỉ làm báp têm thôi thì không đủ.

Chúng ta cần vâng theo mọi điều Chúa Giê-su dạy. Chúa Giê-su nói chúng ta phải “không thuộc về thế-gian”. Nếu chúng ta dính líu vào những gì thuộc thế gian thì chúng ta có vâng lời ngài không? Chúa Giê-su và các sứ đồ ngài tránh xa những điều thuộc về thế gian. (Giăng 17:14) Thay vì thế họ làm gì?— Họ nói với người khác về Nước Đức Chúa Trời. Đó là công việc rất quan trọng trong đời sống họ. Chúng ta cũng có thể làm công việc đó không?— Có chứ, và chúng ta sẽ làm được công việc đó nếu thành thật khi cầu xin Nước Đức Chúa Trời đến.

Hãy xem những câu Kinh Thánh khác cho biết chúng ta có thể làm gì để chứng tỏ mình muốn Nước Đức Chúa Trời đến: Ma-thi-ơ 6:24-33; 24:14; 1 Giăng 2:15-17; và 1 Giăng 5:3.