Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MỘT

Sự thật về Đức Chúa Trời

Sự thật về Đức Chúa Trời
  • Đức Chúa Trời có thật sự quan tâm đến bạn không?

  • Đức Chúa Trời là một Đấng như thế nào? Ngài có danh riêng không?

  • Có thể nào đến gần Đức Chúa Trời không?

1, 2. Tại sao chúng ta nên nêu ra câu hỏi?

BẠN có từng để ý cách trẻ con nêu câu hỏi không? Nhiều em bắt đầu hỏi khi vừa biết nói. Với cặp mắt mở to, háo hức, chúng ngước nhìn bạn và hỏi những câu như: Tại sao trời màu xanh? Tại sao ngôi sao lại sáng? Ai dạy chim hót? Bạn cố gắng trả lời, nhưng không phải lúc nào cũng dễ. Dù bạn trả lời hay đến đâu, chúng vẫn có thể hỏi thêm: Tại sao?

2 Không phải chỉ trẻ con mới hỏi. Trong thời gian khôn lớn, chúng ta tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng ta hỏi để biết đường đi, biết những nguy hiểm mình cần tránh, hay để thỏa mãn tính tò mò. Nhưng nhiều người dường như ngừng hỏi, nhất là những câu hết sức quan trọng, hay là họ ngưng tìm câu trả lời.

3. Tại sao nhiều người không còn cố gắng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng nhất?

3 Hãy nghĩ đến câu hỏi nơi trang bìa của sách này, những câu hỏi nêu ra trong lời mở đầu, hoặc những câu nơi phần đầu chương này. Đó là một số trong những câu hỏi rất quan trọng mà bạn có thể nêu ra. Thế nhưng nhiều người bỏ cuộc không còn cố gắng tìm lời giải đáp. Tại sao? Kinh Thánh có câu trả lời không? Một số người cảm thấy các lời giải đáp trong đó quá khó hiểu. Những người khác sợ bị ngượng khi đặt câu hỏi. Còn một số cho rằng tốt hơn là nên để dành các thắc mắc đó cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và thầy dạy giáo lý. Riêng bạn, bạn nghĩ sao?

4, 5. Chúng ta có thể nêu ra một số câu hỏi hết sức quan trọng nào về đời sống, và tại sao chúng ta nên tìm câu trả lời?

4 Rất có thể là bạn muốn tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng trong đời sống. Chắc có lúc bạn tự hỏi: ‘Mục đích đời sống là gì? Đời sống này chỉ có thế thôi sao? Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?’ Đó là những câu đáng hỏi, và điều quan trọng là bạn không bỏ cuộc cho đến khi tìm ra câu trả lời thỏa mãn, đáng tin cậy. Chúa Giê-su Christ, vị thầy nổi tiếng, đã nói: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho”.—Ma-thi-ơ 7:7.

5 Nếu tiếp tục tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng đó thì bạn sẽ thấy rất có lợi. (Châm-ngôn 2:1-5) Bất kể người khác nói gì với bạn, sự thật là lời giải đáp và bạn có thể tìm được—trong Kinh Thánh. Câu trả lời không quá khó hiểu và hơn nữa còn đem lại hy vọng và niềm vui. Những lời giải đáp ấy có thể giúp bạn có đời sống thỏa nguyện ngay bây giờ. Để bắt đầu, chúng ta hãy xem xét một câu hỏi đã làm nhiều người bối rối.

CÓ PHẢI ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG QUAN TÂM VÀ CHẲNG THƯƠNG XÓT?

6. Tại sao nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời không quan tâm đến sự đau khổ của loài người?

6 Nhiều người nghĩ như vậy. Họ lý luận: ‘Nếu Đức Chúa Trời quan tâm thì thế giới đã không đến nỗi này’. Nhìn quanh chúng ta đều thấy thế giới có đầy chiến tranh, hận thù và khổ đau. Còn về phương diện cá nhân, chúng ta bị bệnh tật, đau đớn, mất người thân. Vì thế nhiều người nói: ‘Nếu Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta và các vấn đề của chúng ta, chẳng lẽ Ngài lại không ngăn cản những chuyện như thế xảy ra?’

7. (a) Làm thế nào những người dạy giáo lý khiến nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời chẳng thương xót? (b) Kinh Thánh thật sự dạy gì về những cám dỗ, thử thách mà chúng ta gặp phải?

7 Tệ hơn nữa, những người dạy giáo lý đôi khi khiến người ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời chẳng thương xót. Tại sao? Khi thảm họa bất ngờ xảy ra, họ nói rằng đó là ý Chúa. Thực ra là những người đó đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về những tai họa xảy ra. Nói thế có đúng không? Kinh Thánh thật sự dạy gì? Gia-cơ 1:13 trả lời: “Chớ có ai đương bị cám-dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. Vậy Đức Chúa Trời không bao giờ là nguồn của sự gian ác mà bạn thấy trên khắp thế giới. (Gióp 34:10-12) Đành rằng Ngài để cho những điều xấu xảy ra, nhưng có sự khác biệt lớn giữa việc để cho một điều xảy ra và gây ra điều ấy.

8, 9. (a) Bạn có thể minh họa ra sao về sự khác biệt giữa việc để cho sự gian ác xảy ra và gây ra nó? (b) Tại sao chỉ trích quyết định của Đức Chúa Trời để nhân loại đi theo đường lối ương ngạnh là không công bằng?

8 Thí dụ, hãy nghĩ về một người cha khôn ngoan và yêu thương có một con trai đã lớn còn ở trong nhà. Khi con bắt đầu chống lại cha mẹ và quyết định bỏ nhà đi, người cha không cản. Người con theo lối sống trụy lạc và rơi vào tình trạng khó khăn. Người cha có gây ra vấn đề cho con không? Không. (Lu-ca 15:11-13) Tương tự, Đức Chúa Trời không cản loài người khi họ chọn theo con đường xấu, nhưng Ngài không gây ra vấn đề mà họ gặp phải. Vậy, chắc chắn là không công bằng nếu trách Đức Chúa Trời về mọi vấn đề làm khổ nhân loại.

9 Đức Chúa Trời có lý do khi để cho nhân loại đi theo con đường xấu. Là Đấng Tạo Hóa khôn ngoan và đầy quyền lực, Ngài không cần giải thích cho chúng ta biết lý do đó, nhưng vì yêu thương Ngài đã cho biết. Bạn sẽ biết thêm về những lý do này trong Chương 11. Nhưng hãy tin chắc là Đức Chúa Trời không có lỗi về những vấn đề chúng ta gặp phải. Trái lại, Ngài đưa ra một giải pháp, là hy vọng duy nhất cho chúng ta!—Ê-sai 33:2.

10. Tại sao chúng ta có thể tin cậy Đức Chúa Trời sẽ sửa đổi lại mọi hậu quả của sự gian ác?

10 Ngoài ra, Đức Chúa Trời là thánh. (Ê-sai 6:3) Điều này có nghĩa là Ngài thanh khiết và trong sạch. Nơi Ngài chẳng có dấu vết xấu xa nào cả. Chúng ta có thể tuyệt đối tin cậy Ngài, nhưng không thể hoàn toàn tin cậy loài người được vì đôi khi họ trở nên bại hoại. Ngay cả những nhà cầm quyền lương thiện nhất cũng thường không có quyền lực để sửa đổi những thiệt hại mà người ác gây ra. Nhưng Đức Chúa Trời là toàn năng. Ngài có khả năng và sẽ sửa đổi lại mọi hậu quả do sự gian ác gây ra cho nhân loại. Khi làm điều đó, Đức Chúa Trời sẽ vĩnh viễn chấm dứt sự gian ác!—Thi-thiên 37:9-11.

ĐỨC CHÚA TRỜI CẢM THẤY THẾ NÀO VỀ SỰ BẤT CÔNG MÀ CHÚNG TA GẶP PHẢI?

11. (a) Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về sự bất công? (b) Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào trước sự đau khổ của bạn?

11 Trong lúc này, Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về những gì đang diễn ra trên thế giới và trong đời sống bạn? Trước hết, Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời “chuộng sự công-bình”. (Thi-thiên 37:28) Vì vậy Ngài quan tâm sâu xa về điều thiện và ác. Ngài ghét mọi sự bất công. Khi sự gian ác lan tràn vào thời xưa, Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời “buồn-rầu trong lòng”. (Sáng-thế Ký 6:5, 6) Đức Chúa Trời không hề thay đổi. (Ma-la-chi 3:6) Ngài không muốn thấy sự đau khổ hiện đang diễn ra trên khắp đất. Và Đức Chúa Trời không muốn thấy người ta khốn khổ. Kinh Thánh khuyến khích “hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:7.

Kinh Thánh dạy rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa yêu thương của vũ trụ

12, 13. (a) Tại sao chúng ta có những tính tốt chẳng hạn như yêu thương, và đức tính này ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về thế gian? (b) Tại sao bạn có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ giải quyết những vấn đề trên thế giới?

12 Làm sao chúng ta biết chắc Đức Chúa Trời không hề muốn thấy sự đau khổ xảy ra? Sau đây là bằng chứng khác. Kinh Thánh dạy rằng loài người được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 1:26) Ngài có tính tốt nên chúng ta cũng có những tính tốt. Thí dụ, chúng ta có buồn khi thấy người vô tội đau khổ không? Nếu bạn quan tâm đến những bất công như thế, chắc chắn Đức Chúa Trời còn quan tâm nhiều hơn nữa.

13 Một trong những điều tuyệt diệu về loài người là khả năng biết yêu thương. Điều ấy cũng phản ánh đức tính của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Vì thế chúng ta có đức tính này. Tình thương có thúc đẩy bạn muốn chấm dứt sự đau khổ và bất công mà bạn chứng kiến trên thế gian này không? Nếu có quyền làm thế, bạn sẽ làm không? Tất nhiên bạn sẽ làm! Vậy bạn cũng có thể chắc chắn là Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt sự đau khổ và bất công. Những lời hứa được đề cập trong lời mở đầu sách này không phải chỉ là giấc mơ hay ảo vọng. Lời hứa của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ thành sự thật! Nhưng để tin được những lời hứa như thế, bạn cần biết rõ hơn về Đấng đã hứa những điều ấy.

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN BẠN BIẾT VỀ NGÀI

Khi muốn người nào đó biết bạn, chẳng phải bạn giới thiệu tên mình sao? Đức Chúa Trời cho chúng ta biết danh Ngài trong Kinh Thánh

14. Danh Đức Chúa Trời là gì, và tại sao chúng ta nên sử dụng danh ấy?

14 Nếu muốn người nào đó biết mình thì bạn làm gì? Chẳng phải bạn cho người đó biết tên bạn sao? Đức Chúa Trời có tên không? Nhiều tôn giáo trả lời tên Ngài là “Đức Chúa Trời” hoặc “Chúa”, nhưng đó không phải là tên riêng, mà là tước vị, cũng như “vua” và “tổng thống” là những tước vị. Kinh Thánh dạy rằng Ngài có nhiều tước vị, chẳng hạn như “Đức Chúa Trời” và “Chúa”. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng dạy rằng Đức Chúa Trời có một danh riêng, đó là Giê-hô-va. Thi-thiên 83:18 nói: “Chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Nếu Kinh Thánh của bạn không có danh đó, bạn có thể xem Phụ Lục nơi trang 195-197 của sách này để biết lý do tại sao. Sự thật là danh Đức Chúa Trời xuất hiện hàng ngàn lần trong những bản Kinh Thánh chép tay cổ xưa. Vì vậy Đức Giê-hô-va muốn bạn biết và sử dụng danh Ngài. Có thể nói rằng Ngài dùng Kinh Thánh để tự giới thiệu với bạn.

15. Danh Giê-hô-va có nghĩa gì?

15 Đức Chúa Trời tự đặt cho mình một danh riêng và danh này có đầy ý nghĩa. Danh Ngài, Giê-hô-va, có nghĩa là Ngài có thể làm tròn bất cứ lời nào Ngài hứa và thực hiện bất cứ ý định nào của Ngài. * Danh Đức Chúa Trời có một không hai. Danh ấy chỉ thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va là độc nhất về nhiều phương diện. Như vậy có nghĩa gì?

16, 17. Chúng ta biết được gì về Đức Giê-hô-va qua những tước vị sau đây: (a) “Đức Chúa Trời Toàn-năng”? (b) “Vua của muôn đời”? (c) “Đấng Tạo Hóa”?

16 Chúng ta thấy rằng Thi-thiên 83:18 nói về Đức Giê-hô-va: “Chỉ một mình Chúa... là Đấng Chí-Cao”. Tương tự, một mình Đức Giê-hô-va được gọi là Đấng “Toàn-năng”. Khải-huyền 15:3 nói: “Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn-năng, công-việc Chúa lớn-lao và lạ-lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường-lối Ngài là công-bình và chân-thật!” Tước vị “Đức Chúa Trời Toàn-năng” cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va là Đấng có nhiều quyền lực nhất. Quyền năng Ngài vô song, tối thượng. Và tước vị “Vua của muôn đời” nhắc chúng ta là Đức Giê-hô-va độc nhất theo một nghĩa khác nữa. Chỉ một mình Ngài luôn luôn hiện hữu. Thi-thiên 90:2 nói: “Từ trước vô-cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”. Điều đó thật là ngoài sức tưởng tượng, phải không?

17 Đức Giê-hô-va cũng độc nhất vì chỉ một mình Ngài là Đấng Tạo Hóa. Khải-huyền 4:11 nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”. Mọi vật bạn nghĩ đến—từ những tạo vật thần linh vô hình trên trời đến các vì sao giăng đầy bầu trời về đêm, đến hoa quả mọc trên cây, đến cá lội dưới biển và sông ngòi—tất cả hiện hữu bởi vì Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa!

BẠN CÓ THỂ GẦN GŨI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÔNG?

18. Tại sao một số người cảm thấy rằng họ không bao giờ có thể đến gần Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh dạy gì?

18 Đọc về những đức tính đáng kính phục của Đức Giê-hô-va khiến một số người cảm thấy hơi lo lắng. Họ sợ rằng Đức Chúa Trời quá cao đối với họ và họ sẽ không bao giờ có thể đến gần Ngài hay là họ không có nghĩa lý gì đối với một Đức Chúa Trời cao cả như thế. Nhưng ý tưởng ấy có đúng không? Kinh Thánh không hề dạy như thế. Kinh Thánh nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”. (Công-vụ 17:27) Kinh Thánh còn giục chúng ta: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”.—Gia-cơ 4:8.

19. (a) Làm sao chúng ta đến gần Đức Chúa Trời, và có lợi ích nào? (b) Đức tính nào của Đức Chúa Trời thu hút nhất đối với bạn?

19 Làm sao bạn có thể đến gần Đức Chúa Trời? Trước hết, hãy tiếp tục làm điều mà bạn hiện đang làm—học về Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Đúng vậy, Kinh Thánh dạy rằng học về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su dẫn đến “sự sống đời đời”! Như đã được đề cập, “Đức Chúa Trời tức là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:16) Đức Giê-hô-va cũng có nhiều đức tính tuyệt vời, thu hút khác. Thí dụ, Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6) Ngài là “thiện, sẵn tha-thứ cho”. (Thi-thiên 86:5) Đức Chúa Trời kiên nhẫn. (2 Phi-e-rơ 3:9) Ngài là thành tín. (1 Cô-rinh-tô 1:9) Khi đọc thêm trong Kinh Thánh, bạn sẽ thấy cách Đức Giê-hô-va thể hiện những đức tính này và nhiều đức tính thu hút khác.

20-22. (a) Việc không thấy được Đức Chúa Trời có cản chúng ta đến gần Ngài không? Hãy giải thích. (b) Một số người quan tâm đến bạn có thể bảo bạn làm gì, nhưng bạn nên làm gì?

20 Thật vậy bạn không thể thấy Đức Chúa Trời vì Ngài là Thần vô hình. (Giăng 1:18; 4:24; 1 Ti-mô-thê 1:17) Tuy nhiên, qua việc học Kinh Thánh, bạn có thể biết Ngài là Đấng như thế nào. Như người viết Thi-thiên nói, bạn có thể “nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 27:4; Rô-ma 1:20) Càng biết về Đức Giê-hô-va, Ngài càng có thật đối với bạn và bạn có thêm lý do để yêu thương cũng như cảm thấy gần gũi với Ngài.

Tình thương mà người cha dành cho con phản ánh tình thương cao cả hơn mà Cha trên trời dành cho chúng ta

21 Dần dần bạn sẽ hiểu tại sao Kinh Thánh dạy chúng ta xem Đức Giê-hô-va như một người Cha. (Ma-thi-ơ 6:9) Không những Ngài ban cho sự sống mà còn muốn chúng ta có một đời sống tốt nhất, điều mà bất cứ người cha yêu thương nào cũng muốn cho con mình. (Thi-thiên 36:9) Kinh Thánh cũng dạy rằng con người có thể trở thành bạn Đức Giê-hô-va. (Gia-cơ 2:23) Hãy tưởng tượng—bạn có thể trở thành bạn của Đấng Tạo Hóa của vũ trụ!

22 Khi bạn học thêm về Kinh Thánh, một số người quan tâm đến bạn có thể bảo bạn ngưng học. Họ có lẽ lo là bạn sẽ thay đổi tín ngưỡng. Nhưng đừng để bất cứ người nào cản bạn tạo một tình bạn tốt nhất trên đời.

23, 24. (a) Tại sao bạn nên tiếp tục nêu câu hỏi về những gì bạn học? (b) Đề tài chương tới là gì?

23 Dĩ nhiên sẽ có những điều bạn không hiểu lúc đầu. Có thể cần phải khiêm nhường để nhờ người khác giúp, nhưng xin bạn đừng ngại. Chúa Giê-su nói rằng chúng ta nên khiêm nhường như một đứa bé. (Ma-thi-ơ 18:2-4) Và như chúng ta biết, trẻ con rất hay hỏi. Đức Chúa Trời muốn bạn tìm ra câu trả lời. Kinh Thánh khen một số người sốt sắng học về Đức Chúa Trời. Họ tra xét kỹ trong Kinh Thánh để biết chắc những gì họ đang học là lẽ thật.—Công-vụ 17:11.

24 Cách tốt nhất để học về Đức Giê-hô-va là tra xem Kinh Thánh. Cuốn sách này khác biệt với bất cứ sách nào khác. Về phương diện nào? Chương tới sẽ xem xét đề tài này.

^ đ. 15 Có thêm chi tiết về ý nghĩa và cách phát âm danh Đức Chúa Trời trong Phụ Lục, trang 195-197.